27 C
Hanoi
Thứ ba, Tháng mười một 19, 2024
More
    Home Blog Page 359

    Việt Nam sẽ dùng kỹ thuật hạt nhân truy nguồn gốc chất ô nhiễm

    0

    Các nghiên cứu kỹ thuật hạt nhân và đồng vị được sử dụng vào đánh giá nguồn nước, truy xuất nguồn gốc chất ô nhiễm, xử lý môi trường.

    Sáng 4/4, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã khánh thành Trung tâm Hợp tác IAEA-VINATOM về nước và môi trường. Đây là trung tâm đầu tiên tại Việt Nam và là trung tâm thứ ba IAEA hợp tác thành lập tại khu vực châu Á.


    Bà Najat Mokhtar (Phó Tổng Giám đốc IAEA) và Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cắt băng khánh thành trung tâm. Ảnh: BN.

    TS Trần Chí Thành, Viện trưởng VINATOM cho biết, trung tâm được thành lập nhằm thúc đẩy kết quả nghiên cứu ứng dụng dựa trên cơ sở nghiên cứu năng lực và nhu cầu thực tế của Việt Nam. Sau khi thành lập IAEA sẽ hỗ trợ, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi nghiên cứu thúc đẩy ứng dụng nhiều hơn.

    Trước mắt Trung tâm sẽ tập trung vào lĩnh vực môi trường và nước – hai lĩnh vực IAEA nhận thấy Việt Nam có nhiều vấn đề môi trường cần được xử lý vì là quốc gia đang phát triển và chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Các kỹ thuật về hạt nhân và đồng vị tại IAEA sẽ được ứng dụng để đánh giá nguồn nước, truy xuất nguồn gốc chất ô nhiễm, xử lý môi trường.

    Ô nhiễm bụi ở Việt Nam đang ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Ảnh: Lê Hiếu.

    Trung tâm sẽ là đầu mối trao đổi khoa học, hợp tác nghiên cứu, nâng cao năng lực về con người, thiết bị giữa VINATOM và IAEA. Hai bên sẽ cùng nhau nghiên cứu, tổ chức lớp học, hội nghị, hội thảo, tài trợ cho các hoạt động xúc tiến ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân, đồng vị trong nghiên cứu nước và môi trường tại Việt Nam và cho cả khu vực Đông Nam Á.

    Trong năm 2019, trung tâm sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực thông qua các chương trình hợp tác đào tạo và đồng tài trợ với IAEA. Theo đó sẽ nâng cấp, sửa chữa và bổ sung trang thiết bị nghiên cứu hiện đại, hiện chưa phổ biến ở Việt Nam trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc.

    TS Trần Chí Thành kỳ vọng trong bối cảnh môi trường không khí và nước của Việt Nam ô nhiễm như hiện nay, các chuyên gia IAEA và Việt Nam sẽ ứng dụng các kỹ thuật mới để đánh giá, hỗ trợ tìm giải pháp phù hợp.

    The VnExpress.net (4/4/2019)

    Điện mặt trời áp mái: Giảm áp lực cho nguồn cung điện

    0

    Trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về nguồn điện cung ứng, việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời, trong đó có điện mặt trời áp mái (ÐMTAM), được xem là một trong những giải pháp giảm áp lực hiệu quả.

    Tiềm năng lớn

    Tại Việt Nam, ÐMTAM được cho là có nhiều tiềm năng để khai thác hiệu quả. Cụ thể, về điều kiện tự nhiên, cường độ bức xạ đo được tại khu vực miền Nam và các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ lên tới 1.600 kWh/m2/năm. Báo cáo đánh giá kỹ thuật tiềm năng năng lượng mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2017 cho thấy, chỉ tính riêng tiềm năng ÐMT trên địa bàn TP HCM đã tới khoảng 6.300MW. Hà Nội có số giờ nắng trung bình khoảng 1.466,1 giờ/năm thuộc khu vực có cường độ bức xạ mặt trời trung bình từ 3,3-4,1 kWh/m2/ngày. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cứ 1 kWh ÐMT tiết kiệm sẽ giảm phát thải vào môi trường 0,6612kg CO2.

    Phát triển ÐMTAM đem lại lợi ích cho cả Nhà nước và người sử dụng điện. Ðó là có thêm nguồn năng lượng sạch với sản lượng khá cao (nếu được khuyến khích đầu tư), giảm tối đa nguồn vốn ngân sách đầu tư vào các công trình nguồn phát và lưới truyền tải điện. Tại nhiều nước, đây là một ngành công nghiệp phát triển tạo ra việc làm và thu nhập cho nhiều người. Theo ước tính, chỉ cần khoảng 2 triệu nóc nhà tại Việt Nam lắp đặt ÐMTAM với công suất 10 kW/mái nhà sẽ giúp giảm khoảng 16 triệu tấn than/năm dùng cho nhiệt điện than.

    Hệ thống pin mặt trời lắp mái tại Trường THPT Chuyên Lê Khiết, TP Quảng Ngãi

    Giáo sư Trần Ðình Long – Phó chủ tịch Hội Ðiện lực Việt Nam – dẫn chứng: Nếu chỉ tính vào khung giờ buổi sáng, lượng ÐMTAM huy động được từ các nhà công cộng có thể đạt 25-30% lượng điện năng tiêu thụ, nếu tính thêm cả các giờ buổi trưa, cao điểm nắng thì lượng điện huy động có thể lên tới 60-65%, như vậy sẽ giảm được lượng điện phải trả với giá cao của các doanh nghiệp (DN), nhà công cộng.

    Ông Trần Hồng Kỳ – cán bộ nghiên cứu về năng lượng của WB cho rằng, khoảng 30% mái nhà ở TP HCM và Ðà Nẵng có khả năng lắp đặt ÐMTAM hiệu quả cao.

    Với mục tiêu phát triển ÐMT, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ÐMT tại Việt Nam. Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án ÐMT và Thông tư số 05/2019/TT-BCT (có hiệu lực từ ngày 25/4/2019) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2017/TT-BCT để tháo gỡ vướng mắc cho ÐMTAM.

