30 C
Hanoi
Thứ ba, Tháng mười một 19, 2024
More
    Home Blog Page 361

    Phát minh ra cách tạo nhiên liệu hydro từ nước biển

    Các nhà khoa học tại Đại học Stanford đã phát minh ra cách tạo nhiên liệu hydro từ nước biển khi sử dụng năng lượng mặt trời, mở ra khả năng tạo năng lượng sạch không thải khí CO2.

    Các nhà khoa học tại Đại học Stanford đã phát minh ra cách tạo nhiên liệu hydro từ nước biển khi sử dụng năng lượng mặt trời, mở ra khả năng tạo năng lượng sạch không thải khí CO2.

    Nghiên cứu trên được công bố ngày 18/3 trong tạp chí khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences, mô tả phương pháp chống bào mòn khi tách nhiên liệu hydro và khí oxy với điện.

    Nhiên liệu hydro đang được thế giới đầu tư nghiên cứu nhằm phục vụ các dự án trong tương lai. (Nguồn: HydroWorld)

    Các biện pháp phân tách nước hiện nay sử dụng nước đã được thanh lọc vì chất clo trong muối nước biển (được tích điện âm) có thể ăn mòn cực dương, dẫn tới làm giảm tuổi thọ của hệ thống phân tách.

    Theo các nhà nghiên cứu, khi tách hydro và oxy từ nước, khí hydro bay ra theo cực âm và khí oxy thoát ra theo cực dương.

    Nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Dai Hongjie đứng đầu đã phát hiện rằng nếu phủ cực dương bằng những lớp kim loại được tích nhiều điện âm, chính các tấm này sẽ đẩy clo ra và làm chậm quá trình ăn mòn kim loại bên trong đã được che phủ.

    Nếu không có vỏ bọc đã tích điện âm, cực dương chỉ có thể làm việc trong khoảng 12 giờ trong môi trường nước biển mặn, nhưng với lớp bọc này, cực dương có thể hoạt động tốt trong hàng nghìn giờ.

    Phòng thí nghiệm của nhà khoa học Dai Hongjie có thể tạo ra gấp 10 lần lượng điện thông qua thiết bị đa tầng của mình, giúp tạo hydro từ nước biển nhanh hơn.

    Theo các nhà nghiên cứu, trong tương lai, công nghệ này cũng có thể được sử dụng để tạo khí oxy có thể thở được từ đại dương.

    Theo TTXVN/Vietnam+ (21/3/2019)

    Ngưng hiệu lực thi hành một số quy định quy chuẩn quốc gia về môi trường

    Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN & MT) đã ban hành Thông tư 01/2019/TT-BTNMT về việc ngưng hiệu lực thi hành một số quy định quy chuẩn quốc gia về môi trường. Thông tư ban hành nhằm gỡ khó cho tình trạng chậm thông quan hàng phế liệu nhập khẩu.

    Thông tư 01/2019/TT-BTNMT quy định ngưng hiệu lực thi hành một số quy định của Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư số 09/2018/TT-BTNMT như: Ngưng quy định trách nhiệm kiểm tra nhà nước đối với chất lượng phế liệu nhập khẩu (NK) của cơ quan kiểm tra Sở TN&MT – nơi có nhà máy, cơ sở sản xuất sử dụng phế liệu NK tại các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu NK.

    Quy định trách nhiệm của cơ quan kiểm tra có liên quan đến các hoạt động kiểm tra, tiếp nhận văn bản về kết quả giám định lô hàng phế liệu NK, thông báo kết quả kiểm tra nhà nước hoặc xử lý theo quy định đối với trường hợp phế liệu NK không phù hợp quy chuẩn.

    Ngưng hiệu lực thi hành quy định trách nhiệm của cơ quan kiểm tra có liên quan đến các hoạt động kiểm tra, tiếp nhận văn bản về kết quả giám định lô hàng phế liệu NK (chứng thư giám định), thông báo kết quả kiểm tra nhà nước hoặc xử lý theo quy định đối với trường hợp phế liệu NK không phù hợp quy chuẩn, quyết định lấy mẫu phế liệu NK.

    Thông tư 01/2019/TT-BTNMT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 8/3/2019 cho đến thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới.

    Tổ chức, cá nhân đã gửi Hồ sơ đăng ký kiểm tra nhà nước đối với phế liệu NK được cơ quan kiểm tra tiếp nhận trước ngày thông tư này có hiệu lực không phải tiếp tục thực hiện quy định kiểm tra nhà nước theo quy định tại Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư số 09/2018/TT-BTNMT .

    Cuối năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành thông tư số 08/2018/TT-BTNMT và 09/2018/TT-BTNMT về quy chuẩn quốc gia về môi trường với nhập khẩu phế liệu.

    Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, hai thông tư trên có quy định giao cho các cơ sở ngành tài nguyên môi trường được kiểm tra về chất lượng. Điều này tạo thủ tục hành chính không cần thiết, chồng chéo.

    Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành thừa nhận, một loạt văn bản thực hiện các luật vô tình đã sinh ra chồng chéo, khó thực hiện cho các đơn vị địa phương. Cụ thể là do cách thực hiện của một số đơn vị tài nguyên môi trường địa phương chưa thực sự sâu sát, chưa thực sự sáng tạo để giảm thời gian thông quan cho các lô hàng.

    Trước Tết Kỷ Hợi 2019, tình trạng chậm thông quan hàng phế liệu NK do thực hiện Thông tư 08, 09 của Bộ TN&MT khiến nhiều DN có lô hàng phế liệu làm nguyên liệu bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường nhưng bị tồn đọng tại các cảng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất.

