Đồ chơi trẻ em đang được bày bán tràn lan trên thị trường, tuy nhiên, việc lựa chọn đồ chơi như thế nào để đảm bảo an toàn cho trẻ luôn là câu hỏi lớn được các bậc làm cha mẹ quan tâm.

Đồ chơi là món quà không thể thiếu của trẻ em, việc chọn đồ chơi sao cho an toàn là nỗi băn khoăn của nhiều phụ huynh bởi đồ chơi kém chất lượng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe trẻ.

Đồ chơi, đồ dùng có mùi thơm

Bác sĩ Triệu Phi, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viên Nhi Bắc Kinh (Trung Quốc), khuyến nghị, các bậc cha mẹ không nên mua bất kỳ thứ đồ chơi hay đồ dùng nào có chứa mùi thơm. Nếu như đồ vật có mùi thơm quá đậm (nồng nặc), sẽ gây kích thích niêm mạc đường hô hấp của trẻ, tác động xấu lên mắt, có thể gây hắt xì, các triệu chứng sung huyết kết mạc.

Khi trẻ vô tình bị mùi hương của dụng cụ đó tác động, chúng sẽ cảm thấy ngứa mũi, mắt và liên tục dụi vào đó, lâu ngày có thể gây chảy máu mũi, ảnh hưởng tới mắt, nóng khoang mũi và cản trở chức năng tạo ẩm của mũi, dẫn đến khô mũi, viêm mũi. Không những thế, ngửi mùi thơm nhân tạo lâu ngày, trẻ có thể bị kích ứng, gây bong tróc niêm mạc, chảy máu mũi, suy giảm khả năng nhanh nhạy của khứu giác (ngửi kém), tổn hại đến chức năng ngửi của trẻ.


Những món đồ chơi có mùi thơm, màu sắc sặc sỡ gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Ảnh: Người lao động

Đồ chơi có nhiều màu sắc sặc sỡ

Mới đây, thông tin về vụ một cháu bé 5 tuổi đi cấp cứu vì bị ngộ độc chì trong các loại đồ chơi có màu sắc sặc sỡ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với các bậc làm cha, làm mẹ.

Cụ thể, cứ cuối tuần, chị Phạm Thị Hoài (trú tại Thường Tín, Hà Nội) lại đưa con trai đi tô tượng, câu cá (nhựa), xúc cát, làm tranh cát… tại các khu vui chơi giải trí. Tuy nhiên, sau nhiều lần tiếp xúc với các trò chơi ấy, con trai chị có biểu hiện hay buồn nôn, mệt mỏi và đau bụng với các mức độ khác nhau.

Vài ngày sau, cháu bé đột nhiên đau bụng dữ dội kèm theo khó thở, vợ chồng chị mới tá hỏa cho con đến viện cấp cứu. Tại đây, sau khi thăm khám và tìm hiểu thói quen của trẻ, các bác sĩ cho biết, con trai chị có dấu hiệu bị ngộ độc chì từ các loại đồ chơi chứa nhiều màu sắc sặc sỡ nhưng may mắn là ở thể nhẹ. Các bác sĩ cho biết, trong trường hợp để trẻ bị “ngấm” độc quá lâu, tình trạng ngộ độc sẽ rất phức tạp và nguy hiểm đến tính mạng của trẻ nhỏ.

Đồ chơi, đồ dùng cá nhân bằng nhựa tái chế

Một số đồ chơi có thể sử dụng nhựa tái chế, quy trình sản xuất các sản phẩm này thường phải thêm các chất hóa học làm dẻo, các chất này rất phổ biến và chúng có thể chứa chất phthalates – một chất độc hại cho sức khỏe. Nếu tiếp xúc quá mức với những chất này có thể làm tăng bài tiết hormone cơ thể ở trẻ em gái, dẫn đến hiện tượng dậy thì sớm, ảnh hưởng đến sự phát triển và an toàn của trẻ em (cả nam và nữ).

Theo Hạnh Vũ/vietq.vn (8/9/2018)