30 C
Hanoi
Thứ hai, Tháng mười một 18, 2024
More
    Home Blog Page 374

    Đồ nhựa dùng một lần đi ngược xu thế xanh

    0

    Sử dụng đồ nhựa dùng một lần làm tăng lượng rác thải nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống trong nhiều năm, và gây nguy hại cho sức khỏe con người.

    Ở Việt Nam cũng đã có những cuộc vận động, khuyến cáo người dân nên hạn chế sử dụng túi ni lông, ly nhựa, hộp nhựa dùng một lần để đựng thức ăn, đồ uống. Thế nhưng đồ nhựa dùng một lần lại ngày càng phổ biến, đến mức dần thay thế cho các loại vật liệu khác.

    Tràn lan đồ nhựa dùng một lần

    Hiện nay, đồ nhựa dùng một lần đang dần chiếm thị trường đến mức đáng báo động. Khảo sát nhanh tại một số tiệm bán nước cam vắt, trà sữa, nước mía, đồ ăn nhanh gần các trường học, bệnh viện và dọc một số tuyến đường trên địa bàn TPHCM, đều thấy cũng có một điểm chung là đều sử dụng ly, muỗng, ống hút, hộp đựng mang về bằng nhựa bán cho khách hàng, kể cả khách uống tại quán lẫn mang đi.

    Chúng tôi ghé vào một quán cà phê của một thương hiệu nổi tiếng có chi nhánh tại đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) và ghi nhận tất cả các loại đồ uống đều được đựng trong những chiếc ly nhựa, đi kèm muỗng nhựa, ống hút nhựa. Tiếp tục ghé vào một quán trà sữa của một thương hiệu được nhiều bạn trẻ biết đến có chi nhánh tại đường Phan Văn Trị (quận Gò Vấp), cũng thấy như vậy. Ở đây, dù là khách uống tại chỗ hay mang đi, quán đều bán theo dạng combo, gồm ly, ống hút, muỗng, tất cả đều bằng nhựa. Khi chúng tôi nêu thắc mắc về việc sao không sử dụng ly bằng thủy tinh hoặc bằng sứ để uống ngon hơn, lịch sự hơn, một nhân viên tại quán này cho biết: “Sử dụng ly nhựa dùng một lần để đỡ tốn thời gian rửa; uống xong chỉ việc vứt vào thùng rác”.


    Một số cửa hàng cho dù khách uống tại chỗ vẫn dùng các ly nhựa, muỗng nhựa, ống hút nhựa.

    Các loại đồ nhựa sử dụng một lần đang bán tràn lan trên thị trường gồm đủ chủng loại, màu sắc bắt mắt mà giá lại rất rẻ. Giá ly nhựa chỉ từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/100 cái; muỗng nhựa chỉ 20.000 đồng/100 cái; ống hút nhựa 19.000 đồng/100 cái.

    Chính vì giá thành rẻ hơn các loại vật liệu khác, và tiện dụng nên những loại đồ nhựa dùng một lần đang được nhiều cửa hàng đồ uống, thức ăn nhanh sử dụng tràn lan.

    Với mục đích bỏ qua việc rửa ly chén, nhờ vậy giảm chi phí thuê nhân công, các cửa hàng ăn uống chuyển sang sử dụng đồ nhựa dùng một lần không cần quan tâm đến những mối nguy hại từ loại vật liệu này gây ra.

    Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người

    Giá rẻ, tiện dụng và sự dễ dãi của người tiêu dùng Việt Nam đã giúp đồ nhựa dùng một lần trở thành phổ biến. Vì thế lượng rác thải nhựa ngày càng tăng lên, đây là một thách thức lớn đối với môi trường sống. Rác thải nhựa khi vào môi trường tự nhiên phải cần tới 400 – 500 năm để phân hủy hoàn toàn.

    Các vi hạt độc hại có trong đồ nhựa có thể phân tán ngấm vào lòng đất, nguồn nước, hủy hoại môi trường sinh thái. Chưa kể các loại đồ nhựa rẻ tiền, không đảm bảo an toàn, khi sử dụng các chất nguy hại có thể hòa tan với đồ ăn thức uống, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

    Ở Việt Nam việc sử dụng tràn lan các loại ly, chén, muỗng, ống hút, hộp đựng mang về bằng nhựa như hiện nay đang đi ngược lại với xu thế xanh của thế giới. Nhiều nước đã có những biện pháp chặt chẽ để giảm thiểu tối đa lượng rác thải nhựa ra môi trường. Ngày 31-10-2018, Hội đồng Châu Âu gồm các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), đã ra quyết định ủng hộ việc chấm dứt sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.

    Quyết định này của Hội đồng châu Âu là bước tiến quan trọng đưa EU tiến gần hơn tới việc cấm hoàn toàn các sản phẩm vốn chiếm một lượng khổng lồ trong rác thải đại dương, bảo vệ môi trường trong bối cảnh rác thải nhựa đang làm ô nhiễm các con sông, bờ biển và đại dương trên thế giới.

    Ngoài ra, Hội đồng châu Âu còn đưa ra đề xuất các công ty nhập và xuất khẩu các sản phẩm nhựa phải chia sẻ chi phí thu gom rác thải nhựa cùng với các hãng sản xuất đồ nhựa theo đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC, cơ quan hành pháp EU). Hội đồng châu Âu cũng kêu gọi đề ra mục tiêu giảm mức tiêu thụ sản phẩm nhựa dùng một lần tại những nước chưa có sản phẩm thân thiện môi trường thay thế.

