25 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 16, 2024
More
    Home Blog Page 400

    Quy định mới nhất về hoạt động tư vấn, đánh giá, đào tạo theo TCVN ISO 9001:2015

    0

    Bộ Khoa học và Công nghệ vừa có hướng dẫn tư vấn, đánh giá đào tạo theo TCVN ISO 9001:2015 đối với các tổ chức tư vấn, chuyên gia tư vấn độc lập, tổ chức chứng nhận và cơ sở đào tạo.

    Theo đó, thực hiện quy định tại điểm c khoản 4 Điều 4 Quyết định 19/2014/QĐ-TTg, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc tư vấn, đánh giá, đào tạo theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước, cụ thể như sau:

    Đối với các tổ chức, chuyên gia được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện tư vấn, đánh giá, thẻ chuyên gia tư vấn, đánh giá theo quy định tại Thông tư 26/2014/TT-BKHCN (Thông tư 26) được thực hiện tư vấn, đánh giá theo phiên bản TCVN ISO 9001:2015 theo thời gian hiệu lực của Giấy xác nhận, thẻ chuyên gia đã cấp.

    Quy định mới về tư vấn, đánh giá, đào tạo theo TCVN ISO 9001:2015

    Các tổ chức tư vấn, chuyên gia tư vấn độc lập, tổ chức chứng nhận và sở đào tạo sẽ phải cập nhật, bổ sung thông tin đáp ứng yêu cầu của phiên bản TCVN ISO 9001:2015.

    Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Mai Hương – Quyền Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hơp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) các tổ chức, chuyên gia cần cập nhật, bổ sung thông tin đáp ứng yêu cầu của phiên bản TCVN ISO 9001:2015.

    Sau khi Giấy xác nhận hết thời hạn hiệu lực, các tổ chức, chuyên gia lập hồ sơ đăng ký cấp lại theo quy định tại Thông tư 26, bà Hương cho hay.

    Tương tự, đối với các cơ sở đào tạo đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện đào tạo theo quy định tại Thông tư 26 được thực hiện đào tạo theo phiên bản TCVN ISO 9001: 2015 theo thời hạn hiệu lực đã cấp. Các cơ đào tạo cần xây dựng, phê duyệt kế hoạch, chương trình đào tạo theo phiên bản TCVN ISO 9001: 2015 và cập nhật, bổ sung thông tin đáp ứng yêu cầu của phiên bản TCVN ISO 9001:2015 cho các giảng viên đào tạo.

    Kết quả cập nhật đánh giá, tư vấn, đào tạo theo TCVN ISO 9001: 2015, phải báo cáo về Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trước ngày 15/9/2018 để phục vụ công tác quản lý.

    Đối với các cơ sở đào tạo đăng ký cấp mới Giấy xác nhận thì xâu dựng, phê duyệt kế hoạch, chương trình đào tạo theo TCVN ISO 9001:2015 và bổ sung kiến thức về phiên bản này cho các giảng viên đào tạo theo quy định tại Thông tư 26.

    Để chuyển đổi từ TCVN ISO 9001:2008 sang tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015, trước đó ngày 21/2/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có công văn gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cùng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc lộ trình chuyển đổi áp dụng TCVN ISO 9001:2015.

    Theo đó, thực hiện quy định tại điểm c khoản 4 Điều 4 Quyết định số 19/2014/QĐ- TTg, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn lộ trình việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước như sau:

    Đối với các cơ quan, tổ chức lần đầu xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng: nghiên cứu, áp dụng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015.

    Đối với các cơ quan, tổ chức đã xây dựng, áp dụng hệ thống; quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008.

    Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, xây dựng kế hoạch chuyến đổi việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 sang tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 đối với các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ, ngành, địa phương cho phù họp, bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí, hoàn thành việc chuyển đổi trước ngày 30/6/2021.

    Theo Bảo Anh/Vietq.vn (16/07/2018)

    Hà Nội sẽ dùng nước sạch với tiêu chuẩn nước uống tại vòi

    0

    Khi hoàn thành Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ cung cấp nước sạch cho các khu vực phía Đông Bắc thành phố Hà Nội.

    Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án được phê duyệt đầu tư theo quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/3/2013 và quyết định chủ trương đầu tư số 2869/QĐ-UBND của UBND Hà Nội ngày 3/6/2016.

    Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 5.000 tỷ đồng (225 triệu USD), bao gồm 2 hợp phần chính gồm, Công trình thu – trạm bơm nước thô, nhà máy nước được quy hoạch trên diện tích gần 61,5ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm) và tuyến ống truyền dẫn nước sạch dài 76km phân bố trên huyện Gia Lâm; Long Biên; Sóc Sơn; Đông Anh; Hoàng Mai, Thanh Trì và khu vực Hưng Yên.

