17 C
Hanoi
Thứ ba, Tháng mười hai 24, 2024
More
    Home Blog Page 431

    Đại học Lạc Hồng vô địch cuộc thi xe tiết kiệm nhiên liệu châu Á

    0

    Đội xe LH-EST chạy bằng điện của trường Đại học Lạc Hồng – Đồng Nai đã xuất sắc vô địch cuộc thi xe tiết kiệm nhiên liệu châu Á ở thể loại xe mô hình đô thị chạy bằng điện.

    Chiều 10/3, ông Lâm Thành Hiển, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Lạc Hồng, cho biết đội xe LH-EST chạy bằng điện của trường Đại học Lạc Hồng – Đồng Nai đã xuất sắc vô địch cuộc thi xe tiết kiệm nhiên liệu châu Á – Shell Eco Marathon Asia tại Singapore ở thể loại xe mô hình đô thị chạy bằng điện.

    Xe của đội LH-EST đã đạt thành tích chạy 129,3km chỉ tiêu tốn hết 1kWh điện và xuất sắc giành ngôi vô địch ở thể loại xe mô hình đô thị chạy bằng điện – Urban Concept batterry Energy. Xếp vị trí thứ nhì, ba, tư ở nội dung này lần lượt là các đội của Indonesia.

    Xe chạy bằng điện của đội LH-EST. (Nguồn: TTXVN)

    Tiến sỹ Lâm Thành Hiển cho biết đây là lần thứ 4 liên tiếp trường Đại học Lạc Hồng có đội tuyển vô địch tại cuộc thi xe tiết kiệm nhiên liệu châu Á ở thể loại mô hình đô thị, đồng thời lập kỷ lục về số lần liên tiếp vô địch cuộc thi này.

    Ngoài đội tuyển LH-ETS, trường Đại học Lạc Hồng còn có một đội tuyển khác tham dự cuộc thi là đội LH-Gold Energy. Thành tích của đội LH-Gold Energy đang xếp vị trí thứ 5. Xe của đội LH-Gold Energy có thể chạy quãng đường 200km chỉ tốn 1l xăng sinh học.

    Cuộc thi xe tiết kiệm nhiên liệu châu Á – Shell Eco Marathon Asia 2018 diễn ra tại Singapore từ ngày 8-11/3 quy tụ trên 100 đội tuyển của các trường đến từ nhiều quốc gia khu vực châu Á, trong đó có những trường đại học hàng đầu ở khu vực châu Á như Hàn Quốc, Singapore…

    Việt Nam có tất cả bảy đội thi đến từ năm trường đại học, trong đó có hai đội của trường Đại học Lạc Hồng tham gia tranh tài ở ba nội dung gồm động cơ đốt trong (xăng), điện và hydro.

    Theo TTXVN/Vietnam+

    Dao động nhiệt độ ngày đêm có thể tạo ra điện

    0

    Theo nhóm nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, bộ cộng hưởng nhiệt mới có thể cung cấp năng lượng cho các cảm biến từ xa hay bất kỳ thiết bị không nối lưới nào trong nhiều năm liền – chỉ bằng cách sử dụng các dao động nhiệt độ.

    Nhiệt độ xung quanh chúng ta thay đổi liên tục trong mọi lúc và dựa vào đây các nhà khoa học đã nảy ra một ý tưởng tuyệt vời. Họ đã tạo ra một thiết bị có thể chuyển đổi những dao động này thành điện để cung cấp cho các cảm biến, thiết bị truyền thông.

    Việc thu thập năng lượng được thực hiện thông qua một thiết bị gọi là bộ cộng hưởng nhiệt. Đây là một chiếc máy có khả năng hút nhiệt ở một bên và phát nhiệt ra mặt bên kia. Khi cả hai mặt đạt được sự cân bằng, chúng có thể hút năng lượng dựa vào quy trình nhiệt điện.

    Theo nhóm nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, bộ cộng hưởng nhiệt mới này có thể cung cấp năng lượng cho các cảm biến từ xa hay bất kỳ thiết bị không nối lưới nào trong nhiều năm liền – chỉ bằng cách sử dụng các dao động nhiệt độ. Cơ chế này giống như sự lên xuống nhiệt độ giữa ngày và đêm.


    Thiết bị tạo ra năng lượng từ không khí (Ảnh: MIT)

    Ông Michael Strano – một trong những nhà nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đã nghĩ ra một ý tưởng dường như không tưởng. Đó là tạo ra bộ cộng hưởng nhiệt đầu tiên. Đây là thiết bị mà chúng ta có thể ngồi lên và lấy năng lượng từ thinh không. Trong suốt thời gian này, các biến động về nhiệt độ với tất cả các tần số khác nhau luôn bao quanh chúng ta”.

    Trước đây nhiều nhà khoa học đã cố gắng tạo ra năng lượng từ sự thay đổi nhiệt độ thông qua nhiều kỹ thuật khác nhau như hỏa điện. Nhưng phát minh mới này hiệu quả hơn những thiết bị trước ở chỗ: nó có thể được điều chỉnh để thích nghi với các giai đoạn biến đổi nhiệt độ.

    Nhóm nhà khoa học đã thật sự tạo được một bước tiến khi kết hợp các vật liệu để sử dụng cho máy cộng hưởng nhiệt: bọt kim loại, graphene và một loại sáp đặc biệt gọi là octadecane. Chất này có khả năng biến đổi thành chất rắn hoặc chất lỏng khi nhiệt độ tăng hay giảm (một cách chính xác thì đây là vật liệu thay đổi theo pha).

    Điều này có thể giúp thiết bị mới tiết kiệm năng lượng một cách tối ưu. Nó có sự kết hợp giữa tính dẫn nhiệt (tốc độ mà nhiệt truyền qua vật liệu) và công suất nhiệt (lượng nhiệt có thể được chứa trong vật liệu). Thông thường, các vật liệu có khả năng dẫn nhiệt cao thì lại có sức chứa thấp và ngược lại.


    Các nhà khoa học thử nghiệm thiết bị mới (Ảnh: MIT)

    Các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra thiết bị với sự chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày với ban đêm là 10 độ C. Và họ nhận thấy chỉ một mẫu vật liệu nhỏ có thể tạo ra hiệu điện thế là 350 millivolts và công suất điện năng là 1,3 miliwatt. Nguồn năng lượng này đủ để cho các cảm biến nhỏ hoặc các hệ thống truyền thông hoạt động mà không cần pin hay bất kì nguồn năng lượng nào khác.

    Hơn nữa, bộ cộng hưởng nhiệt có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, thậm chí trong bóng mát, miễn là có những thay đổi về nhiệt độ xung quanh. Nó thậm chí có thể được lắp đặt bên dưới các tấm pin mặt trời để thu nhiệt – các nhà sản xuất cho biết.

    Bước tiếp theo, nhóm nghiên cứu muốn thử nghiệm nó trên các loại dao động nhiệt độ khác: ví dụ như chu trình bật tắt của chiếc tủ lạnh hay máy móc trong các nhà máy công nghiệp. Một ứng dụng tiềm năng nữa của nó đó là làm hệ thống dự phòng để phát điện khi nguồn năng lượng chính dừng hoạt động.

    Thậm chí, loại công nghệ mới này còn có thể sử dụng cho các tên lửa hành trình, và chúng sẽ được nạp pin thường xuyên dựa vào chu trình giữa ngày và đêm. Tuy thiết bị không sản sinh ra nhiều năng lượng như các loại pin và lưới điện hiện hành nhưng nó có thể được ứng dụng trong nhiều tình huống khác nhau.