    Trong bối cảnh đó, nước ta cần có những biện pháp mạnh để giảm thiểu lượng rác thải nhựa, hạn chế tác động xấu đến môi trường sống. Các cửa hàng ăn uống và người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đồng thời chọn các vật dụng từ các vật liệu khác như gỗ, thủy tinh, gốm, sứ… có thể tái sử dụng nhiều lần và thân thiện với môi trường.

    Theo Saigongiaiphong.vn (12/12/2018)

    Chăn điện phát nổ: Nhà cháy tan hoang, người dùng “thoát chết”

    0

    Chăn điện kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; người tiêu dùng sử dụng sai cách… là châm “ngòi” cho những vụ cháy nổ vào mùa Đông.

    Những ngày gần đây, thời tiết bắt đầu trở lạnh xuống còn 11-15 độ C. Đây là thời điểm các gia đình, đặc biệt là nhà có trẻ nhỏ, người nhà… đã sử dụng thiết bị máy sưởi, chăn điện… để chống ấm, lạnh. Bên cạnh những tác dụng hiệu quả, cần đề phòng khi sử dụng, tránh chủ quan gây cháy, nổ.

    Đêm 11/12, tại một căn nhà trên phố Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội bị cháy rụi vì chăn điện phát nổ khiến nhiều người lo lắng. Hình ảnh này nhanh chóng được lan tỏa trên cộng đồng mạng.

    Quan sát hình ảnh đăng tải, các thiết bị trong gia đình như: tivi, điều hòa, giường chiếu đều bị cháy, đồ đạc nằm ngổn ngang. Chia sẻ từ chủ nhân bức ảnh, lực lượng cứu hỏa đã tới kịp thời, ngọn lửa đã được khống chế, không xảy ra thiệt hại nặng nề về người.

    Bình luận về vấn đề chăn điện phát nổ, tài khoản Nguyễn Thạch An cho hay, gia đình cũng đang sử dụng chăn điện Hàn Quốc và khi nhìn thấy bức ảnh trên cũng bắt đầu lo lắng khi sử dụng sản phẩm này. Tài khoản Nguyễn Đức Mạnh bày tỏ “Đang định mua đệm điện cho bố mẹ dùng ở quê. Sợ quá! Chả biết mua ở đâu cho chất lượng?”.


    Căn phòng không còn gì sau khi chăn điện phát nổ. Ảnh Nguyễn Chang

    Trước đó, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã đưa tin, trên thị trường hiện nay xuất hiện không ít loại chăn điện giá rẻ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ… có nguy cơ gây cháy, nổ; đặc biệt khi sử dụng sai cách.

    Hiện, giá các loại chăn điện dao động từ 300.000 đồng đến 2.000.000 đồng, tùy loại. Ví dụ, chăn Nhật Bản dao động từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng; chăn Hàn Quốc giá “mềm” hơn, từ 900.000 đồng đến 1,2 triệu đồng; chăn Trung Quốc giá từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

    Chăn điện Hàn Quốc bên ngoài có 2 lớp vải, giống như chăn đắp thông thường. Còn chăn Trung Quốc chỉ có 1 lớp dạ mỏng. Tất cả những loại chăn này đều có dây điện luồn bên trong và có hộp cảm biến nhiệt bên mép chăn. Người dùng chỉ cần cắm điện sau 15, 20 phút là có thể dùng được.

    Nói về chăn điện mùa đông, các kỹ sư điện cho hay, chăn điện là thiết bị điện nên có thể gây cháy, giật nếu sử dụng không đúng cách. Không được giặt chăn điện bởi nó có thể gây ướt bộ điều khiển, khi cắm điện vào sẽ gây chập cháy. Với người già, trẻ nhỏ, không kiểm soát được việc tiểu tiện thì cũng không nên dùng chăn điện bởi các dây điện trong chăn có thể bị đứt, ngấm nước mà người sử dụng không biết nên khi cắm điện vào sẽ gây giật.

    Các chuyên gia khuyến cáo, người sử dụng chăn điện cũng không nên cắm điện cả đêm khi ngủ bởi tuổi thọ của dây điện tính theo giờ, nếu cắm nhiều quá có thể khiến dây điện bị nóng nhiều, dễ ải, gẫy gây rò, chập điện. Chăn có bền hay không tùy thuộc vào chất lượng của nó, có khi là vài năm, nhưng cũng có khi chỉ vài tháng…

    Tiến sĩ Lê Thanh Hải, Phó GĐ Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo không cho trẻ em đắp chăn điện, đặc biệt là chăn không rõ nguồn gốc. Bởi nó có thể xảy ra tình trạng điện giật, dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Người già thiếu minh mẫn không nên sử dụng chăn điện vì không kiểm soát được nhiệt độ của chăn khi xảy ra sự cố ở hộp cảm biến nhiệt sẽ gây bỏng, cháy. Sử dụng chăn điện lâu dài sẽ gây khô da, tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tâm thần.

