24 C
Hanoi
Thứ hai, Tháng mười một 18, 2024
More
    Home Blog Page 380

    “Nhựa đang trở thành một món ăn hàng ngày của con người”

    0

    Nghiên cứu từ các nhà khoa học thuộc Đại học Y khoa Vienna đã tìm ra 9 loại hạt vi nhựa khác nhau trong chất thải đi ra ngoài của con người. Điều này đã dấy lên nỗi lo lắng “nhựa đang trở thành một món ăn hàng ngày của con người”.

    Hạt vi nhựa âm thầm “tấn công” cơ thể con người

    Các nhà khoa học thuộc Đại học Y khoa Vienna tiến hành một nghiên cứu trong vòng 1 tuần, trên 8 tình nguyện viên, bao gồm 5 phụ nữ và 3 người đàn ông, tuổi từ 33 – 65, ở các nước Anh, Phần Lan, Italy, Hà Lan, Nhật Bản, Nga và Áo. Họ đều dùng thức ăn, đồ uống đựng trong đồ nhựa, không ai ăn chay và 6 người thường xuyên ăn hải sản.

    Kết quả tìm thấy 9 loại vi hạt nhựa khác nhau tìm được trong mẫu chất thải đi ra ngoài của những tình nguyện trên. Cụ thể, trung bình khoảng 20 vi hạt nhựa trong mỗi 10 gram chất thải của người. Có những hạt vi nhựa kích thước lên tới 50-500 micromet và các nhà khoa học suy đoán rằng con người ăn chúng từ đồ hải sản, khói bụi, bao bì thực phẩm hoặc chai nhựa…


    Hạt vi nhựa có nhiều trong chai lọ nhựa, đồ ăn hải sản.

    Hạt vi nhựa hay còn gọi là microbeads, có kích thước siêu nhỏ. Nó chính là sản phẩm của sự phân hủy nhựa từ bao bì thực phẩm, túi nilong, chai nhựa, hay những sản phẩm như sữa rửa mặt, kem đánh răng… Phải mất đến hàng trăm năm, thậm chí là cả hàng nghìn năm để một mảnh rác thải nhựa bị phân hủy hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên.

    Đây là lần đầu tiên một nghiên cứu được công bố để chứng minh sự tồn tại rộng rãi của nhựa trong chuỗi thức ăn của con người.

    Con người hấp thụ hạt vi nhựa qua đường ăn uống, hít thở…

    Theo Tiến sĩ Philipp Schwabi, các hạt vi nhựa này vẫn có khả năng xâm nhập vào dòng chảy máu, hệ bạch huyết và thậm chí tới gan. Điển hình là nhiều nghiên cứu đã tìm thấy lượng nhựa đáng kể trong đồ hải sản như cá ngừ và tôm hùm. Đặc biệt, nó bắt đầu xâm nhập vào cơ thể con người.

    Hạt nhựa siêu nhỏ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt những ai mắc bệnh đường tiêu hóa. Điều cần làm ngay lúc này là nghiên cứu sâu hơn nữa để xác định nguy cơ tiềm tàng tác động đến sức khỏe và tìm ra giải pháp”, Tiến sĩ Philipp Schwabi nói.

    Ông Bettina Liebmann, một nhà nghiên cứu thuộc Cơ quan Môi trường Liên bang Nga cho biết trong phòng thí nghiệm, họ phát hiện ra nhiều loại nhựa khác nhau, phổ biến là chất polypropylene (PP) và polyethylene terephthalate (PET). Đây là những thành phần nhựa có trong chai nhựa, đồ dùng bằng nhựa, túi nilong, bao bì thực phẩm…

    Rất có thể, nhựa trong ruột sẽ gây ức chế hệ thống miễn dịch, làm lây lan các độc tố, virus hoặc vi khuẩn gây hại trong cơ thể con người”, ông Bettina Liebmann nhận định.

    Trước đó, đã có nhiều nghiên cứu về hạt nhựa siêu nhỏ trong nước đóng chai. Ví dụ, nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trường ĐH New York kết hợp với Orb Media thực hiện. Họ cho biết phát hiện “lượng hạt nhựa trong nước đóng chai cao gấp đôi” so với nghiên cứu trước đó của họ về nước máy. Các hạt nhựa phổ biến nhất là polypropylene – loại nhựa được dùng để làm nắp chai.

    Hay như nghiên cứu của Tổ chức Story of Stuff khảo sát 19 nhãn nước đóng chai ở Mỹ và phát hiện 1 lít nước trung bình chứa khoảng 58,6 hạt nhựa.

    Dù những nghiên cứu trên chưa được công bố, nhưng đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho người tiêu dùng khi sử dụng chai lọ nhựa…

    Chính vì vậy, giáo sư Alistair Boxall, chuyên gia môi trường, từ Đại học York chia sẻ: “Tôi không ngạc nhiên hay quá lo lắng về những phát hiện này. Các hạt nhựa siêu nhỏ đã được tìm thấy trong nước máy, nước đóng chai, cá và ngay cả trong bia. Do vậy không thể tránh khỏi thực trạng rằng một số ít các hạt nhựa theo đó xâm nhập vào phổi, hệ thống tiêu hóa trong cơ thể”.

    Cảnh báo những hiểm họa hạt vi nhựa

    Từ khi ra đời đến nay, nhựa luôn chiếm vị trí quan trọng trên thị trường. Bởi nhựa có thể sử dụng lâu bền, nhẹ và giá thành rẻ. Hơn nữa, chúng còn dùng để đựng thức ăn, đồ uống thơm ngon, gọn gàng và thuận tiện so với các vật liệu khác.

    Tuy nhiên, để chế tạo ra nhựa cần sử dụng lượng lớn dầu mỏ. Ước tính để sản xuất khoảng 30 triệu bao nylon thông thường, chúng ta cần khoảng 12 triệu thùng dầu.

    Hơn nữa, không chỉ khai thác nhiên liệu tự nhiên, việc khoan, vận chuyển và chế biến dầu thành nhựa là quá trình sử dụng rất nhiều năng lượng. Việc đốt nhiên liệu làm tăng tác động của biến đổi khí hậu.

    Các nhà khoa học ước tính, việc sản xuất nhựa thải ra lượng lượng carbon khoảng 500 triệu tấn/năm, tương đương với lượng phát thải từ 19 đến 92 triệu chiếc xe hoạt động trên đường.

    Giáo sư Frank Kelly của Đại học King, Vương quốc Anh khẳng định rằng: “Dù ngôi nhà của bạn an toàn và “hiện đại” đến mấy, các vi hạt nhựa vẫn xuất hiện “nhan nhản” khắp nơi mà chẳng thể ngăn chặn”.

