25 C
Hanoi
Thứ tư, Tháng mười một 20, 2024
More
    Home Blog Page 353

    Startup sản xuất nhiên liệu từ khí thải carbon

    0

    Công ty khởi nghiệp (startup) LanzaTech, có trụ ở ở TP.Chicago (Mỹ), đã chứng minh rằng công ty này có thể tái chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính thành các hóa chất hữu dụng và nhiên liệu sinh học.

    Cụ thể, LanzaTech đã chứng minh rằng công ty này có thể tái chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính như carbon dioxide (CO2), carbon monoxide (CO), hydrogen (H2), hydrogen sulphide (H2S), methane (CH4) thành các hóa chất hữu dụng và nhiên liệu sinh học (ethanol), thậm chí cả nhiên liệu máy bay.

    Được thành lập tại New Zealand vào năm 2005, LanzaTech đang sở hữu công nghệ chuyển đổi khí thải từ các nhà máy thép và các cơ sở sản xuất công nghiệp khác thành ethanol và nhiên liệu máy bay cũng như các hóa chất cơ bản sử dụng để sản xuất nhựa.

    Giờ đây, LanzaTech đang tìm cách đưa công nghệ sạch này vào thực tế để phục vụ cộng đồng. Điều đó có nghĩa là người tiêu dùng có thể sớm được đi trên chuyến bay vận hành bằng khí thải ô nhiễm carbon được tái chế và mang giày thể thao được sản xuất từ các hóa chất tổng hợp từ khí thải carbon.


    Công nghệ của LanzaTech cho phép thu gom các nguồn khí thải carbon để lên men nhờ vi sinh vật và sau đó sản xuất ra ethanol và các hóa chất hữu dụng khác. Ảnh: Lanza Tech.

    Những sản phẩm thân thiện với môi trường mà LanzaTech đang tiên phong sản xuất sẽ rất quan trọng trong những năm tới khi dân số thế giới gia tăng và sự phồn thịnh của thế giới sẽ làm tăng nhu cầu sử dụng năng lượng và hàng hóa tiêu dùng.

    Việc đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của thế giới có nguy cơ làm phá hỏng các nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ngăn chặn các tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

    LanzaTech giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu theo hai hướng. Bằng cách tạo ra sự hữu dụng của khí thải phát ra từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, LanzaTech khuyến khích các công ty thu giữ khí carbon đang làm trái đất nóng lên. Ngoài ra, nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ giảm khi khí carbon có thể tái chế để sản xuất nhiên liệu và hóa chất.

    Quy trình tái chế khí thải carbon mà LanzaTech đang tiên phong cũng đưa ra giải pháp thay thế ethanol truyền thống, phần lớn được sản xuất từ ngô và mía. Ngày nay, sản xuất ethanol đồng nghĩa với việc sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước cũng như phải sử dụng các máy móc nông nghiệp vận hành bằng nhiên liệu hóa thạch.

    LanzaTech sẽ giúp giảm sử dụng tài nguyên đất và nước trong hoạt động sản xuất ethanol truyền thống bằng cách hợp tác với các cơ sở sản xuất công nghiệp để thu giữ khí thải giàu carbon và bơm khí này vào một lò phản ứng chứa đầy các vi sinh vật vốn có nguồn gốc trong đường ruột của thỏ. Các vi sinh vật này ăn khí carbon và sản xuất ethanol loại nhiên liệu sinh học đang được pha trộn với hầu hết xăng đang được bán ở Mỹ. Quá trình này còn được gọi là “lên men khí”.

    Một trong những sáng kiến lớn nhất của LanzaTech là sản xuất một loại nhiên liệu máy bay phản lực bằng cách nâng cấp ethanol có nguồn gốc từ khí thải carbon.

    Sáng kiến này đã đạt được một bước tiến lớn vào mùa thu năm ngoái khi LanzaTech hợp tác với hãng hàng không Virgin Atlantic (Anh) của tỉ phú Richard Branson và hãng sản xuất máy bay Boeing để thực hiện thành công chuyến bay thương mại đầu tiên sử dụng một phần nhiên liệu máy bay do LanzaTech sản xuất. Chuyến bay này cất cánh từ Orlando, bang Florida Mỹ và bay đến London, Anh.

    Nhiên liệu sử dụng trong chuyến bay được phát triển từ một dự án chung giữa LanzaTech và Phòng thí nghiệm quốc gia Tây Bắc, Thái Bình Dương của Bộ Năng lượng Mỹ ở TP. Richland, bang Washington. Hiện nhiên liệu này chỉ phối trộn vào nhiên liệu phản lực truyền thống ở mức 5% nhưng tỉ lệ này có thể tăng lên 50% trong tương lai. LanzaTech đang đặt mục tiêu cung cấp 20% nhu cầu nhiên liệu của ngành hàng không toàn cầu.

    Giờ đây, LanzaTech đang huy động vốn để xây dựng một nhà máy ở bang Georgia, nơi có thể sản xuất ra 10 triệu gallon nhiên liệu máy bay phản lực làm từ ethanol có nguồn gốc từ khí thải carbon.

    Vương quốc Anh đã trao cho LanzaTech một khoản tài trợ để nghiên cứu xem liệu có khả thi để xây dựng một nhà máy ở Anh có công suất 30 triệu gallon nhiên liệu máy bay bền vững mỗi năm hay không. Ngoài ra, công ty muốn xây dựng thêm một nhà máy sản xuất nhiên liệu máy bay từ ethanol, có công suất 30 triệu gallon mỗi năm ở nơi khác trên thế giới.

    LanzaTech cũng nhắm đến một lĩnh vực đang bùng nổ khác: ngành công nghiệp hóa dầu, nơi dầu mỏ được chế biến thành nhựa và các hóa chất khác.

