16 C
Hanoi
Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
More
    Home Blog Page 449

    Phát động Chiến dịch Triệu chữ ký vì an toàn thực phẩm

    0

    Sáng nay, Chiến dịch “Triệu chữ ký vì an toàn thực phẩm” đã chính thức được Bộ Công Thương phát động trong bầu không khí sôi động và ấn tượng.

    Đây là hoạt động khởi đầu cho Chương trình truyền thông “Hành động về an toàn thực phẩm” trên quy mô toàn quốc trong năm 2017 và 2018 do Tạp chí Công Thương và Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phối hợp thực hiện. Chương trình nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng và toàn xã hội về an toàn thực phẩm.

    Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát động Chiến dịch Triệu chữ ký vì an toàn thực phẩm. 

    Tới dự Lễ phát động và tham gia ký tên hưởng ứng Chiến dịch “Triệu chữ ký vì an toàn thực phẩm” có lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương, lãnh đạo các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội.

    Phát động Chiến dịch, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải hoan nghênh sự tham gia nhiệt tình ủng hộ Chương trình của các cấp, các ngành trên cả nước, đặc biệt là sự tham gia của đông đảo các cơ quan truyền thông, các doanh nhân, bà con tiểu thương, các nghệ sĩ và các bạn sinh viên thực hiện hưởng ứng vì an toàn thực phẩm. Với nhiều hình thức thực hiện mới mẻ, hấp dẫn, đặc biệt thông qua các hoạt động lấy chữ ký trực tiếp và lấy chữ ký điện tử, Thứ trưởng hy vọng Chương trình sẽ tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ.

    Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, với vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong việc chỉ đạo triển khai và kiểm tra thực hiện các quy định bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, đặc biệt là các chợ đầu mối; kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc kinh doanh hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, nhập lậu. Đồng thời, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất, phân phối thực hiện an toàn thực phẩm.

    Ngay tại buổi Lễ, hàng trăm người đã ký tên trực tiếp hưởng ứng Chiến dịch Triệu chữ ký vì an toàn thực phẩm, trong đó có sự tham gia của nhiều nhân vật nổi tiếng như: Á hậu Thụy Vân; NSƯT Công Lý, NSƯT Quang Thắng, diễn viên Đỗ Duy Nam, ca sĩ Đinh Mạnh Ninh, ca sĩ Trà My The Voice, MC Khánh Vy… cùng nhiều người dân thủ đô có mặt tại sự kiện. Đặc biệt, cùng hoạt động ký tên trực tiếp, trang web và trang Fanpage của Chương trình cũng chính thức khởi động.

    Với hình thức lấy chữ ký trực tiếp và lấy chữ ký điện tử tại trang Web: antoanthucphamhd.vn và trang Fanpage: Hành động vì an toàn thực phẩm, Chiến dịch dự kiến sẽ thu hút hàng triệu người tham gia.

    Đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng, nghệ sĩ, sinh viên, người tiêu dùng cùng tham gia ký tên vì an toàn thực phẩm. 

    Bà Đặng Thị Ngọc Thu – Tổng Biên Tập Tạp chí Công Thương – Đơn vị được giao tổ chức Chương trình cho biết, sau Lễ phát động Chiến dịch “Triệu chữ ký vì an toàn thực phẩm”, Ban Tổ chức sẽ tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động nhằm thu hút sự tham gia của nhiều triệu người dân cùng chung tay hành động vì an toàn thực phẩm.

    Cụ thể ngay trong tháng 12 này, Ban tổ chức sẽ phát động các cuộc thi bình chọn ảnh “Sáng tạo cùng an toàn thực phẩm” và cuộc thi “Người tiêu dùng thông thái” trên trang Web: antoanthucphamhd.vn và trang Fanpage Hành động vì an toàn thực phẩm. Nhiều hoạt động minigame, trò chơi trực tuyến có thưởng hấp dẫn, cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho người tiêu dùng. Các hoạt động hội thảo, diễu hành, treo cờ phướn trên quy mô toàn quốc cũng sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Lễ Tổng kết Chương trình sẽ được thực hiện vào cuối năm 2018.

    Theo Tapchicongthuong.vn

    Ưu tiên tín dụng cho các dự án năng lượng xanh

    0

    Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) đã chính thức tham gia nhóm Sáng kiến Tài chính chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP FI) nhằm hướng đến mục tiêu phát triển của quốc gia trong việc góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu, tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh trong ngành tài chính, cũng như thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và môi trường.

    Cụ thể, ABBANK đang tích cực triển khai ba chương trình cho vay tiêu biểu dựa trên vốn ODA với các yêu cầu khắt khe về việc bảo đảm quy định về bảo vệ môi trường.

    Trong đó, chương trình cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEFPIII) dựa trên nguồn vốn của JICA, chương trình cho vay tài chính nông thôn (RDFII) và chương trình cho vay phát triển nông nghiệp bền vững (VNSAT) mang mục tiêu đưa nguồn vốn của World Bank tới đối tượng doanh nghiệp ngành.

    Các dự án xanh sẽ được ABBANK ưu tiên trong các khoản vay – Ảnh: Nguồn Internet.

