Hoa quả là thực phẩm mang lại nhiều nguồn dinh dưỡng cho sức khỏe, tuy nhiên hiện nay thị trường xuất hiện nhiều loại hoa quả nhập nhèm nguồn gốc tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe người dùng.

Thời điểm cuối năm, nhu cầu hoa quả nhập khẩu của người dân thường tăng cao. Lợi dụng nhu cầu và sự ưa chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng, nhiều đối tượng kinh doanh “phù phép” hoa quả không rõ nguồn gốc, kém chất lượng… thành hoa quả ngoại nhập, có giá trị kinh tế để trục lợi.

Theo ghi nhận của Báo Nhân dân, nếu như vài năm về trước, các loại hoa quả nhập khẩu chỉ được bày bán trong siêu thị lớn, thì giờ đây, trên nhiều đường phố ở Hà Nội đều dễ dàng bắt gặp các điểm bán hoa quả nhập khẩu. Các cửa hàng đều treo băng-rôn, biển hiệu quảng cáo hoa quả nhập ngoại, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng…

Có thể nói, sự góp mặt của các sản phẩm hoa quả nhập khẩu làm phong phú thêm thị trường, đáp ứng nhu cầu của khách hàng có điều kiện kinh tế khá giả. Tuy nhiên, chất lượng và giá bán những sản phẩm này thiếu công khai, minh bạch, khiến thị trường hoa quả nhập khẩu đang ở trong tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.

Dọc theo những quầy bán hoa quả tại các chợ hay vỉa hè, người tiêu dùng sẽ bị hấp dẫn bởi màu sắc đẹp mắt của các loại hoa quả đủ loại. Khi được hỏi, một người bán hàng tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy) niềm nở: “Táo này là hàng của Mỹ, còn cam là hàng Việt Nam lấy từ Hà Giang”.

Hoa quả nhập nhèm nguồn gốc, nhãn mác bán tràn lan tại chợ dân sinh, chợ mạng. (Ảnh: Thu Giang/Lao động)

Tuy nhiên, tại điểm bán hàng trong chợ thường có thùng xốp đựng hoa quả, bên ngoài in chữ Trung Quốc và hình ảnh các loại hoa quả nhưng người bán vẫn giới thiệu là hoa quả của Việt Nam. Thắc mắc về điều này, một chị bán hàng tại chợ Dịch Vọng cho biết: “Ðây là hàng Trung Quốc nhưng do lâu nay người tiêu dùng không ưa chuộng các mặt hàng từ Trung Quốc, cho nên mới phải nói là hàng Việt Nam, nếu không sẽ không bán được hàng và không được giá”.

Không chỉ nhộn nhịp tại các chuỗi cửa hàng trên phố, theo ghi nhận của báo Lao động, trên các trang mạng xã hội hay những trang mua sắm trực tuyến, diễn đàn online, xuất hiện rất nhiều địa chỉ rao trái cây nhập khẩu như: Hoa quả sạch nhập khẩu; hoa quả xách tay; hoa quả đặc sản các nước… với mức giá rẻ giật mình, khiến không ít người tiêu dùng cảm thấy hoài nghi, bất an.

Truy cập vào hội nhóm chợ đầu mối, chuyên cung cấp hoa quả nhập khẩu với hơn 100.000 thành viên, tài khoản Facebook tên Lê Nhật rao “muốn mua loại gì, số lượng bao nhiêu cũng có”. Thậm chí, tại hội nhóm này, rất nhiều người đang có ý định mở cửa hàng kinh doanh hoa quả nhập khẩu tại Hà Nội cũng đăng bài ẩn danh, tìm kiếm nguồn hàng giá rẻ dù không rõ nguồn gốc, chất lượng.

“Rất nhiều chủ cửa hàng kinh doanh hoa quả nhập khẩu tại Hà Nội hoặc người đang có ý định mở cửa hàng đều tham gia hội nhóm và tìm kiếm nguồn hàng giá sỉ tại đây. Nếu em có nhu cầu muốn mở cửa hàng kinh doanh hoa quả nhập khẩu theo chuỗi thì chị có thể để cho em mức giá sỉ thấp nhất, khi 2 bên cam kết làm ăn lâu dài” – tài khoản Facebook Lê Nhật tư vấn.

Các chuyên gia y tế cho biết, việc sử dụng hoa quả không rõ nguồn gốc, dùng chất bảo quản, bị thối, bầm dập rất có hại cho sức khỏe. Đôi khi chỉ cần ăn với số lượng ít cũng khiến người tiêu dùng nhập viện vì bị ngộ độc, nhiễm trùng đường ruột, nhiễm nấm. Do đó, trước khi quyết định mua các loại hoa quả nhập ngoại người tiêu dùng không nên tham giá rẻ mà nên tới các địa chỉ uy tín, biết rõ quy trình trái cây được nhập và phân phối ra sao để tránh mắc lừa người bán hàng.

Theo phân tích của Cục Bảo vệ thực vật, hoa quả nhập khẩu là an toàn và có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc tiêu dùng trái cây nhập khẩu trở nên phổ biến cũng dẫn đến nhiều hệ lụy, đặc biệt là hiện tượng hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện tràn lan trên thị trường. Điều này cảnh báo người tiêu dùng phải đặc biệt cẩn trọng trong việc chọn lựa thực phẩm an toàn vì sức khỏe. Vì vậy người tiêu dùng cần tỉnh táo chọn mua trái cây tại các cơ sở uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Liên quan tới vấn đề quản lý việc kinh doanh, nhập khẩu hoa quả, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch nhằm thực hiện đề án tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố. Cụ thể, trong năm 2024, TP.Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trái cây lưu thông trên địa bàn về nguồn gốc xuất xứ, xóa bỏ các điểm kinh doanh trái cây không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền – Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho biết, mục đích chính của Kế hoạch là tăng cường sự phối hợp giữa các Sở, ngành, đơn vị liên quan trong việc quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn TP.Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật, góp phần thiết lập trật tự, kỷ cương trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, những năm qua, mặt hàng trái cây có mức tiêu thụ rất lớn, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân nên UBND TP.Hà Nội đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền lợi cho các thương hiệu uy tín trên địa bàn. Qua Kế hoạch số 294/KH-UBND, UBND TP.Hà Nội cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát đảm bảo trái cây lưu thông trên địa bàn được kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Từ đó, xóa bỏ các điểm kinh doanh trái cây không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và trật tự đô thị, nhất là ở lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng.

UBND TP.Hà Nội cũng đặt mục tiêu phấn đấu có 100% cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố có đăng ký kinh doanh, người kinh doanh trái cây được đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm.

Tất cả cửa hàng kinh doanh thuộc đối tượng của đề án sẽ được cấp biển nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây, bảo đảm chất lượng lưu giữ trái cây tươi theo quy định trước khi đến tay người tiêu dùng.

Quy định thủ tục nhập khẩu trái cây tươi như thế nào?

Căn cứ Điều 4 Nghị định 69/2018/NĐ-CP thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa quy định như sau: Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của bộ, cơ quan ngang bộ liên quan. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều kiện, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật.

Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra theo quy định tại Điều 65 Luật Quản lý ngoại thương, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật. Đối với hàng hóa không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều này, thương nhân chỉ phải giải quyết thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại cơ quan hải quan.

An Dương (t/h)
https://vietq.vn/hoa-qua-nhap-nhem-nguon-goc-tran-lan-o-cac-cho-dan-sinh-mang-xa-hoi-d217166.html