24 C
Hanoi
Thứ ba, Tháng mười một 19, 2024
More
    Home Blog Page 366

    Vải thông minh biết giữ ấm, làm mát tùy người mặc

    Các sợi vải có thể tự động thay đổi kích thước để giúp thoát nhiệt hoặc giữ nhiệt tùy theo cơ thể con người.

    Mặc nhiều lớp áo khác nhau là giải pháp dễ dàng giúp bạn có thể thay đổi cơ thể. Nếu thời tiết quá nóng, bạn chỉ cần bỏ bớt chúng ra và ngược lại. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ trường Đại học Maryland đã tạo ra một loại vải đặc biệt có thể tự động thay đổi để phù hợp với thời tiết và cơ thể người.

    Theo Science, loại vải này được tạo thành từ các sợi bọc kim loại và có khả năng thay đổi để làm mát hoặc giữ ấm cho cơ thể người.

    Khi tiếp xúc với mồ hôi, các sợi vải sẽ thu nhỏ lại. Điều này cho phép tạo ra khoảng trống giữa các sợi vải giúp cơ thể thoát nhiệt tốt hơn, đồng thời làm mát cho da. Ngược lại, khi thời tiết lạnh và khô, sợi vải sẽ nở to ra, thu hẹp khoảng cách giữa chúng và giúp hạn chế việc thoát nhiệt, giữ ấm cơ thể.

    “Cơ thể con người là một bộ tản nhiệt hoàn hảo. Nó có thể thoát nhiệt rất nhanh. Trước đây, cách duy nhất để thay đổi nhiệt độ cơ thể là cởi bỏ hoặc mặc thêm quần áo. Tuy nhiên, loại vải mới này sẽ có vai trò như một bộ điều hòa hai chiều thực sự”, Min Ouyang, một nhà nghiên cứu cho biết.

    Hiện tại, loại vải này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, nó hứa hẹn sẽ mở ra tương lai mới cho quần áo khi có thể tự động điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với cơ thể người.

    Theo Zing.vn (11/2/2019)

    Giải cứu thế giới, biến nhựa thành xăng dầu siêu nhanh

    0

    Các nhà nghiên cứu của trường Đại học Purdue cho biết, công trình nghiên cứu của họ chủ yếu tập trung vào việc điều chế polypropylen-một loại nhựa thường được sử dụng rộng rãi trong sản xuất đồ chơi, thiết bị y tế và các loại bao bì sản phẩm, thành nhiên liệu cho các phương tiện giao thông hiện nay.

    Hành tinh của chúng ta đang phải đối mặt với rác thải nhựa. Theo thống kê của Liên hợp quốc, mỗi năm có khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa được đổ ra các bãi rác và môi trường, trong đó có tới 8 triệu tấn rác thải nhựa trôi dạt ra các đại dương, ảnh hưởng rất lớn tới môi trường và sức khỏe nhân loại.

    Không ít các giải pháp đã được triển khai nhằm hạn chế hành vi xả thải rác nhựa, trong đó có cả việc tẩy chay với túi nilon, hay sử sụng máy bay không người lái để phát hiện các dòng sông trên thế giới bị ứ tắc bởi rác thải nhựa. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ Đại học Purdue (Mỹ) lại có ý tưởng khác: Họ muốn biến nó thành nhiên liệu động cơ.

    Nước siêu tới hạn – chìa khóa của thành công

    Các nhà nghiên cứu của trường Đại học Purdue cho biết, công trình nghiên cứu của họ chủ yếu tập trung vào việc điều chế polypropylen-một loại nhựa thường được sử dụng rộng rãi trong sản xuất đồ chơi, thiết bị y tế và các loại bao bì sản phẩm, thành nhiên liệu cho các phương tiện giao thông hiện nay.

    Xăng và dầu thành phẩm sau khi tái chế từ nhựa​.

    Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chất thải polypropylen hiện chỉ chiếm chưa đến 25% trong số khoảng 5 tỷ tấn nhựa ước tính đã tích đọng lại trên Trái đất trong vòng 50 năm qua chưa được phân hủy.

    Điều quan trọng nhất để các nhà khoa học Đại học Purdue điều chế polypropylen thành xăng nhiên liệu là họ cần sử dụng đến nước siêu tới hạn – một loại nước chỉ thu được khi ở nhiệt độ và áp suất cao để tái chế nhựa. Giáo sư Linda Vương cho biết thêm, các đồng nghiệp của bà phải đun nước nóng ở nhiệt độ sôi từ 716 đến 932 độ C, áp suất lớn khoảng 2.300 lần so với so với áp suất khí quyển ở mực nước biển.

    Khi chất thải polypropylen tinh chế được thêm vào nước siêu tới hạn, nó được chuyển thành nhiên liệu trong vòng chỉ vài tiếng đồng hồ, tùy thuộc vào nhiệt độ. Ví dụ, ở nhiệt độ 850 độ F, thì thời gian chuyển đổi nhựa thành xăng chỉ trong vòng 1 giờ.

    Sản phẩm thu được cuối cùng của quá trình này chính là xăng và dầu giống như dầu diesel, hoặc có thể là khí đốt và nước, đáp ứng được khoảng 4% nhu cầu xăng nhiên liệu như hiện nay trên toàn thế giới. Ngoài ra, một số tạp chất trong quá trình điều chế chất thải nhựa thành xăng sẽ được các nhà nghiên cứu xử lý thành nước phục vụ cho tưới tiêu. Do đó, cả quá trình chiết xuất, điều chế, và xử lý đều nằm trong cùng một quy trình hoàn toàn khép kín nên rất an toàn đối với môi trường.