    Hiện nay đã có sẵn công nghệ chuyển đổi ethanol thành ethylene, một trong những hóa chất phổ biến nhất được sử dụng để sản xuất nhựa. Nhưng LanzaTech muốn đi xa hơn nữa bằng cách đưa các vi sinh vật được chỉnh sửa gen vào các lò phản ứng để sản xuất nhiều loại hóa chất. Hiện tại, LanzaTech đã có thể sử dụng quy trình này để sản xuất acetone và isopropyl alcohol, hai hóa chất đang được sử dụng rộng rãi.

    Sean Simpson, đồng sáng lập kiêm Giám đốc khoa học của LanzaTech cho biết nếu LanzaTech có thể dựa vào khí thải carbon để sản xuất một phân tử được sử dụng để sản xuất sợi hoặc nylon hoặc cao su thì trong tương lai, các vật liệu hàng ngày như lốp xe và quần áo sẽ có dấu ấn của carbon.

    LanzaTech tin rằng đột phá này có thể dẫn đến một mô hình mới trong sản xuất, đó là nền kinh tế vòng tròn nơi mà khí thải ô nhiễm carbon sẽ được biến thành các sản phẩm tiêu dùng và sau đó, đến lượt những sản phẩm này bị phân rã khi hết chu kỳ sử dụng và được tái chế thành các sản phẩm hoàn toàn mới.


    Hồi tháng 10 năm ngoái, hãng hàng không Virgin Atlantic (Anh) và hãng sản xuất máy bay Boeing thực hiện thành công chuyến bay thương mại đầu tiên sử dụng một phần nhiên liệu máy bay do LanzaTech sản xuất. Ảnh: Virgin Atlantic.

    Freya Burton, Giám đốc bộ phận bền vững và nhân sự của LanzaTech, cho biết công ty đang đàm phán với các nhà sản xuất hàng hóa để bắt đầu tung ra các sản phẩm như quần áo và bao bì được sản xuất bằng mô hình này.

    Burton cho rằng những sản phẩm này có thể được tiếp thị trên thị trường như là “carbon thông minh”. Bà nhận định người tiêu dùng sẽ chuộng các sản phẩm carbon thông minh giống như cách mà họ chuộng hàng hóa hữu cơ và được chứng nhận thương mại công bằng.

    Hiện nay, công nghệ của LanzaTech đang được sử dụng để sản xuất ethanol thương mại từ khí thải carbon thu được tại nhà máy thép Jingtang ở Đông Bắc Trung Quốc. Tập đoàn thép khổng lồ ArcelorMittal (Luxembourg) cũng đang xây dựng một hệ thống sử dụng công nghệ LanzaTech tại một nhà máy thép của tập đoàn này ở Ghent, Bỉ.

    Ngoài ra, LanzaTech còn có kế hoạch sản xuất ethanol từ một nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ và các nhà máy thép ở Nam Phi.

    Theo Saigontime.vn (22/5/2019)

    Nắng nóng có thể khiến xe máy cháy nổ nếu…

    Hiện nay thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cho việc đi xe máy trở nên nặng nhọc, càng nguy hiểm hơn nếu chủ xe không biết cách bảo dưỡng xe đúng cách.

    Thời tiết tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước đang trải qua những ngày nắng nóng kỉ lục. Nhiệt độ ngoài trời tại một số nơi lên đến hơn 40 độ C, tác động trực tiếp đến người điều khiển cũng như phương tiện khi tham gia giao thông.

    Với xe máy, tiết trời nắng nóng khắc nghiệt khiến một số bộ phận trên xe máy nhanh chóng bị hao hụt, quá tải… dẫn đến hư hỏng khi đang vận hành. Để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như chiếc xe luôn vận hành ổn định, người dùng cần bảo dưỡng xe định kỳ, cũng như cần phải nắm lòng những lưu ý dưới đây để tránh rủi ro.

    Tránh đi khi nhiệt độ ngoài trời đang cao nhất

    Vào những ngày nắng nóng, đặc biệt là những ngày hè oi bức nên tránh đi vào những giờ có nhiệt độ ngoài trời cao nhất như vào lúc giữa trưa. Đặc biệt nhất là đi đường trường, nhiệt độ cao sẽ gây ra nhiều ảo ảnh, thêm vào đó là ánh nắng rọi trực tiếp vào đầu, hơi nóng từ dưới đường tỏa lên, tất cả sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng phán đoán cũng như điều khiển xe của người lái dẫn tới việc không an toàn trong việc điều khiển xe.


    Lưu ý khi sử dụng xe máy vào những ngày trời nắng nóng

    Nên chú ý kiểm tra dầu động cơ, nước làm mát trên xe

    Bên cạnh dầu động cơ, hiện nay phần lớn các dòng xe máy, xe tay ga scooter tại Việt Nam đều sử dụng hệ thống làm mát bằng dung dịch. Việc vận hành trong điều kiệt thời tiết nắng nóng khắc nghiệt khiến các loại dung dịch này nhanh chống bị hao hụt, xuống cấp… gây ảnh hưởng đến các bộ phận khác trên xe. Vì vậy, trong những ngày nắng nóng nên chú ý kiểm tra dầu động cơ, nước làm mát cũng như các dung dịch khác trên xe.

    Những thói quen tưởng chừng vô hại của người lái trong những thao tác đề máy khởi động, không bảo dưỡng định kỳ hay rồ ga, phanh gấp… rất dễ làm xe tay ga gặp hư hỏng, xuống cấp trong quá trình sử dụng.

    Với dầu động cơ có thể dễ dàng kiểm tra, thông qua việc theo dõi lịch bảo dưỡng định kỳ, số kilomet mà xe đã vận hành kể từ lần thay thế gần nhất.

    Nên thay nhớt máy sau khoảng 2.000 km

    Bên cạnh dầu động cơ, việc kiểm tra và bổ sung nước làm mát cho xe cũng rất quan trọng. Nếu để xe máy cạn nước làm mát khiến xe bị ì, dễ chết máy dẫn đến động cơ nhanh bị nóng, dễ hư hỏng trong khi vận hành. Vì vây, cần thường xuyên kiểm tra nước làm mát cũng như hệ thống ống dẫn.

