Bọc răng sứ là một phương pháp làm đẹp răng được nhiều người dùng áp dụng tuy nhiên theo các chuyên gia thẩm mỹ, phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều biến chứng.

Tự ti vì hàm răng đen xỉn, chị N.P.A. (Hà Nội) quyết định bọc răng sứ thẩm mỹ. Thế nhưng, đẹp đâu không thấy, chị A. khổ sở vì miệng luôn trong tình trạng có mùi hôi, đánh răng là chảy máu, ê buốt.

Chị A. chia sẻ, do trước đây bố mẹ thường cho dùng thuốc tetracyclin nên men răng bị ảnh hưởng. Trong một lần đi lấy cao răng ở cơ sở nha khoa gần nhà, chị được tư vấn bọc răng mới bằng chất liệu kim loại.

“Làm xong tôi thấy răng mình dày, cảm giác như miệng hơi “hô”, không hài lòng. Thậm chí sau làm răng, tôi lại gặp vấn đề viêm lợi rất nặng, đánh răng và chạm nhẹ cũng chảy máu… chính điều này khiến miệng luôn hôi. Mặc dù đã đến nhiều phòng khám để điều trị tình trạng viêm lợi nhưng không hiệu quả, cứ hết thuốc thì viêm lại tái phát”, chị A chia sẻ.

Sau đó, chị đến Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương thăm khám. Tại đây, chị A. được bác sĩ cho biết nguyên nhân viêm lợi do chất liệu răng không đảm bảo. Hơn nữa việc làm răng, lắp răng không đúng kỹ thuật, nên được chỉ định làm lại răng bọc sứ thẩm mỹ. Chị A. được thay bộ răng mới, đảm bảo thẩm mỹ và điều trị dứt điểm viêm lợi.

Cũng từng bọc răng sứ, nhưng chị N.T.M. (Hà Nội) đã thực hiện dịch vụ này đến hai lần. Sau hai lần chỉnh để mong có hàm răng trắng đẹp, chị M. không khỏi thất vọng vì hàm răng chỉnh rất dày. Thậm chí, được một thời gian ngắn thì xuất hiện tình trạng đau nhức, không thể nhai và ê buốt dọc hai bên hàm lên tận thái dương. Đi khám tại bệnh viện, chị M. được chẩn đoán lệch khớp cắn mà nguyên nhân chính là do lắp răng thẩm mỹ không đúng kỹ thuật.

Thậm chí, trường hợp chị T (24 tuổi, Bắc Ninh) đã sút 3kg sau ba tháng làm răng sứ vì không ăn, không ngủ được, răng luôn ê buốt, hai tai ù, mỏi hàm. Chị đi khám và được chẩn đoán bị lệch khớp cắn sau làm răng thẩm mỹ. Chị còn bị mài răng sai kỹ thuật, sai giải phẫu.


Bọc răng sứ không đảm bảo chất lượng có thể gây biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa

Thông tin về những biến chứng khi bọc răng sứ thẩm mỹ, bác sĩ Nguyễn Văn Hòa, Hiệp hội Răng hàm mặt Việt Nam cho hay, biến chứng thường gặp khi bọc răng sứ là lệch khớp cắn. Khi sai khớp cắn như vậy thì lực nghiến rất mạnh. Ban đầu nó tạo phản ứng rắc rắc, lục cục ở trong khớp, khi bắt đầu tổn thương dẫn tới ù tai, càng để lâu sẽ ảnh hưởng đến thính lực, tai không nghe thấy gì”, bác sĩ Hòa cho hay.

Bác sĩ Hòa cho biết thêm, bọc răng sứ thẩm mỹ đòi hỏi công nghệ cao, bác sĩ thực hiện phải có kinh nghiệm và chuyên môn vững chắc. Đồng thời, nên lựa chọn chất lượng của răng sứ để đảm bảo kết quả tốt, hạn chế các biến chứng sau khi hoàn thành. Ngoài ra, hiện nay một số cơ sở thẩm mỹ nha khoa thường khắc phục tình trạng răng xấu, tối màu bằng cách mài cùi răng sau đó bọc răng sứ.

Các chuyên gia cho hay việc mài cùi răng, đặc biệt mài quá sâu, thậm chí vào tủy răng sẽ tiềm ẩn một số nguy cơ như tổn thương mô răng, kích thích tủy, thay đổi khớp cắn, ảnh hưởng tổ chức nha chu…

Theo bác sĩ Phạm Thanh Hà – Phó Giám đốc Bệnh viện Răng hàm mặt trung ương, tại một số cơ sở bác sĩ thường lấy tủy răng trước khi làm răng thẩm mỹ, trong khi việc lấy tủy răng phải có chỉ định thật sự cần thiết mới làm. Việc lạm dụng lấy tủy răng có thể gây những biến chứng sau này, ví như tình trạng viêm tủy răng, viêm quanh chóp răng, thậm chí là viêm xương hàm có những nang răng phức tạp.

“Do vậy, trước khi quyết định bọc răng sứ, bệnh nhân nên tìm hiểu rủi ro có thể xảy ra, nên chọn cơ sở uy tín, bác sĩ có chuyên môn. Đồng thời, sau khi thực hiện bọc răng sứ cũng cần lưu ý giữ gìn và khám định kỳ, sàng lọc nguy cơ 6 tháng, 1 năm/lần để phòng ngừa biến chứng sau bọc răng sứ có thể xảy ra”, bác sĩ Hà khuyến cáo.

Thông tin thêm, Bệnh viện Vinmec cho biết, bọc răng sứ ngày càng trở nên phổ biến như một phương pháp phục hồi răng hiệu quả như mão răng, cầu răng và cấy ghép nhờ độ bền, tạo vẻ đẹp tự nhiên. Bên cạnh những ưu điểm thì phương pháp này cũng có một số hạn chế nhất định.

Răng có thể bị ê buốt, khó chịu bởi khi ngòi cùi xâm lấn quá nhiều vào phần răng thật có thể làm lộ ngà răng, việc này sẽ làm răng trở nên nhạy cảm, khó chịu nhất là với các món ăn lạnh và nóng. Cũng có thể gây chết tủy răng nếu kỹ thuật của nha sĩ không tốt có thể làm tổn thương đến tủy răng, thậm chí có nguy cơ gây chết tủy và hư hỏng răng vĩnh viễn.

Bệnh nhân sau khi bọc răng có cảm giác cộm cấn, không thoải mái do tỷ lệ mài răng canh không chuẩn xác dẫn đến sưng lợi, viêm nướu gây đau nhức. Bệnh nhân có cơ địa mẫn cảm với kim loại có khả năng kích ứng và viêm nhiễm vùng chân răng. Ngoài ra do răng sứ khi được bọc không sát khít có thể dẫn đến tình trạng bị thức ăn chèn vào. Nếu không vệ sinh kỹ lưỡng có thể gây mùi hôi khó chịu, đồng thời dễ phát sinh nhiều bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm nha chu,…

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/mieng-hoi-chay-mau-khi-danh-rang-vi-boc-rang-su-tham-my-khong-dam-bao-chat-luong-d217475.html