Đồ uống có cồn là thứ rất quen thuộc trong các bữa tiệc, lễ tết, họp mặt tuy nhiên với những người cần đặc biệt lưu ý khi dùng vào sẽ ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng.

Đối với những người bình thường khi sử dụng đồ uống có cồn đã gây ra rất nhiều tác hại trong khi đó đối với những người đang dùng thuốc, đái tháo đường hay hen suyễn… thì hậu quả còn nặng nề hơn.

 Nhiều đối tượng không nên dùng đồ uống có cồn vì sẽ gặp nhiều hiểm họa. Ảnh minh họa

Người có bệnh đái tháo đường

Bác sĩ Leann Poston của phòng khám Invigor Medical (Mỹ) nói trên Eat This, Not That! rằng rượu bia có thể làm giảm đáng kể lượng đường trong máu, đặc biệt nếu uống lúc đói dẫn đến hạ đường huyết nghiêm trọng. Việc này có thể dẫn đến nguy cơ hôn mê tiểu đường, một biến chứng cấp tính đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Người đang dùng thuốc giảm đau

Nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc an thần hoặc thuốc giảm đau nào, tiêu thụ đồ uống có cồn là việc làm mang nhiều rủi ro. Theo bác sĩ Poston, thuốc an thần và thuốc giảm đau có chứa những chất làm chậm hoạt động của não và rượu cũng tương tự. Uống cùng lúc cả hai thứ có thể ảnh hưởng đến thần kinh của bạn.

Người đang dùng thuốc trị nghiện rượu

Đối với những ai đang dùng Disulfiram, một loại thuốc điều trị chứng nghiện rượu mãn tính, có thể gặp tác dụng phụ nghiêm trọng nếu kết hợp với đồ uống có cồn. Nếu bạn uống rượu trong khi dùng thuốc này, bạn có thể sẽ cảm thấy đau đầu từng cơn, buồn nôn, suy nhược, thay đổi nhịp thở và nhịp tim.

Người bị hen suyễn

Theo tiến sĩ Chris Airey, Giám đốc y tế tại trung tâm sức khỏe Optimale (Anh), bệnh nhân hen có thể có những phản ứng bất lợi vì nhạy cảm với chất axit sulfite có trong rượu. Nếu bị hen suyễn, một hoặc hai ly rượu có thể dễ bị lên cơn hen suyễn hơn.

Người bị huyết áp cao

Người huyết áp cao nên kiêng bia rượu. Bởi chúng có thể làm tăng thêm huyết áp, dễ gây đột quỵ, đe dọa tính mạng và sức khỏe, gây ra những biến chứng đáng sợ.

Người bị viêm loét dạ dày và tá tràng

Những người này thường có nhiều axit dạ dày. Trong rượu, bia có chứa nhiều CO2, khi vào cơ thể sẽ làm tăng axit dạ dày, gây đau thắt bụng do vết loét kịch phát, thậm chí còn gây thủng ở nơi loét, đe dọa tính mạng người bệnh.

Người mắc bệnh gút

Bia rượu, đạm là hai tác nhân lớn khiến bạn dễ mắc bệnh gút. Do đó, nếu đã mắc phải căn “bệnh nhà giàu” này bạn tuyệt đối phải kiêng bia rượu. Cố tính uống bia, rượu sẽ khiến bệnh nặng thêm lên, đau đớn vô cùng.

Người bị béo phì

Bia chứa rất nhiều calo, uống bia trong một thời gian dài có thể khiến cơ thể tích tụ mỡ và xuất hiện “bụng bia”, dẫn đến béo phì. Kết hợp với tác dụng của món ăn, người béo phì không nên uống bia để tránh nguy hiểm cho sức khỏe, mắc các bệnh về huyết áp và tim mạch.

Người bị gan nhiễm mỡ

Tương tự như béo phì, người bị gan nhiễm mỡ uống bia, rượu sẽ làm tăng áp lực lên gan. Uống bia sẽ làm tăng gan nhiễm mỡ, dễ dẫn đến xơ gan…, làm suy giảm nghiêm trọng sức khỏe gan. Do đó, những người mắc bệnh gan không nên uống bia.

Người mắc bệnh tăng nhãn áp, bị cận thị

Đứng vị trí sau “sát thủ hàng đầu” gây mù lòa là đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp chính là nguyên nhân gây mù lòa nhiều thứ hai trên thế giới. Người sử dụng quá nhiều rượu, bia sẽ dễ mắc phải căn bệnh này.

Y học đã chỉ rõ, lượng mentanol có trong rượu, bia có tác dụng phụ gây hại đến võng mạc, trực tiếp cản trở võng mạc sản sinh sắc tố thị giác, dẫn đến khả năng thích ứng với ánh sáng của mắt bị giảm, về lâu dài có thể gây ra mù lòa. Do đó, những bệnh nhân cận thị, mắc bệnh tăng nhãn áp không nên sử dụng quá nhiều rượu, bia.

Phụ nữ mang thai và cho con bú

Đối với phụ nữ trong thời kì mang thai, các chất trong bia rượu có thể thông qua cuống rốn vào trong bào thai, làm ảnh hưởng tới quá trình trưởng thành của thai nhi. Có thể gián tiếp khiến cho thai nhi bị mắc chứng ngộ độc rượu, dễ dẫn đến các hiện tượng như dị dạng, sinh non.

Bia được tạo ra chủ yếu do ủ lên men các nguyên liệu như lúa mạch mà thành, tuy nhiên mạch nha trong đại mạch lại có tác dụng ức chế việc tiết sữa và tái tạo sữa. Vì vậy, phụ nữ đang cho con bú không nên uống nhiều bia, rượu. Người muốn tắt sữa sau khi cai sữa thì nên uống nhiều bia.

Người bị sỏi thận

Trong thành phần làm bia, rượu có chứa một số chất như kali và các loại muối khoáng, có thể khiến cho hạt sỏi bị to lên nhanh chóng. Do đó, bệnh nhân bị sỏi trong hệ tiết niệu nên uống ít hoặc không sử dụng rượu bia.

An Dương (T/h)

https://vietq.vn/do-uong-co-con-nhung-doi-tuong-can-tranh-xa-d201126.html