Trà tâm sen được sử dụng khá phổ biến nhờ những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe, đặc biệt là trong việc điều trị mất ngủ. Tuy nhiên cần lưu ý khi sử dụng sản phẩm này.

Tâm sen hay còn gọi là tim sen, là mầm của hạt sen, chính là phần mầm nhỏ, có màu xanh và mọc ở giữa hạt sen già. Tâm sen có chứa các hoạt chất gồm asparagin và các alkaloid như nelumbin, nuciferin, liensinin. Nuciferin có tác dụng kéo dài giấc ngủ, mỗi ngày có thể dùng 1 – 3 gam dạng hãm nước sôi như trà. Nelumbin có tác dụng trấn tĩnh, an thần, làm bình dục tính. Các thử nghiệm trên lâm sàng cho thấy dịch chiết từ tâm sen còn có tác dụng cường tim và làm hạ huyết áp. Dưới đây là một số công dụng của tâm sen:

Tâm sen có vị đắng, tính lạnh nên giúp hạ hỏa, nhờ đó làm tiêu tan căng thẳng, chữa mất ngủ, giúp ngủ sâu và ngon hơn. Đồng thời, trong tâm sen có asparagine và các alkaloid như nuciferin, liensinin, nelumbin. Các chất này có công dụng ổn định giấc ngủ và kéo dài chúng. Vì vậy, khi bị mất ngủ, bệnh nhân sử dụng tâm sen sẽ cải thiện được tình trạng bệnh.

Trà tâm sen có tác dụng thanh nhiệt và chữa bí tiểu rất hiệu quả. Tác dụng này chính là nhờ công dụng giải nhiệt, an thần của tâm sen. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên lạm dụng khi sử dụng tâm sen để thanh nhiệt và chữa bí tiểu vì nếu sử dụng quá mức sẽ dẫn đến hiện tượng hư hàn.


Không nên lạm dụng trà tâm sen. Ảnh minh họa

Tâm sen có tác dụng hạ huyết áp nhờ vào việc làm giãn cơ trơn thành mạch. Tâm sen còn giúp phòng ngừa rối loạn nhịp tim, chống oxy hóa, cải thiện thiếu máu cơ tim, cải thiện lưu lượng tuần hoàn động mạch vành. Vì vậy mà tâm sen có tác dụng rất tốt với người bị tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim. Tuy nhiên khi sử dụng sản phẩm này cần đặc biệt lưu ý.

Uống trà tâm sen nhiều có gây hại gì?

Thực tế, tâm sen có vị đắng, tính lạnh nên những người thực nhiệt uống vào thì hạ hỏa, sảng khoái và ngủ được. Ngược lại, trường hợp người bệnh hư nhiệt uống vào cũng ngủ được nhưng về lâu dài sẽ mệt mỏi, giảm trí nhớ và nhịp tim thất thường. Bệnh nhân nếu sử dụng trà tâm sen lâu dài có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh lý do làm giảm ham muốn tình dục. Hiện chưa thấy tài liệu nói về độc tính của trà tâm sen, nhưng do có hàm lượng alkaloid cao nên tâm sen có tác động dược lực mạnh và ảnh hưởng trên tim, do đó cần chú ý không nên dùng lâu dài.

Theo Y học cổ truyền, có rất nhiều món ăn có thể sử dụng như bài thuốc chữa mất ngủ đơn giản, không độc và dễ làm như chè hạt sen long nhãn, canh bí đỏ khoai lang, lá vông nem hay lá dâu tằm non xào với trứng, nước sắc dây nhãn lồng. Ngoài ra, mắc cỡ cũng giúp giảm các chứng mất ngủ, tim hồi hộp, lo âu, căng thẳng do lao tâm lao lực làm việc quá sức và suy nhược cơ thể. Các liệu pháp hỗ trợ phòng mất ngủ là tránh xa chất kích thích, không ăn quá no, không uống bất kỳ loại thuốc nào trước khi đi ngủ, tập vài động tác dưỡng sinh nhẹ nhàng để tạo tinh thần thoải mái, tránh stress. Nếu bệnh nhân áp dụng các cách trên vẫn không ngủ được thì cần đi khám chuyên khoa để được điều trị đúng căn nguyên.

Những lưu ý khi sử dụng trà tâm sen

Bệnh nhân nên dùng tâm sen với liều lượng và thời gian vừa phải. Không dùng trà tâm sen liên tục quá lâu và liều lượng quá nhiều. Việc sử dụng trà tâm sen quá mức có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, nhịp tim thất thường. Do đó người bị huyết áp thấp, hư nhiệt không nên dùng tâm sen. Không dùng tâm sen ẩm mốc để pha trà. Bệnh nhân không nên uống trà tâm sen khi bụng đói.

Trà tâm sen không nên dùng cho trẻ nhỏ, phụ nữ đang mang thai, cho con bú, người bị rối loạn kinh nguyệt, rối loạn chức năng sinh lý,… Những bệnh nhân mất ngủ ở thể hư nhược (thể hàn) với dấu hiệu phổ biến như nằm ngủ thường hay bị mê sảng, dễ thức giấc, ăn uống giảm sút,… thì việc lạm dụng trà tâm sen sẽ có thể dẫn đến tình trạng mất ngủ trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, khi mất ngủ dai dẳng không thuyên giảm, bệnh nhân nên đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/nhung-luu-y-khi-su-dung-tra-tam-sen-de-tranh-hai-suc-khoe-d209977.html