Thức ăn để trong tủ lạnh vẫn có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Listeria và gây ra ngộ độc.

Vụ việc 3 người tử vong và 12 người khác tại Úc phải điều trị do nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes – một loại vi khuẩn đường ruột thêm lần nữa khiến nhiều người kinh hãi về độ nguy hiểm của loại vi khuẩn này.

Cũng liên quan tới vi khuẩn Listeria, riêng tại Nam Phi, trong hơn 1 năm qua đã có khoảng 900 trường hợp nhiễm bệnh do Listeria, trong đó có ít nhất 180 người thiệt mạng. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, tình trạng bùng phát bệnh tại Nam Phi có quy mô lớn nhất thế giới từ trước đến nay.


Vi khuẩn Listeria. Ảnh minh họa

Không ít người nghĩ rằng để thức ăn trong ngăn đá có thể tiêu diệt được vi khuẩn nhưng thực tế bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh chỉ là cách kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, làm cho quá trình sinh sôi phát triển của chúng bị chậm lại chứ không thể giết chết được vi khuẩn, đặc biệt là đối với Listeria.

Thức ăn để trong tủ lạnh vẫn có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Listeria và gây ra ngộ độc do vi khuẩn Listeria có thể phát triển ở nhiệt độ từ -1 đến 4 độ C. Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh cũng có nguy cơ bị nhiễm chéo vi khuẩn.

Khả năng gây bệnh của vi khuẩn listeria monocytogenes

Vi khuẩn sau khi xâm nhập vào cơ thể nếu qua đường tiêu hóa có thể gây bệnh tại đường tiêu hóa hoặc không chỉ gây bệnh ở đường tiêu hóa mà còn có thể xâm nhập vào máu gây tình trạng nhiễm khuẩn huyết hoặc lây lan sang hệ thần kinh trung ương gây viêm màng não, trường hợp gây bệnh nặng hay gặp ở những người có hệ miễn dịch suy yếu.

Ở phụ nữ mang thai mắc bệnh có thể lây truyền sang thai nhi gây sảy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não sau sinh từ 1 đến 4 tuần.

Triệu chứng khi nhiễm

Thời gian ủ bệnh từ 3 – 70 ngày. Nếu bị nhẹ sẽ giống như cúm, sốt, đau mỏi cơ, buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Nguy hiểm hơn, nếu bị nặng, người bệnh có biểu hiện thần kinh như đau đầu, cổ gượng, choáng váng, mất thăng bằng, co giật. Ngoài ra, ở phụ nữ mang thai, dù nhiễm với triệu chứng nhẹ cũng có khả năng gây sảy thai tự nhiên, thai chết lưu hoặc sanh non.

Lưu trữ thức ăn trong tủ lạnh như thế nào cho đúng?

Thông thường, Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ CDC khuyến nghị rằng tủ lạnh nên được giữ ở nhiệt độ 4 – 5 độ C hoặc thấp hơn, ngăn đá nên có nhiệt độ từ 0 độ C trở xuống để đảm bảo tính an toàn cho thực phẩm. Nhưng cũng giống như các loại vi khuẩn gây bệnh từ thực phẩm khác như salmonella, listeria có thể tồn tại trong môi trường lạnh, kể cả trong tủ lạnh. Đó là lý do vì sao nên vứt bỏ tất cả các loại thực phẩm có thể đã bị nhiễm khuẩn, kể cả khi tủ lạnh gần như đông lạnh.

Để phòng bệnh do listeria gây ra, nên ăn những thực phẩm đã được nấu chín để đề phòng ngộ độc thực phẩm; tránh sử dụng tất cả sản phẩm sữa chưa được tiệt trùng, thực hiện tiệt trùng tất cả sản phẩm sữa; không bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh quá lâu, luôn giữ tủ lạnh bên trong sạch sẽ, đảm bảo nhiệt độ bảo quản thực phẩm ổn định, do vi khuẩn listeria có thể phát triển và nhân lên từ từ trong tủ lạnh; đối với những người có nguy cơ cao bị nhiễm vi khuẩn Listeria không nên ăn thức ăn có nguy cơ cao nhiễm khuẩn như: Pate, xúc xích, thịt hộp, thịt nguội hoặc thịt hun khói, hoặc các loại xúc xích lên men hoặc khô, nếu ăn phải nấu lại ở nhiệt độ cao trước khi ăn,…

Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh nên thực hiện chế độ ăn uống đảm bảo an toàn thực phẩm và có thói quen đọc hạn sử dụng của thực phẩm, nhất là với những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao là biện pháp hiệu quả ngăn ngừa bệnh.

Thu Phương (T/h)
https://vietq.vn/nguy-co-vi-khuan-listeria-an-nap-trong-tu-lanh-d195020.html