32 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 16, 2024
More
    Home Blog Page 391

    Tiêu chuẩn không khí trong nhà cần sớm được ban hành

    0

    Hiện nay, các nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà như nấm, lông vật nuôi, đun nấu, sưởi ấm bằng than, điều hòa, khí gas, đốt vàng mã, hút thuốc, hóa chất tẩy rửa, từ đồ dùng… đang gây tác động lớn đến sức khỏe con người, do đó, cần có nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng không khí (CLKK) trong nhà.

    Chất lượng không khí trong nhà vượt ngưỡng

    Theo Báo cáo của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), năm 2017, ở các đô thị, không khí trong nhà có nồng độ bụi vượt tiêu chuẩn cho phép. Tại Hà Nội, phòng khách các hộ gia đình ở mặt đường, có nồng độ bụi (PM10) vượt quá tiêu chuẩn 2,5 lần, nồng độ bụi mịn (PM 2.5) vượt quá tiêu chuẩn 3 lần; ở các nhà trong hẻm,nồng độ bụi tương ứng vượt quá tiêu chuẩn 1,6-1,8 lần; các căn hộ mới (vượt tiêu chuẩn 1,1 – 1,3 lần), còn tại căn hộ cũ (vượt tiêu chuẩn 1,2-1,4 lần); trong các văn phòng (vượt tiêu chuẩn 1,4-1,7 lần). Ngoài ra, tổng số vi khuẩn hiếu khí, liên cầu tan huyết và nấm tại hầu hết các gia đình được nghiên cứu đều không đạt tiêu chuẩn.

    Trong khi đó, nồng độ bụi tại những nơi xa trung tâm TP như huyện Kiến Xương (Thái Bình) đều đáp ứng tiêu chuẩn, còn về tổng số vi khuẩn hiếu khí, nấm 100% gia đình được nghiên cứu cũng không đạt tiêu chuẩn. So sánh chất lượng không khí trong nhà giữa các hộ gia đình cho thấy, nồng độ bụi PM10, PM 2.5 và CO, SO2, NO2 tại các hộ gia đình ở Kiến Xương thấp nhất; ở những căn hộ cũ của Hà Nội cao hơn các căn hộ mới, trong hẻm thấp hơn các hộ gia đình sống gần mặt đường.

    Một nghiên cứu khác về ô nhiễm không khí  trong nhà của Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động tại 6 văn phòng trong 4 tòa nhà ở nội thành Hà Nội năm 2017 cho thấy, nồng độ CO2 trong không khí trung bình là 860ppm (nơi cao nhất là 940 ppm), formaldehyde là 0,023 ppm (cao nhất 0,046 ppm), ôzôn là 0,067 ppm (cao nhất là 0,091ppm), các chất hữu cơ dễ bay hơi là 6,33 ppm, nồng độ bụi hô hấp là 0,208 mg/m3.Nếu áp các chỉ số trên vào một số tiêu chuẩn của quốc tế thì thấy vượt tiêu chuẩn cho phép. Ví dụ, nồng độ forrmaldehyde vượt quy định của Viện quốc gia về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp của Mỹ (NIOSH ), nồng độ bụi hô hấp vượt tiêu chuẩn theo tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia (NAAQS) của Cơ quan BVMT Mỹ (USEPA, 1987).

    Hiện Việt Nam chỉ mới có tiêu chuẩn CLKK bên ngoài, xung quanh, chưa có tiêu chuẩn CLKK trong nhà. Trong khi các nước trên thế giới đã ban hành tiêu chuẩn CLKK bên trong, phân ra tiêu chuẩn cho từng đối tượng là nhà ở, trường học, văn phòng làm việc… Các quy định này quy định chặt chẽ CLKK trong các khung giờ khác nhau, đưa ra quy chuẩn không khí sạch, trong đó có quy chuẩn về nấm mốc, sẽ đáp ứng tốt hơn cho việc tính toán mức độ tiếp xúc, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

    Các nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà

    Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí trong nhà đáng lo ngại nhất vì phần lớn hoạt động của con người diễn ra trong nhà. Đây là “sát thủ thầm lặng” – một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tật và tử vong hàng đầu thế giới. Số liệu thống kê của WHO cũng cho thấy, 6/10 bệnh có tỷ lệ chết cao nhất tại Việt Nam là những bệnh có liên quan đến ÔNKK trong nhà.

    Các chất gây ô nhiễm không khí trong nhà thường được sinh ra từ các thiết bị hiện đại trong nhà, như thảm, điều hòa, tủ lạnh, bếp ga…

    Theo các chuyên gia, hiện ở Việt Nam, việc đánh giá ảnh hưởng của không khí tới sức khỏe con người vẫn đang căn cứ vào ô nhiễm không khí bên ngoài. Trong khi lượng vi sinh vật gây bệnh từ không khí trong nhà cao hơn ngoài trời. Gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm không khí trong nhà thậm chí còn cao hơn gấp 2 lần so với gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm không khí xung quanh. Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ bệnh hô hấp chiếm tới 3-4% dân số, trong đó tỷ lệ này ngày càng cao hơn ở các TP lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh. Theo nghiên cứu năm 2017 tại TP. Hồ Chí Minh trong suốt mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4), số trẻ nhập viện gia tăng vì tiếp xúc với không khí ô nhiễm. Nguy cơ mắc bệnh tăng từ 7 – 18% nếu nồng độ NO2 trong không khí tăng 10 μg/m3.