    Giải cứu thế giới

    “Xử lý chất thải nhựa, dù được tái chế hay vứt đi, điều đó hoàn toàn không đồng nghĩa với việc kết thúc của một câu chuyện, một vấn đề mà cả hành tinh chúng ta đang quan tâm”, ông Linda Vương, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết. Bởi theo đó, nhựa phân hủy rất chậm và giải phóng các chất dẻo và hóa chất độc hại vào đất và nước.

    Đây chính là thảm họa đối với môi trường, bởi vì khi các chất độc hại đã bị thôi ra ngoài môi trường thì không bao giờ chúng được thu hồi lại. Do đó, các nhà khoa học khuyến cáo người dân, thay vì vứt rác, thu gom và chờ nhựa phân hủy, quy trình chuyển đổi mới này giúp nhựa được sử dụng vào mục đích có lợi hơn rất nhiều.

    Ý tưởng về tái chế chất thải nhựa thành xăng của các nhà khoa học Đại học Purdue trong tương lai có thể làm bước đi đầu tiên, là bàn đạp cho ngành công nghiệp tái chế rác thải phát triển hơn nữa. “Việc kinh doanh từ quá trình phân hủy, xử lý chất thải nhựa cũng thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế nên cần nhanh chóng áp dụng giải pháp này”, ông Vương cho biết thêm.

    Hiện tại, công trình nghiên cứu của Giáo sư Linda Vương đã nhận được bằng sáng chế khoa học thông qua Văn phòng Thương mại công nghệ của Quỹ Nghiên cứu Đại học Purdue. Nhóm các nhà khoa học này đang rất cẩn trọng trong việc áp dụng sáng chế mới này trong sản xuất quy mô lớn. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, đây có thể là bước đi đầu của ngành công nghiệp tái chế trong tương lai của nhân loại.

    Theo Antd.vn (18/2/2019)

    90% rác biến thành điện, 10% trở thành đảo du lịch

    Singapore đã làm gì với 90% rác thải của quốc gia? Sau đây là cách hệ thống vận hành bên trong mỗi nhà máy đốt rác ở Singapore.

    Cùng với việc dân số tăng và biến đổi khí hậu, vấn đề rác thải là một bài toán khó trên toàn cầu. Từ những đất nước trăm triệu dân đến các hòn đảo xa xôi đang oằn mình gánh rác giữa đại dương , từ sâu thẳm dưới đáy biển hay nơi hẻo lánh băng giá như 2 cực của Trái Đất, đâu đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh những núi rác khổng lồ.


    Ảnh: NatGeo

    Trong lúc vấn đề đối phó với rác thải ngày càng được quan tâm như thế, các nhà môi trường lại nhắc đến những “điểm sáng” hiếm hoi như Thụy Điển, Hàn Quốc, Nhật Bản… với hệ thống xử lý rác tuyệt vời . Trong số đó, còn nổi bật một quốc đảo nhỏ bé nhưng suốt mấy chục năm giữ danh xưng là “đất nước sạch sẽ hàng đầu thế giới”, được Reuters báo cáo là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có lời giải khá trọn vẹn cho bài toán rác thải. Không ai khác, đó chính là Singapore.

    Trước tiên, có thể khẳng định Singapore không phải tự nhiên mà sạch. Với diện tích khoảng 772 km2 nhưng dân số hơn 5,8 triệu người, quốc đảo sư tư vẫn đau đầu vì vấn đề rác thải. Tính riêng trong năm 2017, Singapore sản sinh ra 8.443 tấn rác thải rắn MỖI NGÀY, tương đương khối lượng của 5.600 chiếc ô tô. Mọi thứ còn nghiêm trọng hơn quay về thời điểm những năm 1960, khi giới chức tuyên bố đất nước sắp hết chỗ… đổ rác.


    Có thể khó tin nhưng đây là một hình ảnh phổ biến ở Singapore khoảng nửa thế kỷ trước.

    Nhưng đến năm 1979, Singapore đã tìm ra giải pháp. Họ xây dựng nhà máy đốt rác đầu tiên, gia nhập nhóm quốc gia tiên phong về “Waste to Energy” (WTE) – quy trình biến rác thải thành năng lượng.

    Đến nay là tròn 40 năm nhà máy đốt rác đầu tiên ở Singapore đi vào hoạt động. Họ còn có thêm 3 nhà máy như vậy, chịu trách nhiệm xử lý 90% rác thải của đất nước, biến nó thành năng lượng điện. Đây thật sự là một quy trình kín kẽ, hiệu quả cao mà cả thế giới đều muốn học hỏi.


    Một nhà máy đốt rác ở Singapore (Ảnh: JDC)

    “Trash to Ash”: Khi 90% rác thải ở Singapore hóa thành điện và tro

    Họ đã làm gì với 90% rác thải của quốc gia? Sau đây là cách hệ thống vận hành bên trong mỗi nhà máy đốt rác ở Singapore.

    Đầu tiên, xe tải mang rác (đã cân khối lượng) đến nhà máy. Toàn bộ rác được dồn vào hầm chứa đặc biệt, được thiết kế để ngăn mùi hôi thối bốc ra.

    Kế đó, máy nghiền sẽ xoay tròn để làm vỡ vụn rác thải cứng rồi đưa vào lò đốt.

    Nhiệt từ quá trình đốt sản sinh hơi, giúp đẩy máy phát turbine và tạo ra điện. Khói từ quá trình này sẽ được lọc kỹ để loại bỏ các chất gây hại trước khi xả ra ngoài.

    Như đã nói, hiện tại Singapore có 4 nhà máy điện từ rác thải. Mỗi nhà máy đốt được hơn 1.000 tấn rác mỗi ngày, “hấp thụ” khoảng 90% rác của quốc gia và biến nó thành điện, quay về phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Tuy vậy, công suất này vẫn chưa đủ. Có 1.000 tấn rác (bao gồm rác thải kim loại/nhựa, rác không đốt được) và còn 1.000 tấn tro vẫn “trơ lỳ” ra đó.