    Các nhà khoa học thuộc Đại học New York, Fredonia đã tiến hành phân tích 259 chiếc chai nhựa tới từ 19 địa điểm khác nhau từ 9 quốc gia bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Lebanon, Kenya và Thái Lan.

    Họ đã phát hiện có tới trên 11 nhãn hiệu nước uống khác nhau có chứa trung bình 325 vi hạt nhựa trong mỗi lít nước được bán ra. Nồng độ những phần tử nhựa này cao nhất lên đến 10.000 vi hạt nhựa cho mỗi lít nước. Trong số 259 chai được thử nghiệm, chỉ có 17 mẫu không chứa chất dẻo.


    Theo Tiến sĩ Philipp Schwabi, các hạt vi nhựa này vẫn có khả năng xâm nhập vào dòng máu. Ảnh: Thegioitre.vn

    Tổ chức Y tế Thế giới chỉ ra rằng, dù chưa có bằng chứng nào về ảnh hưởng của các vi hạt nhựa đối với sức khoẻ con người nhưng nhưng các nhà khoa học khẳng định vi hạt nhựa ẩn chứa các nguy cơ gây hại cho sức khỏe. “Chúng tôi sẽ làm việc nghiêm túc hơn với những bằng chứng đang có hiện nay để thiết lập một chương trình nghiên cứu để đưa ra một bản đánh giá rủi ro toàn diện hơn”, Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh.

    Hay theo một nghiên cứu khác của Viện 5 Gyres (Mỹ) ước tính hiện có 5,25 ngàn tỷ hạt nhựa có mặt ở biển. Nguồn chất thải này rộng khắp, bao gồm lưới đánh cá, đồ đựng thức ăn, nước giải khát, vật dụng chăm sóc cá nhân, mỹ phẩm, ống hút, túi xách… Theo đó, ô nhiễm nhựa ảnh hưởng tới ít nhất 700 loài sinh vật biển; ít nhất 100 triệu động vật có vú biển chết mỗi năm.

    Số lượng nhựa còn nhiều hơn cả cá ở đại dương và trở mối đe dọa lớn đối với môi trường, thậm chí phân tử nhựa đã xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người. Khi con người vứt rác thải xuống biển, họ nghĩ đám rác đó đã trôi rất xa khỏi cuộc đời họ, nhưng trên thực tế thì không.

    Rác phân hủy trở thành những hạt vi nhựa thường có kích cỡ rất nhỏ, không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Khi động vật biển nuốt vào các mảnh vi nhựa, chất độc sẽ di chuyển vào cơ thể của chúng, tích tụ qua các tầng thức ăn khi cá lớn ăn cá nhỏ và cuối cùng “hạ cánh” trên đĩa thức ăn ngon lành của con người.

    Theo Thúy Ngân/vietq.vn (12/11/2018)

    Xử lý chất thải rắn bằng công nghệ điện phân

    0

    Xử lý chất thải, trong đó có chất thải rắn (CTR) là một nhiệm vụ quan trọng quyết định đến chất lượng môi trường, phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Việc chọn đúng công nghệ xử lý thích hợp với địa phương có ý nghĩa quan trọng góp phần bảo vệ môi trường (BVMT), đưa đất nước phát triển theo hướng hiện đại, văn minh và bền vững.

    Đốt và chôn lấp đã lỗi thời

    Với khối lượng rác thải như hiện nay, Chính phủ và chính quyền địa phương đang kiếm tìm một công nghệ phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí mà các văn bản luật đã đưa ra. Đó là, lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn phải tiếp cận với những công nghệ tiên tiến và những kinh nghiệm trong xử lý CTR ở trong và ngoài nước; công nghệ đơn giản nhưng không lạc hậu, bảo đảm xử lý có hiệu quả, an toàn và không gây ô nhiễm môi trường; giá thành có thể chấp nhận trong điều kiện của địa phương; cố gắng tận thu những giá trị của CTR để tái tạo tài nguyên.


    Việc chọn đúng công nghệ xử lý CTR thích hợp có ý nghĩa quan trọng góp phần BVMT. Ảnh: Hoàng Minh

    Theo Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam về Quy hoạch đô thị (QCXDVN 01/2008) khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến, phát triển công nghệ sạch, các công nghệ do trong nước nghiên cứu chế tạo, ưu tiên tái sử dụng, tái chế CTR, hạn chế tối đa khối lượng CTR chôn lấp (<15%), đặc biệt là với các đô thị thiếu quỹ đất làm bãi chôn lấp.

    Những văn bản pháp quy về viêc lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn đã có nhưng chúng ta vẫn chưa tìm được một công nghệ đáp ứng được những yêu cầu đặt ra. Theo thống kê Bộ TN&MT, hiện nay, CTR phần lớn được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, điển hình Hà Nội 95%, TP. HCM 76% và một phần được xử lý bằng phương pháp đốt. Cả 2 phương pháp này đều không đem lại hiệu quả về môi trường – kinh tế. Bởi nó gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, ngân sách Nhà nước; lãng phí phần rác có giá trị tái chế, gây ô nhiễm thứ cấp môi trường lâu dài.

    Công nghệ thay thế: Nhiệt phân

    Các nhà khoa học cho rằng, Việt Nam có thể sử dụng các phương pháp mà thế giới đang có xu hướng lựa chọn là công nghệ đốt phát điện và công nghệ nhiệt phân. Đây là 2 giải pháp tối ưu để thu hồi được những giá trị từ rác thải và giảm ô nhiễm môi trường hiệu quả. Hai công nghệ này sẽ mang lại nhiều giá trị và lợi ích lâu dài cho sự phát triển của các khu công nghiệp, khu đô thị tại Việt Nam.

    Theo ông Nguyễn Thành Tài, Giám đốc Công ty New Technology Limited, đối với Việt Nam phương pháp nhiệt phân phù hợp hơn cả bởi công nghệ này vốn đầu tư và chi phí vận hành thấp, hiệu quả môi trường cao. Trong khi đó, đốt phát điện lại đòi hỏivốn và chi phí cao.

    Công nghệ này rất phù hợp với xử lý rác thải nhựa. Ông Tài nhấn mạnh: Chất thải nhựa khó phân huỷ gây nhiều vấn đề môi trường như mất đất do chôn lấp, thời gian phân huỷ kéo dài gây ô nhiễm môi trường, chi phí xử lý tốn kém… nhưng nó là nguồn năng lượng tái tạo khi sử dụng công nghệ nhiệt phân để tái chế thành dầu.