    Các nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà chủ yếu là do vi khuẩn, nấm mốc và nấm men gây ra, có thể nguy hiểm như các tế bào sống gây bệnh và tiết ra một số chất có hại cho sức khỏe. Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy, nồng độ cao của vi sinh vật trong không khí có thể gây dị ứng, thậm chí nồng độ rất thấp của một số vi sinh vật đặc biệt có thể gây ra bệnh nghiêm trọng.

    Theo kết quả thống kê, có khoảng 30% các vấn đề sức khỏe liên quan đến CLKK trong nhà là do phản ứng cơ thể người đối với các loại nấm mốc. Bên cạnh đó, hệ thực vật nấm có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt là trong các phòng có hệ thống sưởi ấm, thông gió, điều hòa không khí có thể gây ra dị ứng hay “hội chứng bệnh” gây kích ứng màng nhầy, bệnh hen phế quản… Ngoài ra, bụi có thể phát sinh từ sàn nhà và đồ dùng bẩn. Khi các hoạt động diễn ra, bụi xâm nhập vào không khí. Bụi có thể lan rộng vào trong nhà từ bên ngoài và lắng đọng trên các vật thể, là điều kiện thuận lợi để vi sinh vật có hại phát triển.

    Tăng cường các giải pháp

    Để cải thiện CLKK trong nhà, người dân nên có các biện pháp tự bảo vệ mình bằng cách thường xuyên vệ sinh nhà cửa, hút bụi, hạn chế dùng thảm, tránh đun nấu bằng than, củi trong nhà, trồng thêm cây xanh để điều hòa không khí… Khi làm sạch đồ trong nhà, mọi người nên sử dụng vải ẩm để tránh bụi. Nhà cửa, văn phòng và trường học nên mở cửa sổ thường xuyên để làm tăng ánh sáng mặt trời và chất độc hại trong nhà có thể bay ra ngoài. Các loại nấm mốc thường phát triển rất nhanh trong môi trường nóng và ẩm, vì vậy nên giữ độ ẩm trong nhà dưới 60% để tránh nấm mốc phát triển.

    Đối với trường học ở nông thôn, sân trường cần được bê tông hóa để các hoạt động của học sinh khi tham gia có thể hạn chế bụi phát sinh và phát tán vào lớp; trồng cây bonsai trong nhà hoặc văn phòng để có không khí trong lành. Bên cạnh đó, do tác động của thời tiết cực đoan gây những ảnh hưởng quan trọng đối với CLKK trong nhà. Điều này có thể dẫn đến nhiệt độ trong nhà quá cao hoặc quá thấp hoặc không khí bị ẩm ướt, nên cần bổ sung thêm thiết bị cách nhiệt và thông gió.

    Mặt khác, có thể dùng nhiên liệu thay thế than đá sang nguyên liệu sạch hơn như khí hóa lỏng, biogas, năng lượng mặt trời… Khu vực nấu nướng cần được thiết kế, lắp đặt đúng cách nhằm giảm khói bụi, giảm mức phát thải, giúp cải thiện thời gian nấu nhanh hơn. Ngoài ra, Việt Nam cần có nghiên cứu sâu và đầy đủ hơn về ảnh hưởng của CLKK trong nhà đến sức khỏe con người, trong đó việc ban hành tiêu chuẩn CLKK trong nhà là hết sức quan trọng.

    Theo Nguyễn Thị Phượng/Tạp chí Môi trường, số 8/2018

    Chế phẩm sinh học từ tinh bột sắn có thể giúp hoa quả tươi lâu

    0

    TS. Lê Đại Vương (Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế); TS. Võ Văn Quốc Bảo (Đại học Nông lâm Huế) cùng các cộng sự đã dày công nghiên cứu thành công chế phẩm sinh học từ tinh bột sắn có thể giúp hoa quả tươi lâu 35 ngày, thân thiện môi trường và an toàn cho sức khỏe con người.

    TS. Lê Đại Vương cho biết, Thừa Thiên – Huế nổi tiếng với nhiều loại trái có múi đặc sản như bưởi Thanh Trà, quýt Hương Cần, cam Nam Đông… có giá trị dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, quá trình quan sát trên quýt Hương Cần chúng tôi thấy rằng hầu hết các hộ nông dân bị thương lái ép giá và thị trường tiêu thụ chưa mở rộng do dễ bị dập và úng vì không có biện pháp hữu hiệu để bảo quản. Vì vậy chúng tôi quyết định nghiên cứu để tìm ra một giải pháp bảo quản lâu dài, giá thành phù hợp, dễ áp dụng.

    Đề tài “Ứng dụng nano bạc trong sản xuất chế phẩm màng bảo quản một số quả tươi” được nhóm nghiên cứu từ năm 2015. Theo TS. Lê Đại Vương, công nghệ nano là một lĩnh vực mới và hấp dẫn của khoa học, cho phép nâng cao nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực. Một trong số các hạt nano thân thiện với môi trường và con người được ứng dụng rộng rãi hiện nay là nano bạc. Các hạt nano bạc có diện tích mặt rất lớn, gia tăng tiếp xúc của chúng với vi khuẩn hoặc nấm và nâng cao hiệu quả diệt khuẩn, diệt nấm. Do đó, việc nghiên cứu chế tạo chế phẩm sinh học có khả năng kháng khuẩn từ tinh bột sắn, nano bạc từ một số nguồn gốc thực vật là rất thiết thực.

    TS. Lê Đại Vương giới thiệu hiệu quả của nano bạc trong bảo quản quả tươi.