    Theo EVN, giai đoạn 2021-2025 có nhiều khả năng thiếu điện tại miền Nam, mức thiếu hụt từ 3,7 tỉ kWh năm 2021 tăng lên gần 10 tỉ kWh năm 2022, khoảng 12 tỉ kWh năm 2023.

    Nhiều cản ngại

    Phó trưởng ban Kinh doanh của EVN Trần Viết Nguyên cho biết, năm 2018, trụ sở các cơ quan, DN thuộc EVN đã triển khai 54 vị trí lắp ÐMTAM với công suất 3,2MWp. Có khoảng 1.800 khách hàng (công sở, DN, hộ gia đình) lắp đặt ÐMTAM với công suất 30,12MWp, điện năng phát lên lưới đạt 3,97 triệu kWh. Lãnh đạo Tổng công ty Ðiện lực TP HCM (EVN HCMC) cho biết, tình hình triển khai ÐMTAM tại TP HCM đang rất hiệu quả. EVN HCMC đã lắp đặt các hệ thống ÐMTAM với công suất gần 1.130 kWp và đang tiếp tục triển khai các hệ thống với công suất 2.658kWp.

    Tuy nhiên, Tổng giám đốc EVN Trần Ðình Nhân đánh giá, con số đó còn quá nhỏ bé so với tiềm năng phát triển ÐMT tại Việt Nam, nguyên nhân do Việt Nam còn thiếu quy định thanh toán tiền bán điện của khách hàng khi đấu nối lên lưới điện. Công tác tuyên truyền, quảng bá về ÐMTAM còn hạn chế. EVN và các DN điện lực chưa thể ký hợp đồng mua bán điện với khách hàng do chưa có hướng dẫn chính thức về cách thức thanh quyết toán tiền điện. Các khách hàng còn e ngại trong đầu tư do thiếu thông tin về chất lượng sản phẩm, DN thi công, lắp đặt, chế độ vận hành, bảo hành thiết bị…

    Theo các chuyên gia, việc lắp đặt ÐMTAM hiện nay trở nên khả thi hơn do công nghệ khá phát triển và tương đối phổ biến. Tuy nhiên, chi phí đầu tư ÐMTAM khoảng 20-25 triệu đồng/kWp là khá cao, khiến các hộ dân chưa mặn mà. Một cán bộ ngành điện chia sẻ, cách đây vài năm, để tiên phong trong sử dụng ÐMTAM, gia đình ông mạnh dạn đầu tư một hệ thống công suất 5kWp. Dù được bên bán giảm chi phí công lắp đặt, nhưng vốn đầu tư cũng lên tới khoảng 150 triệu đồng, chưa biết đến bao giờ mới hoàn vốn, bởi nếu so sánh thì dùng điện lưới vẫn lợi hơn.

    Theo đại diện EVN HCMC, thực tế việc phát triển ÐMTAM ở TP HCM cho thấy, giá thành lắp đặt ÐMTAM còn cao, khoảng 1.000 USD/kWp, đồng thời chưa có chính sách hỗ trợ về vốn vay đối với các dự án ÐMT và các chương trình hỗ trợ chi phí lắp đặt cho khách hàng.

    Đáng chú ý, hiện trên thị trường có rất nhiều DN cung cấp và lắp đặt các hệ thống ÐMT với hàng trăm nhãn hiệu, xuất xứ khác nhau dẫn đến tâm lý e ngại, không dám lắp đặt, sử dụng ÐMT; chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quy định của cơ quan có thẩm quyền đối với các thiết bị liên quan như tấm pin, khung đỡ, bộ biến tần… để hạn chế các sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

    Giải pháp nào?

    Tổng giám đốc EVN Trần Ðình Nhân khẳng định, ngành điện luôn hỗ trợ tối đa các yêu cầu về lắp đặt ÐMTAM của người dân và DN; các thủ tục đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện sẽ được thực hiện nhanh chóng, dễ dàng. Việc thanh toán tiền điện mua bán lên lưới sẽ được thực hiện ngay khi có thông tư hướng dẫn. Ðồng thời, EVN sẽ chịu toàn bộ chi phí đầu tư đồng hồ đo điện hai chiều để đo lường sản lượng khách hàng sử dụng cũng như bán lên lưới.

    Ðể ÐMTAM phát triển mạnh mẽ, EVN kiến nghị các bộ, ngành tăng cường quảng bá lợi ích của ÐMTAM; khuyến khích các cơ quan, DN, tổ chức lắp đặt ÐMTAM; có cơ chế hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư ban đầu nhằm khuyến khích các hộ gia đình lắp đặt ÐMTAM; đồng thời có cơ chế cho các nhà đầu tư (bên thứ ba) tham gia đầu tư nhằm hỗ trợ, khuyến khích khách hàng lắp đặt ÐMTAM.

    Thạc sĩ Ðào Minh Hiển (Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 2 – PECC 2) cho rằng, hiện có rất nhiều mô hình để hỗ trợ người dân triển khai ÐMTAM, tuy nhiên, do chi phí đầu tư khá lớn, cho nên mô hình hiện đại sẽ là các công ty điện lực có thể tài trợ thuê/cho thuê mái nhà, thuê/cho thuê hệ thống điện mặt trời… Tất cả các mô hình này đều có thể hỗ trợ thúc đẩy sử dụng ÐMTAM trong thời gian tới. Hiện nay, EVN đang tích cực hợp tác với các đối tác, tổ chức quốc tế nhằm tiếp cận các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, phát triển các dự án ÐMT tại Việt Nam nói chung và ÐMTAM nói riêng; trao đổi, chia sẻ, cập nhật công nghệ, kỹ thuật, giải pháp phát triển ÐMTAM.

    Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital S.Ku-ma cho rằng, việc huy động vốn quốc tế rất cần thiết để phát triển mạnh ÐMTAM, nhất là ở quy mô công nghiệp. Theo đó, các tổ chức tài chính quốc tế sẽ cho vay trực tiếp đến các nhà phát triển ÐMT để trực tiếp đầu tư các dự án, hoặc cho vay trung gian thông qua các tổ chức tài chính trong nước.

    Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) Ngụy Thị Khanh, nguyên nhân đầu tiên khiến ÐMTAM chưa được quan tâm tại Việt Nam chính là thiếu thông tin (chủng loại, quy chuẩn kỹ thuật, chi phí, khả năng thu hồi vốn…). Do vậy, giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển ÐMTAM thời gian tới chính là phải coi trọng truyền thông tới cộng đồng, tới từng hộ gia đình, từ khả năng đầu tư cũng như lợi ích thiết thực của ÐMTAM.

    Có một giải pháp rất quan trọng: Tháo gỡ “nút thắt” về thanh toán. Cần quy định rõ phương thức thanh toán việc mua bán sản lượng ÐMTAM thể hiện bằng hợp đồng cụ thể, tạo cơ chế thanh toán hợp lý, phù hợp thực tiễn, nhằm khuyến khích đầu tư và phát triển ÐMTAM.

    Theo Tùng Bảo/petrotimes.vn (3/4/2019)

    8 ý tưởng sáng tạo để giải cứu Trái Đất

    Ô nhiễm môi trường đã và đang trở thành vấn đề của cả nhân loại. Chính quyền cũng như người dân đều phải chung tay đẩy lùi những tác hại tiêu cực do ô nhiễm gây ra. Sau đây là 8 ý tưởng bảo vệ môi trường sáng tạo từ nhiều quốc gia khác nhau đang được tiến hành nhằm bảo vệ hành tinh khỏi rác thải.

    8.Trồng cây từ giấy báo


    Ảnh: BrightSide

    Mặc dù ngày nay chúng ta có xu hướng tiếp nhận thông tin qua các phương tiện điện tử thường xuyên hơn so với các nguồn truyền thống như báo giấy, nhưng vẫn có hàng tấn giấy bị lãng phí mỗi ngày. Để giải quyết vấn đề này, một nhà thiết kế người Nhật tên Yoshinaka Ono đã phát minh ra một loại giấy đặc biệt thân thiện với môi trường, mang hạt giống cây và có thể phân hủy sinh học. Để có cây mọc ra từ báo, sau khi đọc bạn chỉ cần chôn những tờ báo đặc biệt này xuống đất và tưới nước thường xuyên. Sau một thời gian, chắc chắn bạn sẽ bất ngờ về tác dụng tờ báo mang lại.

    7. Máy thu gom rác tự động


    Ảnh: BrightSide

    Ngày nay, máy thu gom rác tự động không còn quá xa lạ ở các quốc gia thân thiện với môi trường. Bạn có thể tìm thấy chúng trong các siêu thị ở Đức, Anh và ở nhiều nơi khác. Không dừng lại ở đó, các quốc gia và đã phát minh ra một số cách sáng tạo để khuyến khích công dân bảo vệ môi trường. Một loại máy đặc biệt ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Kinh, Trung Quốc có thể thêm tích lũy vào thẻ tàu điện ngầm của bạn. Bạn chỉ cần nhét một chai nhựa hoặc một lon nhôm đã qua sử dụng vào máy và ngay lập tức máy sẽ nghiền nát vật phẩm đó. Mỗi lần như vậy sẽ thêm một lần tích điểm cho cả bạn và môi trường.

    6. Chổi mascara cũ dành cho động vật


    Ảnh: BrightSide

    Nhiều người có thói quen vứt cả lọ mascara khi sử dụng hết. Điều này cũng góp phần gia tăng ô nhiễm môi trường. Tại Scotland, trung tâm cứu hộ The New Arc đang có chiến dịch thu thập những đầu chổi mascara bỏ đi, làm sạch bằng nước xà phòng ấm. Sau đó, những chiếc chổi mascara này sẽ được dùng để làm sạch lông, loại bỏ kí sinh trùng cho những động vật nhỏ trong trạm cứu hộ. Bên cạnh đó, một số nơi khác cũng đã áp dụng chiến dịch này như Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã ở Anh và Khu bảo tồn động vật hoang dã Appalachian ở Hoa Kỳ.

    5. Cửa hàng không túi đựng


    Ảnh: BrightSide

    Phong trào không chất thải đang ngày càng trở nên phổ biến, vì thế các cửa hàng nói không với túi đựng đang thực sự có chỗ đứng tại nhiều quốc gia. Để giảm lượng bao bì dùng một lần, các cửa hàng này để các sản phẩm trong các thùng chứa lớn. Người mua sẽ đem theo túi riêng hoặc hộp đựng để mua thực phẩm về. Bên cạnh thực phẩm, các cửa hàng tương tự cung cấp các sản phẩm như dầu gội, xà phòng, chất tẩy rửa và các sản phẩm làm sạch khác cũng áp dụng phương pháp này để giảm thiểu tối đa lượng rác thải.

    4. Khăn ướt thân thiện với môi trường


    Ảnh: BrightSide

    Phần lớn khăn ướt trong siêu thị được làm từ polypropylen, một loại chất dẻo. Sản phẩm này không thể phân hủy hoặc phân rã khi xà nước trong nhà vệ sinh, vì vậy những mảnh giấy này không xử lý đúng có thể tăng nguy cơ tắc cống. Để giải quyết vấn đề này, một loại giấy ướt hữu cơ do công ty Natracare của Anh sản xuất có thể dễ dàng phân rã khi xả nước, thân thiện với môi trường.

    3. Đồ dùng một lần làm từ hạt quả bơ


    Ảnh: BrightSide

    Công ty Biofase của Mexico đã sản xuất dao, dĩa, thìa và ống hút từ nhựa sinh học làm từ hạt của quả bơ. Loại nhựa sinh học mới này có thể phân hủy dễ dàng trong tự nhiên trong vài năm. Vì vậy, loại vật liệu này được đánh giá cao trong việc bảo vệ môi trường.