    Ngoài ra, ABBANK hiện là thành viên chương trình Tài trợ thương mại toàn cầu của IFC (GTFP). Theo đó, các giao dịch liên quan đến tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo được khuyến khích và có cơ chế ưu đãi về giá khi được tài trợ trong khuôn khổ chương trình này. Đồng thời, ABBANK cần bảo đảm tuân thủ các tiêu chí về việc bảo vệ môi trường, xã hội trong suốt quá trình tham gia.

    Trong cơ chế vận hành, ABBANK đã và đang tích hợp quy trình quản lý rủi ro môi trường, xã hội vào quy trình tín dụng hiện hành, ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án, hoạt động ngoài “Danh mục các hoạt động không cấp tín dụng/ Exclusion List”, đồng thời tiến hành phân loại danh mục các dự án theo mức độ rủi ro về môi trường, xã hội (cao – trung bình – thấp) thông qua bảng câu hỏi kiểm tra về môi trường nhằm bảo đảm tuân thủ các tiêu chí về việc bảo vệ môi trường và xã hội.

    Giám đốc toàn cầu của UNEP FI- ông Eric Usher đánh giá cao việc ABBANK trở thành thành viên của tổ chức và tin rằng ABBANK sẽ là một ví dụ điển hình tiên tiến đối với các tổ chức khác trong việc nhận thức tầm quan trọng của vấn đề môi trường trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

    Tổng Giám đốc ABBANK Cù Anh Tuấn cũng chia sẻ: Việc ABBANK chính thức trở thành thành viên của nhóm Sáng kiến Tài chính chương trình môi trường Liên hợp quốc – UNEP FI mang ý nghĩa quan trọng trong tiến trình thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh của ABBANK nói riêng và đóng góp vào việc thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh nói chung. Đây cũng là tiền đề nghiên cứu một số sản phẩm thúc đẩy tỷ trọng tín dụng xanh trong cơ cấu danh mục tại ABBANK.

    UNEP FI là hoạt động quan hệ đối tác giữa Liên hợp quốc và các định chế tài chính tư trong việc điều phối và thực hiện các nguyên tắc phát triển bền vững, thông qua sự kết hợp các yếu tố môi trường, xã hội, quản trị, hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc thực hiện các chính sách và các cách làm hợp lý về môi trường.

    Với sự tham gia của hơn 200 tổ chức tài chính trên toàn cầu, UNEP FI hỗ trợ các thành viên áp dụng các yếu tố liên quan đến bảo vệ môi trường vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần xây dựng mối quan hệ giữa phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

    Theo tietkiemnangluong.vn

    “Tuần lễ Đan Mạch – Các giải pháp thành phố bền vững” ở Việt Nam

    Từ ngày 12 – 17/12, Đại Sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam sẽ khởi động một loạt sự kiện dưới chủ đề “Tuần lễ Đan Mạch – Các giải pháp thành phố bền vững” tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

    Chiến dịch này diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, bao gồm các cuộc triển lãm, hội thảo, chiếu phim, lớp học master class và một cuộc thi để tìm kiếm những ý tưởng thiết thực về cách đảm bảo một thành phố xanh-sạch hơn.

    Chiến dịch do Đại sứ quán Đan Mạch khởi xướng và được đồng tổ chức bởi Đại học Xây dựng Hà Nội và Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, với sự hỗ trợ của  thành phố, các tổ chức, công ty đến từ Đan Mạch và Việt Nam.

    Bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết: “Đan Mạch là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ xanh, và Tăng trưởng xanh là một lĩnh vực quan trọng của Thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Chính phủ Việt Nam và Đan Mạch. Với chiến dịch này, chúng tôi hy vọng sẽ tạo các cơ hội để trao đổi kiến thức và truyền cảm hứng cho Việt Nam về cách thức xây dựng các thành phố xanh và bền vững”.

    Trong “Tuần lễ Đan Mạch – Các giải pháp thành phố bền vững” sẽ diễn ra vòng chung kết cuộc thi “Nâng cao nhận thức về các giải pháp thành phố xanh ở Việt Nam” để trao giải thưởng cho các ý tưởng tốt nhất về cách đảm bảo một thành phố xanh – sạch hơn.

    Các buổi hội thảo dưới chủ đề  “Tuần lễ Đan Mạch – Các giải pháp thành phố bền vững” sẽ được tổ chức tại Đại học Xây dựng Hà Nội (tại Hà Nội vào ngày 12/12) và Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh (tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 13/12). Trong thời gian hội thảo, các chuyên gia Đan Mạch và Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm, bài học thu được và các thông lệ tốt nhất trong giải pháp và chính sách quy hoạch đô thị.

    Ngoài ra, sinh viên các trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có cơ hội được tham gia buổi master class của kiến trúc sư nổi tiếng Đan Mạch, ông Hans Peter Hagens và Giám đốc Sở Kỹ thuật và Môi trường của thành phố Aarhus, ông Mogens Bjørn Nielsen.