    Đoàn khảo sát thực tế tại Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống. Ảnh Baotintuc.vn

    Về quy mô dự án, theo quy hoạch và kế hoạch mở rộng Nhà máy Nước mặt Sông Đuống đến năm 2020 sẽ đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm, chia thành hai kỳ đầu tư: Kỳ 1 đến năm 2018, vận hành kinh doanh nước sạch với công suất 150.000 m3/ngày đêm và kỳ 2 đến năm 2020, vận hành kinh doanh nước sạch với công suất 300.000 m3/ngày đêm. Tiếp nối giai đoạn này, dự án sẽ mở rộng và phát triển công suất đến năm 2030 đạt 600.000 m3/ngày đêm, tầm nhìn đến năm 2050 quy mô công suất 900.000 m3/ngày đêm.

    Dự án sử dụng nguồn nước thô được khai thác từ sông Đuống có chất lượng và lưu lượng đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt và đáp ứng các giai đoạn phát triển nâng công suất nhà máy nước đến năm 2050. Chất lượng nước sau xử lý đạt Quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống do Bộ Y tế ban hành. Nhà máy nước áp dụng dây chuyền công nghệ xử lý nước tiên tiến trên thế giới với công nghệ từ châu Âu đạt hiệu suất xử lý cao; tiết kiệm chi phí xây dựng; chi phí quản lý vận hành; quy trình xử lý khép kín và không có nước xả thải ra môi trường.

    Các thiết bị chính sử dụng cho dự án được cung cấp bởi các nhà sản xuất hàng đầu thế giới từ các nước châu Âu và G7. Tuyến ống truyền dẫn của nhà máy cũng được đầu tư sử dụng nguồn nguyên liệu chất lượng cao bao gồm ống thép; ống gang dẻo và các vật tư phụ kiện được nhập khẩu từ châu âu, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan và châu Á.

    Với mục tiêu phát triển bền vững, nhà đầu tư đang nghiên cứu và sẽ áp dụng các giải pháp tái sử dụng bùn thải cùng với việc tận dụng mặt bằng thuận lợi để lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời để tận dụng nguồn năng lượng sạch và tiết kiệm chi phí.

    Dự án hiện đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thành thi công xây dựng các hạng mục nhà máy nước và tuyến ống truyền dẫn; dự kiến sẽ tiến hành chạy thử; xúc xả từ tháng 9/2018 và phát nước thương mại chính thức vào Lễ kỷ niệm 64 năm ngày Giải phóng Thủ đô – 10/10/2018.

    Giám đốc dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống (Công ty CP Nước mặt sông Đuống) Đỗ Văn Định cho biết, nước sạch của Nhà máy nước mặt sông Đuống đủ tiêu chuẩn nước uống tại vòi. Tuy nhiên đơn vị này chỉ lắp đặt đường ống nước mới những trục chính và hệ thống ống nước vào tận nhà dân ở một số phường xã.

    Như vậy dù nước đạt tiêu chuẩn uống tại vòi nhưng nếu đấu nối vào hệ thống đường ống cũ do đơn vị khác quản lý có thể ảnh hưởng chất lượng nguồn nước. Vì thế Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống chỉ đảm bảo nước sạch chất lượng uống tại vòi trên hệ thống trục chính do đơn vị này lắp đặt.

    Còn ông Tạ Đức Hoàng – Tổng Giám đốc Công ty AquaOne (nhà đầu tư chiến lược dự án) cho biết, đầu tư khai thác nước mặt chi phí lớn đòi hỏi doanh nghiệp phải có công nghệ, có kinh nghiệm và cả tiềm lực tài chính lớn. Với quy mô nhà máy nước mặt sông Đuống dù được đầu tư với công nghệ hiện đại, sản phẩm nước sạch sau khi xử lý đảm bảo tiêu chuẩn uống tại vòi nhưng giá bán sau khi hoàn thành sẽ cạnh tranh với giá khai thác ngầm. Nói cách khác nhà đầu tư, doanh nghiệp chấp nhận kéo dài thời gian thu hồi vốn thậm chí thua lỗ thời gian đầu để người dân thủ đô được sử dụng nguồn nước sạch chất lượng nhất.

    Đánh giá ý nghĩa của dự án, ông Trần Xuân Hà – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, dự án sẽ góp phần cải thiện chất lượng sống của người dân, đặc biệt là người già, phụ nữ và trẻ em như giúp giảm thiểu các bệnh tật gây ra từ nguồn nước bị ô nhiễm; đặc biệt là nguồn nước ngầm hiện đang được sử dụng phần lớn tại Hà Nội.