    Điều này dẫn đến một biện pháp xử lý độc đáo khác của Singapore dành cho 10% số rác thải cứng đầu còn lại! Con số 10% nghe có vẻ ít nhưng là điểm mấu chốt trong quy trình xử lý rác hoàn chỉnh.

    Semakau – hòn đảo du lịch được làm ra từ rác, chính xác là 10% rác của Singapore

    Khi nhắc đến bãi tập kích rác, bạn sẽ nghĩ đến hình ảnh nào? Dưới đây lần lượt là “núi rác” ở Ấn Độ và Trung Quốc:

    Và đây là tại Singapore:

    Ai cũng nhìn thấy sự khác biệt rõ rệt, thậm chí là bất thường tại nơi tập trung rác của Singapore so với hầu hết phần còn lại của thế giới. Trên thực tế, đây là “đảo rác” nhân tạo đầu tiên trên toàn cầu, vô cùng độc đáo và khó thực hiện.

    Bạn còn nhớ chúng ta nhắc đến Singapore xây dựng nhà máy đốt rác vào năm 1979? Đến 20 năm sau thì đảo rác Semakau hình thành, là nơi “yên nghỉ” của các thể loại rác và tro tàn không thể tái chế, không thể đốt tiếp được.

    Để tạo ra Semakau, chính phủ vào năm 1995 cho di dân 2 hòn đảo Pulau Semakau và Pulau Sakeng vào đất liền. Với khoảng trống không xa lắm giữa 2 đảo này, họ xây dựng một bờ kè bằng đá, cát, đất sét, chất chống thấm và chống rỉ.

    Kế đến, phần biển trong bờ kè được phân thành nhiều ô nhỏ. Rác thải và tro từ nhà máy điện được tàu chở đến đây, đổ vào hết ô này đến ô khác, hết năm này đến năm khác… Dần dần, nó tạo thành một hòn đảo nhân tạo rộng 3,5 km2 và có thể chứa 63 tỷ mét khối rác.

     

    Sau khi đổ tro vào những ô trống được chuẩn bị sẵn, người ta còn lấp đất lên. Mục đích nhằm “mời gọi” các loài côn trùng và chim chóc đến làm màu mỡ cho đất. Ý tưởng này tỏ ra thành công ngoài mong đợi: Semakau ngày nay là điểm quan sát chim nổi tiếng bậc nhất của Singapore.

    Hòn đảo này không có “mùi rác” đặc trưng. Dưới đáy biển, rạn san hô vẫn sống. Trên 2 đảo tự nhiên cạnh bên, động vật hoang dã vẫn tồn tại và khu rừng vẫn rất xanh. Semakau còn được nhiều du khách đến tham quan và các cặp đôi chọn làm điểm chụp ảnh cưới.

    Thế nhưng, vấn đề 10% rác thải của Singapore vẫn chưa được giải quyết triệt để. Sức chứa của đảo nhân tạo Semakau cũng có hạn mà thôi (63 tỷ mét khối nếu bạn còn nhớ), những ô trống đã dần lấp đầy. Dự kiến đến 2035, Semakau sẽ đạt đến giới hạn chịu đựng của nó.

    Xử lý rác hoàn hảo như Singapore, tương lai vẫn còn nhiều nỗi lo

    Lướt qua quy trình xử lý rác của Singapore, mọi thứ có vẻ “khớp” vào nhau, từng bước đều được tính toán kĩ lưỡng. Điều đó đúng, nhưng phải trả giá bằng hàng tỉ đô-la kèm theo sự nghiêm khắc đến từng chi tiết để đảm bảo khí độc hại, nước thải, mùi hôi… không tràn ra môi trường và tàn phá sự sống xung quanh, khiến tình hình còn tồi tệ hơn.

    Chính quyền vẫn đang nỗ lực nâng cấp hệ thống xử lý rác vốn đã rất phức tạp. Trong khi đó, phần “đáy” của đảo rác nhân tạo Semakau cũng được nghiên cứu để xử lý một lần nữa.Nhìn về khu trung tâm Singapore từ bãi tập trung rác duy nhất – Semakau (Ảnh: Reuters)

    Một hướng đi khác quan trọng hơn của Singpore, lại là một chuyện “biết rồi, nói mãi” nhưng không thể tránh né được. Đó là cần giảm rác thải ngay từ đầu. Điều này giúp giảm sức ép cho hệ thống xử lý rác và nhất là cho đảo Semakau.

    Singapore bấy lâu nay hướng đến một quốc gia “zero waste” (không còn rác thải mà mọi thứ đều được tái chế) nhưng đến giờ kế hoạch vẫn chưa thực hiện được. Hiện Singapore chỉ tái chế được ít hơn 60% lượng rác mà thôi, theo Strait Times.


    Rác thải nhựa khó tái chế là thứ đang hạn chế viễn cảnh “zero waste” của Singapore (Ảnh: Reuters)

    Có thể trong thời gian tới, giới chức sẽ đưa ra các biện pháp chế tài nghiêm khắc hơn nữa, ví dụ như cấm sử dụng vật dụng khó tái chế như ly nhựa, ống hút nhựa… Đất nước này vốn đã nổi tiếng về quy định xử phạt nghiêm đối với các hành vi xả rác bừa bãi, dự đoán sẽ còn ban hành các điều luật về môi trường khắt khe hơn nữa, chung quy cũng vì ước mơ “zero waste”.

    Dù sao, việc thay đổi lối sống của mỗi người dân, khiến họ giảm đến mức thấp nhất việc “lãng phí rác” (tức là vứt đi đồ còn dùng được hoặc còn tái chế được) là chuyện không hề dễ dàng. Năm 2035, Semakau sẽ không còn chỗ chứa rác, đồng nghĩa Singapore còn khoảng 17 năm để nghĩ cách xử lý tối ưu hơn “vòng đời của rác” trên quy mô toàn quốc gia, cũng như làm sao để mỗi người dân tiệm cận lối sống “zero waste”.