    Bảo dưỡng định kỳ các bộ phận trên xe

    Bên cạnh những dung dịch cần kiểm tra thay thế định kỳ, các bộ phận khác trên xe như: hệ thống phanh, ắc quy, kim phun, két nước, bugi đánh lửa, xích hay dây cua roa dẫn động… cũng cần được bảo dưỡng. Đặc biệt là sau khi vận hành trong điều kiện thời tiết nắng nóng, các bộ phận này rất dễ bị hao mòn, nảy sinh hư hỏng.

    Vệ sinh xe máy thường xuyên

    Việc để xe luôn trong tình trạm bám bụi bẩn trong những ngày nắng nóng sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả tản nhiệt của một số bộ phận trên xe. Đặc biệt, khi bùn đất bám quá nhiều bên ngoài lóc máy sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tản nhiệt động xe, dẫn đến tình trạng nóng máy, quá nhiệt và nhiều hệ quả đi kèm.

    Chống nóng cho xe và bản thân dưới trời nắng

    Khi sử dụng xe máy đi lại trong những ngày nắng nóng, nên chú ý trang bị các dụng cụ chóng nóng cho bản thân và chính chiếc xe của mình. Nên trang bị sẵn mũ bảo hiểm, áo chống nắng, khẩu trang, kính mát, chai nước nhỏ… trên xe. Ngoài ra, dưới nhiệt độ cao các chi tiết như yên xe bọc da, tay lái… rất dễ dẫn nhiệt gây cảm giác khó chịu khi sử dụng. Vì vậy, nên trang bị thêm bọc yên xe, tay lái.

    Đi đều ga, hạn chế rà phanh

    Thói quen rồ ga tăng tốc hay những tình huống thắng gấp khi đi xe số, nếu vẫn lặp lại thường xuyên khi sử dụng xe tay ga, sẽ nhanh làm giảm tuổi cụm côn ly hợp, dây cu-roa truyền động và tăng khả năng tiêu hao nhiên liệu của xe. Vì vậy, khi dùng xe tay ra, người lái nên chú ý giữ tốc độ, đi đều ga hạn chế những tình thắng thắng gấp. Điều này, không chỉ giúp hệ thống làm mát hoạt động hiệu quả mà còn giúp xe tiết kiệm nhiên liệu hơn so với việc thốc ga, tăng giảm tốc đột ngột.

    Kiểm tra lốp xe thường xuyên

    Trời nóng sẽ khiến lốp xe căng hơn, cùng với việc tiếp xúc với mặt đường rất nóng có thể gây nổ lốp. Xả một chút hơi trong lốp nếu lốp được bơm quá căng. Nếu lốp xe đã cũ mòn, cần thay lốp để đảm bảo an toàn. Nổ lốp trên đường luôn là tình huống tai nạn nguy hiểm có thể gây thương vong.

    Không đi song song với xe tải

    Trong nhiều trường hợp, núp bóng một chiếc xe tải, xe buýt có thể giúp chủ xe mát hơn, nhưng điều này là không nên vì rất có thể dẫn tới va chạm không phản ứng kịp.

    Chú ý đến ắc quy xe máy

    Ắc quy xe máy không đòi hỏi người dùng cần bảo dưỡng thường xuyên. Thêm vào đó, các bước thực hiện việc thay ắc quy cũng khá là đơn giản. Vì vậy chỉ cần thỉnh thoảng để ý đến ắc quy của xe, nhất là vào những ngày nắng nóng. Bất cứ lúc nào thấy xe máy đề yếu hoặc vài tuần không chạy xe thì người dùng cần nạp điện cho ắc-quy hoặc kiểm tra và thay thế nếu cần thiết.

    Theo An Dương/vietq.vn (21/5/2019)

    Tôm hùm đất có thể trở thành “đại họa” cho nông nghiệp Việt Nam

    Tôm hùm đất ăn tất cả thủy sinh, cạnh tranh nguồn thức ăn với sinh vật bản địa, khiến những loài tôm, cá đặc trưng có thể biến mất.

    Tôm hùm đất nhập từ Trung Quốc, Mỹ đang được bán nhiều tại Việt Nam, giá bán lẻ 250.000-400.000 đồng một kg, tùy kích cỡ.

    Theo TS Bùi Quang Tề, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, tôm hùm đất hay còn gọi tôm hùm đỏ (tên khoa học Cherax quadricarinatus) từng được nuôi thử nghiệm tại tỉnh Phú Thọ năm 2012. Sau đó xác định đây là loài ngoại lai nguy hại, các nhà khoa học đề nghị không nhân giống phát triển.

    Loài tôm này di chuyển nhanh dưới đáy ao hồ, sông suối, ưa đào hang, có khả năng sinh sản nhanh chóng và chống chịu trước biến động môi trường. Với đôi càng màu đỏ to khỏe, chúng có thể cắt ngang thân lúa cứng, ăn tất cả loại búp cây non, thậm chí cả tôm, cá nhỏ.

    Hiện Trung Quốc vất vả đối phó với nạn tôm hùm đất phát triển dọc sông Trường Giang. Nếu loài phát tán ra đồng ruộng Việt Nam sẽ nguy hại hơn ốc bươu vàng, làm lây lan mầm bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng gây thiệt hại nặng nề cho các đầm nuôi tôm, ông Tề cho biết.

    Tôm hùm đất (Cherax quadricarinatus) là loài cấm nhập khẩu vào Việt Nam.

    GS Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cho rằng nếu không ngăn chặn kịp thời, tôm hùm đất sẽ trở thành “đại họa” cho nền nông nghiệp và hệ sinh thái.

    “Chúng ăn tất cả thủy sinh, cạnh tranh nguồn thức ăn với sinh vật bản địa. Những loài tôm, cá đặc trưng của Việt Nam có thể biến mất khi tôm hùm đất xâm lấn”, GS Huỳnh nói.

    Tôm hùm đất đã được đưa vào danh mục sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu, phát triển từ năm 2013. Hoạt động kinh doanh, nuôi, phát tán loài tôm này vi phạm Luật đa dạng sinh học 2018, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Cục phó Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết.

