Bàn tay là bộ phận thường xuyên và tiếp xúc với nhiều với các loại dụng cụ, vật phẩm có chứa vi khuẩn. Vì thế, khi sử dụng điện thoại, những vi khuẩn gây bệnh vô tình tích tụ lại trên đó và gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe.

Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện trên chiếc điện thoại di động, chứng minh rằng vật bất ly thân của nhiều người hiện nay như một ổ vi khuẩn. Nghiên cứu của các chuyên gia Đại học Arizona, Mỹ, cho thấy số vi khuẩn trên điện thoại nhiều gấp 10 lần so với hầu hết bồn cầu ở nhà vệ sinh. Emily Martin, phó giáo sư dịch tễ học tại Đại học Michigan (Mỹ), cho biết một trong những nơi tệ hại nhất để sử dụng điện thoại là trong nhà vệ sinh, vì khi xả bồn vệ sinh, vi trùng sẽ phun ra khắp nơi, kể cả trên điện thoại.

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi một Trường đại học y của Anh – London School of Hygiene and Tropical Medicine – ước tính có khoảng 92% điện thoại bị nhiễm vi khuẩn có thể gây bệnh. Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra hơn 300 mẫu điện thoại từ 12 thành phố trên khắp nước Anh và cũng phát hiện ra rằng 16% dương tính với E. coli, một loại vi khuẩn có trong phân. Thậm chí một thành phố có gần một nửa số điện thoại có phân bám vào.

Tuy nhiên, đa số mọi người đều không nghĩ rằng điện thoại bẩn. Người dùng có thể rửa tay sạch sẽ sau mỗi lần đi vệ sinh, nhưng thường không làm sạch điện thoại của mình, phó giáo sư Martin chia sẻ. Một nghiên cứu khác do các nhà khoa học của Đại học Tartu, Estonia, tiến hành trên điện thoại của 27 học sinh trung học đã tìm thấy hơn 17.000 bản sao gene vi khuẩn. Trong đó, nổi bật là những loại vi khuẩn thường gặp trên điện thoại như sau:

Phế cầu khuẩn

Phế cầu khuẩn thường khu trú ở vùng hầu họng con người và tấn công khi hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu. Phế cầu khuẩn gây ra nhiều bệnh nguy hiểm đến trẻ như viêm màng não, viêm phổi và nhiễm trùng huyết. Trẻ cũng có khả năng tái mắc nhiều lần những bệnh ít nghiêm trọng hơn do phế cầu khuẩn, như viêm xoang hay viêm tai giữa.


Điện thoại là nơi trú ẩn của nhiều mầm bệnh, từ phế cầu khuẩn, e.coli, cúm… Ảnh minh họa

Tụ cầu vàng

Vi khuẩn tụ cầu vàng gây bệnh liên quan tới nhiễm trùng da, viêm phổi, viêm nội tâm mạc và viêm tủy xương, thường dẫn đến hình thành áp xe. Một số chứa độc tố phức tạp gây viêm dạ dày ruột, hội chứng bong vảy da và hội chứng sốc nhiễm độc.

Bạch hầu khuẩn

Vi khuẩn bạch hầu gây ra các bệnh nhiễm trùng cấp tính và có thể dẫn đến viêm phổi, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, thậm chí là tử vong.

E.coli

Đây là loại vi khuẩn thường sống trong ruột của người và động vật. E.coli có khả năng gây ra tiêu chảy tạm thời hoặc một số bệnh nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm màng não.

Vi khuẩn cúm

Bệnh cúm có thể tự khỏi song cũng có khả năng gây ra những biến chứng nghiêm trọng ở người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, thiếu máu, bệnh chuyển hóa hoặc người có suy giảm miễn dịch, người trên 65 tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và phụ nữ mang thai. Bệnh có thể gây ra các biến chứng như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não. Cúm lây qua đường hô hấp hoặc gián tiếp qua đồ vật có dính dịch tiết đường hô hấp. Điện thoại có thể là vật trung gian truyền bệnh cúm nếu không vệ sinh thường xuyên.

Những cách vệ sinh điện thoại hiệu qủa phòng tránh vi khuẩn tích tụ

Lau máy bằng khăn tẩm cồn

Lau máy bằng giẻ có tẩm cồn là cách thông dụng để làm sạch bề mặt điện thoại. Cả Apple lẫn Samsung – hai nhà sản xuất smartphone lớn nhất hiện nay – đều khuyến nghị dùng giải pháp lau rửa bằng cồn isopropyl 70% (IPA) để làm sạch thiết bị. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra lo lắng, cho rằng chất tẩy rửa chứa cồn có thể đánh bay lớp phủ gốc dầu dùng để bảo vệ bề mặt màn hình.

Mặc nhiên lớp phủ này sẽ mất dần theo thời gian sử dụng, nhưng việc tẩy rửa dùng chất bay hơi như cồn sẽ đẩy nhanh quá trình này. Tuy vậy, người dùng không nên quá lo lắng bởi nếu dùng với tần suất thưa (như mỗi tuần 1 lần) sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn nào. Ngoài màn hình thì các phần vỏ khác của điện thoại có thể áp dụng cách này mà không cần lo lắng gì. Nhưng cần lưu ý tẩy rửa bằng cồn cũng cần máy phải có mức kháng nước nhất định bởi dù bay hơi nhanh, cồn vẫn có khả năng phản ứng với nhựa (ở vỏ ngoài máy). Tốt nhất nên kiểm tra thử trên vùng nhỏ để xem phản ứng trước khi tẩy sạch từ đầu tới cuối.


Một mẫu máy khử khuẩn điện thoại bằng tia UV. Ảnh minh họa

Dùng tia UV

Ứng dụng các bước sóng nhất định của ánh sáng cực tím (tia UV) sẽ loại bỏ những lo ngại liên quan tới chất lỏng hay công kỳ cọ thiết bị cho sạch, đồng thời giúp loại bỏ, giới hạn sự phát triển của vi sinh vật. Nhưng không hẳn vì vậy mà đem điện thoại ra phơi trước ánh nắng mặt trời. Trên thị trường đang bán rất nhiều thiết bị chiếu tia UV khác nhau, đa phần có thiết kế giống bồn tắm nắng mini dành cho điện thoại. Cách dùng khá đơn giản, chỉ cần cho máy vào trong, bật đèn UV lên và chờ vài phút để tia cực tím khử khuẩn cho máy. Nhược điểm của phương pháp này là chi phí đầu tư tốn kém, một chiếc máy khử trùng bằng UV cho điện thoại có thể tới vài triệu đồng, trong khi các mẫu giá rẻ không thể kiểm chứng chất lượng. Dù vậy, so với cách dùng nước, cồn hay các dung dịch tẩy rửa thì phương án này tiện lợi, an toàn hơn.

Khánh Mai (t/h)
https://vietq.vn/nhung-loai-vi-khuan-gay-benh-thuong-xuat-hien-tren-dien-thoai-d211647.html