    Trển lãm dành cho công chúng (tổ chức vào các ngày 12-17/2 tại Hà Nội và 14-19/12 tại TP. Hồ Chí Minh) sẽ giới thiệu về một số thiết kế kiến trúc và dự án phát triển thành phố bền vững tiêu biểu từ Đan Mạch và sẽ được mở cửa tại các trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh trong tuần lễ sự kiện. Tại Hà Nội, triển lãm sẽ được chuyển đến quảng trường Lý Thái Tổ cạnh Hồ Hoàn Kiếm vào các ngày cuối tuần (16-17 tháng 12).

    Một sự kiện khác liên quan đến “Tuần lễ Đan Mạch – Các giải pháp thành phố bền vững” là vòng chung kết cuộc thi “Nâng cao nhận thức về các giải pháp thành phố xanh ở Việt Nam” để trao giải thưởng cho các ý tưởng tốt nhất về cách đảm bảo một thành phố xanh – sạch hơn.  Cuộc thi do Đại sứ quán Đan Mạch và Mạng lưới cựu du học sinh Việt Nam – Đan Mạch phối hợp tổ chức.

    Chiếc “tủ lạnh” đặc biệt không cần dùng điện

    0

    Không cần cắm điện vẫn giữ thức ăn tươi ngon đến 27 ngày. Nhờ phát minh mang tính đột phá này, Mohammed Bah Abba đã góp phần không nhỏ cải thiện cuộc sống khó khăn của những người dân nghèo các nước châu Phi.

    Những giải pháp nhỏ và đơn giản đôi lúc có thể mang lại những kết quả vô cùng to lớn. Đó chính là trường hợp ở nhiều vùng nông thôn nghèo tại châu Phi. Ở những khu vực này thường không có điện, một phần vì xa xôi hẻo lánh, một phần cũng vì chi phí sử dụng điện đối với họ quá đắt đỏ. Và vì thế, những dân nghèo tại đây có nằm mơ cũng chẳng bao giờ dám nghĩ mình sẽ sở hữu một thứ quá xa xỉ mà vô cùng cơ bản đối với nhiều người chúng ta, đó là một chiếc tủ lạnh!

    Với khí hậu nóng quanh năm và cái nắng như thiêu đốt ở châu Phi, việc bảo quản thực phẩm tươi ngon quả là một sự thử thách. Từ rau củ, trái cây đến các loại thịt cá thường chỉ lưu trữ được trong nhà chưa đến một tuần đã hư hỏng. Cuộc sống thiếu thốn và khổ cực của những người dân nơi đây càng thêm khó khăn chồng chất.

    Nhìn thấy hoàn cảnh của những người dân nghèo như vậy, giáo viên người Nigeria, Mohammed Bah Abba, đã phát minh ra một công cụ giữ lạnh không cần điện mà có thể tăng thời gian bảo quản thực phẩm từ vài ngày lên đến vài tuần.

    Tạp chí Time đã từng gọi phát minh bình làm lạnh của Mohammed là một trong những phát minh vĩ đại của năm.

    Mohammed sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm đồ gốm. Cuối những năm 90, dựa trên ý tưởng cổ xưa của chiếc bình gốm giữ nước lạnh, ông đã chế tạo ra chiếc “tủ lạnh” đặc biệt: Hai chiếc bình gốm to nhỏ được lồng vào nhau, khoảng trống giữa hai bình sẽ được đổ đầy cát ướt, thực phẩm được trữ trong bình gốm nhỏ và đậy lại bằng một tấm vải ướt.

    Chế độ hoạt động của hệ thống làm lạnh này hoàn toàn đơn giản. Đặt chiếc bình ở nơi khô, thoáng gió. Khi nước trong cát bốc hơi sẽ làm lạnh chiếc bình nhỏ đựng thực phẩm. Nhiệt độ lúc này có thể hạ xuống đến 4 độ C.

    Theo như thử nghiệm, chiếc bình trữ lạnh của Mohammed có thể giữ cho cà tím tươi ngon đến 27 ngày thay vì họ chỉ để được tối đa là 3 ngày ở nhiệt độ bình thường.

    Hệ thống làm lạnh của Mohammed đã giúp những người nông dân có khả năng lưu giữ thực phẩm được lâu và tươi ngon hơn, do đó họ bán nông sản cũng được giá cao hơn. Ngoài ra khi có chiếc bình trữ lạnh này, người dân những nơi này sẽ không cần ngày nào cũng phải đi chợ mua thực phẩm nữa, vô cùng tiện lợi mà còn tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

    Phát minh mang tính đột phá của Mohammed có giá thành rẻ đến không thể tin, chỉ từ 2-4 đô la nhưng lại có thể nâng chất lượng cuộc sống của người dân nghèo châu Phi.

    Trước khi qua đời vào năm 2010, Mohammed đã liên tục cải tiến phát minh của mình để chúng hoạt động hiệu quả hơn. Ông thậm chí còn bỏ tiền túi riêng để sản xuất hàng loạt khoảng 5000 chiếc bình làm lạnh và phân phát cho người dân tại 5 ngôi làng ở Jigawa. Một thời gian sau, ông lại tiếp tục phát 7000 chiếc bình tương tự cho hàng chục ngôi làng khác.

