25 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 16, 2024
More
    Home Blog Page 379

    Vì sao không được vứt pin đã qua sử dụng vào thùng rác?

    0

    Hầu hết gia đình nào cũng có khoảng chục thiết bị có sử dụng pin như điện thoại, đồng hồ, điều khiển từ xa, xe đạp điện… và số lượng các thiết bị này ngày càng có xu hướng tăng nhanh.

    Tuy nhiên hầu hết chúng ta đều không biết rằng pin và ắc-quy đã qua sử dụng không được phép bỏ vào thùng rác để hủy như các loại rác thông thường vì tính độc hại của chúng là rất cao.

    Các kim loại nặng trong pin là rất độc hại

    Nhiều người trong chúng ta vẫn cho rằng những cục pin sử dụng trong các thiết bị điện tử chỉ là vật dụng nhỏ bé vô hại. Thông thường, khi pin không còn giá trị sử dụng, chúng ta có thói quen vứt bừa bãi hoặc bỏ chúng vào thùng rác gia đình như các loại rác thải khác, để rồi người ta sẽ xử lý chúng bằng hai phương pháp: chôn lấp hoặc đốt.


    Việc đốt, phá hủy, chôn lấp, tiếp xúc trực tiếp, hay bỏ pin trong thùng rác bình thường đều được khuyến cáo là không phù hợp với tất cả các loại pin.

    Các viên pin thường có các kim loại nặng như chì, thủy ngân, kẽm, cadmium, lithium… Nếu chỉ được chôn lấp, các kim nặng này thấm vào đất và nguồn nước ngầm, gây ra ô nhiễm nguồn nước. Hoặc khi đốt, các thành phần nguy hại trong pin sẽ bốc lên thành khói độc, hay chất độc còn đọng lại trong tro sẽ gây ô nhiễm không khí.

    Lượng thủy ngân có trong một viên pin cũng có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1 mét khối đất trong 50 năm. Thủy ngân từ các nguồn ô nhiễm khi xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống hoặc hít thở, chúng có thể gây hại não, thận, hệ thống sinh sản và tim mạch…

    Một lượng nhỏ của chì cũng có thể gây hại cho cơ thể. Nó có xu hướng thay thế vị trí của tất cả các kim loại khác trong cơ thể người. Ví dụ chì sẽ chiếm chỗ của canxi trong xương, chiếm chỗ của kẽm và canxi trong các protein, chiếm chỗ của canxi trong các phản ứng truyền xung điện não, thay thế sắt trong máu…

    Tóm lại chì gây rối loạn hoặc ngưng các phản ứng sinh hóa diễn ra bình thường trong cơ thể. Nó gây còi xương, chậm lớn ở trẻ, huyết áp cao đối với người lớn, tổn hại máu và xương, gây chứng mất trí và giảm khả năng suy nghĩ, giảm sinh tinh, thậm chí là vô sinh, giảm chức năng của thận…

    Khi nhiễm độc kẽm, người bệnh thường nôn mửa nhiều và có thể bị chảy máu đường ruột. Tình trạng chung của cơ thể thường không ổn định, hay run rẩy, giảm mức phản xạ tự nhiên, đôi khi bị tê liệt.

    Khi Cadmium xâm nhiễm vào cơ thể người, nó sẽ là tác nhân dẫn đến nhiều loại bệnh như loãng xương, thiếu máu, suy gan thận, gây nhiều loại ung thư như ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, đối với phụ nữ có thai, nó làm tăng nguy cơ gây dị dạng cho thai nhi…


    Pin lithium-ion tuy không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhưng có nguy cơ cháy nổ cao, phải lưu ý khi vận chuyển.

    Cần nâng cao ý thức với việc loại bỏ pin sau khi sử dụng ở Việt Nam


    Tất cả các loại pin, ắc quy tại Anh đều phải dán để khuyến cáo người dùng về mức độ nguy hại của chúng.

    Việt Nam đã có các nghị định và quyết định của Chính phủ về viêc hướng dẫn quản lý, thu hồi, xử lý chất thải và phế liệu trong đó có pin và ắc quy đã qua sử dụng. Tuy nhiên, có lẽ do thiếu truyền thông và hướng dẫn, phần lớn người dân chưa có ý thức phân loại rác thải độc hại và pin tại nguồn.

    Hiện nay, các viên pin không còn giá trị sử dụng đều bị bỏ chung với rác thải sinh hoạt mà chưa ý thức được đây chính là một trong những hành vi gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

    Hầu hết các cơ quan xử lý rác và chất thải ở Việt nam cũng không có hướng dẫn hay truyền thông đến người dân cách phân loại, bảo quản, vận chuyển và xử lý các sản phẩm pin và ắc quy sau khi sử dụng cũng như không chỉ rõ nơi thu gom và xử lý các rác thải độc hại này.

