Người dùng cần cẩn trọng với các thành phần trong các sản phẩm giảm cân bán tràn lan trên mạng. Đặc biệt, nhiều sản phẩm được quảng cáo là thảo dược, song chứa các thành phần tân dược ẩn, không được công bố, có thể gây hại cho người dùng.

Trong công cuộc giảm cân của phụ nữ, điều khó khăn nhất là phải sắp xếp lại lịch trình sinh hoạt và dành thời gian để tập thể dục nhiều hơn. Đồng thời giảm bớt khẩu phần ăn, loại bỏ những thực phẩm bản thân yêu thích thay thế bằng những món ăn khô khan như thịt ức gà, khoai lang, rau củ luộc… Tuy nhiên, với nhiều chị em, việc tự kìm hãm nhu cầu của chính mình để có thân hình thon gọn hơn là điều vô cùng “bất khả thi”. Do đó, không ít người quyết định sử dụng sản phẩm giảm cân để có thân hình trong mơ mà không cần phải nhịn ăn hay vận động quá nhiều.

Có cung ắt có cầu, trên thị trường hiện nay có vô vàn sản phẩm quảng cáo là thuốc giảm cân được bày bán. Có loại có giá thành chỉ vài chục nghìn đồng, nhưng có sản phẩm lên đến vài triệu đồng và đã có nhiều chị em mách nhau sử dụng mà không lường trước được hậu quả. Hiện nay, đã có nhiều trường hợp phải nhập viện do sử dụng những sản phẩm giảm cân không bảo đảm chất lượng; thậm chí, cơ quan chức năng đã phát hiện không ít sản phẩm giảm cân chứa chất cấm, quảng cáo thổi phồng công dụng.

Được bạn bè chia sẻ về loại viên uống tác dụng giảm 5 kg chỉ trong một tuần, Th 28 tuổi, ở Hà Nội, mua một hộp trên mạng về dùng thử. Người bán giới thiệu thành phần chính là green tea extract (chiết xuất trà xanh), giúp trao đổi chất, tăng quá trình chuyển hóa mỡ. Sau 10 ngày, Th giảm cân, nhưng da bắt đầu nổi mẩn đỏ, thường xuyên khát nước, có lúc người lả đi, không tập trung công việc. Đầu tháng 8, cô nhập viện với chẩn đoán suy nhược cơ thể, men gan tăng.

Gần đây, nhiều trường hợp phải nhập viện do tự ý dùng thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc. Đơn cử, trường hợp bé gái 13 tuổi, ở Lạng Sơn, sau một tháng uống thuốc giảm cân thì rối loạn nhịp tim, tổn thương tế bào gan, men gan cao gấp 10 lần, kèm tức ngực, khó thở. Bác sĩ phát hiện loại thuốc này có thành phần garcinia cambogia – có trong một số loại trái cây nhiệt đới, gây nhiều tác dụng phụ như chóng mặt, khô miệng, tiêu chảy, tăng nhịp tim, tăng huyết áp…

Đầu năm ngoái, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận bệnh nhân nữ 37 tuổi, suýt chết do uống một loại cà phê được giới thiệu “uống một tuần có thể giảm 4 kg”, giá 550.000 đồng một hộp (30 gói). Uống đến gói thứ tư, chị khó thở, lạnh toát, thân nhiệt hạ thấp đột ngột, nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, kết quả chụp cắt lớp thấy não bị tổn thương. Viện Pháp y giám định phát hiện trong loại cà phê giảm cân mà bệnh nhân sử dụng có chứa sibutramine, một chất độc đã bị Bộ Y tế cấm dùng trong tân dược, thực phẩm chức năng vì nguy hiểm sức khỏe.


Người dùng cần cẩn trọng với các thành phần trong các sản phẩm giảm cân được bày bán tràn lan trên mạng. Ảnh minh họa

Một nhóm kín trên mạng xã hội có gần 300.000 thành viên, đăng rất nhiều thông tin về các loại trà thảo mộc dạng viên, chiết xuất từ lá sen, chè vằng, tinh bưởi, linh chi… hoặc thuốc giảm cân, kẹo hủy mỡ, kem tan ủ tiêu mỡ, bột thiên nhiên. Các sản phẩm được quảng cáo “100% thành phần từ thảo dược thiên nhiên, không tác dụng phụ, giúp giảm cân nhanh, không gây mệt mỏi”. Hỏi về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hầu hết người bán trả lời chung chung “nhập khẩu từ nước ngoài”, không đưa ra giấy tờ chứng minh.