    Theo Doanhnghiepvietnam (19/3/2019)

    Mẹo chọn quạt điện chuẩn cho mùa hè

    Quạt điện là thiết bị không thể thiếu mỗi khi hè đến. Tuy nhiên chọn quạt điện như thế nào là phù hợp và tốt nhất thì không phải ai cũng biết.

    Quạt điện là thiết bị không thể thiếu trong mỗi gia đình khi hè đến. Hiện nay, sự đa dạng về chủng loại, mẫu mã và thương hiệu sản phẩm quạt điện khiến nhiều người băn khoăn không biết lựa chọn sản phẩm như thế nào cho phù hợp. Theo anh Nguyễn Hưng (Nhân viên kỹ thuật tại Siêu thị điện máy Nguyễn Kim) để mua được chiếc quạt điện tốt và phù hợp với gia đình cần dựa vào 3 tiêu chí.

    Chọn chủng loại và kích thước quạt

    Kích thước và mẫu mã quạt phải phù hợp với không gian sử dụng. Trên thị trường quạt có nhiều chủng loại và mẫu mã khác nhau. Việc lựa chọn chủng loại và kích thước của quạt nên căn cứ vào không gian và nhu cầu làm mát. Cụ thể:

    Nếu diện tích căn phòng nhỏ như góc học tập, góc sinh hoạt trong ký túc xá hoặc phòng ngủ và phòng ăn có diện tích nhỏ hơn 10m2, bạn nên chọn mua quạt bàn, quạt hộp, quạt tháp hoặc quạt treo để tiết kiệm diện tích cho không gian sử dụng.

    Nếu không gian sử dụng rộng rãi và thông thoáng như phòng khách, văn phòng làm việc 5 – 10 người, phòng ngủ và phòng ăn có diện tích rộng trên 10m2, bạn có thể dùng quạt đứng, quạt lửng, quạt phun sương để làm mát cho toàn bộ không gian sử dụng.

    Nếu mua để dùng cho người bệnh, người già hoặc trẻ em thì nên lựa chọn các loại quạt hộp, quạt tháp, quạt bàn có công suất và lưu lượng gió nhỏ để tránh bị cảm lạnh, phong hàn.

    Lựa chọn theo tính năng

    Nếu mua theo tính năng của quạt thì người dùng cần chú ý đến các chức năng như điều khiển từ xa, tính năng hẹn giờ, đuổi muỗi hay tích điện… Bởi, điều quan trọng nhất khi mua quạt đúng với tính năng là sử dụng phát huy hết các tiện ích và đảm bảo nhu cầu làm mát không khí. Tuy nhiên, những loại quạt có nhiều tính năng thường đi liền với giá thành đắt đỏ.

    Chọn theo mức giá

    Cũng theo anh Hưng, nếu chọn mua quạt hợp túi tiền thì người dùng cần nghe tư vấn của các nhân viên bán hàng tại siêu thị, cửa hàng. Bởi, mỗi loại quạt đều có một chức năng khác nhau và giá thành khác nhau. Chẳng hạn, với mức giá dưới 500.000 đồng thì người dùng có thể chọn mua quạt hộp, quạt treo tường, quạt cây (loại nhỏ) hay quạt bàn. Thậm chí, tùy vào kích thước, thương hiệu mà có những loại thuộc các dòng kể trên chỉ khoảng 150.000 đồng đến 300.000 đồng. Đây là quạt thích hợp cho ban đêm để trong phòng ngủ và những ngày nhiệt độ không quá cao.

    Còn với mức tiền từ khoảng 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, người dùng có thể chọn mua quạt đứng, quạt điều khiển từ xa, quạt lửng hay quạt cây kích thước lớn. Đây là những loại quạt thích hợp cho những ngày thời tiết nóng nực mùa hè khi nhiệt độ lên ngưỡng 35, 36 độ C.

    Còn với mức giá từ 1 triệu trở lên thì người dùng có thể mua được quạt phun sương, quạt hơi nước, quạt cân bằng độ ẩm, quạt điều hòa hay quạt động cơ kích thước lớn, quạt công nghiệp. Đây là những loại quạt thích hợp với ngày thời tiết cực nóng và nhiệt độ chạm ngưỡng 40 độ C. Tuy nhiên, đây là những loại quạt khá hao tốn điện năng khi sử dụng.

    Theo vietq.vn (20/3/2019)

    Stasher – Túi silicone đựng đồ ăn thân thiện với môi trường

    Thân thiện môi trường không hề biến cuộc sống của bạn trở nên bất tiện, nếu bạn khéo chọn lựa những sản phẩm hữu ích. Mẫu túi silicone đựng đồ ăn này của Stasher chính là một ví dụ.

    Sản phẩm này đốn gục tất cả người dùng điệu đà, theo đuổi phong cách duy mĩ bằng thiết kế gọn gàng, tông màu tươi sáng, đẹp mắt, các chi tiết tinh tế và hiện đại. So với túi xôi, túi bánh vừa kém vệ sinh lại không thân thiện với môi trường, đựng đồ trong mẫu túi silicon tái sử dụng của Stasher rõ ràng “cool” hơn nhiều.

