27 C
Hanoi
Thứ hai, Tháng mười một 18, 2024
More
    Home Blog Page 372

    Những thách thức để xe điện có thể trở nên thông dụng

    0

    Xe điện cần trạm sạc điện chuyên dụng mà thời gian chờ sạc lại lâu. Chi phí để lắp đặt trạm sạc điện cao.

    Lợi ích to lớn về môi trường của xe điện là không thể chối cãi. Quá trình từ sản xuất, vận hành đến loại bỏ một xe điện tạo ra lượng khí thải chỉ bằng ½ xe chạy xăng thông thường, tính cả ô nhiễm từ việc sản xuất pin. Tuy nhiên xe điện vẫn còn nhiều thách thức để trở nên thông dụng.

    Xe điện cần trạm sạc điện chuyên dụng mà thời gian chờ sạc lại lâu. Chi phí để lắp đặt trạm sạc điện cao.


    Thời gian sạc điện lâu là một trong những hạn chế của xe điện.

    Trạm sạc điện cấp 1, yêu cầu điện áp 120V, thường đi kèm với xe nhưng cần 11 – 16 giờ để sạc đầy đối với xe 100% chạy điện và 6 – 8 giờ đối với xe lai.

    Trạm sạc điện cấp 2, yêu cầu điện áp 240V, loại phổ biến nhất đặt tại các nơi công cộng, chi phí có thể lên đến 5.000 USD cho một đầu sạc, cũng cần 4 – 8 giờ để sạc đầy đối với xe 100% chạy điện và 3 – 4 tiếng đối với xe lai.

    Trạm sạc điện cấp 3, cần mức điện áp từ 400V trở lên, chỉ cần 15 – 30 phút sạc có thể đầy đến 80% công suất xe 100% chạy điện nhưng giá thành lên đến hơn 50.000 USD cho một đầu sạc.

    Bên cạnh đó, hiện nay giá thành xe điện cao do sử dụng công nghệ cao và quy mô thị trường chưa đủ lớn. Khối pin sau nhiều năm sử dụng cần thay mới chi phí cao có thể chiếm đến 20% giá trị chiếc xe lúc mua vào.

    Việc sửa chữa, thay thế, bảo dưỡng xe điện cũng gặp khó khăn do chưa phổ biến.

    Ngoài ra, người dùng còn chịu hạn chế trong việc sử dụng các ứng dụng trên xe do yếu tố hao tốn pin.

    Đó là những thách thức cơ bản, khiến xe điện còn chưa được sử dụng rộng rãi trên thế giới.

    Theo M.P/Petrotimes.vn (31/12/2018)

    Phát hiện loại rau củ chứa chất chữa được bệnh nan y

    Căn bệnh chưa có thuốc chữa, gây chết người hàng đầu có thể đẩy lùi bởi axit retinoic, chất tạo ra trong quá trình phân hủy vitamin A khi ăn một số rau củ như cải brussel, cà rốt…

    Hai trường đại học Anh là Aberdeen và Durham vừa công bố nghiên cứu hứa hẹn tạo ra loại thuốc đầu tiên chữa bệnh Alzheimer, căn bệnh phổ biến nhất trong nhóm bệnh mất trí nhớ và là nguyên nhân gây chết sớm hàng đầu ở Anh, Úc và thứ 2 tại Mỹ.

    Điều đáng ngạc nhiên là chất cơ bản để họ tạo nên “thần dược” này lại là axit retinoic, một chất rất dễ tìm kiếm trong tự nhiên. Axit retinoic là hóa chất được tạo ra trong quá trình cơ thể chúng ta phân hủy vitamin A “siêu nạp” – được tìm thấy trong các loại rau củ được biết đến rất giàu vitamin A như cà rốt hay các loại rau mầm như cải brussel.

    Rau củ “siêu giàu” vitamin A đã giúp các nhà khoa học tạo ra thuốc chữa bệnh – Hình minh họa 

    Theo các tác giả, axit retinoic là một hóa chất cực kỳ tốt cho hệ thần kinh. Khi được ứng dụng vào thuốc, nó có thể đem lại tác động mạnh mẽ hơn nhiều so với cách ăn trực tiếp và sẽ có tác dụng chữa bệnh.

    Giáo sư Peter McCaffery, đến từ Đại học Aberdeen, thành viên nhóm nghiên cứu mô tả thuốc như một phiên bản khuyếch đại những gì mà quá trình phân hủy vitamin A đã tạo ra cho cơ thể.

    Với cách ăn trực tiếp, các loại rau củ giàu vitamin A chỉ dừng lại ở mức tăng cường sức khỏe mắt, hệ thần kinh, ngăn ngừa các nguy cơ bệnh tật, hỗ trợ điều trị… chưa thể tác động mạch mẽ như một loại thuốc thức sự.

    Axit retinoic kích thích khả năng tái tạo các dây thần kinh và tế bào não, vì vậy ngoài Alzheimer, họ còn định ứng dụng hóa chất kỳ diệu này làm thuốc chữa bệnh Parkinson và một số bệnh thần kinh vận động khác.

    Dự án có giá trị lên đến 250.000 bảng Anh và đã được thực hiện suốt 2 năm qua. Nhóm nghiên cứu cho biết hóa chất họ tạo nên đang trong giai đoạn kiểm tra lần cuối và cần thêm một số thủ tục để nó được ứng dụng ra thị trường. Chi tiết nghiên cứu sẽ được công bố trên tạp chí khoa học trong năm tới.

    Theo Nguoilaodong.vn (29/12/2018)

    10 vấn đề nóng của ngành tài nguyên và môi trường trong năm 2018

    Năm 2018 được nhắc đến không chỉ bởi thiên tai, ngập lụt ở các thành phố, mà còn hàng loạt vấn đề nóng gây xôn xao dư luận. Đó là việc “xẻ thịt” rừng phòng hộ xây dựng biệt thự trái phép ở Sóc Sơn, nhập khẩu phế liệu diễn biến phức tạp, “bom nước” ở Nha Trang, hay việc sử dụng vốn đầu tư công của Bộ Tài nguyên và Môi trường: “đụng đâu sai đó.”

    Xin điểm lại những vấn đề gây xôn xao dư luận trong năm qua.

    Hàng loạt thành phố chìm trong “biển nước” do mưa lũ

    Do ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió Đông trên cao gây mưa lớn kéo dài từ ngày 7 đến 12/12, nhiều khu vực trên cả nước, đặc biệt là các thành phố lớn như Đà Nẵng, Vinh, Hội An, Nha Trang (Khánh Hòa), Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã bị ngập lụt cục bộ, nhiều tuyến đường biến thành sông.

    Trước đó, cuối tháng 11, cơn bão số 9 đi qua một dải Nam Trung Bộ và Nam Bộ, cũng đã ảnh hưởng dọc các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bến Tre, đồng thời trút lượng mưa kỷ lục xuống Thành phố Hồ Chí Minh, biến khu vực nội đô ngập nặng.

