Dán kính cường lực cho màn hình điện thoại có thực sự bảo vệ màn hình hay chỉ là một phiền phức không cần thiết?

Điện thoại ngày càng trở nên đắt đỏ, và việc bảo vệ màn hình trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì đây được coi là bộ phận đắt nhất của một chiếc điện thoại. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ vật liệu, độ bền của màn hình điện thoại cũng được tăng lên rõ rệt. Những chiếc điện thoại mới hầu hết được trang bị những lớp kính có khả năng hạn chế trầy xước, va đập như Gorilla Glass (dùng cho màn hình điện thoại Android) và Ceramic Shield (dùng cho màn hình iPhone).


Dán bảo vệ cho màn hình điện thoại. Ảnh minh họa

Tuy nhiên câu thành ngữ “Của bền tại người” ngàn đời nay vẫn đúng, dù công nghệ có hiện đại tới đâu nhưng người sử dụng “quăng quật” chiếc điện thoại cũng sẽ nhanh chóng bị xuống cấp.

Ngoài ra môi trường sống hằng ngày cũng có nhiều tác nhân gây trầy xước màn hình. Đầu tiên phải kể đến là cát, bụi. Dù nhỏ bé, vật liệu này lại vô cùng cứng và có ở hầu như mọi nơi, đặc biệt là trong túi quần – nơi thường để điện thoại. Những thứ khác có thể kể đến như kim loại hiếm, hay vật liệu siêu cứng (cỡ kim cương dù ít ai bỏ kim cương vào túi xách chung với điện thoại). Tất cả đều có thể làm hỏng màn hình dù được trang bị kính Gorilla Glass hay Ceramic Shield.

Vì vậy, việc sử dụng những tấm dán màn hình là biện pháp tối ưu giúp để bảo vệ màn hình điện thoại khỏi những tác động và cả những sự cố không mong muốn. Tuy nhiên biện pháp bảo vệ này cũng tồn tại một vài hạn chế như ảnh hưởng đến độ nhạy của màn hình; có thể gây ra hiện tượng trầy xước khi tháo tấm dán bảo vệ, vì sau một thời gian dài không thay mới tấm dán cũ có thể dính chặt vào màn hình gây khó khăn trong việc thay mới; tốn chi phí do phải thay mới định kỳ, sau thời gian sử dụng, tấm dán màn hình sẽ có hiện tượng bong mép, kính cường lực sẽ bị nứt vỡ do va chạm vì vậy cần thay mới thường xuyên để đảm bảo trải nghiệm người dùng.


Những vết trầy xước khi tháo kính cường lực. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý tới các dòng sản phẩm dán chống vân tay và chống nhìn trộm. Loại chống vân sẽ khiến hình ảnh trở nên nhám, kém mượt mà, trong khi chống nhìn trộm làm tối màn hình và gây cảm giác “rỗ điểm ảnh”.

Để bảo vệ tốt nhất cho màn hình cho điện thoại, người dùng cần lựa chọn những thương hiệu dán bảo vệ uy tín, đặc biệt với những loại kinh cường lực, cần lựa chọn loại kính đảm bảo chất lượng. Các loại dán có chất lượng kém cũng dễ để lại vết trầy xước trên bề mặt, từ đó gây cảm giác kém thoải mái trong quá trình sử dụng. Như đã nêu trên, người dùng không nên sử dụng dán chống vân bởi smartphone hiện đại có một lớp phủ “oleophobic” (ion cường lực, là một dạng lớp phủ bảo vệ siêu mỏng) giúp chống dầu trên ngón tay, giảm vết vân tay in lên đó. Màn hình nếu bẩn có thể lau sạch dễ dàng bằng vải mềm.

Duy Trinh (t/h)
https://vietq.vn/dan-kinh-cuong-luc-cho-dien-thoai-nen-hay-khong-nen-d216163.html