Theo mục tiêu của Chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường của TP giai đoạn 2016 – 2020, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu đến năm 2020 sẽ thu gom và xử lý an toàn 100% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH).

Nhằm đạt được mục tiêu trên, Sở TN&MT đã phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh xây dựng ứng dụng phân loại CTRSH tại nguồn trên điện thoại di động để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin về hướng dẫn thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn TP.

Hiện nay, ước tính trung bình khối lượng CTRSH phát sinh của TP. Hồ Chí Minh khoảng 8.500 tấn/ngày, chủ yếu phát sinh từ các nguồn như: Khu vực dân cư, cơ quan, khách sạn, nhà hàng, cơ sở sản xuất, khu vực công cộng, trung tâm thương mại, chợ… Bên cạnh đó, TP đang tiếp nhận gần 3.000 m³/ngày lượng bùn thải phát sinh từ các trạm và nhà máy xử lý cấp nước, nước thải; hơn 2.000 nhà máy công suất lớn cùng khoảng 10.000 cơ sở sản xuất thải ra 1.500 – 2.000 tấn chất thải công nghiệp/ngày, trong đó, chất nguy hại khoảng 350 – 400 tấn.

Dự báo đến năm 2020, nguồn rác thải tăng lên gần 10.100 tấn/ngày (tăng bình quân 5% mỗi năm) và đến năm 2025, tăng lên gần 13.000 tấn/ngày. Đây chính là nguyên nhân gây ra bệnh dịch và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Để xảy ra tình trạng ô nhiễm, một phần là do chưa quản lý được thu gom rác; thiết bị thu gom rác thải thô sơ, một số phương tiện vận chuyển rác đã cũ; việc kết nối giữa thu gom rác tại nguồn và vận chuyển không đồng bộ, đặc biệt, phần lớn người dân có thói quen bỏ CTRSH trước cửa nhà, trên vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị…

Giao diện ứng dụng phân loại CTRSH tại nguồn được thiết kế đơn giản, dễ sử dụng.

Trước thực trạng trên, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn TP giai đoạn 2017 – 2020. Theo đó, đến năm 2020, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu hoàn thành cơ bản việc triển khai phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn 24 quận, huyện. Theo yêu cầu của UBND TP, CTRSH phải được phân loại tại nguồn nhằm tăng cường tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng và giảm chôn lấp CTRSH trên địa bàn TP; mỗi cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thực hiện phân loại CTRSH khi có phát sinh.

Hiện nay, TP đã và đang thực hiện thí điểm Chương trình Phân loại CTRSH tại các quận 1, 3, 5, 6, 12, Bình Thạnh và lắp đặt các thùng rác thông minh tại khu vực công cộng trên địa bàn quận 1, 2, 3, 4, 5, Tân Phú… Ngoài chức năng phân loại, mỗi thùng rác thông minh được gắn 1 tấm pin năng lượng mặt trời, khi ánh nắng đi qua tấm pin đó sẽ biến đổi thành điện năng, có chức năng lọc nước để tưới cho hai chậu cây được trang bị hai bên thùng rác. Để người dân thuận tiện trong việc phân loại  CTRSH  tại nguồn, UBND TP cũng chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các quận, huyện lên kế hoạch bố trí các thiết bị lưu chứa, phương tiện và phương án thu gom ở từng khu vực. Đặc biệt, Sở TN&MT đã xây dựng phần mềm ứng dụng phân loại CTRSH tại nguồn. Đây là một trong những giải pháp giúp cho người dân tiếp cận với việc phân loại CTRSH nhanh và dễ dàng.

Hiện ứng dụng phân loại CTRSH tại nguồn đã được đưa lên ứng dụng Play store của hệ điều hành Android hoặc Apps store của hệ điều hành IOS, người dùng chỉ cần sử dụng các dòng điện thoại thông minh tìm kiếm ứng dụng với từ khóa “phân loại CTRSH tại nguồn”, tải về và cài đặt. Trên phần mềm đó sẽ có các thông tin cụ thể về hướng dẫn cách phân loại, chất thải hữu cơ dễ phân hủy (bao gồm bã mía, bã trà, cà phê, bã trà túi lọc, thức ăn thừa, thực phẩm hết hạn sử dụng…) được cho vào túi màu xanh có dán nhãn trước khi chuyển cho đơn vị có chức năng thu gom, và được xử lý thành phân compost. Chất thải có khả năng tái chế gồm tạp chí, sách báo, giấy, đồ dùng bằng nhựa, các loại đồ vật bằng cao su, đồ kim loại, vỏ hộp giấy, đồ dùng bằng thủy tinh… được phân loại và tái sử dụng, tái chế. Các chất thải còn lại được cho vào túi màu xám, được vận chuyển đến nơi xử lý để chôn lấp hoặc đốt.

Ngoài ra, với ứng dụng này, người dân có thể xem hướng dẫn phân loại CTRSH tại nguồn dưới dạng văn bản đi kèm hình ảnh, hoặc video. Trên ứng dụng có mục “Gửi phản hồi” để tiếp nhận ý kiến, phản ánh của người dân trong lĩnh vực TN&MT về Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh. Người dùng cũng có thể chia sẻ rộng rãi ứng dụng trên mạng xã hội.  Đặc biệt, ứng dụng cũng có các tiện ích như bản đồ hướng dẫn người dân vị trí bỏ rác, chi phí thu gom, các chính sách khác của TP, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về BVMT. Đồng thời, ứng dụng cũng nêu rõ các mục tiêu, ý nghĩa, cách thức của việc phân loại và quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sau phân loại.

Để phổ biến rộng rãi ứng dụng đến người dân, Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai đến từng quận, huyện, phường, xã, tổ dân phố, gia đình. Sở TN&MT mong muốn nhận được nhiều thông tin đóng góp của người dân để tiếp tục hoàn thiện các nội dung trong ứng dụng, góp phần thực hiện hiệu quả công tác phân loại CTRSH tại nguồn. Thời gian tới, Sở sẽ nghiên cứu các phần mềm, ứng dụng về giám sát công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH, phổ biến đến người dân để cùng kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý CTRSH, tạo sự chuyển biến tích cực đối với vấn đề rác thải cũng như nâng cao ý thức BVMT của người dân.

Theo Lâm Văn Miền/tapchimoitruong.vn (tháng 7/2018)