25 C
Hanoi
Thứ sáu, Tháng mười một 15, 2024
More
    Home Blog Page 407

    Nguy cơ “mất mạng” vì lắp đèn siêu sáng cho ô tô

    Để cải thiện ánh sáng cho đèn ô tô, nhiều người đã lắp đèn LED siêu sáng. Tuy nhiên theo chuyên viên kỹ thuật về ô tô điều này vô cùng nguy hiểm.

    Không chỉ xe tải, xe khách mà hiện nay nhiều thanh, thiếu niên săn lùng những bộ đèn LED độc, lạ trang trí cho xe máy của mình. Đèn LED không chỉ hỗ trợ ánh sáng cực mạnh mà còn để các thanh thiếu niên so kè nhau xe ai oách hơn, đẹp hơn.

    Chính nhờ nhu cầu này mà hiện nay, trên thị trường có khá nhiều loại đèn sử dụng cho đèn pha môtô, xe máy như đèn xenon, đèn bi-xenon, đèn HID, đèn LED… Những loại đèn này cho cường độ ánh sáng mạnh, tầm nhìn xa hơn so với bóng halogen thông thường tích hợp sẵn trên xe.

    Theo ghi nhận của báo Thanh Niên tại một số chợ trên địa bàn TP HCM cho thấy, đèn LED không chỉ bán tràn lan ở nhiều cửa hàng trên các tuyến đường khác như Nguyễn Biểu, Nguyễn Chí Thanh (Q.5), Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh)… mà đèn LED còn được rao bán trên các trang mạng, Facebook, với quảng cáo “không sáng không lấy tiền”; “đèn LED sáng siêu hạng”…


    Lắp đèn LED siêu sáng cho ô tô có thể nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh minh họa

    Chủ một cửa hàng phụ tùng xe máy cho biết trên Zing News, hiện nhiều người có xu hướng thay thế hoặc gắn thêm đèn siêu sáng cho xe. Những loại đèn này khá đa dạng về hình thức lẫn giá cả, từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, ánh sáng cũng mạnh hơn so với bóng halogen thông thường.

    Một loại đèn LED được sử dụng phổ biến. Đây là đèn trợ sáng hiệu suất cao, cho ánh sáng trắng cường độ mạnh và tầm nhìn xa hơn nhiều so với đèn halogen thông thường.

    Do không có dây tóc, ít bị ảnh hưởng bởi những rung động bên ngoài, độ bền của những loại đèn siêu sáng như LED hay xenon của các hãng lớn như Osram, Philips… có thể chiếu sáng đến 2.000 giờ (gấp 4 lần bóng halogen). Nó phát ra thứ ánh sáng trắng, gần như ánh sáng ban ngày.

    Không những thế, đèn siêu sáng này còn có hiệu suất phát sáng gấp 3-4 lần bóng halogen. Những bóng LED hay xenon chỉ có công suất 30-35 W nhưng cho độ sáng tương đương bóng halogen 100 W.

    Chủ cửa hàng phụ tùng xe máy này cũng cho biết thêm: “Tuy nhiên, những loại đèn siêu sáng này không phù hợp cho các dòng xe hai bánh dân dụng, nguyên bản được trang bị chóa đèn halogen. Việc lắp đèn siêu sáng vào chóa đèn halogen sẽ ảnh hưởng tầm nhìn người đối diện”.

    Hơn nữa, những loại đèn siêu sáng kém chất lượng được bán trên thị trường hiện nay còn có thể làm hỏng hệ thống điện của xe, nguy cơ cháy nổ cao. Những loại đèn này có nhiều mức giá khác nhau. Ngoài những loại đèn LED, xenon nhập khẩu từ Nhật hoặc các nước châu Âu có giá 100-300 USD, số khác có giá chỉ từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng.

    Nhiều người dùng ham rẻ thường chọn mua các sản phẩm LED, xenon xuất xứ từ Trung Quốc, kém chất lượng so với hệ thống chiếu sáng xenon chính hãng.

    Khi nháy đèn chế độ Fa, bộ chấn lưu và khởi động phải ngắt mạch, khởi động lại. Việc đóng ngắt mạch liên tục càng làm giảm tuổi thọ của đèn, đồng thời bộ chấn lưu cũng dễ hỏng. Ngoài ra, nhiệt lượng từ những loại đèn “dởm” tỏa ra khá cao. Nếu không cùng kích thước chuẩn, đèn siêu sáng có thể làm bít lỗ thoát nhiệt trên pha đèn, dễ dẫn đến cháy nổ ảnh hưởng tới tính mạng.

    Theo Vietq

    Sử dụng nồi cơm điện: Trên 90% bà nội trợ đang mắc phải những lỗi này

    Để tăng tính tiện dụng, nhiều người dùng có thói quen vo gạo trực tiếp trong lòng nồi cơm điện và tin rằng đây là hành động vô hại.

    Cách sử dụng có liên quan mật thiết đến chất lượng sản phẩm. Nhiều bà nội trợ phàn nàn về việc những chiếc nồi cơm điện sau một thời gian sử dụng gặp trình trạng nấu cơm không ngon, cơm chín không đều,… một trong những nguyên nhân chính từ cách sử dụng không đúng quy cách của người dùng. Dưới đây là một số thói quen tai hại mà nhiều người hay mắc phải khi sử dụng nồi cơm điện.

