Ngày 16/5, “Dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano – Bioreactor Nhật Bản” đã được khởi động.

Dự án được thực hiện bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản. Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại – Môi trường Nhật Bản, Tiến sĩ Tadashi Yamamura cho biết, công nghệ Nano – Bioreactor đã từng thành công tại một số dự án về xử lý ô nhiễm nước sông trên thế giới như tại Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc…

Các kỹ sư và công nhân hạ thiết bị xử lý ô nhiễm xuống sông Tô Lịch. Ảnh PV

“Dự án tài trợ thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng Công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản” do đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt thực hiện bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản.

“Sông Tô Lịch có lượng nước thải công nghiệp ít hơn nhưng lượng bùn ở tầng đáy rất lớn, bốc mùi hôi thối. Bài toán này có thể được xử lý bằng công nghệ Nano – Bioreactor” – ông Tadashi Yamamura chia sẻ.

Theo giới thiệu của ông Tadashi Yamamura, công nghệ nêu trên có thể phân hủy hoàn toàn lớp bùn ở tầng đáy mà không cần nạo vét cơ học, xử lý nguồn gây ô nhiễm tạo ra mùi hôi thối của sông Tô Lịch là bùn tầng đấy. Với công suất xử lý lên tới 1.350.000m3/ngày đêm, nước thải ra sông Tô Lịch có thể được xử lý trong ngày.

Phát biểu tại buổi khởi động dự án, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, TS khoa học Nghiêm Vũ Khải cho rằng, vấn đề ô nhiễm môi trường của cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đang gặp rất nhiều thách thức. Việc thí điểm các công nghệ hiện đại nhằm xử lý ô nhiễm nguồn nước là cần thiết, đặc biệt với Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Nghiêm Vũ Khải cũng bày tỏ: “Mặc dù đây là một công nghệ hiện đại, nhưng không phải là “bảo bối”, cứ như thế môi trường sạch sẽ mãi mãi được. Do vậy, chúng ta phải tiếp cận đến giải pháp tổng thể xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp từ nguồn”.

Theo Anh Thư/tinmoitruong.vn (16/5/2019)