Nhiều người, nhất là những người mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch, thận thường kiêng ăn muối hoàn toàn tuy nhiên điều này không tốt cho sức khỏe.

Theo TS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, những người huyết áp cao, đái tháo đường và bị bệnh thận cho rằng phải ăn nhạt hoàn toàn, không ăn muối là việc làm không đúng. Mỗi một bệnh nhân sẽ có quy định về chế độ ăn cụ thể cho từng loại bệnh mình mắc theo khuyến cáo của bác sĩ.

Hiện nay, mọi người đã nhận thức được việc ăn mặn sẽ dẫn tới nhiều bệnh. Tuy nhiên, nhiều người bệnh tăng huyết áp, bệnh tim, bệnh thận… lại kiêng khem quá mức, ăn nhạt hoàn toàn cũng không tốt cho sức khỏe.

Nhiều người bị bệnh thận hoặc huyết áp cao do kiêng quá mức mà chuyển sang ăn nhạt tuyệt đối khiến lượng natri máu giảm. Não bộ là cơ quan đầu tiên bị ảnh hưởng khi natri máu hạ quá mức bình thường. Lượng natri thấp làm cho nhu mô não bị phù, thậm chí có thể tử vong.

Hạ natri máu khiến người bệnh có triệu chứng mỏi cơ, liệt cơ, cảm giác kiến bò, chuột rút. Người bị hạ natri máu hay bị phù tay, chân hoặc phù toàn thân.

Không nên giảm ăn muối hoàn toàn vì có thể gây hại sức khỏe. Ảnh minh họa

Các bác sĩ tại Bệnh viện Vinmec cũng cho biết, muối được biết đến là loại gia vị không tốt cho huyết áp, bệnh thận, béo phì,… Do đó, nhiều người đã hạn chế, thậm chí không ăn muối trong chế độ ăn hàng ngày. Tuy nhiên, muối đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của não bộ của trẻ sơ sinh. Mặt khác, nếu không ăn muối sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hormone tuyến giáp.

Iot là một khoáng chất cần thiết cho việc sản xuất hormone tuyến giáp của cơ thể. Đây cũng là loại gia vị không thể thiếu trong chế độ ăn uống hàng ngày. Thành phần chính của muối là natri clorua. Thành phần này khi đi vào cơ thể sẽ được phân giải và đóng các vai trò quan trọng khác nhau.

Muối iot thường bị đánh giá khiến bệnh cao huyết áp trở nên trầm trọng hơn, vì thế mà nhiều người đã chủ động duy trì chế độ ăn nhạt. Tuy nhiên, việc ăn muối với một lượng vừa phải, cơ thể sẽ nhận được một số lợi ích như: Duy trì thể tích máu và áp suất thẩm thấu tế bào trong cơ thể; Kiểm soát sự hưng phấn và tính kích thích của thần kinh và cơ bắp; Kích hoạt sự co cơ của con người…

Sử dụng quá ít iot (ăn nhạt) trong chế độ ăn của phụ nữ mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai nhi và gây ra bệnh lý đần độn. Một dạng khuyết tật không thể hồi phục về thể chất và trí tuệ. Thiếu iot trong thời kỳ sơ sinh cũng có thể dẫn đến sự phát triển bất thường của não và suy giảm sự phát triển trí tuệ.

Ở Mỹ, tình trạng thiếu iot phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Nó cũng phổ biến ở phụ nữ mang thai và thanh thiếu niên hơn. Nhu cầu iot bình thường theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới: Người lớn cần 150 microgam mỗi ngày với điều kiện là muối không bị mất đi qua nước tiểu, mồ hôi hoặc các loại dịch khác. Phụ nữ đang có kế hoạch mang thai nên tăng lượng tiêu thụ lên 200 đến 300 microgam mỗi ngày.

Việc sử dụng muối đối với mỗi gia đình hiện nay thường có 4 người, sẽ được ăn tổng là 8g muối/ngày x 30 ngày trong tháng = 240g muối. Nếu mỗi một gói muối có trọng lượng 200g, số lượng khuyến cáo là hơn 1,5 gói cho cả gia đình/tháng và nếu gia đình có thói quen ăn mặn hơn thì chỉ nên sử dụng số lượng muối không quá 2,5 gói trong một tháng.

 An Dương (T/h)
https://vietq.vn/kieng-an-muoi-hoan-toan-se-khong-tot-cho-suc-khoe-d211556.html