Thực phẩm giàu protein, thức ăn nhanh, đồ ngọt, kem, chocolate đen… là những loại thực phẩm có thể gây mất nước và chất điện giải nếu thường xuyên sử dụng vào mùa hè.

Cơ thể cần nhiều nước và chất điện giải hơn trong những ngày nắng để thực hiện các chức năng chuyển hóa. BS.CKI Hoàng Đình Thành, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thực phẩm đóng vai trò lớn trong quá trình hydrat hóa (quá trình bổ sung các phân tử nước vào các hợp chất hữu cơ). Ước tính khoảng 20% nhu cầu hydrat hóa của cơ thể được đáp ứng bằng thực phẩm và 19% tổng lượng nước tiêu thụ mỗi ngày đến từ thực phẩm.

Cơ thể dễ mất nước không chỉ do tiết nhiều mồ hôi, lượng nước bổ sung không đủ mà còn có thể xảy ra khi ăn uống thực phẩm có tác dụng lợi tiểu. Để đảm bảo cơ thể đủ nước, theo bác sĩ Đình Thành, mọi người nên lưu ý với những thực phẩm dưới đây.

Muối và thực phẩm chứa nhiều muối

Muối hay natri clorua được sử dụng để tạo hương vị cho thực phẩm. Lượng muối cao trong chế độ ăn có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau như đầy hơi, huyết áp cao, bệnh tim mạch, khiến thận hoạt động kém và xảy ra tình trạng mất nước.

Việc tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa nhiều muối dẫn đến tình trạng mất nước do mất cân bằng nước của cơ thể. Muối có tính hút ẩm, do đó nó có thể gây mất nước và thậm chí gây phù nề. Đặc biệt, các loại đồ ăn vặt là những thực phẩm có chứa rất nhiều muối, vì vậy nên hạn chế để tránh mất nước trong mùa hè.

Có nhiều loại thực phẩm dễ gây mất nước vào mùa hè cần tránh dùng nhiều. Ảnh minh họa

Một số loại gia vị

Một số gia vị đem đến hương vị cay nồng như ớt, tiêu, gừng… giúp món ăn trở nên hấp dẫn hơn nhưng cũng có thể gây hại cho sức khỏe. Thực phẩm cay chủ yếu chứa capsaicin, chất này gây ra nhiệt cơ thể, từ đó dẫn đến đổ mồ hôi nhiều, nổi mụn trên da, mất nước và ốm yếu. Vì vậy, vào mùa hè nên gia giảm một số loại gia vị cay nóng.

Dưa chua

Dưa chua là món ăn phổ biến trong mùa hè bởi nó kích thích vị giác, giúp con người ăn ngon miệng hơn trong những ngày hè oi bức. Tuy nhiên, dưa chua có thể làm cho miệng của bạn khô và nứt nẻ. Chúng cũng chứa nhiều natri, có thể dẫn đến trữ nước, sưng tấy và đầy hơi; đồng thời có thể dẫn đến chứng khó tiêu nếu bạn uống quá nhiều nước dưa chua.

Thực phẩm giàu protein

Cơ thể cần nhiều hơn 25-30% thời gian để tiêu hóa protein (chất đạm) so với các chất khác. Quá trình này sinh nhiều nhiệt, gây nóng trong người, dẫn đến mất nước. Để chuyển hóa nitơ tự nhiên trong protein, cơ thể cần sử dụng nhiều nước hơn. Do đó, các tế bào có thể mất đi lượng nước đáng kể. Nếu tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu protein, lượng nitơ dư thừa sẽ được đào thải bằng nước.

Theo nghiên cứu năm 2002 của Đại học Connecticut (Mỹ) trên 5 vận động viên sức bền để so sánh mức độ hydrat hóa khi họ tiêu thụ lượng protein lần lượt từ thấp, trung bình và cao. Kết quả cho thấy khi lượng protein tiêu thụ tăng lên, mức độ hydrat hóa dần giảm xuống.

Những loại thực phẩm giàu protein như thịt trâu bò, tôm, thịt dê… cần cắt giảm lượng sử dụng trong mùa hè. Nếu bạn ăn theo chế độ ăn giàu protein nên uống thêm nước ngay cả khi không khát.

Đồ ngọt

Thực phẩm chứa nhiều đường tạo ra áp suất thẩm thấu cao trong đường ruột, tăng khả năng mất nước. Ăn đồ ngọt khiến gan phải làm việc nhiều hơn để phân hủy đường thành chất béo, gây nóng trong người.