    Vo gạo trực tiếp trong lòng nồi

    Để tăng tính tiện dụng, nhiều người dùng có thói quen vo gạo trực tiếp trong lòng nồi cơm điện và tin rằng đây là hành động vô hại. Tuy nhiên, với lòng nồi có chống dính hay không thì nhà sản xuất đều có lớp bảo vệ cho bề mặt lòng nồi để chúng nấu ăn an toàn với người dùng.

    Vì thế việc vo gạo trực tiếp trong lòng nồi dễ khiến bề mặt bảo vệ bị trầy xước, không chỉ giảm tính thẩm mỹ của nồi cơm điện mà còn khiến nó nấu ăn mất an toàn, đặc biệt với nồi chống dính. Lời khuyên tốt nhất là bạn nên vo gạo bằng rổ/rá hay một chiếc thau nhỏ sau đó trút gạo vào nồi cơm điện và thêm nước trước khi nấu.


    Không nên vo gạo trực tiếp trong lòng nồi cơm điện. Ảnh minh họa

    Cắm điện chung với các thiết bị có công suất cao

    Nếu bạn cắm chung ổ điện nồi cơm điện với các thiết bị có công suất hoạt động cao như lò vi sóng, lò nướng, tủ lạnh…sẽ dẫn đến tình trạng điện quá tải gây chập cháy. Bạn nên sử dụng có ổ cắm riêng biệt với các thiết bị trên để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng.

    Không lau khô lòng nồi trước khi cắm

    Nhiều người thường có thói quen sau khi vo gạo xong cho luôn lõi nồi vào để cắm. Điều này thực sự có hại nếu như bên ngoài lõi nồi có dính nước sẽ làm ướt mâm nhiệt gây nguy cơ chập cháy, rò rỉ điện làm mất an toàn cho người sử dụng.

    Dùng một tay cho lõi vào vỏ nồi

    Cách này có thể làm hỏng rơle chính của nồi, bởi thiết kế của đáy xoong hơi lõm nên việc đặt bằng một tay dễ khiến rơ le tiếp xúc không đều, dẫn đến cơm bên sống bên chín. Cách dùng chuẩn nhất là người tiêu dùng cần cầm lõi nồi bằng 2 tay và đặt vào vỏ nồi, sau đó nhẹ nhàng xoay nửa vòng phần lõi nồi để rơ le tiếp xúc đều, cơm nấu ra sẽ không bị sượng.


    Cần cầm lõi nồi bằng 2 tay và đặt vào vỏ nồi. Ảnh minh họa

    Nhấn nút “Cook” nhiều lần

    Khi muốn hâm nóng cơm liên tục, tạo cơm cháy hay khi ninh/hầm/làm bánh với nồi cơm điện cần nhấn nút “Cook” nhiều lần để nồi đạt mức nhiệt như ý… Việc này dễ khiến lờn rờ le nhiệt nồi cơm, khiến nó bị nhảy nút quá sớm (cơm sống) hay quá trễ (làm cơm khê).

    Nên hạn chế tối đa việc phải nhấn nút “Cook” nhiều lần mỗi khi sử dụng nồi cơm điện.

    Nồi cơm điện nào cũng có lớp bảo vệ hoặc lớp chống dính nên nếu bạn dùng các dụng cụ lấy cơm bằng kim loại sẽ làm trầy xước, bong tróc lớp bảo vệ/lớp chống dính của nồi cơm. Bởi vậy, để bảo vệ nồi cơm điện nhà mình, hãy chú ý dùng muỗng, đũa lấy cơm bằng gỗ hoặc nhựa.

    Vệ sinh khi lòng nồi còn nóng

    Có đôi khi người dùng vô ý ngâm luôn lòng nồi cơm điện vào nước khi nó vẫn còn đang nóng ngay sau khi vừa dùng hết cơm hay vừa dùng nồi để ninh, hầm cho tiện vệ sinh. Việc làm này sẽ gây tổn hại với những nồi có chống dính vì gây ra hiện tượng sốc nhiệt, dễ làm hư hại và bong tróc lớp chống dính bề mặt nồi. Khi đó nồi cơm điện nấu ăn sẽ không còn an toàn.

    Nên để nồi nguội hẳn sau đó mới vệ sinh. Nếu sợ khó làm sạch các vệt thức ăn bám dính hay cơm cháy, có thể ngâm nồi với nước ấm và nước rửa chén cho mềm vết dơ rồi vệ sinh.

    Theo Vietq

    Philippines lên kế hoạch xây dựng thành phố không ô nhiễm

    Mật độ ô tô đông đúc đã làm trầm trọng thêm vấn đề ô nhiễm không khí. Để giải quyết vấn đề này, chính quyền Manila (Philippines) đang lên kế hoạch xây dựng một  TP mới, bền vững mang tên New Clark.

    Theo kế hoạch phát triển, TP mới cách Thủ đô Manila khoảng 120 km, chiếm gần 100 km2, lớn hơn cả Manhattan (trung tâm kinh tế của New York, Mỹ) và sẽ là nơi sinh sống của hơn 2 triệu người.

    New Clark được chia thành năm quận, mỗi quận có một chức năng cụ thể: chính trị, kinh doanh, giáo dục, nông nghiệp và giải trí. Thiết kế chính xác của New Clark vẫn chưa được công bố, tuy nhiên, các nhà phát triển cho hay, kế hoạch đô thị sẽ ưu tiên môi trường bền vững và khả năng phục hồi khí hậu.