    Đối với các nước phát triển, các nhà chức năng có quy định rất nghiêm ngặt về việc dán nhãn ghi rõ thành phần cấu tạo nên pin và ắc quy cũng như như cách phân loại, bảo quản, thu gom và tái chế sau khi sử dụng. Tuy nhiên, các nhà máy sản xuất pin ở Việt Nam hiện chưa thực hiện tốt việc này. Đây cũng là một điểm còn khiếm khuyết trong công tác quản lý và sản xuất loại sản phẩm này.


    Nước Anh có quy định rất nghiêm ngặt trong việc dán nhãn các sản phẩm ắc quy nước.


    Pin được sản xuất ở Việt Nam vẫn khá đơn giản trong việc dán nhãn khuyến nghị về cách loại bỏ sau khi sử dụng.

    Giải pháp tạm thời

    Trong khi chờ các cơ quan chức năng có hành động cụ thể trong việc hướng dẫn phân loại, bảo quản, vận chuyển và xử lý các sản phẩm pin và ắc quy đã qua sử dụng, có lẽ chúng ta cần thực tự mình tìm lấy giải pháp tạm thời.

    Bạn hãy kiếm một chiếc lọ thủy tinh sạch, bỏ các thỏi pin đã qua sử dụng vào lọ để đảm bảo chúng không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, lưu ý để lọ xa tầm với của trẻ em. Mỗi năm một lần, bạn hãy trực tiếp chuyển pin trong lọ cho công nhân thu gom rác thải sinh hoạt và thông báo rằng chúng là pin đã qua sử dụng để họ có cách xử lý theo đúng quy định.

    Đối với những bình ắc quy đã qua sử dụng, hãy tìm chỗ khô ráo, sạch sẽ và xa tầm tay trẻ em để bảo quản tạm thời, rồi ngay lập tức chuyển chúng trực tiếp kèm theo thông báo cho các công nhân thu gom rác thải sinh hoạt.

    Nếu ở Hà Nội hoặc TP. Hồ Chí Minh, bạn có thể trực tiếp chuyển pin và ắc quy đã qua sử dụng đến các địa điểm hoặc tổ chức có chương trình thu gom loại rác thải này.

    Thiết nghĩ, cùng với mức độ sử dụng các loại pin và ắc quy ngày càng gia tăng, việc nâng cao ý thức của nhà quản lý, đơn vị sản xuất và người tiêu dùng đồng thời có các hành động cụ thể và kịp thời đối với việc xử lý loại rác thải đặc biệt này là điều hết sức cần thiết hiện nay.

    Theo Trithucvn (19/11/2018)

    Đợt rét đậm, rét hại đầu tiên có thể đến vào khoảng nửa cuối tháng 12

    0

    Đợt không khí lạnh đi vào nước ta vào tối 18/11 sẽ ảnh hưởng đến khu vực vùng núi, gần sáng 19/11 sẽ tác động đến khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

    Ngày 18/11, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, đợt rét đậm, rét hại đầu tiên của mùa Đông 2018-2019 có thể xảy ra vào khoảng nửa cuối tháng 12/2018 (khoảng từ ngày 20 – 30/12) với nhiệt độ trung bình xuống dưới 15 độ C.


    Theo dự báo, đợt rét đậm, rét hại đầu tiên của mùa Đông năm nay có thể đến vào khoảng nửa cuối tháng 12.

    Đợt không khí lạnh đi vào nước ta vào tối 18/11 sẽ ảnh hưởng đến khu vực vùng núi, gần sáng 19/11 sẽ tác động đến khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, trong đêm 18, sáng 19/11, Bắc Bộ sẽ có mưa và nhiệt độ tại vùng núi và trung du sẽ giảm xuống còn khoảng 18 độ C, khu vực đồng bằng nhiệt độ giao động khoảng 20-21 độ C.

    Ngày 19/11, vùng trung du sẽ chuyển rét, đồng bằng Bắc Bộ sẽ chuyển lạnh. Khoảng ngày 21/11 đến 23, 24/11 sẽ có đợt không khí lạnh tăng cường nên nhiệt độ sẽ được duy trì ở mức thấp. Khu vực Bắc Bộ trời rét về đêm và sáng.

    Đây là đợt không khí lạnh đầu mùa nên chưa gây ra rét đậm, rét hại. Tuy nhiên, do có sự giao mùa về thời tiết nên người dân cần giữ gìn sức khoẻ (nhất là người già và trẻ nhỏ).

    Khả năng xuất hiện bão số 9

    Liên quan đến diễn biến của áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 8), ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho hay, sáng sớm 18/11, khi cơn bão số 8 cách bờ biển Ninh Thuận khoảng 160 km thì bắt đầu suy yếu.

    Theo dự báo mới nhất cho đến thời điểm này, áp thấp nhiệt đới đã gây gió mạnh trên biển khoảng cấp 6-7, giật cấp 9. Chiều và tối 18/11, áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào các tỉnh từ Bình Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu, khi đi vào có khả năng sẽ trở thành vùng áp thấp. Như vậy trên biển sẽ có gió cấp 6-7, giật cấp 9, trên đất liền có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.

    Áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn ở khu vực Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên. Đến chiều tối và đêm 18/11, mưa có thể mở rộng ra Nam Bộ, tuy nhiên lượng mưa không quá lớn (phổ biến khoảng từ 50-100 mm). Áp thấp nhiệt đới suy yếu đi vào Nam Bộ sẽ xuất hiện nguy cơ dông, lốc, vòi rồng là rất cao. Do vậy cần phải có biện pháp chủ động phòng tránh.

    Theo ông Trần Quang Năng, hiện nay có một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động ngoài khơi xa tại Philippines. Dự báo khoảng đêm 21 và rạng sáng 22/11, áp thấp nhiệt đới sẽ vượt qua đảo Palawan (Philippines) và đi vào phía Nam Biển Đông. Như vậy, khi áp thấp nhiệt đới đi vào có thể đạt cường độ cấp bão và không loại trừ sẽ xuất hiện cơn bão số 9 trên biển Đông (khả năng xuất hiện bão số 9 là cao), cường độ gió có thể đạt khoảng cấp 9-10.

    Đặc biệt, bão sẽ kết hợp với không khí lạnh mạnh được tăng cường vào ngày 21/11 nên diễn biến về cường độ cũng như quỹ đạo di chuyển của cơn bão số 9 sẽ diễn biến phức tạp. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia sẽ tiếp tục theo dõi và phát các bản tin dự báo, cảnh báo sớm để chính quyền và người dân có biện pháp phòng tránh.

    Theo ông Phùng Tiến Dũng, Trưởng phòng dự báo thuỷ văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8 nên có đợt mưa lớn tại Nam Bộ. Từ Khánh Hoà đến Bình Thuận khả năng sẽ xuất hiện một đợt lũ, mực nước trên các sông khu vực này lên đến mức báo động 1 đến báo động 2.

    Tuy nhiên, do mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn (lượng mưa dự báo khoảng 100-150 mm) nên tình trạng xảy ra lũ cục bộ, lũ quét và sạt lở đất có thể xảy ra trên các sông suối thuộc khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại vùng trũng thấp và đô thị các tỉnh trên. Người dân cần theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia và các đài khu vực trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng tránh.

    Theo tapchicongthuong.vn (18/11/2018)

    Các cơn bão xuất hiện với tần suất ngày một dày và nguy hiểm

    0

    Theo một nghiên cứu mới nhất, biến đổi khí hậu đang khiến cho lượng mưa trong các cơn bão tăng lên và cùng với sự ấm lên toàn cầu, các cơn bão cũng mang theo nhiều mưa và gió hơn.

    Nghiên cứu được thực hiện dựa trên các mô phỏng máy tính chỉ ra rằng tình trạng biến đổi khí hậu hiện đang tác động trực tiếp tới tần suất xảy ra các cơn bão cũng như lượng mưa và sức gió đi kèm.

    Tác giả chính của nghiên cứu Christina Patricola cho biết quá trình biến đổi khí hậu từ giai đoạn tiền cách mạng công nghiệp cho tới nay đã tác động, khiến lượng mưa trong các cơn bão tăng dần theo thời gian, từ 5-10%.

    Những mô phỏng của nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong tương lai, lượng mưa và sức gió trong các cơn bão sẽ tiếp tục tăng cho tới cuối thế kỷ này.


    Sóng lớn ngoài khơi bờ biển Yonabaru khi bão Trami đổ bộ tỉnh Okinawa, Nhật Bản ngày 29/9. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

    Công trình của nhóm chuyên gia tới từ Phòng Nghiên cứu quốc gia Lawrence Berkeley thuộc Bộ Năng lượng Mỹ bắt đầu từ việc phân tích ba cơn bão lớn tàn phá nước này là Katrina, Irma và Maria.

    Nhóm nghiên cứu đã mô phỏng hoàn cảnh mà mỗi cơn bão diễn ra, sau đó phân tích một cơn bão tương tự xảy ra trong điều kiện không có tác động của biến đổi khí hậu.

    Bằng việc so sánh sự khác nhau của hai mô hình, các chuyên gia có thể xác định được yếu tố nào là do biến đổi khí hậu gây ra. Họ phát hiện ra vào năm 2005, khi siêu bão Katrina tàn phá nhiều vùng của nước Mỹ, biến đổi khí hậu đã làm lượng mưa tăng từ 4-9%. Trong khi đó, lượng mưa trong bão Irma và bão Maria năm 2017 tăng lần lượt là 6% và tăng 9%.

    Các mô hình này cũng chỉ ra biến đổi khí hậu cho tới này không ảnh hưởng tới tốc độ gió, nhưng trong các cơn bão, chỉ số lượng mưa có ảnh hưởng hơn so với sức gió vì mưa lớn thường gây ra tình trạng lũ lụt chết người và tàn phá cơ sở hạ tầng trên diện rộng.

    Để có kết quả tổng quát hơn, các chuyên gia cũng mở rộng nghiên cứu và phân tích tổng cộng 15 cơn bão nhiệt đới tại Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và quanh Australia.

