28 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 16, 2024
More
    Home Blog Page 390

    Sử dụng nhiên liệu sinh học: Lợi ích kép cho kinh tế, môi trường và sức khỏe

    0

    Theo các chuyên gia nước ngoài, việc sử dụng nhiên liệu sinh học mang lại lợi ích kép cho cả kinh tế, môi trường và sức khỏe con người.

    Thông tin từ ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, xăng sinh học đã được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia. Cho đến nay có khoảng 60 quốc gia trên thế giới sử dụng nhiên liệu sinh học.

    Mỹ cũng là nước tiêu thụ ethanol (để pha chế nhiên liệu sinh học) lớn nhất với khoảng 60% tổng sản lượng của thế giới. Hiện nay, một số nước lớn đã bắt buộc sử dụng xăng sinh học như Australia, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil… Ngay tại khu vực Đông Nam Á, Philippines, Thái Lan là 2 quốc gia đi đầu trong việc sử dụng xăng sinh học từ hơn 10 năm nay. Việt Nam cũng đã phổ biến sử dụng xăng sinh học trên toàn quốc từ năm 2018.

    Các chuyên gia đến từ Mỹ đánh giá cao giá trị thực tiễn về lợi ích môi trường, sức khỏe con người và kinh tế khi sử dụng nhiên liệu sinh học.


    Các chuyên gia Mỹ đánh giá cao lợi ích “kép” của nhiên liệu sinh học. Ảnh: VGP

    Ông Steve Walk – Giám đốc điều hành Protec Fuel cho biết, nhiên liệu pha trộn ethanol được sử dụng tại Mỹ từ những năm 2006, 2007. Ở Mỹ, trên 97% các loại xăng đều chứa 10% ethanol (E10) và sắp tới sẽ bán các loại nhiên liệu có tỷ lệ trộn ethanol cao hơn như E15, E85. Xăng E10 giảm cặn/kết tủa ở động cơ và hệ thống nhiên liệu. Ethanol trộn trong xăng làm giảm các chất gây ô nhiễm gồm carbon monoxide, khí thải hydrocarbon và các hạt bụi, giảm hàm lượng benzen, hàm lượng lưu huỳnh của xăng, giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính của xăng (GHG).

    Trên thực tế, ethanol hiện là thành phần duy nhất trong xăng giải quyết tất cả các vấn đề chất lượng không khí và biến đổi khí hậu thông qua giảm khí thải nhà kính. Tất cả các nhà sản xuất xe hơi đảm bảo các phương tiện đều có thể sử dụng xăng E10. Xăng E10 cũng được sử dụng an toàn, tiết kiệm cho xe mô-tô.

    Theo nghiên cứu về tác động của tỷ lệ pha trộn ethanol trong xăng đối với khí thải xe cộ tại 5 thành phố lớn trên toàn cầu (Bắc Kinh, Mexico City, New Delhi, Seoul và Tokyo là các thành phố phải đối mặt với những thách thức lớn về chất lượng không khí) trong tháng 1/2018 được thực hiện bởi Hội đồng Hạt cốc Mỹ và Tiến sĩ Steffen Mueller (nhà kinh tế học chính tại Đại học Illinois tại Chicago) cho thấy, việc pha trộn ethanol cao hơn sẽ làm giảm độc tố phát thải của xe cộ, giảm phát thải khí nhà kính (GHG). Tại 5 thành phố nêu trên, việc sử dụng xăng E10 thay cho xăng khoáng sẽ làm giảm 15,2% số độc tố đo được, trong khi xăng E20 thậm chí còn làm giảm số lượng độc tố đáng kể hơn (trung bình 31,7%).

    Đánh giá về việc sử dụng xăng sinh học tại thị trường trong nước, ông Nguyễn Lộc An – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thông tin: Ở Việt Nam, việc phát triển nhiên liệu sinh học được đặt ra từ năm 2007, đến nay chương trình này đang được Bộ Công Thương, các bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp thực thi quyết liệt và đã đạt được những hiệu quả tích cực.

    Nửa đầu năm 2018, tổng lượng xăng tiêu thụ nội địa trên địa bàn cả nước đạt khoảng 4,43 triệu m3, trong đó xăng E5 RON92 đạt khoảng 1,78 triệu m3, chiếm tỷ trọng khoảng 40,18%; xăng RON95 đạt khoảng 2,65 triệu m3, chiếm tỷ trọng khoảng 59,82%. Như vậy, lượng xăng E5 RON92 tiêu thụ nội địa đã tăng khoảng 31,18% so với năm 2017 (năm 2017 xăng E5 RON92 chỉ tiêu thụ được khoảng 9% tổng lượng xăng các loại).

    Theo ông Lộc An, thời gian qua đã có một số nghiên cứu về khả năng tác động của nhiên liệu sinh học (E5, E10) đến động cơ sử dụng được thực hiện bởi một số trường đại học uy tín, các kết quả thử nghiệm đã chỉ ra rằng, sử dụng nhiên liệu xăng sinh học hoàn toàn an toàn với động cơ, tăng hiệu suất của động cơ, giảm đáng kể các khí thải gây ô nhiễm môi trường. Tính đến nay, chưa ghi nhận trường hợp phản ánh nào liên quan đến mất an toàn động cơ, cháy nổ liên quan đến xăng E5.

    Ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, từ đầu tháng 1/2018, xăng sinh học E5 RON92 được đưa vào sử dụng rộng rãi trên toàn quốc, góp phần thực hiện tốt cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế về giảm khí thải nhà kính.