    Khi tiến hành nghiên cứu chế phẩm bảo quản, nhóm đã phân lập, định danh nấm từ quả quýt Hương Cần rồi cấy nấm trên môi trường PDA (môi trường nuôi cấy vi sinh vật và nấm) có nồng độ nano bạc khác nhau để xác định được tính kháng khuẩn của dung dịch nano bạc. Từ đó, khẳng định dung dịch nano bạc có tính kháng khuẩn tốt dù nồng độ thấp (10 ppm) và nhóm chọn mẫu nano có nồng độ 30 ppm, 50 ppm để tạo chế phẩm sinh học.

    Ở nồng độ 10 ppm, tính kháng khuẩn của nano yếu hơn so với 30,ppm, 50,ppm, 100,ppm, 150,ppm. Vì vậy, nhóm nghiên cứu chọn nano có nồng độ 30 ppm và 50 ppm để chế tạo màng bảo quản quả tươi. Để biết được những biến đổi của quýt trong quá trình bảo quản, nhóm đã tiến hành khảo sát một số yếu tố như cảm quan, hao hụt khối lượng, vitamin C, hàm lượng đường.

    Sau 2 năm nghiên cứu giải pháp ứng dụng nano bạc trong sản xuất chế phẩm màng bảo quản một số quả tươi đã chứng minh hiệu quả với quả quýt Hương Cần, cà chua. Kết quả cho thấy, chế phẩm sinh học từ nano bạc, chitosan, tinh bột sắn đảm bảo tính an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường.

    Nhóm nghiên cứu nhận thấy đối với quả quýt Hương Cần được phun chế phẩm nano có thể tươi lâu đến 35 ngày đồng thời vẫn giữ được độ ngọt, mùi vị và màu sắc của cam, so với chỉ 9 ngày nếu không bảo quản. Nhờ cách bảo quản này, quýt Hương Cần có thể được nhập khẩu hay vận chuyển đi xa trong thời gian dài và điều quan trọng nữa là cách sử dụng chế phẩm rất đơn giản, thuận tiện cho bà con áp dụng và giá thành cũng rất rẻ. Một lít chế phẩm chỉ có 50.000 đồng, sử dụng cho khoảng 2 – 3 tạ quýt.

    Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu của đề tài, nhóm đã hợp tác với làng Hương Cần, xã Hương Toàn, huyện Hương Trà nhằm giúp bà con bảo quản quýt đặc sản. TS Vương khẳng định, việc áp dụng chế phẩm màng bảo quản quả tươi sẽ hạn chế việc thu hái quýt trước thời điểm thu hoạch, đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng và vitamin C trong quýt; Hạn chế thất thoát khối lượng, giữ được màu sắc và hương vị tự nhiên.

    Sau khi ứng dụng thành công bảo quản quýt Hương Cần, nhóm sẽ triển khai hướng dẫn chi tiết kỹ thuật cho người dân để nhân rộng mô hình, phát triển với nhiều loại trái cây khác như thanh long, bưởi Thanh Trà…

    Theo Nguyệt Minh/tapchimoitruong.vn (13/9/2018)

    Đông đảo người dân trên khắp thế giới hưởng ứng phong trào vì khí hậu

    0

    Ngày 8/9/2018, đông đảo người dân tại 95 quốc gia trên thế giới đã xuống đường hưởng ứng phong trào “Vùng lên vì khí hậu” (Rise for climate) nhằm yêu cầu Chính phủ các nước thúc đẩy hành động ứng phó với tình trạng ấm lên toàn cầu, bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng nước biển dâng và thời tiết cực đoan.

    Tại Mỹ, tuần hành đã diễn ra trong suốt 24h tại TP. San Francisco, nơi hàng nghìn người tràn ra khắp các đường phố, mang theo các biểu ngữ kêu gọi sử dụng các nguồn năng lượng sạch khác thay cho những nhiên liệu gây ô nhiễm hiện nay.

    Trong khi đó, khoảng 115.000 người đã tham gia cuộc tuần hành vì môi trường lớn nhất từ trước đến nay tại Pháp. Ước tính chỉ riêng tại thủ đô Pari, 18.500 người đã tham gia vào chiến dịch toàn cầu trên, cũng như thể hiện sự ủng hộ với cựu Bộ trưởng Môi trường Nicolas Hulot, người đã từ chức vào ngày 28/8 vừa qua vì bức xúc trước cách tiếp cận vấn đề này của Chính phủ. Hàng nghìn người cũng đã tuần hành tại nhiều TP khác như Marseilles, Strasbourg, Toulouse…

    Tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, hơn 10.000 người đã đã đổ ra đường và 1.300 người khác đã tuần hành trước trụ sở Nghị viện châu ở Brussels.

    Tại châu Á, nhiều ngư dân và những người lao động Thái Lan bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng tiến hành tuần hành tại thủ đô Bangkok, nơi đang diễn ra các cuộc họp trù bị cho Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP 24 vào tháng 12/2018 tại Ba Lan.

    Cuộc tuần hành tại thủ đô Manila của Philippin đã diễn ra với sự tham gia của khoảng 1.000 người. Philippin là nước rất phụ thuộc vào than đá và quốc gia này cũng là một trong những nơi hứng chịu nhiều nhất các hiện tượng thời tiết cực đoan, có xu hướng gia tăng, do biến đổi khí hậu.

    Cùng ngày, khoảng 10.000 học sinh và giáo viên tại miền Bắc Ấn Độ đã đeo ruy băng đỏ xuống đường để kêu gọi chấm dứt việc phá rừng.