    2. Thu thập nắp chai nhựa


    Ảnh: BrightSide

    Ở Tây Ban Nha, người dân thực hiện chiến dịch thu thập nắp chai nhựa ở nhiều siêu thị, tổ chức chính phủ, những nơi công cộng khác và thậm chí trong nhà của họ. Chiến dịch bắt đầu từ một câu chuyện về một cô bé 7 tuổi cần phẫu thuật tim nhưng không đủ chi phí. Một công ty liên quan đến việc xử lý nhựa đã đồng ý giúp đỡ cô bé nếu họ thu được 200 tấn nhựa. Vì vậy, mọi người đã sáng tạo và đặt các thùng chứa ở mọi nơi. Kết quả là học đã thu thập được lượng nhựa cần thiết trong vòng vài tuần. Ý tưởng thu thập nắp nhựa cho mục đích từ thiện này ở Tây Ban Nha được rất nhiều người hưởng ứng vì việc làm đơn đơn giản này có thể góp phần bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

    1. Chia sẻ cốc uống nước


    Ảnh: BrightSide

    Bạn có biết rằng cốc và hộp đựng dùng một lần chiếm khoảng 50% tất cả các vật liệu được thu thập trong thùng rác đường phố? Chương trình chia sẻ cốc ở Canada có tên CUPPY đang cố gắng giảm lượng rác sử dụng một lần bằng cách mang đến cho bạn những chiếc cốc có thể tái sử dụng chỉ với 5 USD một năm. Quy trình rất đơn giản – bạn trả tiền để tham gia chương trình, sau đó đặt hàng trong quán cà phê và mang theo chiếc. Tất cả những gì bạn cần làm sau khi uống xong là tìm một cửa hàng hoặc một quán cà phê tham gia chương trình để trả lại cốc.

    Theo BrightSide/moitruong.com.vn (2/4/2019)

    Cây robot giúp giảm ô nhiễm môi trường

    0

    Cây robot Biourban chứa tảo sống để hấp thụ và xử lý không khí bị ô nhiễm cả ngày lẫn đêm.

    Một cây robot độc đáo với thiết kế rất đặc biệt đã xuất hiện tại Mexico với chức năng tương đương với nhiệm vụ lọc không khí của 368 cây thông thường. Đây là Biourban, cây robot được sản xuất bởi công ty BiomiTech

     
    Cây robot chứa 500 lít vi tảo để thực hiện chức năng lọc không khí. Ảnh: BiomiTech

    Theo Jaime Ferrer, người đồng sáng lập công ty BiomiTech cho biết, cây robot thực tế là một hệ thống được tạo ra để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trên thế giới.

    Sau ba năm nghiên cứu, công ty Mexico đã phát triển cây cơ học, chứa tảo sống tham gia vào quá trình quang hợp để lọc carbon monoxide và nitơ oxit trong không khí thành oxy.

    Vi tảo thừa có thể được dùng để làm phân bón.

    Cây Biourban cao 4 mét, có 5 xi-lanh, mỗi xi-lanh chứa 100 lít. Bên trong được bơm các loài tảo sống. 500 lít vi tảo sẽ có khả năng lọc tới 99,7% các hạt ô nhiễm mà nó thu được.

    Hệ thống này cũng được trang bị cảm biến để theo dõi chất lượng không khí và khả năng internet không dây để truyền dữ liệu mà nó thu thập.


    Cây robot lọc không khí tại Mexico

    “Không khí bị ô nhiễm đi vào các xi-lanh, tảo hấp thụ nó, xử lý nó và trả lại dưới dạng không khí được lọc. Để thực hiện quá trình này ngay cả vào ban đêm, tảo được chiếu sáng bằng cách sử dụng năng lượng từ các tấm pin mặt trời. Nhờ đó, hệ thống có thể hoạt động độc lập” – ông Ferrer giải thích.

    Do tảo là sinh vật sống phát triển nhanh bên trong các xi lanh. Nên sau một thời gian hoạt động, chúng sẽ nhanh chóng phát triển thành cỏ biển và phải được vớt ra. Số cỏ biển dư thừa này có thể được sử dụng làm phân bón, khí sinh học.


    Cây Biourban hoạt động cả ngày lẫn đêm.

    Ông Ferrer cho biết, sau 3-4 tháng, cần tiến hành bảo trì Biourban.

    Các tấm pin mặt trời phải được thay và tảo dư thừa phải được làm sạch.

    Được biết, mỗi cây Biourban có trị giá 50.000 USD và có tuổi thọ lên tới 20 năm.

    Đây dường như là một phương pháp cực kỳ hữu hiệu để lọc không khí trong đô thị, vốn ít không gian cho cây cối tự nhiên.

    “Bạn có thể trồng 300 cây xanh nhưng bạn không thể đặt nó ở ngã tư, nơi các xe bus dừng lại, những con đường ô-tô lái xe hàng ngày… Thay vào đó, bạn chỉ cần đặt một cây robot” – ông Ferrer cho biết thêm.


    Mỗi hệ thống cây Biourban có khả năng hoạt động tương đương 300 cây xanh.

    Cây Biourban cũng là sản phẩm được BiomiTech cũng là người chiến thắng giải thưởng Latam Edge – giải thưởng giúp mở rộng các công ty công nghệ Mỹ La-tin tại Vương quốc Anh.

    Theo Datviet.vn (1/4/2019)

    Ô nhiễm không khí khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh tâm thần

    Theo nghiên cứu của các nhà khoa học ở Anh, trẻ em sống trong những khu vực bị ô nhiễm không khí sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh tâm thần.

    Tờ New York Post cho biết, trước đây, có nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh được rằng khói từ các phương tiện giao thông và các nhà máy có liên quan trực tiếp đến bệnh tim, ung thư và chứng mất trí.

    Mới đây, theo tin tức được các nhà nghiên cứu đến từ Đại học King, London (Anh) cung cấp, những loại chất thải độc hại nêu trên cũng có thể gây ra bệnh tâm thần.

    Để chứng minh ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến khả năng mắc bệnh tâm thần ở người, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra 2.062 thanh niên 18 tuổi và kiểm tra mức độ ô nhiễm gần nơi các thanh niên này sinh sống.

    Trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng mạnh bởi ô nhiễm không khí. Ảnh: New York Post

    Khoảng 30% trong số nhóm thanh niên này cho biết, họ ít nhất đã mắc một chứng tâm thần từ năm 12 tuổi, bao gồm các biểu hiện như: nghe thấy một giọng nói lạ, có cảm giác đang bị ai đó theo dõi, bị soi mói hoặc bị bám đuổi.

