Bên cạnh việc chuyển đổi xanh trong sản xuất, bù đắp tín chỉ carbon được xem là giải pháp giúp doanh nghiệp bán hàng trong nước lẫn xuất khẩu bên ngoài tránh thất thoát một khoản tiền đáng kể.

Thay đổi máy móc, công nghệ trong sản xuất không thể diễn ra trong một sớm một chiều, nhất là trong giai đoạn các DN liên tục gặp khó khăn hậu Covid 19, lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu. Trước những thách thức từ bài toán hạch toán carbon, nhiều chuyên gia cho rằng, các DN có thể bù đắp carbon để giảm thiểu sự thất thoát tài chính.

Tự bản thân DN có thể làm

Bù đắp carbon được hiểu là cơ chế cho phép các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức chịu trách nhiệm về lượng khí thải nhà kính của họ bằng cách đầu tư vào các dự án giúp giảm hoặc loại bỏ một lượng khí thải tương đương khỏi khí quyển. Khi một thực thể đầu tư vào dự án bù đắp carbon, nó sẽ cho phép thực hiện giảm phát thải ở nơi khác, cân bằng lượng phát thải của chính thực thể đó. Việc bù đắp lượng carbon thường được sử dụng trong các thị trường tự nguyện, nơi các thực thể tự nguyện hành động để bù đắp lượng khí thải carbon của họ vượt quá các yêu cầu quy định.

Sử dụng năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp bù đắp carbon hữu hiệu.

Cơ chế bù đắp carbon này có thể có nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như các sáng kiến về năng lượng tái tạo (ví dụ: trang trại gió hoặc nhà máy điện mặt trời), nỗ lực trồng và tái trồng rừng, các dự án thu hồi và sử dụng khí metan, cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng… Trong số các giải pháp này, lựa chọn việc trồng rừng để trung hoà, hấp thụ lượng khí thải nhà kính là việc làm thiết thực mà doanh nghiệp đang thực hiện.

Trong danh sách 1.912 DN phải kiểm kê KNK năm 2023 có rất nhiều DN lớn như Panasonic, Masan phải tiến hành kiểm kê lượng khí thải và lập kế hoạch giảm thiểu.

Theo đại diện Masan High-Tech Materials, doanh nghiệp này đã trồng mới phủ xanh được 58ha trên chính diện tích khai khoáng của họ. Theo tính toán, lượng hấp thụ carbon của 40 ha cây xanh trồng ngay tại khu mỏ đạt trên 5.000 tấn. Việc giảm phát thải, tăng hấp thụ carbon đã nằm trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp từ lâu.

DN Nhật Bản Panasonic mới đây cũng cho biết, DN này đã phủ xanh 79 hecta đất rừng trên khắp cả nước với 355.000 cây xanh. Ngoài các giải pháp về tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo tại cơ sở sản xuất kinh doanh, Panasonic cũng có kế hoạch hỗ trợ khách hàng và xã hội trong việc giảm phát thải bằng sản phẩm và giải pháp tiết kiệm năng lượng như pin mặt trời perovskite và Kinari, một giải pháp vật liệu bền vững thay thế nhựa.

Tất cả những giải pháp này đều hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng CO2 bằng 0 tại tất cả công ty thành viên vào năm 2030, bao gồm cả ở Việt Nam và tham vọng giảm 300 triệu tấn CO2 vào năm 2050 (tương đương 1% lượng phát thải CO2 trên toàn cầu hiện nay).

Một trong những buổi trồng rừng được Panasonic triển khai tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Là một DN sản xuất xi măng, ngành có lượng phát thải KNK khá lớn trong ngành vật liệu xây dựng (chiếm 70% lượng phát thải), Xi măng Fico-YTL cũng đã có hàng loạt giải pháp tích cực để cân bằng lượng khí thải carbon do mình tạo ra.

Cụ thể, DN này rất chú trọng vào việc kiểm soát phát thải, tái tạo năng lượng với nhiều dự án cải tiến hoạt động nhằm cắt giảm lượng phát thải CO2 thông qua tối ưu tỷ lệ clinker trong xi măng, tận dụng phế thải như tro bay, xỉ lò cao. Điển hình, Công ty đã thiết lập bộ phận dịch vụ đồng xử lý chất thải HEVEA – WASTE Solutions, chuyển đổi thành công khoảng 70.000 tấn chất thải mỗi năm thành nguyên liệu và nguyên liệu thô thay thế.