    Ngoài việc so sánh các cơn bão trên thực tế với các điều kiện thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp, các tác giả cũng đánh giá các cơn bão sẽ diễn ra thế nào với các kịch bản thay đổi khí hậu ở các mức tăng nhiệt khác nhau. Kết quả chỉ ra lượng mưa trong bão sẽ tăng từ 15-35% trong tương lai, còn sức gió sẽ tăng khoảng 25 hải lý/h.

    Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature ngày 15/11 sau khi Mỹ vừa trải qua một mùa bão lớn với nhiều cơn bão có sức tàn phá nặng nề.

    Theo VietnamPlus.vn (17/11/2018)

    Sử dụng chất cấm trong bảo quản đồ khô nguy hiểm như thế nào?

    0

    Hàn the và trichlorfon là những chất cấm nguy hiểm, tuyệt đối cấm sử dụng trong chế biến, bảo quản thực phẩm. Vậy mà mới đây, cơ quan chức năng tìm thấy những chất kể trên trong một số loại khô.

    Lời cảnh tỉnh

    Mới đây, theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Cà Mau, đơn vị vừa buộc một số chủ vựa khô (cơ sở bán cá khô) vi phạm tiêu hủy toàn bộ những sản phẩm khô không đạt chất lượng và “dính” chất cấm nguy hiểm cho sức khỏe con người.


    Thực phẩm khô đứng trước nguy cơ bị sử dụng chất bảo quản trái phép. (Ảnh minh hoạ)

    Kết quả kiểm nghiệm được Chi cục ATVSTP Cà Mau công bố, tại hai vựa khô trên đường Phan Bội Châu, phường 7, TP.Cà Mau có nhiều mẫu khô có chất cấm trichlorfon trên các mặt hàng khô cá mối, cá thòi lòi. Một số mặt hàng khác có hàn the.

    Đây không phải lần đầu tiên những trường hợp vi phạm như thế bị phát giác. Giữa tháng 11/2017, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Sở NN&PTNT), sau quá trình kiểm tra mẫu cá khô ở các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh đã phát hiện tình trạng nhiễm các chất cấm trong đó có Trichlorfon. Trong 3 mẫu cá đù phát hiện tồn dư chất Trichlorfon, có mẫu tồn dư Trichlorfon lên đến 5.88mg/kg (giới hạn cho phép là 0.01mg/kg).


    Công văn của Chi cục ATTP Cà Mau về việc phát hiện một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có sản phẩm không đạt chất lượng.

    Nguy cơ vô sinh, teo não

    TS Nguyễn Tuần, nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 (Bộ NN&PTNT) cho biết, trichlorfon và natri borat (hay vẫn gọi là hàn the) là chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

    Trichlorfon có độc tính thuộc nhóm độc II, có khả năng gây hại đến sức khỏe con người khi bị hấp thụ vào cơ thể, dẫn đến các triệu chứng xuất huyết, tức ngực, khó thở do co thắt ống phế quản. Trường hợp bị nặng có thể bất tỉnh, rối loạn thần kinh, nhịp tim bất thường hay có thể dẫn đến tử vong.

    Hàn the gây hại cho gan, thận gây rối loạn chức năng, yếu ớt, bất lực, rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc. Với da thì gây ban đỏ dẫn đến tróc vẩy, thậm chí còn làm teo tinh hoàn, vô sinh hoặc các tai biến hệ tiêu hóa đối với ai sử dụng nhiều.

    Các chất Trichlorfon, hàn the, P2O5 đều là các loại hóa chất không có tên trong danh mục phụ gia dùng trong thực phẩm của Bộ Y tế. Một số cơ sở chế biến khô do thiếu hiểu biết hoặc cố tình sử dụng các chất cấm này trong bảo quản nhằm tránh bị ruồi bám vào, ngăn kiến, dòi đục cá khô.

    Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh – Chuyên gia Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, mặc dù là chất cấm nhưng trichlorfon còn được dùng làm thuốc diệt côn trùng như gián, ruồi, rệp…

    Cũng theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, trong thực tế còn thấy chất Sorbitol thường được sử dụng trong chế biến cá khô để lớp da bên ngoài bắt mắt hơn, nhìn tươi ngon và mềm mại như cá vừa chế biến. Chất này cũng được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm nhưng với hàm lượng nhất định. Nếu hóa chất này vượt ngưỡng cho phép, người sử dụng có nguy cơ bị đau dạ dày, chảy máu trực tràng…

    Các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt mẫu cá khô nhiễm hoạt chất Trichlorfon – một hoạt chất có trong thuốc trừ sâu tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Sau khi truy xuất nguồn gốc những mẫu cá khô nhiễm hoạt chất Trichlorfon (chất có trong thuốc trừ sâu) để bảo quan cá khô, Thanh tra liên ngành tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở chế biến ở huyện Đất Đỏ và kết quả cũng không nằm ngoài dự đoán.