    Với độ cao tối thiểu 56 m so với mực nước biển, TP có thể sẽ không bị ngập lụt nhiều. Bên cạnh đó, để giảm lượng khí thải các bon, hai phần ba của New Clark sẽ được dành riêng cho đất nông nghiệp, công viên và không gian xanh khác.

    Mặt khác, TP mới sẽ tận dụng máy bay không người lái, xe hơi không người lái, công nghệ để giảm lượng nước và năng lượng được sử dụng cho các tòa nhà, xây dựng các khu phức hợp thể thao khổng lồ với nhiều không gian xanh.

    Theo tapchimoitruong.vn

    Sự thật đáng sợ về trái cây bắt đầu mã code bằng số 8

    Thông thường, khi mua trái cây tại siêu thị, chúng ta thường ít để ý đến mã code trên mỗi sản phẩm. Thế nhưng những mã code này có ý nghĩa có thể làm cho bạn phải giật mình.

    Nếu bắt đầu bằng số 8

    Nếu bạn bắt gặp một loại trái cây có tem nhãn dán với năm chữ số và bắt đầu với số 8 thì có nghĩa đó là một sản phẩm GMO (Genetically Modified Organism – có nghĩa là biến đổi gen).

    Hiện nay GMO đang gây tranh cãi và vấp phải phản đối trên diện rộng, đặc biệt là Liên minh châu Âu và vài quốc gia châu Á khác bởi gây một số bệnh cho con người, ô nhiễm vô thời hạn và tăng lạm dụng hóa chất diệt cỏ.


    Trái cây có mã code bắt đầu bằng số 8 – trái cây biến đổi gen.

    Nhiều nghiên cứu khẳng định rằng không có mối liên hệ nào giữa việc sử dụng GMO với các vấn đề sức khỏe. Trong khi đó những nghiên cứu khác chỉ ra nhiều mối tương quan đáng lo ngại như tổn thương nhiều cơ quan nội tạng và rối loạn sinh sản. Những nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe đang ngày càng trở nên khó bác bỏ.

    Vậy những mã code bắt đầu bằng những con số khác thì sao?

    Nếu trên tem có bốn số, bắt đầu bằng số 4 thì đó là ký hiệu của trái cây được trồng bằng công nghệ thông thường, nghĩa là có sử dụng các loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, phân bón vô cơ… theo liều lượng đúng quy chuẩn.

    Những loại sản phẩm này không bị biến đổi và được gieo trồng một cách tự nhiên và tất nhiên là được phun xịt với các chất hóa học bảo vệ thực vật.

    Vì vậy nên lưu ý ngâm, rửa kỹ nhiều lần dưới vòi nước mạnh hay gọt bỏ vỏ trước khi ăn hay chế biến các loại trái cây, thực phẩm này.

    Nếu mã số năm chữ số bắt đầu bằng số 9, đó là một sản phẩm 100% hữu cơ và không hề có bất cứ loại thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật hay bất cứ hormone tăng trưởng nào. Và đi kèm theo đó, tất nhiên là một cái giá cao hơn nhiều so với những sản phẩm tương tự.

    Nhưng thời buổi công nghiệp với quá nhiều thứ độc hại vây quanh như thế này thì việc bỏ thêm một ít tiền để đầu tư cho một đời sống khỏe mạnh cũng đâu phải là việc quá khó khăn để đắn đo suy nghĩ, phải không nào?

    Hãy luôn chủ động là người tiêu dùng thông minh, chủ động lựa chọn thực phẩm hữu cơ sạch, an toàn với nhà cung cấp đáng tin cậy hoặc thậm chí chủ động sản xuất nguồn cung cấp thực phẩm cho mình trong phạm vi có thể.

    Theo Pháp luật TP.HCM

    Nhà máy bột giấy tái chế Trung Quốc: Thành phẩm sạch mang về, rác để lại Việt Nam

    Hiệp hội Giấy và Bột giấy cho hay, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam để nhập thầu giấy bao bì và tìm cách liên doanh để sản xuất bột giấy tái chế. Sau quá trình sản xuất, bột giấy sạch được đưa về Trung Quốc còn rác ở lại Việt Nam.

    Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam vừa có công văn gửi tới Bộ Công Thương về việc đầu tư sản xuất bột giấy tái chế.

    Báo cáo cho biết, từ cuối năm 2017 đến nay, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam để nhập thầu giấy bao bì và tìm cách liên doanh để sản xuất bột giấy tái chế. Phương pháp này tức là đánh tơi giấy phế liệu thành bột, rồi qua các quá trình sàng lọc rồi xeo thành tấm, cuộn hay ép thành khối bột rồi xuất về Trung Quốc. Như vậy, bột giấy sạch được đưa về Trung Quốc còn rác ở lại Việt Nam.

    Nguyên nhân của hiện tượng này là do Trung Quốc siết chặt việc kiểm soát ô nhiễm môi trường, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, trong đó có sản xuất giấy.

    Hiệp hội Giấy và Bột giấy cho rằng, việc đầu tư sản xuất bột giấy tái chế để xuất khẩu có tác động rất xấu và gây nguy hại rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất giấy Việt Nam.