    Không chỉ đẹp, sản phẩm này còn ghi điểm nhờ các tính năng thông minh, mang lại trải nghiệm tiện lợi cho người dùng. Chất liệu silicone an toàn có thể dùng để hâm nóng trong lò vi sóng, đông đá trong tủ lạnh. Kiểu khóa ziplock an toàn ngay cả với đồ ăn là chất lỏng, có thể đẩy hết không khí ra khỏi túi, giúp túi đồ ăn gọn gàng và tươi lâu. Túi Stasher an toàn khi rửa sạch bằng máy rửa bát. Bên cạnh đó, sản phẩm còn chịu nhiệt rất tốt, an toàn khi hâm trong lò vi sóng, hấp hơi nước hay đông đá trong tủ lạnh.

    Túi Stasher có các kích cỡ khác nhau, có thể chứa được 280 g, 425 g, 1,8 kg. Mẫu túi Stasher cỡ sandwich 280 g đang được giảm giá còn gần 10 USD (khoảng 233.000 đồng) trên Amazon. Đây chính là loại túi đựng đồ ăn bán chạy nhất trên Amazon với điểm đánh giá ⅘ sao với hơn 1.100 lượt bình chọn.

    Với mẫu túi này, bạn có thể đựng đồ sống, đồ sơ chế lẫn thức ăn chín. Tuy nhiên, nhớ phân loại túi với từng nhóm đồ ăn để đảm bảo an toàn, tránh nhiễm khuẩn chéo.

    Theo Hương Đỗ/tapchimoitruong.vn (20/3/2019)

    Bát đĩa nhiều hoa văn sặc sỡ: Đẹp nhưng độc!

    Bát đĩa được làm từ gốm sứ với nhiều màu sắc sặc sỡ được bày bán trên thị trường có giá thành rẻ, không rõ nguồn gốc cũng tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho người dùng.

    Hoạ tiết càng sặc sỡ càng độc hại

    Theo các chuyên gia trong ngành gốm sứ, đối với những sơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn thì sản phẩm gốm dùng để chứa thức ăn, nước uống phải được nung trong nhiệt độ tiêu chuẩn 1.200oC, còn sản phẩm sứ là 1.300 độ C. Với nhiệt độ tiêu chuẩn sẽ nung chảy nguyên liệu đất, đá, men và kết nối thành khối đồng nhất. Ở nhiệt độ cao này sẽ “đánh” bật các kim loại nặng kể cả chì, bốc hơi bay ra bên ngoài nên sản phẩm tạo ra sẽ không bị nhiễm độc tố. Trong khi những cơ sở sản xuất không đúng kỹ thuật nung ở nhiệt độ thấp nên các kim loại nặng vẫn tồn tại trong sản phẩm, cũng như kết cấu nguyên liệu lỏng lẻo sẽ dễ dàng thôi nhiễm chất độc khi tiếp xúc với thức ăn, nước uống trong nhiệt độ cao.


    Bát đĩa nhiều màu sắc, hoa văn càng nguy cơ độc hại.

    Chưa hết, các kim loại nặng còn có nhiều trong chất tạo màu được sử dụng trang trí trên sản phẩm gốm sứ. Ông Thái Văn Minh, kỹ sư gốm sứ, Công ty gốm sứ Minh Long chia sẻ: “Các sản phẩm đang được bày bán trên thị trường có hai dạng tạo họa tiết, hình ảnh. Một là trang trí dưới lớp men, hai là trang trí trên lớp men”. Họa tiết dưới lớp men tức là khi sản phẩm được nung xong sẽ được vẽ hình ảnh lên bề mặt, sau đó phủ lớp men lên trên và đưa vào lò nung tiếp với nhiệt độ từ 700 đến 800ºC. Tạo hoa văn dưới lớp men thường sử dụng màu xanh lam tiêu chuẩn, màu này khi nung ở nhiệt độ cao sẽ không bị mất màu (còn các màu khác rất dễ bị bay màu), ông Minh cho biết thêm.

    Trong quá trình sản xuất các cơ sở thường sử dụng nhiều loại màu để sản phẩm bắt mắt nên sản phẩm tạo ra không bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

    “Để màu sắc vẫn giữ vẻ bắt mắt trên bề mặt sản phẩm, nhà sản xuất buộc phải nung ở nhiệt độ thấp nên hàm lượng chì và kim loại nặng trong màu vẫn còn. Bên cạnh đó, hoa văn bên trên lớp men phần lớn không an toàn cho người sử dụng, nhà sản xuất dùng hình ảnh decal dán lên sản phẩm rồi nung thêm một lần nữa ở nhiệt độ thấp nên chất tạo màu, kim loại nặng hiện diện ngay trên bề mặt sản phẩm gây nguy hiểm cho người sử dụng”, ông Minh nhấn mạnh.

    Gây nhiều bệnh nguy hiểm

    Giới chuyên môn cho rằng, các sản phẩm bát đĩa, cốc chén bằng gốm sứ được in màu sắc lòe loẹt sẽ gây hại cho người dùng trong quá trình sử dụng. Ngoài những sản phẩm có chất lượng của thương hiệu nổi tiếng, trên thị trường còn có nhiều sản phẩm với nhãn hiệu lạ, nguồn gốc không rõ ràng, thậm chí không có nhãn mác, trong đó có những nhãn mác in toàn tiếng nước ngoài nhưng theo giới chuyên môn trong đó có không ít là hàng kém chất lượng được sản xuất ở một số nước tuồn vào Việt Nam mà không hề được kiểm soát về chất lượng.


    Bát đĩa màu mè, không rõ nguồn gốc được khuyên không nên sử dụng.