    Tại Hà Nội, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài từ ngày ngày 18 đến 31/7, mực nước sông Tích, sông Bùi qua địa bàn huyện Chương Mỹ dâng lên rất cao, khiến hàng nghìn căn nhà chìm sâu trong nước lũ; hàng nghìn hécta hoa màu, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, gia súc gia cầm bị lũ dữ hủy hoại, bị cô lập nhiều ngày.

    Nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam diễn biến phức tạp

    Năm tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến, gấp gần 2 lần so với cả năm 2017. Trong khi, với hàng nghìn container phế liệu đang bị tồn, một số cảng biển nước ta có nguy cơ thành “bãi rác phế liệu” của thế giới sau khi Trung Quốc ngưng nhập khẩu 24 mặt hàng phế thải.

    Trước tình trạng “báo động” nhập khẩu phế liệu, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các Bộ, địa phương thực hiện kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra tình trạng trên; tăng cường phối hợp để kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng tới môi trường sống và uy tín của Việt Nam.

    Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc rà soát, ngăn chặn việc nhập lậu phế liệu vào Việt Nam.

    “Xẻ thịt” đất rừng xây biệt thự trái phép

    Tình trạng “xẻ thịt” đất rừng phòng hộ để xây biệt phủ, công trình trái phép tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) là câu chuyện thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong năm 2018. Trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm đến khu biệt thự của gia đình ca sĩ Mỹ Linh và Việt phủ Thành Chương. Hai khu này được cho là đã “xẻ thịt” rừng phòng hộ và có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về đất đai.

    Trước đó trả lời trong cuộc giao ban báo chí Thành ủy diễn ra vào chiều ngày 16/10, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn cho biết, hai công trình này nằm trong danh sách các công trình trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về thanh tra đất rừng Sóc Sơn từ năm 2006 và huyện đang xử lý.

    Do công trình này thuộc sự quản lý của giai đoạn trước nên cần có sự thống nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xử lý theo đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ.

    Sử dụng vốn đầu tư công “đụng đâu sai đó”

    Trước thông tin phản ánh công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công của Bộ Tài nguyên và Môi trường có “nhiều vi phạm” và “đụng đâu sai đó,” sáng ngày 5/5, Bộ này đã phát đi thông cáo báo chí giải thích một số nội dung báo chí phản ánh.

    Theo Thông cáo, việc Thanh tra Bộ Tài chính triển khai thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị trực thuộc là hoạt động thanh tra định kỳ theo kế hoạch; không phải thanh tra vụ việc cụ thể khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm.

    Trong quá trình thanh tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo, giải trình cụ thể về các nội dung của từng dự án và đã được Thanh tra Bộ Tài chính tiếp thu, được thể hiện trong kiến nghị của Kết luận Thanh tra đối với các thiếu sót và biện pháp khắc phục (chủ yếu là thiếu sót về trình tự thủ tục, thời gian, không phải là vi phạm về sử dụng, chi sai nguồn vốn, gây ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước).

    Sạt lở khủng khiếp ở Nha Trang khiến 19 người chết

    Sáng 18/11, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Toraji suy yếu, trận mưa lớn kéo dài kéo theo sạt lở khiến đất đá đổ xuống đã vùi lấp hàng chục nhà dân ở thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), làm 19 người chết, 28 người bị thương.

    Trong đó, riêng sự cố vỡ hồ chứa nước nhân tạo tại dự án khu dân cư cao cấp Hoàng Phú ở phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang gây sạt lở đã khiến gia đình thầy giáo gồm 4 người tử nạn, hàng loạt căn nhà đổ sập.

    Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, giáo sư tiến sỹ Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng việc quy hoạch xây dựng “bom nước” trên núi cao, trong khi dân cư ở dưới đường thoát lũ là việc làm sai lầm.

    “Thử hỏi, nếu như không vỡ hồ chứa nước nhân tạo ‘treo’ trên núi, liệu sạt lở có xảy ra như các điểm khác trong thành phố Nha Trang và mức độ ảnh hưởng có nghiêm trọng đến mức sập nhà, chết người nặng nề như vậy?,” ông Hồng nói.

    Xôn xao việc bổ nhiệm quyền Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo

    Ông Tạ Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, thành viên Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, là đơn vị từng bị kỷ luật tập thể vì sự cố Formosa nhưng vẫn được bổ nhiệm giữ chức quyền Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo.

    Trước nghi vấn về việc bổ nhiệm trên, chiều 12/4, tại buổi họp báo quý 1/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết khi sự cố Formosa xảy ra, tập thể Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2010-2016 bị kỷ luật. Song, cá nhân ông Tạ Đình Thi không liên quan trực tiếp đến vụ Formosa, do vậy, không có hình thức kỷ luật với riêng ông Thi.

    4.000 lít dầu tràn ra đồng, nhiều gia đình phải sơ tán

    Ngày 17/12, tại khu vực phố 5, thuộc phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa xảy ra sự cố cháy dầu tràn ra kênh mương. Ước tính khối lượng dầu rò rỉ ra môi trường hơn 4.000 lít, khiến hơn 5 hécta đất ruộng và hơn 800-1.000m đường kênh mương nội đồng bị nhiễm dầu.

    Theo thông tin ban đầu từ các lực lượng chức năng, nguyên nhân tràn dầu ra môi trường được xác định là do tràn bể thu váng dầu của một cây xăng quân đội sát Cảng Lễ Môn, Khu công nghiệp Lễ Môn, phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa. Dầu rò rỉ, chảy vào hệ thống thoát nước dọc khu dân cư, đổ ra cánh đồng.

    Ngay trong ngày, Ủy ban Nhân dân thành phố Thanh Hóa đã họp khẩn với Bộ đội Biên phòng, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Thanh Hóa và các doanh nghiệp lên phương án xử lý, khắc phục sự cố.

    Formosa không có trong kế hoạch thanh tra của Bộ Tài nguyên

    Liên quan đến thông tin không đưa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) vào kế hoạch thanh tra năm 2018, chiều 3/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra thông cáo báo chí giải thích tới công luận.

    Nội dung thông cáo báo chí cho biết, ngay sau khi FHS nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Hà Tĩnh, các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan đưa FHS vào “chế độ giám sát đặc biệt và nghiêm ngặt” để thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình khắc phục hậu quả vi phạm của FHS, đảm bảo không để tái diễn sự cố.

    Từ ngày 22/7/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Tổ giám sát FHS trong việc thực hiện cam kết khắc phục sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung.

    “Nóng” vụ sai phạm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm

    Sau kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xin nhận trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng vì đã thực hiện không đúng quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.

    Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng chân thành xin lỗi nhân dân thành phố, nhất là các hộ dân bị ảnh hưởng tại khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch thuộc Khu phố 1, phường Bình An, quận 2, đã chịu nhiều thiệt thòi, tổn thất, vất vả trong cuộc sống nhiều năm qua.

    Thành phố cũng cam kết xây dựng xong chính sách bồi thường trước 30/11; đồng thời xử lý vi phạm với tổ chức, cá nhân liên quan trước ngày 30/11.

    Nền đa dạng sinh học đang bị đe dọa nghiêm trọng

    Năm 2018, liên tục xảy ra những vụ giết động vật hoang dã, quý hiếm rồi livestream, đăng ảnh lên mạng xã hội facebook để khoe chiến tích khiến dư luận phẫn nộ bởi hành vi đó đã đạt tột cùng của sự tàn ác.

    “Quá tàn nhẫn, man rợn! Sao những hình ảnh dã man thời trung cổ lại có thể tái hiện ở xã hội văn minh?”. Nhiều người đã phải thốt lên như vậy khi xem đoạn livestream trên Facebook về một nhóm 5 đối tượng ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đang giết động vật hoang dã nghi khỉ hoặc voọc chà vá chân nâu.

    Đặc biệt, nhóm người đàn ông này đã dùng dao bổ mạnh lên phần đầu của cá thể này rồi dùng muỗng và tay múc não cá thể ăn sống với rượu ngay tại chỗ. Đám người này sau đó đã cạo lông, làm thịt cá thể nghi khỉ này.

    Chỉ ít ngày sau, dư luận lại tiếp tục phẫn nộ với việc một giám đốc doanh nghiệp giết thịt hai con chim hoang dã nghi Cao cát bụng trắng, thuộc họ Hồng hoàng rồi đem khoe lên mạng xã hội Facebook.

    Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), ở Việt Nam, số loài bị đe dọa toàn cầu không chỉ tăng về số lượng, mà còn tăng về mức độ đe dọa. Nhiều loài được đánh giá bị đe dọa không cao trên quy mô toàn cầu nhưng lại bị đe dọa ở mức rất cao.

    Theo VietnamPlus.vn (31/12/2018)

    Than đá – Thủ phạm làm nóng trái đất

    0

    Than đá được coi là nhiên liệu thải ra nhiều khí độc hại nhất với môi trường so với các nhiên liệu hóa thạch còn lại, là thủ phạm số 1 làm nóng trái đất. Các hội nghị quốc tế chống biến đổi khí hậu trước đây đều tập trung kêu gọi giảm tỉ trọng sử dụng than đá. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, đây vẫn là nguồn nguyên liệu sản xuất điện quan trọng.

    Thật trớ trêu, Hội nghị quốc tế chống biến đổi khí hậu COP24 Katowice năm nay (diễn ra từ ngày 2 đến 14/12/2018), nhằm xúc tiến hiệp định khí hậu Paris, lại được khai mạc ngay tại một trong những mỏ than Ba Lan. Và, nhà tài trợ chính của COP24 là Tập đoàn Than đá JSW.

    Với Hiệp định Paris năm 2015, quốc tế cam kết giới hạn mức tăng nhiệt độ là 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học nhấn mạnh, từ nay đến năm 2030 phải giảm 50% việc phát thải khí CO2 so với năm 2010. Các nước phát triển cam kết tài trợ 100 tỉ USD/năm từ nay đến năm 2020 cho chính sách khí hậu của các nước nghèo, nhưng nhiều nước đang phát triển đòi hỏi phải cụ thể hóa lời hứa.

    Ba Lan – nước chủ nhà COP24 – là một trong những nguồn sản xuất và tiêu thụ than đá bậc nhất tại châu Âu. Than đá là “vàng đen” của quốc gia đông Âu này. Hàng triệu người dân Ba Lan ngày ngày vẫn phải hít khói bụi từ các mỏ than, từ các nhà máy… Nhiều thành phố của Ba Lan có tên trong danh sách những địa danh ô nhiễm nhất của châu Âu. Nhưng người dân Ba Lan không có sự chọn lựa nào khác. Hiện tại, than đá bảo đảm 80% nhu cầu năng lượng cho gần 40 triệu dân Ba Lan.

    Cuối tháng 11/2018, Bộ trưởng Năng lượng Ba Lan Krzysztof Tchorzewski thông báo: Mục tiêu vào năm 2030, Ba Lan sẽ giảm tỷ lệ nói trên xuống còn 60%. Cần biết rằng, mục tiêu mà EU đang hướng tới là 30% vào năm 2030. Vẫn theo Bộ Năng lượng Ba Lan, để giảm bớt lệ thuộc vào than đá, Ba Lan cần xây thêm ít nhất 6 nhà máy điện hạt nhân.


    Khai thác than tại Ấn Độ

    Trước mắt, Vacxava bị chỉ trích là không có chiến lược năng lượng rõ ràng. Là một quốc gia sản xuất than đá nhưng Ba Lan vẫn phải nhập than của Nga để đáp ứng nhu cầu nội địa. Ngoài ra, Ba Lan dự định mở thêm nhiều mỏ than, xây dựng thêm các nhà máy điện dùng than đá trong thập niên tới.

    Theo các tổ chức bảo vệ môi trường, các nhà khoa học, than đá là nguồn gây ô nhiễm, đe dọa sức khỏe con người. Nhưng đối với dân cư thành phố Katowice và của cả vùng Silesia (miền Nam Ba Lan), than đá là huyết mạch của hàng triệu gia đình. Làm việc trong các mỏ than là một truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho dù đây là nghề nguy hiểm. Trong 11 tháng đầu năm 2018, đã có 21 thợ mỏ tử vong dưới lòng đất Silesia.

    Nhìn rộng hơn, trên toàn quốc, có 100.000 công nhân Ba Lan làm việc trong các mỏ than. Tuổi thọ của những người thợ mỏ Ba Lan bị rút ngắn hơn ở bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Ba Lan, nhưng điều đó không làm nản lòng những thế hệ trẻ tại Silesia. Giấc mơ của giới trẻ là được làm việc cho JSW.