    Theo Vietq (15/7/2018)

    3 ý tưởng về tiêu dùng bền vững vừa “ẵm” giải

    0

    Ngày 18/7/2018, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ tăng cường năng lực và đổi mới thể chế thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam (CIGG)” do Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ quản, đã tổ chức trao giải cho 3 bài dự thi xuất sắc, sáng tạo và có tính ứng dụng cao nhất Cuộc thi “Xây dựng ý tưởng tiêu dùng bền vững”.

    Đại diện Dự án CIGG trao giải thưởng cho các tác giả.

    Đại diện Ban quản lý Dự án cho biết: Ba bài dự thi đạt giải “Ý tưởng tiêu dùng bền vững” đều là những đề án nghiên cứu sơ khởi, khai thác các vấn đề thực tiễn của đời sống đồng thời đề xuất các giải pháp thực hiện thiết thực và hiệu quả. Cảm hứng của các đề án nghiên cứu này đều xuất phát từ thực tế sử dụng tài nguyên thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường,… trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và thương mại… Đây cũng là các bài dự thi có cách thể hiện độc đáo, phong phú bằng hình ảnh trực quan, sơ đồ quy trình cụ thểvới các số liệu nghiên cứu chi tiết, công phu.

    Tác giả Nguyễn Thị Thúy Hằng – Giải nhất Cuộc thi thuyết trình Đề tài.

    Với đề tài: Tái sử dụng giấy in viết làm vật liệu trang trí tác giả Nguyễn Thị Thúy Hằng – Giải nhất Cuộc thi có bài thuyết trình làm rõ ý tưởng hình thành đề tài, quy trình tái chế giấy, đầu ra cho sản phẩm… qua đó cho thấy giá trị thực tiễn đề tài mang lại cho cuộc sống và môi trường.

    Cùng chia sẻ niềm vui khi nhận giải, tác giả Nguyễn Vũ Đức Thịnh (Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh) – người đạt 2 giải thưởng cho biết: “Đây là Chương trình rất có ý nghĩa, là cơ hội để thế hệ trẻ tiếp cận xu hướng phát triển xanh trên thế giới. Thông qua Cuộc thi này sẽ là hành trang để những người trẻ tiếp bước con đường nghiên cứu khoa học, góp phần cùng Việt Nam luôn tươi xanh…”.

    Tác giả Nguyễn Vũ Đức Thịnh (Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh) – người đạt giải Nhì và Ba chia sẻ tại buỗi Lễ

    Hy vọng rằng những ý tưởng đạt giải hôm nay sẽ có cơ hội được giới thiệu cho các nhà đầu tư tiềm năng để trở thành các mô hình khởi nghiệp Xanh tiên phong tại Việt Nam.

    Theo Phạm Tuyên/tapchimoitruong.vn (19/7/2018)

    FAO cảnh báo tác hại của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái biển

    0

    Ngày 10/7/2018, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) lên tiếng cảnh báo, sinh kế của hàng triệu người dân sống phụ thuộc vào nghề cá đang gặp nguy hiểm do biến đổi khí hậu (BĐKH).

    Cụ thể, các phân tích và mô hình mới do hơn 100 nhà khoa học tiến hành dự báo, trong giai đoạn từ nay đến năm 2050, BĐKH sẽ làm biến đổi năng suất của nhiều ngư trường biển và nước ngọt trên hành tinh, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người nghèo nhất trên thế giới. Đồng thời, tiềm năng sản xuất thủy sản trong các vùng đặc quyền kinh tế dự báo có thể giảm trung bình ít nhất 12%.

    Hình minh họa.

    FAO cũng cho biết, các hệ thống nước nội địa rất lớn nhưng thường bị bỏ quên trên thế giới. Những hệ thống này cung cấp 11,6 triệu tấn thực phẩm mỗi năm cho con người. Ngoài ra, trong số các hậu quả dự báo, đáng chú ý là những thay đổi trong phân bố địa lý và năng suất của các loài, trong khi các rạn san hô sẽ tẩy trắng trước khi héo và các bệnh thủy sản sẽ trở nên phổ biến hơn.

    Cũng theo báo cáo của FAO, đã có một loạt các công cụ quản lý thủy sản có thể được sử dụng nhằm ứng phó với BĐKH, nhưng sẽ cần phải tổ chức lại nhiều công cụ để đáp ứng nhu cầu cụ thể trong các bối cảnh hiện nay.