    Cảnh báo về tác hại do sử dụng đồ gốm sứ kém chất lượng, Giảng viên Lưu Văn Bôi, Khoa Hoá học, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Lớp men trên sản phẩm kém chất lượng dễ bị mài mòn, chì sẽ thôi nhiễm vào thức ăn. Kim loại nặng có trong màu sắc khi tiếp xúc với thức ăn nóng, thức ăn có tính axít cũng dễ dàng thôi nhiễm và đi vào cơ thể”.

    “Trẻ em nhiễm chì có thể bị ảnh hưởng ở hệ thống thần kinh trung ương, ngoại vi, khuyết tật, chậm lớn, suy giảm thính giác và chức năng tế bào huyết học. Khi trẻ lớn lên có thể gặp các vấn đề về hành vi học tập, IQ thấp. Còn đối với phụ nữ mang thai, chì tích tụ trong cơ thể cạnh tranh với canxi trong xương, nó có thể vượt qua hàng rào nhau thai, phơi nhiễm vào đứa bé. Hậu quả xảy ra là thai nhi giảm tăng trưởng và bà mẹ có nguy cơ sinh non. Chì tích tụ trong cơ thể lâu ngày có tác động lên hệ tim mạch làm tăng huyết áp, suy giảm chức năng gan và thận”, ông Bôi chia sẻ.

    Từ thực tế trên, các nhà chuyên môn khuyến cáo, người dùng nên mua bát đĩa, đồ dùng bằng gốm sứ màu trắng, ít hoa văn. Nên mua ở những cơ sở có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Khi sử dụng nếu bát đĩa bị sần sùi, bong tróc lớp men hoặc bị rạn chúng ta nên thay mới.

    Theo Bảo Anh/vietq.vn (20/3/2019)

    Hè 2019 nắng nóng sẽ đến sớm và gay gắt hơn 

    Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra cảnh báo, hè năm nay, nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm nhiệt độ trung bình từ tháng 4-8/2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm…

    Nắng nóng xuất hiện sớm và gay gắt hơn

    Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa bão năm 2019 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Dự báo, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2019 có khả năng ít hơn so với TBNN.

    Cụ thể, sẽ có khả năng xuất hiện khoảng 10-12 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông và trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ trong những tháng nửa cuối năm 2019.

    Trên các khu vực ven biển và các vùng biển khu vực Bắc và Giữa Biển Đông trong nửa cuối tháng 3/2019 tiếp tục xuất hiện gió mạnh do hoạt động của gió mùa Đông Bắc.

    Nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá, đặc biệt là thời kỳ giao mùa từ nửa cuối tháng 3 đến tháng 5/2019 trên phạm vi toàn quốc.

    Đáng chú ý, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra cảnh báo, nhiệt độ trung bình từ tháng 4-8/2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,0 độ C.

    Nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm hơn trung bình tại các khu vực phía Tây Bắc Bộ và khu vực Trung Bộ.Khu vực miền Đông Nam Bộ còn xuất hiện nhiều ngày nắng nóng trong nửa cuối tháng 3 và tháng 4/2019. Các đợt nắng nóng có khả năng tập trung từ tháng 4-5 ở phía Tây Bắc Bộ, từ tháng 5-6 ở phía Đông Bắc Bộ, từ tháng 5-8 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.

    Về lượng mưa, dự báo khu vực Bắc Bộ có tổng lượng mưa từ nửa cuối tháng 3 đến tháng 8/2019 phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN; Riêng tháng 4 và tháng 5 tại phía tây Bắc Bộ có khả năng ở mức thấp hơn trong khoảng từ 15-30%.

    Tại khu vực Trung Bộ, tổng lượng mưa tại Bắc Trung Bộ từ nửa cuối tháng 3-6/2019 ở mức xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ; Khu vực Trung và Nam Trung Bộ phổ biến ít mưa và thiếu hụt so với TBNN. Từ tháng 7 đến tháng 8/2019 tổng lượng mưa ở mức cao hơn so với TBNN cùng thời kỳ từ 15-30%.

    Ở Tây Nguyên và Nam Bộ, dự báo tổng lượng mưa từ nửa cuối tháng 3-5/2019 phổ biến ở mức thấp hơn so với giá trị TBNN. Cảnh báo ít mưa từ nửa cuối tháng 3 và tháng 4/2019.

    Từ tháng 6-8/2019 tổng lượng mưa trên khu vực phổ biến ở mức xấp xỉ với giá trịTBNN cùng thời kỳ. Thời điểm bắt đầu mùa mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng muộn hơn so với TBNN (khoảng nửa đầu tháng 5 ở khu vực Tây Nguyên và nửa cuối tháng 5 ở khu vực Nam Bộ).

    Về thủy văn, dự báo ở Bắc Bộ, từ nửa cuối tháng 3 đến tháng 4/2019, nguồn nước so với TBNN khu vực Tây Bắc phổ biến ở mức cao hơn từ 5-20%; khu vực Việt Bắc phổ biến xấp xỉ TBNN; khu vực Đông Bắc thiếu hụt từ 10-30%; khu vực Đồng Bằng Bắc Bộthiếu hụt từ20-30%.

    Từ tháng 5-8/2019, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện nhiều đợt lũ, đỉnh lũ các sông ở mức báo động 1 – báo động 2, các sông suối nhỏ trên báo động 3. Lũ quét và sạt lở đất có khả năng xuất hiện sớm ngay từ các tháng đầu mùa mưa lũ, nhiều đợt lũ quét và sạt lở đất tập trung tại vùng núi phía Tây Bắc.Nguồn nước khu vực Tây Bắc và Việt Bắc ở mức xấp xỉ TBNN; khu vực Đông Bắc phổ biến thiếu hụt từ 20-30%; khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ hạ lưu sông Hồng thiếu hụt từ 10-30%.