    “Việc kiểm soát tôm hùm đất gặp khó khăn vì thường được nhập qua đường tiểu ngạch. Khi phát hiện hành vi buôn bán, nuôi loài này, người dân cần báo ngay với UBND cấp xã gần nhất để kịp thời ngăn chặn”, bà Nhàn khuyến cáo.

    Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi công văn hỏa tốc yêu cầu cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát tôm hùm đất. Để bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Bộ đề nghị UBND các tỉnh thành và Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm.

    Khi phát hiện có phát tán ra môi trường, cơ quan chức năng phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt tôm hùm đất theo quy định về đa dạng sinh học.

    Theo điều 246, Bộ luật Hình sự 2015, người nào nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến một tỷ đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.

    Việt Nam có nhiều loài động, thực vật ngoại lai xâm lấn như mai dương, bìm bôi hoa vàng, ốc bươu vàng… Tốc độ phát triển của chúng rất nhanh, cạnh tranh với động, thực vật bản địa. Nhà chức trách Việt Nam đã thử nghiệm nhiều phương pháp, nhưng chưa tiêu diệt được.

    Theo Tất Định – Võ Hải/tinmoitruong.vn (21/5/2019)

    Ứng phó thế nào với tia cực tím trong ngày nắng nóng gay gắt?

    Tia cực tím (UV) là nguyên nhân chính gây cháy nắng, ung thư da. Chống nắng đúng cách sẽ giúp giảm nguy cơ cho sức khỏe.

    Theo thống kê của Bệnh viện Da liễu T.Ư (Hà Nội), mỗi năm có khoảng 300 ca ung thư da điều trị tại bệnh viện này. Ung thư da do nhiều nguyên nhân, trong đó, tia cực tím (UV) là nguyên nhân chính.

    Cần hạn chế tiếp xúc với ánh nắng gay gắt- ẢNH HUY ĐẠT

    Chỉ số UV là chỉ số đo mức độ bức xạ tử ngoại từ mặt trời. Trong những ngày nắng nóng gay gắt, chỉ số UV tăng cao, tác hại cấp tính phổ biến nhất là cháy nắng do tiếp xúc quá mức trong thời gian ngắn. Nếu tiếp xúc với UV tích lũy (là tình trạng phơi nắng khi tia UV cao xảy ra thường xuyên và kéo dài), có thể dẫn đến lão hóa da sớm, đặc biệt là ung thư da.

    Thời điểm trong ngày UV dễ ảnh hưởng đến da nhất dao động từ 10 – 16 giờ. Có thể xác định thời điểm chỉ số UV nguy hiểm bằng cách đứng dưới nắng và quan sát bóng của mình: nếu bóng ngắn hơn chiều cao thì tương ứng với chỉ số UV cao, cần sử dụng các biện pháp tránh nắng tốt.

    “Liều” dùng kem chống nắng phù hợp

    Theo Bệnh viện Da liễu T.Ư, cách chăm sóc da đơn giản và cơ bản nhất là nên rửa mặt sạch ngày 2 lần. Không cần thiết phải rửa mặt nhiều lần vì sẽ làm da mất đi lớp bảo vệ tự nhiên và gây kích ứng da nhiều hơn.

    Cùng với thao tác làm sạch da, hàng ngày đều phải bôi kem chống nắng. Lượng bôi khoảng 2 mg sản phẩm cho mỗi centimet vuông da là con số tiêu chuẩn do các chuyên gia da liễu đưa ra. Nghĩa là để bôi cả mặt, trung bình cần khoảng 1,2 gram; cho cơ thể là 25 – 30 gram. Con số này tương đương với 1/3 thìa cà phê kem/sữa cho mặt, và khoảng 1 chén rượu vodka cho toàn thân.

    Dùng kem chống nắng và các trang phục chắn nắng để bảo vệ da khi nắng nóng gay gắt- ẢNH PHẠM HÙNG

    Với kem chống nắng dạng xịt thì cần xịt qua xịt lại sao cho trên da được trải 4 lớp kem. Khi bôi kem chống nắng, lưu ý cần kết hợp cả tán và vỗ để da được che phủ đều. Nếu kem chống nắng quá dày, bạn có thể chia thành 2 hoặc 3 lượt bôi.

    Với những người phải hoạt động liên tục ngoài nắng hoặc khi đổ mồ hôi nhiều, các chuyên gia da liễu khuyên cần bôi lại kem sau mỗi 2 – 3 tiếng. Có thể xoa chồng kem chống nắng nhiều lần lên lớp trước mà không cần rửa mặt hay tẩy trang lại. Nếu môi trường quá bụi bặm, chỉ cần rửa lại mặt bằng nước thường trước khi bôi chống nắng lại lần sau.

    Các chuyên gia da liễu lưu ý, việc sử dụng kem chống nắng nên duy trì ngay cả khi làm trong nhà, bởi lúc này da vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi tác nhân UV, do ánh sáng từ ánh đèn hoặc ánh sáng xuyên qua cửa kính.

    Nên lựa chọn kem chống nắng có chỉ số phù hợp cho làn da của mình. Thông thường, chỉ số được các bác sĩ chuyên khoa lựa chọn là SPF 30 và PA . Tuy nhiên, để đánh giá tình trạng da, có thể thăm khám trực tiếp với bác sĩ da liễu để nhận được tư vấn sử dụng sản phẩm phù hợp với tùng loại da (da dầu, da khô hay da dễ bị mụn).

    Cùng với sử dụng kem chống nắng, đeo kính, mang mũ rộng vành và trang phục kín góp phần hỗ trợ chống lại tia UV hiệu quả.

    Theo Nam Sơn/tinmoitruong.vn (17/5/2019)

    WWF: Năng lượng tái tạo có thể thay thế đập thủy điện

    Trong bối cảnh hàng nghìn đập thủy điện đang được quy hoạch trên toàn cầu, trong đó có cả khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng, một báo cáo mới đây của WWF và Ủy ban Bảo vệ thiên nhiên khẳng định năng lượng tái tạo có thể giải quyết thách thức toàn cầu về năng lượng và khí hậu mà không cần phải hy sinh những dòng sông chảy tự nhiên cũng như những lợi ích đa dạng mà chúng mang lại cho con người và thiên nhiên.