    Phát biểu tại Lễ công bố báo cáo, Tổng giám đốc FAO José Graziano da Silva kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ đầy đủ cho các quốc gia thích ứng. “Khi chúng ta ký Thỏa thuận Pari, điều kiện tiên quyết là nếu chúng ta không giúp các nước nghèo nhất thích ứng với BĐKH thì chúng ta sẽ không thể đưa Thỏa thuận có hiệu lực”, ông José Graziano da Silva nhấn mạnh.

    Theo Long Hoàng/tapchimoitruong.vn

    Kiểm soát rau an toàn theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ

    0

    Để kiểm soát chất lượng rau an toàn, giúp truy xuất nguồn gốc, tạo lòng tin cho người tiêu dùng, một trong những giải pháp quan trọng là kiểm soát theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.

    Hệ thống PGS dễ kiểm soát chất lượng rau, giúp truy xuất nguồn gốc, tạo lòng tin cho người tiêu dùng.

    Đó là nhận định của ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội khi chia sẻ với báo chí về khâu kiểm soát chất lượng rau an toàn, đảm bảo sức khỏe và lợi ích cho người tiêu dùng. Theo ông Hồng, để kiểm soát chất lượng rau an toàn, giúp truy xuất nguồn gốc, tạo lòng tin cho người tiêu dùng, Chi cục đã và đang tiến tới áp dụng hệ thống đảm bảo cùng tham gia của cộng đồng (PGS) trong sản xuất tiêu thụ rau an toàn, đến nay đạt kết quả rất khả quan

    Theo đó, hệ thống đảm bảo cùng tham gia PGS (Participatory Guarantee system) là hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ. Hệ thống này chứng thực cho người sản xuất dựa trên sự tham gia tích cực của các bên liên quan gồm: Người tiêu dùng, doanh nghiệp phân phối, cơ quan quản lý nhà nước và các đối tượng quan tâm khác. Quá trình sản xuất và thu hoạch thường xuyên được giám sát, điều tra đảm bảo phát hiện, khắc phục những sai phạm nhỏ và loại bỏ ngay lập tức các nhóm sản xuất, các sản phẩm mắc sai phạm nghiêm trọng.


    Để triển khai các mô hình PGS, Chi cục đặc biệt coi trọng và tập huấn nhuần nhuyễn cho bà con việc ghi chép nhật ký thuốc BVTV

    Năm 2017, thực hiện nhiệm vụ Sở NN-PTNT giao phó, Chi cục BVTV Hà Nội phối hợp xây dựng 20 mô hình kiểm tra cộng đồng áp dụng PGS trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại 20 xã, phường, thị trấn thuộc 14 quận, huyện với tổng diện tích 1.138,7ha.

    Để hỗ trợ các mô hình, Chi cục BVTV Hà Nội tổ chức đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật ngay trên đồng ruộng. Qua đó, trang bị các kiến thức, kỹ năng, quy định về an toàn thực phẩm cho người nông dân. Chi cục cũng cử cán bộ hướng dẫn sát sao việc hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký sử dụng thuốc BVTV, nhận diện và loại bỏ các loại thuốc BVTV không hướng dẫn trên rau.

    Đặc biệt, mỗi điểm mô hình PGS tiến hành phân các nhóm, tổ sản xuất rau an toàn tự quản. Trung bình 10 – 30 hộ/nhóm, mỗi nhóm bầu ra một nhóm trưởng, từ các nhóm trưởng bầu ra 1 trưởng liên nhóm phụ trách chung. Nhìn chung, các nhóm sản xuất rau an toàn tự quản bước đầu đã phát huy tác dụng trong việc quản lý chất lượng sản phẩm, hỗ trợ tích cực cho cán bộ kỹ thuật cũng như tham mưu cho chính quyền địa phương trong việc quản lý, chỉ đạo các hoạt động của mô hình nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm thu hoạch.

    Là một trong những nhóm tiên phong triển khai mô hình PGS và ngày một thành công, bà Hoàng Thị Hậu, Trưởng liên nhóm PGS Hữu cơ Thanh Xuân, Sóc Sơn cho biết, số lượng các hộ nông dân xin tham gia Liên nhóm hữu cơ Thanh Xuân ngày một đông hơn, bởi đơn giản khi tham gia mô hình này bà con có thu nhập ngày một tốt hơn, ổn định hơn. Từ gần một năm nay, ngày 10 hàng tháng HTX Thanh Xuân đều tổ chức tổng kết và trả tiền cho các hội viên tham gia nhóm trên cơ sở diện tích tham gia, không khác gì việc bà con được nhận lương.

