Các biện pháp nhằm khắc phục thẻ vàng cảnh cáo từ EC đối với thủy sản Việt Nam đang được triển khai tích cực, hiệu quả.

Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) ra thông báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Theo cảnh báo này, trong khoảng thời gian từ 23/10/2017 đến 23/4/2018, nếu Việt Nam không khắc phục được những thiếu sót theo khuyến nghị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) thì EC sẽ rút “thẻ đỏ”, đồng nghĩa việc các mặt hàng thủy sản của Việt Nam bị cấm xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu.

Nhận rõ tính chất cấp bách của vụ việc có thể ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực quan trọng này, trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các địa phương đã có những hành động hết sức quyết liệt để các nước trên thế giới thấy rằng Việt Nam không dung túng, làm ngơ cho khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nhằm bảo đảm việc khai thác thủy sản có trách nhiệm.

Sau nhiều chỉ đạo cụ thể (Công điện 732/CĐ-TTg ngày 28/5/2017; Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017), ngày 16/1/2018, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản IUU đến năm 2025.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm ngăn chặn tiến tới loại bỏ hoạt động khai thác IUU của tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam; thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, khu vực và hội nhập quốc tế; chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các nước.

Nhiệm vụ tập trung thực hiện đến tháng 4/2018 bao gồm: Rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản liên quan đến khai thác IUU theo hướng tăng cường hiệu quả kiểm soát khai thác IUU, phù hợp với một số khuyến nghị của EC và thực tiễn quản lý tại Việt Nam; rà soát, bổ sung nghề, vùng biển, loài thủy sản cấm khai thác, cấm có thời hạn.

Cùng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT ban hành Công văn số 412/BNN-TCTS gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển về việc xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Theo công văn này, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền tại địa phương áp dụng các hình thức xử phạt cao nhất đối với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Bộ NN&PTNT cũng xây dựng kế hoạch hành động và triển khai quyết liệt nhiều nhóm giải pháp khắc phục “thẻ vàng”. Theo đó, với nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, Luật Thủy sản (sửa đổi) vừa được ban hành đã tiếp thu tối đa các khuyến nghị của EC về khai thác IUU.


Hoạt động khắc phục thẻ vàng của EC đối với thủy sản Việt Nam đã có nhiều kết quả tích cực. Ảnh: CafeF

Cụ thể, quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc đối với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, mức xử phạt cao nhất gấp 7 lần giá trị thủy sản khai thác bất hợp pháp (cá nhân có thể bị phạt tới 1 tỷ đồng); thu hồi giấy phép khai thác đối với cá nhân, tổ chức khai thác trái phép ở vùng biển ngoài Việt Nam; bắt buộc chủ tàu đánh bắt xa bờ có chiều dài từ 15 m trở lên (đặc biệt là các tàu trên 24 m) phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định và yêu cầu mở máy liên lạc 24/24h để giám sát hoạt động khai thác trên các vùng biển…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều tỉnh đã ban hành các biện pháp nhằm xử lý mạnh việc khai thác IUU. Tỉnh Quảng Bình triển khai kế hoạch kiểm tra 100% tàu cá xuất/nhập bến theo khuyến cáo của EC. Cụ thể: 100% tàu cá được kiểm tra hồ sơ giấy tờ, thực tế khi tàu xuất bến, chú trọng tàu lưới kéo, tàu có dấu hiệu nghi ngờ đánh bắt hải sản ở vùng biển nước ngoài; 100% tàu cá được kiểm tra, giám sát, khai báo khi cập cảng cá sông Gianh, Nhật Lệ; kiểm tra, thanh tra tại cảng cá ít nhất 20% sản lượng lên bến đối với cá ngừ; 5% sản lượng lên bến đối với các sản phẩm khai thác khác theo khuyến nghị của EC cùng với việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm trên biển.

Tại Kiên Giang, UBND tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng thanh tra tại cảng cá ít nhất 20% sản lượng lên bến đối với cá ngừ, 5% sản lượng lên bến đối với sản phẩm khai thác, 10% sản lượng lên bến của tàu vận chuyển nước ngoài nhập thủy sản nguyên liệu vào Kiên Giang. Ngày 25 hằng tháng, công bố công khai danh sách tàu cá và chủ tàu vi phạm về chống khai thác IUU, cập nhật danh sách tàu cá, chủ tàu và địa phương có tàu cá vi phạm. Không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới đối với chủ tàu có tàu cá vi phạm; tàu cá bị bắt giữ nếu được chuộc, được thả hoặc trốn về nước bị tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước quyền giấy phép khai thác thủy sản 6 tháng; tàu cá vi phạm không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Buộc chủ tàu cá và thuyền trưởng khai thác hải sản xa bờ ký cam kết không khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài; thực hiện ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình theo quy định, bật thiết bị liên lạc 24/24 giờ và kết nối với trạm bờ của chi cục thủy sản…

Tại Khánh Hòa, khi tàu cá về cảng, Chi cục Thủy sản tỉnh cử cán bộ đến tận cảng để lấy thông tin. Nếu phát hiện tàu cá vi phạm, Chi cục sẽ không cấp phép và không cho tàu đó hưởng các chính sách của Nhà nước. Nếu tàu cá tái phạm sẽ bị thu hồi giấy phép vĩnh viễn…

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, đến thời điểm này, việc khắc phục “thẻ vàng” của EC đã có nhiều kết quả khả quan. Tình trạng các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp đã giảm.

Tại lễ mừng xuất khẩu thủy sản Việt Nam hoàn thành kế hoạch 8 tỷ USD năm 2017 tổ chức ở TPHCM ngày 14/1, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã công bố “Sách Trắng về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp ở Việt Nam”.

Đây là cuốn sách tập hợp các thông tin cơ bản về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Cuốn sách gồm 5 chương, được biên soạn bằng tiếng Việt và tiếng Anh, trong đó, giới thiệu chi tiết từ tổng quan ngành thủy sản Việt Nam, những quy định và thực tế áp dụng, bối cảnh thẻ vàng với Việt Nam và những nỗ lực khắc phục; kế hoạch hành động dài hạn chống khai thác IUU của Chính phủ Việt Nam và các khuyến nghị đối với các bên liên quan trong chuỗi giá trị hải sản.

Thông qua cuốn sách này, hy vọng Ủy ban châu Âu (EC) sẽ nắm bắt đầy đủ thông tin, tin tưởng và ghi nhận những nỗ lực cải thiện của Việt Nam, cùng với đánh giá thực tế hy vọng EC sẽ sớm rút lại “thẻ vàng” cho Việt Nam.

Theo Vietq