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khuyến cáo người dùng cần cẩn trọng với các thành phần trong thuốc giảm cân bán trên mạng. Đặc biệt, nhiều thực phẩm được quảng cáo là thảo dược, song chứa các thành phần tân dược ẩn, không được công bố, có thể gây hại cho người dùng.

Ví dụ, sibutramine là một thành phần được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phát hiện trong nhiều thực phẩm bổ sung để giảm cân. Đây là hoạt chất tác động đến hệ thần kinh trung ương, làm tăng lượng sérotonine và noradrénaline trong não, từ đó tạo cảm giác no và chán ăn. Tuy nhiên, chất này đã bị loại khỏi thị trường từ năm 1997 do làm tăng đáng kể huyết áp và nhịp tim, đe dọa tính mạng người có bệnh tim.

Hoặc caffeine và green tea extract khá phổ biến, trong đó caffeine giúp tăng tốc quá trình trao đổi chất và giúp tỉnh táo hơn, song việc sử dụng quá nhiều có thể gây tăng nhịp tim, lo âu và khó ngủ. Green tea extract chứa các hợp chất chống oxy hóa, tăng cường quá trình đốt cháy mỡ, dù vậy hiệu quả không lớn và cần kết hợp ăn uống, tập thể dục. Hai thành phần garcinia cambogia (có trong một loại trái cây nhiệt đới, họ măng cụt, hình dạng giống quả bí ngô nhỏ, màu xanh lá) và raspberry ketones (ketone từ quả mâm xôi) được cho là có khả năng ức chế sự hình thành mỡ và giảm cảm giác thèm ăn. Tuy nhiên, các nghiên cứu về hiệu quả vẫn còn tranh cãi và chưa rõ ràng.

Hydroxycut là sản phẩm chứa các hợp chất khác nhau như caffeine, cây mâm xôi và các thảo dược. Tuy nhiên, một số sản phẩm hydroxycut đã bị rút khỏi thị trường do gây hại cho sức khỏe. Orlistat là một chất ức chế lipase, giúp ngăn chất béo trong thức ăn bị hấp thụ, song cũng có thể gây tác dụng phụ như tiêu chảy và khó tiêu hóa. Ông Tuấn nhận định các sản phẩm giảm cân chưa rõ nguồn gốc hoặc không được kiểm tra có thể gây căng thẳng hoặc hại cho gan, thận. Nguy hiểm hơn là biến chứng như rối loạn tiêu hóa, tim mạch, thần kinh… Mặt khác, việc sử dụng đồng thời sản phẩm giảm cân với các thuốc chữa bệnh khác có thể ảnh hưởng hiệu quả của cả hai loại thuốc.

“Việc sử dụng các sản phẩm giảm cân không thể thay thế cho chế độ ăn uống cân đối và lối sống lành mạnh”, ông Tuấn nói, thêm rằng chỉ nên áp dụng các phương pháp giảm cân khoa học được chứng minh hiệu quả. Đơn cử là chế độ kiểm soát lượng calo nạp (in) thấp hơn lượng calo tiêu thụ (out) để cơ thể đốt cháy mỡ dự trữ. Tuy nhiên, cần đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất, tập trung vào việc tiêu thụ thức ăn giàu chất xơ, thực phẩm tự nhiên và thức ăn ít chế biến. Tập thể dục đều đặn giúp tăng cường quá trình đốt cháy calo và cải thiện sức khỏe tổng thể.

Bên cạnh đó, trạng thái tinh thần có thể ảnh hưởng thói quen ăn uống và lối sống. Kỹ thuật quản lý căng thẳng như thiền, yoga, hoặc tìm kiếm hỗ trợ tâm lý có thể giúp duy trì cảm xúc tích cực trong việc giảm cân. Các biện pháp can thiệp y tế như chương trình giảm cân chuyên nghiệp, dinh dưỡng điều trị, thuốc giảm cảm giác thèm ăn, phẫu thuật nội soi thu nhỏ dạ dày được áp dụng với người có tình trạng béo phì gây nguy hiểm sức khỏe.

Khánh Mai (t/h)
https://vietq.vn/hiem-hoa-tu-nhung-chat-cam-co-trong-san-pham-giam-can-duoc-quang-cao-tran-lan-tren-mang-d214711.html