    Kinh nghiệm thành công từ Liên nhóm hữu cơ Thanh Xuân theo chia sẻ của bà Hậu, yếu tố con người trong PGS vô cùng quan trọng. Phải có những người thực sự hiểu và tâm huyết mới gắn kết và duy trì được mô hình. Kinh nghiệm cũng cho thấy nếu các mô hình PGS cứ trông chờ vào hỗ trợ của nhà nước cũng khó phát triển bền vững mà quan trọng nhất vẫn phải gắn được được người dân để bà con họ thấy có lợi hơn, hiệu quả hơn, tốt hơn họ tự nguyên đi theo mới là giải pháp tối ưu nhất.

    “Trong quá trình hỗ trợ triển khai các mô hình PGS, đơn vị đặc biệt coi trọng và tập huấn nhuần nhuyễn việc ghi chép nhật ký thuốc BVTV. Thất bại của VietGAP cho thấy nông dân hiện chưa tạo được thói quen ghi chép, tuy nhiên nếu không ghi chép sẽ khó khăn trong truy xuất nguồn gốc. Do đó, Chi cục BVTV Hà Nội rút gọn lại việc ghi chép tập trung vào ghi nhật ký sử dụng thuốc BVTV, bởi vấn đề an toàn thực phẩm trên rau an toàn hiện nay chủ yếu tập trung ở tiêu chí này”, ông Nguyễn Duy Hồng nhấn mạnh.

    Theo Hồng Hà/tapchicongthuong.vn (16/7/2018)

    Vì sao phụ nữ mang thai cần tránh xa nước hoa, đồ nhựa?

    0

    Một nghiên cứu mới cảnh báo, phụ nữ mang thai làm nóng thức ăn trong hộp nhựa hoặc dùng nước hoa có thể gây ảnh hưởng xấu, lâu dài cho sự phát triển não của thai nhi.

    Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Illinois cảnh báo, nướng bánh kẹo với khay đựng bằng nhựa dẻo chứa phthalates, hóa chất được sử dụng trong nhựa và nước hoa sẽ làm ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của hormone trong cơ thể.

    Các nhà nghiên cứu đã cho những con chuột mang thai và chuột cho con bú ăn những loại bánh này. Họ phát hiện, khi chuột con đến tuổi trưởng thành, những con chuột tiếp xúc với hóa chất không nhạy bén như những con chuột không tiếp xúc với hóa chất này.

    Phụ nữ mang thai cần tránh xa nước hoa, đồ nhựa.

    Janice Juraska, giáo sư tâm lý học thuộc khoa thần kinh cho biết, cô đã bị sốc khi biết tác động của phathalates và khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên sử dụng các sản phẩm bằng nhựa cũng như nước hoa.

    Để thực hiện nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã cho chuột cái mang thai ăn cookie có chứa phthalates trong suốt thai kỳ vào trong 10 ngày sau sinh. Họ cũng đồng thời theo dõi chuột con trong suốt quãng đời còn lại của chúng (khoảng 1 năm).

    Kết quả cho thấy, khi chuột đạt 90 ngày tuổi (tương đương với một người ở độ tuổi 20), những con chuột đã tiếp xúc với hóa chất chậm hơn rõ rệt về khả năng nhận thức.

    Các nhà nghiên cứu hiện đang tiếp tục điều tra nhằm xác định nguồn phthalates cụ thể. Được biết, theo nghiên cứu chất này đặc biệt gây hại cho vỏ não trước trán.

    Các tác giả đồng thời cũng kiểm tra xem liệu chất này có ảnh hưởng tới chuột khi chúng ở tuổi dậy thì hay không và kiểm tra xem liệu nó có ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh của chúng hay không.

    Theo An Nhiên/Vietq.vn (18/7/2018)

    Xây nhà cho 5 người ở: Máy in 3D chỉ mất 54 giờ

    0

    Ngôi nhà rộng 1.022 foot vuông, nằm ở thành phố Nantes của Tây Bắc nước Pháp, chỉ mất khoảng hai ngày – hoặc 54 giờ – để hoàn thành.

    Một nhóm chuyên gia tại Pháp đã xây dựng được ngôi nhà 5 phòng bằng công nghệ in 3D đầu tiên tại thành phố Nantes chỉ trong 54 giờ.

    Để xây dựng ngôi nhà này, nhóm chuyên gia đã sử dụng quy trình in 3D BatiPrint mới, trong đó có một robot có khả năng xây dựng những bức tường với độ chi tiết và cong uốn phức tạp.

    Ngôi nhà in bằng công nghệ 3D dành cho gia đình có 5 thành viên sinh sống tại thành phố Nantes của Pháp.

    Một robot máy in các bức tường từ mặt đất lên. Mỗi bức tường chứa ba lớp: Hai lớp polyurethane cách nhiệt, cũng như một lớp bê tông thứ ba. Chuyển động của robot được điều khiển bởi một cảm biến laser, tạo ra chuyển động dựa trên mô hình kỹ thuật số của ngôi nhà, được truyền đến máy trước đó.