    Dựa vào thành phần, cấu tạo, đặc tính của rác nhựa, các tổ chức môi trường trên thế giới đánh giá công nghệ nhiệt phân thuộc nhóm công nghệ nhiệt – hoá, là một trong những giải pháp công nghệ tốt nhất hiện tại và khuyến cáo sử dụng thay thế cho các phương pháp xử lý khác.

    Trong bối cảnh rác thải nhựa đang gia tăng, đây là phương pháp xử lý tối ưu. Công nghệ này cho phép tái chế rác nhựa hỗn tạp, rác thải nhựa chưa được làm sạch và bị nhiễm bẩn như: Nhựa thu hồi từ rác sinh hoạt, nhựa từ rác công nghiệp. Đồng thời, có thể tái chế rác nhựa với các kích thước khác nhau, đặc biệt là xử lý rác nhựa kích thước lớn như ở dạng cuộn hoặc kiện… Quá trình nhiệt phân những loại nhựa có thành phần Cl (như PVC) sẽ không tạo ra dioxin như phương pháp đốt.

    Quy trình xử lý rác bằng công nghệ nhiệt phân

    Một số ý kiến cho rằng, ứng dụng công nghệ nhiệt phân tái chế rác nhựa vừa giải quyết bài toán môi trường vừa giải quyết bài toán “năng lượng tái tạo” khi cung cấp cho xã hội những sản phẩm “năng lượng xanh” như dầu và than nhiên liệu. Quá trình nhiệt phân polyme (nhựa, cao su…) sinh ra các chất khí (syngas), lỏng (tar), và chất rắn (char). Những sản phẩm này có thể được làm nhiên liệu, chất hoá dầu và các monome.

    Với phương pháp này, nguyên liệu được đưa vào trong lò quay cùng với xúc tác nhiệt phân theo tỷ lệ quy định. Lò đốt cấp nhiệt sử dụng dầu nhiệt phân và khí gas từ hệ thống để đốt gia nhiệt gián tiếp cho lò quay. Dưới tác dụng của tác nhân nhiệt và xúc tác trong môi trường yếm khí, nhựa sẽ bị cracking triệt để chuyến thành thể khí rồi chuyển sang bộ ngưng tụ. Phần rắn còn lại là than bột sẽ được tháo ra khỏi lò quay bằng vít tải kín.

    Trong quá trình nhiệt phân, lò quay luôn được tạo áp suất âm nhờ thiết bị hút chân không được đặt cuối hệ thống sau bộ ngưng tụ. Phần hydrocarbon hoá khí từ lò quay cracking yếm khí được chuyển qua bộ ngưng tụ 3 cấp nhờ thiết bị hút chân không và được giải nhiệt gián tiếp bằng nước lạnh.

    Khi nhiệt độ được hạ xuống dưới 35oC phần lớn các khí hydrocarbon sẽ ngưng tụ chuyển từ thể khí sang thể lỏng (dầu nhiệt phân) và tách ra khỏi dòng khí. Phần khí không ngưng còn lại sẽ được chuyển qua lò đốt cấp nhiệt.

    Lò đốt cấp nhiệt sử dụng 2 đầu đốt dầu tự động Olympia (Nhật) để đốt dầu nhiệt phân, khởi động gia nhiệt gián tiếp cho lò quay cracking. Khi trong lò quay cracking xảy ra quá trình cracking thì khí gas (khí không ngưng) sẽ được sinh ra, tuần hoàn và được đốt bằng 2 đầu đốt gas tự động Olympia để tiếp tục cấp nhiệt cho lò quay cracking cho đến hết chu trình nhiệt phân. Trong quá trình tháo than, đầu lò được lắp thiết bị thu hồi bụi bằng lọc bụi tay áo, giúp quá trình tháo than được sạch sẽ.

    Công nghệ xử lý tái chế thân thiện môi trường, được áp dụng theo mô hình khép kín, tự động hoá cao, tiêu hao năng lượng thấp. Công nghệ không phát thải những khí độc như dioxin và furan, sử dụng những hoá chất thân thiện môi trường, toàn bộ chất thải được tái chế 100% không thải chất thải ra môi trường.

    Công nghệ nhiệt phân chất thải nhựa được phát minh từ đầu những năm 1970, thời điểm bùng nổ sản xuất chất dẻo quy mô lớn tại Châu Âu. Công nghệ được tiếp tục nghiên cứu và phát triển đến những năm 1980, 1990 thì những nhà khoa học Nhật Bản tạo ra những sáng kiến mới giúp nâng tầm công nghệ khi sử dụng xúc tác nhiệt phân tái chế nhựa dẻo và đưa công nghệ vào ứng dụng thực tiễn công nghiệp. Tiên phong là công ty Ebara (Yokohama) và Tsukishiama (Kitai).

    Ở Việt Nam công nghệ nhiệt phân đã được quan tâm tại Việt Nam khoảng 4 – 5 năm gần đây. Hiện tại đã có một số đề tài nghiên cứu của các cơ sở khoa học như: Viện Nghiên Cứu Cơ Khí, Viện Dầu Khí, Trung tâm Hoá Dầu – Đại Học Quốc Gia Tp.HCM, Doanh Nghiệp Khoa Học và Công Nghệ Công Nghệ Mới… Một số nhà máy trong lĩnh vực môi trường đã và đang triển khai ứng dụng như Công Ty môi Trường Xanh Hải Dương, Công Ty môi Trường Bình Phước, Công Ty môi Trường Xanh Huê Phương,… bước đầu đã thu được những kết quả khả quan.

    Theo baotainguyenmoitruong.vn (12/11/2018)

    Loại vải cực mịn cho da nhạy cảm được chế tạo từ sữa đã hết hạn

    0

    Bằng cách đun sữa đến 250 độ C, sau đó thêm citric acid để tách casein trong sữa, một nhà sáng chế đã tạo ra vải bằng cách sấy khô casein thành những sợi tơ để dệt nên loại vải mềm mịn, thích hợp với da nhạy cảm.

    Cô Antonella Bolinas, người Ý, đã phát minh ra cách chế biến vải từ chính những chai sữa đã hết hạn. Bằng cách đun sữa đến nhiệt độ 250 độ C, sau đó thêm citric acid để tách casein trong sữa, cô Bellina đã tạo ra vải bằng cách sấy khô casein thành những sợi tơ để dệt nên loại vải mềm mịn, thích hợp với da nhạy cảm.

    Nhà sáng chế này cho biết: Để tạo ra một 1 kg bông sợi, cô chỉ cần dùng ít hơn 1 lít nước, so với 15 lít nước để chế tạo ra 1 kg bông cotton thông thường.