    Do đó, để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình, người tiêu dùng hãy chọn lựa sản phẩm chăn điện có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và hiểu rõ cách sử dụng. Bên cạnh đó, đề nghị đơn vị quản lý thị trường các cơ quan liên quan nhanh chóng kiểm tra, xử lý nghiêm những cửa hàng bán chăn điện không rõ nguồn gốc, chất lượng kém.

    Theo Triệu Vy/vietq.vn (14/12/2018)

    Năng lượng nào thay thế các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt?

    0

    Một trong những nguồn năng lượng có thể thay thế các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt (dầu và khí tự nhiên) nằm ngay dưới chân chúng ta, đó là nhiệt từ đá nằm sâu trong lòng đất.

    Con người đã học được cách khai thác loại năng lượng này từ đầu những thập kỷ 60, nhưng mọi chuyện chỉ mới dừng lại ở các trạm nhiệt điện thử nghiệm. Không chỉ chi phí cao và những khó khăn về công nghệ ghìm chân của tiến bộ, mà cả ảnh hưởng tiêu cực của dư luận.

    Năng lượng địa nhiệt là một trong những lĩnh vực hứa hẹn nhất, mà theo như mong đợi của các nhà khoa học sẽ có khả năng thay thế năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.

    Khác với dầu và than, là các loại nhiên liệu cần bỏ công khai thác, vận chuyển, thậm chí tái chế, nhiệt của trái đất có thể được sử dụng ngay lập tức. Do quá trình phân hủy phóng xạ, lớp đất trong lõi của hành tinh được nung nóng đến nhiệt độ cao.

    Ở độ sâu 3km, nhiệt độ có thể lên tới 150 độ C, còn ở độ sâu 10 km nhiệt độ có thể lên tới 300 độ C. Nhiệt trong lòng đất không đổi, nó không phụ thuộc vào thời tiết và các điều kiện bên ngoài khác. Đá nóng có ở khắp mọi nơi trên hành tinh.

    Tiếp cận chúng không phải là một vấn đề, vì các công nghệ khoan sâu đã phát triển ở mức độ cao trên thế giới. Năng lượng địa nhiệt có khả năng hoạt động ngay cả khi lòng đất không đủ nóng, ví dụ chỉ ở mức nhiệt độ là khoảng 80 độ.

    Trong trường hợp này sẽ áp dụng chu trình nhị phân: thông qua bộ trao đổi nhiệt, nhiệt từ giếng được truyền đến các hydrocacbon lỏng — một chất lỏng dễ sôi. Hơi nước hình thành trong quá trình này được đưa đến tuabin, để rồi cuối cùng tạo ra điện.

    Công nghệ này đủ để cung cấp năng lượng vĩnh viễn cho nhân loại, đây là khẳng định trong bài báo cáo của viện sĩ Sergei Alekseenko, công tác tại Viện Vật lý Nhiệt mang tên S. S. Kutateladze, chi nhánh Siberia thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga.

    Hiện nay trên thế giới có 22 trạm địa nhiệt điện đang hoạt động, phần lớn nằm tại châu Âu. Trong đó, 14 trạm sản xuất điện, các trạm còn lại phục vụ việc sưởi ấm.

    Tuy nhiên, công nghệ mới này đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất, việc khoan sâu có chi phí rất cao, chiếm hầu hết ngân sách dự án. Thứ hai, nứt vỡ thủy lực kéo theo những hậu quả về môi trường: từ tình trạng hủy hoại thổ nhưỡng cho tới ô nhiễm nước ngầm, thậm chí có thể dẫn đến động đất nhân tạo.

    Tạm thời năng lượng địa nhiệt điện chưa phát triển mạnh. Công chúng phản đối công nghệ này, tương tự như phản đối năng lượng hạt nhân và năng lượng gió, chôn vùi carbon dioxide dưới lòng biển ở thềm lục địa.

    Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn không mất đi niềm hy vọng, đồng thời dự đoán rằng vào cuối thế kỷ 21, tỷ trọng của địa nhiệt điện trong tổng sản xuất năng lượng toàn cầu sẽ gia tăng.

    Theo Dantri.com.vn (13/12/2018)

    Mùa Đông năm 2018 sẽ có mưa và rét nhiều

    0

    Đó là nhận định của ông Nguyễn Đức Hòa (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương) về diễn biến thời tiết mùa Đông năm 2018 – 2019.

    Tại các tỉnh phía Bắc, thời tiết năm nay có những diễn biến khác thường. Đến thời điểm này, trời mới trở lạnh nhưng lại lạnh sâu.

    Để có những giải thích mang tính chuyên môn về diễn biến bất thường năm nay, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hòa (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương).

    Ông Hòa cho biết, trong nửa cuối tháng 11 đến nửa đầu tháng 12, không khí lạnh hoạt động tương đối kém, do vậy hiện tượng ngày có nắng với nhiệt độ trên 30oC vẫn xảy ra.

    Tuy nhiên, từ ngày 8/12, một đợt không khí lạnh rất mạnh đã ảnh hưởng đến khu vực miền Bắc khiến trời trở rét, thậm chí rét đậm, rét hại.

    Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do không khí lạnh mạnh kết hợp với dòng xiết gây mưa khiến nền nhiệt độ hạ xuống thấp.

    Cũng theo ông Hòa, so với mọi năm, hiện tượng rét đậm, rét hại không quá đột biến, tuy nhiên xảy ra sớm hơn. Thông thường rét đậm, rét hại xảy ra vào nửa cuối tháng 12 hàng năm.

