Chế độ lấy gió trong gió ngoài trên ô tô, nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế rất nhiều người chưa thực sự hiểu và dùng sai chế độ này.

Lấy gió trong, gió ngoài là như thế nào?

Hiện nay, đa số các mẫu ô tô đều được trang bị chế độ lấy gió trong và lấy gió ngoài. Cả 2 chế độ lấy gió này thuộc hệ thống điều hòa ô tô và có thể điều chỉnh thông qua các nút chức năng bố trí trên bảng táp lô.


Đèn sáng, chế độ lấy gió trong đang được khởi động. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, đối với các lái mới có lẽ không ít băn khoăn để thực sự hiểu lấy gió trong và lấy gió ngoài là gì? Chúng khác nhau như thế nào và khi nào thì nên chọn chế độ lấy gió trong hay lấy gió ngoài? Việc hiểu những kiến thức cơ bản này sẽ giúp cho các lái mới có thể kiểm soát hệ thống điều hòa của xe hiệu quả hơn rất nhiều khi vận hành.

Theo chuyên gia kỹ thuật của Mitsubishi, về cơ bản hai chế độ lấy gió này được sử dụng để lấy luồng không khí từ bên ngoài hoặc bên trong xe trước khi đi qua dàn lạnh, dàn sưởi của hệ thống điều hòa để duy trì nhiệt độ trong khoang nội thất ô tô.

Khi người dùng lựa chọn chế độ lấy gió ngoài, hệ thống lấy gió trên xe sẽ hút luồng không khí từ bên ngoài xe vào lọc gió. Sau đó, luồng không khí này tiếp tục được đưa qua dàn lạnh hoặc dàn sưởi của hệ thống điều hòa để thay đổi nhiệt độ phù hợp với mức mà người dùng đã chọn trong xe. Chế độ lấy gió này sẽ tạo ra luồng không khí tươi mát, đồng thời luôn đảm bảo lượng oxy trong khoang nội xe. Tuy nhiên, khi xe lưu thông qua những khu vực nhiều khói bụi hay có mùi, nếu người dùng vẫn chọn chế độ lấy gió ngoài sẽ làm bụi bẩn, không khí ẩm hay mùi khó chịu lọt vào trong xe.

Trong khi đó với chế độ lấy gió trong, hệ thống điều hòa sẽ lấy trực tiếp luồng không khí tuần hoàn trong khoang nội thất xe. Với điều kiện thời tiết tại Việt Nam, vào những ngày nắng nóng, so với lấy gió ngoài, chế độ lấy gió trong khi được kích hoạt sẽ mang lại hiệu quả làm mát nhanh hơn. Tuy nhiên, với các xe không được trang bị hệ thống điều hòa tự động (Auto), khi chọn chế độ gió trong và sử dụng xe trong suốt hành trình dài, sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng thiếu oxy trong cabin, khiến không khí ngột ngạt gây mệt mỏi cho người ngồi trong xe.

Khi bật chế độ Auto, việc lấy gió trong hay lấy gió ngoài sẽ phụ thuộc vào nhiệt độ xe và sự chênh lệch giữa nhiệt môi trường bên ngoài và nhiệt độ cài đặt. Đặc biệt, trên một số dòng xe cao cấp, hệ thống điều hòa còn có thêm các cảm biến giúp đánh giá chất lượng không khí. Nếu cảm biến nhận thấy chất lượng không khí môi trường bên ngoài quá bẩn, điều hoà sẽ tự động chuyển sang chế độ lấy gió trong.

Sử dụng các chế độ lấy gió tiết kiệm, hiệu quả

Theo các chuyên gia, người điều khiển nên để xe lấy gió ngoài khi xe vừa mới khởi động xe, đồng thời mở hé cửa kính để giảm tiêu hao nhiên liệu, thanh lọc và làm mới không khí bên trong cabin xe cũng như tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khi mới vào xe, nhất là khi để xe đỗ lâu dưới trời nắng. Và sau khi bật điều hòa (A/C) nên đóng cửa kính, chuyển chế độ lấy gió trong để đạt được hiệu quả làm mát nhanh.

Ngoài ra, khi di chuyển quãng đường dài và lái xe liên tục, người điều khiển nên chủ động mỗi 30’ lại lấy gió ngoài tầm 5 phút để cabin được thông thoáng, giảm bớt mệt mỏi cho những người ngồi trong xe. Nên chọn những nơi có không khí trong lành, thoáng mát và tránh khu vực có nhiều bụi bẩn và mùi hôi (kẹt xe, khói đốt rác…).

Tuyệt đối không ngủ qua đêm khi để chế độ lấy gió trong, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, quá trình làm việc của động cơ ô tô là sự đốt cháy giữa nhiên liệu (xăng, diesel) và không khí.

Trong đó, ngoài khí thải CO2 thì một phần nhiên liệu cháy không hết, sinh ra CO (carbon monoxide). Nếu hít phải nhiều khí này sẽ gây ngạt, ngộ độc, mê man dẫn đến tử vong. Nguy cơ này tăng cao khi đỗ xe trong nhà kín, nơi lặng gió mà vẫn nổ máy.

Vì vậy khi nếu đỗ xe trong nhà kín và nổ máy nằm ngủ, chiếc xe nổ máy sẽ hút dần oxy để cung cấp cho chu trình đốt, và thải ra CO2 và CO kín phòng, kín nhà, nên dù có mở hé cửa hay đóng kín sẽ vẫn như nhau, rất nguy hiểm. Thực tế đã ghi nhận nhiều trường tử vong thương tâm khi ngủ trong ô tô bật điều hòa qua đêm.

Còn nếu chỉ di chuyển trên những chặng đường ngắn hay khu vực nội đô thì nên để ở chế độ lấy gió trong để hạn chế khói bụi trong không khí lọt vào xe. Bên cạnh đó, chạy xe dưới trời mưa hoặc nơi có điều kiện thời tiết ẩm ướt, để hạn chế hơi nước bên ngoài bị hút vào cabin gây ẩm, mốc hệ thống điều hòa thì cũng nên lựa chọn chế độ lọc gió trong khi di chuyển.

Hiểu rõ về chế độ lấy gió trong và ngoài giúp lái xe sử dụng hệ thống điều hòa hiệu quả và thoải mái. Sự linh hoạt trong việc chuyển đổi giữa hai chế độ này phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, hành trình, và điều kiện môi trường. Với những lưu ý và hướng dẫn trên, lái xe sẽ có trải nghiệm lái xe tốt hơn và giữ được sức khỏe của mọi người trong xe.

Duy Trinh (t/h)
https://vietq.vn/ban-da-thuc-su-hieu-ve-cac-che-do-lay-gio-tren-o-to-d216739.html