    Với một hệ thống máy bện sợi để dệt thành vải, trung bình một chiếc áo phông chỉ mất khoảng 1,5 lít sữa để chế tạo. Đặc biệt, sản phẩm này rất thích hợp với những người có làn da nhạy cảm.


    Những cái áo chế tạo từ sữa hết hạn. (Nguồn: TRT World)

    “Sản phẩm này rất tốt cho sức khỏe bởi nó được chế biến hoàn toàn từ thiên nhiên, thêm vào đó, chúng tôi hoàn toàn không sử dụng chất hóa học nào trong quá trình chế tạo”, cô cho biết.

    Những chiếc áo được chế tạo từ sữa và nhuộm màu bằng các loại trái cây được bán với giá khoảng 60USD/chiếc cho người lớn, và 40USD/bộ cho trẻ em.

    Xưởng sản xuất của cô cũng hoàn toàn sử dụng năng lượng mặt trời. Cô có kế hoạch chế tạo cả các loại vỏ chăn, gối và cả các loại gạc dùng trong y tế.

    Theo nữ phóng viên Sarah Morice (kênh TRT World), công nghệ chế tạo vải từ sữa đã được phát triển từ những năm 1930, nhưng thời đó công nghệ này còn lạc hậu và chưa được đưa vào diện rộng.

    Ngày nay với sự hỗ trợ của công nghệ cao, ngành dệt may đã hoàn toàn hướng tới sử dụng các nguyên liệu thiên nhiên như dùng trái cây, củ quả để nhuộm màu.

    Theo Moitruong.com.vn (12/11/2018)

    Ăn thịt trắng hay thịt đỏ tốt hơn?

    0

    Thịt trắng màu nhạt, chứa chất béo không bão hòa; thịt đỏ màu đậm và nhiều vitamin, omega, chất béo bão hòa.

    Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thanh Chò, nguyên chủ nhiệm bộ môn dinh dưỡng, Viện 103, Học viện quân y, thịt đỏ là loại thịt gia súc, cung cấp nguồn protein có giá trị sinh học cao, giàu vitamin, kẽm, canxi và các chất béo bão hòa. Thịt trắng trong gia cầm, hải sản ít choresterol hơn thịt đỏ song giàu protein và chất béo không bão hòa là chất béo rất có lợi cho sức khỏe.

    Thịt trắng hay thị đỏ có lợi cho sức khỏe.

    Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó Khoa Dinh dưỡng Đại học Y Hà Nội nói thịt trắng phù hợp với người bị bệnh tim mạch, muốn giảm cân bởi tác dụng giảm choresterol và dễ tiêu hóa, dễ hấp thụ. Thịt đỏ có ích cho người cần bổ sung năng lượng, bổ máu, nuôi dưỡng hồng cầu nhờ hàm lượng sắt cao, nhiều vitamin và tốt cho hệ thần kinh nhờ omega.

    Tuy nhiên, thịt đỏ hay thịt trắng đều có những hạn chế nhất định đối với sức khỏe.
    Theo tiến sĩ Chò, thịt có lượng choresterol cao. Do vậy, những người bị choresterol cao, tiền sử bệnh gout, bệnh tim mạch nên hạn chế ăn.

    Người bình thường cũng nên có chế độ ăn thịt hợp lý. Trung bình nhu cầu cơ thể của người Việt Nam cần ăn 1-1,2 g protein một ngày. Do đó khẩu phần ăn có thể điều chỉnh thực phẩm phù hợp, ví dụ ăn nhiều cá, trứng, sữa thì giảm thịt và ngược lại.

    Cách chế biến thịt cũng rất quan trọng. Món ăn được nấu đi nấu lại quá nhiều lần hoặc chế biến ở nhiệt độ quá cao thì sinh ra những chất độc không có lợi cho sức khỏe. Protein từ thịt có thể biến tính, các vitamin bị tổn thương, chất dinh dưỡng không còn có lợi cho sức khỏe người dùng.

    Lưu ý khi ăn thịt trắng và thịt đỏ:

    – Nên kết hợp cả hai loại thịt vào chế độ ăn hằng ngày, điều chỉnh phù hợp với thực đơn.

    – Người mắc các bệnh tim mạch, tiền sử ung thư nên hạn chế ăn thịt đỏ.

    – Không nên ăn quá nhiều thịt đỏ, tối đa chỉ 70 g mỗi ngày.

    – Chế biến thịt đỏ một cách lành mạnh, hạn chế chiên, nướng, xông khói.

    – Không ăn thịt chưa qua chế biến kỹ, không ăn sống, tái hay trộn gỏi để tránh nhiễm ký sinh trùng và tăng nguy cơ ung thư.

    – Không nên ăn thịt đỏ có nhiều mỡ, bỏ da của các loại thịt trắng trước khi ăn.

    Theo VnExpress.net (12/11/2018)

    Thất thoát nước tại Việt Nam đang chiếm 21,5%

    0

    Tỷ lệ thất thoát nước tại Việt Nam còn cao, khoảng 21,5%, trong khi đó, công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn còn lạc hậu, công tác quản lý còn nhiều hạn chế. Hiện các đơn vị liên quan đang cố gắng khắc phục những tồn tại, hạn chế này.

    Nhiều thách thức

    Thứ trưởng bộ Xây dựng, Bùi Phạm Khánh phát biểu tại triển lãm quốc tế ngành Nước và Môi trường lần thứ 10 – Vietwater 2018 (TP.HCM) cho biết: “Nước và môi trường là 2 lĩnh vực quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế – xã hội và chất lượng đời sống của nhân dân.

    Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện chất lượng nước, bảo vệ nguồn nước và môi trường, đẩy mạnh mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới đồng thời có các chính sách huy động các nguồn lực toàn xã hội đầu tư vào 2 lĩnh vực này”.

    Đến nay, hoạt động trên đã đạt nhiều kết quả khả quan như: Tổng công suất cấp nước sạch đô thị trên toàn quốc đạt khoảng 9 triệu m3/ngày đêm, tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 85%, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt khoảng 85,5%…


    Tỷ lệ thất thoát nước tại Việt Nam còn cao, khoảng 21,5%. (Ảnh minh họa)

    Dù vậy, vẫn còn đó rất nhiều thách thức cho việc đảm bảo nguồn nước sạch và môi trường tại Việt Nam. Ông Cao Lại Quang, Chủ tịch hội Cấp thoát nước Việt Nam nhìn nhận: “Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng, song ngành nước Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập, đặc biệt là đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như: Gia tăng dân số đô thị, ngân sách hạn hẹp, năng lực quản lý, ô nhiễm nguồn nước, những cực đoan của biến đổi khí hậu, nhận thức cộng đồng…”.

