Để tiết kiệm chi phí, nhiều người có xu hướng chọn những sản phẩm sạc dự phòng giá rẻ, không có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên những chiếc sạc này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Khi tìm kiếm từ khoá “pin sạc dự phòng” trên Shopee, kết quả trả về gần 50.000 sản phẩm khác nhau. Đa phần trong số chúng đều có giá dưới 300.000 đồng. Đặc biệt, có những chiếc sạc dự phòng dung lượng 20.000mAh mà chỉ có giá từ 150.000 – 200.000 đồng. Con số này bằng 1/4 hay 1/3 so với sản phẩm đến từ UGREEN hay Anker có cùng dung lượng. Thậm chí, những mẫu sạc giá rẻ còn có lượt bán hàng trăm nghìn sản phẩm mỗi tháng, cho thấy nhu cầu của người dùng là lớn đến nhường nào.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với nền tảng Lazada. Một số mẫu sạc phân khúc dưới 200.000 đồng cũng ghi nhận lượt bán lên đến hàng nghìn sản phẩm mỗi tháng. Thậm chí, nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc còn được rao bán trên Lazada Flash Sale, thu hút rất nhiều lượt quan tâm từ người dùng.

Thực tế không phải tất cả sạc dự phòng giá rẻ đều có chất lượng kém. Các thương hiệu đến từ Hoco, Remax hay Baseus vẫn luôn tung ra những sản phẩm tốt đi kèm với mức giá hợp lý. Song, không thể phủ nhận rằng thị trường hiện nay chứng kiến quá nhiều mẫu pin kém chất lượng. Chúng không có thông tin rõ ràng, mập mờ về nơi sản xuất, thậm chí còn “nhái” tên những thương hiệu nổi tiếng tiềm ẩn nhiều rủi ro cháy nổ.


Không nên mua sạc dự phòng giá rẻ vì tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh minh họa

Đối với những sản phẩm sạc dự phòng kém chất lượng thường có dung lượng chuyển đổi thấp: Do chênh lệch nguồn điện đầu vào và ra, những chiếc sạc dự phòng thường chỉ đạt khoảng 60% dung lượng so với thông số. Chẳng hạn, một viên pin dự phòng 10.000mAh nhưng thực tế chỉ dùng được 5.500 – 6.000mAh, tức hao hụt 40% so với ban đầu. Cũng có một số mẫu sạc giá rẻ lại cho ra hiệu quả chuyển đổi thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 40%. Một viên pin có thông số 10.000mAh khi này chỉ có thể sạc đầy 1 lần cho chiếc iPhone 15 Pro Max. Rõ ràng, hiệu quả sử dụng bị giảm đi đáng kể.

Nhiều nhà sản xuất cố tình biến công suất trên sạc dự phòng trở nên mập mờ, không rõ ràng. Chẳng hạn, một chiếc sạc được quảng cáo có thể sạc nhanh 30W, nhưng thực tế, đó chỉ là tổng công suất được cộng lại từ cả ba cổng. Trong khi đó, mỗi cổng riêng lẻ lại chỉ sạc được 10W mà thôi. Sự mập mờ khiến người dùng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sử dụng khi mà thời gian sạc bị kéo dài đáng kể.

Các mẫu sạc kém chất lượng thường sử dụng thiết kế cũ, do đó không được tối ưu về tản nhiệt và nhanh chóng nóng lên. Chưa kể, quá trình nạp lại điện cho sạc dự phòng rất có thể xảy ra tình trạng quá tải hoặc dòng điện không ổn định. Ngoài ra các sản phẩm kém chất lượng thường sử dụng mạch điều khiển đời cũ, do đó sẽ không tự ngắt nếu gặp hiện tượng trên. Hệ quả, lõi pin nóng lên nhanh chóng và tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.

Trên hết, việc sử dụng sạc dự phòng giá rẻ, kém chất lượng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về tính an toàn. Các sản phẩm này thường cho ra dòng điện không ổn định, về lâu về dài gây ra tình trạng loạn cảm ứng hay thậm chí là cháy nổ. Tại Việt Nam, từng có rất nhiều vụ hoả hoạn xảy ra mà nhân tố đứng sau là những chiếc sạc dự phòng. Phần lớn các nạn nhân trong số đó đều chọn các sản phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc.

Một số lưu ý khi chọn sạc dự phòng giá rẻ

Theo các chuyên gia điện máy, người dùng nên thận trong trước khi mua sạc dự phòng giá rẻ. Nên mua những viên pin dự phòng có giá niêm yết tối thiểu 200.000 đồng (dung lượng 10.000mAh) và 300.000 đồng (dung lượng 20.000mAh). Hãy cân nhắc thật kỹ những sản phẩm có giá thấp hơn vì rất có thể chúng có chất lượng kém.

Một số hãng phụ kiện giá rẻ có thể tham khảo là Pisen, Xiaomi, Baseus, Hoco và Vivan. Cần thận trọng với những sản phẩm không có thương hiệu hay thông tin rõ ràng.

Công suất tối thiểu cho một chiếc sạc dự phòng nên là từ 18W. Bên cạnh đó, trước khi mua, hãy chú ý đến công suất tối đa của từng cổng. Bạn cũng cần chọn pin dự phòng có đúng tiêu chuẩn mà thiết bị của mình hỗ trợ, chẳng hạn với iPad, iPhone, Samsung hay Google Pixel nên tìm những sản phẩm hỗ trợ chuẩn có cổng USB-C. Còn với Xiaomi hay LG nên ưu tiên các sản phẩm có sạc nhanh.

Trên thực tế, một số gian hàng nhỏ có thể chạy quảng cáo để đẩy sạc dự phòng của mình lên trang nhất của màn hình tìm kiếm do đó nên thận trọng với những sản phẩm đó vì rất có thể chúng là hàng kém chất lượng.

