Trong nghiên cứu mới đây của Mỹ đã chứng minh một loại thuốc mới có thể giúp giảm huyết áp cao trong 6 tháng mà không cần uống thuốc.

Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y khoa New England Journal of Medicine, các nhà khoa học đã chứng minh một loại thuốc mới có thể giúp giảm huyết áp cao trong 6 tháng, chỉ với 1 mũi tiêm duy nhất mà không cần uống thuốc.

Loại thuốc mới, có tên Zilebesiran, do công ty Alnylam có trụ sở tại Mỹ phát minh, được dùng dưới dạng tiêm. Thuốc có tác dụng vô hiệu hóa gien chịu trách nhiệm sản xuất hoóc môn angiotensinogen – loại hoóc môn làm hẹp mạch máu, từ đó làm giảm huyết áp cao trong 6 tháng. Đây quả thật là tin vui cho nhiều người đang phải uống từng viên thuốc hằng ngày nhưng lại dễ quên.

Nghiên cứu do tiến sĩ Akshay Desai, bác sĩ chuyên về tim mạch, Giám đốc Chương trình Bệnh cơ tim và suy tim tại Bệnh viện Brigham and Women’s ở Boston (Mỹ), dẫn đầu, đã tiến hành các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I trên 4 địa điểm ở Anh.

Thử nghiệm ban đầu bao gồm 80 người được tiêm một mũi Zilebesiran dưới da, trong khi 32 người được tiêm giả dược không chứa hoạt chất. Kết quả thật ấn tượng, những người được tiêm thuốc đã giảm đáng kể huyết áp tâm thu – kéo dài đến 6 tháng, theo Express.


Nghiên cứu mới từ Mỹ đã chứng minh một loại thuốc mới có thể giúp giảm huyết áp cao trong 6 tháng mà không cần uống thuốc. Ảnh minh họa

Với liều 200 mg trở lên, huyết áp tâm thu giảm trung bình hơn 10 mmHg và với liều cao nhất 800 mg, mức giảm lên đến hơn 20 mmHg. Các nhà nghiên cứu cho biết, mức giảm này có thể hạ mức huyết áp cao về phạm vi an toàn cho người bệnh.

Đáng chú ý, huyết áp thường lên xuống trong ngày nên rất khó điều trị. Nhưng phương pháp mới này giúp giảm đáng kể huyết áp, cả ngày lẫn đêm, kéo dài khoảng 6 tháng sau một lần tiêm, Giáo sư David Webb, Trưởng khoa trị liệu và dược lý lâm sàng tại Đại học Edinburgh (Anh), tác giả nghiên cứu, cho biết.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng đây chỉ là nghiên cứu ở giai đoạn đầu và giai đoạn tiếp theo sẽ tìm hiểu kỹ hơn về tính an toàn và hiệu quả của thuốc trước khi thuốc có thể được cấp phép sử dụng, theo Express.

Tăng huyết áp là bệnh lý mãn tính gây các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, tai biến mạch máu não, suy tim, nhồi máu cơ tim, suy thận,xuất huyết võng mạc… và là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong sớm trên toàn cầu. Ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng do đó nhiều người không được phát hiện và chẩn đoán kịp thời.

Theo nguồn tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn một tỷ người trên thế giới sống chung với chứng tăng huyết áp, đây là nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch và tử vong sớm trên toàn thế giới. Tăng huyết áp được cảm nhận như một gánh nặng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi có số trường hợp tăng huyết áp được phát hiện chiếm 2/3 trên thế giới trong những thập kỷ gần đây. Hơn nữa, khoảng một nửa số người bị tăng huyết áp không biết về tình trạng của họ, khiến họ có nguy cơ mắc các biến chứng y tế và tử vong.

Thống kê trên thế giới có khoảng 1,28 tỷ người trưởng thành từ 30 – 79 tuổi bị tăng huyết áp và hầu hết sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Khoảng 46% người trưởng thành bị tăng huyết áp không biết rằng họ mắc bệnh. Chưa đến một nửa số người trưởng thành (42%) có tăng huyết áp được chẩn đoán và điều trị. Khoảng 1 trong 5 người trưởng thành (21%) có tăng huyết áp được kiểm soát. Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây tử vong sớm trên toàn thế giới.

Một số yếu tố nguy cơ của bệnh tăng huyết áp: Tuổi tác, nhất là ở người từ 45 tuổi trở lênl Thừa cân béo phì; Sử dụng rượu bia, thuốc lá làm tăng huyết áp và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch do tăng huyết áp; Ăn nhiều muối, ít rau quả; Ít hoạt động thể lực; Căng thẳng tâm lý; Mắc các bệnh mạn tính như bệnh thận, đái tháo đường; Nguy cơ tăng huyết áp gia tăng nếu trong gia đình đã có người bị tăng huyết áp.

Thay đổi lối sống có thể giúp bạn kiểm soát tốt huyết áp như: Chế độ ăn uống hợp lý giảm muối, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; Duy trì cân nặng bình thường, nếu thừa cân, nên giảm cân; Hạn chế uống rượu, bia; ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá; Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày; Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.

Ngọc Nga (T/h)

https://vietq.vn/nghien-cuu-dot-pha-moi-chi-can-1-mui-tiem-duy-nhat-nguoi-huyet-ap-cao-khong-can-uong-thuoc-d212681.html