    Năng lượng tái tạo có thể làm giảm áp lực lên các dòng sông. Ảnh: WWF.

    Phát hành ngày 13-5, trước ngày khai mạc Hội nghị Thủy điện Thế giới tại Paris, báo cáo: Kết nối và Dòng chảy: Một tương lai tái tạo cho các dòng sông, khí hậu và con người mô tả chi tiết những thay đổi đang xảy ra và làm thế nào chúng ta có thể nắm bắt cơ hội này để đạt được một hệ thống năng lượng bền vững.

    Đập thủy điện trên sông Mê Công sẽ nhấn chìm một nửa đồng bằng

    Nhờ chi phí sản xuất năng lượng mặt trời và gió giảm, công nghệ dự trữ điện phát triển, quản lý lưới điện được cải tiến và năng lượng được sử dụng hiệu quả hơn – giờ đây chúng ta có thể sản xuất điện đủ để cung cấp cho hàng tỷ người, những người mà trước đó không thể tiếp cận với lưới điện, đồng thời giảm thiểu phát thải khí nhà kính và bảo tồn hàng chục cho tới hàng trăm nghìn km những dòng chảy tự nhiên.

    Đập thủy điện là một nguồn cung cấp điện chính cho các nước trong khu vực sông Mê Công nhưng các nghiên cứu cho thấy việc tiếp tục xây dựng các đập thủy điện hiện nay sẽ khiến cho gần một nửa lượng cá di cư bị mất đi và hơn nửa đồng bằng sẽ bị chìm dưới nước vào cuối thể kỷ này.

    Ông Marc Goichot, Quản lý Chương trình Nước của WWF-Greater Mê Công cho biết: “Dòng Mê Công, Irrawaddy và Salween có vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực, sinh kế và là nhà của hàng triệu người dân và những loài quý hiếm và đặc hữu như cá tra khổng lồ và cá heo Irrawaddy. Nếu như đầu tư vào năng lượng mặt trời và gió ngay bây giờ, chúng ta có thể cung cấp năng lượng cho khu vực với giá thấp và tạo thêm thu nhập cho hàng triệu người dân. Bằng cách đó, chúng ta sẽ tránh được những tác động phụ nguy hiểm của các dự án đập lớn như Sambor hoặc Stung Treng.”

    Ông Jeff Opperman, chuyên gia Tài nguyên nước của WWF và là trưởng nhóm nghiên cứu phát biểu “Chúng ta không phải hình dung về một tương lai trong đó mọi người đều có thể sử dụng điện sạch với giá thành phải chăng và có khả năng đáp ứng về kinh tế cho nhiều nguồn năng lượng tái tạo khác nhau. Giờ đây, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một tương lai như vậy. Bằng cách thúc đẩy cách mạng năng lượng tái tạo, chúng ta có thể bảo đảm một tương lai tươi sáng hơn cho con người và thiên nhiên với hệ thống năng lượng phát thải các-bon thấp, chi phí sản xuất thấp và ít gây ra tác động.”

    Chỉ còn 37% sông trên thế giới duy trì dòng chảy tự nhiên

    Ngày càng hiếm những dòng chảy tự nhiên tuyệt đẹp thế này. Ảnh; WWF.

    Theo số liệu của WWF, chi phí để sản xuất ra điện gió và mặt trời hiện nay khoảng 0.05 USD/kWh, giá cạnh tranh so với chi phí cận đáy của nhiên liệu hóa thạch và chi phí trung bình của thủy điện. Các nguồn năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng mặt trời và gió có thể cung cấp 2/3 khả năng sản xuất điện năng toàn cầu mới trong năm 2018.

    Với sự đóng góp của nhiều học giả, báo cáo cho thấy việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo có thể ngăn chặn sự phân mảnh cho gần 165.000km chiều dài của các con sông, đồng thời đóng góp vào mục tiêu hạn chế nhiệt độ trên trái đất tăng vượt mức 1.5⁰ C. Cùng với việc góp phần chống biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp làm chậm lại quá trình suy giảmnghiêm trọng quần thể các loài nước ngọt vốn đã giảm 83% kể từ năm 1970.

    Ông Mark Lambrides, Giám đốc chương trình Năng lượng và cơ sở hạ tầng của Ủy ban Bảo vệ thiên nhiên nói: “Tuần trước, trong bản đánh giá toàn cầu của Hội đồng Liên chính phủ về Đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái, một khuyến nghị quan trọng đã được đưa ra nhằm bảo vệ và phục hồi sự kết nối của các dòng sông. Đây là lần đầu tiên một báo cáo cho thấy cuộc cách mạng năng lượng tái tạo mang đến cơ hội quy hoạch các nguồn năng lượng tái tạo vào trong các hệ thống điện. Điều này sẽ giúp chúng ta tránh phải chia cắt các dòng sông, ngăn các cuộc tái định cư và tránh sự mất mát nguồn lợi thuỷ sản nuôi sống hàng triệu người.”

    Trước đó vài ngày, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature (Thiên nhiên) cho thấy hiện nay chỉ còn 37% các con sông lớn trên thế giới còn duy trì được dòng chảy tự nhiên. Việc xây dựng các con đập và hồ chứa nước đã ngắt kết nối của các con sông.

    Mặc dù các dự án phát triển năng lượng tái tạo lớn sẽ không thể chấm dứt sự phát triển thủy điện, nhưng nó báo trước sự sụt giảm đáng kể các con đập mới và một sự dịch chuyển sang các dự án ít gây tác động như các dự án năng lượng gió và mặt trời.

    Báo cáo kêu gọi các chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển cuộc cách mạng năng lượng tái tạo. Các chính phủ cũng nên đánh giá lại các dự án đập thuỷ điện hiện có bằng cách xem xét toàn bộ giá trị của các con sông – bao gồm các dịch vụ hệ sinh thái chúng cung cấp – và tính đến các giải pháp thay thế ít gây tác động. Trong khi đó các nhà phát triển và đầu tư tài chính nên hỗ trợ kế hoạch xây dựng các dự án ít gây tác động.