    Nhờ nghiên cứu mới này chúng ta mới biết một thứ tưởng chừng quá đỗi quen thuộc như không khí xung quanh có thể tạo ra năng lượng. Dựa vào đây, các nhà khoa học cũng có thể tiến hành thêm nhiều nghiên cứu về những địa điểm có sự dao động nhiệt độ tối ưu. Nghiên cứu này đã được xuất bản trong tạp chí Nature Communications.

    Theo moitruong.com.vn

    15 cách giúp xanh hóa ngôi nhà của gia đình bạn

    Dù là bạn đang tìm cách tiết kiệm tiền bạc hay chỉ để có một tác động tích cực đến môi trường, bạn hãy áp dụng 15 cách dưới đây để nâng cấp ngôi nhà của bạn thành một căn nhà xanh.

    1. Thay thế bóng đèn

    Bóng đèn mới hiệu quả về năng lượng có thể giúp bạn tiết kiệm tiền trong cả năm. Hãy đảm bảo mọi nơi cần chiếu sáng trong ngôi nhà đều có loại bóng đèn mới. Tuy đắt hơn bóng loại cũ một chút nhưng chúng tiết kiệm tiền cho bạn qua thời gian.

    2. Cho phép nhiều ánh sáng tự nhiên vào nhà

    Các cửa sổ trong ngôi nhà có thể trở nên “xanh” hơn. Bằng cách nào? Ánh sáng tự nhiên chiếu vào nhà vào ban ngày sẽ làm giảm nhu cầu dùng điện trong ngày của gia đình bạn.

    Ánh sáng tự nhiên chiếu vào nhà vào ban ngày sẽ làm giảm nhu cầu dùng điện trong ngày của gia đình bạn.

    3. Lắp đặt cửa ra vào và cửa sổ tiết kiệm điện

    Hãy chắc chắn các cửa ra vào và cửa sổ bạn chọn cho ngôi nhà là có hiệu quả về năng lượng. Cửa sổ lắp kính đôi sẽ giúp cách nhiệt tốt hơn.

    4. Bổ sung các tấm pin mặt trời

    Bạn đã tính đến việc sử dụng pin mặt trời với nỗ lực giảm lượng điện gia đình bạn sử dụng? Pin mặt trời có thể giúp giảm hóa đơn tiền điện và còn có tác động tích cực đến môi trường.

    5. Làm mái nhà có hiệu quả về năng lượng

    Hãy chọn vật liệu lợp mái có thể làm giảm chi phí năng lượng và có tuổi thọ lâu hơn.

    6. Sửa chữa những chỗ hở khí trong ngôi nhà

    Dạo quanh nhà và tìm bất cứ dấu hiệu hở rò không khí nào. Bạn có thể cần thay thế khung ép xung quanh các cửa ra vào và cửa sổ hở khí.

    7. Thêm vật liệu cách nhiệt

    Cách nhiệt đúng cách cho ngôi nhà cũng sẽ giúp giảm năng lượng cần thiết. Nâng cấp ngôi nhà của bạn bằng cách sử dụng vật liệu cách nhiệt phun để lấp đầy mọi chỗ hở và chỗ lõm trong nhà.

    8. Lắp máy nước nóng mới

    Máy nước nóng mới hơn sẽ có hiệu quả về năng lượng hơn các loại cũ. Có lẽ đây là lúc để chuyển sang dùng một máy nước nóng không qua bình trong một nỗ lực để bảo vệ môi trường.

    9. Trồng cây quanh ngôi nhà

    Nhiều bóng cây hơn có nghĩa là nhu cầu dùng điện ít hơn trong các tháng mùa hè.

    Bạn sẽ không thấy tác động tích cực ngay lập tức. Tuy nhiên, trong tương lai, bạn sẽ thấy. Trồng cây quanh nhà để chúng có thể cho bạn bóng mát trong tương lai. Nhiều bóng cây hơn có nghĩa là nhu cầu dùng điện ít hơn trong các tháng mùa hè.

    10. Lắp sàn tre

    Vật liệu bạn sử dụng làm sàn cũng có thể xanh. Sàn tre là một vì dụ về vật liệu sàn tốt cho trái đất.

    11. Tận dụng sân sau

    Nếu ngôi nhà có sân sau và có thể làm vườn, hãy dành một chỗ để trộn phân ủ. Hãy cho vào đó giấy thừa và rác hữu cơ mà bạn đã sử dụng.

    12. Sử dụng các vật liệu tái chế trong xây dựng

    Nếu bạn cần xây dựng một mái hiên hay một công trình nào khác, hãy chọn vật liệu tái chế.

    13. Sử dụng “sơn xanh.”

    Bạn thậm chí có thể đi xa hơn bằng cách chọn loại sơn thân thiện hơn cho môi trường. Hầu hết các cửa hàng bây giờ đều có loại sơn có hàm lượng VOC thấp tốt hơn cho sức khỏe của bạn và sức khỏe của ngôi nhà.

    14. Lắp đặt thiết bị sưởi ấm và làm mát có hiệu quả về năng lượng

    Thiết bị của bạn đã bao nhiêu tuổi? Nếu càng cũ, nó có thể sử dụng nhiều năng lượng hơn. Một thiết bị mới hơn sẽ có hiệu quả hơn về năng lượng. Hãy tìm kiếm các thương hiệu nổi tiếng về các thiết bị hiệu quả tiết kiệm cho khách hàng.

    15. Để nhiệt độ được lập trình đúng đắn

    Nếu bạn muốn để căn nhà lạnh giá trong những tháng mùa hè, bạn sẽ phải trả giá cho điều đó. Với nỗ lực cho căn nhà xanh, hãy để nhiệt độ các thiết bị điều hòa được lập trình ở mức 26 độ C vào mùa hè và 20 độ C vào mùa đông. Việc này sẽ dẫn đến sự tiết kiệm đáng kể cho bạn trong suốt cả năm.

    Theo moitruong.com.vn

    Cần có cơ chế tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sạch hơn

    Sản xuất sạch hơn (SXSH) là xu thế chung của nền sản xuất toàn cầu. Do đó, việc áp dụng các biện pháp SXSH không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường mà còn vì lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn có những hiểu biết chưa đúng về SXSH.

    Nhiều DN chưa mặn mà với việc đầu tư cho SXSH, vì cho rằng, đầu tư SXSH làm tăng chi phí sản xuất, không đem lại lợi ích kinh tế mà còn làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm… Nhân dịp Xuân Nhâm Tuất 2018, Tạp chí Môi trường có cuộc trò chuyện với PGS. TS. Trần Văn Nhân – Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm SXSH Việt Nam (VNCPC), đơn vị tư vấn, đào tạo và xây dựng mạng lưới các chuyên gia nòng cốt về SXSH trên cả nước để hiểu hơn việc thúc đẩy thực hiện Chiến lược SXSH trong thời gian tới.

    PV: Xin ông cho biết đôi nét về hoạt động của VNCPC thời gian qua?

    PGS. TS. Trần Văn Nhân: Là một đơn vị thành viên trong hệ thống DN khoa học công nghệ (BK Holdings) của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, trong thời gian qua, VNCPC đã tập trung thúc đẩy áp dụng tiếp cận “Hiệu quả tài nguyên và SXSH” (RECP) vào thực tiễn sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam, nhằm góp phần vào hiện thực hóa mục tiêu “Tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm” – mục tiêu thứ 12 trong 17 mục tiêu Phát triển bền vững do Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc đưa ra. VNCPC đã hợp tác với các đối tác quốc tế và trong nước thành lập liên danh tham gia các đợt tuyển chọn Dự án hàng năm của các nhà tài trợ quốc tế.

