Việc lạm dụng phẩm màu không nằm trong danh mục cho phép để chế biến thực phẩm, gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của người tiêu dùng không còn xa lạ.

Bệnh nhi D. G. H (8 tuổi, ở Hà Nội) bị tan máu cấp nặng, đe dọa tính mạng do ăn thịt bò khô tự làm có sử dụng phẩm màu không rõ nguồn gốc. H nhập viện trong tình trạng thiếu máu cấp nặng, sốt cao, tiểu đỏ. Qua quá trình thăm khám và xét nghiệm, được biết đây là trường hợp cơn tan máu điển hình. Sàng lọc tất cả các nguyên nhân tan máu cho thấy nghi ngờ tan máu do nhiễm độc. Trước đó, H đã ăn thịt bò khô có nhuộm phẩm màu không rõ nguồn gốc.

Hàng loạt thức ăn như chim rán, vịt quay, hạt dưa, mứt kẹo, thịt bò khô tự làm, nước giải khát… được nhuộm màu thực phẩm xuất hiện khắp nơi trên thị trường. Việc lạm dụng quá mức các phẩm màu để tạo màu sắc cho thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Phẩm màu có hai loại, gồm phẩm màu tự nhiên và hóa học.

Việc buôn bán các loại hương liệu, phẩm màu chưa được quản lý chặt chẽ. Trên thị trường, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua các loại phẩm màu không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không được phép sử dụng trong thực phẩm.

Vào dịp Tết Nguyên đán, các loại bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, vịt quay, giò chả… với muôn vàn chủng loại, màu sắc “bắt mắt” tràn ngập thị trường và theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng tùy tiện những loại thực phẩm có chứa phẩm màu ngoài danh mục cho phép có thể dẫn đến nhiều loại bệnh nguy hiểm.

Bộ Y tế đã lên danh mục 21 chất màu (gồm 11 chất màu tự nhiên, 10 chất màu tổng hợp) được phép sử dụng trong thực phẩm. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học – thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), đối với thực phẩm, việc quy định chất tạo màu vô cùng nghiêm ngặt, theo đó, nhà sản xuất chỉ được sử dụng các loại màu thực phẩm đã được cơ quan chức năng cho phép.

Phẩm màu có hai loại, gồm phẩm màu tự nhiên và hóa học. Phẩm màu tự nhiên thường có màu sắc không rực rỡ do được chiết suất từ chất hữu cơ như củ, quả, lá… Do vậy, khi chế biến, người dùng phải sử dụng một lượng lớn thì mới tạo được màu sắc bắt mắt cho thực phẩm.

Phẩm màu hóa học thì ngược lại, dùng lượng ít nhưng màu sắc rất rực rỡ. “Bằng mắt thường khó có thể phân biệt đâu là phẩm màu tự nhiên, đâu là phẩm màu hóa học. Tuy nhiên, thực phẩm có màu càng sặc sỡ thì nguy cơ dùng phẩm màu hóa học càng cao, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người càng nghiêm trọng”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.

Cũng theo PGS.TS Thịnh, thông thường, không ai dùng phẩm màu tự nhiên quá ngưỡng cho phép vì nó quá đắt tiền, nhưng thường dùng vượt ngưỡng đối với phẩm màu hóa học hoặc phẩm màu công nghiệp (loại màu tuyệt đối không được sử dụng cho thực phẩm).

Khi sử dụng những loại thực phẩm có nhiều phẩm màu, người tiêu dùng có thể bị ngộ độc cấp tính với những triệu chứng như nôn, có khi nôn ra máu, đau bụng, đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu), có thể không sốt hoặc sốt cao trên 38 độ C, thậm chí bị suy gan, suy thận…

Theo Laodong.com.vn (11/12/2018)