Trong quá trình đổ xăng, người lái cần lưu ý loại bỏ những thói quen không tốt có thể gây hỏng hóc xe, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng.

Đổ xăng khi xe đang nổ máy

Đã có vô số trường hợp đổ xăng khi vẫn nổ máy, chủ xe lẫn nhân viên trạm xăng quên rút vòi bơm, khiến xe kéo đứt vòi, thậm chí kéo sập trụ bơm. Bên cạnh đó, việc chủ xe ngồi bên trong xe khi bơm xăng, không biết rõ nhân viên bơm xăng hay dầu, xảy ra nhiều vụ việc bơm nhầm xăng cho xe máy dầu, hoặc ngược lại, khiến xe bị hỏng hóc. Mặc dù loại xe hiện nay đã an toàn hơn trước rất nhiều, nhưng nếu đổ xăng trong khi vẫn nổ máy, hệ thống nhiên liệu như bơm xăng, lọc xăng vẫn hoạt động, khiến xăng trong bình bị khuấy động nhiều, từ đó hơi xăng có thể thoát ra ngoài nhiều hơn, tăng nguy cơ cháy nổ nếu hơi xăng tiếp xúc với các tác nhân gây cháy như lửa hoặc tia lửa điện.

Ngoài ra, các xe hiện nay thường được trang bị cảm biến khác nhau để chẩn đoán hiện tượng bất thường xảy ra với phương tiện. Việc vừa nổ máy vừa đổ xăng có thể khiến đèn cảnh báo lỗi động cơ, hay còn gọi là “cá vàng”, hiện lên. Lý do vì thông thường nếu bình xăng bị hở, hơi xăng thoát ra ngoài, xe sẽ tự động hiện đèn thông báo lỗi để cảnh báo cho chủ xe. Do đó, hơi xăng thoát ra ngoài khi đổ xăng sẽ khiến hệ thống cảnh báo trên xe hiểu nhầm là bình xăng bị hở trong quá trình hoạt động.

Bơm xăng quá đầy bình

Khi đổ quá đầy, xăng thừa dạng lỏng có thể bị chảy xuống hộp đựng than đá của hệ thống kiểm soát hơi nhiên liệu (Evaporative Emission Control System – EVAP), vốn chỉ dùng để hấp thụ hơi xăng thừa từ bình nhiên liệu thoát ra ngoài khí quyển, gây hại cho môi trường. Khi hệ thống EVAP hư hỏng, việc sửa chữa sẽ rất tốn kém. Ngoài ra, đổ đầy tràn còn có thể làm xăng tràn ra ngoài thân xe, gây hại cho phần sơn. Chính vì thế, chủ xe nên dừng bơm xăng khi cò của bơm tự động ngắt, báo hiệu xăng trong bình đã đầy ở ngưỡng cho phép.


Chủ xe nên dừng bơm xăng khi cò bơm tự động ngắt, báo hiệu xăng trong bình đã đầy ở ngưỡng cho phép. Ảnh minh họa

Như vậy, trình tự đúng sẽ bao gồm tắt máy, kích hoạt phanh tay, bước xuống xe để tiến hành việc đổ xăng. Bằng cách này, chủ xe sẽ theo dõi được đúng loại xăng được bơm vào bình nhiên liệu, tránh trường hợp nhầm lẫn xảy ra.

Mở cửa hoặc cửa sổ trong suốt quá trình đổ xăng

Mở cửa trong quá trình đổ xăng có thể khiến hơi xăng xâm nhập vào khoang lái, có thể gây hại cho các hành khách trên xe khi hít phải. Theo cơ quan thống kê bệnh và chất độc hại của Mỹ (ATSDR), trong xăng thường chứa hơn 150 hóa chất trộn lẫn với nhau. Trong đó lượng benzen nhỏ trong xăng là chất vô cùng nguy hiểm và độc hại với cơ thể. Khi ngửi mùi xăng nhẹ, có thể gây chóng mặt, nhức đầu, nặng hơn thì gây tử vong, mất nhận thức.

Xăng hít vào có thể dễ dàng xâm nhập vào máu, các hóa chất bên trong nó như benzene, có thể gây bệnh bạch cầu. Lượng xăng nhỏ đến vừa phải có thể gây chóng mặt, nhức đầu, hưng phấn, khó chịu, buồn ngủ và mất trí nhớ. Người ngửi mùi xăng có thể bị ảo giác, co giật, mất ý thức và thậm chí dẫn đến ngộ độc xăng khi hít quá nhiều.

Các công nhân sửa máy chạy bằng xăng, dầu có nguy cơ mắc các bệnh về da cao hơn người khác do nó thẩm thấu qua da và gây dị ứng da, các bệnh về da liễu, ung thư da… Vậy nên, ngửi mùi xăng nhiều rất độc hại cho cơ thể và gây ra những triệu chứng ảnh hưởng đến thần kinh của con người.

Khánh Mai (t/h)
https://vietq.vn/luu-y-3-thoi-quen-gay-nguy-hiem-khi-do-xang-can-tranh-d210013.html