    Nhìn rộng hơn, bà Eliane van Doorn, Giám đốc công ty UBM khu vực ASEAN cũng đánh giá: “Việc bảo vệ nguồn nước và môi trường là những vấn đề thách thức không chỉ riêng tại Việt Nam mà còn trên khắp thế giới. Chúng ta đang phải đối mặt với hiện tượng trái đất ngày càng nóng lên, thiếu hụt nguồn tài nguyên và nhu cầu ngày càng cao do dân số tăng”.

    Trong khi đó, có một thực trạng là tỷ lệ thất thoát nước tại Việt Nam còn cao. Nêu con số thống kê, ông Khánh cho biết: “Tỷ lệ thất thoát nước còn cao, khoảng 21,5%, tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý rất thấp, khoảng 12%. Ngoài ra, tỷ lệ chất thải rắn xử lý bằng biện pháp chôn lấp trên 75% trong khi đó, công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn còn lạc hậu, công tác quản lý còn nhiều hạn chế”.

    Không đánh đổi

    Bà Eliane van Doorn cho rằng: “Tại Việt Nam, sự phát triển bùng nổ, đô thị và công nghiệp hóa cũng khiến chúng ta cần phải quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực nước và môi trường”.

    Để khắc phục các vấn đề nêu trên, ông Quang cho biết: “Trước những khó khăn thách thức đó, ngành nước Việt Nam đang tập trung ưu tiên cho việc đổi mới chính sách, thu hút các nguồn lực cho đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến từ bạn bè quốc tế”.

    Dù tập trung nguồn lực cho 2 lĩnh vực này nhưng ông Khánh cũng khẳng định không có sự đánh đổi giữa môi trường để phát triển kinh tế. “Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội và phát triển đô thị, chúng ta đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về ô nhiễm nguồn nước, không khí và chịu tác động của biến đổi khí hậu. Nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của nước và môi trường, Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ: Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững”, ông Khánh nói.

    “Quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong những năm qua luôn gắn liền với tốc độ phát triển đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Do đó, yêu cầu về quản lý hệ thống đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị bền vững luôn là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Đặc biệt là định hướng phát triển đô thị theo hướng đô thị thông minh, tăng trưởng xanh, tiết kiệm năng lượng, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0”, ông Khánh khẳng định thêm.

    Theo NĐT/moitruong.com.vn (10/11/2018)

    “Siêu xe” chở rác giá 10 tỷ vừa về Việt Nam sở hữu tính năng hiện đại nào?

    0

    Được biết, mỗi xe chở rác này có trọng tải khoảng 10 tấn, giá 420.000 USD (trên 10 tỷ đồng). Đây là mức giá cao hơn so với xe cùng loại tại Mỹ.

    Sáng 8/11, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) đã tổ chức lễ trao tặng 6 xe vận chuyển rác hiện đại cho TP.HCM, Long An và Phú Quốc (Kiên Giang).

    Đây là những xe nằm trong lô hàng 8 xe Peterbilt Model 520 (thương hiệu của Mỹ), làm theo đơn đặt hàng của ông David Dương, Tổng Giám đốc VWS. Trị giá mỗi chiếc xe vận chuyển rác do VWS tài trợ có giá thành gần 500.000 USD.

    Peterbilt Model 520 được chế tạo để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của ngành công nghiệp quản lý chất thải. Xe có bộ phận ép rác tại chỗ trên xe, 2 thùng chứa nước rỉ thải 2 bên để tránh những giọt nước thải rơi ra đường phố.


    Peterbilt Model 520 được chế tạo để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của ngành công nghiệp quản lý chất thải.

    Khung cabin xe làm bằng thép tráng kẽm được phủ nhôm cho độ bền cao nhất, nhằm tăng thời gian vận hành. Cửa xe kiểu vách ngăn giúp tối đa hóa độ bền và chống ăn mòn.

    Ngoài ra, hệ thống camera quan sát 4 phía giúp tài xế dễ dàng quan sát mọi động tĩnh, chướng ngại vật xung quanh trong quá trình vận chuyển.

    Một trong những điểm nổi bật được VWS đặt hàng riêng theo đặc thù tại Việt Nam là 2 bên hông xe có vách chắn với màu sắc phản quang cảnh báo, nhằm hạn chế tai nạn giao thông, đồng thời đề phòng người đi đường bị vướng vào gầm xe.

    Bên cạnh mẫu mã đẹp, loại xe chở rác trên còn sử dụng nhiên liệu sạch CNG và có hệ thống phun sương tự động khử mùi hôi, tỏa ra hương thơm mỗi khi tài xế đạp thắng. Như vậy, những chiếc xe chở rác này sẽ không còn gây cảm giác khó chịu cho người xung quanh mỗi khi dừng xe.

    Nội thất của xe Peterbilt được thiết kế xung quanh người lái, với các thiết bị kiểm soát được bố trí để vận hành an toàn, hiệu quả và sử dụng các vật liệu chất lượng cao xuyên suốt. Đặc biệt, xe còn trang bị điều hòa, hệ thống âm thanh nhằm tăng cường tối đa sự an toàn và thoải mái cho tài xế khi lái.

    Cũng theo ông David Dương, do được thiết kế đặc biệt theo đơn đặt hàng nên những “siêu xe” vận chuyển rác thông minh này có giá thành rất cao. “Chúng tôi đem những xe mẫu này thử nghiệm tại Việt Nam và kỳ vọng các nhà sản xuất trong nước nghiên cứu để tiến tới sản xuất đại trà, từ đó giảm giá thành, khuyến khích sử dụng nhiều hơn nhằm góp phần bảo đảm mỹ quan đô thị, hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường” – ông David Dương nói.

    Theo Hòa Lê/vietq.vn (11/11/2018)

    Nước đóng chai có gây hại cho sức khỏe?

    0

    Chúng ta đều biết tầm quan trọng của việc uống nước đầy đủ. Nhiều người đang tiêu thụ rất nhiều nước đóng chai mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu nước của mình. Và câu hỏi được đặt ra là: Nước đóng chai có hại cho sức khỏe hay không?

    Chủ đề này đã gây ra nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia. Một số chuyên gia cho rằng nó gây hại cho sức khỏe của chúng ta do các chất như Bisphenol A, hoặc BPA, một độc tố môi trường và là chất gây rối loạn nội tiết đã được chứng minh là gây ung thư. Trong khi những người khác, như Peter Gleick, một nhà khoa học và chuyên gia về nước toàn cầu và các vấn đề khí hậu, nói rằng nước đóng chai hoàn toàn an toàn.