    Theo nhandan.com.vn

    Nắng nóng trên 40 độ C, cần làm gì để tránh sốc nhiệt, đột quỵ?

    Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên hạn chế đi, làm việc ngoài trời nắng vào thời điểm nắng nóng gay gắt. Khi có biểu choáng váng, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt… cần nhanh chóng đưa người bệnh đến chỗ thoáng mát.

    Những ngày gần đây, thời tiết nắng nóng, oi bức, không ít người nhập viện vì say nắng do phải làm việc hoặc đi lại quá lâu ngoài trời, nhiều tia cực tím chiếu thẳng vào vùng cổ, gáy. Theo bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, khi bị sốc nhiệt, người bệnh không chỉ sốt cao, mặt mũi đỏ, vã mồ hôi, mạch nhanh, có biểu hiện rối loạn thần kinh (mất phương hướng, ảo giác, lẫn lộn, co giật, hôn mê…) mà còn có nguy cơ để lại những tổn thương não không thể hồi phục, thậm chí tử vong.

    Tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu của bệnh viện cho biết, vào các đợt nắng nóng gay gắt, khoa tiếp nhận không ít trường hợp đang đi ngoài đường nóng thì ngất xỉu, sốc nhiệt, được người dân đưa vào cấp cứu.

    Đáng chú ý, không chỉ trẻ em, người già bị đổ bệnh do nắng nóng mà ngay cả những thanh niên khỏe mạnh cũng phải nhập viện vì say nắng, say nóng, thậm chí đã ghi nhận những ca tử vong, tổn thương não vì nắng nóng.


    Nắng nóng, nhiều tia cực tím người dân nên hạn chế đi lại . Ảnh minh họa

    PGS.TS Nguyễn Văn Chi khuyến cáo, để phòng tránh say nắng, say nóng, sốc nhiệt hiệu quả, người dân cần lưu ý, hạn chế đi, làm việc ngoài trời nắng vào thời điểm nắng nóng gay gắt nhất (từ 11-15h hàng ngày).

    Luôn uống thật nhiều nước, không để khi cảm thấy khát mới uống nước. Mặc áo dài tay, mũ rộng vành chống nắng khi phải ra ngoài đường.

    Khi phát hiện người có dấu hiệu say nóng, say nắng với những biểu hiện choáng váng, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt… cần nhanh chóng đưa người bệnh đến chỗ thoáng mát, sau đó cởi bớt quần áo, cho uống nước có pha muối (đường, hoặc nước chanh, nước bột sắn dây…) và chườm lạnh cho người bệnh ở những vị trí như: cổ, nách, bẹn, lưng…

    Nếu thấy người bệnh có tình trạng nặng như: buồn nôn, nôn, sốt cao hoặc hôn mê, cần gọi điện cho xe cấp cứu hoặc chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

    Theo Thảo Nguyên/vietq.vn (19/5/2019)

    Hà Nội bắt đầu làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ của Nhật Bản

    0

    Ngày 16/5, “Dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano – Bioreactor Nhật Bản” đã được khởi động.

    Dự án được thực hiện bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản. Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại – Môi trường Nhật Bản, Tiến sĩ Tadashi Yamamura cho biết, công nghệ Nano – Bioreactor đã từng thành công tại một số dự án về xử lý ô nhiễm nước sông trên thế giới như tại Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc…

    Các kỹ sư và công nhân hạ thiết bị xử lý ô nhiễm xuống sông Tô Lịch. Ảnh PV

    “Dự án tài trợ thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng Công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản” do đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt thực hiện bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản.

    “Sông Tô Lịch có lượng nước thải công nghiệp ít hơn nhưng lượng bùn ở tầng đáy rất lớn, bốc mùi hôi thối. Bài toán này có thể được xử lý bằng công nghệ Nano – Bioreactor” – ông Tadashi Yamamura chia sẻ.

    Theo giới thiệu của ông Tadashi Yamamura, công nghệ nêu trên có thể phân hủy hoàn toàn lớp bùn ở tầng đáy mà không cần nạo vét cơ học, xử lý nguồn gây ô nhiễm tạo ra mùi hôi thối của sông Tô Lịch là bùn tầng đấy. Với công suất xử lý lên tới 1.350.000m3/ngày đêm, nước thải ra sông Tô Lịch có thể được xử lý trong ngày.

    Phát biểu tại buổi khởi động dự án, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, TS khoa học Nghiêm Vũ Khải cho rằng, vấn đề ô nhiễm môi trường của cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đang gặp rất nhiều thách thức. Việc thí điểm các công nghệ hiện đại nhằm xử lý ô nhiễm nguồn nước là cần thiết, đặc biệt với Hà Nội.

    Tuy nhiên, ông Nghiêm Vũ Khải cũng bày tỏ: “Mặc dù đây là một công nghệ hiện đại, nhưng không phải là “bảo bối”, cứ như thế môi trường sạch sẽ mãi mãi được. Do vậy, chúng ta phải tiếp cận đến giải pháp tổng thể xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp từ nguồn”.

    Theo Anh Thư/tinmoitruong.vn (16/5/2019)

    Startup Pháp đưa khẩu trang công nghệ cao, chống ô nhiễm đến châu Á

    R-PUR, hãng khởi nghiệp đang làm khẩu trang chống ô nhiễm ở Pháp, đang tìm cách đưa sản phẩm thời trang, cao cấp đến khách hàng một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

    Khẩu trang R-PUR Nano Ảnh: Handout

    Theo South China Morning Post, dù hãng có trụ sở ở Paris chưa thu hút được bất cứ nhà đầu tư châu Á nào, họ vẫn có kế hoạch thành lập văn phòng tại Hồng Kông và làm việc với nhiều đối tác trong khu vực để tiếp thị khẩu trang R-PUR Nano.

