Tâm trạng rối loạn lo âu trước biến đổi của môi trường được xem như một biểu hiện bệnh lý, mà y học đã quyết định bắt tay vào nghiên cứu như một trong những ngành bệnh học mũi nhọn của thế kỷ 21.
Hiện nay, theo Đài France Info, đang xuất hiện các triệu chứng với những người đấu tranh bảo vệ môi trường sống xung quanh chúng ta, với các nhà khoa học nghiên cứu về biến đổi khí hậu tác động đến môi trường và ở cả những công dân bình thường như chúng ta.
Đó là một dạng tâm lý lo âu, buồn chán và tâm trạng bất lực trước tình cảnh ít nhiều bi quan của môi trường sống trước tác hại của những việc làm tàn phá môi trường diễn ra hằng ngày.
Khóc cho môi trường
Một bệnh nhân tiêu biểu là cô Justine Davasse, 30 tuổi, người Pháp. Là người đấu tranh bảo vệ môi trường, Justine phải thường xuyên theo dõi tin tức thời sự khắp nơi trên thế giới liên quan lĩnh vực này. Do vậy, cứ mỗi lần chứng kiến những cảnh tượng về hậu quả của biến đổi khí hậu thì cô không thể kìm nén được cảm xúc. “Tôi khóc, khóc nhiều là đằng khác” – Justine thổ lộ.
Cảnh sát Anh phải vất vả dọn chiếc thuyền viết dòng chữ “Hãy nói sự thật” do nhóm biểu tình dựng trên đường phố London ngày 19-4 – Ảnh: REUTERS
Tâm trạng và phản ứng như thế mới đây đã được nhà nghiên cứu Véronique Lapaige đặt cho cái tên là “rối loạn lo âu vì môi trường” – một trạng thái tâm lý mà hiện nay phần lớn cư dân trong xã hội vẫn chưa hiểu được ngọn nguồn cũng như hình thái phát sinh của nó.
Cô Justine dẫn chứng về bản thân: “Các triệu chứng có thể mắc phải là bị mất ngủ, bị nhức đầu và đau nhức khắp cơ thể. Một vài người cảm thấy đau tê ở phần cổ gáy, vai hoặc ở phần thắt lưng, có người thì bị rối loạn tiêu hóa. Tôi cũng có những triệu chứng tương tự, nhưng khi nói ra cho mọi người nghe thì họ cho rằng do tôi quá nhạy cảm mà thôi”.
Một bệnh nhân khác là cô Audrey, 39 tuổi, làm việc trong lĩnh vực sinh thái học. Cô thuộc trong nhóm những người rất nhạy cảm về vấn đề này và phải chịu nhiều áp lực về tâm lý.
Cô khẳng định chính công việc đang làm là “yếu tố khởi phát bệnh” mà cô không thể nào tránh được: “Tôi đi tuyên truyền tại các trường học về việc cần phải phân loại rác thải để tái chế. Và vì thế tôi đã phải đối mặt với hai mặt đối nghịch nhau trong công việc: một mặt phải hướng dẫn các bạn trẻ về cái lợi của hành động phân loại rác thải, mặt khác lại thấy các hãng sản xuất làm bất cứ điều gì vì lợi nhuận mà không cần quan tâm bảo vệ môi trường”.
Thực tế mâu thuẫn này đã khiến cô luôn “buồn rầu vô hạn” và rơi vào trạng thái của một “dạng trầm uất nhẹ”, đến nỗi cô không còn xem truyền hình và tránh những bài báo có liên quan vì thường tự hỏi: “Mới đọc cái tựa báo là thấy miệng đắng ngắt rồi thì có nên đọc tiếp hay không?”.
Bệnh khắp thế giới
Tháng 7-2015, tạp chí Esquire của Mỹ từng đăng tải kết quả điều tra khẳng định nước này đang trải qua một đợt dịch bệnh lý về tâm trạng bi quan thái quá.
Trong đó, chuyên gia tâm thần Lise Van Susteren khẳng định đây là một hiện tượng stress mang tính chất “tiền chấn thương tâm lý” đang lan rộng trong các phòng thí nghiệm và các trường đại học tại Mỹ, với các biểu hiện lâm sàng như nóng giận, hoảng loạn và bị chi phối bởi những suy nghĩ tiêu cực ám ảnh thường trực lên tâm sinh lý, khi đối tượng tiếp cận với những thực tế có liên quan đến một thảm cảnh sinh thái nào đó có thể xảy ra trong tương lai.
Cũng tại Mỹ, đã có một cuộc thăm dò qua mạng vào tháng 4-2018 trên một cỡ mẫu nhỏ là 2.029 người trưởng thành trong độ tuổi 18-34, với kết quả là 72% trong số đó được chẩn đoán đang rơi vào tâm trạng rối loạn lo âu vì môi trường.
Trên thực tế, một tâm trạng rối loạn lo âu trước biến đổi của môi trường cũng tự thân nó mang một ý nghĩa tích cực, đó là giúp chúng ta nhìn nhận được sự thật và nếu biết cách chuyển hướng sang hành động tích cực, đó sẽ là cách để mỗi người chúng ta chung tay vì một môi trường sống trong lành và tốt đẹp hơn.
Như nhân vật Audrey đã đề cập ở trên. Cô đã hành động bằng cách thay đổi cuộc sống của mình: chuyển về miền quê sinh sống trong một căn nhà mộc mạc nơi thôn dã với vườn rau xanh tự tay trồng.
Đài France Info cũng đã gặp gỡ nhiều “bệnh nhân” bị rối loạn lo âu vì môi trường như trên và kết luận rằng ngày càng có nhiều người đã bắt đầu nghĩ đến những thay đổi tích cực trong cuộc sống hằng ngày, thay vì đắm chìm vào tâm trạng tiêu cực.
Họ đã biết cách chuyển hướng từ cảm xúc tiêu cực sang những hành động tích cực như là một phương cách điều trị bệnh hiệu quả. Họ đã thay đổi chế độ ăn uống, thay đổi cách thức mua sắm tiêu dùng, thậm chí kể cả việc quyết định không đi máy bay nữa hoặc bắt tay vào việc xây dựng một hình thức phát triển nông nghiệp vĩnh cửu, nông nghiệp bền vững.
718
Đó là số nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu bị cảnh sát Anh bắt giữ trong 6 ngày qua, do biểu tình gây cản trở giao thông tại nhiều tuyến đường ở thủ đô London.
Các cuộc biểu tình do phong trào Extinction rebellion (Nổi dậy chống lại sự tuyệt chủng) tổ chức nhằm hướng sự chú ý của công chúng đến các vấn đề liên quan tới khí hậu và hệ sinh thái, cũng như những phản ứng chậm chạp của các chính phủ trên khắp thế giới trước tình trạng nhiệt độ và mực nước biển tăng do khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
Theo Tuoitre.vn (23/4/2019)