Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có phát thải ròng bằng “0” thì các doanh nghiệp cần cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng những giải pháp tối ưu hóa hoạt động, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.

Biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao và an ninh toàn cầu. Tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam và gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; cùng 141 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và cùng gần 50 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Thực tế chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hay kinh tế carbon thấp là mục tiêu không hề dễ dàng. Trong bối cảnh đó, việc giảm “dấu chân carbon” đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hướng tới Net Zero. Giảm “dấu chân carbon” đồng nghĩa với giảm phát thải là một trong những yếu tố tiên quyết để hiện thực hóa mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Dù còn nhiều thách thức nhưng phát thải ròng bằng “0” là mục tiêu không thể trì hoãn, xu thế không thể đảo ngược. Các nhà khoa học đã chứng minh, chúng ta cần phải đưa thế giới về trạng thái này càng sớm càng tốt, chậm nhất là năm 2050 để hạn chế những tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu.


Tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, kinh doanh là yếu tố tiên quyết để giảm phát thải ròng bằng “0”. Ảnh minh họa

Năng lượng được xem là ngành quyết định cho cam kết phát thải ròng bằng “0”

Bộ kế hoạch và Đầu tư cho rằng, năng lượng được xem là ngành quyết định cho cam kết phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam vào năm 2050. Hiện Việt Nam đang triển khai các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2021 – 2030, có 8 ngành được ưu tiên về những can thiệp chính sách cho tăng trưởng xanh, trong đó năng lượng sẽ là ngành quyết định cam kết phát thải ròng bằng 0. Ngành năng lượng chiếm đến 60% lượng phát thải của toàn bộ nền kinh tế. Đến năm 2050, tổng lượng phát thải của nền kinh tế do ngành năng lượng chiếm tới 81%. Từ những con số này có thể thấy năng lượng là bài toán thiết yếu nhất.

Theo Bộ Công Thương, lượng phát thải carbon của ngành điện chiếm khoảng 70% tổng lượng carbon của nền kinh tế. Do đó, phát triển năng lượng tái tạo là một trong những hoạt động thương mại xanh ưu tiên hàng đầu.

Hiện nay, Việt Nam đang triển khai các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 với nguồn lực trong nước và hỗ trợ quốc tế. Việt Nam có trách nhiệm cùng với các quốc gia trong ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0, chuyển đổi năng lượng công bằng, “nhưng cần có cơ chế để cùng hành động.

Dự báo về dài hạn và tổng thể, chuyển đổi xanh sẽ mang lại tài nguyên, năng lượng mới và khổng lồ, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, chi phí đầu tư do tác động biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để các nước đang phát triển đạt được mục tiêu và thành công như các nước phát triển, cần nhận rõ các thách thức, vướng mắc cụ thể để cùng giải quyết cũng như cơ chế hỗ trợ về tài chính, công nghệ, quản trị…, trong đó, nguồn tài chính từ các chính phủ đóng vai trò dẫn dắt vốn đầu tư tư nhân.

Trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII, dự kiến đến năm 2030 phát triển từ 1.230-2.270 MW nguồn điện sinh khối, điện từ rác; đến năm 2050 phát triển khoảng 6.000 MW nguồn điện sinh khối, điện từ rác.

Theo Bộ Công Thương, tại Quy hoạch điện VIII, Việt Nam ưu tiên phát triển các loại hình điện sinh khối, điện đồng phát, điện sản xuất từ rác, chất thải rắn nhằm tận dụng phụ phẩm nông lâm nghiệp, chế biến gỗ, thúc đẩy trồng rừng và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, xử lý môi trường. Tới năm 2030, dự kiến tỷ trọng điện năng sản xuất các nguồn điện này đạt khoảng 1,2-1,6% và định hướng tới năm 2050 đạt khoảng 2,9-3,7% tổng điện năng sản xuất.

Ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đang triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp từng bước tuân thủ và thực hiện những biện pháp về giảm phát thải khí nhà kính.