    Tuy nhiên, theo ông Đông, cần thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù chương trình sử dụng nhiên liệu sinh học ở Việt Nam đang có sự phát triển khá nhanh, nhưng trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của mục tiêu mà Chính phủ đề ra. Đặc biệt Việt Nam là quốc gia có tiềm năng để phát triển nguồn nhiên liệu sinh học, nhưng chưa đầu tư, khai thác hết tài nguyên hiện có.

    Theo Hà Thúy/vietq.vn (18/9/2018)

    Vì sao nên phân loại và tái chế rác thủy tinh

    0

    Chúng ta thường được tuyên truyền về sự cần thiết phải phân loại rác nhựa. Tuy nhiên, bạn có biết rằng việc phân loại chai lọ thủy tinh cũng rất quan trọng không?

    Phân loại là tiền đề cho việc tái chế và xử lý chất thải. Việc phân loại riêng thủy tinh với các loại rác khác như nhựa, giấy… là một cách để hỗ trợ cho quy trình tái chế tiếp sau đó.

    Đầu tiên, tái chế lại các chai thủy tinh đã qua sử dụng là cách để bảo vệ hành tinh của chúng ta. Bạn có biết thủy tinh có thể mất tới một triệu năm để phân hủy hoàn toàn? Trong khi đó, người ta chỉ cần khoảng 30 ngày để làm mới món đồ thủy tinh bỏ đi thành một sản phẩm đẹp và tiện dụng có thể trưng bày trên kệ hàng.

    Mặt khác, mỗi tấn thủy tinh được tái chế, nhân loại sẽ tiết kiệm một lượng lớn nguyên liệu thô cần thiết để tạo ra thủy tinh mới – bao gồm 590 kg cát, 186 kg bột Natri Carbonate và 173 kg đá vôi.


    Với thủy tinh tái chế, con người sẽ tiết kiệm một lượng lớn nguyên liệu thô cần thiết để tạo ra thủy tinh mới.

    Việc chế tạo thủy tinh mới cũng tiêu tốn nhiều năng lượng và gây ô nhiễm công nghiệp, góp phần vào hiệu ứng nhà kính. Lý do là bởi nó làm nóng cát và một số chất khác ở nhiệt độ lên đến hơn 14000C mới tạo ra được thủy tinh.

    Trong khi đó với quá trình tái chế, người ta sẽ nghiền thủy tinh cũ thành vụn – được gọi là cullet. Sản phẩm thủy tinh tái chế từ cullet sẽ tiêu thụ ít hơn 40% năng lượng so với việc làm ra thủy tinh mới.

    Và cuối cùng, thủy tinh được làm từ những vật liệu ổn định như cát, đá vôi nên chúng rất ít chịu ảnh hưởng và tương tác hóa học với các chất xung quanh. Đó là lý do tại sao chúng có thể được tái sử dụng nhiều lần mà chất lượng hầu như không thay đổi.

    Ngoài khả năng tái chế thành những chai lọ, thủy tinh còn có thể được dùng để xây tường và trang trí cảnh quan.

    Thủy tinh là một trong những sản phẩm dễ tái chế nhất, hơn nữa nó còn mang lại lợi ích lớn cho môi trường. Vì vậy tại sao chúng ta không thử phân loại và tái chế thủy tinh để có một lối sống “xanh” hơn?

    Theo Nam Hưng/tapchimoitruong.vn (18/9/2018)

    Tiêu dùng xanh và những lợi ích đáng quan tâm

    0

    Tiêu dùng xanh là việc mua và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe con người và không đe dọa hệ sinh thái tự nhiên.

    Tiêu dùng xanh đã được nhiều quốc gia triển khai thực hiện và đang trở thành một xu thế tất yếu trên thế giới hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Tại Việt Nam, chuyển đổi mô hình tiêu dùng theo hướng xanh và bền vững đã trở thành đường lối, quan điểm, chính sách xuyên suốt của Đảng và Nhà nước và là một nội dung căn bản của mục tiêu phát triển hiện nay.

    Tiêu dùng xanh mang lợi vô vàng lợi ích, một trong số đó là giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho đất nước thông qua việc sử dụng các sản phẩm tái chế. Đơn giản như: Giấy khi sử dụng xong sẽ được đưa đến các nhà máy tái chế, qua nhiều công đoạn, giấy sẽ trở lại hình dạng mới như ban đầu qua đó giảm thiểu việc dùng gỗ để sản xuất giấy, bảo vệ được rừng…

    ​Tiêu dùng xanh rất an toàn bởi những thứ làm từ thiên nhiên, thân thiện môi trường thì luôn an toàn cho người sử dụng.

    Bên cạnh đó, việc tái chế, tái sử dụng các sản phẩm như túi đựng bằng giấy, tre, nứa thay cho các sản phẩm sử dụng một lần sẽ giúp tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất. Tiết kiệm điện, nước cũng là những hành động của một người tiêu dùng xanh góp phần bảo vệ tài nguyên.

    Tiêu dùng xanh còn thân thiện với môi trường do người tiêu dùng xanh là những người mua các sản phẩm thân thiện với môi trường, với thiên nhiên. Đồng thời hạn chế sử dụng các sản phẩm có nhiều bao bì, hoặc trong quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

    Tiêu dùng xanh còn rất an toàn bởi những thứ làm từ thiên nhiên, thân thiện môi trường thì luôn an toàn cho người sử dụng. Giống như xăng không chì, hay xăng E5 khi sử dụng sẽ hạn chế thải ra các khí độc hại là ảnh hưởng đến mới trường, sức khỏe của những người dùng sẽ không bị ảnh hưởng. Do đó, tiêu dùng xanh còn giúp cho cuộc sống của người dùng trở nên thoải mái, dễ chịu hơn.

    Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam thuộc top trên bản đồ ung thư thế giới. Bên cạnh đó, thực trạng ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí và an toàn thực phẩm đang là mối lo lớn nhất đối với người dân bởi những hệ lụy lâu dài đối với sức khỏe và môi trường. Chính vì thế, tiêu dùng xanh nhằm bảo vệ sức khỏe và môi trường đang trở thành xu hướng được nhiều người tiêu dùng Việt quan tâm.

    Theo Văn phòng SXSH & SXTDBV  

    Nhiều nền kinh tế nói “Không” với khí thải

    0

    Tại Hội nghị Hành động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu diễn ra ở TP. San Francisco, Mỹ, ngày 13/9/2018, Lãnh đạo hàng chục TP, khu vực và doanh nghiệp trên thế giới đã cam kết nói “Không” với năng lượng hóa thạch, ô tô thải khí, rác thải, khí thải CO2… nhằm BVMT.

    Theo đó, tại Hội nghị, lãnh đạo nhiều bang, vùng và TP lớn đã cam kết trong vài thập kỷ tới, sẽ chỉ cho phép loại xe không thải khí tham gia giao thông như: Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) và Rotterdam (Hà Lan). Cùng với đó, Pari (Pháp), London (Anh), Barcelona (Tây Ban Nha) và Mexico City đã cam kết chỉ sử dụng xe buýt điện vào năm 2025. Đồng thời, hơn 20 TP, nơi cư trú của 54 triệu người, thông báo lượng thải khí CO2 đã đến mức đỉnh và đưa ra cam kết. Tập đoàn điện tử và giải trí Sony của Nhật Bản có sáng kiến “Con đường tới Không”, gồm các chiến dịch toàn cầu với năng lượng tái tạo.

    Theo các nhà khoa học, trái Đất đang tiếp tục nóng lên với tốc độ nhanh hơn: nhiều trận bão lớn đang hoành hành tại bờ biển miền Đông nước Mỹ và Philippin, trong khi cháy rừng đang tàn phá bang California, những bằng chứng không thể chối cãi của tình trạng biến đổi khí hậu. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế thực sự nói “  Không” với khí thải là câu chuyện tăng trưởng của thế kỷ 21. Đó không phải là câu chuyện khí CO2 tăng cao về lâu dài.

    Theo Vũ Hồng/tapchimoitruong.vn (17/9/2018)

    Du thuyền chạy bằng LNG đầu tiên trên thế giới

    0

    Tàu du lịch đầu tiên trên thế giới chạy bằng khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) sẽ được hạ thủy vào tháng 11 tới tại Đức, theo tuyên bố của Hiệp hội các công ty du lịch tàu biển lớn nhất thế giới (CLIA).

    Tàu du lịch Aida Nova

    Tàu du lịch mang tên Aida Nova, do tập đoàn Costa Cruises đóng có 2.626 cabin với sức chứa 5.200 hành khách, hoàn toàn chạy bằng LNG, sẽ được bàn giao vào ngày 15/11/2018 và có chuyến đi đầu tiên vào 27/11/2018 từ cảng Hamburg.

    Tiếp theo Aida Nova, vào tháng 10/2019 tàu Costa Smeralda, cũng hoàn toàn chạy bằng LNG, có khoảng 2.600 cabin, sẽ được đưa vào sử dụng.

    “Khí tự nhiên hóa lỏng là nhiên liệu ít nhất gây tác động đến môi trường sinh thái nhất. Môi trường là mối quan tâm hàng đầu của ngành công nghiệp du lịch, chúng tôi sẽ không tồn tại nếu không có biển”, Erminio Eschena, Chủ tịch Clia France, cho biết.

    “Chi phí đóng một chiếc tàu chạy bằng LNG cao hơn nhiều so với tàu thông thường. Aida Nova cũng như Smeralda tiêu tốn một tỷ euro, với thời gian khấu hao là 30 năm. Nhưng đây là điều mà các hãng du lịch đặt cược vào tương lai”, Georges Azouze, Giám đốc điều hành Costa Cruises nói.

    Vấn đề bây giờ đối với các hãng khai thác du lịch bằng tàu biển là lắp đặt các trạm nạp LNG.

    Theo Costa Cruises, LNG, được coi là nhiên liệu hóa thạch sạch nhất trên thế giới, gần như hoàn toàn không phát thải các hạt bụi siêu nhỏ và ôxit lưu huỳnh. LNG cũng làm giảm lượng khí thải nitơ oxit và CO2 của tàu.

    “Ngành công nghiệp du lịch thường xuyên bị ảnh hưởng bởi môi trường”, Clément Mousset, người đứng đầu công ty du lịch tàu biển Celestyal Cruises ở Pháp than thở với AFP.

    Theo AFP/petrotimes.vn (17/9/2018)

    Nên bỏ ý định mua những loại đồ chơi Trung thu này cho con

    0

    Gần Tết Trung thu, các loại đồ chơi dành cho trẻ em được bày bán tràn ngập với nhiều chủng loại và màu sắc bắt bắt. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, những loại đồ chơi càng lòe loẹt và có mùi thơm thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đối với sức khỏe người dùng, nhất là trẻ nhỏ.