    Với 27.000 nhân viên, JSW là tập đoàn than đá số 1 Ba Lan và là một trong những tên tuổi trong ngành năng lượng của EU. Không ít thợ mỏ người Ukraine, Slovakia, Hungary, Tây Ban Nha sang Ba Lan tìm việc. Giám đốc JSW Daniel Ozon không khỏi tự hào là nhà tài trợ chính quan trọng nhất của COP24. Điều này không khỏi gây bối rối cho nước chủ nhà. Bộ trưởng Môi trường Ba Lan Henryk Kowalczyk đã phải cải chính rằng, JSW chỉ là một trong số những “Mạnh Thường Quân” bên cạnh những tập đoàn năng lượng sạch của Ba Lan, công ty khí đốt quốc gia PGNiG, các ngân hàng và hãng bảo hiểm…

    Nhìn sang nước Pháp, vài ngày trước COP24, Tổ chức Oxfam công bố một báo cáo cho thấy, các ngân hàng Pháp vẫn đầu tư vào các nguồn năng lượng hóa thạch như là dầu hỏa, khí đốt và than đá. Báo cáo ngày 24/11/2018 chỉ ra rằng, 6 ngân hàng lớn của Pháp, gồm BNP Paribas, Société Générale, Crédit Agricole, BPCE, Crédit Mutuel CIC và Banque Postale đầu tư 43 tỉ euro vào năng lượng hóa thạch, cao gấp gần 4 lần so với khoản đầu tư vào năng lượng gió và mặt trời. Oxfam báo động: Số tiền đầu tư vào năng lượng bẩn trong năm 2017 cao hơn so với hồi 2016. Ngược lại, khoản vốn tài trợ cho các dự án phát triển năng lượng xanh đang từ 6,8 tỉ euro năm 2016 rơi xuống còn 5 tỉ euro trong năm 2017. 3 năm sau Thỏa thuận khí hậu Paris, 70% các khoản vốn đầu tư của các ngân hàng Pháp đổ vào các nguồn năng lượng hóa thạch.

    Thị trường than đá lớn nhất thế giới là châu Á. Năm 2017, nhu cầu tiêu thụ than đá trên hành tinh đã tăng lên trở lại sau 2 năm sụt giảm. Trung Quốc tuy là một nguồn sản xuất quan trọng nhưng vẫn phải nhập than của nước ngoài để đáp ứng nhu cầu của “công xưởng sản xuất thế giới” và 1,5 tỉ dân.

    Theo thẩm định của Cơ Quan năng lượng quốc tế (IEA), trong 2 năm 2017 và 2018, Bắc Kinh cho các nhà máy điện sử dụng than đá hoạt động hết công suất, nhưng Trung Quốc có khuynh hướng từng bước giảm mức độ lệ thuộc vào than đá. Ngược lại, Ấn Độ và nhiều nước Á châu khác như Philippines, Indonesia, Malaysia… sử dụng than đá nhiều hơn.

    Theo dự báo của IEA, từ nay đến năm 2040, tiêu thụ than đá trên thế giới khoảng 5.400 triệu tấn. Trung Quốc, Mỹ và EU có xu hướng ít dùng than đá hơn, nhưng bù lại Ấn Độ và các nước Đông Nam Á sẽ lấp vào chỗ trống ấy, bởi than đá là một nguồn năng lượng rẻ. Đó không là một tin vui đối với trái đất. Năm 2017, 40% thải khí carbon đã hâm nóng bầu khí quyển do than đá gây nên.

    Khi các nhà máy nhiệt điện trên thế giới đua nhau nhả khói, một trong những giải pháp cộng đồng quốc tế đang hướng tới là thu giữ carbon thải ra. Với những phương tiện hiện tại, thế giới có thể “nhốt” 2,4 triệu tấn carbon 1 năm, con số quá nhỏ, bởi để thực hiện Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris, nhân loại phải thu giữ được 350 triệu tấn carbon 1 năm.

    Theo dự báo của IEA, từ nay đến năm 2040, tiêu thụ than đá trên thế giới khoảng 5.400 triệu tấn. Trung Quốc, Mỹ và EU có xu hướng ít dùng than đá hơn, nhưng bù lại Ấn Độ và các nước Đông Nam Á sẽ lấp vào chỗ trống ấy, bởi than đá là một nguồn năng lượng rẻ.

    Theo S.Phương/petrotimes.vn

    Đã đến lúc cấm giấy gói quà

    0

    Đã sắp bước sang năm 2019, và chúng ta vẫn đang vứt tiền qua cửa sổ vì giấy gói quà.

    Theo một báo cáo tháng Tám từ Sundale Research, người dân ở Mỹ tiêu tổng cộng 12,7 tỉ đô cho việc gói quà, bao gồm giấy gói, giấy lụa và túi quà vào năm 2017. Thật lãng phí. Đây là những thứ được thiết kế để xé ra và vứt đi chỉ trong chưa đầy 60 giây.

    Đã đến lúc bỏ đi giấy gói quà, một lần và mãi mãi, và lí do là: Hầu hết giấy gói quà không được tái chế (và phần lớn không thể tái chế), nên cuối cùng chúng đều được đưa đến bãi rác.

    Theo Kathryn Kellogg của Going Zero Waste, rất nhiều giấy gói quà bạn nghĩ có thể tái chế được thực ra có lót nhựa.

    Bạn có thích các món đồ trang trí và và những vật trang trí nghệ thuật trên quà của mình không? Hãy biết lựa chọn. Celia Ristow của Litterless nói với tờ HuffPost: “Nếu nó chứa nhũ lấp lánh hay băng dính, nó không thể tái chế được”.

    Giấy phủ lấp lánh đặc biệt kinh khủng vì một số lí do. Một là, nó không thể tái chế được. Hơn nữa, nhũ lấp lánh được làm từ các mảnh nhựa tí xíu không chỉ xuất hiện trên tóc bạn vài tuần sau mà còn làm ô nhiễm đại dương, theo tin tức trên National Geographic. Các động vật biển thường ăn vào những hạt nhỏ này, và theo thời gian, tích tụ chúng trong dạ dày và có thể gây tử vong.

    Đã đến lúc ngừng phủ mọi thứ bằng nhũ lấp lánh

    Kể cả giấy gói quà tái chế được cũng sẽ có khả năng kết thúc ở một bãi rác nào đó. Giấy gói quà chiếm một tỉ lệ nhỏ giấy làm từ vật liệu tái chế (trong khi giấy bìa cứng chiếm nhiều hơn). Giấy gói quà không phải vật lí tưởng để tái chế: Nó mỏng và thường đầy mực, gây khó khăn cho việc tách các sợi ra trong lúc tái chế.

    Bill Moore, một cố vấn tái chế giấy ở Atlanta, cho biết: “Mực làm giảm hiệu suất, nó tạo ra thêm cặn khi xử lý, nó yêu cầu dùng thêm các hóa chất”.

    Việc bỏ đi giấy gói quà không phải là quá khó khăn. Ristow cho hay: “Có những thứ giống như một văn hóa có vẻ thật sự khó để từ bỏ. Đồ ăn đóng gói, ta có thể tránh chúng, nhưng chúng ta là con người và đôi khi ta cần chộp lấy thứ gì đó vội vàng”.

    Giấy gói, theo cô, tuy nhiên “có vẻ dễ từ bỏ hơn. Với tôi, đó là một điều quá dễ dàng để tập trung trước tiên vào những thứ ít tốn kém hơn và dễ thay thế hơn”.