    Năm 2000, Mohammed Bah Abba được trao giải thưởng Rolex Award for Enterprise. Tạp chí Time đã từng gọi phát minh bình làm lạnh của Mohammed là một trong những phát minh vĩ đại của năm, cho tới nay chúng đã được sử dụng rộng rãi tại các vùng nông thôn ở Nigeria, Cameroon, Chad, Eritrea, và Sudan.

    Nguồn National Geographic

    Điện gió và điện mặt trời sắp rẻ hơn nhiệt điện

    0

    Đó là kết luận vừa được Bloomberg New Energy Finance (BNEF) đưa ra. Theo ước tính của nhà sáng lập BNEF – Michael Liebreich, năng lượng sạch sẽ chiếm tới 86% trong tổng số 10.200 tỷ USD dự đoán sẽ được rót vào ngành công nghiệp năng lượng từ nay đến năm 2040.

    Trong 1 bài thuyết trình ở London (Anh) tuần trước, Liebreich cho rằng với các công nghệ phát triển giúp giảm chi phí của các trang trại điện gió và điện mặt trời, khó có thể tránh khỏi việc ở nhiều nơi trên thế giới năng lượng sạch sẽ có tính kinh tế cao hơn so với nhiên liệu hóa thạch.

    Kể từ khi bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2004, BNEF đã nhìn thấy xu hướng các máy móc trong ngành công nghiệp điện gió ngày càng có kích thước to hơn và công suất cũng lớn hơn. Siemens AG và Vestas Wind Systems A/S đang cung cấp turbine có vòng quay cánh quạt lớn hơn cả 1 chiếc máy bay thân rộng Airbus A380.

    Có thể nhìn thấy rõ ràng sự phát triển vượt bậc của công nghệ điện gió khi công suất và kích thước của các turbine gió đã tăng lên nhanh chóng.

    Hào hứng với triển vọng trong thập kỷ tới sẽ có những turbine gió khổng lồ, nhà đầu tư của các trang trại điện gió ngoài khơi của Đức đã hứa hẹn các dự án tiếp theo sẽ không cần phải nhận sự trợ cấp của Chính phủ.

    Liebreich chỉ ra 2 thời điểm bước ngoặt quan trọng sẽ khiến công nghệ sản xuất điện bằng khí đốt và than đá trở nên kém hấp dẫn vì chi phí sản xuất năng lượng tái tạo rẻ.

    “Thứ nhất là khi năng lượng gió và năng lượng mặt trời trở nên rẻ hơn tất cả mọi thứ”. Ví dụ, ở Nhật Bản, đến năm 2025 chi phí để xây 1 nhà máy điện mặt trời sẽ rẻ hơn so với nhà máy nhiệt điện. Thị trường Ấn Độ sẽ đạt được cột mốc này vào năm 2030.

    Thời điểm quan trọng thứ hai là khi chi phí để vận hành các nhà máy điện cũ chạy bằng khí đốt và than đá còn cao hơn so với việc lấy năng lượng từ gió và mặt trời. BNEF dự báo điều này sẽ xảy ra vào khoảng năm 2025, ở cả Đức và Trung Quốc.

    Vì chi phí nhiên liệu ở từng nước là khác nhau, rất khó để đưa ra 1 mốc thời gian chắc chắn khi nào thì năng lượng tái tạo sẽ vượt qua năng lượng hóa thạch. Ví dụ, Brazil vẫn phụ thuộc vào các đập thủy điện trong khi Pháp chuộng điện hạt nhân. 2 công nghệ này ít được sử dụng ở hầu hết các nước.

    Dẫu vậy, theo Liebreich thì hiệu quả kinh tế mà điện gió và điện mặt trời đem lại ngày càng rõ ràng và đủ hấp dẫn để đi đến kết luận than đá không thể mãi mãi duy trì vị thế số 1 trên thị trường năng lượng toàn cầu.

    Theo Newenergyfinance.com

    Sẽ có các trang trại điện gió tại Quảng Trị

    0

    Ngày 6/12, tại Đại sứ quán Đan Mạch, Hà Nội, Vestas và Công ty Tân Hoàn Cầu đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc tiến hành nghiên cứu sức gió trị giá hơn 22 triệu Euro tại Quảng Trị.

    Trong khuôn khổ hợp tác này, hai bên đã đồng ý cùng nhau phát triển các trang trại điện gió ở xã Hướng Linh trên địa bàn huyện Hướng Hóa, thuộc tỉnh Quảng Trị. Đây là mô hình xây dựng trang trại điện gió trên núi cao đầu tiên tại Việt Nam.

    Theo biên bản ghi nhớ, Công ty Tân Hoàn Cầu sẽ hợp tác với Vestas nghiên cứu tiềm năng của khu vực nghiên cứu và đề xuất tổng công suất tiềm năng. Vestas sẽ cung cấp các tua bin, thiết bị dự án điện gió Hướng Linh 1 và nghiên cứu phát triển các dự án nhà máy điện gió Hướng Linh 3,4,5 trong giai đoạn tiếp theo.

    Đây là mô hình xây dựng trang trại điện gió trên núi cao đầu tiên tại Việt Nam.