Với định hướng giảm thiểu thâm dụng tài nguyên, DN đặt ra mục tiêu giảm 5% hệ số sử dụng clinker và giảm 5% định mức tiêu thụ nhiệt năng nung clinker, tăng tỷ lệ sử dụng nguyên-nhiên liệu thay thế lên mức 20%. Nhờ vậy, mức phát thải CO2 của Fico-YTL hiện nay là 490kg/tấn xi măng so với mức 650kg trong quyết định 1266 của Chính phủ. DN này cũng đang triển khai dự án điện mặt trời công suất 24MW tại vị trí gần nhà máy xi măng Tây Ninh với mục tiêu tự cung toàn bộ nhu cầu sử dụng điện của nhà máy.

Nhiều giải pháp bù đắp tín chỉ carbon

Một trong những điều gây khó khăn cho các DN khi thực hiện giải pháp bù đắp lượng phát thải là thị trường carbon chưa phải là một thị trường thống nhất ở quy mô quốc tế. Các thị trường thường được tổ chức ở quy mô quốc gia hoặc khu vực, chính vì thế dẫn đến sự không thống nhất về tiêu chuẩn giữa các thị trường. Mỗi thị trường cần rất nhiều tiêu chuẩn từ phương pháp chứng nhận và phương pháp bù đắp carbon, đánh giá chất lượng và định giá. Các tiêu chuẩn này rất khác nhau về mức độ nghiêm ngặt, phạm vi và mục tiêu.

Theo ông Nguyễn Võ Trường An – Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN, hiện có nhiều tổ chức khác nhau cung cấp các tiêu chuẩn và chứng nhận cho tín chỉ carbon, chẳng hạn như American Carbon Registry (ACR), Climate Action Reserve (CAR), Gold Standard (GS), Verified Carbon Standard (VCS)… Các tiêu chuẩn này đều có tiêu chí, quy tắc và thủ tục riêng biệt để đảm bảo chất lượng và tính toàn vẹn của tín chỉ carbon.

“Trong cuộc đua nước rút này, DN Việt Nam có thể nghiên cứu các tiêu chuẩn carbon khác nhau ở các thị trường tín chỉ carbon quốc tế và hiểu được điểm mạnh và điểm yếu của chúng. “Mặt khác, các dự án giảm hoặc loại bỏ phát thải rất đa dạng, công nghệ sử dụng giảm thải cũng vô cùng phong phú.

Ngoài việc bù đắp tín chỉ carbon như trồng rừng và giảm suy thoái từ rừng, rất nhiều giải pháp DN hiện nay có thể triển khai để giảm dấu chân carbon như sử dụng vật liệu carbon âm tính có nguồn gốc từ thực vật, giảm mức sử dụng năng lượng, cải thiện quản lý chất thải, thực hiện các phương án giao thông xanh và áp dụng phương thức kinh doanh bền vững. Khi không đủ khả năng thực hiện mới tính đến giải pháp giao dịch tín chỉ carbon từ bên ngoài”, ông An phân tích.

Ông Nguyễn Võ Trường An – Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN

Ông An cũng cho rằng, đây chính là thời điểm vàng để DN đầu tư vào các hoạt động tạo tín chỉ carbon bởi trong xu thế phát triển xanh, rất nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp muốn thực hiện trách nhiệm xã hội, đặc biệt là những tập đoàn đa quốc gia hay công ty không trực tiếp sản xuất, thậm chí là các tổ chức, cá nhân vì mục đích thiện nguyện. Họ muốn tài trợ cho các dự án xanh của cộng đồng trên toàn thế giới.

Các dự án về tín chỉ carbon có thể được đăng ký theo Cơ chế Phát triển Sạch (CDM), Tiêu chuẩn Carbon được Thẩm định (VCS), Tiêu chuẩn Vàng/Gold Standard (GS) cũng như các cơ chế thị trường mới trong khuôn khổ UNFCCC.

Ngoài ra, nếu có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của bên phát hành tín chỉ, đây hoàn toàn có thể là khoản thu nhập tăng thêm đáng kể cho DN đầu tư tín chỉ carbon. “Lấy ví dụ về Tesla, công ty chuyên về xe điện của Mỹ đã kiếm được gần 1.8 tỷ USD từ việc bán Carbon Credit trong năm 2022, chiếm 7% tổng lợi nhuận thu được. Theo báo cáo của Reportlinker, tổng vốn hóa thị trường tín chỉ carbon đạt 760.28 tỷ USD vào năm 2021 và dự phóng mức tăng trưởng hàng năm đạt 21.14% từ 2023 đến 2028”, ông An phân tích thêm.

Ngọc Anh – Kim Thoa
https://vietq.vn/thi-truong-carbon-doanh-nghiep-va-cuoc-dua-bu-dap-tin-chi-carbon-d217517.html