    Tình trạng này xảy ra phổ biến hơn ở nhóm thanh, thiếu niên sống trong những khu vực có mức độ ô nhiễm hàng năm cao hơn. Theo nghiên cứu, những hỗn hợp ô nhiễm gây chết người có chứa ôxít nitơ, điôxít nitơ và những hạt nhỏ độc hại khác.

    Kết quả phân tích cụ thể cũng cho thấy, những người tiếp xúc thường xuyên với ôxít nitơ có khả năng bị tổn thương cao hơn 72% so với những người ít tiếp xúc. Tỷ lệ mắc bệnh liên quan tới ôxít nitơ và các hạt nhỏ lần lượt là 71% và 45%. Các chuyên gia tin rằng chất độc truyền từ phổi vào máu và gây viêm não. Riêng đối với đối tượng là trẻ em, việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm làm tăng khả mắc bệnh tâm thần cao hơn 72% so với bình thường.

    “Cần có những nỗ lực toàn cầu để giảm mức độ ô nhiễm không khí và bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của các công dân trẻ sống tại các đô thị”, Joanne Newbury, trưởng nhóm nghiên cho biết.

    Đồng nghiệp của Joanne Newbury, Helen Fisher nói thêm: “Rối loạn tâm thần rất khó điều trị và sẽ ngày càng trở thành gánh nặng lớn đối với các cá nhân, gia đình, hệ thống y tế và xã hội trên diện rộng.”

    Liên quan tới vấn đề trên, theo giáo sư Frank Kelly, vì não và hệ hô hấp còn chưa phát triển hoàn toàn, trẻ em và thanh thiếu niên là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước các tác động sức khỏe gây ra bởi sự ô nhiễm không khí. Và theo một nghiên cứu của Đại học Bắc Carolina, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra 1 trong 35 trường hợp tử vong ở Mỹ.

    Theo Bảo Lâm/New York Post/Vietq.vn (2/4/2019)

    Việt Nam có phải là quốc gia không khí ô nhiễm nghiêm trọng?

    Hiện tình trạng ô nhiễm không khí chỉ tập trung ở một số thành phố và đô thị lớn. Còn ở nông thôn, miền núi thì không khí vẫn trong lành.

    Hỏi: Việt Nam có phải là một trong những quốc gia có không khí ô nhiễm nhất thế giới? Hoàng Thu Hà (Hà Nội)

    PGS.TS Lưu Đức Hải, khoa Môi trường, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội: Vừa rồi có nhiều báo cáo về chất lượng không khí ô nhiễm ở các thành phố. Hà Nội là một trong những thành phố lớn bị ô nhiễm không khí cao thứ 2 trong khu vực, không có nghĩa không khí ở cả nước ô nhiễm. Không khí ở Hà Nội và TP HCM ô nhiễm chủ yếu là do bụi. Còn các hóa chất hay khí thải độc hại của đô thị, các khu công nghiệp… cũng có nhưng không quá đậm đặc.

    Ảnh: IE

    Việc không khí ô nhiễm trầm trọng này là do xây dựng tràn lan, xe chở đất đá đi lại nghênh ngang trên đường, vật liệu xây dựng đổ hết ra đường giao thông. Các đường vành đai tại các đô thị lớn đều mù mịt bụi. Ví dụ theo quy định thì xe chở đất đá vật liệu xây dựng phải có mái che, nhưng xe vẫn chạy ầm ầm mà không có mái, cũng không bị ai phạt cả. Sự buông lỏng trong quản lý này đã tạo nên những hệ quả tệ hại.

    Phải hiểu rằng tình trạng ô nhiễm này chỉ tập trung ở một số thành phố và đô thị lớn. Còn ở nông thôn, miền núi thì không khí vẫn trong lành. Vì thế không thể đánh đồng không khí Việt Nam là ô nhiễm nghiêm trọng được. Người sống và làm việc ở thành phố, nếu có điều kiện thì nên thường xuyên về các vùng quê, vùng ngoại thành, nơi có không khí trong lành để hít thở. Không khí ở các thành phố lớn ô nhiễm một phần vì áp lực dân cư quá lớn. Sự ô nhiễm này không “lây lan” được như nhiều người lầm tưởng. Do đó ở khu vực ngoại thành, những vùng có không gian rộng, nhiều cây xanh, ít các nhà máy công nghiệp… thì không khí vẫn rất trong lành.

    Theo PGS Lưu Đức Hải, khoa Môi trường, ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội/tinmoitruong.vn

    Nuôi ruồi lính đen, biến rác hữu cơ thành vàng

    0

    Nhờ tìm ra phương pháp sử dụng ruồi lính đen để xử lý rác thải hữu cơ, nhóm sinh viên chuyên ngành quản lý môi trường và bền vững, Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên đã thử nghiệm thành công ý tưởng biến rác hữu cơ thành thức ăn chăn nuôi và phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

    “Biến rác thải hữu cơ thành vàng”

    Đến Khoa Quốc tế, Trường Đại học Thái Nguyên, ai cũng nhắc đến ý tưởng đầy táo bạo và mới mẻ vừa được thực hiện thành công trong đề tài nghiên cứu khoa học “Biến rác thải hữu cơ thành vàng” của nhóm sinh viên năm cuối chuyên ngành quản lý môi trường và bền vững.


    Đề tài nghiên cứu khoa học của nhóm sinh viên lọt top 5 cuộc thi “Thanh niên Việt Nam vì sáng tạo xã hội 2018”.  Ảnh: H.T

    Em Phạm Thị Hải Yến – Trưởng nhóm thực hiện đề tài chia sẻ: Ý tưởng thực hiện đề tài được hình thành từ việc chúng em nhận thấy rác thải hữu cơ là nguồn tài nguyên quý giá đang bị lãng phí.

    Bởi vậy, chúng em đã có suy nghĩ sẽ tận dụng nguồn rác thải này và biến chúng thành những sản phẩm hữu ích phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó, chúng em lên kế hoạch thực hiện đề tài nghiên cứu “Biến rác thải hữu cơ thành vàng”.