    Ở Trung Bộ, Tây Nguyên, từ tháng 3-5/2019, lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 15-35%; các sông ở Nghệ An, Phú Yên đến Ninh Thuận thấp hơn từ 65-80%; riêng các sông từ Quảng Nam đến Bình Định và Bình Thuận phổ biến ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN cùng kỳ từ 5-10%. Trong thời gian này, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt tình hình hạn hán thiếu nước xảy ra cục bộ ở những vùng nằm ngoài khu vực cấp nước của các công trình thủy lợi.

    Từ  tháng 6-8/2019, dòng chảy trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh và khu vực Tây Nguyên có xu thế tăng dần; các sông khác ở Trung, Nam Trung Bộ giảm dần. Mùa khô năm 2019 ở các tỉnh ven biển Trung, Nam Trung Bộ khả năng kéo dài tới tháng 8/2019, nguy cơ cao xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng cửa sông tại các tỉnh thuộc khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ.

    Ở Nam Bộ, tổng lượng dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công về đầu nguồn sông Cửu Long từ tháng 3-5/2019 có xu thế cao hơn TBNN và năm 2016 cùng kỳ từ 20-50%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm và ở mức cao hơn TBNN từ 0,1-0,25m.

    Dự báo, xâm nhập mặn vùng đồng bằng Nam Bộ ít gay gắt hơn so với năm 2016 nhưng vẫn ở mức cao hơn TBNN, cao hơn năm 2018. Độ mặn cao nhất trên các sông ở Nam Bộ phổ biến xuất hiện trong tháng 3/2019, riêng hệ thống sông Vàm Cỏ và vùng bán đảo Cà Mau-Kiên Giang độ mặn cao nhất xuất hiện vào tháng 5/2019. Các địa phương ở khu vực đồng bằng Nam Bộ vẫn cần chủđộng trong công tác phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.

    Từ tháng 6-8/2019, tổng lượng dòng chảy trên các trạm thượng nguồn sông Mê Công tăng dần và ở mức xấp xỉ và cao hơn TBNN. Mực nước sông Cửu Long lên dần và ở cao hơn TBNN từ 0,1-0,2m.

    Trên biển, dự báo, trong 5 tháng tới, mực nước ven biển tại Trung và Nam Bộ chủ yếu dao động theo thủy triều và ở mức trung bình cùng kỳ của nhiều năm. Ven biển Bắc Bộ có khả năng xuất hiện nước dâng do bão trong tháng 7 và 8. Khu vực ven biển Bắc Bộ, Bắc và Giữa Biển Đông vẫn có khả năng có sóng lớn vào cuối tháng 3 do hoạt động của gió mùa Đông Bắc và trong bão, ATNĐ vào tháng 7 và 8. Hoạt động của gió mùa Tây Nam trong tháng 7 và 8 gây sóng lớn tại khu vực Nam Biển Đông.

    Theo VnMedia (20/3/2019)

    Phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

    Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030. Chương trình triển khai đồng bộ các hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

    Chương trình được ban hành thể hiện sự cam kết của các cấp chính quyền, các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cộng đồng về tiết kiệm năng lượng nói riêng, về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường nói chung.

    Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 được thực hiện thành 2 giai đoạn từ 2019 – 2025 và 2026 – 2030 với các nhiệm vụ chủ yếu: Rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ); Hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh về SDNL TK&HQ đối với các hoạt động như sản xuất, chế tạo, cải tạo, chuyển đổi thị trường phương tiện, trang thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất,…; Xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng Việt Nam, các cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin về năng lượng và SDNL TK&HQ; Tăng cường năng lực về SDNL TK&HQ; Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện quy định của pháp luật về SDNL TK&HQ.

    Chương trình cũng tập trung truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về SDNL TK&HQ; Tăng cường quan hệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực SDNL TK&HQ; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về SDNL TK&HQ và Thành lập Quỹ thúc đẩy SDNL TK&HQ.

    Chương trình nhằm huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển sản phẩm, chuyển đổi thị trường, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tranh thủ kinh nghiệm và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó, hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động của xã hội; giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế; tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng; hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

    Chương trình đề ra mục tiêu đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 – 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025 và từ 8 – 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến năm 2030.

    Chương trình quốc gia về SDNL TK&HQ giai đoạn 2019 – 2030 được triển khai trên phạm vi cả nước và áp dụng với mọi đối tượng bao gồm các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hoạt động sử dụng và quản lý năng lượng tại Việt Nam. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 4.400 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí sự nghiệp kinh tế thuộc ngân sách Trung ương khoảng 600 tỷ đồng; nguồn viện trợ không hoàn lại khoảng 1.600 tỷ đồng; vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi khoảng 2.200 tỷ đồng.

    Chương trình quốc gia về SDNL TK&HQ giai đoạn 2019 – 2030 được xây dựng dựa trên sự kế thừa và phát huy những kết quả tích cực và khắc phục những hạn chế của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả các giai đoạn trước, phối hợp và lồng ghép với các Chương trình khác đang được triển khai thực hiện.

    Theo Scp/Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (19/3/2019) 

    Điện gió: Rất “nóng” và nhiều lỗi

    0

    Nhiều bộ hồ sơ dự án điện gió do Viện Năng lượng (Bộ Công thương) làm đơn vị lập dự án có dấu hiệu sao chép hồ sơ thuyết minh, thậm chí còn sao chép cả lỗi.