    Tổng cộng thời gian để xây dựng một ngôi nhà có diện tích 95m2như thế hiện là 2 ngày và 6 tiếng. Tuy nhiên nhóm chuyên gia tin tưởng có thể rút bớt thời gian này xuống còn 33 tiếng.

    Quá trình xây dựng nhà 3D bằng công nghệ này được đánh giá thân thiện với môi trường. Chi phí xây hết 207.000 USD, tiết kiệm được khoảng 20% so với chi phí của các phương pháp xây nhà truyền thống khác.

    Ngôi nhà có 5 phòng với 4 phòng ngủ và 1 phòng vệ sinh được trang bị hệ thống vòi tắm hoa sen. Ngôi nhà có các cửa trượt, cửa số và hệ thống kết nối của nhà thông minh, cho phép người dùng có thể quản lý mọi thứ thông qua thiết bị điện tử, kiểu như điều chỉnh nhiệt độ căn nhà bằng máy tính bảng.

    Sau khi hoàn thành một công trình, robot có thể được vận chuyển đến một địa điểm khác để hoàn thành các dự án xây dựng khác. Các nhà nghiên cứu cho biết việc in 3D đã làm giảm thời gian xây dựng và cải thiện vấn đề cách nhiệt, đồng thời giảm chi phí vận hành xây dựng.

    Theo Thủy Phương/tapchicongthuong.vn (16/7/2018)

    Tua bin GE đã sẵn sàng cho dự án Phong điện Tây Nguyên

    0

    Dự án Phong điện Tây Nguyên đang gấp rút hoàn thiện giai đoạn 1 để khánh thành và kết nối thử nghiệm với hệ thống lưới điện quốc gia vào cuối quý 3 năm nay. Tập đoàn General Electric (GE) Hoa Kỳ là đơn vị cung cấp thiết bị tua bin điện gió cho dự án này.

    Theo đó, các tua bin điện gió của GE đã cập cảng của Việt Nam và đang trên đường vận chuyển tới dự án, tại xã Đliê Yang, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk để sẵn sàng lắp đặt, hoàn thiện dự án.

    Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, Việt Nam là một quốc gia nhiều nắng và gió, được đánh giá có nhiều tiềm năng cực lớn để phát triển năng lượng tái tạo. Năm 2015, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhấn mạnh việc khuyến khích, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí CO2. Đây chính là nền tảng, cũng như động lực giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

    Tiếp nối những nỗ lực của chính phủ trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, hơn 50 dự án phong điện đã được cấp phép trong khoảng 10 năm qua. Tuy nhiên đến nay 90% các dự án này vẫn chỉ nằm trên giấy. Sự ảm đạm của ngành điện gió có lẽ chấm dứt vào năm 2018 này với việc bổ sung của dự án điện gió Đầm Nại (tháng 1/2018) và dự án Phong điện Tây Nguyên vào nửa cuối năm nay.

    Trụ tua bin cập cảng Cam Ranh, Khánh Hòa.

    Trang trại Phong điện Tây Nguyên có tổng vốn đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng, tổng công suất 280MW, dự án do Công ty CP giải pháp năng lượng gió HBRE là chủ đầu tư, Công ty CP giải pháp tòa nhà thông minh (IBS) là tổng thầu EPC và Tập đoàn GE là đơn vị cung cấp thiết bị tua bin điện gió. Dự án chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 dự kiến sẽ được hoàn thiện và kết nối với hệ thống lưới điện quốc gia vào cuối quý 3 năm nay, với công suất lắp máy 28.8 MW.

    Chia sẻ về dự án, đại diện GE tại Việt Nam cho biết: “Tua bin gió mà GE cung cấp cho dự án Phong điện Tây Nguyên là loại tua bin có sải cánh lớn nhất trong các dự án đã và đang xây dựng ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Với sải cánh dài gần 57m cho dòng máy phát công suất 2.4MW nên hiệu suất vượt trội so với các dòng máy khác có cùng gam công suất”.

    Là một tập đoàn công nghiệp toàn cầu, hoạt động tại hơn 180 quốc gia trên khắp thế giới, GE là một trong những công ty Mỹ đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Tập đoàn này đã có nhiều đóng góp cho các công trình lớn, yêu cầu trình độ và chất lượng công nghệ cao ở Việt Nam.