    Tại Australia, các con tàu mang theo biểu ngữ chống biến đổi khí hậu đã đi vào cảng Sydney để tham gia vào làn sóng biểu tình do nhóm 350.org có trụ sở tại New York phát động. Hàng trăm người biểu tình tập hợp trước văn phòng của Thủ tướng, để kêu gọi Chính phủ chấm dứt chính sách hậu thuẫn cho than đá…

    Theo Sơn Tùng/tapchimoitruong.vn (13/9/2018)

    Airbus ra mắt máy bay sử dụng năng lượng mặt trời 

    0

    Công ty hàng không hàng đầu Thế giới – Airbus vừa ra mắt một chiếc máy bay sử dụng năng lượng mặt trời có thể bay liên tục 25 ngày.

    Trong khi các hãng công nghệ như Facebook và Google đã từ bỏ ý định về máy bay năng lượng Mặt trời, thì công ty chuyên về máy bay – Airbus vẫn tiếp tục thử nghiệm với ý tưởng này. Mới đây, sản phẩm Zephyr S của hãng đã lập kỉ lục Thế giới về thời gian bay liên tục lâu nhất, lên tới 25 ngày. Kỉ lục này vượt qua con số 14 ngày, cũng được lập bởi một phiên bản Airbus Zephyr trước đó.

    Trong tương lai Airbus cũng có thể thực hiện “giấc mơ còn dang dở” của Facebook và Google là sử dụng máy bay năng lượng Mặt trời để cung cấp internet tốc độ cao.

    Chiếc máy bay này bay ở độ cao 70.000 feet thuộc tầng bình lưu, độ cao mà chỉ một số máy bay như Concorde hay SR-71 mới có thể đạt được, nhằm tránh các nhiễu động về thời tiết. Khi được sản xuất hàng loạt, Zephyr S sẽ được sử dụng vào mục đích quân sự để thám thính mặt đất hoặc dân sự như dự báo thời tiết, phát hiện những nơi bị tràn dầu.

    Trong tương lai Airbus cũng có thể thực hiện “giấc mơ còn dang dở” của Facebook và Google là sử dụng máy bay năng lượng Mặt trời để cung cấp internet tốc độ cao.

    Theo An Bình/tapchimoitruong.vn (12/9/2018)

    Quần áo không vô hại như ta nghĩ

    0

    Quần áo trước tiên là nhằm bảo vệ cơ thể và sau đó là làm đẹp cho người mặc – điều đó quá hiển nhiên ai ai cũng hiểu.

    Thế nhưng, không phải người nào cũng biết rằng một số loại áo quần nếu không sử dụng đúng thì không những chúng không bảo vệ người mặc mà ngược lại, chúng còn âm thầm gây hại cho sức khỏe con người.

    Quần áo mới – Mối nguy tiềm ẩn

    Chất hóa học sử dụng khi sản xuất quần áo:

    Quá trình sản xuất quần áo rất phức tạp và không thể tránh khỏi việc trải qua những đợt “tẩy rửa” hay nhuộm màu, chống co vải, chống nhăn… bằng hóa chất. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe bởi quần áo luôn tiếp xúc trực tiếp với cơ thể và làn da. Trong các chất nhuộm màu, có rất nhiều chất không bám chắc vào sợi vải khi nhuộm. Chúng có thể dễ dàng thôi nhiễm vào da trong lúc mặc, ngấm vào cơ thể và gây hại tới sức khỏe.

    Chất formaldehyde được sử dụng trong quá trình xử lý chống nhăn, giúp bền màu, giữ được độ đàn hồi lâu dài cho vải là một chất khí không màu, có mùi hăng, ở dạng dung dịch được gọi là formone, có tác dụng chống nấm mốc và diệt vi khuẩn nhưng lại dễ gây dị ứng, kích ứng da và nhiều bệnh khác. Nghiêm trọng hơn, một số chất (điển hình là các hợp chất azo) có thể thâm nhập cơ thể, phân hủy trong hệ trao đổi chất và sản sinh ra chất gây ung thư (aromatic amine). Quá trình phân hủy này diễn ra chủ yếu ở đường ruột, trong gan hoặc trên làn da. Vì thế, quần áo mới khi mua về nên giặt và phơi nắng rồi mới mặc. Nên lựa chọn các sản phẩm ít qua khâu gia công. Tốt nhất, hãy lựa chọn vải cotton.

    Chất bảo quản:

    Các chất bảo quản, thuốc diệt côn trùng, chất chống độc… được sử dụng trong quá trình cất giữ nguyên liệu, vải thành phẩm, cất giữ quần áo… cũng có nguy cơ gây kích ứng da, nhất là với những người có làn da nhạy cảm hay những người thích mặc quần áo bó sát. Lưu ý, những người dị ứng với formaldehyde không nên mặc những bộ quần áo chống nhăn, bởi vì tính năng này của vải càng nhiều thì tác dụng phụ gây ra càng lớn.

    Thói quen vô tư thử quần áo mới:

    Tại các cửa hàng, không thể tránh khỏi tình trạng nhiều người thử cùng một bộ quần áo. Khi đó, những vi khuẩn, virut gây bệnh có thể bám lại và lây truyền từ người này sang người khác, trong đó có những loại vi khuẩn, virut gây ra các căn bệnh rất nguy hiểm như bệnh da liễu, bệnh phụ khoa… Để tránh bị lây bệnh, khi thử quần áo, nên mặc đồ mỏng ở bên trong để da không phải tiếp xúc trực tiếp với quần áo mới, nếu phát hiện quần áo có mùi “bất thường”, tốt nhất không nên thử và cũng không nên mua.