    Nếu bạn đã có hứng thú với việc loại bỏ ống hút nhựa dùng một lần năm 2018, thì sẽ hợp lí nếu bạn chuyển qua phong trào phản đối giấy gói quà. Sẽ vừa đạo đức giả và phản tác dụng nếu bạn không tham gia.

    Ống hút ít nhất cũng có một mục đích đặc biệt. Một số người khuyết tật cần chúng để uống đồ uống, và dù có nhiều ống hút không phải nhựa thay thế, các phương án cũng không phải là lí tưởng. Theo NPR đưa tin, ống hút nhựa và các phương án có thể phân hủy sinh học tương tự có thể quá mỏng manh với những người mà cử động hàm bị hạn chế.

    Về cơ bản, không có cuộc sống của ai trở nên tốt hơn nhờ giấy gói quà cả. Công nhận là nó trông vui mắt và rực rỡ, nhưng có rất nhiều phương án thay thế rẻ hơn.

    Ristow cho hay: “Tôi vẫn gói quà của mình bằng giấy nâu giữ lại từ các món đồ đóng gói. Bất chấp những nỗ lực tốt nhất của mình, chúng ta vẫn sẽ đặt đồ trên mạng và nó sẽ được gửi đến cùng với giấy, trong tình huống tốt nhất”.


    Giấy nâu có thể trở thành một lựa chọn gói quà đẹp và bạn có thể tự do sáng tạo cho phần trang trí.

    Kellogg đồng ý rằng giấy nâu có thể trở thành một lựa chọn gói quà đẹp, nhất là khi được trang trí bằng một cành cây xanh trang trí, một lát cam khô hoặc một nhánh quế. Với lựa chọn này, Kellogg cho biết: “bạn vẫn có cảm giác được xé giấy gói quà”, với khả năng tái chế khi bạn đã dùng xong.

    Ristow cũng nói rằng cô đã tiết kiệm các ruy-băng nhà cô được tặng, và thay vì băng dính trong, cô chọn băng keo trang trí, một lựa chọn băng dính được làm từ các sợi tự nhiên và có thể tái chế cùng giấy nâu.

    Bao bì tái sử dụng có lẽ đã là một phần của truyền thống ngày lễ của bạn. Cân nhắc đến tất Giáng Sinh, một đồ đựng quà bạn lấy ra mỗi năm để đựng các bánh kẹo.

    Bạn có khả năng cũng tái sử dụng các món đồ trang trí cây. Tại sao giấy gói quà lại có gì khác biệt chứ?

    Ngoài giấy tái sử dụng, bạn có thể sáng tạo với đồ đựng quà. Buộc các món đồ bằng khăn lau bát hoặc khăn, biến miếng vải thành một phần của món quà. Sử dụng giấy báo hoặc những miếng cắt ra từ tạp chí cũ, và biến việc gói quà thành một sự kiện, Kellogg cho biết: “Nếu tôi có con, tôi nghĩ việc vẽ lên giấy sẽ là một truyền thống gia đình rất vui”.

    Theo Dân Trí (25/12/2018)

    Trước khi ăn quả bơ nhất định phải biết điều này kẻo “gặp họa”

    0

    Theo một báo cáo mới đây của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), vỏ quả bơ chứa rất nhiều loại vi khuẩn có thể gây nhiễm khuẩn listeriosis.

    Để có kết luận trên các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm hơn 1.600 quả bơ cho thấy gần 18% vỏ bơ được tìm thấy có chứa Listeria monocytogenes, vi khuẩn có thể gây nhiễm khuẩn listeriosis. Tại Mỹ, khoảng 1.600 người bị nhiễm mỗi năm với 260 người ước tính tử vong vì nhiễm trùng.

    Theo Michael Doyle, GS vi sinh vật học thực phẩm tại ĐH Georgia (Mỹ), ngoài trái cây và rau quả, thực phẩm liên quan đến sự bùng phát listeriosis bao gồm thịt nguội, phô mai mềm và kem. Những người bị suy giảm miễn dịch là những người có nguy cơ dễ bị nhiễm loại khuẩn này cao nhất. Nhóm này bao gồm người lớn tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và những người dùng thuốc ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.


    Quả bơ rất tốt cho sức khỏe nhưng trước khi ăn cần phải rửa thật sạch.

    Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng khuyên rằng, mọi người không nên bỏ ăn quả bơ bởi thực tế bơ là loại quả bổ dưỡng. Chúng giúp cải thiện tiêu hóa, giảm cân lành mạnh, trẻ hóa làn da, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, kiểm soát tốt hơn lượng đường huyết và giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh. Do đó nếu muốn ăn cần phải rửa thật sạch.

    Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh thêm, ngay cả khi cắt vỏ hoặc bóc thực phẩm trước khi ăn, vẫn phải rửa nó trước để loại bụi bẩn và vi khuẩn. Theo đó, việc rửa sạch hoa quả sẽ giúp bạn tránh được tình trạng lây nhiễm chéo vi khuẩn sang thực phẩm khác, từ đó giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

    Theo tìm hiểu được biết, Listeria monocytogenes là một chủng vi khuẩn đường tiêu hóa. Với người lớn khỏe mạnh, vi khuẩn này khó gây bệnh nặng nếu chỉ phơi nhiễm số lượng ít. Tuy nhiên, vi khuẩn đặc biệt nguy hiểm với người lớn tuổi, phụ nữ mang thai (có thể sẩy thai, thai chết lưu) và những người có hệ miễn dịch yếu (người tiểu đường, ung thư, người được ghép tạng hoặc có một bệnh lý nội khoa nào gây suy yếu hệ miễn dịch). Các triệu chứng nhiễm vi khuẩn này bao gồm sốt cao, nhức đầu dữ dội, cứng khớp, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy…

    Ai không nên ăn quả bơ

    Quả bơ rất tốt cho phụ nữ mang thai nhưng lại ảnh hưởng tới tuyến sữa. Cụ thể, khả năng tiết sữa sẽ bị giảm và chất lượng sữa cũng không tốt. Đôi khi, bé bú vào sẽ bị đau bụng, thậm chí là tiêu chảy.

    Những ai có cơ địa mẫn cảm, thường bị dị ứng thì không nên ăn bơ. Đặc biệt là người nhạy cảm với latex (mủ cao su), bơ sẽ làm tăng mức độ khác thể IgE ở trong huyết thanh và gây ra dị ứng. Vì vậy, nếu ăn bơ và nhận thấy các dấu hiệu bất thường như buồn nôn, mẩn ngứa, chóng mặt, phát ban, miệng lưỡi bị sưng,… thì nên loại bỏ bơ ra khỏi thực đơn hằng ngày ngay lập tức.

    Lượng collagen dồi dào trong bơ có công dụng tái tạo da và ngăn ngừa lão hóa tuyệt vời. Nhưng nếu ăn quá nhiều, chúng sẽ tích tụ trong gan do không thể tiêu hóa hết và gây hại cho gan. Một số loại dầu có trong bơ cũng không tốt cho gan. Vì thế những người bị bệnh gan cũng không nên ăn quả bơ.

