Từ ngày 10/8/2018, Thông tư số 56/2018/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan Trung ương thực hiện thẩm định do Bộ Tài chính ban hành chính thức có hiệu lực.

Theo đó, người nộp phí là các cơ quan, tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan có thẩm quyền ở trung ương thực hiện thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Người nộp phí thực hiện nộp phí thẩm định trong thời gian từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị thẩm định, thẩm định lại đến trước khi tổ chức họp hội đồng thẩm định. Phí nộp trực tiếp cho tổ chức thu phí hoặc nộp vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc Nhà nước.

Nhóm dự án được quy định như sau: Nhóm 1: Dự án công trình dân dụng; Nhóm 2: Dự án hạ tầng kỹ thuật (trừ dự án giao thông); Nhóm 3: Dự án nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi; Nhóm 4: Dự án giao thông; Nhóm 5: Dự án công nghiệp; Nhóm 6: Dự án xử lý chất thải và cải thiện môi trường và các Dự án khác (không thuộc nhóm 1, 2, 3, 4, 5 nêu trên). Trong đó, nhóm dự án có tổng vốn đầu tư trên 7.000 tỷ đồng chịu mức thu phí thẩm định cao nhất là 96 triệu đồng.

Tổ chức thu phí nộp 100% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thẩm định, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật. Chậm nhất là ngày 5 hàng tháng, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu của tháng trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc Nhà nước.

Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước thuộc diện khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí, thì được trích để lại 90% tổng số tiền phí thẩm định thực thu được để chi cho hoạt động thẩm định, thu phí và nộp 10% vào ngân sách nhà nước.

Theo Trung Thảo/tapchimoitruong.vn