Trà hoa hồng là một thức uống thảo mộc thơm được tạo thành từ những cánh hoa và nụ của hoa hồng. Tuy nhiên nếu sử dụng phải loại trà hoa hồng không có nguồn gốc rõ ràng cũng tiềm ẩn nhiều tác hại.

Không quá phổ biến như trà xanh hay trà hoa cúc, nhưng tác dụng của trà hoa hồng đang dần chiếm trọn cảm tình của nhiều người. Trà hoa hồng là một thức uống thảo mộc thơm được tạo thành từ những cánh hoa và nụ của hoa hồng. Khác với nhiều loại trà khác, để bào chế thành trà hoa hồng khô, người ta phải dùng nụ hoa khi còn chưa nở. Điều này giúp không chỉ giúp quá trình bào chế dễ dàng hơn mà giá trị dinh dưỡng của nụ hoa cũng tốt hơn so với hoa khi đã nở thành bông. Những cánh hoa còn khép, nở chúm chím sẽ được thu hái và sử dụng để làm thành trà.

Theo kinh nghiệm, thời điểm thích hợp nhất để thu hái hoa hồng là vào mùa hè, khi hoa đang ở thời kỳ chớm nở. Khi thu hoạch, không nên cắt phần cuống hoa quá dài và không được chọn nhưng bông bị sâu bệnh và dập nát.

Hiện nay trà hoa hồng cũng được xem là loại trà “làm đẹp”. Vì nụ hoa hồng chứa một hàm lượng lớn chất chống oxy hoá và vitamin C. Những thành phần này góp phần chống lão hoá da cũng như giúp ngừa các bệnh về da khác.

Vì vậy, trà hoa hồng tự nhiên không chứa caffeine được coi là sự thay thế tuyệt vời cho những loại đồ uống giàu caffeine. Tuy nhiên, một số loại trà hoa hồng được pha trộn từ caffeine thông thường và cánh hoa hồng.


Lưu ý khi mua và sử dụng trà hoa hồng. Ảnh minh họa

Bởi theo các chuyên gia Đông y, việc sử dụng các loại trà hoa hồng lưu hành tràn lan trên thị trường có thể chứa đựng nguy cơ về an toàn thực phẩm. Bởi lẽ, bên cạnh nguồn gốc nhập nhèm thì điều đáng quan tâm hơn là chất lượng các loại trà hoa khô này. Thật khó kiểm soát được quy trình sản xuất, tẩm ướp và chế biến hoa, nguồn gốc hoa cũng như bảo quản. Do đó, chúng có nguy cơ bị mốc, hư hỏng, đây là nguyên nhân xuất hiện các bệnh về đường ruột, hô hấp cho người tiêu dùng.

Không chỉ vậy, loại trà hoa hồng khô này được pha trực tiếp, tác hại của trà hoa hồng nhân lên gấp đôi gấp 3, người tiêu dùng khó tránh khỏi nguy cơ ngộ độc. Trong nhiều trường hợp, hoa hồng chứa hóa chất, thuốc trừ sâu còn sót lại trên hoa hồng khô. Sử dụng lâu dài tác hại của trà hoa hồng này có thể gây ra các bệnh khó lường.

Ngoài ra vì có chứa vitamin C nên, khi hấp thụ quá nhiều vitamin C trong chế độ ăn uống có thể dẫn đến chứng ợ nóng, buồn nôn và thậm chí là tiêu chảy. Hàm lượng vitamin C cao cũng có thể dẫn đến sỏi thận. Vì vậy nên chú ý khi uống nhiều trà hoa hồng và uống một cách điều độ để tránh tác hại của trà hoa hồng này. Tất cả mọi thứ nên trong chừng mực.