Theo đó, ngày 14/12/2022, Bộ Công Thương phê duyệt “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đây là bước khởi đầu quan trọng cho tiến trình dài hạn đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng ‘0’ tại Việt Nam. Kế hoạch hành động đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững, kiểm soát phát thải khí nhà kính nhằm giảm dấu vết carbon, tăng trưởng xanh trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương đặt mục tiêu đóng góp vào mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26: Đến năm 2025, phấn đấu giảm từ 25% đến 30% tổng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường của lĩnh vực năng lượng (không bao gồm giao thông vận tải); 100% các cơ sở thuộc danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện kiểm kê và có kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính; Nỗ lực tối đa trong việc kiểm kê và thực hiện các biện pháp kiểm soát, giảm phát thải khí mê-tan trong quá trình khai thác than, dầu khí, đốt nhiên liệu hóa thạch.

Giai đoạn 2026 – 2030, phấn đấu giảm từ 30% đến 40% tổng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường của lĩnh vực năng lượng (không bao gồm giao thông vận tải); 100% các cơ sở thuộc danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện tốt quy định về kiểm kê và kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính.

Tiết kiệm năng lượng trở thành nhu cầu của nhiều doanh nghiệp

Nhận thức được tầm quan trọng trong việc quản lý năng lượng hiệu quả không chỉ giúp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, mang lại giá trị kinh tế mà còn đảm bảo mục tiêu về phát triển bền vững, giảm thải carbon chính vì vậy, tiết kiệm năng lượng đã trở thành nhu cầu tự thân của không ít doanh nghiệp.

Vinamilk là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam chuẩn hóa phương pháp đo lường và kiểm kê khí nhà kính theo ISO 14064 cho hoạt động sản xuất và chăn nuôi. Việc đo lường, kiểm kê khí nhà kính theo chuẩn mực không chỉ giúp Vinamilk tìm ra nhiều cơ hội giảm phát thải mà còn khẳng định trách nhiệm và định hướng không ngừng cải tiến và hướng đến minh bạch, chính xác và khách quan nhất.

Sau quá trình hoàn thành việc kiểm kê khí nhà kính tại các đơn vị vừa qua, Nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An và Trang trại bò sữa Vinamilk Nghệ An đã trở thành đơn vị đầu tiên đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS2060:2014. Theo các báo cáo được công bố và xác nhận, tổng lượng phát thải khí nhà kính của 2 đơn vị này đã được trung hòa là 17.560 tấn CO2, tương đương với khoảng 1,7 triệu cây xanh. Đây là kết quả của “hành động kép” trong nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất, chăn nuôi của Vinamilk, đồng thời duy trì quỹ cây xanh của công ty để hấp thụ khí nhà kính trong nhiều năm qua.

Tổng công ty Viglacera (Bắc Ninh) được biết tới là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong 2 lĩnh vực chính là sản xuất vật liệu xây dựng và đầu tư bất động sản, với các sản phẩm vật liệu xanh như: Bê tông khí chưng áp, kính tiết kiệm năng lượng giúp giảm phát thải các bon, tiết kiệm năng lượng… được khẳng định bằng chất lượng với các chứng chỉ do các tổ chức quốc tế có uy tín chứng nhận.

Sau lĩnh vực vật liệu xây dựng, Thuận Thành Eco- Smart IP là bước đi tiếp theo của Viglacra trong hành trình xây dựng các Khu công nghiệp xanh, thông minh, hướng tới Khu công nghiệp Sinh thái nhằm từng bước góp phần thu nhỏ “dấu chân carbon”.

Dự án Khu công nghiệp xanh, Thuận Thành Eco- Smart IP tập trung vào các giải pháp xanh, giải pháp thông minh đồng bộ, gồm: Nhóm giải pháp tiết kiệm năng lượng, ứng dụng hệ thống chiếu sáng thông minh, sử dụng pin năng lượng mặt trời tập trung, tối ưu hóa năng lượng tái tạo, hạn chế năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Nhóm giải pháp Kiểm soát phát thải ra môi trường, ứng dụng công nghệ thông minh trong quản lý hệ thống cấp nước, xây dựng hệ thống tưới cây tự động, thu gom, xử lý và tái sử dụng nước mưa. và nhóm giải pháp xanh hóa khu công nghiệp, mục tiêu đạt tối thiểu 60% diện tích cây xanh sử dụng các loại cây có mức độ hấp thụ C02 cao, đạt được chứng chỉ xanh cho khu công nghiệp.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/giam-dau-chan-carbon-dong-nghia-voi-giam-phat-thai–yeu-to-tien-quyet-dat-phat-thai-rong-bang-0-d220091.html