    Theo nhận định, hiện tượng El Nino đang chuyển pha, do vậy khả năng nửa đầu mùa Đông năm nay sẽ có mưa và rét nhiều. Tới nửa cuối mùa Đông (từ tháng 2 trở đi), nền nhiệt có thể có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm.

    Đáng chú ý, đến nửa cuối tháng 12/2018 và tháng 1/2019, khả năng sẽ có đợt không khí lạnh hoạt động mạnh và gây ra những đợt rét đậm, rét hại.

    Theo vtv.vn (12/12/2018)

    Rác điện tử được tái chế như thế nào?

    0

    Các linh kiện điện tử sau khi được tháo rỡ, các bo mạch được loại bỏ tụ điện, pin… Sau đó bo mạch được đưa vào hệ thống để phân tách thành nhựa và kim loại. Các sản phẩm sau khi được phân tách sẽ được đưa vào tái sử dụng. 

    Theo moitruongcongnghiepxanh.vn (11/12/2018)

    Mỹ tham vọng che lấp Mặt trời giảm nhiệt cho Trái đất

    0

    Các chuyên gia đến từ đại học Harvard và Yale (Mỹ) đã đưa ra phương án đầy táo bạo khi tuyên bố về dự án che lấp Mặt trời nhằm giảm nhiệt cho Trái đất.

    Theo tờ CNN, Trái đất nóng lên, biến đổi khí hậu vẫn đang ngày ngày diễn ra. Nhiều giải pháp đã được đề xuất thực hiện nhưng hiệu quả không rõ rệt.

    Theo thống kê, nhiệt độ đang tăng dần theo từng năm, băng tan, khí hậu ngày càng trở nên cực đoan.

    Mới đây, các chuyên gia từ đại Học Harvard và Yale đã đề xuất phương án sử dụng máy phun một lớp hóa chất vào bầu khí quyển để che mờ ánh sáng Mặt trời.

    Các chuyên gia sẽ sử dụng công nghệ phun tầng bình lưu (stratospheric aerosol injection – SAI), xịt một lượng lớn phân tử sulfate vào tầng bình lưu ở độ cao khoảng 20.000m. Số hóa chất này được chuyển lên nhờ khí cầu, máy bay, hoặc bằng súng. Theo các chuyên gia, tốc độ Trái đất nóng lên có thể bị cắt giảm đi phân nửa nhờ phương án này.

    Tuy nhiên, hiện nay công nghệ phun tầng bình lưu chưa được phát triển, và hiện cũng chưa có thiết bị nào đủ khả năng làm được chuyện đó.

    Theo các chuyên gia việc phát triển công nghệ này là không khó và chi phí cũng không quá tốn kém. Ước tính hệ thống sẽ được phát triển trong vòng 15 năm với chi phí khoảng 3,5 tỉ USD, cộng thêm khoảng 2,25 tỉ đỗ mỗi năm trong vòng 15 năm kế tiếp để duy trì hoạt động.

    Tuy nhiên đây mới chỉ là đề xuất thôi, mọi thứ hoàn toàn là lý thuyết. Và nhóm nghiên cứu cũng hoàn toàn nhận thức được rủi ro của giải pháp này chính là sự đồng thuận của nhiều quốc gia, vì SAI có khả năng gây ảnh hưởng đến sản lượng nông sản các nước.

    Ngoài ra, rủi ro gây hạn hán, thậm chí tạo ra khí hậu cực đoan cũng là không nhỏ. SAI cũng không giải quyết được nguyên nhân chính gây ra hiện tượng Trái đất nóng lên là hiện tượng nhà kính.

    Philippe Thalmann, chuyên gia kinh tế khí hậu người Pháp chia sẻ ý kiến phản đối rằng: “Dưới góc độ của một nhà kinh tế khí hậu, việc kiểm soát bức xạ từ Mặt trời là giải pháp tệ hơn so với việc xử lý khí thải nhà kính: tốn nhiều tiền hơn, rủi ro cao hơn”.

    David Archer, chuyên gia khí tượng từ Đại học Chicago nói: “Vấn đề với phương pháp này đó là nó gì có tác dụng tạm thời, trong khi đây lại là vấn đề dài hạn. Lượng khí thải nhà kính vẫn ở đó, vẫn khiến Trái đất nóng lên về lâu dài thôi”.

    Theo Infonet.vn (11/12/2018)

    Pin cúc áo có thể gây bỏng hóa học và gây tử vong trong vài giờ

    0

    Nếu nuốt phải pin cúc áo nó sẽ có những phản ứng hóa học gây bỏng cổ họng, đường hô hấp và thậm chí gây tử vong.

    Pin cúc áo hay còn gọi là pin nút thường có trong các loại đồ chơi ở trẻ hoặc các loại điều khiển từ xa. Điều này cực kỳ có hại cho trẻ nhỏ vì chúng dễ nuốt phải.

    Pin có chiều rộng từ 2cm trở lên thậm chí có thể nguy hiểm hơn vì chúng đủ lớn để bị kẹt trong cổ họng của trẻ. Khi nuốt phải loại pin này có thể gây ra thương tích nặng thậm chí tử vong.

