Tỷ lệ thất thoát nước tại Việt Nam còn cao, khoảng 21,5%, trong khi đó, công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn còn lạc hậu, công tác quản lý còn nhiều hạn chế. Hiện các đơn vị liên quan đang cố gắng khắc phục những tồn tại, hạn chế này.

Nhiều thách thức

Thứ trưởng bộ Xây dựng, Bùi Phạm Khánh phát biểu tại triển lãm quốc tế ngành Nước và Môi trường lần thứ 10 – Vietwater 2018 (TP.HCM) cho biết: “Nước và môi trường là 2 lĩnh vực quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế – xã hội và chất lượng đời sống của nhân dân.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện chất lượng nước, bảo vệ nguồn nước và môi trường, đẩy mạnh mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới đồng thời có các chính sách huy động các nguồn lực toàn xã hội đầu tư vào 2 lĩnh vực này”.

Đến nay, hoạt động trên đã đạt nhiều kết quả khả quan như: Tổng công suất cấp nước sạch đô thị trên toàn quốc đạt khoảng 9 triệu m3/ngày đêm, tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 85%, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt khoảng 85,5%…


Tỷ lệ thất thoát nước tại Việt Nam còn cao, khoảng 21,5%. (Ảnh minh họa)

Dù vậy, vẫn còn đó rất nhiều thách thức cho việc đảm bảo nguồn nước sạch và môi trường tại Việt Nam. Ông Cao Lại Quang, Chủ tịch hội Cấp thoát nước Việt Nam nhìn nhận: “Tuy đạt được nhiều kết quả quan trọng, song ngành nước Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập, đặc biệt là đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như: Gia tăng dân số đô thị, ngân sách hạn hẹp, năng lực quản lý, ô nhiễm nguồn nước, những cực đoan của biến đổi khí hậu, nhận thức cộng đồng…”.

Nhìn rộng hơn, bà Eliane van Doorn, Giám đốc công ty UBM khu vực ASEAN cũng đánh giá: “Việc bảo vệ nguồn nước và môi trường là những vấn đề thách thức không chỉ riêng tại Việt Nam mà còn trên khắp thế giới. Chúng ta đang phải đối mặt với hiện tượng trái đất ngày càng nóng lên, thiếu hụt nguồn tài nguyên và nhu cầu ngày càng cao do dân số tăng”.

Trong khi đó, có một thực trạng là tỷ lệ thất thoát nước tại Việt Nam còn cao. Nêu con số thống kê, ông Khánh cho biết: “Tỷ lệ thất thoát nước còn cao, khoảng 21,5%, tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý rất thấp, khoảng 12%. Ngoài ra, tỷ lệ chất thải rắn xử lý bằng biện pháp chôn lấp trên 75% trong khi đó, công nghệ xử lý nước thải, chất thải rắn còn lạc hậu, công tác quản lý còn nhiều hạn chế”.

Không đánh đổi

Bà Eliane van Doorn cho rằng: “Tại Việt Nam, sự phát triển bùng nổ, đô thị và công nghiệp hóa cũng khiến chúng ta cần phải quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực nước và môi trường”.

Để khắc phục các vấn đề nêu trên, ông Quang cho biết: “Trước những khó khăn thách thức đó, ngành nước Việt Nam đang tập trung ưu tiên cho việc đổi mới chính sách, thu hút các nguồn lực cho đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến từ bạn bè quốc tế”.

Dù tập trung nguồn lực cho 2 lĩnh vực này nhưng ông Khánh cũng khẳng định không có sự đánh đổi giữa môi trường để phát triển kinh tế. “Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội và phát triển đô thị, chúng ta đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về ô nhiễm nguồn nước, không khí và chịu tác động của biến đổi khí hậu. Nhận thức rất rõ về tầm quan trọng của nước và môi trường, Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ: Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững”, ông Khánh nói.

“Quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong những năm qua luôn gắn liền với tốc độ phát triển đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Do đó, yêu cầu về quản lý hệ thống đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị bền vững luôn là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Đặc biệt là định hướng phát triển đô thị theo hướng đô thị thông minh, tăng trưởng xanh, tiết kiệm năng lượng, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0”, ông Khánh khẳng định thêm.

Theo NĐT/moitruong.com.vn (10/11/2018)