    Theo Hiệp hội, từ năm 2012 đến nay, Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách để nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành giấy, khuyến khích các tập đoàn lớn đầu tư mở rộng với công nghệ hiện đại, cũng như đầu tư ra nước ngoài để xuất khẩu về lại Trung Quốc.

    Đồng thời, kết hợp loại bỏ dần các nhà máy giấy quy mô nhỏ, thiết bị và công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường với tổng công suất hiện đã đến trên 15 triệu tấn/năm (chiếm khoảng 15% tổng công suất toàn ngành giấy).

    Mặc khác, từ cuối năm 2017, Trung Quốc đã cấm nhập 27 mặt hàng phế liệu, trong đó có giấy phế liệu. Từ ngày 1/1/2018, Trung Quốc quy định tạp chất lẫn trong giấy phế liệu nhập khẩu vào Trung Quốc phải dưới 0,5%, tỷ lệ áp dụng trên thị trường thế giới là 1,5%.

    Cùng với đó, Trung Quốc cũng thắt chặt việc cấp phép nhập khẩu giấy phế liệu (cấp theo quý) nên các doanh nghiệp Trung Quốc thiếu nguyên liệu để sản xuất, cũng như thiếu hụt giấy thành phẩm, đặc biệt là giấy bao bì.

    Hiệp hội Giấy và Bột giấy cho rằng, việc đầu tư sản xuất bột giấy tái chế để xuất khẩu có tác động rất xấu và gây nguy hại rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất giấy Việt Nam.

    Theo đó, làm giảm cơ hội xuất khẩu giấy thành phẩm làm bao bì sang Trung Quốc. Trong khi đó, giấy do các doanh nghiệp FDI sản xuất ra cũng sẽ tập trung tiêu thụ ở thị trường nội địa, làm cho các doanh nghiệp Việt Nam khó giữ được thị phần và mất cơ hội đầu tư quy mô lớn, hiện đại.

    Các doanh nghiệp FDI cũng có lợi thế hơn trong việc tranh giành thị trường giấy phế liệu nhập khẩu và thu gom trong nước làm cho các doanh nghiệp giấy Việt Nam càng kém về năng lực cạnh tranh.

    “Ngoài ra, tình trạng bột sạch đưa về Trung Quốc còn rác để lại Việt Nam sẽ lan rộng và khó kiểm soát, tạo ra nguy cơ lớn về ô nhiễm môi trường”, báo cáo nêu.

    Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy, hiện tại chưa có cơ sở sản xuất bột giấy tái chế để xuất khẩu vào Trung Quốc và bột giấy tái chế cũng chưa được xuất khẩu và Trung Quốc.

    Tuy nhiên, theo các thông tin có được, hiện một số doanh nghiệp Việt Nam “hám lợi trước mắt” đang có dự định liên doanh với các doanh nghiệp Trung Quốc để thực hiện việc này, thậm chí một số doanh nghiệp FDI cũng đang thoả thuận ký hợp đồng mua thiết bị đầu tư cho mục đích này.

    “Hiệp hội báo cáo Bộ Công Thương hiện tượng trên và mong nhận được sự chỉ đạo kịp thời nhằm ngăn chặn xu hướng tiêu cực, gây hại cho sự phát triển của ngành giấy Việt Nam cũng như môi trường”, báo cáo nêu và đưa ra đề xuất cấm đầu tư sản xuất bột giấy tái chế nhằm xuất khẩu và cấm xuất khẩu bột giấy tái chế dưới mọi hình thức.

    Theo dantri.com.vn

    1,9 triệu USD hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy hiệu quả năng lượng

    0

    Mới đây, tại Hà Nội, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) đã phối hợp với các chuyên gia của Tổ chức hợp tác quốc tế của Hàn Quốc (KOICA) tổ chức cuộc họp khởi động dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ.

    Mục tiêu của dự án là thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp thông qua việc thúc đẩy phát triển thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, thực hiện trong năm 2018-2019.

    Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam” của Chính phủ Hàn Quốc thông qua KOICA trị giá 1,9 triệu USD là một hoạt động phối hợp với dự án “Hiệu quả năng lượng cho các doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam” (VEEIEs) của Ngân hàng Thế giới cho vay 100 triệu US$ để giúp các doanh nghiệp công nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng.

    Khởi động dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ.

    Dự án được thiết kế nhằm góp phần xóa bỏ các rào cản đã được nhận dạng để thúc đẩy sự phát triển của các Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) và tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

    Dự án gồm 3 hợp phần hỗ trợ kỹ thuật:

    1/ Xây dựng năng lực phát triển dự án đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong công nghiệp;

    2/ Xác định các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng trong ngành công nghiệp; và,

    3/ Hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng trong ngành công nghiệp.

    Tại cuộc họp khởi động dự án, đại diện các cơ quan, đơn vị tham gia đã có nhiều thảo luận trao đổi với các chuyên gia của Hàn Quốc về nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, các Trung tâm khuyến công/Tiết kiệm năng lượng, Công ty dịch vụ năng lượng về công nghệ tiết kiệm năng lượng và loại bỏ các rào cản về tài chính, giúp cho các doanh nghiệp, các ESCO có thể tiếp cận nguồn tài chính đầu tư cho TKNL, tạo điều kiện thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam.

    Theo nangluongvietnam.vn

    Nguy cơ mắc bệnh ung thư từ sử dụng bao bì nhựa, cốc dùng một lần

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, bao bì nhựa, cốc dùng một lần và sản phẩm làm từ cao su chứa hóa chất có thể gây ung thư cho người dùng.