    Dựa trên tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng, khu vực nghiên cứu tại xã Hướng Linh sẽ được phát triển theo giai đoạn thông qua 6 tiểu dự án, với công suất tối thiểu 30MW. Cả hai công ty sẽ tiến hành nghiên cứu sức gió và địa điểm để chọn vị trí đặt tua bin cho các tiểu dự án.

    Tại lễ ký kết, ông Mai Văn Huế, Chủ tịch Tân Hoàn Cầu đã khẳng định cam kết triển khai các công nghệ và mô hình tua bin gió tiên tiến nhất, hướng tới đạt được hiệu quả cao nhất. “Vì vậy, chúng tôi quyết định hợp tác với công ty hàng đầu thế giới Vestas để tiến hành dự án này”.

    Liên quan đến việc phát triển các dự án điện gió tại Quảng Trị, theo nguồn tin của Tạp chí Năng lượng Việt Nam, quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Quảng Trị giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 4 dự án điện gió triển khai đầu tư, với tổng công suất 110MW.

    Giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ có thêm 1 dự án điện gió triển khai đầu tư, với công suất 22MW. Giai đoạn sau năm 2030 sẽ có thêm 3 dự án điện gió triển khai đầu tư, với tổng công suất 54MW.

    Hiện các dự án điện gió Hướng Phùng 1 (30MW), Hướng Phùng 2 (20MW), Hướng Linh 1 (30MW) và Hướng Linh 2 (30MW) đã được UBND tỉnh Quảng Trị cấp chủ trương đầu tư. Dự án điện gió Hướng Linh 2 đã hòa vào lưới điện quốc gia 7 tua bin, với tổng công suất 14MW.

    Ngoài các dự án điện gió nêu trên, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã đồng ý để các nhà đầu tư vào nghiên cứu, đề xuất phát triển thêm các dự án điện gió với quy mô khoảng 500MW.

    Theo Nangluongvietnam.vn

    Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi phải công bố tên, hàm lượng

    0

    Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc thú y có thành phần kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi phải công bố tên, hàm lượng… trên nhãn hàng hóa hoặc nhãn phụ, bao bì.

    Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành Thông tư 20/2017/TT-BNNPTNT hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 4/4/2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Trong đó quy định về việc sử dụng thuốc thú y có thành phần kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm.

    Theo Thông tư, thuốc thú y được sử dụng trộn vào thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm phải có tên trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc được Cơ quan thẩm quyền cho phép để phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm.

    Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc thú y có thành phần kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh cho gia súc, gia cầm non và trị bệnh cho gia súc, gia cầm không phải công bố tên, hàm lượng của kháng sinh trong tiêu chuẩn công bố áp dụng và mẫu nhãn sản phẩm khi đăng ký sản phẩm thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam nhưng phải công bố tên, hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngừng sử dụng trên nhãn hàng hóa hoặc nhãn phụ, bao bì hoặc tài liệu kèm theo khi lưu hành trên thị trường; lưu các thông tin về kháng sinh nêu trên trong hồ sơ sản xuất.

    Chỉ được sử dụng thuốc thú y nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh trong thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, gia cầm.

    Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc thú y không có thành phần kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh thì thực hiện theo quy định về thuốc thú y, nhưng không bắt buộc phải kê đơn; không phải công bố tên, hàm lượng của hoạt chất trong tiêu chuẩn công bố áp dụng và mẫu nhãn sản phẩm khi đăng ký sản phẩm thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam nhưng phải công bố tên, hàm lượng hoạt chất, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngừng sử dụng trên nhãn hàng hóa hoặc nhãn phụ, bao bì hoặc tài liệu kèm theo khi lưu hành trên thị trường; lưu các thông tin về hoạt chất nêu trên trong hồ sơ sản xuất.

    Thông tư nêu rõ, việc kê đơn thuốc thú y có thành phần kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm được thực hiện bởi bác sĩ thú y có chứng chỉ hành nghề về phòng bệnh, trị bệnh cho động vật.

    Đơn kê phải thể hiện tên thuốc, hoạt chất, công dụng, liều dùng, thời gian sử dụng, thời gian ngừng sử dụng thuốc đảm bảo không gây kháng thuốc và tồn dư kháng sinh, hóa chất ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm sản phẩm chăn nuôi và những khuyến cáo khác (nếu có).

    Thuốc thú y trộn vào thức ăn chăn nuôi trong quá trình chế biến phải đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả của thuốc trong thời hạn sử dụng của từng loại thức ăn chăn nuôi. Chỉ được sử dụng thuốc thú y nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh trong thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, gia cầm; thức ăn tinh cho gia súc ăn cỏ được phép lưu hành tại Việt Nam.

    Cơ sở chăn nuôi sử dụng thức ăn chăn nuôi có chứa thuốc thú y nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm phải theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và ghi nhật ký quá trình sử dụng.

    Ngày 7/11 WHO đã ra thông cáo báo chí khuyến cáo các nhà chăn nuôi gia súc và ngành công nghiệp thực phẩm ngừng sử dụng kháng sinh một cách thường xuyên để thúc đẩy tăng trưởng và ngăn ngừa bệnh ở các động vật nuôi khỏe mạnh.