    Dự án “Sống và làm việc bền vững tại Việt Nam (GetGreen Vietnam)” đã giúp thay đổi hành vi của hàng triệu người tiêu dùng.

    Trong những năm qua, chúng tôi đã hoàn thành tốt các dự án: Đổi mới sản phẩm bền vững (SPIN) ở Việt Nam, Lào và Campuchia do trường Đại học Công nghệ Delft chủ trì với sự hợp tác của UNEP, VNCPC, AITVN, LNCCI và CCPO tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU) (4/2010 – 4/2014); Dự án “Sống và làm việc bền vững tại Việt Nam (GetGreen Vietnam)” do trường Đại học công nghệ Delft chủ trì với sự hợp tác của VNCPC và AITVN, tài trợ bởi EU (4/2012 – 4/2015); Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững do VNCPC/ĐHBKHN chủ trì với sự hợp tác của VASEP, WWF Việt Nam và WWF Áo, tài trợ bởi EU (4/2013 – 4/2017); Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì nền sản xuất phát thải các bon thấp ở Việt Nam, tập trung vào hai ngành chế biến gạo và cà phê VNCPC hợp tác với Sofies (Thụy Sỹ) do SECO Thụy Sỹ tài trợ thông qua UNIDO (2013 – 2016); Hợp phần “Xây dựng năng lực và đánh giá RECP tại các doanh nghiệp tham gia dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp (KCN) sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” do SECO và GEF tài trợ thông qua UNIDO. Hợp đồng ký với UNIDO (2016 – 2018).

    PV: Là đối tác tham gia thực hiện Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam tại các KCN đã được lựa chọn”, VNCPC đã triển khai các hoạt động như thế nào, thưa ông?

    PGS. TS. Trần Văn Nhân: Thực hiện việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và SXSH là giải pháp cơ bản trong xây dựng mô hình KCN sinh thái. Sự tham gia tích cực của các DN trong KCN vào các hoạt động của Dự án là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công.

    Do đó, việc đầu tiên là chọn đúng đối tượng có quan tâm đến hoạt động về nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và SXSH trong số DN hoạt động trong các KCN tham gia. Dự án triển khai tại 3 địa phương, KCN Khánh Phú (Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (TP. Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc (TP. Cần Thơ). Theo đó, các DN tham gia hoàn toàn tự nguyện dựa theo các tiêu chí: Mức độ hợp tác của DN; Tiềm năng về nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và SXSH; Tác động môi trường do hoạt động của DN gây ra; Điều kiện cơ sở hạ tầng; Tài chính.

    Cán bộ VNCPC trực tiếp thu thập các thông tin, dữ liệu từ nhà máy.

    Hoạt động đầu tiên về RECP là tập huấn cho cán bộ quản lý và kỹ thuật của DN, cán bộ của ban quản lý KCN được tổ chức tập trung tại từng địa phương. Những cán bộ DN tham gia tập huấn sẽ đóng vai trò nòng cốt nhóm RECP của chính DN mình. Sau đó, các học viên sẽ triển khai thực hiện Chương trình đánh giá RECP tại DN của mình với sự tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia VNCPC. Dự án mong muốn họ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động thực hiện RECP tại DN.

    Việc thực hiện Chương trình đánh giá RECP tại DN được chia thành 4 đợt, mỗi đợt cách nhau ít nhất 1 tháng. Các chuyên gia của VNCPC làm việc tại DN 2 ngày/đợt, hướng dẫn nhóm RECP thực hành các bước trong phương pháp luận đánh giá RECP một cách hệ thống, theo điều kiện thực tế của từng DN. Bắt đầu từ nhận diện vấn đề và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các vấn đề cần giải quyết → phân tích nguyên nhân → đề xuất giải pháp SXSH → phân loại các giải pháp và nghiên cứu khả thi → thực hiện các giải pháp SXSH → giám sát và đánh giá kết quả, cuối cùng nhân rộng – duy trì kết quả Chương trình.

    Đến nay, Dự án đã đào tạo tập trung được 214 cán bộ của 89 DN, 3 Ban Quản lý KCN và đào tạo tại DN cho 240 người. Đồng thời, Dự án đã hoàn thành việc hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật giúp 46 DN hoàn thành Chương trình đánh giá RECP. Việc thực hiện các giải pháp SXSH mang lại những lợi ích đáng kể về giảm tiêu hao tài nguyên, tác động môi trường và kinh tế, đồng thời góp phần đáng kể vào cải thiện điều kiện làm việc, an toàn sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động. Về lâu dài, những kết quả trên sẽ giúp các DN nâng cao được năng lực cạnh tranh trên thị trường.

    Theo đánh giá RECP, tổng đầu tư của 46 DN trong 3 KCN thực hiện các giải pháp SXSH là khoảng 152 tỷ đồng. Trong đó, lợi ích kinh tế khi thực hiện các giải pháp SXSH giúp tiết kiệm 48 tỷ đồng, từ việc giảm suất tiêu thụ năng lượng, nước, nguyên vật liệu và hóa chất phục vụ sản xuất, cụ thể là giảm tiêu hao 9.992.418 kWh điện; 5.040 tấn than, 17 tấn gas và 74 tấn củi và trấu; 184.540 m3 nước; 2.669 tấn nguyên vật liệu; và 10,6 tấn hóa chất. Về mặt môi trường, giảm lượng chất thải phát sinh và phát thải hàng năm gồm 184.540 m3 nước thải; 40.737 kg COD; 14.162 tấn phát thải CO2; 2.669 tấn chất thải rắn…

    Ngoài những lợi ích trên, kết quả đánh giá RECP cũng cho thấy hiện có các cơ hội tuần hoàn và tái sử dụng chất thải giữa các DN trong KCN (tái sử dụng nước thải sau khi đã được sử dụng đạt loại A của tiêu chuẩn xả thải, hoặc sử dụng nhiệt thải của DN này cấp cho DN khác; sử dụng chất thải rắn của Nhà máy giấy để sản xuất ra một sản phẩm phụ hữu ích…).

    PV: Tuy nhiên hiện nay, rào cản lớn nhất đối với SXSH ở Việt Nam chính là do các DN chưa nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH vào sản xuất kinh doanh. Để các DN Việt Nam quan tâm hơn đến SXSH, theo ông Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi gì?

    PGS. TS. Trần Văn Nhân: Để các DN quan tâm hơn đến SXSH, bên cạnh các cơ sở pháp lý, cần có biện pháp quảng bá rộng rãi các kết quả thực hiện SXSH của DN đi trước như một “tư liệu marketing”. Ngoài những giải pháp SXSH có thể thực hiện ngay do không đòi hỏi DN phải bỏ ra chi phí hoặc chi phí ít, Nhà nước cần quan tâm hơn đến việc xây dựng các nguồn tài chính và cơ chế hỗ trợ DN đầu tư thực hiện các dự án theo Chiến lược SXSH.

    Từ thực tiễn hoạt động của Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (GCTF) trong 10 năm qua, mà VNCPC là đơn vị tư vấn và điều phối, cho thấy đối với DN vừa và nhỏ thì thiếu nguồn tài chính là một trong các rào cản lớn nhất để đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện hơn với môi trường, được xem là loại giải pháp SXSH mang lại tác động dài hơi nhất. Đồng thời, Nhà nước cũng cần tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế như: thuế, phí… vào quản lý môi trường công nghiệp để tạo động lực mạnh mẽ hơn cho sự thay đổi từ phía doanh nghiệp.