    Bên trong 1 nhà máy đốt rác của Singapore (Ảnh: Reuters)

    Còn chúng ta thì sao? Giống như hòn đảo Semakau xanh – sạch – đẹp của Singapore thì các vùng đất trên thế giới, hay nói rộng là cả Trái Đất cũng chỉ có thể “gồng gánh” được một lượng rác nhất định mà thôi.

    Đã đến lúc chúng ta phải nghiêm khắc hơn với lượng rác thải ra mỗi ngày của bản thân mình, bởi ngay cả một hệ thống xử lý rác hoàn hảo như của Singapore (hay của bất kì nước nào) cũng không thể làm thay vấn đề trách nhiệm và ý thức của mỗi người.

    Theo GenK.vn (17/2/2019)

    Cách xem cảnh báo ô nhiễm không khí trên smartphone

    Nếu không có thời gian xem mức độ ô nhiễm không khí trên website, bạn có thể tải một trong số các ứng dụng dưới đây về điện thoại để xem bất kỳ lúc nào và có biện pháp đối phó phù hợp.

    1. Air Quality | AirVisual: Tải về cho Android

    2. Air Matters: Tải về cho iPhone

    3. Air Quality Index BreezoMeter: Tải về cho Android và iPhone

    4. Air Quality: Real time AQI: Tải về cho Android

    5. Air Quality Index Near Me: Tải về cho Android

    6. AirNow: Tải về cho Android

    Người dân nên theo dõi chất lượng không khí qua các trạm đo trên cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội (tại đây) hoặc mạng quan trắc của Tổng cục Môi trường (tại đây). Bản đồ sẽ cho chúng ta biết chỉ số AQI của từng khu vực cụ thể cùng thông tin chi tiết.

    Theo đó, giá trị AQI từ 0-50 là Tốt, không ảnh hưởng đến sức khỏe; từ 51-100 là Trung bình, nhóm nhạy cảm nên hạn chế thời gian ở ngoài; từ 101-200 là Kém, nhóm nhạy cảm cần hạn chế thời gian ở ngoài; 201-300 là Xấu, nhóm nhạy cảm tránh ra ngoài, những người khác hạn chế ở ngoài; từ 301: Nguy hại, mọi người nên ở trong nhà. Nhóm nhạy cảm bao gồm trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp.

    Theo Zing.vn (18/2/2019)

    Mỹ phát triển lá nhân tạo giúp chống biến đổi khí hậu

    0

    Các nhà khoa học Mỹ đã cải tiến lá nhân tạo trên cơ sở công nghệ truyền thống giống như lá thực vật, có khả năng đồng hóa carbon dioxide trực tiếp từ không khí và biến carbon dioxide thành nhiên liệu hiệu quả cao hơn gấp 10 lần so với các hệ thống tự nhiên, có thể góp phần giảm nồng độ CO2 trong không khí, giúp ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.

    Theo tạp chí ACS Sustainable Chemistry & Engineering, các nhà khoa học Mỹ lần đầu tiên tạo ra được một hệ thống quang hợp nhân tạo có thể sử dụng trực tiếp carbon dioxide từ không khí, thay vì ở dạng lỏng. Thành tựu mang lại hy vọng cho việc nhanh chóng áp dụng vào thực tế.

    Lá nhân tạo là hệ thống được các nhà khoa học thiết kế để thực hiện các quá trình tương tự như quang hợp tự nhiên. Kết quả là cũng giống như ở thực vật, lá nhân tạo thu đươc hydrocarbon và oxy từ ​​nước và carbon dioxide bằng cách sử dụng năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả chỉ được thực hiện trong điều kiện phòng thí nghiệm, vì các giải pháp đều thiết kế để sử dụng carbon dioxide tinh khiết từ các bình chứa dưới áp suất.

    Sơ đồ minh họa hệ thống quang hợp nhân tạo – Ảnh : Meenesh Singh

    Nhiều nhà nghiên cứu hy vọng rằng việc sử dụng rộng rãi công nghệ này trong tương lai có thể góp phần giảm nồng độ CO2 trong không khí, giúp ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.

    Trong công trình nghiên cứu mới, các nhà khoa học ở Đại học Illinois (Mỹ) đã đề xuất cải tiến lá nhân tạo sao cho giống như lá thực vật, có khả năng đồng hóa carbon dioxide trực tiếp từ không khí và biến carbon dioxide thành nhiên liệu hiệu quả cao hơn gấp 10 lần so với các hệ thống tự nhiên.

    Các nhà khoa học đã đưa hệ thống quang hợp nhân tạo vào một thùng nhựa đặc dụng trong suốt chứa đầy nước bảo đám khả năng nước bốc hơi khi bị nung nóng bởi ánh sáng và khi đi qua màng có thể tóm bắt có chọn lọc carbon dioxide từ không khí.

    Nhà nghiên cứu Meenesh Singh giải thích rằng sau khi bao quanh chiếc lá nhân tạo trên cơ sở công nghệ truyền thống bằng lớp màng đặc biệt, toàn bộ hệ thống đã sẵn sàng hoạt động ngoài trời như lá tự nhiên.

    Khi phát triển ý tưởng, các nhà khoa học chỉ sử dụng các vật liệu và công nghệ sẵn có, khi kết hợp lại, chúng cho phép hình thành lá nhân tạo có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí nhà kính trong khí quyển.

    Theo tính toán của các nhà khoa học, 360 lá được tạo ra bằng công nghệ mới với kích thước lá 1,7m x 0,2m sẽ cho phép thu được khoảng 500kg carbon monoxide – cơ sở để sản xuất nhiên liệu tổng hợp. Một ngày, số lượng lá như vậy được đặt trên diện tích 500m2 sẽ làm giảm 10% nồng độ carbon dioxide trong vòng bán kính 100m từ các vị trí đặt lá nhân tạo.