    Mặc quần áo chật – Bệnh tật đủ đường

    Dị ứng, kích ứng:

    Việc mặc quần áo quá chật sẽ khiến cơ thể bị cọ xát khi chúng ta hoạt động và di chuyển. Nó dẫn đến tình trạng ngứa ngáy, trầy xước da. Đặc biệt, quần áo chật còn khiến cho da bị dị ứng, kích ứng, nổi mẩn, phát ban…, nhất là khi chúng ta mặc những bộ quần áo chật được làm từ sợi tổng hợp pha trộn. Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn với những người có làn da nhạy cảm. Do đó, các bạn nên chọn những bộ quần áo có kích cỡ phù hợp hoặc hơi rộng một chút để tạo cảm giác thoải mái (nhất là quần áo lót).

    Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa:

    Khi chúng ta mặc những chiếc quần hay áo quá chật, sức ép lên bụng và dạ dày sẽ tăng lên. Nó gây ứ đọng hoặc trào ngược axit lên thực quản. Điều này chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên chứng ợ nóng. Bên cạnh đó, mặc quần áo chật còn làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây trướng bụng, ợ hơi…

    Tác động xấu lên hệ thần kinh và mạch máu:

    Quần áo chật, bó thường tạo nên áp lực rất lớn lên hệ thần kinh và các mạch máu, khiến cơ thể khó vận động, máu lưu thông kém. Hậu quả là chúng ta sẽ mắc phải chứng tức ngực, đau lưng, đau đầu, hoa mắt, choáng váng, khó thở, thậm chí còn có thể làm giảm thị lực. Bên cạnh đó, quần áo chật còn gây ra những ảnh hưởng xấu đến hệ thống dây chằng trên cơ thể, dẫn đến đau nhức và khó khăn trong khi cử động. Không những thế, nó cũng có những tác động không nhỏ lên tim, phổi.

    Làm biến dạng “núi đôi”:

    Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến “núi đôi” biến dạng là do việc mặc áo chật, đặc biệt là áo “chip” bó chặt. Ngoài ra, nó còn gây ra chứng đau tức ngực. Thậm chí, về lâu dài, việc mặc các loại áo và áo “chip” chật còn dễ dẫn đến các căn bệnh ở vòng 1, kể cả bệnh ung thư.

    Tổn thương cơ, khớp:

    Các loại quần chật, quần bó (như quần jean bó sát) thường khiến chúng ta cử động rất khó khăn và làm ảnh hưởng đến sự linh hoạt của đôi chân. Do đó, nó khiến chúng ta dễ bị té ngã hơn, đồng thời còn dẫn đến tình trạng tê chân, chuột rút, cứng khớp, teo cơ, đau chân… Về lâu dài, nó làm cho cơ, khớp và xương bị yếu đi, gây nên các căn bệnh về cơ, khớp…

    Hệ bài tiết “kêu cứu”:

    Hệ bài tiết là một trong các phần phải chịu hậu quả nặng nhất khi chúng ta mặc quần áo chật. Lý do là bởi quần áo chật sẽ thắt chặt vùng bụng, bàng quang, làm yếu cơ bụng… Điều này khiến cho hệ bài tiết bị ảnh hưởng, hoạt động kém và gây ra các căn bệnh nghiêm trọng.

    Những nguy hiểm với vùng kín:

    Khi mặc những chiếc quần quá chật, nhất là đồ lót chật, vùng kín sẽ bị bít lại. Với phụ nữ, môi trường yếm khí sẽ khiến cho các vi khuẩn, nấm sinh sôi dễ dẫn đến rất nhiều căn bệnh phụ khoa như nấm âm đạo, viêm nhiễm vùng kín, u nang… Với nam giới, quần quá chật chội, bí bách chính là nguyên nhân khiến cho “cậu nhỏ” bị tăng nhiệt độ, các “tinh binh” dễ bị tiêu diệt và chết yểu!

    Theo Sức khỏe & Đời sống (11/9/2018)

    Không xả thải ra thiên nhiên

    0

    Nền kinh tế tuần hoàn, đại diện cho cơ hội kinh doanh trị giá 4.5 nghìn tỷ USD, là tiềm năng lớn cho sự tăng trưởng kinh tế thế giới.

    Bằng việc phục hồi và tái sử dụng chất thải thành các nguồn lực khác nhau và đưa vào quá trình sản xuất, kinh tế tuần hoàn là triết lý sản xuất sạch hơn và tiết kiệm hơn, góp phần BVMT, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng đến một tương lai bền vững. Việc hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần thực hiện Thỏa thuận Pari và 17 Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

    Sáng kiến “Zero Waste to Nature” (Không xả thải ra thiên nhiên), hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ dự án Trung tâm Kinh tế tuần hoàn (VCCE) chủ trì bởi Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phối hợp thực hiện với Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam và Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam đã chính thức được khởi động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

    Toàn cảnh Lễ phát động “Không xả thải ra thiên nhiên”.

    Là bước đi tiên phong hướng đến nền kinh tế tuần hoàn vì một Việt Nam bền vững, sáng kiến Không xả thải ra thiên nhiên hướng đến bốn mục tiêu: Giải quyết các vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa; Xây dựng lộ trình để hình thành và thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững; Phát triển chuỗi giá trị theo định hướng kinh tế tuần hoàn cũng như kiến nghị chính sách để tạo điều kiện cho việc triển khai nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Trong giai đoạn đầu, hoạt động cốt lõi của sáng kiến này là phân loại rác tại nguồn, diễn ra trên địa bàn quận Tân Phú do Unilever Việt Nam phối hợp với Công ty Môi trường Đô thị CITENCO thực hiện.