    PV: Nhân dịp này ông có đề xuất, kiến nghị gì đối với các cơ quan chức năng?

    PGS. TS. Trần Văn Nhân: Theo tôi, để đẩy mạnh việc thực hiện SXSH, Bộ Công Thương cần giám sát và đôn đốc quyết liệt hơn các DN trong thực hiện Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020 và Kế hoạch hành động của ngành thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia. Đồng thời, yêu cầu các DN đưa nội dung thực hiện các Chiến lược này vào Báo cáo kết quả sản xuất – kinh doanh hàng năm. Về phía ngành TN&MT, cần đẩy mạnh việc thi hành nghiêm các quy định của luật pháp về BVMT, tạo ra động lực thúc đẩy các DN áp dụng các giải pháp SXSH, đặc biệt là giải pháp đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện hơn với môi trường.

    PV: Xin cảm ơn ông!

    Phạm Đình (Thực hiện)

    Theo VNCPC

    Bảo vệ môi trường trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

    0

    Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cách mạng 4.0 có tác động tích cực trong ngắn hạn và hết sức tích cực trong trung hạn và dài hạn, nhờ các ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và các công nghệ giám sát môi trường, giúp thu thập và xử lý thông tin liên tục 24/7 theo thời gian thực cũng như đưa ra cảnh báo sớm về các thảm họa thiên nhiên.

    I. Cuộc cách mạng 4.0 là gì?

    Thế giới đã trải qua các cuộc cách mạng công nghiệp quan trọng, gắn liền với sự phát triển về khoa học kỹ thuật. Chính những cuộc cách mạng ấy đã đưa con người từ phải di chuyển trên những chiếc xe ngựa đến việc kết nối con người với nhau bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, xuyên cả đại dương và lục địa.

    Cách mạng công nghiệp đầu tiên diễn ra năm 1784 với việc sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2, 1871-1914, diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt (điện khí hóa). Cuộc cách mạng lần 3 bắt đầu từ 1968, sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần 4 đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần 3, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học.

    Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (Cách mạng 4.0) là sự kết hợp nhuần nhuyễn của hai yếu tố nền tảng chính là khoa học và công nghệ để tạo ra một thế giới vạn vật kết nối thông minh. Đặc trưng nổi bật của cuộc cách mạng này đó là dùng công nghệ thay thế dần sự có mặt của con người trong mọi hoạt động.

    Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội. Nhờ công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), người máy làm việc càng thông minh, có khả năng ghi nhớ, học hỏi vô biên, trong khi khả năng đó ở con người càng già càng yếu đi. Ưu điểm làm việc 24/24 giờ, không cần trả lương, đóng thuế, bảo hiểm… của robot cũng đang đe dọa đến sự tương quan trong việc sử dụng lao động là người thật hay người máy. Nhờ công nghệ in 3D, chúng ta đạt được bước tiến dài trong nhiều lĩnh vực: Kiến trúc, xây dựng, thời trang, mỹ thuật, y học, thẩm mỹ, giáo dục đến các ngành công nghiệp sản xuất.

    Ước tính dân số Việt Nam là hơn 90 triệu người, có đến 39,8 triệu người sử dụng Internet (chiếm 44%), 28 triệu người sở hữu tài khoản mạng xã hội (khoảng 31%), 128,3 triệu người có kể nối mạng di động và số người sử dụng tài khoản xã hội trên điện thoại là 24 triệu (chiếm 26%). Trong thương mại điện tử, 27% dân số sử dụng máy tính bàn để tìm kiếm sản phẩm cần mua và 18% sử dụng di động cho mục đích này. 24% dân số mua hàng trực tuyến thông qua máy tính bàn và 15% thông qua điện thoại. Có thể thấy, những biểu hiện rất rõ nét về ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp thể hiện trong lĩnh vực y tế. Những tiến bộ trong điều trị tim bẩm sinh hay điều kỳ diệu mang tên tế bào gốc, gần đây nhất là thành công của ca ghép phổi đầu tiên mở ra triển vọng mới trong việc điều trị những căn bệnh từng là “vô phương cứu chữa”.


    Robot phẩu thuật – công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực y khoa

    Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại những tác động to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường. Nó tác động với tất cả các cấp độ trên toàn cầu, từng khu vực trong từng quốc gia. Các tác động này rất tích cực trong dài hạn, song cũng tạo ra nhiều thách thức điều chỉnh trong ngắn đến trung hạn. Cuộc cách mạng thứ 4 này mở ra cơ hội cho từng cá nhân, tổ chức và từng dân tộc. Quốc gia nào tận dụng được, phát triển đúng trọng tâm, trọng điểm sẽ vượt lên, nếu không sẽ bị tụt lại. Đây là một thách thức không nhỏ cho nước ta, không chỉ trong phát triển kinh tế và cả trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

    II. Bảo vệ môi trường trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

    Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, về mặt môi trường, cách mạng 4.0 có tác động tích cực trong ngắn hạn và hết sức tích cực trong trung hạn và dài hạn nhờ các ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và các công nghệ giám sát môi trường đang phát triển nhanh được hỗ trợ bởi Internet kết nối vạn vật, giúp thu thập và xử lý thông tin liên tục 24/7 theo thời gian thực cũng như đưa ra cảnh báo sớm về các thảm họa thiên nhiên.

    Các chuyên gia môi trường nhận định, hiện xu hướng của thế giới là nền kinh tế xanh và kinh tế carbon thấp. Điều này cũng khẳng định mối quan hệ giữa kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường. Đã đến lúc phải nhận thức rõ mô hình phát triển nào ít ảnh hưởng đến môi trường, mô hình nào mang lại hạnh phúc thực sự cho nhân dân Việt Nam.

    Tại các nước phát triển, xu hướng chung trong đổi mới công nghệ được nhận định là xu hướng đầu tư nghiên cứu và phát triển nhằm đưa những công nghệ tiên tiến hơn, hiệu quả hơn, sạch hơn, thân thiện với môi trường để hướng đến tăng trưởng xanh – giảm khí thải, tiết kiệm năng lượng. Điển hình như các doanh nghiệp của Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…

    Thực tiễn tại các nước cũng cho thấy, việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển bền vững và giảm đói nghèo với tốc độ cao đối với tất cả các quốc gia. Riêng đối với các nước đang phát triển, tăng trưởng xanh còn tạo đà cho một bước nhảy vọt để phát triển kinh tế mà không theo con đường phát triển kinh tế “ô nhiễm trước, xử lý sau,” “kinh tế nâu.”

    Như vậy, Bảo vệ môi trường trong cuộc cách mạng 4.0 là phải “Đổi mới công nghệ hướng tới phát triển kinh tế xanh” (PGS. TS Nguyễn Thế Chinh – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT))

    III. Phát triển kinh tế xanh như thế nào?

    1. Sử dụng và phát triển các nguồn năng lượng sạch

    Nếu cuộc cách mạng lần 1, 2 với việc sử dụng chủ yếu là nguồn nhiên liệu hóa thạch thì Cuộc cách mạng lần 3, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và tạo ra nguồn năng lượng dồi dào, con người đã tạo ra năng lượng từ các phản ứng nguyên tử. Đây là một bước nhảy vọt của sự tiến bộ về việc sử dụng và phát triển nguồn năng lượng.