    Đối với dự án Phong điện Tây Nguyên, công nghệ sản xuất của GE cho phép tạo ra những hiệu chỉnh về chiều cao của cột tua bin, kích thước cánh quạt và gam máy, phù hợp với điều kiện riêng của từng vị trí lắp đặt. Đồng thời, khi đi vào vận hành, các tua bin sẽ tiếp tục được quản lý bằng hệ thống quản lý tài sản APM, nhằm dự đoán và ngăn ngừa các sự cố trong quá trình vận hành, cũng như tối thiểu hóa thiệt hại về sản lượng khi xảy ra gián đoạn. Trên cơ sở của những phân tích của hệ thống, đơn vị vận hành có thể chủ động thực hiện công tác khắc phục các lỗi kỹ thuật và tìm kiếm phụ tùng thay thế từ sớm. Điều này giúp tiết kiệm được thời gian, cắt giảm được chi phí, cũng như sản lượng bị thiệt hại, giúp hiệu năng sản xuất có thể tăng 5% và tạo thêm 20% lợi nhuận từ hoạt động sản xuất.

    Cánh tua bin được vận chuyển từ cảng quốc tế Phú Mỹ.

    Tọa lạc tại xã Đliê Yang, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk, tuy nhiên phần lớn các thiết bị bin vận phải được nhập về thông qua các cảng biển là cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) và càng Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu). Sau khi được cập cảng và thông quan, các thiết bị này sẽ được vận chuyển về tới vị trí dự án bằng các phương tiện chuyên dụng, với sự hỗ trợ và hướng dẫn của các đơn vị chức năng phụ trách điều tiết giao thông.

    Theo các chuyên gia trong lĩnh vực vận tải, tuyến đường vận chuyển từ cảng về tới dự án phải vượt qua những địa hình đồi núi hiểm trở, đòi hỏi sự khảo sát địa hình kỹ lưỡng trước khi vận chuyển và sự cẩn trọng trong suốt quá trình vận chuyển. Đặc biệt, phải nói tới đoạn đường 12km đi qua đèo Phượng Hoàng – cửa ngõ phía Đông của tỉnh Đắk Lắk. Đoạn đường này một thời từng được ví như con đèo tử thần đối với giới lái xe bởi nó không chỉ có những khúc quanh co, uốn lượn liên tục theo hình ziczac mà còn có độ dốc lên tới 10%. Điều này gây cản trở không nhỏ đối với các xe tải siêu trường siêu trọng, vận chuyển thiết bị của dự án.

    Tỉnh lộ 26 đoạn chạy qua đèo Phượng Hoàng với những khúc cua liên tục với độ dốc 10%.

    Phát triển năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời là hướng đi rất triển vọng cho tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là sau khi có Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc tạm dừng xây dựng thủy điện tại Tây Nguyên, được đưa ra tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 (tổ chức ngày 20/6/2016, tại thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

    Theo nangluongvietnam.vn (09/07/2018)

    Bang Queensland: Cấm túi ni lông sử dụng một lần

    0

    Ngày 1/7/2018, lệnh cấm sử dụng túi ni lông dùng một lần bắt đầu có hiệu lực tại bang Queensland, Ôxtrâylia.

    Đây là một trong những biện pháp nhằm giảm ảnh hưởng của rác thải nhựa đối với môi trường. Theo lệnh cấm, các nhà bán lẻ không được cấp túi ni lông dùng 1 lần, túi nhựa loại nhẹ, mỏng hơn 35 micrômét.

    Thủ hiến bang Queensland Annastacia Palaszczuk nêu rõ: “Người Queensland sử dụng gần 1 tỷ túi ni lông một lần mỗi năm và khoảng 16 triệu chiếc túi đó lại thải ra môi trường của chúng ta.” Theo bà, rác thải trôi nổi trên biển là một vấn đề lớn đối với du lịch và bảo tồn môi trường của Queensland khi khoảng 75% rác thải vớt được trên vùng biển của bang này là từ dọc khu vực bờ biển.

    Khách mua hàng tại siêu thị Woolworths sử dụng túi cá nhân thay thế túi ni lông sử dụng một lần (Ảnh: Diệu Linh/TTXVN)

    Ngoài ra, khoảng 90% loài chim biển tại đây ăn các rác thải nhựa, tương tự 30% loài rùa biển, đe dọa đến đời sống của sinh vật khu vực.

    Theo lãnh đạo Quỹ Giải cứu và Nghiên cứu Thế giới Biển Trevor Long, ô nhiễm rác thải nhựa đã được chứng minh là vấn đề môi trường lớn và lệnh cấm là một “sáng kiến tuyệt vời.”

    Ngoài Queensland, bang Victoria cũng ban hành lệnh cấm dùng ni lông một lần, có hiệu lực vào năm 2019.