Khi tiêu thụ quá nhiều đường, thận không thể tái hấp thu chất lỏng. Nếu hàm lượng glucose trong máu quá cao, cơ thể sẽ cân bằng nồng độ glucose trong máu và tế bào bằng cách hòa tan máu với dịch nội bào để đưa nồng độ glucose về bình thường. Những tế bào trong cơ thể luôn bị tách nước, dẫn đến thiếu nước. Đó là lý do khi ăn nhiều đồ ngọt, bạn luôn cảm thấy khát nước và đi tiểu thường xuyên.

Một số người không dung nạp đường lactose, fructose khi ăn nhiều đồ ngọt có thể bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, khiến cơ thể dễ mất nước. Uống đủ nước, cung cấp thêm chất xơ, hạn chế đồ chiên rán… giúp hệ tiêu hóa cân bằng và khỏe mạnh trong những ngày nắng nóng.

Đồ ăn nhanh

Các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh thường ở dạng chiên rán nhiều dầu mỡ hoặc chứa nhiều muối như khoai tây chiên, gà rán, snack, ngũ cốc rang muối, bánh quy… Hàm lượng chất béo cao làm chậm quá trình rỗng dạ dày, khiến cơ thể mất nhiều năng lượng để tiêu hóa, làm tăng nhiệt độ toàn thân, gây mất nước.

Tiêu thụ đồ ăn nhanh kích thích cơ thể sử dụng đồ uống có đường, nước có gas hoặc rượu bia. Trong khi những loại đồ uống này có thể gây mất nước. Những người có bệnh lý về tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, viêm tụy mạn… tiêu thụ đồ ăn nhanh nhiều chất béo có thể bị tiêu chảy, tăng nguy cơ thiếu nước.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Brazil trên 1,1 triệu người vào năm 2022 đăng trên thư viện Y khoa Mỹ, cho thấy tiêu thụ một lượng nhỏ đồ ăn nhanh làm tăng 12% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, ăn quá nhiều làm tăng rủi ro lên 31% so với việc không tiêu thụ. Để pha loãng glucose dư thừa tích lũy trong máu, cơ thể sẽ tách nước từ các tế bào và bơm lượng nước này vào máu, khiến người bệnh tiểu đường cảm thấy khát nước do thiếu nước liên tục. Mặc dù người bệnh có thể đã uống nhiều nước.

Kem

Kem chứa nhiều đường, chất béo, cholesterol. Ăn kem tạo cảm giác giảm nhiệt độ tức thời nhưng thực tế lại gây nóng do thường chứa nhiều đường. Nếu không được chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, món ăn này có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa hoặc các bệnh nhiễm trùng tiêu hóa do vi khuẩn như tả, lỵ, thương hàn, thiếu nước…

Chocolate đen

Caffein có tác dụng lợi tiểu và có thể ức chế tái hấp thu natri. Trong khi, chocolate đen có hàm lượng caffein cao. Thông thường, 100 g chocolate đen với hàm lượng 60% cacao chứa khoảng 30 mg caffein. Người dị ứng sữa, không dung nạp đường sữa, trào ngược dạ dày thực quản hay mắc hội chứng ruột kích thích có thể bị đầy hơi, ợ nóng hoặc tiêu chảy, tăng nguy cơ mất nước nếu ăn nhiều.

Theo bác sĩ Thành, mỗi người trưởng thành chỉ nên dùng 10-30 g hoặc hai ly chocolate đen nóng hoặc hai muỗng cà phê chocolate đen nguyên chất mỗi ngày, không quá 200 g mỗi tuần; không nên ăn chocolate có hàm lượng đường vượt quá 10 g.

Cơ thể thiếu nước tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tiêu hóa do làm suy yếu lớp màng nhầy trong niêm mạc ống tiêu hóa gây khó nuốt, khó tiêu; hạn chế quá trình đào thải chất độc khỏi cơ thể; tạo cơ hội cho axit dạ dày bào mòn niêm mạc tiêu hóa. Người bệnh tiêu chảy kéo dài, ngộ độc thức ăn bị mất nước, nếu không bổ sung đủ có thể dẫn đến rối loạn cân bằng điện giải, nguy hiểm đến tính mạng.

Theo bác sĩ Đình Thành, chỉ cần giảm 2-3% lượng nước trong cơ thể cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất và chức năng tim mạch. Mỗi người trưởng thành nên đảm bảo bổ sung khoảng 1,5-2 lít nước một ngày từ cả đồ uống và thức ăn để cơ thể khỏe mạnh.

Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/nhung-loai-thuc-pham-de-gay-mat-nuoc-can-tranh-dung-nhieu-d212183.html