    Tuy nhiên, trải qua hơn 1 thế kỉ, trước sự phát triển ồ ạt về kinh tế và xem nhẹ về môi trường, chính việc sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch, nguyên tử đã gây ra nhiều rủi ro, hiểm họa về môi trường và nhân loại. Việc đốt nhiên liệu hóa thạch tạo ra khoảng 2,3 tỉ tấn CO2 hàng năm, nhưng người ta ước tính rằng các quá trình tự nhiên có thể hấp thụ phân nửa khí thải trên, vì vậy hàm lượng CO2 sẽ tăng 10,65 tỉ tấn mỗi năm trong khí quyển. CO2 là một khí nhà kính làm tăng lực phóng xạ và góp phần vào sự nóng lên toàn cầu, làm cho nhiệt độ trung bình bề mặt của Trái Đất tăng.

    Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra một kỉ nguyên với sự phát triển theo hướng phi tuyến tính thì nhu cầu sử dụng năng lượng của con người càng lớn. Và phát triển và thay thế nguồn năng lượng hóa thạch bằng năng lượng sạch (năng lượng tái tạo) là một xu thế tất yếu. Các nguồn năng lượng sạch gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt, năng lượng sinh khối… Hầu hết các nước trên thế giới đều quan tâm đến nguồn năng lượng tái tạo, đi đầu là các nước Âu Mỹ, đứng đầu là Đan Mạch, Phần Lan.


    Các tấm Pin năng lượng mặt trời ở quần đảo Trường Sa, Việt Nam.

    Việt Nam với đường bờ biển dài 3.260 km, có tổng bức xạ năng lượng mặt trời vào khoảng 5kW/h/m2/ngày ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, và vào khoảng 4kW/h/m2/ngày ở các tỉnh miền Bắc với trị số tổng xạ khá lớn từ 100 – 175 kcal/cm2.năm, năng lượng gió ước tính khoảng 500-1000 kWh/m2/năm; nước ta có tiềm năng rất lớn về 2 nguồn năng lượng tái tạo này. Năng lượng mặt trời được xác định là một trong các nguồn năng lượng rất dồi dào tại Việt Nam, việc khai thác và tận dụng có hiệu quả, bền vững nguồn năng lượng thân thiện với môi trường này đã và đang là mối quan tâm chiến lược của Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới.

    Tuy nhiên việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch này ở nước ta còn chưa xứng với tiềm năng có sẵn, chưa phù hợp với xu hướng phát triển cuộc cách mạng lần 4. Nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế về nguồn kinh phí đầu tư ban đầu, nhận thức của một bộ phận nhân dân còn ít về vai trò của năng lượng tái tạo và rào cản về thủ tục hành chính trong việc triển khai thực hiện các dự án phát triển năng lượng tái tạo từ nguồn ngân sách nhà nước.

    2. Phát triển các công nghệ ít phát thải, các sản phẩm thân thiện với môi trường và nguồn nguyên liệu mới thay thế cho tài nguyên đang cạn kiệt

    Có thể nói những tiến bộ của con người với việc tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, dễ phân hủy, các nguồn nguyên liệu mới và việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tạo ra các công nghệ sản xuất hiệu quả cao, ít phát thải đã góp phần tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế xanh, đây là một xu hướng đổi mới tất yếu về bảo vệ môi trường trong thời đại của cuộc cách mạng 4.0.

    Cụ thể như việc sử dụng túi nylon dễ phân hủy, được sản xuất từ các thành phần hưu cơ đã giúp bảo vệ môi trường, giải quyết được bài toán rác túi nylon và những hệ lụy gây ra từ rác nylon khắp nơi trên thế giới trong thời gian qua. Hay sự phát triển các sản phẩm được làm từ nguyên vật liệu và thiết bị có kích cỡ nano. Việc dùng công nghệ nano có tác dụng như một đ̣n bẩy làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo tồn các nguồn tài nguyên và điều cơ bản là xây dựng nên một nền kinh tế “sạch”

    Ví dụ như, ông James Hutchison, nhà hóa học của trường đại học Oregon, sử dụng phân tử DNA theo một quy trình mới lạ cho thấy có thể tạo ra những mô hình kích thước nano trên con chíp silicon và bề mặt khác. Những phương pháp thực nghiệm đă tiết kiệm được nguyên liệu, sử dụng ít nước và dung môi hơn so với kỹ thuật in truyền thống – hay kỹ thuật in thạch bản thường sử dụng trong công nghiệp điện tử kỹ thuật cao.


    Công nghệ nano được sử dụng trong ngành điện công nghiệp và xử lý nước thải.

    Tại Việt Nam công nghệ nano cũng được các doanh nghiệp quan tâm, ứng dụng. Sự tiến bộ của công nghệ nano đă giúp Công ty gốm sứ Minh Long tạo ra được các sản phẩm gốm có độ phẳng mịn cao, mức độ bám dính cực thấp. Đồ gốm sứ Minh Long có thể dùng khăn là lau sạch và không cần đến nước rửa chén để tẩy rửa sau khi sử dụng theo các cách thức truyền thống. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ môi trường, giảm bớt lượng nước thải phát sinh.

    Công nghệ nano mở ra con đường mới đầy hứa hẹn trong việc tạo ra tế bào năng lượng mặt trời không tốn kém cũng như cải tiến hiệu suất và giảm giá thành của tế bào nhiên liệu, được xem là nguồn năng lượng cho xe hơi và xe tải trong tương lai. Đồng thời, những nghiên cứu ở cấp độ nano đang hướng tới những công cụ có khả năng loại bỏ vật liệu độc hại và làm sạch các địa điểm có chất thải độc hại. Ngày nay, công nghệ nano là một giải pháp hoàn hảo cho công nghệ xử lý nước thải.

    Theo Bà Barbara Karn, một nhà khoa học môi trường, Công nghệ nano tiềm năng là “một giấc mơ xanh nhân đôi”. Với công nghệ nano chúng ta có thể tạo ra những sản phẩm và quy trình xanh ngay từ lúc ban đầu. Công nghệ nano cho phép chúng ta thay thế những hóa chất, vật liệu và quy trình sản xuất truyền thống gây ô nhiễm môi trường bằng những hóa chất, vật liệu và quy tŕnh thân thiện với môi trường hơn”.

    Trong nền kinh tế xanh, đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, ít phát thải là một yêu cầu tất yếu. Sự nghiên cứu đổi mới công nghệ sản xuất đă được các doanh nghiệp thật sự quan tâm, phát triển và nó đă đem lại hiệu quả vô cùng tích cực, không chỉ làm tăng công suất, giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần hiệu quả trong bảo vệ môi trường như công nghệ Silver Nano mà Samsung đang áp dụng cho các sản phẩm điện tử, điện lạnh như: máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt… ; công nghệ ít phát thải đạt chuẩn Euro của các hăng ô tô; công nghệ sản xuất sơn gỗ hệ nước gốc nhựa Polyurethane Disperson (PUD) thân thiện môi trường hay công nghệ lò cao liên động khép kín từ quặng sắt đến thép thành phẩm (còn gọi là sản xuất thép từ thượng nguồn) thay cho công nghệ lò điện hồ quang – đúc liên tục gây nhiều ảnh hưởng đến môi trường.