    Trẻ dị ứng, mẩn đỏ với quà đồ chơi

    Sinh nhật tròn 1 tuổi vào đúng dịp Trung thu năm trước nên bé Khánh An (ở Thường Tín, Hà Nội) nhận được rất nhiều quà từ bố mẹ và những người thân trong gia đình. Bên cạnh một số món quà là quần áo, mũ, giày, bé An nhận được khá nhiều đồ chơi Trung thu. Nào là đèn ông sao, đèn lồng tay cầm vừa phát sáng, vừa có nhạc, nào là búp bê, rồi mặt nạ hình công chúa có lớp phủ lấp lánh và rất nhiều đồ chơi có nhạc vui nhộn.

    Theo lời chị Thu Anh – mẹ bé, vì con gái rất thích những loại đồ nhiều màu sắc, phát sáng và “biết hát” nên bé rất “khoái” những món đồ chơi được tặng. Trong số đó, bé đặc biệt thích chiếc đèn lồng cầm tay màu đỏ, được bọc lớp vải bên ngoài và bên trong có đèn kèm nhạc. Sau vài lần được mẹ dạy cách bật chế độ sáng và phát nhạc, cô bé đã có thể tự chơi với món đồ yêu thích. Thậm chí, chị Anh cho biết, cô bé còn ôm cả chiếc đèn lồng đi ngủ cùng.

    Tuy nhiên, khoảng gần một tuần kể từ ngày “quấn quýt” bên chiếc đèn lồng và đống đồ chơi mới, con gái chị bắt đầu có dấu hiệu hắt hơi, chảy nhiều nước mũi, vùng hai bên má và cổ bị nổi mẩn đỏ, bé ăn kém hơn bình thường. Thấy con gái có biểu hiện lạ, vợ chồng chị Thu Anh vội đưa con đi khám thì được biết, bé bị dị ứng.

    Trong dịch mũi của bé An, bác sĩ phát hiện có chứa hạt kim tuyến nhỏ li ti. Các bác sĩ nói với vợ chồng chị Thu Anh, nguyên nhân gây dị ứng cho con gái anh chị rất có thể xuất phát từ bụi màu của các loại đồ chơi mà bé chơi hàng ngày. Về nhà, chị Thu Anh quyết định bỏ hết đống đồ chơi vào sọt rác và cũng kể từ đó, chị Anh rất hạn chế mua đồ chơi nhiều màu sắc lòe loẹt để tránh gây hại cho con.

    Các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ nên hạn chế mua những loại đồ chơi nhiều màu và nhiều mùi cho trẻ. Ảnh: TL

    Cách thời điểm bé An bị dị ứng không lâu, các cơ quan chức năng đã đem 2 mẫu đèn lồng có xuất xứ từ Trung Quốc được bán trên thị trường đi kiểm định chất lượng. Kết quả cho thấy, lượng cadimi (Cd) – một kim loại nặng rất độc có trong sơn phủ của những chiếc đèn lồng này khá cao. Cụ thể là cao gấp 123 lần mức cho phép trong Bộ tiêu chuẩn an toàn đồ chơi trẻ em của Bộ KH&CN. Theo đó, trẻ nhỏ chỉ cần cầm đèn lồng chơi trong một thời gian là đã có nguy cơ bị dính bụi màu ra tay hoặc nhiễm độc trực tiếp nếu để thành phần của những sản phẩm này dính, ngậm trong miệng.

    Càng sặc sỡ, càng thơm thì… càng độc

    Chia sẻ với PV về độc tố có trong các loại đồ chơi nhiều màu sắc, TS Trần Quang Tùng, Viện Kỹ thuật hóa học (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, đa phần trẻ nhỏ đều thích những loại đồ chơi nhiều màu sắc.

    Có thể dễ dàng nhận thấy hầu hết các loại đồ chơi cho trẻ em, cả bé trai lẫn bé gái thường có rất nhiều màu, nhất là đồ chơi trong dịp Tết Trung thu. Tuy nhiên, màu sắc trên các loại đồ chơi cho trẻ em hay một số đồ dùng trong gia đình, nhất là những đồ được gia công giá rẻ lại được tạo nên từ các loại ion kim loại, nhất là các ion kim loại nặng (chì, cadimi, mangan, kẽm, asen…). Do đó, nếu bố mẹ mua cho trẻ những loại đồ chơi càng nhiều màu sắc, tức là lượng kim loại nặng càng nhiều thì nguy cơ trẻ bị nhiễm độc càng cao, đặc biệt là đối với những trường hợp trẻ chưa nhận thức được, dẫn đến việc đưa các loại đồ chơi này ngậm trong miệng, gây độc trực tiếp.

    Theo TS Trần Quang Tùng, tác hại của những kim loại nặng từ trước đến nay luôn được cảnh báo là rất độc hại đối với sức khỏe con người. Chẳng hạn, cadimi là loại chất tạo màu có trong rất nhiều loại nhựa. Chất này có thể gây bệnh ung thư phổi, ung thư tiền liệt tuyến, dị tật thai nhi hoặc làm ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh của trẻ nhỏ. Mangan có thể gây ngộ độc phổi, tổn thương hệ thần kinh và tim mạch. Điều nguy hiểm là các kim loại nặng lại ít bị đào thải ra khỏi cơ thể mà tích tụ trong cơ thể, lâu dần có thể dẫn đến ung thư cho người sử dụng.

    TS Trần Quang Tùng cho biết thêm, đồ chơi cho trẻ nhỏ phần lớn được làm từ nhựa. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí sản xuất, nhiều cơ sở thường dùng nhựa tái chế, chứa nhiều tạp chất không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, trong quá trình gia công nhựa, người ta cũng thường cho thêm phụ gia và chất hóa dẻo. Những chất này khi gặp nhiệt độ cao sẽ thôi nhiễm biến thành chất độc gây hại cho sức khỏe của trẻ.

