Hiện tình trạng ô nhiễm không khí chỉ tập trung ở một số thành phố và đô thị lớn. Còn ở nông thôn, miền núi thì không khí vẫn trong lành.

Hỏi: Việt Nam có phải là một trong những quốc gia có không khí ô nhiễm nhất thế giới? Hoàng Thu Hà (Hà Nội)

PGS.TS Lưu Đức Hải, khoa Môi trường, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội: Vừa rồi có nhiều báo cáo về chất lượng không khí ô nhiễm ở các thành phố. Hà Nội là một trong những thành phố lớn bị ô nhiễm không khí cao thứ 2 trong khu vực, không có nghĩa không khí ở cả nước ô nhiễm. Không khí ở Hà Nội và TP HCM ô nhiễm chủ yếu là do bụi. Còn các hóa chất hay khí thải độc hại của đô thị, các khu công nghiệp… cũng có nhưng không quá đậm đặc.

Ảnh: IE

Việc không khí ô nhiễm trầm trọng này là do xây dựng tràn lan, xe chở đất đá đi lại nghênh ngang trên đường, vật liệu xây dựng đổ hết ra đường giao thông. Các đường vành đai tại các đô thị lớn đều mù mịt bụi. Ví dụ theo quy định thì xe chở đất đá vật liệu xây dựng phải có mái che, nhưng xe vẫn chạy ầm ầm mà không có mái, cũng không bị ai phạt cả. Sự buông lỏng trong quản lý này đã tạo nên những hệ quả tệ hại.

Phải hiểu rằng tình trạng ô nhiễm này chỉ tập trung ở một số thành phố và đô thị lớn. Còn ở nông thôn, miền núi thì không khí vẫn trong lành. Vì thế không thể đánh đồng không khí Việt Nam là ô nhiễm nghiêm trọng được. Người sống và làm việc ở thành phố, nếu có điều kiện thì nên thường xuyên về các vùng quê, vùng ngoại thành, nơi có không khí trong lành để hít thở. Không khí ở các thành phố lớn ô nhiễm một phần vì áp lực dân cư quá lớn. Sự ô nhiễm này không “lây lan” được như nhiều người lầm tưởng. Do đó ở khu vực ngoại thành, những vùng có không gian rộng, nhiều cây xanh, ít các nhà máy công nghiệp… thì không khí vẫn rất trong lành.

Theo PGS Lưu Đức Hải, khoa Môi trường, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội/tinmoitruong.vn