    Theo An Dương/vietq.vn (26/12/2018)

    Xanh hóa văn phòng làm việc: Xu hướng tất yếu của tương lai

    0

    Với những ưu điểm vượt trội, văn phòng xanh mang đến một không gian làm việc thoải mái, tràn đầy năng lượng, đồng thời tiết kiệm tối đa chi phí vận hành. Xu hướng này ngày càng được các nhà đầu tư lựa chọn nhất là khi nhu cầu hưởng thụ không gian xanh ngày càng tăng cao.

    Xu hướng tất yếu

    Thiết kế văn phòng xanh đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới nhưng những năm gần đây mới du nhập vào Việt Nam. Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu thì văn phòng xanh là xu hướng thiết kế được các nhà đầu tư chú trọng, đồng thời cũng đáp ứng được nhu cầu sống và làm việc trong những không gian xanh của nhiều người.

    Theo KTS Nguyễn Ánh Tuấn, “xanh hóa” văn phòng làm việc sẽ là xu thế tất yếu được các doanh nghiệp lựa chọn trong tương lai:

    “Giống như mốt quần áo, trước chúng ta chỉ có áo the, khăn xếp thì khi thế giới sử dụng quần âu, áo sơ mi. Chúng ta gọi là xu hướng nhưng thực tế đó là một điều tất yếu. Phát triển xanh, bền vững là một hệ tư tưởng liên quan tới nhiều yếu tố rộng hơn như môi trường, sức khỏe và trở thành xu hướng tất yếu của thiết kế văn phòng trong tương lai”.

    Theo đó, thiết kế văn phòng xanh là việc tận dụng công năng của cây cối, hoa lá vào trang trí nội thất văn phòng, sao cho việc thiết kế đó phù hợp và mang tính thẩm mỹ cao.

    Bàn ghế được giữ mộc không sơn màu hoặc tại một số văn phòng khác, để gần hơn với thiên nhiên, những bức tường và trần nhà mộc, không sơn, vật dụng trong văn phòng được tận dụng từ vật liệu tái chế. Màu xanh của các loại cây như: vạn niên thanh, trúc nhật, kim tiền, thiên điểu, không chỉ mang lại thẩm mỹ mà còn có tác dụng lọc khí, giảm căng thẳng.

    Ánh sáng của “văn phòng xanh” tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên qua những dãy cửa kính lớn. Cửa kính này có thể cản nhiệt, giảm lượng điện năng tiêu thụ từ điều hòa không khí. Các chuyên gia cho rằng, một văn phòng được gọi là văn phòng xanh sẽ đảm bảo những yếu tố sau đây: sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả; chiến lược môi trường trong nhà; kiến trúc tiên tiến, bản sắc; tính xã hội – nhân văn bền vững.

    Thiết kế văn phòng theo những ý tưởng xanh sẽ tạo ra một không gian làm việc thoải mái, thư giãn và gần gũi với thiên nhiên. Điều này sẽ giúp nhân viên tăng năng suất làm việc và tính sáng tạo.

    Không những thế, sử dụng văn phòng xanh còn bảo vệ sức khỏe cho con người. Nhân viên văn phòng thường phái sử dụng máy tính nhiều giờ liền, vì vậy làm việc trong môi trường xanh sẽ giúp giảm thiểu những tác hại về mắt. Ngoài ra, không gian xanh còn tạo môi trường làm việc mở, giúp mọi người có thể dễ dàng giao tiếp và trao đổi với nhau hơn.

    “Làm việc trong văn phòng xanh giúp chúng tôi có một không gian làm việc rất thoải mái và thân thiện với thiên nhiên. Thiết kế xanh từ màu sắc đến ánh sáng tạo nên một tổng thể hài hòa giúp chúng tôi có thể năng động và sáng tạo hơn trong công việc”, chị Bùi Khánh Linh, nhân viên Tập đoàn Capital House chia sẻ.

    Bên cạnh đó, tiết kiệm tối đa chi phí vận hành doanh nghiệp, tổ chức cũng là lý do chính khiến thiết kế văn phòng xanh thu hút các nhà đầu tư. Văn phòng xanh sẽ giảm tiêu thụ năng lượng và các nguồn tài nguyên khác; thiết kế văn phòng lợi dụng ánh tự nhiên và đảm bảo lưu thông không khí; đẩy mạnh việc tái sử dụng.

    Tuy nhiên, lợi ích của việc vận hành văn phòng xanh của mỗi doanh nghiệp, tổ chức sẽ là khác nhau. Vì mỗi doanh nghiệp sẽ có những chiến lược và kế hoạch vận hành phù hợp với mình.

    Sử dụng văn phòng xanh là hướng đến sự phát triển bền vững, góp phần rất lớn vào việc bảo vệ môi trường, giúp sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và chống biến đổi khí hậu.

    Chính vì những lợi ích trên nên nhu cầu làm việc trong văn phòng xanh đang ngày càng tăng lên. Điều này tác động và thúc đẩy các nhà đầu tư quan tâm, chú trọng và phát triển phân khúc này trong thời gian sắp tới.

    Lưu ý khi đầu tư văn phòng xanh

    Đầu tư vào mô hình văn phòng xanh đã và đang trở thành “miếng mồi” béo bở thu hút nhiều sự quan tâm. Tuy nhiên để đầu tư và phát triển mô hình này, các chuyên gia khuyến cáo, cần tìm hiểu rất kĩ về các yếu tố cơ bản trong việc xây dựng văn phòng xanh.

    Trước hết, văn phòng xanh là loại văn phòng có thiết kế nhiều cây xanh, tuy nhiên những cây xanh này lại được trồng trên cao nên cần có những giải pháp khá phức tạp, tốn kém để duy trì hệ thống cây xanh này.

    Bên cạnh đó, không phải công trình xanh nào cũng sử dụng năng lượng một cách hiệu quả nhất, vì nhiều công trình xanh còn sử dụng nhiều năng lượng hơn những văn phòng thông thường. Và tiêu chí năng lượng chỉ chiếm 30% – 40% trong toàn bộ tiêu chí đánh giá văn phòng xanh.

    Trong một số trường hợp, việc theo đuổi mục tiêu xanh và sử dụng hiệu quả năng lượng không phải lúc nào cũng đi đúng hướng, thậm chí đôi chỗ đối lập, ví dụ như để trồng cây xanh trên cao sẽ phải tiêu tốn nhiều năng lượng cho việc tưới và chăm sóc.

    Ngoài ra, để có một hệ thống văn phòng xanh đạt tiêu chuẩn, cần phải lưu ý đến đánh giá tác động môi trường, việc sử dụng tài nguên và mức độ tiện nghi của người sử dụng trong giai đoạn thiết kế xây dựng và cả vận hành.