    Bên cạnh những đồ chơi có nhiều màu sắc sặc sỡ, bố mẹ cũng nên đề phòng với những món đồ “tỏa hương”. Bởi lẽ, theo PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa học (ĐH KHTN, ĐH Quốc gia Hà Nội), hiện nay đa phần những sản phẩm tạo hương thơm đều sử dụng hương công nghiệp, chỉ một số ít sử dụng các hương liệu tự nhiên. Các loại hương nhân tạo này thường được tạo bằng hóa chất tạo mùi như aldehyde, cetol… Bên cạnh đó, một số chất định hương, giữ mùi trên sản phẩm cũng có khả năng gây độc hại. Khi người dùng hít vào cơ thể, chúng có thể gây nhức đầu, mệt mỏi, căng thẳng hệ thần kinh. Đối với trẻ nhỏ, việc tiếp xúc với các loại hương thơm nhân tạo liên tục trong một thời gian dài có thể tác động xấu đến hệ hô hấp của trẻ, gây bong tróc niêm mạc, giảm khả năng khứu giác, thậm chí nếu kéo dài có thể nguy hại đến hệ thần kinh, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của đứa trẻ.

    Ngoài ra, các chuyên gia lưu ý, bố mẹ cũng không nên cho con dùng các loại đồ chơi phát sáng nhất là những ánh sáng màu và cường độ ánh sáng mạnh, thay đổi liên tục vì những ánh sáng này có thể ảnh hưởng đến thị lực của trẻ, gây nhức mỏi mắt, chảy nước mắt thậm chí nếu tiếp xúc lâu có thể làm giảm thị lực của trẻ.

    Để không gây hại cho trẻ, các chuyên gia khuyến cáo, bố mẹ nên cân nhắc kỹ trước khi chọn mua đồ chơi cho con. Tốt nhất nên chọn đồ chơi của các hãng sản xuất uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Khi chọn đồ cho con, nên chọn vật sáng màu, trong, ít mùi thơm và hạn chế chọn những vật có nhiều tiểu tiết nhỏ. Không nên chọn các loại đồ chơi mà khi cầm thấy có phẩm màu hoặc các hạt kim tuyến lấp lánh dính ra tay vì loại này màu và kim tuyến thường dễ bong ra khiến trẻ dễ hít phải gây hại đối với sức khỏe.

    Cẩn trọng với các loại đồ chơi không được kiểm định

    Thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, mới đây, Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Đội Tuần tra số 1, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện một xe khách 16 chỗ vận chuyển 4 loại hàng hóa là đồ chơi trẻ em do Trung Quốc sản xuất. Toàn bộ số hàng gồm 30 túi bóng nhựa đồ chơi (100 quả/túi), 18 bộ đồ chơi mô hình bán kem bằng nhựa nhãn hiệu sueet cant, 24 bộ đồ chơi mô hình bán kem bằng nhựa nhãn hiệu Diy. Sau khi kiểm tra lực lượng chức năng cho biết, toàn bộ số đồ chơi trẻ em trên đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.

    Vì vậy, để đảm bảo an toàn, nhất là mùa Trung thu đang đến gần, bố mẹ cần thận trọng khi mua đồ chơi cho trẻ, nhất là những đồ không có nguồn gốc rõ ràng và chưa được cơ quan chức năng kiểm định.

    Theo Mai Thùy/Gia đình & Xã hội (16/9/2018)

    Điểm mặt những phụ gia độc hại tiềm ẩn trong thực phẩm

    0

    Để thực phẩm có mùi, vị, màu sắc hấp dẫn mà vẫn bảo quản được dài ngày, nhiều người không ngần ngại dùng phụ gia. Hành động này đã và đang đe dọa trực tiếp đến sức khỏe mỗi chúng ta.

    Việc sử dụng phụ gia thực phẩm trong chế biến và bảo quản thực phẩm không còn xa lạ với chúng ta. Tuy nhiên, không ít loại phụ gia bị cấm nhưng người sản xuất vẫn ngang nhiên sử dụng. Những phụ gia thực phẩm nguy hiểm này đang ngày ngày bủa vây mâm cơm mỗi gia đình.

    Phụ gia thực phẩm Malachite green

    Malachite green trước đây được dùng trong kháng sinh phòng bệnh cho thuỷ sản và nhuộm màu công nghiệp. Malachite green có khả năng gây ung thư khi thí nghiệm trên chuột và cấm sử dụng nghiêm ngặt, kiểm tra về dư lượng tại nhiều nước trên thế giới. Ở nước ta, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cấm sử dụng trong nuôi trồng thuỷ sản.


    Hàng loạt chất phụ gia độc hại bủa vây bữa cơm chúng ta hàng ngày. Ảnh: Trí thức trẻ

    Phụ gia thực phẩm Mono Natri Glutamate (bột ngọt, viết tắt E621)

    Theo một báo cáo từ Trung tâm Y tế Arizona (Mỹ), bột ngọt thúc đẩy sự tăng trưởng và lan rộng các tế bào ung thư, có thể đẩy nhanh tử vong ở bệnh nhân mắc bệnh tim mạch.

    Nghiên cứu vào năm 2008 được công bố trên Tạp chí bệnh tự miễn dịch (Mỹ) còn cho thấy, bột ngọt dẫn đến béo phì và chứng viêm trong cơ thể, đặc biệt ở gan. Phụ gia này thường chứa trong các thực phẩm có nguồn gốc từ khoai tây chiên, các món ăn nhẹ, súp đóng hộp, bánh quy, thức ăn đông lạnh, thịt hộp. Loại phụ gia này sẽ kích thích các cơn đau nửa đầu, có nồng độ Natri cao, thường Natri sẽ chiếm 21%.