    Tại Lễ phát động, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ, chương trình sẽ được thử nghiệm với sáng kiến Không xả thải vào thiên nhiên tại ngành Nhựa trong 5 năm (2018 – 2022) với sự tiên phong của 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, Công ty TNNH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam và Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam. Từ những kinh nghiệm của việc triển khai kinh tế tuần hoàn trong ngành Nhựa, Chương trình sẽ tiến tới nhân rộng mô hình với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn khác tại các ngành nhôm, thép, xi măng, kính, gỗ, các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, từng bước hình thành mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững và xây dựng thị trường nguyên vật liệu tái chế, tái sử dụng chính thức tại Việt Nam.

    Hoạt động đổi rác lấy quà tại khuôn viên sự kiện.

    Cũng trong khuôn khổ Lễ phát động, đã diễn ra các hoạt động đổi rác lấy quà, vật phẩm tái chế. Các đại biểu và doanh nghiệp tham gia sáng kiến đã đến thăm Chung cư Tây Thạnh, tặng quà và động viên các hộ gia đình đang ứng dụng mô hình phân loại rác tại nguồn tại đây.

    Theo Châu Long/tapchimoitruong.vn

    Cùng làm xanh Pari

    0

    Nhắc đến Pari, người ta thường nghĩ đến sự hoa lệ, hào nhoáng của kiến trúc nghệ thuật, nhưng trong tương lai thành phố (TP) sẽ còn xanh và đẹp hơn với chủ trương phủ xanh đô thị.

    Với hơn 2 triệu dân, chính quyền TP. Pari đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 phủ xanh được 100 ha mái nhà và bờ tường của những tòa nhà trong TP, trong đó 1/3 diện tích dành cho mô hình nông nghiệp đô thị.

    Phủ xanh đô thị nhằm góp phần cải thiện chất lượng sống của người dân, tạo điều kiện cho sự phát triển đa dạng sinh học và giúp các đô thị thích nghi với quá trình biến đổi khí hậu. Để cây xanh trở thành một phần không thể thiếu trong mọi công trình của thành phố, Pari đã và đang huy động sự phối hợp của mọi đối tác, từ người dân cho đến chủ đầu tư của các công trình xây dựng và nhà thiết kế phong cảnh… cùng thực hiện những dự án tích hợp yếu tố phủ xanh.

    Người dân Pari chăm sóc vườn rau trên sân thượng.

    Để đạt được mục tiêu trên, chính quyền Pari đã cho phát hành cuốn hướng dẫn kỹ thuật và các phương pháp thực hiện dự án một cách hiệu quả. Tháng 6/2017, TP lập trang web Vegetalisons Paris (Cùng làm xanh Pari) làm cầu nối giữa người dân với những người quan tâm đến thực vật để cùng trao đổi, hợp tác trong việc trồng cây xanh. Trang web này giống như một kho báu giúp người dân thủ đô có thể tìm hiểu những dự án xanh đã được thực hiện, khám phá những khu vườn chung ở từng quận Pari và chia sẻ về các dự án trồng cây.

    Cấp miễn phí hạt và cây giống

    Chính sách khuyến khích trồng cây của chính quyền Pari còn được thể hiện ở việc cung cấp miễn phí hạt, củ giống hoặc cây giống ở vườn ươm của TP cho người dân. Để giúp người dân có nguồn cung cấp dưỡng chất cho cây, chính quyền đã trang bị miễn phí các bình ủ phân hữu cơ để chế biến thành phân bón tự nhiên. Hiện tại, Pari tặng miễn phí 500 bình ủ phân hữu cơ và để nhận được bình ủ, người dân phải đăng kí trên trang Vegetalisons Paris. Để phủ xanh Pari, các yếu tố xanh, sạch và bảo vệ thiên nhiên là những tiêu chí được đề cao, điều này có nghĩa là người dân không dùng thuốc trừ sâu, không dùng phân hóa học khi trồng cây.

    Chỉ cần một khoảng đất dưới gốc cây trên hè phố, một thảm cỏ nhỏ, một khoảng trống trên tường nhà, người dân Pari có thể gieo hạt giống để trồng cây. Ngoài ra, người dân có thể trồng cây ngoài ban công, trên mái nhà, hoặc đơn giản là làm một góc vườn nhỏ bên cửa sổ. Đối với các khu vực công cộng, người dân cần phải viết đơn xin phép trồng cây và được chính quyền TP cấp giấy phép. Để được trồng cây trên mái nhà, người dân phải xin phép ban đại diện của tòa nhà để nghiên cứu về mức độ chịu đựng của mái nhà, vì không phải tòa nhà nào cũng có thể chịu được sức nặng. Sau khi nhận được đơn, chính quyền TP sẽ cử đội ngũ chuyên gia kỹ thuật đến khảo sát, kiểm tra khả năng thực hiện dự án và loại cây có thể trồng được trước khi đồng ý. Chính vì vậy, chính quyền Pari luôn khuyến cáo người dân phải luôn chú ý đến đa dạng sinh học, mối liên hệ xã hội, thẩm mỹ, bảo vệ tòa nhà… trước khi trồng cây trên mái nhà.

