Vào thời điểm cuối năm, nhiều sản phẩm gỗ công nghiệp tồn kho, kém chất lượng, không đạt chuẩn an toàn có thể bị tuồn ra thị trường. Vì vậy, người tiêu dùng cần nắm những tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn đặc biệt là nồng độ formaldehyde.

Theo Viện Quốc gia về An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Hoa Kỳ (NIOSH), một trong những chất gây nguy hiểm cần lưu ý là formaldehyde (CH₂O). Đây là một chất khí không màu, độc tính cao và dễ cháy, thường được sử dụng trong sản xuất phân bón, giấy, ván ép, và một số loại nhựa. Formaldehyde cũng thường xuất hiện trong các sản phẩm gia dụng như thuốc sát trùng, thuốc và mỹ phẩm.


Đồ gỗ công nghiệp xuất hiện trong hầu hết gia đình. Ảnh minh họa

Tiếp xúc với formaldehyde có thể gây kích ứng da, cổ họng, phổi và mắt, và tiếp xúc lâu dài có thể dẫn đến ung thư. Người lao động trong ngành công nghiệp gỗ, nơi formaldehyde phổ biến, có nguy cơ bị tổn thương sức khỏe do tiếp xúc thường xuyên.

Trong ngành công nghiệp gỗ, formaldehyde thường được sử dụng làm chất kết dính trong sản xuất ván dăm, ván ép và ván MDF. Các sản phẩm nội thất như sàn lót, kệ, tủ cũng như tường dán và đồ nội thất khác có thể phát thải formaldehyde vào không khí, tạo ra nguy cơ cho sức khỏe của người sử dụng.

PGS.TS Đặng Văn Hoài, Trưởng bộ môn Hóa, Trường Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh những loại gỗ công nghiệp thường để kết dính thành khối gỗ chắc chắn có sử dụng keo. Trong keo này có chứa formaldehyde. Tuy nhiên, lúc này, do gắn với các chất hữu cơ nên chất formaldehyde không ở dạng tự do HCHO mà là dạng liên kết keo với các chất khác nên không thể thoát khí ra ngoài. Chỉ trong quá trình sử dụng, formaldehyde được chuyển hóa thành HCHO, lúc này mới ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm gỗ công nghiệp, ông Phạm Tiến Phong, Trưởng phòng Bán hàng – Nhóm hàng Décor, Tập đoàn KES cho biết, người tiêu dùng nên chọn các nhà máy, đơn vị sản xuất kinh doanh uy tín, để đủ chứng nhận để tránh mua phải các sản phẩm không rõ nguồn gốc, sản phẩm không mang lại đúng giá trị.

Có thể kể đến những chứng nhận đạt chuẩn an toàn về hàm lượng formaldehyde theo từng yêu cầu của thị trường như: Chứng nhận đạt chuẩn CARB P2/EPA cho sản phẩm gỗ công nghiệp, ván sàn xuất đi thị trường Mỹ; E2 cho Việt Nam.

Trong đó, Thông tư 04/2023/TT-BXD của Bộ Xây dựng về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng vừa có hiệu lực ngày 1 tháng 1 năm 2024 đã đưa ra các ngưỡng về phát tán hàm lượng formaldehyde đối với các loại ván gỗ công nghiệp gồm ván sợi, ván dăm và ván thanh.

Ví dụ như đối với sản phẩm gỗ công nghiệp ván sợi thì hàm lượng formaldehyde phát tán đối với phân loại E1 không lớn hơn 0,124 mg/m3 hoặc không lớn hơn 9 mg/100g; còn đối với phân loại E2 thì hàm lượng formaldehyt lớn hơn 0,124 mg/m3 hoặc không lớn hơn 30 mg/100g.

Tương tự, với sản phẩm gỗ công nghiệp ván dăm hàm lượng formaldehyde phát tán không lớn hơn 0,124 mg/m3 hoặc 0,7 mg/l, hoặc 8 mg/100g. Bên cạnh đó, quy chuẩn mới với vật liệu gỗ công nghiệp cũng quy định về độ bền uốn, độ bền kéo, độ trương nở chiều dày khi ngâm nước của gỗ công nghiệp.

Các ngưỡng này được ban hành đều hướng tới mục tiêu an toàn tối đa, bảo vệ sức khoẻ người tiếp xúc với các vật liệu. Các vật liệu nội thất thường được sử dụng bên trong nhà, trong không gian gần kín nên việc phát tán các chất độc hại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người sử dụng.

Thông tư 04 cũng đưa ra các ngưỡng tối thiểu về độ bền, độ uốn vật liệu xây dựng nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, giúp họ được sử dụng những sản phẩm có chất lượng tốt.

Về phía doanh nghiệp, ông Phong cho rằng, yếu tố quyết định thành công của một sản phẩm là chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ và giá cả cạnh tranh. Bên cạnh đó là cam kết chất lượng như công bố, có đủ các chứng từ nguồn gốc sản phẩm, chứng nhận chất lượng, sản phẩm có tính ổn định để khách hàng an tâm sử dụng sản phẩm. Đặc biệt, nhà sản xuất cần đề cao yếu tố an toàn sức khỏe theo quy định của từng thị trường.

Duy Trinh (t/h)
https://vietq.vn/lua-chon-san-pham-go-cong-nghiep-dam-bao-an-toan-ve-nong-do-formaldehyde-d218049.html