Gần đây, các đối tượng lừa đảo liên tục chạy quảng cáo trên các trang mạng xã hội với những nội dung “Shopee, Lazada, Tiki tuyển Cộng tác viên, kiếm tiền đơn giản, làm việc tại nhà, không cần ôm hàng…” với yêu cầu tuyển dụng: Có điện thoại/máy tính và tài khoản ngân hàng.

Theo đó, những nội dung lừa đảo hấp dẫn, đánh vào tâm lý chung như: Mua hàng trực tiếp nhưng không nhận hàng (những kẻ lừa đảo gọi là làm tăng tỷ lệ tương tác mua hàng đối với sản phẩm), việc mua hàng sẽ được thực hiện chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp.

Mỗi lượt mua hàng thành công sẽ được hưởng hoa hồng từ 10 – 20% số tiền gốc của mỗi đơn hàng, tiền sẽ được chuyển khoản ngược về sau 5 – 10 phút khi đặt hàng thành công (bao gồm cả tiền gốc và hoa hồng).

Ban đầu, để tạo lòng tin và kích thích lòng tham của nạn nhân, các đối tượng cung cấp đường link trên hệ thống Shopee, Lazada, Tiki… của một sản phẩm khoảng 1 triệu đến 2 triệu đồng và tài khoản Ngân hàng cá nhân do đối tượng cung cấp để nạn nhân chuyển khoản với số tiền tương ứng với giá trị trên hệ thống. Ngay sau đó những kẻ lừa đảo sẽ chuyển khoản ngược lại cho nạn nhân như đã thỏa thuận.

Khi nạn nhân đã “cắn câu” chuyển số tiền đến vài chục triệu thì những kẻ lừa đảo không chuyển khoản ngược lại nữa và đưa ra nhiều lý do khác nhau để nạn nhân tiếp tục “say mồi” như: Nhiệm vụ hoàn thành được 95/100 điểm tín nhiệm, cần tiếp tục chuyển tiền để hoàn thành 100 điểm… nhiều người tiếp tục chuyển tiền và bị lừa số tiền đến vài trăm triệu đồng.

Đã có nhiều nạn nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi sập bẫy với thủ đoạn nêu trên. Cụ thể, ngày 07/02-2022, bà Đ.T.T.H (22 tuổi, trú tại xã Sơn Giang, huyện Sơn Hà) bị lừa gần 100 triệu đồng. Ngày 09/02/2022, bà T.H.C (37 tuổi, trú tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) bị lừa gần 150 triệu đồng.


Người dân cần cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội.

Trước sự việc trên, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền cho người thân, bạn bè về phương thức thủ đoạn mới nêu trên của tội phạm, tránh mắc bẫy các đối tượng lừa đảo. Khi phát hiện hoặc nghi nghờ các trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Trên phương diện pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay, trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, đời sống gặp khó khăn, nhiều người muốn kiếm việc làm thêm online nên các đối tượng xấu cũng lợi dụng tình trạng trên để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Nhiều đối tượng cho rằng lừa đảo người khác số tiền dưới 2.000.000 đồng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do nhận thức hạn chế như vậy nên các đối tượng càng củng cố niềm tin để thực hiện nhiều hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền dưới 2.000.000 đồng đối với một nạn nhân.

Tuy nhiên hành vi được xác định là “ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội” hoặc “đã bị phạt hành chính mà còn vi phạm” thì dù lừa đảo tài sản dưới 2.000.000 đồng thì vẫn bị xử lý hình sự. Cụ thể, Khoản 1 – Điều 174 – BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Như vậy, trong trường hợp nêu trên nếu cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người, gây bức xúc trong dư luận, hành vi sẽ được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên dù mỗi nạn nhân bị mất chưa đến 2.000.000 đồng thì vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự để xử lý các đối tượng này theo quy định của pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho rằng, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp thì hoạt động lừa đảo trên không gian mạng ngày càng phát triển. Bởi vậy, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho công dân, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công dân khi tham gia hoạt động trong môi trường mạng, đồng thời kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng để đảm bảo an ninh, an toàn mạng, đảm bảo môi trường lành mạnh cho các hoạt động dân sự, kinh tế, xã hội.

Nguyễn Hương (t/h)
https://vietq.vn/no-ro-chieu-tro-lua-dao-moi-tren-khong-gian-mang-d197230.html