    Theo BĐS/moitruong.com.vn (25/12/2018)

    Mỹ nghiên cứu cây biến đổi gien có thể lọc không khí trong nhà

    0

    Các nhà khoa học Mỹ hy vọng loại cây biến đổi gen mới sẽ giúp lọc sạch không khí trong nhà, qua đó giảm bớt nguy cơ bệnh tật cho con người.

    Các nhà khoa học Mỹ tại Đại học Washington đã tạo ra một loại cây trồng trong nhà có thể xử lý những hạt ô nhiễm cực nhỏ mà máy lọc không khí không thể xử lý được. Họ tin rằng loại cây biến đổi gien này sẽ cải thiện chất lượng không khí trong nhà của chúng ta.

    Các nhà khoa học Mỹ đã sử dụng phương pháp biến đổi gien để các loại cây trồng trong nhà thông thường có thể loại bỏ chloroform và benzen khỏi không khí xung quanh nó.

    Cây cảnh trồng trong nhà trong tương lai có thể trở thành ‘máy’ lọc không khí – Ảnh: Internet

    Những phân tử ô nhiễm nhỏ như chloroform benzen (một thành phần của xăng) có thể được tạo ra từ các hành động bình thường hằng ngày như tắm, thậm chí là đun nước sôi trong nhà. Tuy nhiên, những phân tử ô nhiễm này quá nhỏ và các bộ lọc không khí thông thường không thể nào lọc hết được.

    Nói tóm lại, không khí trong nhà của chúng ta bị ô nhiễm chỉ vì những hoạt động rất bình thường của con người mà chúng ta thực hiện.

    Với những loại cây đột biến đổi gien mới này, các nhà khoa học Mỹ tin rằng chúng sẽ giúp được con người tăng cường sức khỏe khi chúng thanh lọc không khí trong nhà.

    Ngoài ra, không khí trở nên trong lành hơn sẽ giảm nguy cơ phát triển các bệnh dị ứng hoặc những loại bệnh tật khác.

    Theo Motthegioi.vn (24/12/2018)

    Đột phá mới trong việc biến ánh sáng mặt trời thành nhiên liệu

    0

    Phương pháp này được đánh giá là hiệu quả hơn so với quang hợp tự nhiên trong việc hấp thụ ánh sáng mặt trời.

    Sứ mệnh tìm ra các nguồn năng lượng tái tạo thay thế nguyên liệu hóa thạch đã có bước tiến lớn. Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc phân tách phân tử nước ra thành hai nguyên tố, hydrogen và oxygen bằng cách thay đổi bộ máy quang hợp ở thực vật.

    Quang hợp là quá trình thực vật sử dụng ánh nắng mặt trời tạo thành năng lượng. Sau khi cây hấp thụ nước, oxygen được tạo ra. Đây là một phản ứng rất quan trọng đối với hành tinh chúng ta, tạo ra hầu hết lượng oxygen trên Trái Đất.


    Nghiên cứu này có thể tạo ra cuộc cách mạng trong việc xây dựng hệ thống sản xuất nguồn năng lượng tái tạo. Ảnh: Clicklancashire.

    Một nghiên cứu bởi trường Đại học St John ở Anh đã sử dụng quang hợp bán nhân tạo để sản xuất và lưu trữ năng lượng mặt trời. Bằng các sản phẩm sinh học và công nghệ máy móc, họ đã thành công trong việc sử dụng ánh sáng tự nhiên để biến nước thành hydrogen và oxygen.

    Nghiên cứu này có thể tạo ra cuộc cách mạng trong việc xây dựng hệ thống sản xuất nguồn năng lượng tái tạo mới. Trong một bài báo xuất bản trên Nature Energy, phòng thí nghiệm Reisner của trường ĐH Cambridge cũng đã phát triển một nền tảng tách nước mà không cần đến năng lượng mặt trời. Phương pháp này được đánh giá là hiệu quả hơn trong việc hấp thụ ánh sáng mặt trời so với quang hợp tự nhiên.

    “Quang hợp tự nhiên không thật sự hiệu quả bởi nó phát triển chỉ để tồn tại. Ngoài ra, nó chỉ cần một lượng năng lượng tối thiểu cần thiết, tầm khoảng 1-2% so với tiềm năng chuyển hóa và lưu trữ của nó”, Katarzyna Sokół, nghiên cứu sinh trường Đại học St John cho biết.

    Quang hợp nhân tạo đã xuất hiện cả thập kỉ nay, nhưng chưa thực sự thành công trong việc tạo ra nguồn năng lượng tái tạo bởi còn phụ thuộc vào các chất xúc tác, hầu hết lại thường đắt đỏ và độc hại. Vì thế nó chỉ mới có thể thực hiện trong phòng thí nghiệm chứ chưa thể công nghiệp hóa.

    Nghiên cứu từ Cambridge là phần nổi của tảng băng chìm trong lĩnh vực quang hợp bán nhân tạo. Nghiên cứu đặt mục tiêu phá vỡ giới hạn của quang hợp nhân tạo toàn phần bằng cách sử dụng enzym để tạo ra những phản ứng mong muốn.

    Sokól và cộng sự không chỉ cải thiện được năng lượng sinh ra và giữ lại, mà còn kích hoạt lại quá trình quang hợp đó trong tảo biển đã ngủ yên cả thiên niên kỉ.

    “Hydrogenase là một enzym có trong loại rong này. Nó có khả năng giảm proton xâm nhập vào Hidro. Xuyên suốt lịch sử tiến hóa, quá trình này đã ngừng hoạt động bởi không thật sự cần thiết cho việc sinh tồn. Nhưng chúng tôi đã thành công trong việc bỏ qua những phần không hoạt động để đạt được các phản ứng mong muốn, như việc tách nước thành hydrogen và oxygen”, Sokól giải thích.

    Sokól hi vọng thành tựu này có thể phát triển những hệ thống mô hình đổi mới trong việc chuyển đổi năng lượng mặt trời.

    “Thật thú vị khi chúng ta có thể lọc chọn quá trình cùng những phản ứng mong muốn nhưng tự nhiên lại không làm được. Đây là nền tảng tuyệt vời để phát triển công nghệ năng lượng mặt trời. Hướng tiếp cận này có thể kết hợp nhiều phản ứng với nhau, sau đó xây dựng các công nghệ năng lượng mặt trời tổng hợp một cách mạnh mẽ hơn”, Sokól cho biết.


    Thí nghiệm với cấu hình 2 điện cực cho thấy các tế bào quang điện có phản ứng với ánh sáng mặt trời nhân tạo. Ảnh: Katarzyna Sokół.