    Phụ gia thực phẩm Acesulfame-K (viết tắt E950)

    Acesulfame-K là chất làm ngọt nhân tạo, thường được sử dụng trong các loại nước giải khát và nhiều sản phẩm khác. Nghiên cứu được công bố vào năm 2008 của Cục Y tế Dự phòng Mỹ cho thấy, người sử dụng liên tục 10 năm thực phẩm chứa chất phụ gia này sẽ tạo cơ hội cho các khối u đường tiết niệu phát triển.

    Phụ gia thực phẩm BHA (viết tắt E320)

    Viện Quốc Gia Mỹ báo cáo, dựa trên các nghiên cứu từ động vật, BHA chính là chất tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh ung thư. BHA thường được tìm thấy trong khoai tây chiên, kẹo cao su, ngũ cốc, xúc xích đông lạnh, kẹo, chất béo dạng rắn. Loại phụ gia này có nguồn gốc từ dầu mỏ.

    Phụ gia thực phẩm Cyclamate (viết tắt E952)

    Đây là chất ngọt nhân tạo đã bị cấm sử dụng ở Hoa Kỳ do khả năng gây ung thư. Người ta nghi ngờ cyclamate có thể làm tăng hoạt tính gây ung thư của những chất khác chứ không phải bản thân nó gây ra. Theo một báo cáo về cyclamate của Đại học Elmhurst (bang Illinois, Mỹ), cyclamate vẫn được sử dụng ở 55 quốc gia trên thế giới nên nếu đi du lịch đến những khu vực này bạn vẫn có khả năng ăn phải từ thực phẩm ở đây.

    Chất bảo quản Propyl Gallate (E310)

    Propyl Gallate là chất bảo quản thường thấy trong các loại dầu, kẹo cao su và sản phẩm từ thịt. Nó hoạt động giống như HBA và là chất có khả năng gây ung thư.

    Phụ gia thực phẩm Kali Bromate

    Chất phụ gia này thường chứa trong bánh mì, các loại bánh, khoai tây chiên. Chất này bị cấm sử dụng ở hầu hết các nước nhưng vẫn được sử dụng ở Hoa Kỳ. Loại chất này thúc đẩy sinh trưởng, phát triển các khối u ở thận và tuyến giáp.

    Chất làm ngọt nhân tạo Saccharin

    Saccharin là chất làm ngọt nhân tạo, thường được dùng trong các loại nước ngọt. Loại chất này có khả năng gây ung thư đường tiết niệu, bàng quang, ung thư buồng trứng.

    Chất bảo quản Nitrit và Nitrates

    Đây là những chất bảo quản để tăng cường màu sắc và hương vị cho các loại thịt chế biến, điển hình nhất là thịt xông khói. Thêm Nitrit và Nitrates vào thực phẩm sẽ khuyến khích sự hình thành các chất gây ung thư trong thực phẩm.

    Chất tạo màu thực phẩm

    Chất tạo màu thực phẩm, chẳng hạn như Xanh # 1, xanh # 2, vàng # 6 và đỏ # 3 được sử dụng nhiều trong nước ngọt, bánh nướng và kẹo. Trung tâm Khoa học vì Lợi ích Cộng đồng công bố, cả 4 loại chất này đều chứa các thuộc tính gây ung thư.

    Hàn the

    Hàn the có tác dụng giòn, dai, giữ màu và bảo quản thực phẩm được lâu hơn. Hàn the gây ảnh hưởng tới tiêu hoá, hấp thu, chuyển hoá, ảnh hưởng không tốt tới chức năng thận với biểu hiện ăn mất ngon, giảm cân, tiêu chảy, động kinh, suy thận. Qua đường tiêu hoá hàn the gây nôn, buồn nôn, tiêu chảy, đau co cứng cơ, chuột rút vùng bụng, ban đỏ da và màng niêm dịch, sốc truỵ tim mạch, nhịp tim nhanh, hoang tưởng, co giật, hôn mê.

    Trẻ em ăn 5g hoặc người lớn ăn 50gram axit boric có thể bị tử vong. Chính vì vậy, từ những năm 70 của thế kỷ trước người ta đã cấm không cho dùng hàn the trong chế biến thực phẩm.

    Chất bảo quản Formaldehyde

    Chất này có tác dụng diệt khuẩn, bảo quản, nhưng khi tiếp xúc nó gây kích ứng niêm mạc mắt, rối loạn tiêu hoá, chậm tiêu, gây loét dạ dày, viêm đại tràng, còn nặng gây kích thích đường hô hấp trên. Nếu tiếp xúc lâu dài hay với hàm lượng cao có thể gây tử vong.

    Theo Hạnh Vũ/Vietq.vn (17/9/2018)

    Sàn giao dịch khoa học và công nghệ ở Việt Nam: Cần một “cú hích”

    0

    Hoạt động kết nối giữa nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp hiện còn nhiều hạn chế. Khoảng cách giữa nghiên cứu và nhu cầu của doanh nghiệp vẫn đang còn một cự li không nhỏ.

    Doanh nghiệp thờ ơ với sàn giao dịch công nghệ, vì sao?

    Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng, hiện môi trường pháp lý cho thị trường khoa học công nghệ đã hoàn thiện nhưng hoạt động thúc đẩy kết nối giữa nhà khoa học, viện, trường, cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Hiện còn thiếu các tổ chức giao dịch công nghệ và tài sản trí tuệ.