    Theo Thảo Quyên/vietq.vn (16/11/2018)

    Phát triển tai nghe lọc không khí

    0

    Hãng Dyson đang xem xét phát triển công cụ lọc không khí có thể đeo được, trông giống như một chiếc tai nghe bình thường. Hãng kỳ vọng đáp ứng nhu cầu của người dân tại nhiều thành phố đầy bụi bẩn ở châu Á.

    Bloomberg trích tài liệu tại Văn phòng Sở hữu trí tuệ Vương quốc Anh cho biết công ty Anh đã nộp bằng sáng chế cho sản phẩm “máy lọc không khí đeo được” trong năm nay. Món đồ công nghệ này cơ bản là một chiếc máy lọc, nhưng khả năng tai nghe có thể được thêm vào. Hiện dự án phát triển sản phẩm chưa được công khai.

    Máy lọc không khí đứng trên sàn là sản phẩm bán chạy ở châu Á. Thậm chí, nó có cả vài phiên bản đeo được quanh cổ. Một số mặt hàng có mặt trên Amazon.com.

    Nổi tiếng với máy hút bụi và máy sấy tóc, Dyson đang mở rộng thêm các dòng sản phẩm lọc không khí đứng trên sàn, vốn ngày càng phổ biến. Trong tháng 11, hãng ra mắt phiên bản mới nhất của dòng này là chiếc máy sưởi có quạt làm sạch không khí.

    Ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh.

    Dù vậy, thị trường tai nghe sẽ là bước nhảy vọt với Dyson, đưa hãng vào cùng phân khúc với AirPods của Apple, các sản phẩm của Beats và nhiều đồ công nghệ cao cấp khác từ thương hiệu Bose, Sennheiser.

    “Dyson không bao giờ bình luận về các công nghệ chúng tôi có hoặc không có phát triển”, phát ngôn viên hãng cho hay. Thực tế, công ty này nộp rất nhiều bằng sáng chế cho các sản phẩm có thể sẽ không bao giờ được sản xuất hàng loạt. Năm 2009, hãng nộp bằng sáng chế máy ép thủy lực (chạy bằng sức nước) song đến nay vẫn chưa ra mắt sản phẩm này.

    Dù vậy, tiềm năng tiếp thị tai nghe lọc không khí tại các thị trường như những thành phố đầy khói bụi ở Trung Quốc có thể là động lực để dự án lần này được phát triển. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định ô nhiễm là một trong ba vấn đề cấp bách nhất của chính phủ.

    Châu Á là khu vực giúp Dyson tăng trưởng nhanh chóng gần đây. Doanh thu hãng tăng 40% lên 3,5 tỉ bảng Anh, tương đương 4,6 tỉ USD, trong năm 2017, gần như tăng gấp đôi trong hai năm. Châu Á chiếm gần 3/4 tăng trưởng doanh thu của Dyson trong năm qua. Thượng Hải là nơi máy lọc không khí Dyson bán chạy nhất.

    Hãng công nghệ Anh cũng tiếp tục kế hoạch đầu tư 2 tỉ bảng Anh để bắt đầu phát triển ô tô điện. Doanh nghiệp hiện bận rộn biến một sân bay cũ thành nơi thử nghiệm phương tiện. Trong tháng 10, hãng công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Singapore.

    Theo thanhnien.vn (13/11/2015)

    CHANGE: Ra mắt bộ sản phẩm chứa 100% thành phần là các mảnh rác thải nhựa

    0

    Trong khuôn khổ chiến dịch iCHANGE Plastics, Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) vừa giới thiệu một bộ sản phẩm mới với tên gọi độc đáo “Gia vô vị” (The Tasteless Spice).

    Đây là một bộ gia vị mang tính hình tượng, không mùi, không vị, chứa 100% thành phần là các mảnh rác thải nhựa cắt nhỏ. Với hình ảnh chủ đạo là 4 chiếc lọ “Gia vô vị” bao gồm “Lá Take-away” làm từ ly nhựa, “Khoanh tráng miệng” làm từ ống hút nhựa, “Hạt đã khát” làm từ chai nhựa và “Vỏ Shopping” làm từ túi ni lông.

    Chiến dịch muốn nhấn mạnh sự hiện diện của các hạt vi nhựa trong chuỗi thức ăn hàng ngày của chúng ta thông qua sinh vật biển, đặc biệt là hải sản. Hệ quả của sự tiện lợi khi sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần tràn lan là chúng ta đang hấp thụ lại hạt vi nhựa (microplastics) – sản phẩm của sự phân huỷ nhựa từ lúc bị vứt đi qua chuỗi thức ăn hằng ngày. Theo thời gian, vi nhựa trở thành “thực phẩm” chính cho các loài sinh vật biển, trong đó có cả con người mà chúng ta không hề hay biết.

