Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đan Mạch, sử dụng thuốc đặt cho chị em phụ nữ chứa lợi khuẩn lactobacillus không mang lại hiệu quả như nhiều người nghĩ.

Tại Việt Nam, trung bình 10 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thì có 9 chị em bị viêm nhiễm phụ khoa. Đây là căn bệnh rất dễ tái phát, gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý, đời sống và sức khỏe sinh sản của phái nữ. Trong các phác đồ điều trị, thuốc kháng sinh có thể được chỉ định. “Vũ khí” này đem lại hiệu quả nhanh, nhưng cũng có thể là “con dao hai lưỡi”, tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi trong hệ vi sinh, có thể dẫn đến nguy cơ loạn khuẩn khiến tình trạng nhiễm khuẩn tái phát, thậm chí còn nặng lên và tạo thành vòng luẩn quẩn: nhiễm khuẩn phụ khoa – dùng kháng sinh – loạn khuẩn – nhiễm khuẩn nặng hơn. Không những thế, việc lạm dụng kháng sinh còn gây ra hiện tượng nhờn thuốc, kháng kháng sinh.

Theo Hiệp hội Y khoa Mỹ, mục tiêu cuối cùng của điều trị nhiễm khuẩn ”vùng kín“ là thiết lập lại trạng thái cân bằng cho hệ vi sinh. Trong khi việc sử dụng kháng sinh được xem như “con dao hai lưỡi” thì hiện nay, giải pháp bổ sung lợi khuẩn được đánh giá là “chìa khóa vàng” mở ra xu hướng mới trong hỗ trợ điều trị nhiễm khuẩn.

Theo các nhà khoa học Đan Mạch, lactobacillus là loại vi khuẩn probiotic giúp các vi sinh vật tốt khôi phục sự cân bằng trong ruột. Ngày nay, loại lợi khuẩn này càng được quan tâm trong việc điều trị cho chị phụ nữ. Tuy nhiên, cách cải thiện từ men vi sinh có thể không mang lại kết quả tốt nhất.

Tại hội nghị thường niên lần thứ 38 của Hiệp hội Phôi và Sinh sản châu Âu (ESHRE), các chuyên gia đến từ Đan Mạch đã phát hiện những phụ nữ mất cân bằng hệ vi sinh vật ”vùng kín“ khi điều trị bằng các viên nang chứa lactobacillus không làm cải thiện hệ vi khuẩn so với khi dùng giả dược.


Thuốc đặt chứa lợi khuẩn lactobacillus không mang lại hiệu quả như nhiều người nghĩ. Ảnh minh họa

Nghiên cứu này được thực hiện từ tháng 4/2019 đến tháng 2/2021 với sự tham gia của 74 phụ nữ đang điều trị IVF. Các nhà khoa học chia thành hai nhóm. Nhóm một gồm 38 người được chỉ định sử dụng thuốc đặt có chứa lactobacillus. Nhóm hai gồm 36 người chỉ dùng giả dược. Các mẫu dịch được lấy sau 10 ngày đặt thuốc, một lần nữa trong chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo. Kết quả cho thấy hệ vi sinh vật ở nhóm dùng giả dược (nhóm hai) đã cải thiện 40%. Trong khi đó, nhóm một chỉ ở mức 29%.

Theo các nhà khoa học có khoảng 34,2% người tham gia có sự cải thiện từ 1-3 tháng, bất kể họ được sử dụng probiotic hay giả dược. TS Ida Enberg Jepson – tác giả nghiên cứu cho biết: “việc sử dụng men vi sinh nên được thực hiện một cách thận trọng. Bởi sau cuộc nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy việc sử dụng men vi sinh chứa lactobacillus có thể không làm cải thiện hệ vi sinh vật trong ‘vùng kín’ ở mức tối ưu”.

Theo Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường quốc gia (Mỹ), vi sinh vật đóng vai trò quan trọng trong cơ thể người. Nhiều nghiên cứu cho thấy hệ vi sinh vật âm đạo đã có chứa lợi khuẩn lactobacillus một cách tự nhiên. Chúng có vai trò ngăn ngừa nấm Candida, các vi khuẩn khác phát triển ngoài tầm kiểm soát. Những thay đổi của hệ vi sinh vật trong ”vùng kín“ có thể tác động đến nguy cơ mắc bệnh ung thư phụ khoa hoặc các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Do đó, cách cải thiện hệ vi sinh vật bằng viên đặt có chứa probiotic có thể không mang đến hiệu quả cao bằng các loại thuốc đặt ‘vùng kín’ thông thường.

Cũng theo các nhà khoa học, cách đơn giản nhất để duy trì sự cân bằng là luôn giữ khu vực này được khô thoáng. Bởi sẽ có rất nhiều nguyên nhân khiến hệ vi sinh vật bị ảnh hưởng. Khi số lượng vi khuẩn Lactobacilli giảm đi, các loại vi khuẩn hoặc nấm men khác sẽ phát triển quá mức và gây ra chứng viêm.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/thuoc-dat-chua-loi-khuan-lactobacillus-khong-mang-lai-hieu-qua-d202300.html