    Các khuyến cáo mới của WHO nhằm mục đích duy trì hiệu quả của các thuốc kháng sinh quan trọng đối với việc chữa trị cho con người thông qua việc hạn chế sử dụng kháng sinh không cần thiết cho động vật. Ở một số quốc gia, khoảng 80% kháng sinh quan trọng đối với chữa trị cho con người được tiêu thụ trong ngành thú y, và chủ yếu là để thúc đẩy sự tăng trưởng của động vật khỏe mạnh.

    Sử dụng kháng sinh thái quá và không phù hợp ở người và động vật làm tăng nguy cơ kháng thuốc. Một số loại vi khuẩn có khả năng gây nhiễm trùng nghiêm trọng ở người đã trở nên kháng với hầu hết các phương pháp điều trị hiện có và rất ít các lựa chọn điều trị hứa hẹn đang được phát triển để có thể thay thế các kháng sinh bị vô hiệu.

    Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO kêu gọi: “Cần thiết có hành hành động mạnh mẽ và bền vững giữa các ngành và lĩnh vực, để chống lại tình hình kháng thuốc và bảo vệ sức khoẻ của người dân trên toàn thế giới”.

    Theo Vietq

    Hiểm họa từ thìa đũa gỗ phủ sơn bóng, véc ni

    0

    Với giá cực rẻ, những chiếc thìa, muỗng gỗ có chữ Trung Quốc phủ sơn bóng, véc ni bày bán tràn lan tại các chợ nhỏ khu vực nội đô và vùng ven Hà Nội. Chuyên gia khuyến cáo nên thận trọng với loại sản phẩm này nếu ăn phải sẽ rất độc hại.

    Cách phân biệt đũa sơn và đũa gỗ tự nhiên

    Tại chợ Ngọc Hà, Cống Vị (Ba Đình, Hà Nội), những chiếc thìa, muỗng hay đũa bằng chất liệu gỗ không có thông tin, nhãn mác bao gói bằng nilon có chữ Trung Quốc được bày bán phổ biến.

    Chỉ với giá 10.000 – 15.000 đồng/sản phẩm, các loại muỗng, đũa gỗ không nhãn mác này có giá thấp hơn 1/3 sản phẩm trong nước. Chất liệu gỗ cũng nhẹ hơn và hầu hết đều được phủ sơn bóng và véc ni tạo màu cho sản phẩm.


    Thìa, muỗng hay đũa bằng chất liệu gỗ không thông tin, nhãn mác được bao gói bằng nilon có chữ Trung Quốc được bày bán phổ biến tại nhiều chợ ở Hà Nội.

    Chị Ngô Thị Thúy (Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) một thời gian ngắn sau khi mua và sử dụng thìa gỗ cho biết, chiếc thìa gỗ gần như mất hết độ bóng, lộ ra thân gỗ với màu thâm đen trông rất mất thẩm mỹ.

    “Lúc mới mua thìa gỗ trông đẹp mắt với màu vàng óng, có mùi thơm thế nhưng chỉ vài lần sử dụng mùi thơm mất đi, thay vào đó chiếc thìa trở nên bạc phếch, dễ bị nấm mốc”, chị Thúy cho biết.

    Chị Thúy cũng cho hay có lần mua đũa được quảng cáo là gỗ mun với giá hơn 300.000 đồng/10 đôi nhưng sau khi dùng một thời gian ngắn nhưng đôi đũa này cũng trong tình trạng tương tự: bay màu và dễ bị nấm mốc.

    Theo các chuyên gia hóa học, các loại sơn sử dụng như lớp bảo vệ bên ngoài để tạo độ bóng, tạo màu giả gỗ đều độc hại, mức độ tùy thuộc vào loại hóa chất và nồng độ hóa chất mà họ sử dụng.

    Do đó, không được sơn bất cứ thứ gì lên trên bát đĩa hay đũa bởi các chất này có thể bị thôi ra trong một điều kiện hay nhiệt độ nào đó, nhất là các đồ dùng trong thực phẩm. Sơn và véc ni là các hợp chất hữu cơ, vì thế có những thành phần độc cho sức khoẻ con người.

    Bên cạnh các nguy cơ từ thìa, muỗng, đũa gỗ phủ sơn bóng và véc ni, các chuyên gia còn khuyến cáo về sự mất an toàn từ các sản phẩm này vì các loại đũa, thìa được làm bằng gỗ rất dễ bị vi khuẩn, nấm mốc tấn công, đặc biệt là trong những ngày mưa ẩm.

    “Nếu ăn bằng đũa, thìa gỗ có các vết mốc thì người dùng có nguy cơ đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe, nhẹ thì gây ra các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, ói mửa, nặng thì sẽ bị ung thư. Do đó, để bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người thân trong gia đình, các nhà nội trợ cần vứt chúng ngay hoặc có các cách loại bỏ ẩm mốc trên đũa, thìa gỗ để tránh rước bệnh vào người”, tiến sĩ Trịnh Lê Hùng, khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội khuyến cáo.

