Theo các chuyên gia nước ngoài, việc sử dụng nhiên liệu sinh học mang lại lợi ích kép cho cả kinh tế, môi trường và sức khỏe con người.

Thông tin từ ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, xăng sinh học đã được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia. Cho đến nay có khoảng 60 quốc gia trên thế giới sử dụng nhiên liệu sinh học.

Mỹ cũng là nước tiêu thụ ethanol (để pha chế nhiên liệu sinh học) lớn nhất với khoảng 60% tổng sản lượng của thế giới. Hiện nay, một số nước lớn đã bắt buộc sử dụng xăng sinh học như Australia, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil… Ngay tại khu vực Đông Nam Á, Philippines, Thái Lan là 2 quốc gia đi đầu trong việc sử dụng xăng sinh học từ hơn 10 năm nay. Việt Nam cũng đã phổ biến sử dụng xăng sinh học trên toàn quốc từ năm 2018.

Các chuyên gia đến từ Mỹ đánh giá cao giá trị thực tiễn về lợi ích môi trường, sức khỏe con người và kinh tế khi sử dụng nhiên liệu sinh học.


Các chuyên gia Mỹ đánh giá cao lợi ích “kép” của nhiên liệu sinh học. Ảnh: VGP

Ông Steve Walk – Giám đốc điều hành Protec Fuel cho biết, nhiên liệu pha trộn ethanol được sử dụng tại Mỹ từ những năm 2006, 2007. Ở Mỹ, trên 97% các loại xăng đều chứa 10% ethanol (E10) và sắp tới sẽ bán các loại nhiên liệu có tỷ lệ trộn ethanol cao hơn như E15, E85. Xăng E10 giảm cặn/kết tủa ở động cơ và hệ thống nhiên liệu. Ethanol trộn trong xăng làm giảm các chất gây ô nhiễm gồm carbon monoxide, khí thải hydrocarbon và các hạt bụi, giảm hàm lượng benzen, hàm lượng lưu huỳnh của xăng, giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính của xăng (GHG).

Trên thực tế, ethanol hiện là thành phần duy nhất trong xăng giải quyết tất cả các vấn đề chất lượng không khí và biến đổi khí hậu thông qua giảm khí thải nhà kính. Tất cả các nhà sản xuất xe hơi đảm bảo các phương tiện đều có thể sử dụng xăng E10. Xăng E10 cũng được sử dụng an toàn, tiết kiệm cho xe mô-tô.

Theo nghiên cứu về tác động của tỷ lệ pha trộn ethanol trong xăng đối với khí thải xe cộ tại 5 thành phố lớn trên toàn cầu (Bắc Kinh, Mexico City, New Delhi, Seoul và Tokyo là các thành phố phải đối mặt với những thách thức lớn về chất lượng không khí) trong tháng 1/2018 được thực hiện bởi Hội đồng Hạt cốc Mỹ và Tiến sĩ Steffen Mueller (nhà kinh tế học chính tại Đại học Illinois tại Chicago) cho thấy, việc pha trộn ethanol cao hơn sẽ làm giảm độc tố phát thải của xe cộ, giảm phát thải khí nhà kính (GHG). Tại 5 thành phố nêu trên, việc sử dụng xăng E10 thay cho xăng khoáng sẽ làm giảm 15,2% số độc tố đo được, trong khi xăng E20 thậm chí còn làm giảm số lượng độc tố đáng kể hơn (trung bình 31,7%).

Đánh giá về việc sử dụng xăng sinh học tại thị trường trong nước, ông Nguyễn Lộc An – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thông tin: Ở Việt Nam, việc phát triển nhiên liệu sinh học được đặt ra từ năm 2007, đến nay chương trình này đang được Bộ Công Thương, các bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp thực thi quyết liệt và đã đạt được những hiệu quả tích cực.

Nửa đầu năm 2018, tổng lượng xăng tiêu thụ nội địa trên địa bàn cả nước đạt khoảng 4,43 triệu m3, trong đó xăng E5 RON92 đạt khoảng 1,78 triệu m3, chiếm tỷ trọng khoảng 40,18%; xăng RON95 đạt khoảng 2,65 triệu m3, chiếm tỷ trọng khoảng 59,82%. Như vậy, lượng xăng E5 RON92 tiêu thụ nội địa đã tăng khoảng 31,18% so với năm 2017 (năm 2017 xăng E5 RON92 chỉ tiêu thụ được khoảng 9% tổng lượng xăng các loại).

Theo ông Lộc An, thời gian qua đã có một số nghiên cứu về khả năng tác động của nhiên liệu sinh học (E5, E10) đến động cơ sử dụng được thực hiện bởi một số trường đại học uy tín, các kết quả thử nghiệm đã chỉ ra rằng, sử dụng nhiên liệu xăng sinh học hoàn toàn an toàn với động cơ, tăng hiệu suất của động cơ, giảm đáng kể các khí thải gây ô nhiễm môi trường. Tính đến nay, chưa ghi nhận trường hợp phản ánh nào liên quan đến mất an toàn động cơ, cháy nổ liên quan đến xăng E5.

Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, từ đầu tháng 1/2018, xăng sinh học E5 RON92 được đưa vào sử dụng rộng rãi trên toàn quốc, góp phần thực hiện tốt cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế về giảm khí thải nhà kính.

Tuy nhiên, theo ông Đông, cần thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù chương trình sử dụng nhiên liệu sinh học ở Việt Nam đang có sự phát triển khá nhanh, nhưng trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của mục tiêu mà Chính phủ đề ra. Đặc biệt Việt Nam là quốc gia có tiềm năng để phát triển nguồn nhiên liệu sinh học, nhưng chưa đầu tư, khai thác hết tài nguyên hiện có.

Theo Hà Thúy/vietq.vn (18/9/2018)