Có nhiều người tin rằng, xe điện có khả năng vượt qua các vùng ngập sâu và không sợ ngập úng như xe động cơ đốt trong. Trên thực tế, đây là nhận định sai lầm.

Động cơ đốt trong và động cơ điện

Trước tiên, cần nắm rõ sự khác biệt giữa động cơ đốt trong và động cơ điện. Xe động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu và dầu nhớt, có cấu trúc phức tạp và hộp số, làm cho chúng dễ bị hư hỏng khi nước xâm nhập. Ngược lại, xe điện hoạt động dựa trên mô tơ và sử dụng ít chất lỏng hơn, không có hộp số phức tạp. Cấu tạo đơn giản hơn của xe điện khiến chúng trở nên kháng nước hơn so với xe động cơ đốt trong.


Xe điện có thực sự lội nước tốt hơn xe sử dụng động cơ đốt trong? Ảnh minh họa

Tuy nhiên, tổ chức chuyên về xe điện Electrifying cho biết, không có một sự khác biệt nào giữa xe điện và xe động cơ đốt trong về việc cần làm gì khi gặp khu vực ngập nước. Nói đơn giản, bất kể bạn đang điều khiển loại phương tiện nào, cũng cần phải tránh tối đa hết mức có thể đối với các vùng ngập lụt để đảm bảo an toàn cho cả chiếc xe lẫn bản thân người bên trong.

Trên lý thuyết, cả xe điện và xe động cơ đốt trong đều được thiết kế và kiểm tra về khả năng chống nước ở mức độ tương đương. Họ phải tuân theo các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt liên quan đến tiêu chí chống ngập nước.

Vì vậy xe điện thường không gặp nguy cơ rò điện khi bị ngập nước. Do cấu tạo của hệ thống pin xe điện phải đảm bảo cách nước tuyệt đối, pin sẽ đặt ở một vị trí an toàn với những lớp chắn, ngăn chặn chất lỏng tràn vào bên trong. Trong trường hợp xảy ra sự cố vào nước, xe điện và xe Hybrid sẽ tự cắt điện và cách ly các bộ phận của hệ thống truyền động điện để tránh tình trạng đoản mạch, chập cháy gây mất an toàn cho người nguồi trên xe. .

Chính vì lý do này chúng ta không thể nói rằng xe điện hoàn toàn chống nước, thực tế hầu hết các mẫu xe điện thường được xác định theo tiêu chuẩn IP65 hoặc IP67, những tiêu chuẩn này chỉ đảm bảo sự kháng nước, khác với chống nước hoàn toàn. Do đó, xe điện sẽ không được bảo hành trong trường hợp liên quan đến ngập nước.

Hậu quả khi xe điện ngập nước

Khác với xe sử dụng động cơ đốt trong, xe điện sẽ không cho thấy các dấu hiệu hư hỏng ngay lập tức sau khi lội nước. Chúng sẽ xuất hiện từ từ, một khoảng thời gian sau đó khi các chi tiết điện, điện tử và cơ khí đã bị thấm nước đây mới là điều đáng quan ngại mà người dùng nên lưu tâm.

Anh Nguyễn Minh (Long Biên, Hà Nội), một chuyên gia về các loại ô tô khuyến cáo, để tránh hư hại do lội nước đối với xe điện, tài xế hãy luôn tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất và tránh lái xe điện qua các khu vực ngập nước hoặc đường ngập sau mưa lớn.

“Nếu xe của bạn bị ngập nước sâu và lâu, hãy tắt nguồn và gọi điện cho bảo hành của hãng hoặc các trung tâm bảo trì để kiểm tra và sửa chữa, nếu không những vấn đề về lâu dài rất có thể xảy ra khiến bạn phải hối hận”, anh nói.

Theo anh Minh, xe điện cũng như xe động cơ đốt trong, dù được trang bị khả năng kháng nước nhưng chất lỏng vẫn có thể xâm nhập vào các linh kiện điện tử của xe, gây hư hại và ngắn mạch, dẫn đến việc ảnh hưởng đến các hệ thống điều khiển động cơ, hệ thống điều khiển pin, hệ thống phanh điện, hệ thống đèn…

Thêm vào đó, nước có thể làm ướt các điện cực của pin và gây hiện tượng ngắn mạch hoặc mất điện. Nếu pin bị nước ngập, nó có thể gây hư hại nghiêm trọng và làm giảm tuổi thọ của pin. Sửa chữa khó khăn và chi phí mua mới đắt đỏ sẽ khiến bạn phải hối hận nếu cố tình đem chiếc xe điện của mình đi ngâm nước quá lâu.

Ngoài ra, khi nước ngấm vào các chi tiết máy, thân vỏ… nếu để lâu và trong nước bẩn, có chứa nhiều tạp chất gây nên tình trạng rỉ sét các chi tiết kim loại của xe. Điều này sẽ làm giảm tuổi thọ chi tiết, đồng thời gây mất an toàn cho người sử dụng xe. Không những thế, nếu nước ngập gây rỉ sét sẽ làm chiếc xe “xuống mã” nhanh, mất giá hơn về sau.

Nghiêm trọng hơn, xe điện ngâm nước có thể ảnh hưởng đến động cơ. Mặc dù động cơ xe điện thường được đóng rất kín nhưng nếu lội nước hoặc ngập nước đủ lâu thì nó cũng sẽ bị ngấm. Nước vào sẽ là tăng nguy cơ hư các bộ phận của động cơ như hệ truyền động, và hệ thống làm mát, trực tiếp làm hư hỏng hệ dẫn động cũng như giảm hiệu suất, độ bền của xe.

Ngoài ra, bên trong xe bị ngập, thảm sàn, ghế, các chi tiết bọc vải/da ẩm ướt là môi trường lý tưởng để nấm mốc, vi khuẩn hình thành, gây khó chịu hoặc kích ứng khi hít phải.

Với những hậu quả có thể gây thiệt hại đáng kể cho xe và an toàn của người lái, việc tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất và tránh tiếp xúc với nước ngập là một yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ chiếc xe điện của bạn. An toàn luôn nên là ưu tiên hàng đầu khi đối mặt với môi trường ngập nước, bất kể loại xe bạn sở hữu.

Duy Trinh
https://vietq.vn/xe-dien-co-thuc-su-loi-nuoc-tot-hon-xe-dong-co-dot-trong-d215962.html