Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng hăm tã, dị ứng tuy nhiên trong số đó phải kể tới việc sử dụng tã (bỉm) kém chất lượng.

Hăm tã nổi mụn là vấn đề về da ở vùng háng, mông và tình trạng này khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này như khi trẻ mặc tã quá lâu, vùng da mông và háng của trẻ sẽ phải tiếp xúc với nước tiểu và phân trong thời gian dài. Đây chính là cơ hội để vi khuẩn thâm nhập vào da của trẻ, gây ra tấy đỏ, nổi mụn, thậm chí mưng mủ khiến trẻ vô cùng khó chịu.

Một số trường hợp khác, nguyên nhân khiến trẻ bị hăm tã và nổi mụn có thể là do bị kích ứng với các loại tã (bỉm) không đảm bảo chất lượng. Làn da của trẻ vốn rất non nớt, nhạy cảm. Vì thế, khi tiếp xúc và cọ xát với các loại tã lót thô ráp, kém chất lượng thì rất dễ dẫn đến tình trạng bị hăm, tấy đỏ.

Theo chuyên gia da liễu, sử dụng bỉm kém chất lượng, trẻ em có thể đối mặt với nhiều vấn đề rắc rối khác như viêm da, nấm bộ phận sinh dục, nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Nếu bị nhiễm độc mực in, nhiễm độc hóa chất có trong bỉm thì có thể dẫn tới những tổn thương lớn hơn trên toàn thân mà một thời gian sau chúng ta mới phát hiện ra được.


Nên lựa chọn tã (bỉm) đảm bảo chất lượng để tránh tình trạng trẻ bị hăm tã, dị ứng. Ảnh minh họa

Theo kết quả nghiên cứu gần đây của Viện Da liễu TP.Hà Nội, cứ 1.000 bệnh nhân đến khám, bao gồm cả người lớn và trẻ em thì có 2 trẻ em bị dị ứng với bỉm, chiếm 0,2%. Nguyên nhân chính là do sử dụng bỉm không đạt chất lượng và sử dụng không đúng cách. Thậm chí với bỉm không rõ nguồn gốc, thì khi xảy ra vấn đề gì thì quyền lợi của người dùng sẽ không được đảm bảo.

Chất lượng một chiếc bỉm được đánh giá dựa trên các tiêu chí như nguyên vật liệu sản xuất, khả năng, tốc độ hút nước, giới hạn vi trùng không gây bệnh, giới hạn nấm mốc… Theo các chuyên gia, những chiếc bỉm nhập nhằng nguồn gốc, xuất xứ thường sử dụng nguyên liệu giá rẻ, sản xuất gia công trên dây chuyền lạc hậu, không tuân thủ các tiêu chuẩn quản lý chất lượng nghiêm ngặt. Để đưa ra thị trường những chiếc bỉm giá chỉ bằng 1/3 hay bằng 1/2 của bỉm chính hãng, các đơn vị sản xuất phải sử dụng nguyên liệu giá rẻ và thay đổi hàm lượng chất hóa học trong sản phẩm. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới làn da non nớt của trẻ nhỏ.

Do đó, theo thông tin từ Bệnh viện Mellatex, khi chọn tã (bỉm) cho con, các bậc cha mẹ cần lưu ý chọn những loại tã (bỉm) có khả năng thấm hút tốt, thoáng khí. Nếu đảm bảo sản phẩm bỉm chất lượng, trẻ có thể giảm đáng kể nguy cơ hăm tã, nổi mụn. Nên lựa chọn loại bỉm có nhiều khe rãnh để việc thấm hút nước hiệu quả hơn và nhanh chóng hơn, hạn chế tình trạng da của trẻ phải tiếp xúc nhiều với nước tiểu.

Lựa chọn những sản phẩm có lớp đáy thoát khí cũng góp phần giúp cho làn da luôn khô thoáng. Tình trạng không khí nóng ẩm bên trong chính là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển khiến da của bé bị ửng đỏ, nổi mụn.

Phụ huynh nên lựa chọn những thương hiệu uy tín, lâu năm trong lĩnh vực sản xuất tã (bỉm) giấy trẻ em thay vì hàng trôi nổi, ít người biết đến. Các công ty này có kinh nghiệm sản xuất, áp dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo quy chuẩn quản lý chất lượng, hệ thống chăm sóc khách hàng sau bán hàng. Thông thường, các sản phẩm sẽ được tiến hành nghiên cứu phát triển bài bản, có thời giản thử nghiệm và trải qua hàng loạt đánh giá an toàn của tã trước khi ra thị trường.