    CEO kiêm nhà đồng sáng lập R-PUR Flavien Hello cho hay khách hàng châu Á đang phản ứng tốt với chiến dịch tiếp thị trực tuyến sau nhiều đợt ô nhiễm không khí gần đây ở Thái Lan và Hàn Quốc.

    Sản phẩm khẩu trang công nghệ cao R-PUR từng được trình làng tại Triển lãm Công nghệ Tiêu dùng CES 2019. Công ty đã bán được 10.000 khẩu trang và 70% doanh số là ở Pháp. Giá mỗi chiếc là 195 USD, khá đắt đỏ so với mức trung bình. Hãng huy động được 250.000 EUR hồi năm 2018 sau hai vòng gọi vốn và đang trong quá trình tiến hành vòng đầu tư mới.

    Khẩu trang R-PUR Nano gồm hai phần, một bộ lọc có thể thay thế và khẩu trang vải có thể tái sử dụng. Khẩu trang kèm ứng dụng di động ước tính khi nào thì bộ lọc nên được thay thế dựa trên chất lượng không khí tại nơi sống của người đeo.

    R-PUR cho hay khẩu trang có thể lọc được nhiều hạt nhỏ đến 0,05 micromet, nhỏ hơn nhiều so với chiều rộng của một sợi tóc người vốn là 70 micromet. Khẩu trang đạt chuẩn chứng nhận châu Âu EN149-FFP3, vốn được cấp cho mức độ bảo vệ cao nhất. Công ty tốn hai năm và 500.000 EUR để phát triển khẩu trang.

    Sản phẩm R-PUR Nano Ảnh: Handout

    Wong Tsz-wai, giáo sư nghiên cứu y tế công thuộc Đại học Hồng Kông, cho biết trong khi một số nghiên cứu ngắn hạn thực hiện trên người trẻ, khỏe mạnh cho thấy khẩu trang có thể giúp loại bỏ khí độc hại từ ô nhiễm không khí, một số người cảm thấy khó thở hơn. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, các hạt nhỏ có đường kính dưới 10 micromet gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nhất vì chúng xâm nhập sâu vào phổi, một số còn có thể đi vào máu.

    Việc tiếp xúc với các hạt như trên có thể ảnh hưởng đến phổi và tim. Nhiều nghiên cứu khoa học liên kết việc phơi nhiễm với hạt bụi với nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có tử vong sớm với người mắc bệnh tim hoặc phổi, chức năng phổi giảm và hen suyễn nặng hơn.

    Doanh số các thiết bị công nghệ lọc không khí tăng mạnh trong những năm gần đây khi chất lượng không khí tại các thành phố lớn liên tiếp lao dốc. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 4,2 triệu người chết vì ô nhiễm không khí mỗi năm.

    Theo Market Insight Reports, ngành công nghiệp khẩu trang chống ô nhiễm toàn cầu dự kiến đạt 4,6 tỉ USD năm 2025. Chỉ riêng ở Trung Quốc, ngành sản xuất khẩu trang chống ô nhiễm đã vượt trên 600 triệu USD.

    Theo Thanhnien.vn (17/5/2019)

    Amiăng: “Sát thủ” đứng sau hàng nghìn ca ung thư mỗi năm

    Dù được biết đến là một trong những chất gây ung thư nhiều nhất đối với con người nhưng tại Việt Nam, amiăng vẫn được sử dụng rất phổ biến, đặc biệt là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

    Việt Nam trong top 5 nước sử dụng amiăng nhiều nhất

    Amiăng được biết đến là một trong những chất gây ung thư nhiều nhất đối với con người nhưng vẫn được sử dụng rất nhiều. Mười năm trở lại đây, Việt Nam là một trong 5 nước sử dụng amiăng nhiều nhất thế giới.

    Tại Việt Nam, amiăng được dùng để sản xuất tấm lợp fibro xi măng và được xem như là loại chất lợp rẻ tiền, dễ sản xuất và sử dụng. Bên cạnh đó, amiăng còn được sử dụng rộng rãi để sản xuất các loại vật liệu chống cháy, cách âm, cách nhiệt dùng trong xây dựng, đóng tàu biển, chế tạo vỏ bọc cho các thiết bị chịu nhiệt, các đường ống ngầm…

    Tuy nhiên, từ những năm 1980, tính độc hại và khả năng gây ra một số dạng ung thư của amiăng đã được phát hiện và cảnh báo. Amiăng trắng được khẳng định là có hại cho sức khỏe, chủ yếu là xâm nhập qua đường hô hấp. Người tiếp xúc thường xuyên với amiăng có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến phổi, ung thư biểu mô, thanh quản… Trong đó, những nơi sử dụng vật liệu có chứa amiăng phổ biến là vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.


    Tấm lợp fibro xi măng hiện vẫn đang được nhiều vùng dân tộc thiểu số sử dụng. Ảnh: Báo Công thương

    Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), amiăng (kể cả amiăng trắng), là một trong những chất gây ung thư nghề nghiệp, là nguyên nhân gây ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, bệnh bụi phổi amiăng, ung thư vòm họng và ung thư buồng trứng. Hàng năm thế giới có trên 107.000 người chết vì các bệnh ung thư này.

    Trước những hậu quả về sức khỏe, tính mạng do amiăng gây ra, WHO thống kê (đến tháng 7/2017) đã có 64 nước cấm sử dụng amiăng toàn bộ hoặc một phần, 56 nước cấm hoàn toàn amiăng trong sản xuất và sử dụng. Nhiều nước đã cấm mọi sản phẩm có chứa amiăng và hiện chỉ còn 35 nước sử dụng, trong đó có Việt Nam.

    Trước thực trạng này, ngày 01/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch Phát triển kinh tế- xã hội, trong đó giao cho Bộ Xây dựng “Nghiên cứu, xây dựng và phát triển vật liệu xây dựng sử dụng cho các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025; xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023”.

    Theo hướng này, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo Đề án “Lộ trình dừng sử dụng amiăng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023”.