    3. Ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong quản lý tài nguyên và môi trường

    Bản chất của cuộc cách mạng 4.0 là sự phát triển của internet kết nối vạn vật với một hệ phát triển logic phi tuyến tính. Sự phát triển này có vai trò quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Các công nghệ này đã được ứng dụng ngày càng nhiều trên thế giới. Như các công nghệ giám sát môi trường đang phát triển nhanh được hỗ trợ bởi Internet kết nối vạn vật, giúp thu thập và xử lý thông tin liên tục theo thời gian thực cũng như đưa ra cảnh báo sớm về các thảm họa thiên nhiên; hệ thống trạm quan tắc thời tiết tự động phục vụ dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng. Đây là một sản phẩm được tích hợp công nghệ mới của các lĩnh vực điện, điện tử và công nghệ thông tin vào tự động hóa trong phòng cháy, chữa cháy rừng mang lại triển vọng trong quản lý thiên tai, bảo vệ môi trường và tổ chức sản xuất lâm nghiệp chính xác ở Việt Nam.

    Đặc biệt, với phần mềm cập nhật diễn biến rừng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thì dữ liệu rừng, đất lâm nghiệp theo dõi diễn biến đã được lưu trữ trong một bộ cơ sở dữ liệu trung tâm, được cập nhật và kết xuất, cung cấp thông tin báo cáo bất kỳ thời điểm nào phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành. Đây là công cụ hữu hiệu trong quản lý tài nguyên rừng trước thực trạng rừng đang bị suy giảm hiện nay.

    Thật vậy, chúng ta đang ở thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, thời đại của sự phát triển dựa vào năng lực vô tận – đó là sự sáng tạo của con người. Và đã đến lúc chúng ta phải thay đổi để theo kịp với thời đại. Và trong công tác bảo vệ môi trường, không chỉ còn là khai thác sử dụng tài nguyên mà phải là ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao để bảo vệ môi trường, tạo ra các nguồn năng lượng và nguyên liệu mới thay thế cho nguồn tự nhiên đang cạn kiệt để đáp ứng cho sự phát triển lâu dài trong tương lai.

    Tập trung thực hiện bằng nhiều giải pháp để phát triển kinh tế xanh là nhiệm vụ cốt lõi của công tác bảo vệ môi trường khi Việt Nam bước chân lên con tàu 4.0.

    Theo moitruong.com.vn

    Xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời

    0

    ​​3 sinh viên Phạm Hồng Trường, Nguyễn Thành Minh, Lê Hoàng, ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã chế tạo thành công xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời.

    Sáng kiến này vừa được Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng và Đoàn trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng trao Giải Nhì tại Cuộc thi Thiết kế sản phẩm tiết kiệm năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tới đây, chiếc xích lô thân thiện với môi trường này sẽ được ứng dụng cho ngành du lịch Đà Nẵng.

    Chiếc xích lô được thiết kế với 4 tấm pin năng lượng mặt trời đặt ở phần mái che. Sau khi nạp đầy năng lượng sẽ chuyển xuống bộ chuyển hóa điện năng đặt phía dưới ghế ngồi và nạp vào bình ắc quy.

    3 sinh viên bên chiếc xe xích lô chạy bằng năng lượng mặt trời.

    Bình ắc quy nối với bộ điều tốc lắp ở gần tay lái để khởi động động cơ, báo tốc độ. Nếu ắc quy được sạc đầy, chiếc xích lô có thể chạy liên tục từ 6 – 8 tiếng. Đặc biệt, vào mùa mưa, khi lượng nắng ít, chiếc xích lô vẫn có thể hoạt động tốt bằng cách sạc điện.

    Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình cho biết, sản phẩm này vừa đỡ sức người, vừa tận dụng được nguồn năng lượng mặt trời, thân thiện với môi trường.

    Trung tâm đã gặp gỡ và hướng dẫn các bạn làm đề án trình bày ứng dụng sáng kiến này ra thực tế, đồng thời liên hệ với các đơn vị chức năng để xin hỗ trợ giúp các bạn có động lực tiếp tục cải tiến sản phẩm, nhằm tăng hiệu suất, tính thẩm mỹ, tiết kiệm chi phí… Sau khi sản phẩm được hoàn thiện, Trung tâm sẽ sản xuất thí điểm 10 chiếc để phục vụ du lịch.

    Theo Tapchimoitruong.vn

    Giảm 20% giá cước gọi ngoại mạng từ ngày 1/5/2018

    Theo thông tư 48/2017/TT-BTTTT, giá cước điện thoại giữa các nhà mạng sẽ giảm 20% từ ngày 1/5 tới đây.

    Theo đó, sau khi ban hành Thông tư 47/2017/TT-BTTTT quy định việc các nhà mạng sẽ dừng việc khuyến mại 50% mà thay vào đó chỉ được khuyến mại 20% với các thuê bao trả trước thì Bộ Thông tin và Truyền thông cũng ban hành Thông tư 48/2017 quy định việc giá cước cuộc gọidi độnggiữa các nhà mạng cũng sẽ giảm.

    Từ ngày 1/05/2018, giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại giữa hai mạng di động được áp dụng giảm 20% so với mức cước quy định dao động trong khoảng từ 500 đồng – 550 đồng/phút.

    Giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại giữa hai mạng di động được áp dụng giảm 20%, dao động trong khoảng từ 500 đồng – 550 đồng/phút.

    Cụ thể, trường hợp gọi đến số thuê bao của nhà mạng Viettel, mạng di động gọi đi phải trả cho Viettel 400 đồng/phút, gọi đến số thuê bao của các nhà mạng Mobifone, Vinafone, VietnamMobile, công ty cổ phầnViễn thôngdi động Toàn Cầu, mạng di động gọi đi phải trả cho các nhà mạng này 440 đồng/phút.

    Ngoài ra, Thông tư này cũng quy định cụ thể về giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại từ mạng điện thoại cố định nội hạt vào di động. Theo đó, mạng điện thoại điện cố định nội hạt có cuộc gọi đến mạng di động thì phải trả cho nhà mạng di động 320 đồng/phút. Giá cước nêu trên đã bao gồm phần giá cước kết nối trả cho doanh nghiệp khi phải kết nối gián tiếp qua mạng đường dài trong nước nhưng chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

    Theo Tapchicongthuong.vn

    Tháo gỡ rào cản để phát triển xe hybrid thân thiện với môi trường

    0

    Hiện nay, môi trường không khí tại nhiều quốc gia trên thế giới bị ô nhiễm nghiêm trọng. Trước thách thức trên, việc phát triển các loại xe thân thiện với môi trường, trong đó có xe hybrid là giải pháp khả thi đối với các quốc gia, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

    Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc phát triển xe hybrid vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

    Xe hybrid và sự phát triển xe hybrid trên thế giới

    Xe hybrid (xe “lai”) là xe sử dụng kết hợp 2 bộ truyền động, một động cơ chạy xăng gắn với một mô tơ chạy điện cho phép động cơ ngắt định kỳ để tiết kiệm nhiên liệu, giảm khí thải. Một trong những đặc điểm của xe hybrid là khả năng tận dụng nguồn năng lượng dư thừa.

    Không giống như các loại xe sử dụng động cơ điện khác, xe hybrid không cần phải sạc bằng nguồn điện bên ngoài, chính hệ thống điều khiển trên xe sẽ tận dụng nguồn năng lượng dư thừa của động cơ đốt trong để sạc đầy pin. Khi xe giảm tốc độ hay phanh, mô tơ điện sẽ hấp thụ một phần lực quán tính và chuyển đổi thành dòng điện tích trữ trong bộ pin của chiếc xe. Khi ô tô chạy trên đường, cứ mỗi lần đạp phanh là năng lượng của xe bị thất thoát. Xe chạy, hoặc lao dốc càng nhanh thì động năng càng lớn và năng lượng này sẽ bị triệt tiêu nếu người lái đạp phanh.