    Mới đây, Bộ Công thương đã liên tiếp phát văn bản gửi các Bộ KHĐT, Tài chính, TNMT, Quốc phòng… để lấy ý kiến về việc nhiều địa phương, chủ đầu tư xin bổ sung một số dự án điện gió vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Đáng chú ý các dự án này lại tập trung nhiều vào một số địa phương, và nhiều bộ hồ sơ do Viện năng lượng (Bộ Công thương) làm đơn vị lập dự án có dấu hiệu sao chép hồ sơ thuyết minh, thậm chí còn sao chép cả lỗi.

    Phát triển “nóng”…

    Thực tế, việc phát triển nóng các dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời trong thời gian qua đã khiến quá tải hệ thống truyền tải. Vì vậy, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn điện lực VN (EVN) sớm triển khai thực hiện việc bổ sung, điều chỉnh một số dự án lưới điện, trạm biến áp… nhằm giải tỏa công suất cho các dự án điện mặt trời, điện gió tại khu vực Nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

    Chẳng hạn, tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Chính phủ giao Bộ Công Thương và EVN làm việc và thống nhất với chính quyền 2 tỉnh này về giải pháp đầu tư các công trình truyền tải. Qua đó giải phóng toàn bộ công suất các dự án này trong thời gian trước năm 2020. Yêu cầu cụ thể là phải bổ sung trạm biến áp 500/200 kV Thuận Nam, đường dây 500 kV Thuận Nam – Vĩnh Tân. Đồng thời là bổ sung 2 đường dây 200 kV mạch kép Ninh Phước – Vĩnh Tân và Ninh Phước – Thuận Nam vào danh mục đầu tư trước năm 2020. Đặc biệt, 4 công trình lưới điện 220 kV và 5 công trình lưới điện 110 kV có kế hoạch duyệt đầu tư trong giai đoạn từ năm 2021 – 2025 cũng phải rút ngắn thời gian đầu tư, thực hiện ngay trong giai đoạn này. Dẫu thế, ý kiến một chuyên gia cho rằng, rất khó triển khai lập tức các dự án truyền tải điện.

    “Trình tự thủ tục để thực hiện một dự án công không dễ. Nếu bây giờ khởi công thì nhiều dự án đường dây phải năm sau mới vào được. Khi đó, nếu các nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió làm thật để hưởng cơ chế giá ưu đãi thì không lo chuyện đường dây bị thừa” – chuyên gia này phân tích. Chuyên gia này cũng cho rằng, từ giữa năm 2018, trước thực tế có quá nhiều dự án điện mặt trời được đầu tư, Chính phủ khi ấy đã có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương và các địa phương bổ sung các dự án vào quy hoạch cần được xem xét một cách tổng thể để đảm bảo tính minh bạch trong quản lý quy hoạch, phù hợp cung – cầu điện, khả năng đấu nối… Song, đến hết năm 2018, số dự án điện gió, điện mặt trời được phê duyệt vào quy hoạch lên đến gần 8.000 MW, cao gấp gần 5 lần mục tiêu 1.650 MW mà Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh đề ra.

    … từ sự “cẩu thả”?

    Theo thống kê, chỉ riêng trong tháng 01/2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã có khoảng 17 văn bản tham vấn ý kiến các bộ KHĐT, TNMT, Tài chính, Xây dựng, NNPTNT, EVN… về việc bổ sung các dự án điện gió bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

    Khoan hãy nói về ý kiến của các Bộ và các cơ quan chức năng khác về các dự án này như thế nào, nếu căn cứ vào các Thông tư trên, có thể thấy hồ sơ thuyết minh dự án được lập dựa trên các kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tế, và mang tính chất dự báo và tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch. Đây là những công trình khoa học nên các hồ sơ phải chứa đựng các thông tin như: Sự cần thiết phải đầu tư xây dựng dự án, các điều kiện thuận lợi và khó khăn, chế độ khai thác và sử dụng tài nguyên quốc gia (nếu có); vị trí, quy mô, diện tích xây dựng công trình, các hạng mục công trình thuộc dự án; các nội dung về quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương; sơ bộ các giải pháp thực hiện, phương án kỹ thuật, công nghệ và công suất, phương án đấu nối, phương án lắp đặt thiết bị, tiến độ thực hiện và hình thức quản lý dự án; đánh giá tác động môi trường, các giải pháp phòng cháy, chữa cháy và các yêu cầu về an ninh, quốc phòng; phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế – tài chính, hiệu quả xã hội của dự án;…

    Tuy nhiên, theo kết quả thống kê của PV trong khoảng 15 hồ sơ thuyết minh thì có đến 10 hồ sơ có dấu hiệu sao chép, nhiều trang giống nhau đến từng câu chữ, thậm chí “lỗi”… cũng giống nhau!

    Cụ thể, tại tỉnh Bạc Liêu: Dự án Cụm nhà máy điện gió Hòa Bình 1 – GĐ2, Hòa Bình 2, Hòa Bình – Minh Dương, Đông Hải 1 – GĐ2, Cụm dự án Đông Hảo 3, Kosy Đông Hải (lập vào tháng 1/2019) nhà đầu tư gồm 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH Năng lượng Bắc Phương, Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Công nghệ Ecotech Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư điện gió Hòa Bình; Dự án Cụm nhà máy điện gió Kosy Bạc Liêu 1,2,3,4 (lập vào tháng 1/2019), nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Kosy, người đại diện là ông Nguyễn Việt Cường. Hồ sơ thuyết minh của các dự án này có nhiều đoạn giống nhau đến từng câu chữ.