Cách sử dụng pin sạc dự phòng

Sử dụng sạc dự phòng khi mới mua về: Để đảm bảo việc sử dụng hiệu quả và bền lâu cho pin sạc dự phòng khi mới mua về thì bạn cần chú trọng thực hiện các hoạt động liên quan đến vấn đề nạp xả như sau:

Lần sạc đầu tiên: Hãy sử dụng hết dung lượng pin có sẵn, sau đó nạp lại pin liên tục trong thời gian từ 6 – 8 tiếng tùy vào từng loại pin sạc dự phòng. Lần sạc thứ 2 tiếp tục sạc đầy lần hai khi đã sử dụng hết dung lượng pin của lần sạc đầu. Lần sạc thứ 3 sử dụng dung lượng pin của lần 2 cho đến khi hết và cắm sạc lại đến khi pin đầy lại. Từ lần sạc thứ 4 trở đi chú ý sử dụng không để pin cạn kiệt mới sạc và không sạc khi pin vẫn còn đầy dung lượng. Bạn nên sạc khi thiết bị thông báo cần nạp năng lượng.

Cách bảo quản pin sạc dự phòng

Không để sản phẩm nơi có nhiệt cao: Để bảo quản pin sạc dự phòng, điều đầu tiên là bạn không nên để sản phẩm tiếp xúc với môi trường có nhiệt độ cao. Vì bên trong pin có các mạch điện điều khiển dòng điện, nhiệt độ cao làm ảnh hưởng đến chúng, gây nên hiện tượng phù pin, khiến nhiệt độ pin tăng cao có thể xảy ra cháy nổ.

Không để sạc dự phòng tiếp xúc với nền nhiệt cao: Vì vậy, các hãng sản xuất và các chuyên gia vẫn luôn khuyến cáo người dùng không nên để sạc dự phòng ở trong cốp xe, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và các thiết bị có nhiệt độ cao.

Bảo quản nơi khô ráo tránh ẩm ướt: Nhiệt độ thích hợp để bạn bảo quản tốt sạc dự phòng là ở 45 độ C và đặt chúng ở những nơi khô ráo, không ẩm ướt. Vì sự ẩm ướt sẽ ảnh hưởng đến bo mạch và IC nguồn bên trong làm rỉ sét.

Điều kiện nhiệt độ và độ ẩm rất quan trọng vì nó sẽ cùng với điện năng tác động trực tiếp lên bo mạch làm nó bị gỉ sét và chạm cháy. Đặt pin sạc dự phòng ở nơi khô ráo, sạch sẽ cũng giúp cho tuổi thọ pin được kéo dài.

Thông tư về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về pin lithium cho thiết bị cầm tay

Năm 2017, Uỷ ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) đã công bố tiêu chuẩn mới cho pin lithium là bộ tiêu chuẩn IEC 61960:2017, IEC 62133:2017 thay thế cho các tiêu chuẩn mà Việt Nam dùng để tham chiếu xây dựng QCVN 101:2016/BTTTT.

Để phù hợp với thực tế và hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, cần thiết phải xây dựng quy chuẩn mới QCVN 101:2020/BTTTT (sửa đổi QCVN 101:2016/BTTTT) để quản lý pin lithium cho thiết bị cầm tay gồm: pin lithium cho điện thoại di động, pin lithium cho máy tính bảng, pin lithium cho máy tính xách tay. Theo đó ngày 09/7/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 15/2020/TT-BTTTT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về pin lithium cho thiết bị cầm tay.

Quy chuẩn này bao gồm các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu làm cơ sở kỹ thuật cho việc quản lý, đánh giá chất lượng pin lithium cho các thiết bị cầm tay gồm pin lithium rời hoặc lắp trong điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính xách tay. Quy chuẩn không áp dụng đối với pin lithium rời là pin sạc dự phòng.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về pin lithium quy định các chỉ tiêu như: Yêu cầu về các điện cực; Yêu cầu về cảm quan; Yêu cầu về ký hiệu và nhãn mác; Yêu cầu đối với tế bào; Yêu cầu về các đặc tính điện; Yêu cầu về đặc tính an toàn; Yêu cầu về dung sai thông số đo; Phương pháp đo đặc tính điện; Phương pháp đo đặc tính an toàn.

Pin lithium thuộc phạm vi điều chỉnh phải tuân thủ các quy định kỹ thuật của Quy chuẩn này.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về pin lithium quy định chỉ tiêu về đặc tính an toàn phải thực hiện bởi phòng thử nghiệm trong nước được chỉ định, hoặc phòng thử nghiệm ngoài nước được thừa nhận. Đối với chỉ tiêu khác, đặc biệt chỉ tiêu về các đặc tính điện do thời gian đo kéo dài và phá hủy thêm nhiều mẫu đo nên Quy chuẩn quy định để cho phép doanh nghiệp có thể tùy chọn sử dụng kết quả đo kiểm/thử nghiệm của phòng thử nghiệm trong nước được chỉ định, hoặc phòng thử nghiệm ngoài nước được thừa nhận, hoặc các phòng thử nghiệm trong nước và ngoài nước được công nhận phù hợp với tiêu chuẩn ISO 17025, hoặc kết quả đo kiểm/thử nghiệm của nhà sản xuất.

Các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện các quy định về công bố hợp quy theo các quy định hiện hành.

Quy chuẩn này được áp dụng thay thế cho Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 101:2016/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về pin lithium cho thiết bị cầm tay”. Thông tư số 15/2020/TT-BTTTT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về pin lithium cho thiết bị cầm tay có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2021

Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/sac-du-phong-gia-re-tran-lan-tren-shopee-lazada-cach-lua-chon-va-su-dung-an-toans11-d216936.html