    Nhờ có công nghệ tiên tiến của động cơ “lai”, xe hybrid có thể “thu” nguồn năng lượng đó và nạp vào pin nhiên liệu để tái sử dụng. Ở chế độ xe chạy bình thường, động cơ chính và động cơ điện đều tham gia tạo năng lượng. Lúc xe dừng lại, động cơ xăng tự động ngừng hoạt động, trong khi động cơ điện vẫn tiếp tục làm việc, giúp tiết kiệm nhiên liệu. Xe hybrid vận hành tiết kiệm hơn khoảng 30% nhiên liệu so với xe sử dụng động cơ chạy bằng xăng (chỉ cần 3,5 lít xăng cho 100 km). Hệ thống thông minh cho phép động cơ xăng và điện tự động thay thế nhau linh hoạt, tạo ra hiệu quả hoạt động tối ưu.

    Bên cạnh đó, khi mô tơ điện hoạt động để thay thế động cơ xăng trong quá trình xe chạy sẽ làm giảm mức khí thải ra môi trường. Một chiếc xe chạy xăng có dung tích xi lanh 2.0 L thải ra tới 173g CO2/km, còn xe hybird chỉ thải ra 140g CO2/km. Khi xe hybrid chạy trong trạng thái điện hoàn toàn, chỉ có mô tơ điện làm việc, đảm bảo không phát thải CO2.

    Với những hiệu quả về BVMT, tiết kiệm năng lượng và giảm chi phí vận tải của xe hybrid, các nước châu Âu đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thúc đẩy sự phát triển của các dòng xe thân thiện môi trường, thông qua việc đưa ra những điều kiện có lợi cho các đơn vị sản xuất, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng những dòng xe này. Ví dụ, Thụy Sỹ giảm thuế đường bộ 20% đối với các xe hybrid; Pháp giảm 50% thuế đăng kí cho các xe hybrid, xe chạy pin nhiên liệu và sử dụng khí gas hóa lỏng; tại Anh, các dòng xe hybrid thường được áp mức thuế thấp hơn so với các dòng xe khác từ 3 – 4 lần…

    Xe Prius hybird của Toyota được giới thiệu tại Hội thảo Công nghệ Toyota hybrid diễn ra tại Hà Nội.

    Một số quốc gia ở châu Á cũng ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển các dòng xe thân thiện với môi trường. Tại Thái Lan, xe hybrid chỉ chịu mức thuế nội địa là 10% cho xe có dung tích động cơ dưới 3.000 phân khối. Trong khi mức thuế này với dòng xe cùng loại là từ 30% – 40%. Xe sử dụng điện và pin nhiên liệu chịu mức thuế tiêu thụ nội địa là 10%, trong khi với các dòng xe khác từ 30% – 50%. Ở Hàn Quốc, chủ xe hybrid cũng được hưởng nhiều ưu đãi về thuế khi mua xe như giảm 50% thuế đường bộ và mua bảo hiểm ít hơn so với xe thông thường.

    Chính phủ Nhật cũng miễn thuế đánh vào trọng lượng xe và lệ phí trước bạ cho các loại xe sử dụng điện, pin nhiên liệu, hybrid, plug-in hybrid, các loại xe sử dụng khí thiên nhiên nén. Đặc biệt, tại Malaixia, khái niệm xe xiết kiệm nhiên liệu (EEV) được quy định rất rõ, đó là các loại xe đạt các tiêu chuẩn về mức phát thải cácbon (g/km) và mức tiêu hao nhiên liệu (lít/100 km). Xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe chạy điện, xe sử dụng các nhiên liệu thay thế… đều được xếp là xe EEV và được hưởng nhiều ưu đãi như hỗ trợ thuế đầu tư, trợ cấp, tạo điều kiện cho phát triển cơ sở hạ tầng, cũng như bị đánh thuế thấp hơn.

    Chính sách của Việt Nam về phát triển xe hybrid

    Tại Việt Nam, với tình trạng thường xuyên tắc đường, lượng phương tiện giao thông ngày càng gia tăng, xe hybrid có thể là phương án khả thi. Cách đây khoảng 8 năm, đã xuất hiện một số loại xe hybrid đầu tiên tại Việt Nam, tuy nhiên, cho đến nay, số lượng xe hybrid vẫn còn hạn chế. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), từ năm 2010 đến nay, mới có khoảng 1.229 xe hybrid và 7 xe ôtô điện tại Việt Nam. Sở dĩ số lượng xe hybrid ít như vậy là do các doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng không “mặn mà” bởi giá thành xe hybrid cao hơn so với xe bình thường.

    Mức giá xe hybrid cao chủ yếu là do các khoản thuế. Theo Bộ Tài chính, chỉ những xe sử dụng năng lượng điện kết hợp với xăng (với tỷ lệ sử dụng 70% xăng – 30% điện) và có hệ thống nạp điện ở ngoài mới được hưởng ưu đãi, còn xe hybrid với hệ thống chuyển đổi năng lượng biến thiên (từ xăng sang điện) không được thừa nhận là xe xanh. Hiện tại, những loại xe xanh được áp dụng mức Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) thấp hơn 20% so với xe thông thường. Trong khi đó, các Bộ, ngành chưa có sự thống nhất về khái niệm các loại xe thân thiện với môi trường, cũng như tiêu chí đánh giá xe xanh. Ngoài ra, việc người dân không lựa chọn sử dụng xe hybrid là vì chi phí bảo dưỡng, sửa chữa khá cao và hiện tại, ở Việt Nam chưa có trung tâm bảo dưỡng chuyên dành cho dòng xe này.

    Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với định hướng tập trung vào phát triển các dòng xe thân thiện môi trường gồm các loại xe cá nhân, kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải như: xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học…

    Một số chuyên gia cho rằng, do công nghệ thay đổi không ngừng, cho nên chính sách ưu đãi trong Luật không nên quy định một loại xe, hay một loại công nghệ cụ thể nào mà cần sử dụng thuật ngữ có tính khái quát, áp dụng đối với nhiều loại phương tiện khác nhau. Quan trọng nhất là phải có quy định về xác định mức độ phát thải của phương tiện, đánh giá mức độ thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn phát thải khí thải, mức tiêu hao năng lượng làm căn cứ để xác định các mức ưu đãi. Qua đó, cần xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế như đánh giá tác động theo hướng các ưu đãi có làm giảm giá thành sản phẩm, mở rộng nguồn cung, khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm là dòng xe thân thiện môi trường.

    Mặc dù, Việt Nam đã có đầy đủ những cơ chế, chính sách ưu đãi cho dòng xe thân thiện môi trường, nhưng nhiều cơ chế, chính sách vẫn chưa đi vào thực tế. Vì thế, Chính phủ cần xây dựng lộ trình phát triển các loại xe thân thiện môi trường phù hợp với đà tăng trưởng số lượng ô tô nhanh như hiện nay. Việc tạo cơ chế, khuyến khích sử dụng dòng xe thân thiện môi trường sẽ thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu chế tạo xe “xanh”, người dân sẽ tăng cường sử dụng và Nhà nước cũng được hưởng lợi do quá trình vận hành giảm khói bụi, khí thải.

    Theo Tapchimoitruong.vn

    Hà Nội hướng tới thay thế bếp than tổ ong bằng bếp cải tiến

    Nhằm cải thiện chất lượng không khí và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô, UBND TP. Hà Nội vừa triển khai Chương trình thí điểm thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến. Việc làm này kỳ vọng sẽ thay đổi thói quen của người dân vì một Thủ đô Xanh – Sạch – Đẹp.

