Ngày 31/7, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn công nghệ và năng lượng Việt Nam 2018. Đây là dịp để các nhà quản lý, lãnh đạo các Bộ, ngành, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư… gặp gỡ và tìm ra giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ với mục tiêu tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.

Đa dạng hóa các nguồn năng lượng

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ – Trần Văn Tùng – khẳng định, để thực hiện thành công mục tiêu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thoát bẫy thu nhập trung bình đòi hỏi phải có sự đi trước một bước với tốc độ cao, bền vững, đồng bộ của ngành năng lượng. Đây là chủ trương đúng và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn vừa qua.

Diễn đàn thu hút đông các đại biểu tham dự

Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao để đáp ứng phát triển kinh tế – xã hội, Việt Nam đã khai thác nguồn thủy điện gần như tối đa, kế hoạch phát triển năng lượng nguyên tử tạm dừng nên chúng ta đã và đang phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện. Do đó, cần thiết phải đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng mới, tái tạo để nâng cao năng lực, hiệu quả, tính bền vững và thích ứng cho ngành năng lượng quốc gia cũng như thực hiện các cam kết quốc tế hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Song song với các chính sách và giải pháp sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng truyền thống như than, thủy điện,… Đảng và Chính phủ đã và đang thiết lập khung chính sách nhằm đa dạng hóa các nguồn cung cấp và hỗ trợ các nguồn năng lượng mới, tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió. Có thể kể đến một số chính sách nổi bật như: Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam 2020, tầm nhìn đến 2050; Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030; Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam ,….

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, mục tiêu phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn tới theo nội dung Tờ trình số 12005/TTr-BCT ngày 21/12/2017 đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035, đó là huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển năng lượng để đảm bảo cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng ngày càng cao và mức giá hợp lý cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, sử dụng đa dạng và hợp lý các nguồn năng lượng sơ cấp trong và ngoài nước, đẩy mạnh các hoạt động sử dụng hiệu quả năng lượng và khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng cường bảo vệ môi trường và hoàn thành các mục tiêu phát triển năng lượng – kinh tế – xã hội bền vững. Từng bước xây dựng các thị trường năng lượng cạnh tranh nhằm tăng hiệu quả hoạt động và khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch.

Làm chủ công nghệ năng lượng

Một trong các giải pháp quan trọng để giải bài toán của ngành năng lượng, đó là đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ứng dụng các công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả, đồng thời, chuyển giao, làm chủ các công nghệ năng lượng mới, bền vững như công nghệ điện gió, điện mặt trời. Trước vấn đề này, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, trong thời gian vừa qua, Bộ Khoa học và công nghệ với sự hợp tác, phối hợp của các cơ quan có liên quan đã nỗ lực thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ, tháo gỡ tối đa các vướng mắc trong thực tiễn nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhất để thúc đẩy chuyển giao, đổi mới công nghệ.

Đặc biệt, đối với ngành năng lượng, trong chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xác định chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn, nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng. Trên cơ sở đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu trọng điểm nhằm giải quyết các bài toán công nghệ trong ngành năng lượng, trong đó có Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”.

“Trên cơ sở những ý kiến đóng góp, chia sẻ những kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp, viện, trường về định hướng phát triển công nghệ trong ngành năng lượng tại Việt Nam tại diễn đàn, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xây dựng các chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ ở Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực công nghệ trong nước nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển của ngành năng lượng” – Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh!

Ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam chia sẻ, để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp năng lượng, Việt Nam cần đẩy mạnh nghiên cứu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong các dây chuyền thiết bị đồng bộ của các nhà máy nhiệt điện, thủy điện; các giàn khoan khai thác dầu khí và các thiết bị, kết cấu siêu trường, siêu trọng khác phục vụ ngành công nghiệp dầu khí; nghiên cứu, nhập khẩu công nghệ, chuyển giao và phát triển công nghệ nhằm làm chủ trong chế tạo các thiết bị năng lượng.

Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ hình thành, phát triển các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong doanh nghiệp, đặc biệt là tại các tập đoàn kinh tế. Đa dạng hóa các hình thức đầu tư trong chế tạo các thiết bị năng lượng. Xây dựng, phát triển các tập đoàn mạnh trong chế tạo các thiết bị năng lượng. Đồng thời, chủ động và tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tiến tới sản xuất chế tạo thiết bị toàn bộ trong một số lĩnh vực trọng điểm như nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị toàn bộ các nhà máy điện gió, điện mặt trời; thiết bị của hệ thống truyền tải và phân phối điện. Tích cực, chủ động hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực chế tạo các thiết bị năng lượng…

Theo Tờ trình số 12005/TTr-BCT ngày 21/12/2017 đã được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035, đặt ra mục tiêu, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp năm 2025 đạt từ 137-147 triệu tấn dầu tương đương; năm 2035 từ 218-238 triệu tấn dầu tương đương. Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng năm 2025 đạt từ 83-89 triệu tấn dầu tương đương; năm 2035 từ 121-135 triệu tấn dầu tương đương.

Theo Quỳnh Nga/congthuong.vn (31/7/2018)