    WHO cảnh báo, styrene – chất được sử dụng để làm mủ, cao su tổng hợp và nhựa polystyrene, nguyên liệu dùng để sản xuất bao bì nhựa dùng một lần có thể gây ung thư cho con người.

    Styrene được sử dụng trong cao su tổng hợp, một số vật liệu cách nhiệt, dao kéo dùng một lần, bao bì nhựa và nhựa sợi thủy tinh. Cách đây 40 năm, hóa chất này đã được phân loại là có khả năng gây ung thư, tuy nhiên hiện nay, tình trạng này còn nguy hiểm hơn.

    Bao bì nhựa, cốc dùng một lần có thể gây ung thư cho người sử dụng.

    Nghiên cứu cho thấy, những người tiếp xúc với styrene tại nơi làm việc có nguy cơ mắc bệnh bạch cầu gấp đôi và nguy cơ mắc bệnh ung thư mũi cao hơn gấp 5 lần.

    Nhiều người có nhiều khả năng tiếp xúc với styrene trong không khí bị ô nhiễm, hoặc có thể từ máy in, máy photocopy, khói thuốc lá. Các chuyên gia cho biết, môi trường làm việc với nguy cơ phơi nhiễm styrene hiện vẫn là vấn đề toàn cầu. Nghiên cứu được đưa ra bởi Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), một chi nhánh chuyên môn của WHO và tổ chức cũng sẽ đưa ra cảnh báo cho các quốc gia trên toàn thế giới.

    Các nhà nghiên cứu của IARC đã xem xét hồ sơ của hơn 70.000 người làm việc trong ngành nhựa ở Đan Mạch từ năm 1968 đến năm 2011. Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu cũng xem xét bằng chứng từ các nghiên cứu trên động vật về những rủi ro khi phơi nhiễm với styrene.

    Theo Giáo sư Henrik Kolstad, Đại học Aarhus ở Đan Mạch, nghiên cứu về styrene gần đây nhất styrene làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu tủy cấp tính, một dạng bệnh bạch cầu hiếm gặp, gấp đôi.”

    Trong số hơn 70.000 người tham gia vào dự án nghiên cứu, các nhà nghiên cứu phát hiện 25 trường hợp mắc bệnh bạch cầu tủy cấp tính. Styrene cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp xoang – ung thư mũi gấp 5 lần ở những người tiếp xúc với styrene trong ngành nhựa.

    Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cũng cảnh báo, người dùng sẽ có thể tiêu thụ một lượng nhỏ hóa chất nếu thức ăn được đựng trong hộp đựng bằng polystyrene.

    Việc khám phá mối liên hệ giữa styrene và ung thư có thể là ưu tiên từ những năm 1970 khi người Mỹ làm việc trong ngành cao su tổng hợp có một số trường hợp bệnh bạch cầu khác thường – IARC chia sẻ.

    Tuy nhiên, các nhà khoa học không thể nói liệu các công nhân có bị nhiễm bạch cầu do xử lý styrene hay từ butadiene, một hóa chất khác được sử dụng cùng với nó để sản xuất cao su. Vì vậy, họ đã xem xét hồ sơ của 456 công ty Đan Mạch sử dụng styrene, nhưng không phải butadiene, để sản xuất nhựa gia cường, chẳng hạn như các công ty chế tạo tua-bin gió và du thuyền có chứa sợi thủy tinh.

    Trong dự án nghiên cứu, Tiến sĩ Mette Skovgaard Christensen, Henrik Kolstad và các đồng nghiệp của họ đã theo dõi 73.036 nhân viên trong giai đoạn 1968 – 2011. Thông tin thu thập sau đó được liên kết với Sổ đăng ký ung thư Đan Mạch để so sánh nguy cơ ung thư giữa các nhân viên làm nhựa với rủi ro đối với công chúng.

    Cũng như tìm thấy một liên kết với bệnh bạch cầu, các nhà nghiên cứu đã xem xét nguy cơ của những người phát triển u lympho Hodgkin và u lympho tế bào T, nhưng không tìm thấy kết nối tương tự.

    Theo tapchimoitruong.vn

    Hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ xảy ra trong năm 2018

    Nhà tiên tri Nostradamus dự đoán, trong năm 2018 các trận lũ lụt sẽ xảy ra ở mức kỷ lục. Nhà tiên tri cho rằng bão và thảm họa khí hậu xuất hiện nhiều hơn.

    Lũ lụt

    Nhà tiên tri Nostradamus dự đoán, trong năm 2018 các trận lũ lụt sẽ xảy ra ở mức kỷ lục. Bão, thời tiết đặc biệt khắc nghiệt sẽ diễn ra ở Trung Quốc, Nhật, Nga và thậm chí là Australia. Lũ lụt trên khắp thế giới đánh bại mọi kỷ lục. Nhà tiên tri cho rằng bão và thảm họa khí hậu xuất hiện nhiều hơn.

    Mùa đông bất thường

    Trong mùa đông năm 2018, “vành đai lửa Thái Bình Dương” sẽ hoạt động bất thường kỷ lục. Nó được dự đoán gây ra nhiều trận động đất và khiến 3 núi lửa phun trào.

    Nhà tiên tri Nostradamus dự đoán trong năm 2018 có rất nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra.