    Không chỉ có vậy, tại tỉnh Cà Mau, các hồ sơ: Dự án Nhà máy điện gió Tân Hải (lập vào tháng 1/2019), nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô, người đại diện là ông Nguyễn Trọng Thông. Hồ sơ thuyết minh của các dự án này cũng đều có nhiều đoạn giống nhau đến từng câu chữ!

    Ngoài ra, một số dự án nhà máy tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Tây Ninh dù là các địa phương khác nhau nhưng hồ sơ thuyết minh của các dự án này cũng có nhiều đoạn giống nhau đến từng câu chữ, như: Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời Tân Hòa Hà Đô (lập tháng 10/2017), nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô, người đại diện là ông Nguyễn Trọng Thông; Dự án Nhà máy điện mặt trời VPE Ninh Hòa – Khánh Hòa (lập tháng 3/2018), nhà đầu tư là Công ty cổ phần Năng lượng sạch Vân Phong, người đại diện là ông Vũ Văn Hải; Dự án Nhà máy nhiệt điện Bắc Ái 14 (lập tháng 1/2019), nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô, người đại diện là ông Nguyễn Trọng Thông.

    Như đã thống kê ở trên thì, Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô có hồ sơ thuyết minh mang dấu hiệu sao chép nhiều nhất, kế sau là Tổng Công ty Cổ phần Thương mại xây dựng – Vietracimex. Và, điều bất ngờ là những bản thuyết minh này đều do Viện Năng lượng (Bộ Công thương) – cơ quan nghiên cứu khoa học công nghệ, quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng và điện lực tư vấn, có con dấu, chữ ký của Viện trưởng Hoàng Tiến Dũng.

    Theo Trọng Nghĩa/KH&ĐS (18/3/2019)

    Sai lầm khiến tủ lạnh “ngốn” tiền điện và cách tiết kiệm hiệu quả

    Tủ lạnh là sản phẩm quen thuộc tuy nhiên nhiều người thường mắc sai lầm khi dùng khiến cho tủ lạnh không những tốn điện mà còn nhanh hỏng.

    Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho tủ lạnh gây tốn điện. Đầu tiên có thể do cuộn dây bị bẩn do chạy liên tục mà không vệ sinh. Nếu các cuộn dây quá bẩn sẽ không bao giờ có đủ lạnh và sẽ không thể làm mát bên trong của tủ lanh với nhiệt độ thích hợp.

    Nếu nhiệt độ tủ đông là trên 10 độ thì tủ lạnh cũng sẽ không thể đủ lạnh. Nếu tủ lạnh không đủ lạnh, nó sẽ làm việc chăm chỉ hơn để xuống lạnh. Kết quả là, nó sẽ chạy liên tục gây tốn điện.

    Có nhiều người có thói quen điều chỉnh nhiệt độ lạnh quá mức thường xuyên cũng là nguyên nhân khiến cho tủ lạnh gây hao điện. Ngược lại người tiêu dùng cũng không nên để mức nhiệt của tủ quá thấp như vậy thực phẩm trong tủ sẽ không được bảo quản tốt.

    Ngoài ra, nhiều bà nội trợ tham để quá nhiều đồ vào tủ khiến khí lạnh không thể lưu thông được gây tủ lạnh hao điện nhiều.

    Tủ lạnh hao điện còn do một số lỗi hỏng hóc của tủ như máy nén hư, tủ lạnh không đông đá.

    Một khi tủ lạnh gây tốn điện sẽ ảnh hưởng lớn tới chi phí chi trả. Do đó, để tiết kiệm điện cho tủ lạnh, tổ tư vấn chăm sóc khách hàng của Điện Máy Xanh đã đưa ra một số lưu ý cho người dùng:

    Không bỏ đồ nóng vào tủ

    Thức ăn nóng sẽ làm tăng nhiệt độ trong tủ lạnh và khiến nó phải vận hành với công suất cao hơn. Do đó hãy để món ăn nguội hẳn sau đó mới cho vào tủ lạnh.

    Bảo quản thức ăn bằng thủy tinh

    Thủy tinh và sứ giúp cân bằng nhiệt độ trong tủ lạnh tốt hơn là các hộp đựng thức ăn bằng nhựa. Nhớ đậy nắp để ngăn đọng nước.

    Không để đồ ăn dựa sát vào thành trong của tủ

    Thường xuyên để thực phẩm tiếp xúc với phía trong cùng của tủ lạnh sẽ làm rau củ dễ bị hỏng, chưa kể là khiến tủ làm lạnh làm việc kém hiệu quả, dẫn đến tốn điện hơn. Hãy chú ý để thực phẩm cách ra một khoảng với phía trong của tủ lạnh.

    Tránh các nguồn nhiệt

    Không đặt tủ lạnh gần các nguồn nhiệt như bếp gas, nồi cơm điện, lò vi sóng, cũng như ánh sáng mặt trời vì dễ làm tủ lạnh nóng ran, cháy nổ.

    Không để tủ lạnh sát tường

    Không nên kê tủ lạnh sát tường vì tủ cần có chỗ để tỏa nhiệt, giúp nó làm việc hiệu quả hơn. Chuyện này đặc biệt quan trọng vì hệ thống dây cáp làm lạnh đằng sau tủ cần có không khí mát để làm nguội, nếu không tủ lạnh rất tốn điện và mau xuống cấp.