    Theo Gleick, polyethylene terephthalate (PET), là loại nhựa làm nên hầu hết các chai nước, không chứa BPA. “PET thực sự là một loại nhựa tốt. Đó là một trong những lý do chúng tôi để đồ uống bên trong. Vì vậy, BPA không phải là điều bạn cần phải lo lắng khi bạn uống nước từ một chai nhựa.

    Như vậy, nước đóng chai hoàn toàn an toàn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nó không đi kèm với một loạt các vấn đề khác mà sẽ làm cho bạn muốn chuyển sang chai nước thân thiện với môi trường. Dưới đây sẽ là 4 điều bạn cần biết về nước đóng chai, bao gồm cả nguồn nước và ảnh hưởng của nó đến Trái Đất quý giá của chúng ta.

    1. Chai nước là một trong những nguồn chất thải nhựa lớn nhất

    “Ngành công nghiệp nước đóng chai cho rằng các chai nước nhựa sẽ được tái chế 100%”, Gleick nói. Về lý thuyết, điều đó đúng, nhưng hầu hết nhựa không bao giờ thực sự được tái chế. Vì vậy, mặc dù về mặt kỹ thuật, chai nước nhựa có thể tái chế nhưng trong hàng tỷ chai nhựa được sản xuất tại Hoa Kỳ mỗi năm chỉ có khoảng 30 % được tái chế. Phần lớn các chai nhựa kết thúc tại các bãi chôn lấp, thiêu đốt, hoặc rải rác khắp cảnh quan và dọc theo các tuyến đường thủy.

    2. Phải mất một lượng lớn năng lượng để sản xuất nước đóng chai

    Bạn sẽ phải kinh ngạc về năng lượng (và tiền bạc) cần thiết để tạo ra những chai nước cho bạn. “Những chai nước cần năng lượng, chủ yếu từ nhiên liệu hóa thạch, để bơm nước từ suối hoặc giếng thành phố, sau đó xử lý nước, chế tạo chai nhựa, đổ đầy chai và vận chuyển chúng khắp thế giới,” Royte nói. Sự xuất hiện và phân phối nước đóng chai dày đặc hơn rất nhiều so nước máy. Và uống nước đóng chai cũng đắt gấp 2000 lần so với uống cùng một lượng nước máy.

    3. Nước máy cũng là một sự lựa chọn an toàn

    Nếu bạn đã sẵn sàng nói tạm biệt nước đóng chai mãi mãi, uống nước máy thực sự là một lựa chọn tốt. Gleick nói: “Chúng ta có một hệ thống nước máy tuyệt vời ở Hoa Kỳ. Mặc dù hệ thống nước của mỗi thành phố đều khác nhau, cả nước máy và nước đóng chai phải đáp ứng các tiêu chuẩn liên bang tương tự trong Đạo Luật Nước Uống An Toàn. Theo Royte, nước máy thực sự được điều chỉnh tốt hơn so với nước đóng chai. “Các nhà cung cấp nước máy được yêu cầu tiết lộ kết quả thử nghiệm của họ cho người tiêu dùng. Trong khi đó các công ty nước đóng chai, mặc dù được tổ chức phần lớn theo tiêu chuẩn giống như nước máy, không cần phải tiết lộ kết quả thử nghiệm của họ.”

    4. Nước đóng chai thực sự xuất phát từ nước máy

    Trớ trêu thay, Gleick nói, rất nhiều nước đóng chai được sản xuất ở Mỹ (khoảng một nửa) thực ra chỉ là nước máy. Các công ty có thể tái xử lý hoặc lọc nước trước khi đóng chai, nhưng nước đóng chai thực sự bắt nguồn từ nước máy và nửa còn lại thường là nước suối. Điều đó có nghĩa là nước đóng chai có nguồn gốc từ một nguồn tự nhiên như nước ngầm, giếng, hoặc suối và phải đáp ứng các tiêu chuẩn của liên bang.

    Theo Vietq.vn (12/11/2018)

    Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam làm việc với VNCPC cùng các đối tác của dự án Low carbon

    0

    Ngày 7/11, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), bà Beatrice Maser Mallor – Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã có buổi làm việc với các đối tác thực hiện dự án “Giảm thiểu chất thải công nghiệp vì một nền sản xuất các bon thấp” (Low carbon).

    Dự án do Cục Kinh tế liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ thông qua Tổ chức UNIDO, với mục tiêu chung là cải thiện môi trường địa phương, giảm phát thải khí nhà kính và mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.

    Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Tổ chức SOFIES (Thụy Sỹ), Công ty Cơ khí Viết Hiền là những đối tác đã làm nên thành công của dự án.

    Đại diện Công ty Cơ khí Viết Hiền giới thiệu về kết quả của dự án với bà Beatrice Maser Mallor – Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam.

    Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị thực hiện dự án đã báo cáo tình hình thực hiện dự án cũng như các kết quả mà dự án đã đạt được, đặc biệt là kết quả chuyển giao thành công công nghệ nhiệt phân từ Thụy Sỹ cho Công ty Cơ khí Viết Hiền.

    Hiện tại, công nghệ đã được sản xuất thành công ở quy mô công nghiệp và đã có những đơn hàng xuất khẩu hệ thống nhiệt phân đầu tiên sang các nước bạn như Brazil, Campuchia, Syria.

    Bà Đại sứ đánh giá rất cao các kết quả mà dự án đã đạt được, đặc biệt là hiệu quả mang lại của công nghệ nhiệt phân được ứng dụng trong ngành sản xuất cà phê tại Việt Nam.

    Bà Đại sứ đánh giá rất cao các kết quả mà dự án đã đạt được, đặc biệt là hiệu quả mang lại của công nghệ nhiệt phân được ứng dụng trong ngành sản xuất cà phê tại Việt Nam.

    Trong buổi trao đổi, bà Beatrice Maser Mallor khẳng định: Việt Nam là một trong những nước ưu tiên trong chương trình hợp tác kinh tế của Chính phủ Thụy Sỹ và sẽ tiếp tục nhận được những chương trình hỗ trợ trong việc tăng cường bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải và ứng phó với biến đổi khí hậu.

    Ông Lê Viết Vinh – Phó Giám đốc Công ty Cơ khí Viết Hiền cho biết, công nghệ nhiệt phân sử dụng các phế phẩm nông nghiệp như vỏ cà phê, vỏ trấu, dăm gỗ… ở nhiệt độ cao trong điều kiện không có oxy sẽ sinh ra hỗn hợp khí gas trong buồng phản ứng. Hỗn hợp khí này tiếp tục được đưa vào buống đốt để đốt ở nhiệt độ cao hơn 1000 độ C để tạo ra nguồn nhiệt sạch và ổn định cho quá trình sấy quả cà phê. Sở dĩ công nghệ nhiệt phân có thể thay thế cho công nghệ đốt lạc hậu, thải nhiều khói bụi và khí thải độc hại ra môi trường là do quá trình đốt nhiệt phân không tạo khói và mùi ra môi trường xung quanh.