    Động đất kinh hoàng

    Nhiều trận động đất kinh hoàng xảy ra ở Mỹ và phần còn lại của thế giới. Theo nhà tiên tri, địa chấn cực lớn sẽ làm rung chuyển vùng phía Tây của Bắc Mỹ, và cả thế giới sẽ cảm nhận được những chấn động này. Trung Quốc là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng của động đất và từ năm 2018 trở đi, động đất khiến hàng ngàn người chết.

    Núi lửa Vesuvius phun trào

    Năm 2018 sẽ chứng kiến một vụ phun trào lớn của núi lửa Vesuvius, làm rung chuyển toàn bộ nước Italia. Theo các nhà địa chất, nhiều khả năng cuối năm 2018 và đầu 2019, núi lửa sẽ hoạt động. Núi lửa Vesuvius đã không hoạt động từ năm 1944 và thông thường, cứ 20 năm nó phun trào một lần. Trước đó núi lửa từng phun trào vào năm 79 và 1631 (hai trong số những vụ phun trào núi lửa tồi tệ nhất lịch sử).

    Bức xạ Mặt Trời gây bỏng nặng

    Nhà tiên tri Nostradamus dự báo trong cuốn sách Les Propheties: “Các vị vua sẽ chiếm đoạt các khu rừng, bầu trời sẽ mở ra và các cánh đồng sẽ bị sức nóng thiêu rụi”. Một số chuyên gia cho rằng đây là lời cảnh báo về việc rừng nhiệt đới sẽ bị phá hủy và lỗ hổng tầng ozone mở rộng, khiến Trái Đất bị phơi bày trước bức xạ Mặt Trời. Theo báo cáo gần đây của NASA, Mặt Trời đang trở nên chói lọi hơn. Hôm 6/9 vừa qua, có hai vết lóa mặt trời cực lớn đã bị phát hiện. Năng lượng tỏa ra từ hai vết lóa này tương đương hàng tỷ quả bom nhiệt hạch.

    Theo moitruong.com.vn

    Những con số đáng báo động về rác thải nhựa

    Nhân Ngày Môi trường Thế giới (5/6) năm 2018, những con số đáng báo động về rác thải nhựa được đưa ra đã khiến thế giới thức tỉnh và các chính phủ đã và đang bắt đầu hành động, từ việc triển khai các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, khuyến khích tái chế rác thải nhựa, đến việc áp thuế hoặc thậm chí cấm hoàn toàn một số sản phẩm nhất định.

    Chung tay cứu hành tinh khỏi tình trạng “ô nhiễm trắng”

    “Vào Ngày Môi trường thế giới, thông điệp rất đơn giản: từ chối sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Từ chối những gì bạn không thể tái sử dụng. Cùng nhau, chúng ta có thể vạch ra con đường tới một thế giới sạch hơn, xanh hơn.” Đây là thông điệp mà Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra trong Ngày Môi trường thế giới năm nay, với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon.”


    Hiện thế giới đang phải đối mặt với khoảng hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trên Trái Đất.

    TTXVN dẫn theo báo cáo của Liên hợp quốc cho biết mỗi phút, toàn thế giới tiêu thụ 1 triệu chai nhựa, trong khi mỗi năm có đến 5.000 tỷ túi nhựa dùng một lần được sử dụng. Tổng cộng có một nửa số sản phẩm nhựa là loại chỉ để dùng một lần, từ ống hút, dây câu cá tới tã trẻ em hay túi bọc đồ.

    Mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần tương đương với trọng lượng của toàn bộ dân số toàn cầu. Loại chất dẻo này chiếm 10% tổng lượng chất thải hiện đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế và sức khỏe con người.

    Trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Tuy nhiên, loại chất dẻo này có đặc tính khó phân hủy. Một chiếc túi nilon, nhiều khi được sử dụng trong 5 phút, chỉ mất 5 giây để sản xuất và cần 1 giây để vứt bỏ, song để phân hủy thì cần từ 500-1.000 năm.

    Gần 1/3 số túi nilon mà con người sử dụng không được thu gom và xử lý, và hậu quả là rác thải nhựa và nilon phát sinh không ngừng, có mặt ở khắp nơi, gây ra thảm họa mà các nhà khoa học gọi là “ô nhiễm trắng.”

    Giới phân tích đánh giá nếu nhịp độ sử dụng sản phẩm nhựa tiếp tục tăng như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và như vậy sẽ có hơn 13 tỷ tấn rác thải nhựa được chôn lấp trong các bãi rác hoặc đổ xuống đại dương.

    Hiện thế giới đang phải đối mặt với khoảng hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trên Trái Đất. Chất thải nhựa kể cả được thu gom đưa đi chôn lấp lẫn vào đất vẫn tồn tại hàng trăm năm, làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng…

    Trong khi đó, các loài động, thực vật biển từ lâu đã “kêu cứu” khi có tới 13 triệu tấn chất thải nhựa đổ ra đại dương, gây tổn thương hệ san hô, đe dọa môi trường sống của các loài động, thực vật biển.

    Rác thải nhựa đang được coi là “tử thần” của các loài sinh vật biển: mỗi năm, 1,5 triệu động vật trên đại dương chết vì ngộ độc chất thải nhựa.