    Theo Motthegioi.vn (15/2/2019)

    Thời trang và cái giá phải trả của môi trường

    Ngành công nghiệp thời trang là một trong những ngành công nghiệp sinh lời hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho tốc độ phát triển chóng vánh của ngành công nghiệp tỉ đô này chính là khoản chi phí môi trường khổng lồ.

    Từ một đời người, một đời áo

    Tỉ phú Jack Ma từng nói: “Bà tôi chỉ có một cái áo. Mẹ tôi có ba. Thế hệ con gái tôi có 50 cái trong tủ và một nửa trong số đấy chúng không bao giờ mặc”.

    Câu nói của Jack Ma đã đánh giá cực kỳ chính xác về xu thế của Ngành công nghiệpthời trang ngày nay và sự chuyển biến của ngành này.


    Thời trang của những năm tháng xa xưa. Ảnh: dieusinh.

    Tờ BBC cho biết, khoảng 70 năm về trước, thông thường các hàng thời trang toàn cầu phải mất đến năm hoặc tám tháng, thậm chí là hơn một năm mới cho ra mắt một loại sản phẩm mới. Bên cạnh đó, phần lớn những sản phẩm hàng hiệu của những công ty thời trang hàng đầu khi đó đều có chất lượng cực kì tốt và có tuổi đời sử dụng ít nhất là năm năm.

    Tuy vậy, đi đôi với chất lượng là cái giá cực đắt. Nhiều người phải mất một, thậm chí là hai hoặc ba tháng lương mới có thể mua nổi một cái quần jeans chính hãng hiệu Hermes hay một chiếc túi xách hiệu Gucci. Phần lớn người tiêu dùng vào thời đó không sắm nhiều quần áo hay phụ kiện thời trang mà chỉ dùng đi dùng lại những món đồ đã mua. Thậm chí, có trường hợp nhiều gia đình “truyền nhau” từ ba đời một chiếc áo khoác cũ để mặc vào mùa đông.

    Điều này đã góp phần tạo nên vòng tuần hoàn quần áo cực kì ổn định. Trong vòng tuần hoàn này, số lượng quần áo dư ít hơn nhiều so với lượng người tiêu dùng. Quần áo dư thừa hầu hết đều đã rất cũ và khi được bỏ ra, những món đồ này được đưa đến tay người nghèo và được tiếp tục tái sử dụng trong vài năm tiếp theo.

    Vào thời kì 70 năm trước, quần áo dư là một khái niệm vẫn còn xa lạ và ngành thời trang nằm trong số những ngành công nghiệp ít gây ô nhiễm nhất trên thế giới.

    Đến một đời người, một “rừng” áo

    Mọi chuyện chỉ thay đổi kể từ khi xu thế thời trang nhanh xuất hiện vào những năm 1960. Sau đó, sự ra đời của hãng thời trang nhanh Zara ra đời cùng những “đàn em” kế cận của nó như H&M, Mango và Bershka đã làm thay đổi mãi mãi bộ mặt của ngành công nghiệp thời trang.


    Những bộ cánh thời trang đắt tiền này có lẽ chỉ được mặc một vài lần. Ảnh: The Times.

    Dựa trên thông tin từ tờ Southchinamorningpost, nhờ vào nguồn lao động giá rẻ tại châu Á và sự ra đời của những loại vật liệu bền, ít tốn chi phí, hầu hết sản phẩm thuộc xu hướng thời trang nhanh đều có giá khá rẻ, hợp túi tiền người tiêu dùng từ mọi tầng lớp. Không chỉ thay đổi mẫu mã, sản phẩm liên tục, những hãng này cứ một tháng sẽ cho ra mắt sản phẩm mới và thường hạn chế số lượng, tạo cảm giác hàng “độc”, không mua sẽ hết.

    Chính những điều này đã khiến cho hàng tỉ người trên thế giới hằng tháng, thậm chí hàng tuần sẵn sàng móc hầu bao lùng mua những chiếc áo, chiếc quần hàng hiệu mà cả đời họ chẳng bao giờ thèm mặc mà chỉ nhằm bắt kịp xu thế thời trang trên thế giới, để khỏi bị “tụt hậu” so với bạn bè.

    Và cái giá phải trả của môi trường…

    Giống như Jack Ma đã nói, họ sẵn sàng mua 50 chiếc áo trong tủ nhưng chỉ mặc một nửa trong số đó. Kết cục là những chiếc áo, chiếc quần chỉ được mặc một hoặc hai lần đó sẽ bị chính người tiêu dùng đào thải, được đưa ra bãi rác để có chỗ cho những món đồ thời trang mới toanh khác trong tủ quần áo của họ.


    Rác thời trang- cái giá môi trường phải trả không hề rẻ. Ảnh: DW.

    Số lượng quần áo được sản xuất ra quá nhiều cộng với xu hướng thời trang thay đổi liên tục đã phá vỡ vòng tuần hoàn quần áo và tạo ra lượng đồ dư thừa khổng lồ. Đó là chưa kể hàng tấn những lô hàng tồn kho từ các hãng thời trang.

    Theo như trang Edgexpo, chỉ trong năm 2018, đã có hơn 500 triệu tấn áo quần, phụ kiện thời trang được thải ra và chỉ 30% trong số đó được tái chế. Điều đó đồng nghĩa với việc 70% số lượng quần áo dư thừa sẽ được chôn trong bãi rác công cộng hoặc đi vào lò thiêu rác.

    Tuy nhiên, rác thải thời trang vốn không dễ tiêu hủy. Tờ báo uy tín của Mỹ Huffingtonpost đã chỉ ra rằng, tất cả những món đồ thời trang trước khi ra lò đều phải trải qua giai đoạn ngâm, tẩy rửa, nhuộm bằng vô số các loại hóa chất.