Thông tin về vấn đề này, Công ty Cổ Phần Dược Phẩm FPT Long Châu cho biết, trà hoa hồng với hương thơm dịu nhẹ, hương vị tinh tế đã trở thành một dược liệu phổ biến và được ứng dụng trong việc chăm sóc sức khỏe và tạo sự thư giãn. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với loại trà này như người bị dị ứng với loại hoa này nên tránh uống trà hoa hồng, vì có thể gây ra các dấu hiệu dị ứng như khó thở, ngứa, phát ban; những người bị thiếu máu hoặc có biểu hiện mệt mỏi, kinh nguyệt ít, chân tay lạnh có thể có tỳ vị hư hoặc khí huyết kém; phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú cũng nên tránh uống loại trà từ hoa hồng. Điều này là do trà hoa hồng có thể gây chảy máu đường tiết niệu, gây nguy hiểm cho sức khỏe của cả mẹ và bé; do trà hoa hồng chứa axit tannic phong phú. Sử dụng trà này khi đang đói có thể ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày. Dẫn đến đau bụng hoặc tiêu chảy; nếu mất ngủ và muốn sử dụng trà hoa hồng để giúp ngủ, hãy cẩn thận. Trà này chứa caffeine, có thể làm tăng vấn đề mất ngủ và làm người dùng thức dậy, không mang lại cảm giác buồn ngủ; Trà hoa hồng cũng chứa một lượng đường đáng kể. Nếu mắc bệnh tiểu đường và uống loại trà này, nó có thể làm tăng nồng độ đường trong máu. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, hạn chế sử dụng trà hoa hồng.

Nói tới các loại trà thảo mộc, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, trà dược liệu, hiểu theo nghĩa hẹp, chỉ một loại chế phẩm dùng trà hoặc lấy trà làm chủ phối hợp với các vị thuốc. Còn hiểu theo nghĩa rộng, là chỉ một dạng thực – dược phẩm gồm một hay nhiều loại dược liệu hoặc thực phẩm được chế biến và sử dụng như trà uống hàng ngày nhưng kỳ thực không có chút lá trà nào trong thành phần.

Như vậy, trà dược liệu là một dạng thuốc thang đặc biệt sử dụng dưới dạng nước hãm (xung tễ) hoặc nước ngâm (bào tễ). Hiện nay, nhờ công nghệ phát triển, người ta còn bào chế trà dược hoà tan bằng cách đưa dung dịch trà thuốc đã xử lý theo quy trình pha chế thích hợp vào máy sấy phun sương làm khô thành dạng bột để dễ sử dụng và bảo quản. Để phòng bệnh, người bình thường có thể sử dụng trà có nguồn gốc thực phẩm từ rau, trái như: bí đao, đậu bắp, khổ qua, rau đắng… với liều tương đương lượng thực phẩm ăn hàng ngày.

Với những loại trà thảo dược không phải là rau trái ăn hàng ngày mà là các loại hoa như: hoa sơn trà, hoa tam thất, giảo cổ lam, thìa canh, bá bệnh, hoàn ngọc, diệp hạ châu, nha đam, lược vàng… thì không nên sử dụng thường xuyên. Đây là các dược liệu có tính năng chữa bệnh nhất định, có thể đưa đến tình trạng mất cân bằng do tính vị (nóng, lạnh, đắng, cay…) của chúng”, dược sĩ Phương Dung nói.

Có những loại trà dược phù hợp với người này nhưng không phù hợp với người kia. Vì vậy để trà dược phát huy hiệu quả cao nhất, cần sử dụng điều độ, không thái quá hay lạm dụng, tránh uống thường xuyên một loại trà đặc có thể ảnh hưởng xấu tới tiêu hoá, giảm khả năng hấp thụ sắt và vitamin B1… Khi dùng phải chú ý kết hợp hợp lý, tuỳ tính chất, thể chất và giai đoạn bệnh tật. Không nên uống trà dược ngay sau bữa ăn vì khi đến dạ dày, chất tanin trong trà sẽ làm protein trong thức ăn trở nên cứng…

Tốt nhất cần đi khám bệnh trước, trong và sau khi uống trà dược. Không nên chỉ đọc cách dùng sản phẩm mà không có chỉ định của thầy thuốc. Ngay cả những người có bệnh khi dùng trà dược cũng phải thật cẩn thận, dùng sai có thể bệnh nặng hơn. Với người không có bệnh, tuỳ tiện uống nhiều trà dược có thể bị ngộ độc dược chất.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/nguy-co-tu-tra-hoa-hong-khong-co-nguon-goc-xuat-xu-d217169.html