Đổ đèo là tình huống không hề đơn giản với các tài xế, đặc biệt là tài xế xe tay ga. Nếu đổ đèo không đúng kỹ thuật sẽ rất dễ bị mất phanh, gây ra nguy hiểm cho người ngồi trên xe và những người tham gia giao thông.

Dịp lễ Tết cuối năm nhiều người thường chọn đến các địa điểm du lịch ở vùng núi như Sapa, Tam Đảo, Hà Giang,… để tận hưởng cái lạnh, sự bình yên và chinh phục những con đường, khúc cua uốn lượn. Không ít người lựa chọn phương tiện là xe máy để cảm nhận được hết vẻ đẹp của thiên nhiên, tiếp xúc trực tiếp với bầu không khí nơi núi rừng.

Tuy nhiên việc di chuyển bằng xe máy, đặc biệt là tay ga trên những đoạn đường dốc sẽ gặp phải không ít những nguy hiểm. Thực tế đã có nhiều trường hợp bị xe ga bị mất phanh khi đổ đèo dẫn đến những tai nạn không đáng có. Vì vậy để đảm bảo an toàn cho bản thân và người đồng hành, hãy nắm chắc những quy tắc sau đây khi quyết định mang xe ga đi leo núi, đổ đèo.

Tuyệt đối không tắt động cơ

Thực tế khi chạy xe đường đèo dốc, nhiều người có thói quen tắt động cơ để xe trôi tự do xuống dốc rồi rà phanh nhằm tiết kiệm xăng. Cần chú ý đây là điều tối kỵ khi đi đèo vì sẽ làm hại cho xe đồng thời gây nguy hiểm đến người điều khiển.

Ngoài ra khi thả trôi xe trên đường dốc thì lực quán tính của xe sẽ ngày càng lớn và dẫn đến tốc độ nhanh dần lên. Nếu chạy đến khúc cua hoặc gặp chướng ngại vật, người điều khiển bắt buộc sử dụng phanh tay gấp vì đã không còn phanh động cơ. Với những xe động cơ đặt phía sau như xe tay ga, phanh gấp là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuôi xe bị văng qua một bên và xảy ra tai nạn.

Do đó kỹ năng đầu tiên bạn cần nằm lòng khi chạy đường đèo là luôn giữ một khoảng tốc độ ổn định, thường là 20-30 km/h.

Không rà, giữ phanh tay trong thời gian dài

Rà phanh liên tục trên đoạn đường đèo có thể làm nóng hệ thống phanh và dẫn đến mất tác dụng tạm thời. Nếu gặp tình huống này, tài xế nên tập xe vào lề để hệ thống phanh “nghỉ ngơi”. Sử dụng cơ chế phanh động cơ trên xe tay ga là cách hiệu quả để giảm nguy cơ mất phanh.

Cần chú ý dù cho phanh hoạt động trở lại, việc rà phanh trong thời gian dài là nguyên nhân làm hại piston, gây hao mòn đĩa phanh và má phanh. Do đó thay vì sử dụng phanh tay, bạn nên sử dụng cơ chế phanh động cơ trên xe tay ga.

Cùng với đó, tài xế cần sử dụng đồng thời cả phanh trước và phanh sau. Chúng ta nên bóp phanh ngắt quãng, tránh phanh liên tục. Việc sử dụng phanh liên tục hay rà phanh trên các đường dốc dài, cao sẽ gây quá nhiệt lên hệ thống phanh, làm giảm lực ma sát và hiệu quả phanh, thậm chí dẫn đến nguy cơ mất phanh, gây nguy hiểm.

Kỹ thuật phanh động cơ

Để xe tự trôi với vận tốc khoảng 15-20 km/h. Sau đó rà phanh, “mớm” ga, cuối cùng thả phanh và ga, xe sẽ tự phanh bằng động cơ. Lúc này, phương tiện sẽ tiếp tục bị ghìm ở khoảng tốc độ như trước khi thả phanh và ga, như vậy dù người lái không phanh, xe vẫn duy trì được tốc độ hợp lý.

Ngoài ra, khi đổ đèo, tốc độ cầm chừng của xe là điều cần phải quan tâm. Để đảm bảo phanh động cơ hoạt động hiệu quả, người sử dụng cần đưa phương tiện đến các đội ngũ kỹ thuật chuyên nghiệp để kiểm tra và điều chỉnh tốc độ cầm chừng về đúng quy định của nhà sản xuất.

Những nguyên tắc trên là những hướng dẫn cơ bản nhưng quan trọng giúp tài xế an toàn khi sử dụng xe tay ga trên những đoạn đường đèo khó khăn. Đồng thời, đề xuất tài xế thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng xe để đảm bảo hệ thống phanh hoạt động tốt nhất trong mọi tình huống.

Duy Trinh (t/h)

https://vietq.vn/nhung-nguyen-tac-dam-bao-an-toan-khi-do-deo-bang-xe-tay-ga-d217006.html