    Qua quá trình học tập và nghiên cứu thực tế, các em nhận thấy ấu trùng ruồi lính đen có thể giúp việc phân hủy nguồn rác thải hữu cơ với tỷ lệ cao, rút ngắn đáng kể thời gian phân hủy rác trong tự nhiên.

    Bởi vậy, để thực hiện đề tài nghiên cứu, các em đã nuôi ấu trùng ruồi lính đen để phân hủy rác thải hữu cơ và nuôi chúng lớn làm thức ăn chăn nuôi.

    Theo Hải Yến, đề tài được nhóm bắt tay thực hiện từ giữa năm 2017 và đến cuối năm 2018 thì cho nghiệm thu. Càng vui mừng và vinh dự hơn khi vào tháng 12.2018 vừa qua, đề tài nghiên cứu của nhóm đã lọt vào Top 5 cuộc thi “Thanh niên Việt Nam vì sáng tạo xã hội 2018” – một cuộc thi do Hội đồng Anh và các trường đại học trên toàn quốc liên kết tổ chức.

    Việc ứng dụng nuôi ấu trùng ruồi lính đen để phân hủy rác thải hữu cơ không chỉ giúp giảm thiểu đáng kể vấn đề ô nhiễm môi trường, mà sản phẩm được tạo ra sau quá trình phân hủy rác thải còn là nguồn dinh dưỡng có giá trị trong nông nghiệp.

    Sau khi nghiên cứu thành công đề tài, nhóm đã cho thử nghiệm thức ăn chăn nuôi và phân bón – các sản phẩm được tạo ra sau quá trình phân hủy rác thải hữu cơ tại một số địa điểm thuộc địa bàn tỉnh Thái Nguyên, mang lại những kết quả khả quan.

    Mang lại thu nhập đáng kể cho người dân

    Theo tính toán của nhóm, 1 tấn rác thải hữu cơ có thể mang lại 16 triệu đồng sau khi được xử lý bằng áp dụng phương pháp hữu hiệu này. Bởi vậy, nếu việc xử lý rác thải hữu cơ bằng ấu trùng ruồi lính đen được thực hiện tốt, thì chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có thể thu về từ 3 – 4 tỷ đồng/ngày.

    Cho chim ăn thử sản phẩm nhộng tươi sống phát triển từ ấu trùng ruồi lính đen. Ảnh: H.T

     Em Bùi Xuân Trường – thành viên của nhóm không giấu được niềm vui: “Nhóm chúng em vừa nhận được 4 hợp đồng hợp tác đầu tư thực hiện dự án xử lý rác thải khu dân cư của một số doanh nghiệp tại các tỉnh, thành như Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.HCM…”.

    Em Trường cũng khẳng định: Đề tài này, nếu được ứng dụng thành công trong thực tế sẽ góp phần biến rác thải hữu cơ thành những thứ có giá trị, không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn giải quyết cả vấn đề môi trường, đồng thời tạo ra các sản phẩm an toàn và thân thiện môi trường như thức ăn chăn nuôi, phân bón cung cấp cho các trang trại.

    Những lợi ích thiết thực đó sẽ giúp mọi người thay đổi nhận thức và thói quen phân loại rác, hơn nữa còn mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.

    PGS.TS Hoàng Văn Phụ – giảng viên Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên – người hướng dẫn trực tiếp nhóm sinh viên thực hiện đề tài cho biết: Đây là một đề tài sáng tạo và rất mới mẻ của sinh viên. Nếu đề tài này được ứng dụng vào thực tế sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển và mang lại nhiều lợi ích thiết thực: Hỗ trợ người dân trong việc phân loại rác thải, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, giúp đỡ người dân nâng cao nhận thức về môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính…

    Theo Danviet.vn (31/3/2019)

    Thụy Điển lần đầu tiên thu được điện từ vi khuẩn

    Theo Phys.org, trong quá trình trao đổi chất, vi khuẩn sản sinh ra điện, một điều mà từ lâu đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia.

    Nhưng cho đến nay, không có cách nào hiệu quả để chuyển dòng điện từ vi khuẩn tới điện cực, nhưng mới đây các chuyên gia Thụy Điển đã đạt được tiến bộ quan trọng.


    Vi khuẩn có thể biến chất thải độc hại thành các chất ít nguy hiểm hơn và sản xuất điện trong quá trình này.

    Việc chuyển điện tử ngoại bào (extracellular electron) – dòng điện mà vi khuẩn tạo ra bên ngoài tế bào của chính nó là việc làm rất khó khăn là vì cần tạo ra một phân tử thâm nhập xuyên qua thành dày của tế bào.

    Trong trường hợp này, các nhà khoa học đã phát triển một phân tử nhân tạo – một loại polymer oxi hóa khử. Loài vi khuẩn Enterococcus faecalis có cả ở động vật và người, được chọn là nguồn điện.

    Các nhà khoa học ở Đại học Lund, Thụy Điển, đã tìm ra cách chuyển các electron từ vi khuẩn vào điện cực và thu được dòng điện từ chúng ở chế độ thời gian thực.

    Giáo sư Lo Gorton, một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết, đây là một bước đột phá trong sự hiểu biết về sự chuyển điện tử ngoại bào ở vi khuẩn.

    Kết quả của nghiên cứu này có giá trị không chỉ vì tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng sạch, mà còn vì giá trị khoa học. Nó giúp các nhà khoa học hiểu cách vi khuẩn giao tiếp với môi trường của chúng – với các vi khuẩn và phân tử khác.

    Vi khuẩn và các vi sinh vật khác có thể được sử dụng để sản xuất nhiên liệu sinh học, trong cái gọi là pin nhiên liệu vi sinh vật. Các nhà nghiên cứu quan tâm đặc biệt là các vi khuẩn liên quan đến quang hợp.

    Nếu kết nối chúng với điện cực và chiếu sáng, chúng có thể tạo ra điện. Giáo sư Lo Gorton cho biết, nhóm nghiên cứu đã chứng minh điều này trong một nghiên cứu trước đây.

    Trong các suối nước nóng của Công viên Yellowstone, Mỹ, người ta đã tìm thấy các loài vi khuẩn có khả năng là nguồn điện cho các thiết bị cần ít năng lượng. Vi khuẩn có thể biến chất thải độc hại thành các chất ít nguy hiểm hơn và sản xuất điện trong quá trình này.