    Hà Nội sử dụng 55.000 bếp than tổ ong

    Không khó để thấy bếp than tổ ong hiện diện trên hầu khắp các tuyến phố của Hà Nội. Dạo quanh những tuyến phố chính hay những ngõ nhỏ không thể đếm xuể có bao nhiêu lò than đỏ lửa được để trần trụi hoặc quây sơ sài bằng những tấm bìa trên khắp các vỉa hè, dưới gốc cây, chân cột điện, thậm chí ngay dưới lòng đường.

    Với giá gas khoảng 300.000 – 350.000 đồng/bình và nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá như hiện nay, khiến những người buôn bán nhỏ lẻ, công nhân và người lao động có thu nhập thấp chỉ còn cách dùng bếp than tổ ong để giảm chí phí sinh hoạt. Cô Thuỷ – chủ một quán phở trên phố Hào Nam, Đống Đa phân trần: “Ai cũng biết việc dùng than tổ ong là độc hại, ảnh hưởng lớn đến môi trường và sức khỏe con người. Nhưng vì có nhiều lợi thế như rẻ, tiện sử dụng nên than tổ ong vẫn là lựa chọn đầu tiên của rất nhiều người, nhất là người sống bằng việc bán hàng quán.

    Trên toàn địa bàn TP Hà Nội hiện có khoảng 55.000 bếp than tổ ong đang được sử dụng.

    Theo khảo sát của Sở TN&MT Hà Nội, trên toàn địa bàn TP hiện có khoảng 55.000 bếp than tổ ong đang được sử dụng. Một điều đáng chú ý là các quận nội thành đang sử dụng bếp than tổ ong nhiều hơn so với các huyện ngoại thành. Tỷ lệ số lượng bếp than tổ ong đang sử dụng tại các quận nội thành chiếm 63% (do tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, bán nước trên vỉa hè…), các huyện ngoại thành chỉ chiếm 37%.

    Nơi tập trung số lượng bếp than tổ ong nhiều nhất trong nội thành là quận Ba Đình, Đống Đa và Long Biên, các huyện ngoại thành có Gia Lâm và Sóc Sơn. Một ngày, trung bình TP. Hà Nội tiêu thụ khoảng 528,2 tấn than, đồng thời sẽ phát thải 1870 tấn khí CO2 tương đương vào bầu không khí.

    Theo các nghiên cứu khoa học, than tổ ong dùng để đun nấu có thể gây ra những tác hại không nhỏ đến sức khỏe của người sử dụng và cộng đồng. Tỷ lệ người mắc các bệnh nguy hiểm như bệnh viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư thanh quản, viêm đường hô hấp và phổi đang có xu hướng tăng lên trong cộng đồng dân cư sử dụng bếp than tổ ong, bếp truyền thống.

    Bếp cải tiến Thế hệ Xanh

    Ngoài ra, khi bị nhiễm độc khí than quá lâu sẽ dẫn đến ung thư, mất phản xạ ở võ não, phụ nữ có thai dễ bị sảy thai, sinh non, thai biến dạng, dị tật là rất cao. Tuy nhiên, nhận thức của người dân về tác hại của việc sử dụng bếp than tổ ong còn hạn chế và đôi khi vì lợi nhuận trước mắt mà xem nhẹ vấn đề sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

    Thay thế bếp tổ ong bằng bếp cải tiến

    Trước thực trạng đó, nhằm cải thiện chất lượng không khí và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Thủ đô, UBND TP. Hà Nội triển khai chương trình thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến, thân thiện với môi trường.

    Kế hoạch này được Sở TN&MT Hà Nội phối hợp với UBND quận Ba Đình và Tổ chức Phát triển Hà Lan triển khai thực hiện, hướng đến mục tiêu giảm 70% trong năm 2018 và cuối năm 2019 thay thế cơ bản toàn bộ số lượng bếp than tổ ong trên địa bàn TP.

    Cụ thể, việc triển khai thí điểm này được thực hiện tại một số phường trên địa bàn quận Ba Đình và Hoàn Kiếm. Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, tại các khu vực được lựa chọn triển khai thí điểm mô hình, người dân sẽ được mượn các loại bếp cải tiến dùng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường dùng thử trong 1 tháng đầu. Sau đó người dân mua bếp và nhiên liệu sẽ được hưởng mức giá ưu đãi (mức giá thấp hơn giá thị trường từ 30 – 40%) trong thời gian diễn ra mô hình (từ tháng 2 – 4/2018).

    Các loại bếp được dùng trong chiến dịch dùng thử là bếp Thế hệ xanh, bếp Tre xanh, các bếp này đã được Tổ chức Phát triển Hà Lan kiểm định chặt chẽ theo 3 tiêu chí: Khí thải, an toàn và hiệu quả nhiên liệu. Nhiên liệu sử dụng cho các bếp này có nguồn gốc từ thiên nhiên như mùn cưa, gỗ thải, trấu, lõi ngô… và không có phụ phẩm hóa học nên khi cháy không ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người.

    Ưu điểm của bếp này dùng không khói, không mùi, không có muội than bám vào xoong nồi và chỉ mất 30 giây để nhóm lửa. Đặc biệt, chỉ tốn chi phí khoảng vài nghìn đồng, tương đương với bếp lò nhưng đun nhanh ngang với bếp gas.

    Tuy nhiên, do nhận thức về tác hại của bếp than tổ ong của một số người dân còn chưa cao, việc thay đổi thói quen sử dụng từ bếp than tổ ong sang một loại bếp khác còn chưa được sự đồng thuận của một số hộ gia đình, chưa hiểu rõ quy trình và cách sử dụng bếp cải tiến.

    Do đó việc thay thế bếp than tổ ong trên một số địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, chính quyền cùng người dân cần chung tay góp sức để mô hình này được nhân rộng, khuyến khích người dân có những trải nghiệm thực tế với các bếp cải tiến để tự nguyện chuyển đổi thói quen sử dụng bếp than tổ ong.

    Theo Tapchimoitruong.vn

    Sắp có pin mới cho smartphone và máy tính

    0

    Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học RMIT, Melbourne (Úc) đã tạo thành công loại pin proton sạc đầu tiên thế giới.

    Tuy mới chỉ là nguyên mẫu nhưng pin proton được xem như bước tiến mới trong việc phát triển nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.

    Nhóm nghiên cứu tin rằng pin proton có thể cạnh tranh, thậm chí tiến tới thay thế pin lithium-ion trong 10 năm nữa.

    Pin mới cho smartphone có giá rẻ lại thân thiện với môi trường.

    “Pin lithium-ion vẫn rất tốt nhưng chúng lại dựa vào các nguồn tài nguyên khan hiếm và đắt tiền”, nhà nghiên cứu dẫn đầu John Andrews cho biết. Đó cũng là lý do cần phát triển loại pin thay thế có chi phí sản xuất rẻ hơn.

    Một lợi ích khác của pin proton là carbon sinh ra không bị cháy hoặc thải ra ngoài không khí như khói, giúp pin thân thiện môi trường hơn so với pin lithium tiêu chuẩn.

    Nguyên mẫu pin proton hiện tại có diện tích bề mặt 5,5cm vuông với khả năng lưu trữ năng lượng nhiều hơn khối pin lithium tương tự.

    Andrews và nhóm nghiên cứu đang khẩn trương cải thiện công nghệ tiến tới sản xuất thương mại loại pin mới này.

    Theo Vietnamnet