    Những loài sinh vật nhỏ như rùa biển hay những loài lớn như cá voi, đều đã và đang là nạn nhân trực tiếp của chất thải nhựa, mà nếu tình trạng này tiếp diễn thì tới năm 2050, rác thải nhựa trên đại dương sẽ nhiều hơn cá. Đặc biệt, châu Á là khu vực gây ô nhiễm môi trường biển nhất do rác thải nhựa.

    Theo một nghiên cứu do các chuyên gia Mỹ và Australia công bố tháng 12/2017, Trung Quốc và Indonesia là 2 quốc giả xả rác thải nhựa nhiều nhất ra đại dương, với lần lượt 8,8 triệu tấn, và 3,2 triệu tấn mỗi năm, chiếm 1/3 tổng lượng rác thải nhựa đại dương.

    Việt Nam đứng thứ tư trong danh sách này, mỗi năm “đổ” ra đại dương 1,8 triệu tấn rác thải nhựa.

    Không chỉ là vấn đề môi trường hay sức khỏe con người, việc khắc phục ô nhiễm rác thải nhựa cũng gây tổn thất nặng nề cho kinh tế do phải tiêu tốn cho công tác làm sạch và tẩy độc. Ước tính, chỉ có 9% số rác thải nhựa được tái chế, khoảng 12% được đốt cháy, còn lại 79% vẫn đang tồn đọng trong các bãi chôn lấp, bãi rác và trong môi trường tự nhiên.

    Riêng các nước thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) chi 1,3 tỷ USD mỗi năm để giải quyết ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa, chưa kể những thiệt hại kinh tế xuất phát từ tác động tới môi trường hay sức khỏe con người, ví dụ rác thải trên đại dương gây thiệt hại cho hệ thống sinh thái biển ít nhất 8 tỷ USD/năm.

    Châu Âu là khu vực đi đầu trong nỗ lực này khi Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất cấm nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần và tái chế toàn bộ bao bì nhựa vào năm 2030.

    Hiện việc sử dụng túi nhựa 1 lần ở các nước EU đã giảm 30% sau khi EC năm 2016 cấm các siêu thị cung cấp miễn phí cho khách hàng các loại túi này. Mục tiêu của EU là tới năm 2026 số túi nhựa được sử dụng sẽ giảm xuống còn 40 túi/người/năm. Các nước EU cũng hưởng ứng nhiệt tình khi các thành phố, siêu thị, nhà hàng nói “không” với vật dụng nhựa xuất hiện ngày càng nhiều tại “lục địa già.”

    Tại châu Mỹ, Chile đã trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên thông qua lệnh cấm dùng túi nilon sử dụng 1 lần. Colombia đã giảm 35% mức tiêu thụ túi nilon sau khi đánh thuế đối với loại túi nilon to, trong khi thay đổi thiết kế nhằm sản xuất loại túi có thể tái sử dụng.

    Ngoài ra, các quốc gia khác trong khu vực cũng có động thái tương tự như Panama, Costa Rica, Ecuador, Peru…

    Tại châu Á, Hàn Quốc ban hành Luật thúc đẩy tiết kiệm và tái chế tài nguyên 1994 cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần ở bếp ăn tập thể, Luật Quản lý môi trường biển 2009 yêu cầu xây dựng Kế hoạch Quản lý rác thải biển.

    Mỗi năm Việt Nam “đổ” ra đại dương 1,8 triệu tấn rác thải nhựa.

    Nhật Bản đã ban hành riêng một luật về rác thải. Indonesia huy động quân đội tham gia “cuộc chiến” chống rác thải nhựa với cam kết tới năm 2025 giảm 70% lượng chất thải nhựa trên biển. Thái Lan xem xét áp thuế với túi nilon và sản xuất túi nilon có khả năng tự phân hủy hoặc loại túi nilon mỏng hơn.

    Tại Việt Nam, các nỗ lực nhằm giảm chất thải nhựa cũng đang được xúc tiến ngày càng tích cực.

    Tại châu Phi, hàng loạt quốc gia, từ Botswana, Ethiopia, Kenya tới Nam Phi, Uganda… đưa ra những biện pháp như quy định độ dày của túi nhựa.

    ILO kêu gọi hạn chế sử dụng các loại đồ nhựa dùng một lần

    Trong tuyên bố nhân Ngày Môi trường thế giới (5/6), Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) Guy Ryder nhấn mạnh hiện có hơn 32% số bao bì nhựa không được thu gom. Hầu hết số bao bì này bị vứt bỏ tại các bãi rác hoặc trôi nổi ngoài môi trường ở các thành phố lớn, trong các đại dương hoặc các khu canh tác nông nghiệp. Ông Ryder nêu rõ thách thức đặt ra hiện nay là chuyển đổi từ nền kinh tế sản xuất-sử dụng-thải ra rác thải nhựa sang một nền kinh tế có chu trình khép kín, thân thiện với môi trường và dựa trên việc tái chế rác thải.

    Trước đó, trong báo cáo “Triển vọng xã hội và việc làm thế giới: Xanh hóa việc làm năm 2018,” ILO nhấn mạnh việc duy trì mức tăng 5% hằng năm tỷ lệ tái chế nhựa, kính, vụn gỗ, kim loại và các khoáng sản dư thừa có thể tạo thêm khoảng 6 triệu việc làm trên toàn thế giới. Trên thực tế, lĩnh vực kiểm soát và tái chế rác thải thời gian qua đã tạo việc làm cho hơn 500.000 người tại Brazil và một số lượng tương ứng người lao động tại Bangladesh, phần lớn là phụ nữ.