    Bên cạnh đó, công nghệ này còn giải quyết được một vấn đề đã tồn lại lâu nay đó là mâu thuẫn giữa việc sử dụng vỏ cà phê cho mục đích sấy quả tươi hoặc cho mục đích làm phân bón cải tạo đất. Công nghệ nhiệt phân được chuyển giao thành công từ Thụy Sỹ, với việc sử dụng vỏ cà phê làm nhiên liệu tạo ra nguồn nhiệt ổn định để sấy quả cà phê. Không chỉ có vậy, quá trình nhiệt phân còn sinh ra một sản phẩm là than sinh học (biochar) được sử dụng như một loại phân bón để cải tạo đất.

    Theo đó, than sinh học giúp cải thiện độ tơi xốp của đất với khả năng giữ nước rất cao, chống thất thoát, bay hơi nước hay ngấm vào tầng sâu sau khi tưới, chống xói mòn đất, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn có lợi sống trong đất, thu hút và giữ nguồn dinh dưỡng để bón cho cây trồng…

    Nhân dịp đến Đắk Lắk, bà Đại sứ đã tới tham quan mô hình Hệ thống nhiệt phân được lắp đặt tại Hợp tác xã Bình Minh huyện Cư M’gar. Từ năm 2016, các thành viên của hợp tác xã đã sử dụng công nghệ nhiệt phân để chủ động quá trình sấy, giúp tránh được ảnh hưởng của thời tiết mưa kéo dài trong suốt thời gian thu hoạch cà phê, từ đó mang lại hiệu quả cao trong việc nâng cao chất lượng cà phê và bảo vệ môi trường.

    Theo đại diện của VNCPC – đơn vị thực hiện dự án, trải qua hơn 4 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ thực hiện đánh giá Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch cho 16 nhà máy chế biến gạo và 10 công ty chế biến cà phê, giúp tiết kiệm 1,08 triệu kWh/năm, tương đương hơn 80.000 USD, cắt giảm 621 tấn CO2 thải ra môi trường mỗi năm.

    Theo Vncpc.org (9/11/2018)

    Câu chuyện của những người chủ cửa hàng không rác thải

    0

    Ám ảnh việc đi mua sắm phải thải ra quá nhiều túi ni lông không thể phân hủy, nhiều bạn trẻ đã nghĩ ra những sản phẩm làm từ lá, cây cỏ hoặc lập ra những cửa hàng không rác thải đầu tiên ở Việt Nam.

    Ông chủ nghĩ ra nghề… xỏ lá

    Những bạn trẻ yêu thích sản phẩm thân thiện với môi trường không xa lạ với Cửa hàng 3T của Trần Minh Tiến, 31 tuổi ở Long An. 3T là viết tắt của 3 từ tiết giảm – tái sử dụng – tái chế. Tiến luôn trăn trở làm sao để mang tới những sản phẩm gần gũi nhất với môi trường, tốt nhất cho sức khỏe người dùng, tiến tới không còn xả rác.

    Hiện tại, Cửa hàng 3T của Tiến đang phối hợp cùng một nhóm chị em phụ nữ tại Đức Huệ, Long An để sản xuất những sản phẩm thủ công, thân thiện môi trường, vừa giúp cho chị em có thêm thu nhập, vừa mang lại hiệu quả cho người dùng và thiên nhiên, môi trường như sản phẩm đan lát từ cỏ bàng, túi xách, ví, cặp, võng từ cỏ bàng; ống hút tre, ống hút cỏ; sản phẩm tái chế như túi xách từ vải vụn, nắp chai, giấy…

    “Trong số những sản phẩm này, thì ống hút tre, ống hút cỏ bán rất chạy, số người quan tâm tới ống hút thiên nhiên, hạn chế dùng ống hút nhựa ngày càng nhiều. Sắp tới chúng tôi sẽ làm túi xách từ vải cũ…, tôi rất mừng vì ngày càng nhiều người Việt Nam có ý thức quan tâm đến môi trường sống của chúng ta”, Trần Minh Tiến chia sẻ.


    Xỏ những cái lá lại với nhau sẽ có những đồ đựng đồ ăn vừa sạch, vừa bảo vệ môi trường.

    Trần Minh Tiến cũng là ông chủ trẻ nghĩ ra nghề xỏ lá, đó là đan những chiếc lá lại với nhau làm thành những chén, đĩa, hộp đựng thức ăn vừa tốt cho sức khỏe, lại không thải rác, túi ni lông ra ngoài môi trường.

    Tiến cho hay, anh đang làm thử nghiệm sản phẩm này, dự tính sẽ nhân rộng ra thị trường trong thời gian tới, đặc biệt nghiên cứu có thể sấy khô chén đĩa, hộp từ lá. Anh mong muốn những sản phẩm bằng lá này của anh có thể thay thế hộp xốp, hộp nhựa đựng thức ăn một lần đang dùng phổ biến, trên khắp các ngả đường, nhà hàng, quán ăn.

    Những bạn trẻ tiên phong với cửa hàng không rác thải

    Đứng trước thực trạng rác thải sinh hoạt ngày càng nhiều, các cửa hàng không rác thải – Zero Waste đã ra đời tại Việt Nam, có thể kể đến: Go Eco Hanoi (Hà Nội), Tạp hóa Lá Xanh (quận 1, TP.HCM) và Tiệm tạp hóa Gói Ghém (thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

    Những cửa hàng không rác thải ở Việt Nam 


    Muốn mua gì mọi người tự mang hộp, chai lọ tới​

    Tại các cửa hàng này, người tiêu dùng được khuyến khích nên tự mang theo túi xách, hộp, chai thủy tinh để mang về. Các sản phẩm tại cửa hàng không rác thải cũng phong phú với người tiêu dùng, từ thực phẩm (đường, muối), sản phẩm cá nhân (ống hút tre, bàn chải tre), sản phẩm chăm sóc (sữa tắm, dầu gội) hay thậm chí đồ cho em bé như khăn, tã cũng có đủ.

    Chỉ cần mang dụng cụ đựng của mình, người tiêu dùng có thể mua tất cả các sản phẩm với số lượng cần thiết mà không lo phải quăng bao bì đi đâu. Không chỉ dừng lại ở bao bì, các tạp hóa này còn chọn lọc các thực phẩm hữu cơ từ vườn nhà và các đồ dùng vật liệu thân thiện với thiên nhiên để bày bán.