    Theo Motthegioi.vn (29/3/2019)

    Điện mặt trời nổi: Xu hướng phát triển của năng lượng tái tạo

    Nếu như điện mặt trời (ĐMT) trên mặt đất chiếm nhiều diện tích thì ĐMT nổi lại khắc phục được hoàn toàn yếu điểm này. Đó là lý do mà ĐMT nổi đang được xác định là xu hướng phát triển của năng lượng tái tạo (NLTT) nói chung và ĐMT nói riêng.

    Trong khuôn khổ Đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng lắp đặt dàn pin mặt trời trên mặt nước đến môi trường thủy sinh và hiệu suất nguồn ĐMT”, ngày 26/3, Đoàn công tác của Hội Khoa học công nghệ Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VECEA) đã có buổi khảo sát hiện trường, xác định địa điểm để xây dựng mô hình ĐMT nổi tại Cửa Lò, Nghệ An.


    PGS.TS.Đặng Đình Thống (đứng giữa) trao đổi với lãnh đạo Nhà máy nước của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An

    Bùng nổ đầu tư ĐMT

    ĐMT là nguồn điện NLTT đứng thứ 3 về tổng công suất hiện nay trên phạm vi toàn cầu sau thủy điện và điện gió. Theo VECEA, trong giai đoạn 2010-2016, giá ĐMT đối với các hệ có công suất > 1MW đã giảm 60%, chủ yếu do giá module pin mặt trời (PMT) giảm. Hiện nay, các dự án ĐMT qui mô trung bình (từ 1-50MW) có giá cạnh tranh nhất được chào mời với giá 0,08USD/kWh mà không cần hỗ trợ từ chính phủ. Một số dự án khác còn chào mời với giá thấp hơn như ở Dubai (0,06), Peru (0,05) và Mexico (0,35USD/kWh).

    Như vậy, công nghệ ĐMT vốn được xem là đầu tư đắt đỏ với giá điện cao nhất, thì đến nay đã hoàn toàn có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với năng lượng hóa thạch.


    Khu vực hồ của Nhà máy nước

    Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) 2016 thì đến năm 2030, tổng công suất ĐMT trên thế giới sẽ vào khoảng 1.760GW, tức là tăng 4,4 lần so với công suất năm 2017 (402GW).

    Trong khi, để có thể xây dựng các nhà máy ĐMT cỡ 1GW (1GW = 1000MW) thì cần một diện tích mặt bằng rất lớn, khoảng 1.300ha (1,3 triệu m2). Do vậy, gần đây, một số quốc gia hàng đầu về ĐMT đã thử nghiệm sử dụng mặt nước để lắp đặt dàn PMT như mặt sông, mặt hồ tự nhiên và nhân tạo, các hồ xử lý nước thải, các vùng đất ngập nước và đặc biệt là mặt nước các vùng biển gần bờ có diện tích vô cùng lớn.

    Các hệ nguồn ĐMT có dàn pin lắp trên mặt nước được gọi là hệ nguồn ĐMT nổi (Floating solar power systems). Trong những năm gần đây, các nước như Israel, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc… đều đã và đang phát triển các dự án ĐMT nổi qui mô đến hàng chục MW.


    Nhà máy đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng để đưa vào hoạt động trong tháng 4/2019

    Tiềm năng phát triển ĐMT nổi ở Việt Nam

    Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu năm 2019, ông Are Gloersen – Giám đốc Thị trường châu Á Công ty Ocean Sun (Công ty Năng lượng Na Uy), đơn vị có những công nghệ ĐMT nổi đang được sử dụng tại nhiều nước đánh giá, Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển ĐMT nổi. Bởi ngoài bờ biển dài, Việt Nam còn có nhiều sông, hồ đặc biệt là hệ thống các hồ thủy điện đang vận hành. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi cho việc phát triển các nhà máy ĐMT nổi.

    Nhận thấy tiềm năng của ĐMT nổi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này. Dự án đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng tại hồ Đa Mi (Bình Thuận) dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 6/2019. Với công suất 47,5 MW, hệ thống sẽ tạo sản lượng điện bình quân hơn 70 triệu kWh/năm.


    Địa điểm khu vực lòng hồ sinh thái thuộc huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An

    Ngoài ra, còn có Dự án ĐMT nổi Hồ Thủy điện Buôn Kuôp, Đắc Lắc, 50MW và Hồ Thủy điện Srê pôk, Đắc Lắc, 50MW, do EVNGENCO 3 chủ đầu tư. Điều đó cho thấy, ĐMT nổi cũng đã bắt đầu được thử nghiệm ở Việt Nam.

    So với ĐMT, ĐMT nổi tiết kiệm được diện tích lắp đặt dàn pin mặt trời, giảm suất đầu tư. Nó cũng làm tăng hiệu suất phát điện do được hơi nước làm mát. Bên cạnh đó, chi phí vận hành và bảo dưỡng (O&M) giảm. Đồng thời, giảm truyền tải điện, giảm tổn thất.

    Tuy nhiên, Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của việc nghiên cứu áp dụng công nghệ, nên việc nghiên cứu ảnh hưởng của việc che sáng mặt nước do lắp dàn PMT đến môi trường thủy sinh nói chung và sản lượng thủy sản nuôi trồng như thế nào, cũng như hiệu suất của nguồn ĐMT sẽ bị ảnh hưởng theo hướng nào là những vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng.


    Lòng hồ sinh thái

    Đó cũng chính là mục đích của Đề tài này. PGS.TS. Đặng Đình Thống – Thành viên VECEA, Chủ nhiệm Đề tài cho biết, qua khảo sát một số địa phương, VECEA nhận thấy, khu vực Cửa Lò khá thích hợp với các yêu cầu của nhóm nghiên cứu. Qua kết nối với một số tổ chức và doanh nghiệp tại Nghệ An VECEA đã bước đầu lựa chọn một số đối tác để phối hợp thực hiện Đề tài. Lần này, Đoàn vào Nghệ An khảo sát để lựa chọn địa điểm thích hợp cho việc nghiên cứu. Sau khi thống nhất triển khai, trên cơ sở kết quả đánh giá tác động của dàn PMT trên mặt nước đến môi trường thủy sinh và hiệu suất nguồn ĐMT, nhóm nghiên cứu sẽ đề xuất, kiến nghị một số cơ chế chính sách liên quan đến phát triển ĐMT nổi tại Việt Nam. Đồng thời khuyến nghị các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với dàn PMT lắp trên mặt nước, đặc biệt là trên mặt nước lợ và nước mặn cũng cần những công nghệ đặc biệt hơn nước thông thường.