    Đây là mô hình đầu tiên thành công trong việc sử dụng hydrogenase (Hidro enzym) và Photosystem II để tạo ra hệ thống quang hợp bán nhân tạo sử dụng năng lượng mặt trời thuần túy.

    Tiến sĩ Erwin Reisner, trưởng phòng thí nghiệm Reisner, thành viên trường St John thuộc Đại học Cambridge, một trong những tác giả của bài báo mô tả nghiên cứu này là một “cột mốc” quan trọng.

    Thành tựu này vượt qua nhiều thử thách, đặc biệt trong việc kết hợp những sản phẩm sinh học, organic thành các vật liệu không còn vô cơ. Từ đó tổ hợp lại thành những thiết bị bán nhân tạo, mở ra công cụ phát triển cho hệ thống chuyển đổi năng lượng mặt trời trong tương lai.

    Theo Zing.vn (23/12/2018)

    Làm vườn giúp sống thọ hơn

    0

    Thường xuyên duy trì thói quen làm vườn, nhân tố đã giúp họ khỏe mạnh đến tuổi 80, 90 và còn hơn thế nữa. Điều này đi đến suy luận, làm vườn có thể giúp bạn sống đến 100 tuổi?

    Theo BBC, nhà khoa học Dan Buettner đã đi thực địa ở 5 địa điểm trên khắp thế giới, những nơi từng nổi tiếng về có tỷ lệ tuổi thọ dân số cao gồm: Hòn đảo Okinawa ở Nhật Bản, Nicoya ở Costa Rica, Icaria ở Hy Lạp và Loma Linda ở Mỹ và Sardinia ở Italia.

    Kết quả là những người sống trong những khu vực được gọi là “vùng xanh” đều có một số nhân tố chung giống nhau gồm: mạng lưới kết nối xã hội, thói quen tập thể dục hàng ngày và chế độ ăn kiêng ưa động vật.

    Tuy nhiên, tất cả họ đều chia sẻ một điểm chung bất ngờ là thường xuyên duy trì thói quen làm vườn, nhân tố đã giúp họ khỏe mạnh đên tuổi 80, 90 và còn hơn thế nữa. Điều này đi đến suy luận, làm vườn có thể giúp bạn sống đến 100 tuổi?

    Tâm trạng của… “cỗ máy”

    Như ta đã biết, nếu duy trì lối sống ưa hoạt động ngoài trời với sự vận động thể chất vừa phải sẽ giúp kéo dài tuổi thọ, và làm vườn là một cách dễ dàng để kết hợp thực hiện được cả hai.

    “Nếu bạn làm vườn thường xuyên, tức là bạn luôn duy trì hoạt động thể chất ở mức độ thấp hầu như cả ngày”, ông Buettner cho biết. Và kết quả là, những người làm vườn thường sống lâu hơn, ít căng thẳng hơn, đạt được cả lợi ích thể chất và tinh thần.

    Trong một nghiên cứu khác ở Hà Lan, các nhà khoa học đã yêu cầu những người tham gia phải hoàn thành một nhiệm vụ căng thẳng, sau đó phân thành hai nhóm.

    Một nhóm đọc sách trong nhà và nhóm còn lại thì làm vườn trong vòng 30 phút. Kết quả, nhóm đọc sách thông báo rằng, tâm trạng của họ “ngày một xấu đi”, trong khi những người làm vườn được theo dõi, cho thấy không chỉ mức độ hormone căng thẳng giảm đi mà họ còn cảm thấy “hồi phục hoàn toàn” để có tâm trạng tốt.

    Các nhà nghiên cứu tại Australia cũng tiến hành một nghiên cứu, theo dõi đàn ông và phụ nữ ở độ tuổi 60 phát hiện ra rằng, những người thường xuyên làm vườn có nguy cơ mắc chứng suy giảm trí nhớ thấp hơn 36% so với nhóm đối chứng.

    Và các nghiên cứu sơ bộ ở những người cao tuổi bị các vấn đề về nhận thức, như chứng mất trí và Alzheimer cũng rút ra các lợi ích từ việc làm vườn và trị liệu làm vườn. Chính mặt trời và bầu không khí trong lành đã giúp họ đỡ bị kích động và cảm thấy bình tĩnh hơn, trong khi màu xanh của các loại thực vật và rau quả khác nhau có thể cải thiện khả năng thị giác và xúc giác.

    Không có một loại thuốc bách bệnh nào khi tuổi già ập đến, tuy nhiên khoa học đã chứng minh, làm vườn có thể cải thiện được chất lượng cuộc sống của chúng ta, nhất là khi chúng ta có tuổi.

    Hãy để thiên nhiên nuôi dưỡng bạn

    Tiến sĩ Bradley Willcox, thuộc Đại học Hawaii, người từng dày công nghiên cứu về số người sống thọ nhất thế giới ở Okinawa, với tỷ lệ trung bình xấp xỉ 50 người bách niên trên 100.000 dân số.

    Ông Willcox cho hay, tại đây hầu như cư dân đều có một khu vườn nhỏ. Điều đó không đơn thuần chỉ là về hiệu ứng sức khỏe mà bao hàm cả lợi ích xã hội nếu ta duy trì được hoạt động làm vườn gia tăng tuổi thọ.

    Vị chuyên gia này nói rằng: Ở Okinawa, người dân đều tiết lộ chung một bí quyết giúp sống thọ là bất cứ ai đến tuổi già thì đều cần một “ikigai”- tức là lý do để sống. Và chính làm vườn là động lực giúp họ thức dậy mỗi ngày.

    Nhưng trên hết, ông Willcox giải thích rằng: Người dân Okinawa đánh giá cao khái niệm về “yuimaru”- có nghĩa là sự kết nối xã hội cao. Họ thường tụ tập tại một ngôi chợ địa phương, mang sản phẩm tự làm ra và chia sẻ những cung cách trồng trọt mới nhất lẫn nhau. Đây chính là một hoạt động quan trọng và điều đó chắc chắn giúp mọi người cảm thấy có lý do để gặp gỡ.

    Theo The Nature, cảm giác kết nối với người khác hết sức quan trọng, nhưng kết nối giữa cá nhân với thiên nhiên cũng vậy. Một nghiên cứu của ĐH Harvard chỉ ra rằng, những người sống giữa thiên nhiên, cây xanh tươi tốt thì sống lâu hơn, ít có nguy cơ mắc ung thư hoặc các bệnh khác hơn.

    Tại Scotland, giới bác sĩ hiện nay đang dùng liệu pháp kê đơn “đi bộ giữa thiên nhiên” để điều trị nhiều loại bệnh, bao gồm giảm huyết áp và âu lo lắng… Và việc chăm sóc chỉ một góc vườn, ngay ở một không gian nhỏ giữa đô thị cũng là cách đơn giản để kết hợp đưa thiên nhiên vào cuộc sống hàng ngày của bạn.

    Theo Nongnghiepvietnam.vn (22/12/2018)