    Trước đó, Woolworths và Coles, hai tập đoàn bán lẻ lớn của Ôxtrâylia cũng đã tuyên bố ngừng cung cấp túi ni lôngg dùng một lần tại tất cả cửa hàng trên toàn quốc.

    Theo Hồng Nhự/tapchimoitruong.vn

    Thận trọng với CO nguy cơ gây hại gia đình nào cũng có

    0

    Carbon monoxide (CO), một loại khí không mùi, không màu phát sinh từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch có thể bắt nguồn ngay chính trong nhà gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe.

    Trong gia đình, các nguồn CO bao gồm các máy sưởi không khí (có và không có ống khói), bếp gas, lò đốt củi hoặc than, khói thuốc lá, và sự xâm nhập của khói xe từ các nhà để xe. Khí thải trong không gian gia đình khép kín có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí gây tử vong.

    Khí carbon monoxide gây hại như thế nào?

    CO là chất ô nhiễm phổ biến nhất (được đo theo khối lượng) trong khí quyển.

    Nhiều lò sưởi trong các gia đình hoạt động bằng cách đốt khí đốt. Khi khí được đốt, nó giải phóng khí cacbon monoxide, cũng như các loại khí khác, và nếu chúng không thoát ra ngoài (bằng đường ống thông khói hoặc các cơ chế hút khói khác) các loại khí này có thể tích tụ trong nhà, gây nguy hiểm.

    Ở nồng độ cao, CO có thể khuếch tán nhanh vào máu, và có thể gắn với hemoglobin để tạo thành “carboxyhemoglobin”, và làm giảm khả cung cấp oxy trong máu. Tiếp xúc CO ở nồng độ cao có thể dẫn đến bất tỉnh và tử vong, các triệu chứng này cũng có thể xảy ra trong vòng vài phút.

    Thêm vào đó, các triệu chứng ngộ độc CO có thể bị nhầm lẫn với bệnh cúm, bao gồm chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi và buồn nôn. Đối tượng dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với CO gồm người già, người có tình trạng sức khỏe, trẻ em, phụ nữ có thai và thai nhi.


    Thận trọng với Carbon monoxide – kẻ giết người thầm lặng trong chính gia đình bạn.

    CO trở nên phổ biến trong các gia đình

    Trước đây CO được đo bên trong nhà thông qua các nghiên cứu về khí thải không khí nóng. Trong những nghiên cứu này, nồng độ CO cao đã được phát hiện trong một số ít các ngôi nhà, chủ yếu trong những ngôi nhà có lò sưởi không khí.

    Nghiên cứu gần đây nhất (được thực hiện trong năm 2010), đã thử nghiệm 40 ngôi nhà không có lò sưởi cũng cho thấy mặc dù tồn tại CO nhưng mức CO này thấp hơn so với các nghiên cứu trước đây.

    Mặc dù không có nghiên cứu nào trực tiếp điều tra về tác động của CO trong nhà đối với sức khỏe, do các nghiên cứu về khí nóng chủ yếu liên quan đến việc nghiên cứu ảnh hưởng của các khí khác do các lò sưởi thải ra. Tuy nhiên, nồng độ CO trong nhà cũng có thể tăng một cách tương đối nhanh, ở mức độ cao chúng có thể gây tử vong.

    Những trường hợp tử vong này thường có liên quan đến việc tiếp xúc với khí thải từ các thiết bị gas bị hỏng hóc hoặc quạt thông gió không hoạt động đủ hay do các hệ thống sưởi không khí bằng phương pháp đốt. Nhiều sự cố ngộ độc CO cũng đã xảy ra sau khi các nguồn sưởi ấm ngoài trời lại được sử dụng trong môi trường trong nhà. Ví dụ như trường hợp sử dụng than để sưởi ấm trong nhà.

    Cách ngăn ngừa tiếp xúc với CO

    Để đối phó với tình trạng ngộ độc khí CO, một số cách có thể áp dung như:

    Sử dụng máy sưởi khí có giấy chứng nhận tuân thủ các quy tắc an toàn, kiểm tra máy sưởi hai lần một năm.

    Thực hiện kiểm tra rò rỉ CO thường xuyên

    Đảm bảo lưu thông không khí trong gia đình

    Không sử dụng bình gas nóng qua đêm hoặc trong thời gian dài

    Sử dụng quạt hút mùi trong nhà bếp hoặc phòng tắm.

    Cài đặt báo động rò rỉ CO làm biện pháp an toàn bổ sung

    Không sử dụng một lò sưởi không nung trong phòng ngủ

    Xem xét thay thế lò sưởi cũ.

    Theo An Nhiên/Vietq.vn (17/7/2018)