Để có đôi môi căng mọng quyến rũ, nhiều người tìm đến giải pháp làm đẹp là cấy môi sinh học. Tuy nhiên cũng như bất kỳ thủ thuật nào, cấy môi sinh học cũng có rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.

Cấy môi sinh học là cấy tinh chất tạo màu môi là một phương pháp trong lĩnh vực thẩm mỹ để tạo màu cho môi. Theo thời gian, đôi môi chúng ta bắt đầu mất màu, gây thâm. Cấy môi sinh học có thể được thực hiện cho cả nam và nữ có đôi môi sẫm màu, xỉn màu hoặc cho những người đang muốn có thêm sắc hồng đào cho đôi môi tự nhiên của mình.

Với kỹ thuật cấy môi sinh học, có thể làm trẻ hóa màu hồng tự nhiên của môi, hoặc điều chỉnh màu sắc phù hợp với sắc tố và sở thích riêng của mỗi cá nhân. Trong quá trình này, dưỡng chất và chất tạo màu được tiêm vào môi bằng cách sử dụng thiết bị phun xăm siêu nhỏ tác động lên vùng biểu bì của môi, giúp môi căng mọng tự nhiên và tạo màu môi mới.

Cấy môi sinh học là công nghệ mới giúp hạn chế tình trạng đau rát, sưng tấy, lên màu chuẩn và thời gian bong vảy cũng nhanh hơn so với phun xăm truyền thống. Chính vì vậy, cấy môi sinh học hiện nay được rất nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên cấy môi sinh học cần được thực hiện bởi các chuyên gia thẩm mỹ chuyên nghiệp và phải tuân thủ các quy tắc về vệ sinh và an toàn để đảm bảo kết quả tốt nếu không sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.


Cấy môi sinh học cần lưu ý để tránh những rủi ro không mong muốn. Ảnh minh họa

Những rủi ro tiềm ẩn từ cấy môi sinh học không đảm bảo

Về phương pháp thực hiện thì xăm môi sử dụng loại kim có chứa màu cấy sâu vào biểu bì môi khoảng 0,5 mm. Trong khi cấy môi chỉ đâm kim trên lớp thượng bì nên không gây tổn thương mô da, vì vậy môi ít sưng hơn xăm môi. Thời gian môi bong sau cấy môi sinh học là từ 3-5 ngày với kết quả duy trì tối đa là 5 năm, phụ thuộc vào cơ địa cũng như cách chăm sóc của mỗi người. Tuy nhiên cũng như bất kỳ thủ thuật nào, cấy môi sinh học cũng có rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.

Sau quá trình cấy môi, có thể xuất hiện sưng, đỏ, và đau nhức trong và quanh vùng môi, nhưng tình trạng này thường là tạm thời và sẽ giảm đi sau vài ngày.

Ngoài ra cấy môi sinh học cũng có thể xảy ra các phản ứng dị ứng như ngứa, sưng, hoặc mẩn đỏ do dị ứng với chất làm đầy được sử dụng. Điều này đặc biệt quan trọng nếu có tiền sử về dị ứng.

Thậm chí một số người báo cáo mất cảm giác tạm thời ở vùng môi sau khi cấy môi. Tuy nhiên sẽ trở lại bình thường sau vài tuần. Một rủi ro tiềm ẩn là nhiễm trùng, mặc dù hiếm khi xảy ra. Để tránh nhiễm trùng, cấy môi phải được tiến hành đúng quy trình y khoa và tuân thủ các hướng dẫn về chăm sóc sau cấy môi.

Cấy môi sinh học cũng có xác suất xảy ra trường hợp cấy môi không thành công. Trong trường hợp này, có thể cần phải thực hiện lại quá trình.

Phương pháp cấy môi sinh học yêu cầu kỹ thuật cao và chất lượng tế bào sinh học tốt. Nếu chọn nhầm địa chỉ không uy tín hay không chuyên nghiệp có thể gặp phải các rủi ro như tế bào sinh học bị nhiễm khuẩn, kết quả không đều hay biến dạng, hoặc gây ra các biến chứng khác.

Cách chăm sóc môi sau cấy môi sinh học

Cấy môi sinh học đảm bảo an toàn, uy tín là một phương pháp làm đẹp môi hiện đại, hiệu quả. Tuy nhiên, sau khi cấy môi cần chú ý đến việc chăm sóc môi để đảm bảo kết quả tốt nhất và tránh các biến chứng không mong muốn.

Trong vòng 24 giờ đầu tiên sau khi cấy môi nên giữ cho môi luôn ẩm bằng cách uống nhiều nước, sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc son dưỡng môi. Tránh để môi khô, nứt nẻ hoặc bong tróc. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, bụi bẩn, vi khuẩn. Có thể đeo khẩu trang hoặc che môi bằng khăn khi ra ngoài.

Tránh ăn uống các thực phẩm cay nóng, chua, mặn hoặc có màu sắc nhân tạo. Các thực phẩm này có thể gây viêm nhiễm, sưng tấy hoặc ảnh hưởng đến quá trình hình thành collagen trong môi.

Tránh hút thuốc lá, uống rượu bia hoặc các chất kích thích khác. Các chất này có thể làm giảm tuần hoàn máu, làm chậm quá trình phục hồi và làm giảm hiệu quả của cấy môi sinh học.

Tránh cười to, hôn hoặc nhai, nghiến nhiều. Các hoạt động này có thể làm căng thẳng các cơ và da môi, gây đau nhức, sưng đỏ hoặc làm biến dạng hình dáng môi.

Tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm hoặc các loại thuốc khác để ngăn ngừa nhiễm trùng và giảm đau.

Theo dõi tình trạng của môi và báo cho bác sĩ nếu có dấu hiệu bất thường như xuất hiện vết thâm tím, máu chảy, nốt sần sùi, mủ hoặc cảm giác ngứa rát.

Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/cay-moi-sinh-hoc-tiem-an-nhieu-rui-ro-d215119.html