    Khi nuốt phải loại pin này có thể gây bỏng hóa học. Ảnh: Dailymail

    Giáng sinh sắp đến, rất nhiều loại đồ chơi có sử dụng loại pin này sẽ là mối họa tiềm ẩn. Mới đây, một cảnh báo được đưa ra sau những nghiên cứu của các nhà điều tra sức khỏe về trường hợp của một đứa trẻ đã chết trong năm nay sau khi nuốt phải một viên pin.

    Tiến sĩ Kevin Stewart – Giám đốc Chi nhánh điều tra an toàn chăm sóc sức khỏe (HSIB) cho biết: “Loại pin này là một nguy cơ khó lường đối với trẻ nhỏ. Hậu quả của việc nuốt một nút pin có thể vô cùng khủng khiếp”.

    Các chuyên gia cảnh báo, khi nuốt phải những viên pin này chúng sẽ tiếp xúc với niêm mạc miệng, mũi, họng,… các bề mặt ướt có thể kích hoạt phản ứng hóa học của viên pin, chúng giải phóng điện tích và phản ứng này có thể gây bỏng nặng cho bề mặt tiếp xúc của nó. Ngoài ra nó còn cản trở việc nuốt và thở.

    Katrina Phillips, giám đốc điều hành của Phòng chống Tai nạn trẻ em cho biết: “Nhiều loại đèn trang trí, đèn nhấp nháy trong dịp Giáng sinh sử dụng loại pin cúc áo này. Với trẻ em, sự tò mò có thể khiến chúng cho bất cứ thứ gì vào miệng do đó nó tiềm ẩn hiểm họa khôn lường. Chúng tôi khuyến cáo các gia đình hay để những sản phẩm này ngoài tầm với của trẻ và hết sức cẩn trọng với những đồ sùng sử dụng loại pin này”.

    Tiến sĩ Stewart của HSIB cho hay: “Loại pin này có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi, từ đồ chơi đến các thiết bị như điều khiển từ xa,… Dịp lễ hội này, chúng tôi kêu gọi các gia đình cần cảnh giác hơn và có biện pháp phòng ngừa với tất cả những đồ dùng có loại pin này”.

    Pin cúc áo này là loại pin mỏng có thể kẹt trong cổ họng rất nguy hiểm vì trẻ có thể nhầm chúng với kẹo. Khi pin bị kẹt trong cơ thể, nó sẽ tạo ra dòng điện khi nó tiếp xúc môi trường có nước dẫn đến sự tích tụ của xút ăn da gây bỏng đáng sợ.

    Mặc dù pin mới độc hại hơn nhưng ngay cả những viên pin không còn hoạt động nữa thì cũng cần nhanh chóng vứt chúng một cách cẩn thận.

    Theo Dailymail/vietq.vn (8/12/2018)

    Thực phẩm nhuộm màu tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe

    0

    Việc lạm dụng phẩm màu không nằm trong danh mục cho phép để chế biến thực phẩm, gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của người tiêu dùng không còn xa lạ.

    Bệnh nhi D. G. H (8 tuổi, ở Hà Nội) bị tan máu cấp nặng, đe dọa tính mạng do ăn thịt bò khô tự làm có sử dụng phẩm màu không rõ nguồn gốc. H nhập viện trong tình trạng thiếu máu cấp nặng, sốt cao, tiểu đỏ. Qua quá trình thăm khám và xét nghiệm, được biết đây là trường hợp cơn tan máu điển hình. Sàng lọc tất cả các nguyên nhân tan máu cho thấy nghi ngờ tan máu do nhiễm độc. Trước đó, H đã ăn thịt bò khô có nhuộm phẩm màu không rõ nguồn gốc.

    Hàng loạt thức ăn như chim rán, vịt quay, hạt dưa, mứt kẹo, thịt bò khô tự làm, nước giải khát… được nhuộm màu thực phẩm xuất hiện khắp nơi trên thị trường. Việc lạm dụng quá mức các phẩm màu để tạo màu sắc cho thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

    Phẩm màu có hai loại, gồm phẩm màu tự nhiên và hóa học.

    Việc buôn bán các loại hương liệu, phẩm màu chưa được quản lý chặt chẽ. Trên thị trường, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua các loại phẩm màu không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không được phép sử dụng trong thực phẩm.

    Vào dịp Tết Nguyên đán, các loại bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, vịt quay, giò chả… với muôn vàn chủng loại, màu sắc “bắt mắt” tràn ngập thị trường và theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng tùy tiện những loại thực phẩm có chứa phẩm màu ngoài danh mục cho phép có thể dẫn đến nhiều loại bệnh nguy hiểm.

    Bộ Y tế đã lên danh mục 21 chất màu (gồm 11 chất màu tự nhiên, 10 chất màu tổng hợp) được phép sử dụng trong thực phẩm. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học – thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), đối với thực phẩm, việc quy định chất tạo màu vô cùng nghiêm ngặt, theo đó, nhà sản xuất chỉ được sử dụng các loại màu thực phẩm đã được cơ quan chức năng cho phép.

    Phẩm màu có hai loại, gồm phẩm màu tự nhiên và hóa học. Phẩm màu tự nhiên thường có màu sắc không rực rỡ do được chiết suất từ chất hữu cơ như củ, quả, lá… Do vậy, khi chế biến, người dùng phải sử dụng một lượng lớn thì mới tạo được màu sắc bắt mắt cho thực phẩm.