    Khi được đem chôn, những hóa chất độc hại trong quần áo và phụ kiện thời trang vẫn tồn tại rất lâu và ngấm vào trong đất, thậm chí là cả nguồn nước. Ngay cả khi được đem đi đốt, những chất độc này vẫn không bị tiêu hủy hoàn toàn mà lẩn vào trong không khí.

    Với tổng số doanh thu toàn cầu hơn 2,5 nghìn tỉ USD/năm, thời trang là ngành có quy mô rất lớn và tiếp tục phát triển như vũ bão. Tuy nhiên, ngoài cái giá “khủng” mà những người tiêu dùng “sành điệu” phải trả, cái giá của môi trường chung của nhân loại phải trả có thể còn đắt hơn nhiều…

    Theo Motthegioi.vn (13/2/2019)

    Nguy cơ ngộ độc từ thức ăn lâu ngày

    Theo báo cáo tổng hợp của Bộ Y tế, trong kỳ nghỉ Tết vừa qua đã có hơn 3.700 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa. Số các trường hợp khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn và rối loạn tiêu hóa chiếm 1% trong tổng số khám, cấp cứu.

    Tích trữ thực phẩm chưa đúng cách

    Trong số những ca khám nêu trên, có gần 900 trường hợp được xác định là ngộ độc/say rượu, bia. Có hơn 800 trường hợp ngộ độc thức ăn tự chế biến (tăng 23%) so với năm trước.

    Đặc biệt, có 2 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử). So với cùng kỳ của Tết Mậu Tuất, số ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn/rối loạn tiêu hóa giảm 14%, số ca ngộ độc rượu, bia giảm 19%, tuy nhiên số ca ngộ độc thức ăn tự chế biến tăng 19%.

    Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, thông thường nhiều người thường có thói quen sử dụng thức ăn được tích trữ từ trước Tết; thức ăn để chung các loại sống -chín trong tủ lạnh… không đảm bảo vệ sinh, làm gia tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ.

    Theo ông Lâm Quốc Hùng- Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), do đặc thù thời tiết dịp Tết nắng nóng, độ ẩm cao khiến các loại hạt hướng dương, lạc, đậu hay bánh chưng rất dễ bị nấm mốc, sinh ra độc tố aflatoxin, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

    Tuy nhiên, nhiều người hay có thói quen rửa nấm mốc, rồi lại sử dụng. Thậm chí, nhiều gia đình vẫn cắt phần đầu bánh chưng bị nấm mốc, rồi rán ăn bình thường. Nhìn bên ngoài tưởng ổn nhưng có thể độc tố đã ngấm sâu vào thực phẩm, tiềm ẩn nhiều hệ luỵ khó lường.

    BS Trần Quốc Khánh – BV Hữu nghị Việt Đức cho hay, thời điểm trong và sau Tết, có rất nhiều bệnh nhân nhập viện do rối loạn tiêu hóa mà nguyên nhân chính thường là do các gia đình có thói quen tích trữ thực phẩm để dùng trong mấy ngày Tết.

    Phần lớn các thực phẩm tồn dư đều là những thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao như: Bánh chưng, bánh tét, giò chả… trong khi thời tiết có nhiều thay đổi, là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi. Thậm chí, nhiều người khi thấy giò chả bị nhớt bên ngoài vẫn còn mùi thơm đặc trưng nên vẫn cố ăn dẫn đến ngộ độc. Trường hợp ngộ độc nhẹ thì đau bụng, nặng thì tiêu chảy.

    Không nên ăn cố vì tiếc của

    Theo các chuyên gia y tế, để phòng chống ngộ độc thực phẩm sau Tết, người dân cần mạnh dạn loại bỏ các thực phẩm nghi ngờ ôi thiu, nhất là những thực phẩm đã chế biến sẵn như giò chả, thịt đông, những đồ chứa nhiều gia vị, đồ ăn nấu đi nấu lại nhiều lần…

    Bà Hoàng Thị Minh Thu- Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội lưu ý, trước khi bảo quản thực phẩm cần lau dọn tủ lạnh sạch sẽ bằng nước ấm pha giấm. Với thực phẩm tươi sống cần được làm sạch và bảo quản ở ngăn đá để có thể giữ được lâu ngày.

    Đối với thức ăn nấu chín cần để nguội rồi đậy kín, cất vào tủ lạnh. Riêng đối với rau, sau khi bỏ lá sâu, lá nát, cắt bỏ phần rễ, thì rửa sạch cho vào túi, buộc kín, xếp vào ngăn tủ mát. Trái cây cũng nên rửa sạch, để ráo, sau đó cho vào túi, buộc kín trước khi đưa vào tủ lạnh.

    Với bánh chưng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người dân không nên vì tiếc của mà cố ăn những chiếc bánh đã bị mốc, kể cả khi loại bỏ những phần mốc của bánh, nhưng phần còn lại của bánh chưng cũng không an toàn đối với người sử dụng.

    Ngoài ra, khi bảo quản thực phẩm không nên để thức ăn sống quá lâu trong tủ lạnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc để thức ăn trong tủ lạnh quá lâu, đặc biệt là thức ăn chín sẽ làm biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe người dùng…

    Theo Đaidoanket.vn (15/2/2019)

    Các loài vi khuẩn có thể tái chế rác thải điện tử

    0

    Các loài vi sinh vật có thể giúp chúng ta tái chế kim loại quý từ rác thải điện tử.

    Rác thải điện tử đang gia tăng với tốc độ chóng mặt trên phạm vi toàn cầu. Theo báo cáo mới đây trong tháng 1 vừa qua của Diễn đàn kinh tế thế giới: “Có đến gần 50 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm – xấp xỉ bằng tổng khối lượng của tất cả tàu bay trên toàn thế giới đã từng được sản xuất, nhưng chỉ có 20% trong số đó được đem đi tái chế”.