    Theo đó, Chiến dịch sẽ triển khai hàng loạt các hoạt động, bao gồm: Trưng bày bộ sản phẩm “Gia Vô Vị” tại một số siêu thị, nhà hàng và cửa hàng đối tác kèm theo các thông tin về chiến dịch; Tổ chức các hoạt động truyền thông trực tuyến tại website http://giavovi.com và trên các trang mạng xã hội; Ra mắt video clip hoạt họa “Nhựa phiêu lưu ký” giới thiệu về hành trình của vi nhựa và cho thấy mối nguy hiểm mà con người tạo ra từ chính thói quen sử dụng đồ nhựa tiện lợi mỗi ngày; Ra mắt video clip kêu gọi tham gia chiến dịch của các đại sứ thiện chí là diễn viên Diễm My 9X và nghệ sỹ Huỳnh Lập…

    Theo Bảo Bình/tapchimoitruong.vn

    Cảnh báo: Dùng điện thoại trong nhà vệ sinh có thể gây tử vong

    0

    Theo các nhà nghiên cứu Anh, nếu đi vệ sinh mang theo điện thoại sẽ có nguy cơ nhiễm vi trùng gây tiêu chảy, viêm đại tràng cao.

    Theo Fox News, nhiều người có thói quen mang điện thoại theo bên mình mọi lúc mọi nơi, kể cả vào nhà vệ sinh để đọc tin tức, giải trí, tán gẫu, lướt web, kiểm tra email hoặc xử lý công việc…

    Tiến sĩ Ron Cutler, Giám đốc Khoa học Y sinh tại Đại học Queen Mary London, Anh, cho biết đây là thói quen nguy hiểm đối với sức khỏe. “Bạn có nguy cơ bị nhiễm các loại vi trùng như salmonella, E.coli và C.difficile, có thể gây tiêu chảy, buồn nôn, viêm đường ruột, nhiễm trùng máu, suy thận, thậm chí dẫn đến tử vong”, ông Cutler nói.


    Dùng điện thoại trong nhà vệ sinh tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh đường ruột.

    Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy có 75% người mang điện thoại vào nhà vệ sinh, trong đó đến 74% mắc bệnh lý về hệ tiêu hóa và đường ruột, 1% bị chấn thương do một vài tình huống đặc biệt xảy ra. Lý do nhiễm khuẩn là khi bạn lau mình, không rửa tay, chạm cần gạt nước bồn cầu và tay nắm cửa rồi sau đó cầm vào chiếc điện thoại.

    Bác sĩ Anchita Karmakar khuyên mọi người không nên mang điện thoại vào nhà vệ sinh, đặc biệt là nhà vệ sinh công cộng. Ngoài ra, hãy cố gắng không sử dụng điện thoại khi ăn vì nhiều bệnh nhiễm trùng có thể lây truyền qua đường miệng.

    Thực tế, đã có một trường hợp bị liệt toàn thân vì thói quen đi vệ sinh mang theo điện thoại. Theo World Of Buzz, chàng trai 24 tuổi, sống ở thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) từng là một thanh niên khỏe mạnh không gặp vấn đề gì về sức khỏe. 3 năm trước, trong một lần đi vệ sinh, chàng trai mang theo chiếc smartphone vào để giết thời gian trong lúc giải quyết nỗi buồn.

    Khoảng 30 phút sau, không thấy chàng trai ra ngoài, các thành viên trong gia đình lo lắng bèn vào kiểm tra. Họ sốc khi thấy nam thanh niên nằm bất tỉnh giữa sàn nhà và lập tức đưa anh tới viện. Tuy nhiên, từ lúc tỉnh lại, anh bị liệt hoàn toàn.

    Bác sĩ giải thích do chàng trai ngồi một tư thế quá lâu, gây cản trở việc lưu thông máu trong cơ thể. Ngoài ra, không gian trong nhà vệ sinh bị chật hẹp quá khiến không khí tuần hoàn kém. Chính vì thế, khi bất ngờ đứng lên sau nửa tiếng ngồi một chỗ, nguy cơ thiếu hụt oxy lên não càng tăng cao.

    Ngoài ra, bác sĩ cũng cho hay việc không tập trung đi vệ sinh có thể dẫn tới tình trạng táo bón và khiến trực tràng phải làm việc nhiều hơn. Hơn nữa, tình trạng của chàng trai cũng có thể một phần do anh không thường xuyên tập thể dục.

    Theo An Dương/vietq.vn (15/11/2018)

    Hà Nội sẽ sản xuất diesel sinh học từ mỡ phế thải lò mổ

    0

    Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa khởi động dự án “Xây dựng mô hình xử lý môi trường các lò giết mổ và sản xuất diesel sinh học từ mỡ phế thải”.

    Hiện nay, trên địa bàn TP có 988 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, bao gồm các khu giết mổ tập trung và chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ phân bổ tại các khu dân cư. Trong đó, chỉ có 125 cơ sở được kiểm soát xử lý ô nhiễm.

    Tổng lượng thịt gia súc gia cẩm hàng ngày cung cấp từ các sở sở được kiểm soát đạt khoảng trên 400 tấn/ngày, đáp ứng khoảng 59% nhu cầu tiêu thụ thịt của TP.