    Phẩm màu hóa học thì ngược lại, dùng lượng ít nhưng màu sắc rất rực rỡ. “Bằng mắt thường khó có thể phân biệt đâu là phẩm màu tự nhiên, đâu là phẩm màu hóa học. Tuy nhiên, thực phẩm có màu càng sặc sỡ thì nguy cơ dùng phẩm màu hóa học càng cao, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người càng nghiêm trọng”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.

    Cũng theo PGS.TS Thịnh, thông thường, không ai dùng phẩm màu tự nhiên quá ngưỡng cho phép vì nó quá đắt tiền, nhưng thường dùng vượt ngưỡng đối với phẩm màu hóa học hoặc phẩm màu công nghiệp (loại màu tuyệt đối không được sử dụng cho thực phẩm).

    Khi sử dụng những loại thực phẩm có nhiều phẩm màu, người tiêu dùng có thể bị ngộ độc cấp tính với những triệu chứng như nôn, có khi nôn ra máu, đau bụng, đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu), có thể không sốt hoặc sốt cao trên 38 độ C, thậm chí bị suy gan, suy thận…

    Theo Laodong.com.vn (11/12/2018)

    Hai sinh viên biến nilông tái chế thành gạch lát nền

    0

    Tận dụng lượng túi nilông thải ra ngày một lớn để tạo ra thứ gì đó, ý tưởng này đã kết nối hai sinh viên không cùng chuyên ngành song lại có chung đam mê cùng mày mò khám phá.

    Gạch lát nền từ túi nilông tái chế và cát. Bài toán nghe có vẻ hơi lạ lùng ấy được Vũ Văn Dương và Phạm Mạnh Đình (sinh viên năm 2 ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) đi tìm lời giải. Và họ đã tạo ra sản phẩm ban đầu sau nhiều ngày miệt mài tìm tòi, những đêm không ngủ.

    Giải quyết rác thải nilông

    Chính xác thì ý tưởng làm gạch từ nilông và cát là gợi ý của một thầy giáo dạy Mạnh Đình lúc học phổ thông. Vô tình một lần nấu bếp ở nhà, nhìn đám vỏ trấu cháy trộn với bao nilông trong bếp, Đình tìm thấy một loại hỗn hợp và nghĩ chắc sẽ làm ra thứ gì đó. Và Đình làm thiệt, tạo ra một loại vật liệu từ vỏ trấu và nhựa nilông, đã từng đoạt một giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho học sinh.

    Gợi ý của người thầy năm xưa theo Đình vào trường đại học. Đình không chọn học xây dựng mà theo công nghệ thông tin. Nhưng như một cái duyên, Đình lại ở chung phòng ký túc xá với Vũ Văn Dương, sinh viên khoa kỹ thuật xây dựng.

    Một lần tình cờ nói chuyện cùng nhau, hai cậu bạn ấy quyết định bắt tay nhau chế tác thử loại vật liệu từ cát và bao nilông. Mỗi chiều hai anh chàng lại rủ nhau ra chợ Tăng Nhơn Phú (Q.9) lượm… bao nilông mang về rửa sạch, phơi khô làm nguyên liệu. Được cái mấy cô bán hàng ở chợ cũng thương. Không biết tụi nhỏ nhặt túi nhựa về làm gì nhưng thấy ngày nào cũng ra xin nên họ gom lại, đợi tới chiều hai đứa ra thì cho.

    Vũ Văn Dương và Phạm Mạnh Đình (từ trái qua) tại xưởng thí nghiệm của trường thực hiện mẫu nghiên cứu – Ảnh: Q.L.

    Nhà đứa nào cũng vất vả nhưng mỗi tháng đều nhín từ tiền ăn 200.000 đồng để mua cát làm thí nghiệm. Không có thiết bị, cả hai tự mày mò tận dụng bất cứ thứ gì có được để làm. Đến máy ép thành phẩm cũng mua vật dụng về tự chế.

    “Tụi mình rất nhớ ơn cô Nguyễn Thị Ngọc Thủy, giảng viên khoa khoa học ứng dụng, nhờ cô mà suốt hai tháng trời tụi mình có không gian làm các thí nghiệm dù phải tranh thủ làm đêm, có hôm thức tới khuya” – hai bạn khoe.

    Vật liệu UNC

    Hai tháng trời cho hơn 60 mẫu thử khác nhau. Mỗi mẫu ra đời, Đình và Dương khi lên lầu 3, lúc leo lầu 5 thả mạnh xuống đất để đo độ chịu lực của gạch. Cuối cùng, cả hai cũng tìm ra tỉ lệ pha trộn nhất định giữa cát và nilông với nhiệt độ phù hợp, cho ra thành phẩm đầu tiên.

    Vật liệu được đặt tên UNC (U là UTE, tên viết tắt tiếng Anh của ĐH Sư phạm kỹ thuật, N là nilông, còn C là cát), hai bạn mang ứng thí ở hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên trường.

    TS Lê Anh Thắng, giảng viên khoa kỹ thuật xây dựng, kể: “Tôi bị cuốn hút ngay với ý tưởng của hai bạn ấy nhưng khi hỏi về quá trình làm, tôi vừa tức cười vừa thương vì các bạn nghiên cứu nhưng chưa theo chuẩn một công trình khoa học. Tôi muốn giúp các bạn làm nghiên cứu một cách bài bản nên hỏi có cần thầy hướng dẫn không”. Khỏi phải nói hai đứa vui cỡ nào!