    Quét dọn phía sau tủ

    Bộ làm lạnh đằng sau tủ lạnh cần được quét dọn, hút bụi thường xuyên để tránh bụi bẩn làm tắc nghẽn hệ thống. Nếu nhà có nuôi thú cưng thì việc vệ sinh càng phải thường xuyên hơn vì đây là nơi lý tưởng cho lông động vật “trú ngụ”.

    Thay vì rã đông bằng lò vi sóng, hãy rã đông tự nhiên bằng cách cho thức ăn vào ngăn mát tủ lạnh trước đó một đêm. Thực phẩm rã đông từ từ thường ngon miệng hơn, mà còn tiết kiệm đáng kể điện năng tiêu thụ.

    Không để tủ lạnh quá trống cũng đừng quá đầy ắp

    Tủ lạnh đầy thức ăn sẽ làm lạnh nhanh hơn so với tủ lạnh trống. Nếu tủ lạnh bạn không chứa nhiều đồ, hãy để nhiều chai nước vào làm lạnh trong tủ. Như thế tủ lạnh sẽ hoạt động hiệu quả hơn mà lại ít tốn điện năng.

    Quá nhiều thực phẩm trong tủ sẽ ngăn chăn sự lưu thông khí lạnh, dẫn đến làm lạnh kém hiệu quả hơn. Cần tránh chèn đồ ăn vào quạt tỏa hơi lạnh của tủ.

    Kiểm tra cửa hít

    Các rong cao su ở cửa sau một thời gian dài sử dụng có thể bị hỏng hóc, làm tủ bị thoát khí lạnh. Thử nghiệm bằng cách kẹp một tờ tiền vào khe tủ, nếu dễ dàng kéo tiền đi dọc theo khe hở thì ron cao su cần được thay thế. Ngoài ra, cũng cần nhớ vệ sinh chúng thật cẩn thận để tránh bụi bẩn.

    Theo An Dương/vietq.vn (15/3/2019)

    Mỹ tạo được loại vật liệu gỗ chịu lửa

    0

    Các nhà khoa học Mỹ trước đây đã thành công trong việc tạo ra loại gỗ cứng hơn thép và nay trong thử nghiệm mới, họ đã chứng minh được tính chịu lửa của loại vật liệu mới này, mở ra triển vọng ứng dụng trong các cấu trúc chịu tải.

    Theo tạp chí Advanced Functional Materials, các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra độ chịu lửa loại vật liệu bền được phát triển trên nền gỗ. So với gỗ thông thường, loại vật liệu mới có cấu trúc đặc hơn, do đó, trong trường hợp hỏa hoạn, một lớp than hình thành trên bề mặt của nó, ngăn chặn ngọn lửa lan rộng hơn.

    Từ trước đến nay, việc sử dụng gỗ trong các cấu trúc chịu tải bị hạn chế bởi 2 yếu tố: tính dễ cháy và dễ bị sụp đổ nhanh chóng trong trường hợp hỏa hoạn. Vật liệu gỗ truyền thống có thể được thực hiện chống cháy nhiều hơn nhờ các hiệu ứng hóa học.


    Vật liệu gỗ vừa chịu lực vừa chịu lửa sẽ bền hơn, cung cấp đủ thời gian quý giá để cứu người và tài sản – Ảnh : Pixels

    Ví dụ, có thể ngâm tẩm gỗ bằng chất chống cháy – hợp chất làm chậm quá trình cháy. Một phương pháp khác là phủ các hạt nano vô cơ không cháy. Tuy nhiên, các phương pháp này thường đắt đỏ hoặc không phù hợp với tiêu chuẩn môi trường hoặc tiêu chuẩn vệ sinh.

    Nhóm nghiên cứu do Liangbin Hu (Đại học Maryland, Mỹ) trước đây đã thành công trông việc tạo ra loại gỗ cứng hơn thép. Để làm điều này, gỗ được xử lý bằng natri hydroxit (hay thường được gọi là xút hoặc xút ăn da, là một hợp chất vô cơ của natri ) và natri sunfua (hợp chất hóa học Na₂S), loại bỏ một phần lignin khỏi gỗ – một loại polymer hữu cơ làm bền thành tế bào gỗ.

    Gỗ sau đó được ép nóng, giúp thu được một vật liệu rắn mà không còn các kênh nhỏ đặc trưng của gỗ tự nhiên, cải thiện đáng kể các đặc tính cơ học của nó.

    Trong công trình nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã thử nghiệm vật liệu gỗ mới về độ chịu nhiệt. Hóa ra, loại vật liệu này chịu lửa tốt hơn gỗ tự nhiên.

    Thứ nhất, cấu trúc dày đặc hơn ngăn chặn sự lan truyền oxy bên trong vật liệu, do oxy hỗ trợ quá trình đốt cháy và tăng tính dễ cháy. Thứ hai, một lớp than cháy cách lửa liên tục được hình thành trên bề mặt của vật liệu, ngăn chặn sự lan rộng của ngọn lửa.

    Do đó, thời gian để bắt lửa kéo dài, gần như tăng gấp đôi, còn tốc độ giải phóng nhiệt tối đa khi cháy mạnh giảm hơn 1/3. Ngoài ra, sau khi tiếp xúc với ngọn lửa trong 90 giây, cường độ nén của vật liệu mới cao hơn 82 lần so với gỗ bình thường.

    Do đó, các cấu trúc chịu lực bằng vật liệu như vậy sẽ bền hơn, cung cấp đủ thời gian quý giá để cứu người và tài sản. Các tác giả của sản phẩm mới khẳng định rằng tất cả các công nghệ này không sử dụng các hóa chất độc hại đối với môi trường.

    Theo Motthegioi.vn (14/3/2019)