    Theo moitruong.com.vn

    Điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam sắp rẻ hơn điện than

    0

    “Than hiện đang phải nhập khẩu rất nhiều rồi, thủy điện lớn cũng khai thác hết rồi nhưng gió và ánh sáng mặt trời là “của nhà trồng được”, không phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và cũng không bao giờ hết nên trong tương lai, điện gió và điện mặt trời rẻ hơn điện than là điều chắn chắn”.

    Đó là nhận định của ông Bùi Vĩnh Thắng, Quản lý phát triển kinh doanh, Công ty Năng lượng tái tạo Mainstream tại Hội nghị điện gió được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam vào sáng nay (7/6).


    Các diễn giả cho rằng, mức giá 9,97 cent/kWh cho điện gió xa bờ và 8,77 cent/kWh cho điện gió trên bờ đã đủ hấp dẫn để các nhà đầu tư đầu tư vào Việt Nam. (Ảnh: Hồng Vân)

    Theo đó, ông Thắng cho biết, hiện nay, Việt Nam đang chủ yếu dựa vào thủy điện và nhiệt điện nhưng với giá than ngày càng tăng thì giá điện rẻ như hiện nay sẽ không còn trong dài hạn.

    Do đó, ông Steve Sawyer, Tổng Thư ký Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) nhận định, hiện nay thị trường điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam tương đối phát triển và cạnh tranh mạnh mẽ với nhiệt điện than.

    Đồng tình với đó, ông Morten Dyrholm, Chủ tịch GWEC cho biết, hiện nay nhiệt điện than bị thay thế mọi nơi, đây là thời điểm Việt Nam có thể minh chứng và mở rộng phát triển điện gió hơn nữa.

    “Cách đây 10 năm điện gió và điện mặt trời đắt đỏ hơn điện than rất nhiều nhưng tương lai ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam là điện gió và điện mặt trời đã đến rồi đây”, ông Dyrholm nói.

    Bên cạnh đó, theo Chủ tịch GWEC, hiện nay, làm điện than khó khăn hơn rất nhiều khi các ngân hàng trên thế giới đồng loạt không cho vay vốn nữa nhưng điện gió và điện mặt trời thì ngày càng được ủng hộ vì bảo vệ môi trường và ngày càng rẻ.

    Thêm nữa, ông Thắng cho biết, những dự án điện gió và điện mặt trời sẽ đắt nhưng chỉ đắt những dự án đầu thôi còn khi thị trường đã được hình thành thì chi phí giảm và giá điện chắc chắn sẽ giảm xuống.

    Tuy nhiên, trong cơ chế hiện tại vẫn còn những hạn chế nhất định và hạn chế lớn nhất với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư điện gió và điện mặt trời vào Việt Nam là hợp đồng mua bán điện.

    Đối với điện gió, 90% là chi phí đầu tư ban đầu.

    Bởi lẽ, theo ông Thắng, hợp đồng đó đặt rủi ro của nhà đầu tư rất cao nên rất khó để có thể huy động vốn. Do đó, con số nhà máy điện gió và điện mặt trời chưa nhiều và chưa phù hợp với tiềm năng của Việt Nam.

    Cụ thể, trong hợp đồng này, các nhà đầu tư nước ngoài cho biết điều khoản về hủy và chấm dứt hợp đồng khiến họ có nguy cơ phải chịu rủi ro cao.

    Theo đó, đối với điện gió, 90% là chi phí đầu tư ban đầu. Ví như hợp đồng dự kiến là cung cấp điện trong 20 năm cho bên mua (tại Việt Nam chỉ duy nhất EVN có quyền mua điện) nhưng lại có điều khoản rằng EVN có thể và được phép hủy hợp đồng bất cứ lúc nào trong thời gian 20 năm đó và chỉ phải bồi thường 1 năm tiền điện trước đó.

    “Như vậy có nghĩa là rất nhiều các nhà đầu tư đổ tiền vào đầu tư và mong là bán điện được trong 20 năm nhưng 5-7 năm sau bị EVN chấm dứt hợp đồng thì chúng tôi chỉ được bồi thường 1 năm tiền điện. Đó là rủi ro quá lớn bởi vốn đầu tư vào cũng rất lớn”, ông Thắng giải thích.

    Bên cạnh đó, theo hợp đồng mua bán điện, tùy theo điều kiện khách quan hoặc chủ quan, EVN hoàn toàn có quyền tạm dừng phát điện của nhà máy trong một khoảng thời gian bất kì để bảo hành.

    Ví dụ như lưới điện có vấn đề thì có thể dừng 1-2 tuần nhưng trong thời gian đó thì không phát được điện, nhà đầu tư không kiếm được tiền và EVN không phải bồi thường gì hết. Hiện tại điều khoản này khá sơ sài và mang tính rủi ro quá lớn cho nhà đầu tư nên cần làm rõ điều khoản này hơn.

    Do đó, tại Hội nghị, những nhà đầu tư muốn đầu tư điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam cho biết, họ mong những điều này sẽ được sửa đổi sớm và sẵn sàng đối thoại với Chính phủ Việt Nam để đóng góp ý kiến và đưa ra một bản hợp đồng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

    Theo Dân trí