    Về với thầy Thắng, các bạn được vào phòng thí nghiệm, được dùng máy, thiết bị của trường để đo các thông số của mẫu gạch làm ra bám theo tiêu chuẩn gạch lát nền hiện tại của Việt Nam. Kết quả khả quan khi các thí nghiệm về độ nén – uốn, va đập của mẫu đều đạt hoặc vượt theo tiêu chuẩn chung.

    “Thầy hỗ trợ tụi mình nhiều lắm, còn trích cả tiền túi cho hai đứa mua nguyên liệu. Quan trọng là tụi mình được sử dụng các thiết bị làm thí nghiệm mà trước đó có mơ cũng chưa dám nghĩ đến” – Đình cho biết.

    Dù đã có trong tay vài giải thưởng cho nghiên cứu đầu tay song cả hai đều nhận ra con đường phía trước mới chỉ là bắt đầu.

    “Hai đứa dưới sự hướng dẫn của thầy sẽ tiếp tục thử nghiệm, nghiên cứu thêm để tìm ra sản phẩm tốt nhất có thể” – Dương nói.

    Theo Tuoitre.vn (10/12/2018)

    Nhiệt độ toàn cầu sẽ đạt kỷ lục mới

    0

    Những nghiên cứu về khí hậu đã chỉ ra rằng, tốc độ nóng lên toàn cầu đang diễn ra nhanh chưa từng có trong hàng nghìn năm qua, thậm chí vượt qua các ngưỡng nhiệt kỷ lục trong suốt khoảng thời gian từ khi kết thúc Kỷ băng hà.

    Chưa có thời kỳ nào mà sự gia tăng nhiệt độ lại diễn ra mãnh liệt và nghiêm trọng hơn cả dự báo như ngày nay. Công trình công bố trên Tạp chí Nature Communications mới đây đã phát đi cảnh báo, trong 5 năm tới (2018-2022), nhiệt độ toàn cầu sẽ đạt kỷ lục mới.

    Không chỉ bởi con người

    Bắc Cực vừa trải qua mùa đông bất thường trong năm 2017 với nhiệt độ trung bình cao hơn 2,2oC, trong khi bán đảo Nam Cực đang được xanh hóa. Những nơi vốn xưa nay được bao phủ bởi những lớp băng dày, là nguồn dự trữ nước ngọt khổng lồ, thì giờ đang tan chảy, nhường chỗ cho những thảm rêu xanh mướt. Không chỉ ở hai cực của Trái đất, hàng loạt hiện tượng thời tiết bất thường đã và đang xảy ra với tần suất cao ở khắp các châu lục.

    Năm 2017 cũng là năm mà những cơn bão hoành hành trên biển Đông đạt mức kỷ lục (16 cơn bão và 4 áp thấp). Người dân trên khắp thế giới “điêu đứng” vì làn sóng nhiệt bao trùm khắp bắc bán cầu. Bão nhiệt lan rộng từ châu Á đến châu Âu và sang cả bắc Mỹ. Tổ chức Khí tượng thế giới đã liên tục phát đi cảnh báo về nhiệt độ trung bình hàng tháng đã chạm mức kỷ lục. Ở Nhật Bản, chỉ tính riêng đợt nắng nóng tháng 7/2018 đã cướp đi sinh mạng của 50 người. Hạn hán, cháy rừng đã thực sự trở thành nỗi kinh hoàng của người dân nhiều nơi trên thế giới.

    Các nhà khoa học cho rằng, những diễn biến cực đoan của thời tiết là hệ quả của sự ấm lên toàn cầu. Đây được xem là quá trình không thể đảo ngược. Mới đây, các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo, Trái đất đang ở trạng thái khí nhà kính không kiểm soát được. Từ trước đến nay chúng ta đều cho rằng, hoạt động của con người (thông qua sản xuất công nghiệp, chặt phá rừng, sử dụng nhiên liệu hóa thạch…) là nguyên nhân duy nhất làm tăng phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, những yếu tố nội tại cũng góp phần làm gia tăng phát thải khí nhà kính. Quá trình này diễn ra ngày càng mạnh mẽ khi Trái đất nóng lên.

    Một lượng lớn khí mêtan (CH4) đang được giải phóng từ các lớp băng dày vùng cực. Loại khí này có tác dụng giữ nhiệt và góp phần làm gia tăng nhiệt độ của Trái đất. Nhiệt độ tăng cũng khiến băng ở vùng cực tan chảy, làm lộ ra những lớp băng vĩnh cửu nơi lưu giữ một lượng lớn CO2. Lượng khí này được bổ sung vào khí quyển trong khi số lượng cây xanh trên Trái đất ngày càng ít đi (do chặt phá rừng, lụt lội, sa mạc và quá trình đô thị hóa). Bên cạnh đó, sự phun trào của núi lửa đã phóng thích bụi vào bầu khí quyển và đây cũng là nguyên nhân làm Trái đất ấm hơn.