    Được biết, đây là nhiệm vụ khoa học công nghệ của Bộ Công Thương giao VECEA chủ trì nghiên cứu trong 2 năm 2019-2020.

    Theo Hồ Nga/tapchicongthuong (28/3/2019)

    Xe đạp lọc khí – sáng tạo bảo vệ môi trường của nhóm học sinh THPT

    0

    Khi tham gia giao thông, nhận thấy không khí bị ô nhiễm, nhóm học sinh của trường Trung học phổ thông chuyên Thăng Long (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) đã nghiên cứu, chế tạo thiết bị lọc khí gắn trên xe đạp rất tiện dụng và hữu ích trong việc bảo vệ môi trường.

    Trên chiếc xe đạp thể thao quen thuộc, em Trần Hoàng Phi Bảo (lớp 12 chuyên Lý, trường Trung học phổ thông chuyên Thăng Long) dạo một vòng tuyến đường ngay trước cổng trường để “tận hưởng” luồng không khí sạch từ thiết bị gắn trên xe. Với bộ thiết bị đặc biệt này, người đạp xe có thể vừa đi đường vừa hít thở không khí trong lành mà không cần đến khẩu trang hay phải trùm kín mít như thường thấy.


    Nhóm học sinh kiểm tra lại thiết bị lọc khí gắn trên chiếc xe đạp thử nghiệm.

    “Ngoài cung cấp cho chính người điều khiển xe đạp, thiết bị cũng góp phần lọc không khí cho môi trường. Nếu nhiều người đi xe có gắn hệ thống lọc khí thì một môi trường không có khói bụi, ô nhiễm là điều có thể thành hiện thực trong tương lai” – Phi Bảo kỳ vọng nói.

    Theo Bảo, tên gọi đầy đủ của công trình này là “Thiết bị lọc khí trên xe đạp khi tham gia giao thông” do em cùng hai bạn học sinh khác là Tăng Bảo Khánh (học cùng lớp) và Cao Thị Khánh Hòa (lớp 11 chuyên Lý) nghiên cứu, chế tạo.


    Bộ phận lọc khí 3 lớp – trái tim của hệ thống được gắn trên phần đầu chiếc xe đạp.

    Về cấu trúc, hệ thống thiết bị lọc khí nhìn khá đơn giản và có thể chia thành 2 phần khác nhau gồm phần lọc khí và hệ thống cung cấp năng lượng cho thiết bị. Trong đó, phần quan trọng là thiết bị lọc khí được gắn ngay trên ghi-đông trước tay lái của chiếc xe. Đây là phần lọc bụi bẩn và cung cấp khí sạch trực tiếp cho người điều khiển.

    “Tại “trái tim” của hệ thống, chúng em dùng ba lớp lọc gồm bông gòn ở lớp đầu tiên để lọc hạt bụi lớn, lớp thứ hai là loại vải thường dùng làm khẩu trang có thể lọc những hạt bụi nhỏ hơn cũng như kháng khuẩn và lớp vải than hoạt tính sẽ có khả năng lọc được hầu hết các loại khí thải trong môi trường khi tham gia giao thông” – em Tăng Bảo Khánh giới thiệu.

    Phần tiếp theo là hệ thống 6 cánh quạt hai bên ở bánh xe trước kết nối với thiết bị Dynamo có sẵn trên xe đạp, đây chính là nơi cung cấp nguồn điện cho hệ thống hoạt động. Thiết bị cũng bao gồm 1 bộ ắc quy nhỏ giúp lưu giữ nguồn điện để hệ thống lọc khí hoạt động hiệu quả, ổn định hơn. Từ đây điện sẽ cung cấp cho những cánh quạt gắn trong bộ lọc khí hoạt động, đẩy không khí “sạch” lên mặt của người sử dụng xe đạp.


    Sản phẩm của nhóm vừa đoạt giải Nhì tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học lần thứ XI năm học 2018 – 2019 của tỉnh Lâm Đồng.

    Sau nhiều lần thử nghiệm và điều chỉnh trong suốt 6 tháng nghiên cứu, chế tạo, nhóm học sinh cùng giáo viên hướng dẫn đã nhờ Trung tâm quan trắc môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng) tiến hành thử nghiệm thực tế tại một số khu vực có nhiều phương tiện giao thông đi lại trên thành phố Đà Lạt. Kết quả thử nghiệm rất khả quan với khả năng lọc bụi đạt 86%, lọc được 63% khí NO2.

    Thầy Phạm Gia Sâm, Giáo viên bộ môn Vật lý, trường Trung học phổ thông chuyên Thăng Long cho biết, đây là kết quả rất đáng tin cậy khi được cơ quan chuyên môn thử nghiệm nhiều lần tại nhiều địa điểm khác nhau có lưu lượng ô tô, xe máy dày đặc.

    Theo các thành viên thực hiện đề tài, khi đã hoàn thành, cả nhóm sẽ tiếp tục cải tiến thiết bị cho nhỏ gọn và đẹp hơn và sẽ nghiên cứu gắn với xe đạp điện nhằm ứng dụng rộng rãi vào thực tế, góp phần bảo vệ môi trường.

    Em Cao Thị Khánh Hòa chia sẻ: Thiết bị này được cả nhóm sử dụng các vật liệu tái chế, có sẵn trong cuộc sống nên chi phí chế tạo rất rẻ, chỉ vài trăm ngàn cho một bộ hoàn chỉnh. Vì vậy việc ứng dụng vào thực tế là một điều hoàn toàn có thể làm được trong tương lai.

    Theo TTXVN (28/3/2019)