    “Với những mô hình hoạt động của các sàn giao dịch công nghệ hiện có cần đổi mới, tăng hiệu quả, là đầu mối thu hút lực lượng công nghệ trong nước và quốc tế”, Thứ trưởng Tùng nói.

    Hiện nay các sàn giao dịch KH&CN vẫn khá ảm đạm do sự kết nối còn thiếu và yếu.

    Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn bị đánh giá là lạc hậu. Trong 10 ngành được khảo sát, có 7 ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, gần 60% doanh nghiệp đang sử dụng các công nghệ có tuổi đời trên 6 năm. Các công nghệ của các doanh nghiệp đến chủ yếu từ các nước đang phát triển (chiếm khoảng 65%), trong đó có tới 26,6% công nghệ có xuất xứ từ Trung Quốc. Tỷ lệ các công nghệ có xuất xứ từ các nước phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay EU chỉ chiếm khoảng 32%, trong đó có trên 18% là công nghệ trước năm 2005.

    Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, những con số trên đã cho thấy phần nào thực trạng trình độ công nghệ và máy móc thiết bị của các doanh nghiệp trong các ngành chế biến chế tạo của Việt Nam và sự cần thiết phải thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp.

    Cũng theo kết quả khảo sát đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp thuộc dự án FIRST-NASATI công bố mới đây, có tới gần 85% các doanh nghiệp tự thực hiện các hoạt động nghiên cứu phát triển và chỉ có gần 14% các doanh nghiệp đã phối hợp với các đơn vị bên ngoài để triển khai nghiên cứu đổi mới sản phẩm.

    Việc đổi mới quy trình, chủ yếu các doanh nghiệp thực hiện thông qua phương thức đầu tư vào công nghệ mới hay nâng cấp/chỉnh sửa công nghệ hiện tại, trong khi các hoạt động chuyển giao từ các tổ chức KH&CN đến doanh nghiệp lại rất thấp (dưới 1%).

    Thêm vào đó, việc đổi mới sáng tạo chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm như cắt giảm chi phí sản phẩm, nhưng ít tập trung cho nghiên cứu để có được những sản phẩm mới để chiếm lĩnh thị trường.

    Giới chuyên gia nhận định, điều này cho thấy sự liên kết giữa doanh nghiệp (bên cầu trong thị trường khoa học công nghệ) với các viện trường, các nhà khoa học (bên cung) vẫn còn rất hạn chế. Mặc dù câu chuyện “gắn kết giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp” đã được đề cập nhiều, tuy nhiên dường như vẫn còn một khoảng cách không nhỏ giữa nhu cầu đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với các kết quả nghiên cứu khoa học của các viện/trường.

    Ông Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học công nghiệp Dệt may Hà Nội cho biết, nhiều sàn giao dịch KH&CN đã được thành lập ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam. Tuy nhiên, hiệu quả không được như kỳ vọng là do các sàn giao dịch chưa tập hợp đủ nhu cầu, cũng như công khai minh bạch các nhu cầu đó.

    “Nguyên do là sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với việc phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa cao, cũng như không có chiến lược phát triển cụ thể, lâu dài. Chỉ khi doanh nghiệp xác định mục tiêu sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, thì họ mới quan tâm đến con người, quan tâm đến khoa học công nghệ”, ông Hiệp lý giải.

    Ngoài ra, theo ông Hiệp, cách thức tiếp cận của các sàn giao dịch KH&CN đối với doanh nghiệp cũng chưa phù hợp. Cụ thể, sàn giao dịch KH&CN phải là nơi thể hiện rõ doanh nghiệp cần công nghệ gì, có bao nhiêu lựa chọn công nghệ cho mục đích của doanh nghiệp, thời điểm nào cần áp dụng… Tất cả dẫn đến cung cầu không thể gặp nhau và sàn giao dịch KH&CN có nhưng không phát huy hiệu quả.

    Phát triển sàn giao dịch KH&CN bằng cách nào?

    Theo ông Vũ Tiến Lộc, cần tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp với viện nghiên cứu, trường đại học và nhà khoa học. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong mối liên kết này, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu chuyển giao công nghệ, góp phần phát triển thị trường KH&CN. “Ở đây vai trò Nhà nước định hướng đưa ra cơ chế, hỗ trợ doanh nghiệp và chi tiền. Các nhà khoa học phải tạo ra sản phẩm tốt, giàu tính thực tiễn, mang đến sự tăng trưởng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có trách nhiệm đưa sản phẩm này vào thị trường nhanh nhất và đưa ra toàn cầu. Trong liên kết này, doanh nghiệp đóng vai trò trọng tâm, quyền lợi của các bên phải được minh bạch”, ông Lộc cho biết.

    Ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Chủ tịch Công ty iBosses Việt Nam gợi ý, để hình thành được các sàn giao dịch công nghệ, Nhà nước có thể hỗ trợ ban đầu 10-20 tỷ đồng làm vốn “mồi” giống như Singapore đã làm. Khi các ý tưởng này đến bước phê duyệt, triển khai, thương mại hóa và nhân bản, chắc chắn doanh nghiệp sẽ vào cuộc. Ông Hòa cũng cho rằng, khâu nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam đang rất kém, chưa có quy trình chuẩn mực để chuyển giao công nghệ. Vì vậy, Việt Nam đang là mảnh đất tiềm năng cho việc hình thành các sàn giao dịch công nghệ, ở đó huy động được chuyên gia công nghệ toàn cầu cùng giải bài toán cho doanh nghiệp.

    Theo Bảo Anh/vietq.vn (17/9/2018)

    Biến ánh nắng mặt trời thành nhiên liệu

    0

    Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Cambridge đã phát minh ra kỹ thuật liên quan đến tách nước thành khí oxy và khí hydro ở thực vật.