    Nông nghiệp đô thị trên mái nhà

    Ngày 11/1/2016, chính quyền Pari đã đề ra mục tiêu phủ xanh 100 ha các công trình đô thị, trong đó 1/3 diện tích dành cho phát triển mô hình nông nghiệp đô thị. Đến nay, 74 tổ chức đã ký kết vào một điều lệ để hợp tác với chính quyền Pari trong việc lập kế hoạch cho chiến dịch này. Chính quyền TP đã phê duyệt phát triển 75 dự án và dự kiến các dự án sẽ sản xuất ra hơn 500 tấn sản phẩm.

    Trang trại trên sân thượng của Công ty khởi nghiệp Aéromate.

    Trong vụ mùa đầu tiên năm 2016, các loại cây cà chua, xà lách và nhiều loại rau tươi khác được ưu tiên trồng trên mái nhà của 33 doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, như khách sạn Pullman, trụ sở của RATP – cơ quan quản lý phương tiện công cộng Pars và vùng Ile-de-France… Đến vụ mùa 2017-2018, có thêm 41 đối tác mới tham gia và cây hoa bia trở thành đối tượng chính. Một trong những dự án điển hình của mô hình nông nghiệp đô thị là trang trại La Chambeaudie của Công ty khởi nghiệp Aéromate. Trang trại đã trồng được hơn 40 loại thực vật, thảo dược và sử dụng hệ thống thủy canh (dùng nước để truyền chất dinh dưỡng chứ không phụ thuộc vào đất). Phương pháp này phù hợp với môi trường TP, nước có thể tái chế để giảm chất thải, trong khi cây trồng trong nước giàu dinh dưỡng hơn đất. Các sản phẩm được bán cho các nhà hàng và cửa hàng tạp hóa trong khu vực.

    Tính đến nay, Pari đã thực hiện được khoảng 15 ha nông nghiệp đô thị và mục tiêu 30 ha vào năm 2020 là một thách thức. Tuy nhiên đang có rất nhiều dự án đang được xúc tiến. Năm 2019, Chapel International Project sẽ mở rộng 7.061 m2 nông trại và đây được xem là nông trại trên tầng thượng lớn nhất tại Pari. Sản phẩm của dự án sẽ được phân phối bởi Franprix, một chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ tại Pari. Có thể thấy, người dân Pari ngày càng quan tâm đến không gian xanh và muốn cải thiện môi trường ở thủ đô. Do đó, mục tiêu phủ xanh 100 ha mái nhà và bờ tường mà TP đã đề ra là hoàn toàn có khả năng thực hiện được.

    Theo Lệ Hà/Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2018

    Đào tạo RECP chuyên sâu cho 26 cán bộ các địa phương

    0

    Trong 2 ngày 5-6/9, tại Hà Nội, Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) đã tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu “Đánh giá Sử dụng hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP)” cho 26 cán bộ tại các địa phương.

    Các cán bộ tham gia khóa đào tạo RECP chuyên sâu chủ yếu đến từ các trung tâm tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến sản xuất sạch hơn và cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp FDI.

    Phát biểu tại lễ khai mạc khóa học, ông Lê Xuân Thịnh, Giám đốc VNCPC cho biết: Dự án triển khai sáng kiến khu Công nghiệp (KCN) Sinh thái hướng tới khu Công nghiệp Bền vững với sự tài trợ của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) được tiến hành từ năm 2015 – 2019, trong đó có hoạt động đào tạo năng cao năng lực và đánh giá RECP cho doanh nghiệp ở các khu công nghiệp được lựa chọn: Đà Nẵng, Cần Thơ, Ninh Bình.

    Ông Lê Xuân Thịnh – Giám đốc VNCPC (ngồi giữa) cùng đại diện của UNIDO, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham dự lễ khai mạc khóa học. 

    Trong 3 năm qua, VNCPC đã vinh dự được ban quản lý dự án lựa chọn là đơn vị tư vấn thực hiện các nhiệm vụ này. Tính đến nay, VNCPC đã đào tạo được 220 cán bộ cho doanh nghiệp.

    Còn theo đánh giá của ông Vũ Quốc Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu Kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Sau 25 năm phát triển, KCN ở Việt Nam cần một mô hình mới và cạnh tranh hiệu quả hơn.

    Ông Vũ Quốc Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu Kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại lễ khai mạc.

    Thứ hai là các doanh nghiệp trong KCN chưa quan tâm hoặc không có đủ kiến thức, thông tin để áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả hơn nguồn tài nguyên, nguyên vật liệu để nâng cao khả năng cạnh tranh.

    Thứ 3, vấn đề môi trường, đặc biệt là quản lý chất thải, khí thải chưa được quan tâm đúng mức.

    Thứ tư, các doanh nghiệp trong KCN chưa có sự liên kết trong hợp tác sử dụng chung tài nguyên, nguyên vật liệu và tái sử dụng các chất thải công nghiệp.

    Do vậy, mục tiêu của khóa đào tạo này là nâng cao kỹ năng tư vấn và đánh giá RECP chuyên sâu cho các cán bộ tư vấn về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng của các sở, ban ngành và các trường đại học. Sau khóa tập huấn, các cán bộ tham gia sẽ trở thành nguồn chuyên gia có thể đảm nhận những nhiệm vụ liên quan đến thực hiện chương trình RECP tại địa phương.

    Về phần mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, UBND tỉnh/thành phố và Ban Quản lý các KCN địa phương đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi các KCN thành KCN sinh thái. Mong rằng các chuyên gia được tập huấn sẽ trở thành những cánh tay nối dài hỗ trợ các chương trình chuyển đổi này tại địa phương.