    Báo cáo cũng chỉ ra rằng nếu không có bất kỳ biện pháp lâu dài nào được áp dụng thì chỉ đến năm 2050, số lượng rác thải điện tử sẽ đạt con số 120 triệu tấn, và đáng nói hơn là loại rác thải này vô cùng có hại cho sức khỏe và môi trường.

    Đối diện với thực tế này, các nhà khoa học luôn cố gắng tìm cách giải quyết. Kết quả mà họ đạt được vô cùng bất ngờ: Họ đã tìm thấy một vài chủng vi khuẩn có khả năng tái chế kim loại như vàng, bạc, Paladi, đồng và nhôm.

    Giải thích một cách ngắn gọn thì các nhà khoa học đưa vi khuẩn và chất thải điện tử vào chung trong một dung môi và sau một lúc, điều “vi diệu” sẽ xảy ra.

    Trong một bài viết đăng trên trang AIP Conference Proceedings vào năm 2017, các nhà nghiên cứu Singapore cho thấy loài vi khuẩn Chromobacterium violaceum có khả năng tái chế vàng có trong rác thải điện tử nhờ vào một loại enzyme đặc biệt có thể phân hủy các hợp chất. Kết quả của phản ứng này tạo ra muối vàng xyanua, và sau đó chỉ cần tách xyanua ra khỏi vàng.

    Để tăng tốc độ phản ứng, một nhóm nghiên cứu của trường Đại học Quốc gia Singapore đã tạo ra hai chủng vi khuẩn có khả năng tái chế được nhiều vàng hơn. Chủng tốt nhất có hiệu suất tái chế đạt 30% số vàng, trong khi chủng vi khuẩn tự nhiên chỉ có thể chiết xuất được 11,3%.

    Trên thực tế, tỉ lệ tái chế này là chưa cao khi so với phương pháp khác có thể tái chế toàn bộ số vàng, ví dụ như cách nung chảy rác thải điện tử. Thế nhưng phương pháp sử dụng vi khuẩn để tái chế vàng từ rác thải điện tử được xem là phương pháp thân thiện với môi trường hơn và hiệu suất tái chế này có thể cải thiện được.

    Các chủng vi khuẩn khác có tên đầy tính khoa học như Delftia acidovorans, Gluconobacter oxydans hay Cupriavidus metallidurans cũng có thể giúp giải phóng số kim loại quý có trong các thiết bị điện tử.

    Tuy nhiên trong bài báo đăng trên tạp chí khoa học PNSA, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng vi khuẩn chỉ có thể hỗ trợ quá trình tái chế rác thải điện tử, không thể thay thế được các phương pháp tái chế khác.

    Theo Tapchicongthuong.vn (14/2/2019)

    7 vật liệu xây dựng xanh triển vọng thay đổi hoàn toàn thế giới

    Hiện nay với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thì bê tông không còn là loại vật liệu duy nhất nữa. Sau đây chúng tôi sẽ mách bạn 7 vật liệu xây dựng xanh triển vọng thay đổi hoàn toàn thế giới.

    GrassCrete – Bê tông thực vật

    Loại vật liệu xây dựng xanh đầu tiên có triển vọng thay đổi thế giới đó chính là bê tông thực vật. Đây là phương pháp để tạo nên nền nhà, vỉa hè, những lối đi bộ, đường ô tô theo các kiểu khác nhau để cho những hệ thực vật, các loại cỏ phát triển. Ngoài việc sẽ giúp giảm đi bê tông thì việc sử dụng bê tông thực vật cũng giúp cải thiện thoát nước và hấp thụ nước mưa hiệu quả.

    Đất nện

    Đất nện là loại vật liệu tự nhiên nhất dưới chân của chúng tôi. Những bức tường bằng đất nện được nén chặt trong những khuôn gỗ sẽ được thay thế cho bê tông. Công nghệ sử dụng đất nện đã được nhiều người dùng trong nhiều năm. Ưu điểm là loại vật liệu này là sẽ rất bền. Để tạo độ vững chắc cho những ngôi nhà sử dụng loại vật liệu này thì người ra sẽ dùng những máy nén giúp nén đất với lõi tre hoặc cốt thép.

    HempCrete – Loại vật liệu được làm từ cây gai dầu

    Loại vật liệu này được làm từ những sợi gai dầu. Nhằm tạo ra những vật liệu giống với bê tông nhưng cứng và nhẹ thì người ta đã trộn những sợi cây gai dầu và vôi. Ưu điểm của loại vật liệu này là có khả năng linh hoạt, cách nhiệt một cách tự nhiên, siêu nhẹ nhưng nhược điểm của chúng lại thiếu ổn định về cấu trúc.

    Tre

    Tre cũng là loại vật liệu xanh có triển vọng sẽ thay đổi hoàn toàn thế giới. Qua hàng nghìn năm qua thì loại vật liệu truyền thống này đã trở nên quen thuộc với nhiều người trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay, tre là một loại vật liệu xây dựng thực sự đem đến nhiều hứa hẹn cho các tòa nhà. Tre có những ưu điểm như có trọng lượng nhẹ, độ bền cao cũng như khả năng tái tạo một cách nhanh chóng. Loại vật liệu này được dùng thay cho bê tông để làm khung tòa nhà nhất là ở những vùng có giao thông khó khăn.

    Nhựa tái chế

    Một loại vật liệu xanh có triển vọng thay đổi thế giới đó chính là nhựa tái chế. Loại vật liệu này ra đời nhằm thay cho việc chiết xuất, khai thác những thành phần mới. Những nhà nghiên cứu cũng đang chế tạo ra bê tông có thành phần là rác và nhựa tái chế. Với phương pháp này sẽ giúp giảm đi lượng khí thải trong nhà kính.