Các nhà sản xuất tã (bỉm) trẻ em chuyên nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt về thành phần nguyên vật liệu, ưu tiên dùng cotton mềm mại, màng PE thở, hạt siêu thấm cao cấp…,tã được sản xuất trong môi trường đảm bảo vệ sinh. Các điểm tiếp xúc khác như lưng và hông bé cũng được chú ý sử dụng chất liệu co giãn, êm mềm gồm các lớp đệm thun thấm mồ hôi, hệ thun co giãn linh hoạt ở hai bên hông để da bé không bị hằn đỏ và khó chịu, thoáng mát mùa hè, ấm áp mùa đông.

Cha mẹ nên lựa chọn loại tã (bỉm) trẻ em được trang bị lõi nén công nghệ ép lõi đặc biệt giúp bỉm mỏng nhẹ chỉ vài milimet và dàn đều chất lỏng toàn bộ bề mặt chiếc tã, những loại tã tân tiến này giúp nước tiểu không bị tập trung tại điểm tiêu tiểu để hạn chế hiện tượng vón cục xệ tã. Nhờ vậy, bé sẽ không bị mệt do bỉm nặng, trễ xuống, ảnh hưởng đến dáng đi mà vẫn thoải mái vận động, vui chơi.

Khi trẻ bị hăm tã nổi mụn, mẹ cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ. Nếu trẻ còn bú mẹ, mẹ nên thay đổi thực đơn ăn uống của mình để vừa đảm bảo dinh dưỡng lại vừa hạn chế tình trạng nóng trong. Mẹ nên ăn nhiều rau xanh và trái cây, đảm bảo uống đủ nước, hạn chế ăn quá nhiều thực phẩm chứa đạm như hải sản, các loại thịt bò, thịt lợn,…Nếu bé đã bước sang thời kỳ ăn dặm thì nên cho bé ăn nhiều rau củ quả. Mẹ cũng có thể cho trẻ uống nước ép trái cây để cải thiện tình trạng hăm tã của trẻ.

Sản phẩm tã (bỉm) tã lót cho trẻ được công bố theo quy định nào?

Tã (bỉm) trẻ em sản xuất trong nước hay nhập khẩu từ nước ngoài: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật,.. phải đáp ứng được các yêu cầu của tiêu chuẩn tương ứng và quy định của cơ quan nhà nước. Do đó, doanh nghiệp sản xuất cũng như nhập khẩu tã trẻ em kinh doanh tại thị trường Việt Nam cần phải công bố chất lượng tã bỉm trẻ em đúng với quy định của pháp luật. Ngoài việc tuân thủ luật định đối với sản xuất kinh doanh bỉm tã thì công bố tiêu chuẩn chất lượng tã (bỉm) trẻ em mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động kinh doanh bỉm tã của doanh nghiệp.

Theo điều 23, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa quy định “Người sản xuất, nhập khẩu tự công bố các đặc tính cơ bản, thông tin cảnh báo, số hiệu tiêu chuẩn trên hàng hóa hoặc một trong các phương tiện gồm: bao bì hàng hóa, nhãn hàng hóa, tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa”. Việc công bố tiêu chuẩn áp dụng theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, khu vực, nước ngoài hoặc tiêu chuẩn cơ sở là do Doanh Nghiệp tự lựa chọn và quyết định. Thông tư 11/2021/TT-BKHCN ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc “Quy định chi tiết xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn”.

Do đó, doanh nghiệp chỉ cần ban hành quyết định bằng văn bản về việc công bố tiêu chuẩn áp dụng, đồng thời, đảm bảo sản xuất sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố mà không cần đến cơ quan nhà nước để đăng ký chất lượng.

Vì sao sản phẩm tã (bĩm) tả lót cho trẻ lại không phải công bố hợp quy?

Thông tư 21/2017/TT-BCT Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng Formaldehut và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may, ban hành kèm theo thông tư này. Trong đó, sản phẩm tã (bỉm), là sản phẩm dành cho trẻ em có mã hàng 9619 trong danh mục sản phẩm dệt may chịu sự điều chỉnh của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 01 ngày 23 tháng 10 năm 2017. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/05/2018.

Tuy nhiên, ngày 15 tháng 8 năm 2018 Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 20/2018/TT-BCT sửa đổi Phụ lục I Thông tư 21/2017/TT-BCT, cụ thể: Bãi bỏ mã hàng 9619. Thông tư có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Vì vậy, sản phẩm tã (bĩm) cho trẻ em sẽ không thuộc đối tượng phải được công bố hợp quy, gắn dấu hợp quy (CR) trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/nguy-hiem-khi-tre-bi-ham-di-ung-ta-bim-kem-chat-luong-cach-lua-chon-san-pham-chuan-nhats6-d213848.html