    Theo đó, trong 2 ngày, các học viên đã được tiếp cận với các kỹ thuật RECP và các ví dụ trong thực tiễn; các kỹ năng đánh giá năng lượng; nguyên liệu; năng lượng nhiệt; kỹ năng đánh giá nước; quản lý hóa chất; chất thải; quan trắc.

    Kết thúc khóa học, tất cả các học viên đều cho điểm 8-10/10 cho các chuyên đề do các cán bộ kỹ thuật của VNCPC hướng dẫn.

    Trao chứng nhận cho học viên sau khi kết thúc khóa đào tạo.

    Theo vncpc.org (10/9/2018)

    Vi phạm an toàn thực phẩm bị phạt tới 200 triệu đồng

    0

    Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định mức phạt tiền tối đa áp dụng với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức.

    Nghị định này quy định mức phạt cụ thể đối với từng hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm gồm: 1- Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; 2- Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; 3- Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu và vi phạm quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp thực phẩm; 4- Vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn.

    Trong đó, Nghị định quy định phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi:

    – Sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm;

    – Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

    – Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa hoặc nhiễm một trong các kim loại nặng, chất độc hại vượt giới hạn cho phép;

    – Sử dụng phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

    – Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

    – Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 50.000.000 đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;…

    Mức phạt tiền trên áp dụng đối với cá nhân.

    Theo chinhphu.vn

    Đồ chơi có mùi thơm nguy hiểm khôn lường

    0

    Đồ chơi trẻ em đang được bày bán tràn lan trên thị trường, tuy nhiên, việc lựa chọn đồ chơi như thế nào để đảm bảo an toàn cho trẻ luôn là câu hỏi lớn được các bậc làm cha mẹ quan tâm.

    Đồ chơi là món quà không thể thiếu của trẻ em, việc chọn đồ chơi sao cho an toàn là nỗi băn khoăn của nhiều phụ huynh bởi đồ chơi kém chất lượng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe trẻ.

    Đồ chơi, đồ dùng có mùi thơm

    Bác sĩ Triệu Phi, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viên Nhi Bắc Kinh (Trung Quốc), khuyến nghị, các bậc cha mẹ không nên mua bất kỳ thứ đồ chơi hay đồ dùng nào có chứa mùi thơm. Nếu như đồ vật có mùi thơm quá đậm (nồng nặc), sẽ gây kích thích niêm mạc đường hô hấp của trẻ, tác động xấu lên mắt, có thể gây hắt xì, các triệu chứng sung huyết kết mạc.

    Khi trẻ vô tình bị mùi hương của dụng cụ đó tác động, chúng sẽ cảm thấy ngứa mũi, mắt và liên tục dụi vào đó, lâu ngày có thể gây chảy máu mũi, ảnh hưởng tới mắt, nóng khoang mũi và cản trở chức năng tạo ẩm của mũi, dẫn đến khô mũi, viêm mũi. Không những thế, ngửi mùi thơm nhân tạo lâu ngày, trẻ có thể bị kích ứng, gây bong tróc niêm mạc, chảy máu mũi, suy giảm khả năng nhanh nhạy của khứu giác (ngửi kém), tổn hại đến chức năng ngửi của trẻ.


    Những món đồ chơi có mùi thơm, màu sắc sặc sỡ gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Ảnh: Người lao động

    Đồ chơi có nhiều màu sắc sặc sỡ

    Mới đây, thông tin về vụ một cháu bé 5 tuổi đi cấp cứu vì bị ngộ độc chì trong các loại đồ chơi có màu sắc sặc sỡ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với các bậc làm cha, làm mẹ.

    Cụ thể, cứ cuối tuần, chị Phạm Thị Hoài (trú tại Thường Tín, Hà Nội) lại đưa con trai đi tô tượng, câu cá (nhựa), xúc cát, làm tranh cát… tại các khu vui chơi giải trí. Tuy nhiên, sau nhiều lần tiếp xúc với các trò chơi ấy, con trai chị có biểu hiện hay buồn nôn, mệt mỏi và đau bụng với các mức độ khác nhau.

    Vài ngày sau, cháu bé đột nhiên đau bụng dữ dội kèm theo khó thở, vợ chồng chị mới tá hỏa cho con đến viện cấp cứu. Tại đây, sau khi thăm khám và tìm hiểu thói quen của trẻ, các bác sĩ cho biết, con trai chị có dấu hiệu bị ngộ độc chì từ các loại đồ chơi chứa nhiều màu sắc sặc sỡ nhưng may mắn là ở thể nhẹ. Các bác sĩ cho biết, trong trường hợp để trẻ bị “ngấm” độc quá lâu, tình trạng ngộ độc sẽ rất phức tạp và nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhỏ.

    Đồ chơi, đồ dùng cá nhân bằng nhựa tái chế

    Một số đồ chơi có thể sử dụng nhựa tái chế, quy trình sản xuất các sản phẩm này thường phải thêm các chất hóa học làm dẻo, các chất này rất phổ biến và chúng có thể chứa chất phthalates – một chất độc hại cho sức khỏe. Nếu tiếp xúc quá mức với những chất này có thể làm tăng bài tiết hormone cơ thể ở trẻ em gái, dẫn đến hiện tượng dậy thì sớm, ảnh hưởng đến sự phát triển và an toàn của trẻ em (cả nam và nữ).

    Theo Hạnh Vũ/vietq.vn (8/9/2018)