    Mỡ bẩn và các chất thải từ các lò giết mổ gia súc, gia cầm gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh minh họa

    Theo thống kê của cơ quan chức năng, trung bình cứ 1000 kg thịt thì có 280kg đến 300kg chất thải thải ra môi trường. Chất thải tại các lò mổ trộn lẫn với rác thải sinh hoạt dẫn đến khó khăn trong việc thu gom xử lý chất thải lò mổ.

    Mỡ bẩn từ các lò mổ tư nhân được các tiểu thương thu gom và bán cho các xưởng chế biến mở bẩn sau đó thành sản phẩm và bán ra thị trường. Một số mỡ bẩn khu ngoại đô được chở đến nội đô tiêu thụ cho các nhà hàng quán ăn.

    Mỡ bẩn và các chất thải từ các lò giết mổ gia súc, gia cầm tràn lan ngoài thị trường đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, cần được kiểm soát, có biện pháp xử lý kịp thời.

    Dự án “Xây dựng mô hình xử lý môi trường các lò giết mổ và sản xuất diesel sinh học từ mỡ phế thải”thiết thực và có ý nghĩa, góp phần không nhỏ trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường của thành phố Hà Nội.

    Khi dự án được triển khai, sẽ tạo ra được một lượng lớn diesel sinh học làm nguyên liệu phục vụ cho các phương giao thông, đặc biệt là hệ thống xe bus của Thành phố, góp phần tiết kiệm nhiên liệu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

    Được biết, sản phẩm diesel sinh học từ mỡ phế thải động vật đã được sử dụng cho các tàu du lịch tại Hạ Long (Quảng Ninh) cho đến nay vẫn rất tốt và không có vấn đề gì xảy ra.

    Theo baotainguyenmoitruong.vn (14/11/2018)

    Hà Nội: Nhiều địa điểm chất lượng không khí đang ở mức rất kém

    0

    Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chất lượng không khí tại nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố có xu hướng giảm.

    Trong tuần, do sự chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn đã phần nào hạn chế sự khuếch tán các khí thải khói bụi lên tầng khí quyển cao hơn, mà bị giữ lại tại bề mặt đô thị khiến chỉ số không khí trong tuần luôn ở mức khá cao. Cụ thể, theo thống kê từ các trạm quan trắc trên địa bàn Hà Nội, chất lượng không khí (AQI) từ ngày 4/11/2018 đến ngày 10/11/2018 trên địa bàn TP.Hà Nội cho thấy đang có xu hướng giảm so với tuần trước đó.

    Theo đó, số ngày chất lượng không khí đạt mức tốt trong tuần tại các điểm quan trắc giảm xuống, số ngày chất lượng không khí chạm ngưỡng kém tại các trạm quan trắc giao thông tăng.

    Trong đó, chỉ số chất lượng không khí dao động trong khoảng từ 43 – 177. Trong đó, các trạm nền đô thị chất lượng không khí dao động trong khoảng 43 – 94, các trạm quan trắc giao thông chất lượng không khí dao động trong khoảng 75 – 177. Ở tỷ lệ này cho thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa các loại hình trạm quan trắc.


    Chất lượng không khí tại nhiều nơi ở Hà Nội có xu hướng giảm và xấu đi.

    Cụ thể, tại các điểm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai và Tây Mỗ, so với tuần trước thì trong tuần này chất lượng không khí ở mức trung bình là chủ yếu; số ngày chất lượng không khí đạt mức tốt giảm.

    Theo ghi nhận tại Kim Liên, Mỹ Đình, Tây Mỗ là các trạm có số ngày chất lượng khôn khí đạt mức tốt cao nhất chiếm 14,3%. Trạm Trung Yên 3 và Tân Mai 100% số ngày AQI ở mức trung bình.

    Tại 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, trong tuần này chất lượng không khí có xu hướng giảm xuống, thậm chí số ngày ở mức kém lần lượt tăng từ 57,1% (tuần trước đó) lên 71,4% và 28,6% lên 57,1%, còn lại ở mức trung bình. Riêng trạm Minh Khai trong tuần này chất lượng không khí chủ yếu ở mức kém. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại 2 trạm này khá cao, lần lượt là 177 và 164.

    Tại các điểm quan trắc giao thông nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công có diễn biến tương tự các trạm khác, chất lượng không khí cũng có xu hướng giảm.

    Cụ thể, tại trạm Hàng Đậu có 2 ngày AQI chạm ngưỡng kém (ngày 4/11 và 5/11) chiếm 28,6%, trạm Thành Công xuất hiện 1 ngày AQI chạm ngưỡng kém (ngày 4/11) chiếm 14,3% còn lại ở mức trung bình. Riêng trạm Hoàn Kiếm có 1 ngày AQI đạt tốt chiếm 14,3%, còn lại ở mức trung bình.