    Cách sử dụng đũa, muỗng, thìa gỗ an toàn

    – Không nên dùng các loại đũa làm bằng gỗ được phủ sơn bóng vì trong sơn có chứa các kim loại nặng tạo màu gây đột biến nhiễm sắc thể, ung thư. Tốt nhất nên chọn đũa gỗ tự nhiên như gỗ tre già, dừa già hay gỗ mun được vót trơn láng, đầu đũa không bị tưa, không có khe lõm.
    – Với đũa mới, phải rửa sạch bằng nước, luộc trong nước nóng trong nửa giờ, phơi khô rồi mới đem ra sử dụng
    – Không được rửa sạch bằng xà bông và lau khô dễ bị vi khuẩn, vi nấm độc trong môi trường sẽ bám vào đồ ăn còn sót trên đũa và có nguy cơ lây vào thức ăn khi dùng đũa sau đó.
    – Không nên dùng đũa lâu ngày. Thông thường các loại đũa được làm từ đũa tre, gỗ có hạn sử dụng là 3-6 tháng/lần. Do đó, nên thường xuyên thay đũa và lựa chọn những loại đũa có nguồn gốc rõ ràng để không gây nguy hại đến sức khỏe.

    Theo Vietq

    Mẹo sử dụng máy giặt tiết kiệm điện

    0

    Giặt quần áo vào mùa mưa lạnh là nỗi ám ảnh của các chị em, không những vì ngại quần áo lâu khô, ẩm mốc, mà còn giật mình khi thấy hóa đơn tiền điện bỗng dưng tăng vọt.

    Vì vậy, chị em chớ nên bỏ qua cách dùng máy giặt tiết kiệm điện hữu ích dưới đây.

    1. Bảo dưỡng, vệ sinh máy giặt định kì

    Mùa mưa lạnh đến, máy giặt nhà bạn phải hoạt động liên tục với công suất cao vì quần áo rét nặng và dày. Sau một thời gian dài sử dụng, để máy được bền lâu và tiết kiệm điện, bạn nên bảo dưỡng, vệ sinh cho máy giặt bằng cách lau chùi sạch sẽ và khô ráo bằng vải mềm, dùng bàn chải để vệ sinh lưới lọc xơ vải, ngăn đựng bột giặt, nước xả.

    Sau một thời gian dài sử dụng, để máy được bền lâu và tiết kiệm điện, bạn nên bảo dưỡng.

    2. Chọn thời gian giặt phù hợp

    Quan trọng nhất là bạn phải biết cách tính giờ và chọn thời gian giặt phù hợp như sau: Quần áo sợi tổng hợp giặt trong 8 -10 phút; hàng dệt bông, gai giặt 10 – 12 phút, đồ quá bẩn như giẻ lau hay quần áo sau khi đi mưa về nên ngâm trong nước 20 phút rồi mới cho vào máy giặt và giặt trong 15 – 20 phút.

    3. Kiểm tra nguồn điện

    Trong thời tiết mùa mưa, bạn nên chú ý kiểm tra ổ điện, phích cắm có bị ẩm hay rò rỉ điện hay không và sử dụng nguồn điện ổn định cho máy giặt. Sau mỗi lần sử dụng, bạn rút phích cắm ra khỏi ổ cắm để tránh trường hợp sét đánh ngoài trời gây hại cho các thiết bị điện. Nếu máy giặt đặt ở những nơi có độ ẩm cao thì nên có hệ thống hút ẩm để bảo vệ máy giặt.

    4. Chọn đúng loại máy giặt

    Để đảm bảo sử dụng máy giặt đúng cách và tiết kiệm, bạn nhất thiết phải lựa chọn đúng máy giặt ngay từ đầu. Một số loại máy giặt hiện đại cho phép điều chỉnh nhiệt độ nước để quá trình giặt hiệu quả hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tiêu hao điện năng nhiều hơn.

    Để tiết kiệm điện, bạn tuyệt đối không được giặt đồ quá tải.

    Tuy nhiên, bạn vẫn có thể giặt sạch quần áo với nhiệt độ nước bình thường. Đối với chăn, màn, ga trải giường cần được giặt bằng nước nóng thì bạn có thể bật chế độ nước nóng trong quá trình giặt ban đầu, sau đó cài đặt lại chế độ nước bình thường trong các bước sau.

    Mùa mưa cũng là lúc dễ tích tụ quần áo bẩn nhiều hơn. Để tiết kiệm điện, bạn tuyệt đối không được giặt đồ quá tải. Và chỉ nên chọn mức nước cao nếu lượng đồ cần giặt nhiều.

    Theo Eva/Khám phá

    Cơ chế nào cho phát triển năng lượng điện gió tại Việt Nam

    0

    Để khai thác triệt để tiềm năng điện gió của Việt Nam, cần có khuôn khổ pháp lý vững chắc, cơ chế, chính sách hỗ trợ nhiều hơn từ nhà nước.

    Việt Nam có nguồn năng lượng điện gió dồi dào

    Đây chính là nhận định của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước tại Hội thảo năng lượng gió Việt Nam với chủ đề “Đầu tư và lợi nhuận từ gió” do Tập đoàn điện gió Vestas và Đại sứ quán Đan Mạch đồng tổ chức tại Hà Nội ngày 7/12.

    Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phòng Kinh tế, Dự báo và Quản lý nhu cầu năng lượng, Viện Năng lượng Việt Nam cho hay, hiện Việt Nam đang có khoảng 50 dự án điện gió đăng ký ở các giai đoạn khác nhau với tổng công suất khoảng 5.000 MW. Mỗi dự án có quy mô từ 6 đến 250 MW. Trong khi đó, tiềm năng năng lượng gió tại Việt Nam còn rất lớn, đạt 27 GW trong ngắn hạn và lên tới 144 GW trong dài hạn.

    Quang cảnh Hội thảo ” Đầu tư và lợi nhuận từ điện gió”. 

    Cùng quan điểm trên, ông Clive Turton, Chủ tịch Vestas khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho hay, Việt Nam có bờ biển dài, có diện tích đất lớn và nguồn gió dồi dào, được Vestas đánh giá là nước có tiềm năng về điện gió lớn nhất khu vực ASEAN.

    Sản lượng điện gió tiềm năng có thể lên tới 30 GW nếu được đầu tư đúng mức. Hiện Vestas đang cung cấp công nghệ, dịch vụ và cơ chế tài chính cho một số dự án điện gió tại Việt Nam để tiếp tục tận dụng, duy trì và phát triển lợi ích từ nguồn năng lượng dồi dào này.

    Theo ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Việt Nam là nước có tiềm năng năng lượng tái tạo lớn với các nguồn thủy điện nhỏ, điện gió, điện sinh khối, điện mặt trời… Và theo quy hoạch điện quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030 đã được thủ tướng phê duyệt vào ngày 18/3/2016 mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo được đưa ra rất rõ ràng.

    Trong đó, ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt 7% vào năm 2020 và trên 10% vào năm 2030.

    Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng tiềm năng về năng lượng điện gió ở Việt Nam vẫn chưa được khai thác đúng mức. 

    Để thúc đẩy đầu tư, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, thủ tướng chính phủ đã ban hành các chính sách và cơ chế khuyến khích, ưu tiên. Cụ thể, giảm giá FIT hợp đồng mua bán điện mẫu cho phát triển năng lượng điện sinh khối, điện sản xuất từ rác thải rắn, điện mặt trời và điện gió. Riêng giá FIT hỗ trợ phát triển điện gió cũng đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh cho phù hợp.

    Đồng thời hàng loạt các quy hoạch phát triển điện lực tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo và quy hoạch phát triển điện gió ở địa phương cũng đã được UBND các tỉnh tổ chức lập và Bộ Công Thương phê duyệt ban hành.

    Thay đổi cơ chế, tăng cường hợp tác phát triển điện gió

    Dù tiềm năng về năng lượng điện gió ở Việt Nam là rất lớn nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tiềm năng này chưa được đầu tư và khai thác một cách tương xứng. Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Đỗ Đức Quân chỉ rõ, đối với phát triển điện gió, đến thời điểm này mới chỉ có 6 dự án vào vận hành phát điện với tổng công suất gần 200m.

    Bên cạnh đó, theo đánh giá của Bộ Công Thương, một trong những nguyên nhân chủ yếu là khả năng hạn chế của chủ đầu tư trong việc phát triển một dự án đầu tư khả thi để có thể tiếp cận nguồn vốn thương mại trong nước và quốc tế.

    “Trong lộ trình phát triển nguồn năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn chỉnh khung chính sách, pháp lý đề xuất ban hành các cơ chế phù hợp khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo trong thời kỳ mới, tăng cường tái cơ cấu quản lý và nâng cao năng lực thực hiện của các cấp; nghiên cứu công nghệ lưới điện thông minh, kỹ thuật lưu trữ năng lương và khả năng dự báo nhằm tối ưu hóa khả năng tiếp nhận nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, đảm bảo phát triển ổn định, an toàn và bền vững”, ông Quân nhấn mạnh.

    Khẳng định tại Hội thảo “Đầu tư và lợi nhuận từ gió”, ông Đỗ Đức Quân cũng bày tỏ hy vọng vào Đan Mạch với kinh nghiệm và công nghệ hàng đầu thế giới về phát triển điện gió sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chuyển giao công nghệ, nâng cao khả năng chuyên môn cung cấp nguồn tài chính thông qua hợp tác doanh nghiệp với doanh nghiệp và hợp tác nghiên cứu phát triển.

    Bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam bày tỏ hy vọng vào mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. 

    Về vấn đề này, bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cũng cho rằng, nhiều năm nay, Việt Nam và Đan Mạch đã hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.

    “Trong thời gian tới, phía Đan Mạch sẽ hỗ trợ để Việt Nam có thể đạt mục tiêu tương lai năng lượng xanh hơn, củng cố quan hệ Việt Nam – Đan Mạch trong ngành năng lượng”, Đại sứ cũng khẳng định.

    Liên quan đến việc tạo điều kiện hỗ trợ phát triển điện gió tại Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Hưng nhấn mạnh, để khai thác tốt các tiềm năng từ năng lượng gió, Việt Nam cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về năng lượng tái tạo cũng như thiết lập cơ chế khuyến khích về tài chính, cơ chế về giá cho các dự án năng lượng tái tạo.

    Theo Vietq