    Chất thải chứa amiăng làm tăng nguy cơ ung thư

    Liên quan tới vấn đề trên, đã có nhiều nhà khoa học đã nêu rõ sự độc hại của amiăng trắng và các bệnh liên quan đến amiăng, đặc biệt là bệnh ung thư, các giải pháp phòng chống tác hại của amiăng.

    Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của tuyên truyền, nâng cao nhận thức về độc hại của amiăng; áp dụng giải pháp thay thế vật liệu có amiăng; tính pháp lý của quyết định cấm sử dụng amiăng, tiến tới ngừng sử dụng amiăng trắng ở Việt Nam trong tương lai gần.

    Cụ thể, theo GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam, mặc dù amiăng có nhiều công dụng, nhưng nghiên cứu độc lập của các nhà khoa học tại Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Thụy Điển, Canada, Đan Mạch và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chứng minh rằng amiăng (gồm cả amiăng trắng) là một trong những chất gây ung thư nghề nghiệp, là nguyên nhân gây ra ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, bệnh bụi phổi amiăng, ung thư vòm họng và ung thư buồng trứng.

    Tại Việt Nam, từ những năm 1960, amiăng đã được sử dụng để sản xuất tấm lợp, phân lân nung chảy, các loại má phanh, vật liệu cách nhiệt. Trong đó, trên 90% amiăng nhập khẩu về được sử dụng để sản xuất tấm lợp (thường được gọi là tấm lợp fibro xi măng). Đáng lưu ý là, hiện có khoảng 95% tấm lợp có chứa amiăng đang được sử dụng tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

    “Chúng ta cần tuyên truyền rộng rãi để người dân nâng cao hiểu biết về amiăng và các bệnh do amiăng gây ra, giúp người dân có biện pháp phòng ngừa, tự bảo vệ mình. Kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế để nhập nguyên liệu sản xuất tấm lợp không amiăng; giảm thuế cho doanh nghiệp sản xuất tấm lợp không sử dụng amiăng”, GS. TS Lê Vân Trình nói.


    PGS.TS Nguyễn Văn Sơn – Phó viện trưởng Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế). Ảnh: GDVN

    PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cũng cho rằng, hiện nay, tại nước ta có khoảng 40 cơ sở sản xuất tấm lợp có amiăng.

    Tại cộng đồng, người dân sử dụng tấm lợp amiăng để lợp mái nhà, bếp, chuồng trại chăn nuôi. Người sử dụng tấm lợp fibro xi măng có nguy cơ nhiễm amiăng từ hoạt động khoan, cắt, lắp đặt, tháo dỡ tấm lợp Fibro xi măng, từ nguồn phế thải từ tấm lợp fibro xi măng.

    Các chất thải có chứa amiăng có khả năng làm tăng tỷ lệ mắc ung thư do sợi amiăng xâm nhập cơ thể qua đường ăn uống, hô hấp hoặc qua da. Thí dụ, khi sợi amiăng được hít vào cơ thể qua đường hô hấp, sợi amiăng sẽ xâm nhập vào phổi, gây tổn thương tế bào biểu mô, dẫn tới các bệnh về phổi như ung thư phổi, ung thư biểu mô. Thời gian ủ bệnh từ 10-40 năm.

    Tại Việt Nam, bệnh bụi phổi animăng từ năm 1976 được công nhận là bệnh nghề nghiệp được đền bù. Kết quả nghiên cứu khoa học của Bộ Y tế giai đoạn 2010-2011 khẳng định đến 80% ca ung thư trung biểu mô ở Việt Nam có liên quan đến amiăng.

    Tại Hàn Quốc, ca bệnh đầu tiên ung thư trung biểu mô liên quan đến amiăng được xác định là một nữ công nhân, năm 1993. Một năm sau, ca bệnh này được công nhận là có liên quan đến công việc. Bệnh nhân có 19 năm làm việc tại một nhà máy dệt amiăng.

    Mỗi năm, Hàn Quốc chi khoảng 8 tỷ USD để đền bù cho các bệnh nhân mắc bệnh liên quan amiăng. Đầu năm 2018, có hơn 2.800 người được bồi thường. Năm 2015, Hàn Quốc đã cấm triệt để dùng chất này trong mọi lĩnh vực.

    Nhật Bản cấm sử dụng amiăng từ năm 2012 ở tất cả ngành công nghiệp. Trên thế giới, từ năm 2013 đến nay có hơn 60 nước đã cấm sử dụng tất cả các dạng amiăng.

    Trước gánh nặng bệnh tật và tài chính do các bệnh liên quan đến amiăng, WHO và Tổ chức Lao động quốc tế đều khuyến nghị cấm hoàn toàn sử dụng mọi dạng amiăng. Đây là cách hiệu quả nhất để loại bỏ các bệnh liên quan đến chất này.

    Theo Bảo Lâm/vietq.vn (17/5/2019)

    Cách tính lượng khí thải từ hoạt động sản xuất hydro

    Ngày 13/5/2019, Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) cho biết, đã nhất trí về những quy định cập nhật để tính toán chính xác hơn đối với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của các nước, trong đó có cách tính lượng khí thải từ hoạt động sản xuất hydro.

    Các quy định trên được IPCC thông qua sau cuộc họp của đại hội đồng ICPP diễn ra từ ngày 8 – 12/5 tại thành phố Kyoto (Nhật Bản), trước khi Hiệp định Pari về biến đối khí hậu bắt đầu được thực thi chính thức vào năm 2020.

    Cách tính khí thải trên bổ sung cách tính trước đó được đưa ra từ năm 2006, theo đó bao gồm cả các cách tính lượng khí thải từ hoạt động sản xuất hydro được dùng trong các pin nhiên liệu và các sản phẩm khác, cũng như lượng khí thải xuất phát từ hoạt động khai thác than đá và khí đốt tự nhiên. Cách tính mới này cũng giúp các nước ước tính chính xác hơn về lượng khí phát thải từ hoạt động chôn lấp rác thải và xử lý nước thải.

    Quy định mới sẽ được ban hành sau khi được thông qua tại hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.

    Theo Hồng Cẩm/tapchimoitruong.vn