    Chị Nguyễn Hoàng Thảo, chủ cửa hàng Go Eco Hanoi, Hà Nội cho rằng: “Các sản phẩm dùng một lần như màng bọc thực phẩm 100% là không thể tiêu hủy nên khi người dùng chuyển sang các chất liệu thiên nhiên làm từ tre, vải sáp ong thì có thể phân hủy được sẽ tốt hơn cho môi trường”.

    Bạn Phạm Hữu Giàu, chủ nhiệm CLB Xanh Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, chia sẻ, ở các siêu thị hoặc cửa hàng truyền thống ở Việt Nam, người tiêu dùng chỉ cần mang tiền đến và chọn sản phẩm mình cần, việc bao bì, đóng gói đã có người lo. “Chính vì tư duy yêu thích sự nhanh chóng và tiện lợi mà người tiêu dùng càng ngày thải ra nhiều túi ni lông, rác thải không cần thiết”,

    Đối mặt với nhiều thách thức

    Dù luôn nghĩ tới cộng đồng, đặt lợi ích cộng đồng lên hơn lợi ích kinh doanh, tuy nhiên những người chủ trẻ với các mô hình, sản phẩm kinh doanh không rác thải gặp nhiều khó khăn.

    Cửa hàng 3T của anh Trần Minh Tiến chủ yếu bán hàng online, không có chi nhánh tại TP.HCM. Khách hàng lớn nhất của anh là người đi làm từ 25 tới 30 tuổi, tuy nhiên có nhiều bạn trẻ sống xanh theo trào lưu, mua một vài đồ như ống hút tre, ống hút cỏ về giống như bạn bè rồi thôi, không duy trì dùng lâu dài.

    Ống hút tre và ống hút cỏ của Cửa hàng 3T

    Chị Trần Phương Thảo, 34 tuổi, chủ Tiệm tạp hóa Gói Ghém, thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu) chia sẻ: “Khi nghe tôi khai trương, hàng xóm cũng tò mò, bạn bè đồng nghiệp hứa ghé qua vì thấy lạ. Tuy nhiên cái quan trọng là phải duy trì được thói quen của mọi người, vì nhiều người đi làm, đi học về chỉ muốn đơn giản tạt qua mua là xong, ngại việc lỉnh kỉnh đồ đạc”.

    Nhiều người cho rằng việc phải tự mang túi đến mua là mất công và cực nhọc, thế nên “làm sao để thuyết phục người tiêu dùng tin tưởng và hạn chế rác thải là bài toán mà những cửa hàng này cần giải đáp”, chị Nguyễn Thị Thu Cúc, 31 tuổi, trú quận Bình Thạnh, TP.HCM nói.

    Bạn Lưu Quang Thành, 21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM cũng băn khoăn: “Đối với người tiêu dùng, việc nguồn gốc thực phẩm tiêu dùng cũng là một việc đáng quan tâm. Người ta đã quá quen với chuyện có bao bì, ghi rõ thông tin nguồn gốc xuất xứ, vừa đẹp vừa biết nguồn gốc ở đâu”.

    Giá thành cũng là một điều đáng chú ý vì hầu hết các loại thực phẩm sạch, khỏe tại các cửa hàng không rác thải là sản phẩm vườn nhà, số lượng ít và chất lượng cao nên giá sẽ cao hơn thông thường.

    Theo Thanhnien.vn (8/11/2018)

    Nhà vệ sinh tương lai sẽ không cần dùng nước

    0

    Tỷ phú Bill Gates trong một sự kiện ở Bắc Kinh đã giới thiệu một loại nhà vệ sinh cho tương lai. Nhà vệ sinh của Bill Gates giới thiệu được biết không cần dùng nước và bể phốt mà dùng hoá chất để xử lý chất thải của con người thành phân bón.

    Loại nhà vệ sinh được cho sẽ là một ý tưởng mới cho tương lai của Bill Gates giới thiệu hiện đã sẵn sàng để bán ra thị trường sau nhiều năm phát triển. Đây là sản phẩm của dự án nghiên cứu do Quỹ Bill và Melinda Gates tài trợ, tổ chức từ thiện tư nhân lớn nhất thế giới.

    Tỷ phú người Mỹ cho rằng, hiện tại có nhiều thiết kế các kiểu nhà vệ sinh khác biệt so với truyền thống nhưng tất cả đều hoạt động bằng cách chủ yếu là tách chất thải rắn và lỏng.

    “Các loại nhà vệ sinh hiện tại trên toàn cầu chỉ đơn giản thải vào trong nước. Trong khi với những nhà vệ sinh không có bể phốt và thiếu nước thì sẽ là vấn đề khác. Những người làm vệ sinh sẽ xử lý các chất thải này bằng cách sử dụng các chất hoá học hoặc đốt”, Bill Gates cho biết.

    Tuy nhiên, với công nghệ nhà vệ sinh mới, Bill Gates cho rằng chúng ta có thể thực hiện việc xử lý hóa chất với chất thải ở cấp hộ gia đình.

    Trên thực tế, vấn đề mất vệ sinh đã giết chết nửa triệu trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm và chi phí toàn cầu phải chi 200 tỷ đô la một năm cho chi phí chăm sóc sức khỏe của người bệnh.

    Hiện tại, quỹ của Gates đã cam kết sẽ tài trợ khoảng 200 triệu USD cho dự án nhà vệ sinh độc đáo này và dự kiến sẽ chi một khoản tiền tương tự trước khi nhà vệ sinh có khả năng phân phối trên quy mô rộng.

    Thể hiện sự tâm huyết của mình, trong bài phát biểu tại sự kiện ở Bắc Kinh, Bill Gates thậm chí sẵn sàng đưa ra ví dụ là một lọ đựng phân người để minh họa tầm quan trọng của việc cải thiện vệ sinh.

    “Trong bình này có thể có 200 nghìn tỷ virut rota có khả năng gây bệnh tiêu chảy, 20 tỷ vi khuẩn Shigella và 100.000 trứng giun ký sinh”, tỷ phú người Mỹ nhấn mạnh.

    Bill Gates cho biết, ông hi vọng bên cạnh vấn đề cảnh báo về những nguy cơ của việc mất vệ sinh, bước tiếp theo của dự án sẽ là phối hợp với các nhà sản xuất với hi vọng thị trường sản xuất các nhà vệ sinh kiểu mới của ông vừa giới thiệu sẽ đạt doanh thu hơn 6 tỷ USD vào năm 2030.

    Theo Dantri.com.vn (9/11/2018)