    Chỉ số chất lượng không khí (viết tắt là AQI) là chỉ số được tính toán từ các thông số quan trắc các chất ô nhiễm trong không khí, nhằm cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, được biểu diễn qua một thang điểm. Theo Quyết định 878/QĐ-TCMT ngày 01/07/2011 của Tổng cục Môi trường về việc ban hành sổ tay hướng dẫn tính toán AQI, tính toán dựa trên các thông số quan trắc là SO2, NO2, CO, PM10, PM2.5, O3. Trong đó sử dụng giá trị lớn nhất ứng với chỉ số chất lượng không khí của điểm quan trắc trong 24h làm chỉ số báo cáo.

    Theo An Dương/vietq.vn (12/11/2018)

    Phủ xanh công trình bằng rác thải

    0

    Công việc của nhóm là thu thập rác thải trong trường học và phân loại, dùng rác tái chế là nhựa các loại để ép thành từng miếng panel có kích thước khoảng 1m2 và ráp lại, đặt trên tường để vừa chống thấm vừa có thể trồng cây xanh.

    Đến từ phố núi Pleiku thoáng đãng của Tây Nguyên, Nguyễn Văn Thành – chàng sinh viên khoa Kỹ thuật đô thị của Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh cảm thấy ngột ngạt khi môi trường sống ở thành phố này rất thiếu mảng xanh, từ không gian học đường cho đến nơi công cộng.

    Trăn trở về vấn đề này, đến năm học thứ ba, khi học môn Tái chế rác thải, anh rất hứng thú với việc tìm ra giải pháp phủ xanh đô thị bằng cách sử dụng rác thải và bắt tay vào nghiên cứu với sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn.

    Nhóm BUCA (Nguyễn Văn Thành đứng thứ ba từ phải sang).

    Từ ý tưởng, Văn Thành lên kế hoạch thực hiện đề án theo hướng có tính thực tiễn cao. Để có đủ nhân sự thực hiện dự án “Tái sử dụng rác thải trong học đường để phủ xanh công trình”, anh đã vận động một số bạn học cùng trường thành lập nhóm BUCA gồm Văn Thành (trưởng nhóm), Đăng Khoa, Vũ Phùng, Yến Dương, Minh Đức, Quế Trâm, Nhật Anh, Anh Khoa và Đoàn Văn Hưng.

    Công việc của nhóm là thu thập rác thải trong trường học và phân loại, dùng rác tái chế là nhựa các loại để ép thành từng miếng panel có kích thước khoảng 1m2 và ráp lại, đặt trên tường để vừa chống thấm vừa có thể trồng cây xanh. Họ còn tận dụng rác thải để làm các mẫu chậu, thùng rác tiện dụng cho việc phân loại rác.

    “Công việc tốn thời gian và khó khăn nhất là việc phân loại rác tại nguồn và làm việc với các công ty sản xuất nhựa để thuyết phục họ hợp tác công đoạn ép rác. May mắn là nhóm đã được sự giúp đỡ từ nhiều người nên đến nay, mọi việc tiến hành khá suôn sẻ” – Văn Thành vui mừng chia sẻ. Ước tính, mảng tường xanh hoàn chỉnh có giá khá rẻ, từ 300-400 ngàn/m2 và được bảo hành từ ba đến năm năm.

    Dự án này đã giành được nhiều giải thưởng của các cuộc thi ý tưởng “Sáng tạo trẻ”, “Tiết kiệm năng lượng” và mới nhất là giải thưởng của Hội đồng Anh cho những sáng tạo vì môi trường, trị giá 100 triệu đồng.

    Văn Thành cho biết nhóm đang dùng khoản tiền thưởng này để triển khai thí điểm dự án phủ xanh chính ngôi trường mà các bạn đang theo học, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào tháng 9/2012.

    Sau các trường học, nhóm sẽ tiếp tục đưa tường xanh đến những công trình công cộng như trạm chờ xe bus, bệnh viện, quán cà phê, kế đó là nhà dân.

    “Tham dự các cuộc thi chỉ là cách để chúng tôi có điều kiện học hỏi, hoàn thiện cho dự án và may mắn có được giải thưởng càng tạo thêm cho chúng tôi động lực để tiếp tục kế hoạch của mình. Tôi tin rằng dự án này sẽ góp phần tích cực giải quyết được tình trạng thiếu không gian xanh cho thành phố, tăng vẻ mỹ quan mà chi phí thấp, rất kinh tế nên rất mong nhận được sự quan tâm, hợp tác của nhiều người” – Văn Thành nói.

    Các nhà khoa học đã tính toán và kết luận rằng nếu phủ xanh được 20% diện tích đô thị thì sẽ giảm được nhiệt độ từ 1 – 2oC và lượng CO2 trong không khí cũng giảm đáng kể, rồi giảm sử dụng máy điều hòa sẽ tiết kiệm được điện năng.

    Dự án của nhóm BUCA có ưu điểm là tiết kiệm diện tích đất đô thị vì tận dụng những mảng tường của công trình. Nhìn xa hơn, nếu có nhiều con đường được phủ xanh theo phương pháp của nhóm BUCA thì sẽ hình thành được nhiều con phố đi bộ xanh mát.

    Theo moitruong.com.vn (13/11/2018)