    Nhựa tái chế cũng là loại vật liệu có triển vọng thay đổi thế giới.

    Mycelium – vật liệu từ sợi nấm

    Loại vật liệu này được coi là vật liệu xây dựng trong tương lai. Cấu trúc của loại vật liệu này từ tự nhiên được tạo ra bởi cấu trúc gốc của sợi nấm. Nấm sẽ được trồng xung quanh hỗ hợp những vật liệu tự nhiên như rơm rạ sau đó sẽ được làm khô giúp tạo nên những viên gạch bền, nhẹ hoặc có hình thù khác.

    Ferrock – bê tông từ bụi thép

    Loại vật liệu này là Ferrock được coi là bê tông từ bụi thép. Đây cũng là vật liệu mới được nghiên cứu và dùng sản phẩm được tái chế để tạo nên vật liệu xây dựng có cấu trúc tương tự bê tông. Loại vật liệu này có khi còn bền vững hơn cả bê tông. Ngoài ra, loại vật liệu này cũng giúp hấp thụ CO2 khi làm cứng và khô. Bê tông từ bụi thép sẽ rất thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, loại vật liệu này cũng được đánh giá cao khi tái sử dụng phế thải của những ngành sản xuất khác như thủy tinh và thép.

    Trên đây là những vật liệu xây dựng xanh có triển vọng thay đổi hoàn toàn thế giới. Hi vọng đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích.

    Thep Baophapluat.vn (13/2/2109)

    Có thể tạo ra xăng bằng không khí

    0

    Công ty năng lượng sạch Carbon Engineering của Canada đã hợp tác với các nhà khoa học của đại học Harvard (Mỹ) khám phá ra cách chiết xuất một loại nhiên liệu carbon trung tính bằng cách thu giữ carbon dioxide từ không khí và biến nó thành xăng tổng hợp.

    Quá trình này được gọi là Air to Fuels (A2F). Nguồn nhiên liệu này hứa hẹn sẽ không có khí thải nhà kính và lượng khí thải carbon bằng không.

    Nói một cách đơn giản là chiết xuất carbon dioxide (CO2) từ không khí, đưa nó qua các quá trình hóa học và tạo ra nhiên liệu hydrocarbon lỏng (Hydrocarbon là các hợp chất hữu cơ chỉ bao gồm hydro và carbon. Dầu và xăng là ví dụ của nhiên liệu hydrocarbon lỏng). Quá trình A2F tạo ra một phiên bản tổng hợp của nhiên liệu hydrocarbon lỏng.

    Không khí có thể tạo ra xăng trong tương lai.

    Các nhà nghiên cứu của Carbon Engineering sử dụng một thứ gọi là Công nghệ hút khí trực tiếp (DAC), hoạt động giống như các pin năng lượng mặt trời mới cho phép phân tách nước thành nhiên liệu hydro. Các nhà máy tái chế CO2 trích xuất CO2 từ không khí bằng cách sử dụng một tổ hợp khổng lồ của những cánh quạt, rồi kết hợp CO2 với hydrogen lỏng được tách ra từ nước.

    Tiếp theo, quá trình kết hợp CO2 với hydro sử dụng công nghệ độc quyền của công ty và nhiên liệu lỏng carbon trung tính như xăng hoặc diesel được sinh ra. Điều này nghĩa là người dùng không phải sửa đổi động cơ xe hiện tại của mình để sử dụng loại xăng tổng hợp này. Ngoài ra, CO2 có thể biến thành thể rắn lưu trữ để sử dụng dần.

    Việc hút không khí trực tiếp rất quan trọng bởi vì những phát hiện gần đây cho thấy gần như chúng ta không thể ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 1,5 độ C nếu không ứng dụng một số dạng công nghệ mới trên quy mô lớn.


    Tổ hợp khổng lồ của những cánh quạt dùng để trích xuất CO2 từ không khí.

    Tuy nhiên, có một vấn đề lớn với nhiên liệu thay thế của Carbon Engineering, cũng là thách thức của bất cứ phát minh nào về nguồn năng lượng mới, đó là chi phí sản xuất. Trong một bản báo cáo đánh giá năng lực sản xuất, công ty này đã chia sẻ rằng quy trình tổng hợp cho một tấn carbon dioxide sẽ mất khoảng 94 – 232 USD trong khi nguồn năng lượng hóa thạch chỉ vào khoảng 20 USD/thùng dầu thô, rẻ hơn rất nhiều so với công nghệ mới.

    Công ty tuyên bố rằng trong tương lai họ có thể sản xuất nhiên liệu tổng hợp với giá khoảng 1 USD/lít khi quy mô sản xuất tăng lên. Họ cũng đang làm việc để giảm chi phí bằng cách sử dụng các quy trình và công nghệ công nghiệp có sẵn thay vì chế tạo lại.

    Công ty Carbon Engineering thuộc sở hữu của nhiều nhà đầu tư tư nhân, trong đó có tỷ phú Bill Gates. Hiện tại, công nghệ này đang có được sự quan tâm đặc biệt của các ông lớn trong ngành khai thác dầu như tập đoàn Chevron và tập đoàn dầu khí Occidental.

    Geoff Holmes, Giám đốc phát triển kinh doanh tại Carbon Engineering chia sẻ: A2F (Air to Fuels) hoàn toàn khả thi vì nó cần đất và nước ít hơn 100 lần so với nhiên liệu sinh học, và có thể được thu nhỏ và đặt ở bất cứ đâu. Nhưng để phổ biến thì sẽ phải giảm chi phí xuống ít hơn so với chi phí khai thác dầu hiện nay, và có thể sẽ khó khăn hơn khi vận động các nước tin và chuyển sang sử dụng loại nhiên liệu mới này.

    Theo Vietnamnet.vn (14/2/2019)