    Các nhà khoa học dự đoán, có khoảng 30% khí CO2, CH4 giải phóng khỏi lòng đất khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên. Để khẳng định chắc chắn điều đó, các nhà khoa học từ Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley (Hoa Kỳ) đã đo đạc bằng phương pháp và kỹ thuật chuyên môn đối với quá trình giải phóng khí nhà kính, họ đã đo được lượng khí nhà kính giải phóng trong vùng đất ấm cao hơn khoảng 34-37% so với các vùng đất khác. Đặc biệt là 40% lượng khí đó tồn tại ở độ sâu dưới 0,15 m.

    Một trong những ngày nắng nóng trong tháng 7/2018 tại Nhật Bản (Ảnh: aP).

    Những kỷ lục mới

    Theo số liệu của Cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), năm 2016 là năm nóng nhất trong lịch sử, tiếp theo là các năm 2017, 2015 và 2014. Dự báo trong vòng 5 năm tới (2018- 2022), nhân loại có thể sẽ phải hứng chịu những đợt nóng bất thường mới, vượt kỷ lục đã từng ghi nhận vào năm 2016. Nhiệt độ các khu vực trên địa cầu tăng đột biến, những đợt sốc nhiệt có thể xảy ra trên các vùng của đại dương khiến nhiều rặng san hô ở vùng nhiệt đới đối mặt với nguy cơ chết hàng loạt, tốc độ tan băng ở hai cực sẽ diễn ra nhanh hơn. Đó là những viễn cảnh được hai nhà khoa học Florian Sevellec – Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) và Sybren Drijfhout – Đại học Southampton (Vương quốc Anh) công bố trên Tạp chí Nature Communications mới đây.

    Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp PROCAST với số liệu thu được từ 10 mô hình khí hậu. Họ xem xét các yếu tố về điều kiện tự nhiên, những tác động của con người đối với sự gia tăng nhiệt độ của hành tinh. Kết quả phân tích từ các mô hình cho thấy, giai đoạn 2018-2022, 58% khả năng nhiệt độ tổng thể của Trái đất sẽ tăng bất thường; 69% khả năng có sự thay đổi mạnh mẽ đối với nhiệt độ các đại dương, trong đó dự báo nhiệt độ đại dương sẽ tăng tới 400% so với hiện nay.

    Thực tế thì sự gia tăng nhiệt độ mạnh mẽ trong 5 năm tới đã bắt đầu. Các số liệu của Viện Nghiên cứu vũ trụ Goddard thuộc NASA cho thấy, năm 2018 nhiệt độ đã bắt đầu tăng cao và chỉ đứng thứ ba so với các mức kỷ lục từng ghi nhận được trong giai đoạn 1951- 1980. Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5/2018, nhiệt độ Trái đất cao hơn 0,87oC so với mức nhiệt trung bình của giai đoạn trên.

    Trái đất đang nóng lên nhưng không phải là nó sẽ ấm dần đều lên theo từng năm. Thay vào đó, có một xu hướng tăng nhiệt độ tổng thể với chu kỳ khoảng 10 năm. Điều này có nghĩa là, mỗi thập kỷ liên tiếp sẽ ấm hơn so với thập kỷ trước đó (tốc độ gia tăng nhiệt độ của Trái đất khoảng 0,17oC/thập kỷ).

    Yếu tố quyết định đến nhiệt độ của Trái đất chính là sự “biến đổi nội tại”. Điều này khác xa so với những gì chúng ta thường nghĩ nguyên nhân ấm lên toàn cầu là do phát thải khí nhà kính. Quá trình biến đổi nội tại cũng có thể tác động làm giảm sự tăng nhiệt trong một vài năm riêng lẻ. Chẳng hạn như năm 2000, sự dao động nhiệt trong các đại dương đã làm cho quá trình tăng nhiệt của Trái đất diễn ra không quá lớn. Tuy nhiên, trong thời gian tới đây, yếu tố biến đổi nội lại sẽ làm cho quá trình nóng lên của Trái đất diễn ra nhanh hơn.

    Những biến đổi nội tại trong hệ thống khí hậu có thể sẽ làm cho bề mặt Trái đất ấm hơn đáng kể so với những gì mà chúng ta từng nghĩ từ việc gia tăng khí nhà kính trong khí quyển. Đây là thông tin quan trọng và vô cùng hữu ích đối với các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và xã hội. Sau bao cuộc thương thảo tưởng như không có hồi kết, cuối cùng chúng ta đưa ra ngưỡng tăng nhiệt của Trái đất là 2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nếu vượt ngưỡng này thì thảm họa có thể xảy ra, thậm chí kích hoạt nhiệt độ Trái đất gia tăng mạnh hơn nữa. Hans Joachim Schellnhuber – Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (Hà Lan) cảnh báo: “Trái đất có thể chuyển sang trạng thái mới cực đoan khi nhiệt độ vượt ngưỡng”.

    Những mô hình thời tiết đang trở thành công cụ hiệu quả giúp chúng ta dự báo những biến đổi của khí hậu trong tương lai. Thật đáng buồn là những dự báo đưa ra đều không phải là tin tốt lành đối với nhân loại. Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhận định giữ ngưỡng nhiệt độ 2oC mà Hiệp định về khí hậu Paris đưa ra là không khả quan. Với các mô hình khí hậu mà các tham số đầu vào là lượng khí phát thải ở mức hiện tại thì kết quả cho thấy nhiệt độ Trái đất có thể tăng 3,2-5,9oC. Đây thực sự là một tiếng chuông cảnh tỉnh nhân loại.

    Theo Tạp chí KH&CN Việt Nam