    Theo các nhà nghiên cứu, khí hydro được sản sinh ra có thể trở thành một nguồn năng lượng tái tạo xanh và vô hạn.

    Đội nghiên cứu đã sử dụng ánh nắng tự nhiên để chuyển đổi nước thành khí hydro và khí oxy nhờ sử dụng một hỗn hợp các thành phần sinh học và công nghệ nhân tạo.

    Katarzyna Sokó, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Quang hợp tự nhiên không hiệu quả vì nó chỉ tiến hóa để sinh tồn nên chỉ tạo ra lượng năng lượng cần thiết tối thiểu, khoảng 1 – 2% khối lượng nó có thể biến đổi và dự trữ”.


    Khí hydro được sản sinh ra có thể trở thành một nguồn năng lượng tái tạo xanh.(Ảnh minh họa)

    Trong khi quang hợp nhân tạo đã có từ lâu, các kỹ thuật trước đây phụ thuộc vào các chất xúc tác, thường đắt đỏ và độc hại còn kỹ thuật mới thì sử dụng một enzyme có tên hydrogenase, không độc hại.

    Bà Sokó giải thích: “Hydrogenase là một enzyme có trong tảo, có khả năng biến đổi các proton thành khí hydro. Trong quá trình tiến hóa, quá trình này đã bị vô hiệu hóa vì nó không cần thiết cho sự sinh tồn, nhưng chúng tôi đã thành công bỏ qua trạng thái không hoạt động để đạt được phản ứng như mong đợi – tách nước thành khí hydro và khí oxy”.

    Các nhà nghiên cứu đang hy vọng kỹ thuật của họ có thể được sử dụng trên phạm vi lớn hơn để biến ánh nắng mặt trời thành nhiên liệu.

    Theo Phạm Đình/tapchimoitruong.vn (14/9/2018)

    Táo mini Trung Quốc đội lốt “táo mèo” Hà Giang

    0

    Thị trường TP HCM gần đây xuất hiện loại trái cây mới có tên “táo mèo” với kích thước rất nhỏ, màu sắc bắt mắt khiến nhiều người dân tò mò mua thử.

    Táo mini nhỏ như quả táo mèo Tây Bắc.

    Trước giờ, người tiêu dùng không xa lạ gì với các loại táo nhập khẩu có kích cỡ thông thường từ 2-5 quả/kg. Các loại táo có kích cỡ từ 6-7 quả/kg đã được xem là nhỏ. Thế nhưng, gần đây thị trường TP HCM xuất hiện một loại táo có cỡ siêu nhỏ, phải đến 15-25 quả/kg khiến nhiều người tò mò.

    Chị Trần Thị Nhung (ngụ quận 10) cho biết cách đây 1 tuần đi chợ thấy loại táo lạ mắt nên mua về dùng thử thấy tương tự như táo Trung Quốc vẫn bán ở chợ trước giờ. Vì táo mới nên giá bán 50.000 đồng/kg, đắt gần gấp đôi táo Trung Quốc cỡ lớn ở chợ.


    Được đội lốt táo mèo Hà Giang nhưng chỉ có giá 35.000 đ/kg.

    Tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), loại táo này được bán với bảng ghi là “táo mèo” và giá chỉ 30.000 – 35.000 đồng/kg. Khi hỏi tiểu thương về xuất xứ loại quả này thì được trả lời là táo Việt Nam, không phải táo Trung Quốc.

    “Táo Trung Quốc là loại lớn, hàng có quanh năm. Còn đây là táo được đồng bào phía Bắc trồng, mỗi năm vô vụ thu hoạch chỉ có 2 tháng nên em phải tranh thủ mua đi. Hết mùa, có tiền cũng không mua được. Táo này rất giòn và ngọt. Chị bao ăn, em yên tâm” – người bán quả quyết.


    Được quảng cáo là giòn ngọt.

    Thế nhưng, khi dùng thử thì táo không hề giòn và ngọt như quảng cáo mà vị đặt trưng là chua và chát, chất lượng khá tệ so với các loại táo đang bán trên thị trường.Táo mèo được bán sỉ ở chợ đầu mối Thủ Đức.

    Còn trên chợ mạng, loại táo này ngoài tên “táo mèo” còn có tên là táo mini hoặc táo đá mini được giới thiệu trồng ở tỉnh Hà Giang và phủ nhận xuất xứ Trung Quốc khi người mua hỏi. Sở dĩ người tiêu dùng nghi ngờ xuất xứ là bởi táo là loại quả ôn đới, Việt Nam trước giờ không trồng được.

    Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty CP Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức xác nhận “táo mèo” là loại trái cây Trung Quốc mới về chợ khoảng 1 tháng nay. Tại chợ, táo được đóng trong rổ nhựa trọng lượng 8 kg có giá bán sỉ 160.000 đồng (tương đương 20.000 đồng/kg). “Đây là mặt hàng mới, số lượng nhập chợ không nhiều do hàng không đi theo container riêng mà vận chuyến ghép với các mặt hàng khác” – vị đại diện này thông tin.


    “Táo mèo” được bán sỉ ở chợ đầu mối Thủ Đức.

    Trước táo mini, Trung Quốc đã xuất khẩu nhiều xoài mini sang Việt Nam và được người bán đặt tên là xoài mút với xuất xứ được giới thiệu là An Giang hoặc Thái Lan. Loại xoài này bán khá chạy cho đến khi được giới chuyên môn xác nhận là hàng Trung Quốc thì sức mua mới giảm đi.

    Theo nld.vn (13/9/2018)