Khi ngày càng có nhiều khách hàng quan tâm đến nguồn gốc các món đồ trang sức đắt tiền, một số hãng chế tác nữ trang và sản xuất hàng xa xỉ bắt đầu cam kết sử dụng các nguồn vàng tái chế hoặc phải được khai thác có trách nhiệm và thân thiện với môi trường.

Có hai nhãn mác phổ biến để xác nhận vàng được khai khác có trách nhiệm và thân thiện với môi trường. Một nhãn mác có tên gọi là “fairmined” (khai thác công bằng) do Liên minh khai thác có trách nhiệm (ARM), một tổ chức phi chính phủ ở Colombia chứng nhận. Nhãn mác còn lại, được sử dụng phổ biến hơn, có tên gọi “fairtrade” (thương mại công bằng) do Quỹ Max Havelaar đề xuất. Quỹ này tập hợp 23 sáng kiến về gắn nhãn và chứng chỉ thương mại công bằng cho các nhà sản xuất khắp châu Âu, châu Á, Mỹ Latin, Bắc Mỹ, châu Phi, Úc và New Zealand.

Cả hai nhãn mác trên đều ủng hộ các mỏ vàng thủ công sử dụng các phương pháp khai thác giúp bảo tồn môi trường và bảo đảm các điều kiện làm việc và lương bổng tử tế cho công nhân.


Nhẫn vàng được chế tác tại một xưởng chế tác nữ trang từ nguồn vàng được khai thác có đạo đức tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP

Sản lượng vàng theo các tiêu chí của hai nhãn mác trên vẫn còn rất hạn chế, chỉ khoảng vài trăm kg trên tổng sản lượng 3.300 tấn vàng được khai thác trên toàn cầu mỗi năm.

Tuy nhiên, con số này có thể tăng nhanh khi ngày càng có nhiều khách hàng “cao cấp” quan tâm đến nguồn gốc của vàng sử dụng để chế tác những món nữ trang và phụ kiện mà họ định mua. Những khách hàng này muốn bảo đảm rằng vàng nữ trang của họ phải được khai thác từ các mỏ bảo đảm các tiêu chuẩn môi trường và công nhân ở các mỏ đó không bị bóc lột sức lao động.

Chopard, công ty sản xuất cúp Cành cọ vàng cho Liên hoan phim Cannes, cho biết chỉ sử dụng vàng từ các nhà cung cấp được xác nhận đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhằm giảm thiểu tác động môi trường trong quy trình khai thác vàng.

Để đáp ứng mối quan tâm mới của khách hàng, nhiều nhà sản xuất nữ trang muốn bảo đảm rằng họ có thể truy xuất nguồn gốc của chuỗi cung ứng, đặc biệt những nhà cung cấp được xác nhận bởi tổ chức phi lợi nhuận Hội đồng Nữ trang trách nhiệm (RJC). Các thành viên RJC phải tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe về đạo đức, quyền con người, các thực hành môi trường và xã hội.

Tập đoàn hàng xa xỉ Kering (Pháp) cho biết kể từ năm 2015, đã mua hơn 3,5 tấn vàng được “sản xuất có trách nhiệm” để sử dụng cho các thương hiệu Boucheron, Pomellato, Dodo và Gucci.

Tập đoàn này cam kết sử dụng 100% vàng được sản xuất có đạo đức vào năm 2020.

“Chúng tôi đang cố gắng tối đa hóa tỷ lệ vàng “fairmined” và “fairtrade” nhưng sản lượng của chúng vẫn còn ít ỏi trước nhu cầu quá lớn, vậy nên phần lớn nguồn cung ứng của chúng tôi vẫn là vàng tái chế được chứng nhận bởi Chuỗi giám sát của RJC”, Claire Piroddi, Giám đốc bền vững của mảng kinh doanh trang sức và đồng hồ của Kering, nói.

Piroddi cho biết vàng gắn mác “fairmined” hay “fairtrade” thường đắt hơn 10-12% so với mặt bằng chung nhưng vàng tái chế hầu như không gây tốn kém thêm nhiều vì chúng vốn được tinh luyện để phục vụ cho “đời sống trước đây” dưới dạng trang sức hay linh kiện của một sản phẩm công nghệ.

Thương hiệu nữ trang Courbet (Pháp) cũng cam kết chỉ sử dụng vàng từ rác thải công nghiệp và điện tử.

“Chúng tôi không muốn khuyến khích hoạt động khai thác hay sử dụng vàng mới được khai thác gần đây nên chúng tôi tìm kiếm các nhà cung cấp tái chế vàng từ các card đồ họa hay các bộ vi xử lý máy tính. Đó là bởi vì chúng tôi nhận ra rằng đến nay, hơn một nửa trữ lượng vàng của thế giới đã được khai thác”, Marie-Ann Wachtmeister, người đồng sáng lập kiêm giám đốc nghệ thuật Courbet, cho hay.

Wachtmeister cho biết thêm: “Tại một hầm mỏ, một tấn đất đá chỉ chứa khoảng 5 gram vàng, trái lại, một tấn rác thải điện tử có thể chứa đến 200 gram vàng”.

Hãng nữ trang Ponce (Pháp), được thành lập từ năm 1886, giờ đây cũng chỉ sử dụng vàng tái chế. Hãng này sản xuất 45.000 nhẫn vàng mỗi năm từ vàng tái chế.

Thierry Lemaire, Tổng Giám đốc hãng nữ trang Ponce, nói: “Nếu chúng ta muốn công việc vận hành tốt, hãy làm việc tận tâm và tôn trọng thiên nhiên. Đây là điều có thể làm vì ngày nay, toàn bộ chuỗi cung ứng vàng đã được tiêu chuẩn hóa”.

Theo Thesaigontimes.vn (24/4/2019)